08/05/2016
2106
ĐỨC MARIA,
MẸ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
Kính thưa quý Cha thân mến,
Bước vào tháng 5, lòng trí chúng ta tự nhiên hướng về Đức Mẹ với tất cả lòng kính yêu, trong khi bầu khí của năm thánh Lòng Thương Xót, lòng trí chúng ta cũng đồng thời hướng về lòng Chúa thương xót. Hai yếu tố trên đây gợi lên trong tôi đề tài “Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót” để suy niệm và chia sẻ với quý Cha.

Các suy tư thần học và Thánh Kinh luôn cần thiết như nền tảng, trên đó, chúng ta có thể xây dựng đời sống thiêng liêng và các công tác mục vụ của chúng ta. Vì vậy, từ những chỉ dẫn về thần học và Thánh Kinh, tôi sẽ chú ý đặc biệt đến vấn đề tu đức, tức làn những áp dụng của suy tư thần học và thánh kinh cho đời sống sứ vụ chúng ta. Do đó, sau ít nét lược sử về tước hiệu “Mẹ của lòng thương xót” và ít dòng về ý nghĩa của tước hiệu đó, chúng ta sẽ dành thời giờ để chiêm ngắm Đức Mẹ bên cây Thánh Giá. Đây là hai sự kiện nổi bật, đánh dấu cuộc đời của Đức Mẹ và diễn tả rõ nét khía cạnh của lòng thương xót nơi Đức Mẹ.
  1.  Tước hiệu “Mẹ của lòng thương xót”
Tước hiệu “Mẹ của lòng thương xót” dịch từ tiếng latinh “Mater Misericordiea”, cũng được dịch sang tiếng Việt “Mẹ nhân lành” hay “Mẹ xót thương”.
  1. Đôi dòng lịch sử của tước hiệu
Tước hiệu Đức Mẹ là “Mẹ của lòng thương xót” đã được Đức Thánh Cha Phanxicô dùng trong Tông sắc “Dung mạo lòng thương xót” khi ngài mời gọi toàn thể con cái Giáo Hội hướng nhìn lên Đức Mẹ: “Giờ đây chúng ta hướng tâm trí về NGười Mẹ của Lòng Thương Xót. Xin ánh mắt dịu hiền của Mẹ luôn dõi theo chúng ta trong suốt Năm Thánh này.” (Tông sắt dung mạo, số 24).

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô không phải là người đầu tiên nói đến tước hiệu này. Trước đó, trong thông điệp “Thiên Chúa giầu lòng thương xót”, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã giới thiệu Đức Mẹ là “Mẹ của lòng thương xót”, “Mẹ của lòng Chúa thương xót” và “Mẹ giầu lòng thương xót” (Thông điệp Thiên Chúa giầu lòng thương xót, số 9). Cũng chính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã lấy tước hiệu này đặt thêm một lời cầu trong kinh cầu Đức Bà.

Đi ngược dòng lịch sử, người ta thấy tước hiệu “Mẹ của lòng thương xót” có một nguồn gốc xa xưa. Trong kinh “Salve Regina”, được dịch sang tiếng Việt là kinh “Lạy Nữ Vương” (Bản kinh phổ thông) hay kinh “Kính chào Đức Nữ Vương” (Bản dịch của nhóm GKPV), ngay câu đầu, Đức Mẹ đã được kính chào với tước hiệu này: “Kính chào Đức Nữ Vương, Bà là Mẹ xót thương, ngọt ngào cho cuộc sống, kính chào lẽ cậy trông…” (Bản dịch của nhóm GKPV) hay “Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy” (Bản kinh phổ thông): Salve, Reina, Mater misericordiea, vita, dulcedo, et spes nostra, salve.

Kinh “kính chào Đức Nữ Vương” có nguồn gốc từ thế kỷ XI và được sửa đổi nhiều lần. Lần sửa đổi sau cùng do các tu sĩ của Tu viện Cluny (Pháp) thực hiện vào thế kỷ XII và bản sửa đổi này của Tu viện Cluny đã được thông truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay. Tuy nhiên, chính tước hiệu “Mẹ của lòng thương xót” (Mater misericordiea) còn có nguồn gốc sớm hơn, vào thế kỷ X, trong một lời kinh do thánh Odone, Viện phụ của Tu viện Cluny viết. Theo lịch sử cuộc đời thánh Odone, một kẻ trộm vào tu viện, bị Viện phụ Odone bắt được, rồi được ngài cải hóa, nhờ vậy, kẻ trộm này trở thành một thầy dòng rất đạo đức. Trong cơn bệnh nặng, thầy dòng “kẻ trộm” này đã kể cho Viện phụ Odone là thầy đã được thị kiến thấy Đức Mẹ. Đức Mẹ xưng mình là “Mẹ của lòng thương xót” và hứa sẽ đưa thầy về Thiên Đàng. Qua sự kiện này, Viện phụ Odone đã viết một kinh kính Đức Mẹ và kêu xin Đức Mẹ với tước hiệu “Mẹ của lòng thương xót”. Viện phụ Odone qua đời vào năm 943.
  1. Ý nghĩa của tước hiệu
Đức Thánh Cha Phanxicô khi mời gọi con cái của Giáo Hội ngước mắt trông lên Đức Mẹ là  “người Mẹ của Lòng Thương Xót”, cũng cắt nghĩa những lý do của tước hiệu này mà trong thực tế, nhắc lại giáo huấn của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II trong thông điệp “Thiên Chúa giầu lòng thương xót” (số 9).
Theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, “Đức Maria là người biết thấu đáo, hơn tất cả, mầu nhiệm lòng Thiên Chúa thương xót. Hơn ai hết, Người biết cái giá phải trả của mầu nhiệm ấy và biết nó lớn lao biết chừng nào. Trong ý nghĩa ấy, chúng ta cũng gọi người là Mẹ của lòng thương xót” Đức Bà có lòng thương xót hay Đức Mẹ của lòng Thiên Chúa thương xót” (Thiên Chúa giầu lòng thương xót, số 9).

Đức Mẹ hiểu thấu đáo mầu nhiệm lòng Chúa thương xót hơn tất cả mọi người, vì chính Đức Mẹ cảm nghiệm và được thấm nhuần bởi lòng Chúa xót thương cho chính mình và cho tất cả nhân loại. Những cảm nghiệm này Đức Mẹ đã nói lên với lòng hân hoan qua lời kinh tán tụng “Magnificat”: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới… Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.”

Vì được thấm nhuần tình yêu xót thương của Thiên Chúa, Đức Mẹ đã trở thành hiện thân của lòng thương xót của Chúa. Nhờ vậy, Đức Mẹ đã mạc khải và làm cho tình yêu thương xót của Thiên Chúa trở nên gần gũi và cụ thể với mọi người, nhất là với những người đau khổ, nghèo đói, những người bị cầm tù và bị áp bức, những người đui mù, những người gặp hoan nạn và những người tội lỗi. Chính vì vậy, trong kinh cầu Đức Bà, các tín hữu luôn kêu xin:
                        Đức Bà cứu kẻ liệt kể khốn.
                        Đức Bà bầu chữa kẻ có tội.
                        Đức Bà yên ủi kẻ âu lo.
                        Đức Bà phù hộ các giáo hữu.
  1. Hai sự kiện biểu lộ tâm tình xót thương của Đức Mẹ
Những tâm tình và thái độ xót thương của Đức Mẹ được biểu lộ đặc biệt trong tiệc cưới Cana và trên đồi Calvê bên cây Thánh Giá.
  1. Tiệc cưới Cana (Ga 2, 1-12)
Câu chuyện tiệc cưới Cana rất quen thuộc diễn tả tuyệt vời tâm tình thương xót của Đức Mẹ.
Đây là một hoàn cảnh rất khó khăn, có thể nói là tuyệt vọng. Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa nước thành rượu. Nhờ vậy, niềm vui của tiệc cưới không những được gìn giữ vẹn toàn mà còn tăng thêm rượu ngon đặc biệt. Được như vậy là nhờ lời Đức Mẹ cầu bầu. Nhưng một điều rất đặc biệt làm chúng ta ngạc nhiên là chưa ai biết là rượu sắp cạn, kể cả chú rể và ông quản tiệc. Chỉ duy một mình Đức Mẹ. Mà Đức Mẹ không chờ chú rể hay ông quản tiệc yêu cầu, nhưng vừa khi thấy khó khăn của đôi tân hôn, Đức Mẹ đã ra tay cầu cứu Chúa. Sau đó, Mẹ lại “lui vào bóng tối”, không ai để ý tới Đức Mẹ nữa, mặc dù Đức Mẹ còn ở đó. Bài tường thuật câu chuyện tiệc cưới Cana kết thúc với câu: “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Caphácnaum và ở lại đó ít ngày.” (Ga 2, 11-12).

Câu chuyện tiệc cưới Cana biểu lộ rõ ràng tâm tình sâu xa của Đức Mẹ với đối với đôi tân hôn, hình ảnh của tất cả những ai gặp hoạn nạn khó khăn. Lòng thương người của Đức Mẹ được thể hiện qua sự hiện diện nhẹ nhàng, sự bén nhạy và quan tâm để nhận ra khó khăn của đôi tân hôn và tâm hồn thanh thoát nên làm ơn mà không cần ai biết và cám ơn. Hạnh phúc chỉ vì đã giúp được một người, giải quyết khó khăn của họ.
  1. Bên cây Thánh Giá
Trong giây phút Chúa dâng mình làm lễ tế đền tội thay cho nhân loại trên cây Thánh Giá, cũng là giây phút biểu lộ tột cùng của tình Thiên Chúa xót thương nhân loại tội lỗi, Thánh Gioan tóm tắt tất cả tâm tình của Đức Mẹ bằng một câu: “Đứng bên thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người” (Ga 19,25).
Đứng bên cây Thập Giá của Chúa, âm thầm, không một lời nói, không một hành động, Đức Mẹ chứng kiến và đồng thời cũng tham dự vào tình yêu thương xót của Chúa: Đức Mẹ mang vào mình sự đau đớn của Chú Giêsu con mình và cả chính mình với tất cả sức mạnh của tình yêu dâng hiến để trở nên của lễ đền tội thay cho nhân loại; khi nghe Chúa thốt lên lời: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34), Đức Mẹ chứng kiến sức mạnh của lòng thương xót qua việc tha thứ cho chính những người là căn cớ của sự đau đớn hãi hùng của mình và Đức Mẹ cúng tham dự vào sức mạnh đó vì chính Đức Mẹ cũng tha thứ.

Theo thông điệp “Thiên Chúa giầu lòng thương xót”, “Đức Maria là người đã có kinh nghiệm một cách đặc biệt và phi thường – hơn ai hết – về lòng thương xót và đồng thời vẫn một cách phi thường, đã nhờ lễ tế lòng mình mà có thể đích thân góp phần vào việc mạc khải lòng Thiên Chúa thương xót.” (Thiên Chúa giầu lòng thương xót, số 9). Đây chắc chắn cũng là con đường để anh em Linh mục thông truyền lòng thương xót của Thiên Chúa cho những ai lầm lỡ, tội lỗi. Thương yêu, nâng đỡ, trợ lực là ơn gọi sứ mệnh Linh mục, nhưng sứ mệnh đứng trước sức mạnh của sự dữ, nhiều khi hiện hình trong những con người, đòi hỏi một giá đắt hơn. Đó là mầu nhiện Thập Giá: chấp nhận, hứng chịu đau khổ mà vẫn yêu thương và tha thứ, cả khi không thấy dấu hiệu của sự ăn năn, hối cải.

Kính thưa quý Cha, để kết thúc mấy dòng suy niệm này, tôi lập lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông sắc “Dung mạo lòng thương xót” như sau: “Chúng ta hãy dâng lên Mẹ lời kinh rất cổ xưa nhưng cũng luôn mới mẻ: Salve Regina (Lạy Nữ Vương), xin Mẹ đừng bao giờ trở nên mệt mỏi trong việc hướng cặp mắt từ bi của Mẹ xuống trên chúng ta, và làm cho chúng ta trở nên xứng đáng được ngắm nhìn Dung Nhan của Lòng Thương Xót, là Chúa Giêsu, Con của Mẹ.” (Dung mạo, số 24). Xin Đức Mẹ là “Mẹ của lòng thương xót” hướng dẫn tất cả anh em Linh mục chúng ta trong sứ mện truyền đạt lòng thương xót của Chúa cho Đoàn Dân của Ngài. Chớ gì các Linh mục của Giáo phận Xuân Lộc thấm nhuần lòng thương xót của Chúa để làm cho Giáo phận chúng ta trở thành Cộng đoàn thương xót, trong đó không một người nào không được nếm hương vị ngọt ngào của lòng thương xót, đồng thời không một người nào không phải là chứng nhân và sứ giả của lòng Chúa thương xót cho anh chị em của mình.

 
Thân ái mến chào quý Cha.
+Đaminh Nguyễn Chu Trinh
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...