08/04/2020
3236

LỜI CHỦ CHĂN

Tháng 04 năm 2020

LÒNG THƯƠNG XÓT

DỊCH COVID-19 VÀ CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA KITÔ

  

Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,

Dịch Covid-19 vẫn còn lan tràn ở nhiều nơi trên thế giới, gây ra lo âu và nguy hiểm cho mạng sống của nhiều người. Hiện nay, dịch Covid-19 có lẽ là đề tài chính yếu của các kênh truyền thông, trong các câu chuyện giữa bạn bè, người thân cũng như của các bài suy tư nghiêm túc của nhiều tác giả. Chính trong hoàn cảnh xã hội như vậy mà Giáo Hội đang bước vào Tam Nhật Thánh, là trung tâm của mầu nhiệm cứu độ và đời sống của người kitô hữu.

Từ bối cảnh này, tôi muốn chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ đôi suy nghĩ và tâm tình thiêng liêng do hoàn cảnh của dịch Covid-19 và phụng vụ Tuần Thánh gợi lên. Đề tài của mấy dòng chia sẻ đơn sơ này là: “Lòng thương xót – Dịch Covid-19 và cuộc khổ nạn của Chúa Kitô”.

1.     Suy nghĩ về hai sự kiện trong đại dịch Covid-19

Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ngày nào cũng có những mẩu tin và những bài bình luận, suy tư về rất nhiều khía cạnh liên quan đến cơn đại dịch Covid-19. Liên quan đến đời sống thiêng liêng và trách nhiệm mục vụ, tôi muốn để ý đến hai sự kiện và có đôi suy nghĩ về những sự kiện đó.  

a)     Lòng khao khát tham dự Thánh Lễ

Để tránh tình trạng lây lan nguy hiểm của bệnh dịch Covid-19, cũng như nhiều giáo phận khác, Giáo phận chúng ta đã phải có quyết định từ ngày 28 tháng 3 năm 2020, các cha dâng lễ không có giáo dân tham dự. Trong Thánh Lễ ngày 27 tháng 3, quý Cha đã đọc Thư Chung với quyết định nói trên và coi Thánh Lễ dâng ngày 27 tháng 3 là Thánh Lễ “cuối cùng”, với ý tưởng là từ ngày đó, giáo dân sẽ không được dự lễ hằng ngày, sẽ không còn được rước lễ, đón nhận Chúa trong bí tích Thánh Thể mà thời gian kéo dài chưa thể định trước. Vì vậy, đọc Thư Chung xong, tại nhiều giáo xứ “Cha con” cùng khóc với nhau! Sự việc này diễn tả lòng khao khát Thánh Lễ và lòng yêu mến Chúa rất nồng nàn nơi Dân Ngài. Thật cảm động! Thật sốt sắng! Bỗng nhiên người ta nhận ra rõ ràng là đối với nhiều giáo dân, Chúa Giêsu Thánh Thể thật là nguồn sống. Đi đạo không phải chỉ là giữ luật, không phải vì sợ “phải xuống hỏa ngục”, nhưng là vì yêu mến Chúa. Đúng là “tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5,14). Chúa Kitô là niềm vui, là sức sống, là nguồn hạnh phúc.

Thế rồi, các Thánh Lễ trực tuyến được dâng từ Tòa Giám mục giáo phận và từ các giáo xứ được rất nhiều giáo dân, cá nhân cũng như gia đình, sắp xếp thời giờ để tham dự, hiệp thông thiêng liêng với cộng đoàn phụng vụ. Nhiều gia đình đã sắp đặt một nơi với ghế ngồi cách trang trọng và mọi người ăn mặc chỉnh tề như khi đi dự Thánh Lễ tại Nhà Thờ. Tất cả gia đình, ông bà, cha mẹ, con cái tham dự Thánh Lễ cách trang nghiêm, tạo nên một bầu khí thánh thiện và linh thiêng, cũng như bầu khí ấm cúng và an bình trong tình nghĩa yêu thương của gia đình.

Sự kiện này là nguồn an ủi và cũng là lời nhắc nhở chúng ta, các Linh mục và Tu sĩ. Để có thể hướng dẫn và nuôi dưỡng đoàn dân luôn nhiệt thành và thắp bừng nơi họ lòng khao khát Chúa, chính chúng ta phải là những người đang được thiêu đốt và thôi thúc bởi lòng khao khát Chúa. Mỗi sáng, chúng ta có thể mượn lời Thánh Vịnh để dâng lên Thiên Chúa tâm tình của chúng ta:

Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,

            ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.

            Linh hồn con đã khát khao Ngài,

            tấm thân này mòn mỏi đợi trông,

            như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.”

                                                            (Tv 63,2)

Dịch bệnh Covid-19 đang làm dừng lại nhiều sinh hoạt mục vụ của chúng ta, nên chúng ta có nhiều thời giờ riêng tư, tạo nên cơ hội thuận lợi hiếm hoi để nuôi dưỡng cho cục than hồng “khát khao yêu mến Chúa” đang âm ỉ trong lòng bừng cháy lên thành ngọn lửa chiếu sáng và sưởi ấm lòng trí chúng ta. Có hai việc thiết yếu để cho lòng khát khao yêu mến Chúa được bừng cháy lên là những giây phút cầu nguyện thân tình riêng tư và lòng khiêm nhường thành thực nhận diện những điều đang trói buộc tâm trí để tháo cởi và dứt bỏ. Lúc đó, chúng ta có thể nói với nhau và với các tín hữu của mình: “Tôi biết Đấng tôi tin tưởng; Tôi đã gặp Ngài” (x. 2Tm 1,12). Nhờ đó, qua chúng ta, những người đã bỏ Chúa hay những người chưa biết Chúa sẽ dễ nhận ra Ngài. Tôi xin trích lại đây chứng từ của một bác sĩ người Italia, đã bỏ đạo từ lâu, nay ông đã tìm lại được Chúa nhờ chứng tá của một linh mục trong mùa dịch Covid-19:

Cho tới hai tuần trước đây, tôi và các bạn đồng nghiệp, chúng tôi tất cả là những người vô thần. Đây là chuyện bình thường vì chúng tôi là bác sĩ và chúng tôi đã được dạy bảo là khoa học loại trừ sự hiện diện của Thiên Chúa. Tôi vẫn cười nhạo cha mẹ tôi khi họ đi nhà thờ. Ngày hôm trước, một linh mục đã 75 tuổi đến với chúng tôi. Cha là một người tử tế, đang có vấn đề lớn về hô hấp, nhưng luôn cầm trên tay cuốn Kinh Thánh. Điều gây ấn tượng cho chúng tôi là vị linh mục này luôn gần gũi các bệnh nhân, cầm tay những người hấp hối và đọc Kinh Thánh cho họ nghe. Tất cả các bác sĩ chúng tôi ai cũng mệt mỏi, thất đảm, kiệt sức và không thể làm thêm được gì nữa. Mỗi ngày lại có thêm người chết. Có hai bác sĩ đồng nghiệp đã chết và nhiều người khác đã bị nhiễm. Lúc đó chúng tôi mới nhận ra là chúng tôi cần đến Chúa… Chính trong khi chúng tôi thấy kiệt sức và chán nản, vị linh mục này vẫn có khả năng đem lại cho chúng tôi sự Bình An, cho dù chính ngài cũng gặp những khó khăn như chúng tôi và hơn nữa với sức khỏe yếu kém của ngài. Ngài đã qua đời, nhưng đã giúp tôi tìm lại được Thiên Chúa. Tôi hạnh phúc trở lại với Chúa trong khi chung quanh tôi còn bao là đau khổ, là chết chóc[1].

Trong những ngày này, một số băn khoăn, trăn trở hay hiện lên trong tâm trí và tôi muốn diễn tả bằng những câu hỏi để chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ, cũng như với quý chức Ban Hành giáo và mọi thành phần Tông đồ Giáo dân trong Giáo phận:

-   Những người đang khao khát Chúa và tìm được niềm vui trong đời sống đạo tuy nhiều, nhưng ước chừng được bao nhiêu phần trăm? Có lẽ không phải là đa số?

-   Nếu tình trạng hiện nay còn tiếp tục thêm một thời gian nữa, và nếu chúng ta không tìm ra những phương thức mục vụ thích hợp, chính những người đang sốt sắng và có đời sống thánh thiện, đạo đức liệu có kiên trì trong đời sống đạo không?

-   Trong tình trạng hiện nay, ngoài Thánh Lễ trực tuyến, có phương thức mục vụ nào khác để nuôi dưỡng đời sống Đức Tin cho giáo dân và đem Tin Mừng cho anh chị em Lương dân và Di dân không?

-    Nghĩ đến thời hậu Covid-19, khi tình trạng “cách li” hiện nay kết thúc, người ta sẽ lao mình “kiếm sống” và hưởng thụ, bù lại thời gian đã bị kìm hãm. Trong hoàn cảnh và tâm lý này, cần có những sinh hoạt mục vụ nào thích hợp? Các giáo xứ, giáo họ, các tu sĩ, các tông đồ giáo dân có thể làm được gì để các gia đình vẫn được an bình trong tình thương yêu, để giáo xứ, giáo họ vẫn sầm uất, đạo đức và hăng say trong tinh thần bác ái và truyền giáo?

b)    Lòng Bác ái đua nở

Bên cạnh những nạn nhân bị nhiễm trùng Covid-19, với biết bao đau khổ cho chính họ cũng như gia đình họ, còn rất nhiều người khác cũng bị khốn khổ vì tình trạng kinh tế và vì những hậu quả của dịch Covid-19 cho các sinh hoạt của xã hội: những người mất việc làm, nhất là những cha mẹ không lo được của ăn hằng ngày cho con cái, các cụ già neo đơn, các cơ sở bác ái sống nhờ sự hảo tâm của các ân nhân xa gần, những người đau yếu, tàn tật vẫn trông chờ sự phục vụ của các thiện nguyện viên…

Đứng trước hoàn cảnh của những người đau khổ, rất nhiều người, cá nhân, gia đình cũng như cộng đoàn giáo xứ, giáo họ, dòng tu đã có những nghĩa cử bác ái để xoa dịu các con tim đau khổ, trấn an những người lo lắng, sợ sệt, sưởi ấm tâm hồn lạnh giá của những người cô đơn và cất đi phần nào gánh nặng đang chồng chất trên vai những người đuối sức. Tôi rất hài lòng khi nghe nói về những sáng kiến bác ái nói trên vì đây cũng là điều đã được nói đến trong hai Thư Chung ngày 03/02/2020 và ngày 30/3/2020.

Trong khi bày tỏ niềm vui vì chứng tá bác ái nở rộ trong Giáo phận, tôi cũng muốn chia sẻ một suy tư. Nghĩa cử bác ái là một hành động của tình yêu nên có sức mạnh xây đắp cuộc đời của người đón nhận và cấu tạo sự hiệp thông. Chính trong viễn tượng này, thực hiện một nghĩa cử bác ái là một việc hết sức khó khăn. Khó khăn đến từ hai phía: người nhận và người cho. Về phía người nhận, luôn có cơn cám dỗ chỉ chú tâm đến quà tặng mà không quan âm đến tình nghĩa của người tặng quà. Tin Mừng thánh Gioan kể lại sự kiện Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho dân ăn. Vì biết dân chúng được ăn no nê nên muốn tôn Ngài làm vua, Ngài xuống thuyền đi nơi khác. Dân chúng đoán được nơi Chúa sẽ đến nên họ đi tìm và khi gặp Ngài, họ hỏi: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” Chúa trả lời:  Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ (không phải vì tình nghĩa của tôi), nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,25-27). Về phía người cho, việc bác ái là biểu hiệu của tình yêu. Tuy nhiên, có khi công việc bác ái bị trộn lẫn với những ý nghĩ, tình cảm ích kỷ, chẳng hạn để thỏa mãn sở thích cá nhân, để được ca ngợi, để tìm lợi lộc… Trong trường hợp này, sức mạnh tình yêu bị cùn nhụt và không còn trong sáng nên việc bác ái mất căn tính, không xây đắp tâm hồn của người nhận lẫn người cho và có khi còn trở thành nguyên cớ gây hiềm khích và chia rẽ. Thực hiện việc bác ái đòi một hành trình thiêng liêng, thanh luyện tâm hồn để lòng được thanh thoát khỏi mọi vấn vương ích kỷ.

2.    Cuộc khổ nạn của Chúa và tình yêu thương xót

Phụng vụ Lời Chúa trong Tuần Thánh dẫn chúng ta vào trung tâm của công cuộc cứu độ nhân loại của Chúa Kitô, đặc biệt qua bài tường thuật về cuộc khổ nạn và sự sống lại của Ngài. Bài tường thuật của sách Tin Mừng diễn ra trước mắt mọi người cảnh đớn đau hãi hùng Chúa Kitô gánh chịu, với thân xác bị xé nát, bị kết án bất công, bị nhạo cười và bị xỉ nhục vô cớ, bị mọi người bỏ rơi. “Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.” (Is 53,2-3).

Một điều phải làm chúng ta ngỡ ngàng là cuộc khổ nạn, kết thúc với cái chết nhục nhã và ê chề đớn đau đã không xảy ra như điều bất hạnh, một tai nạn bất ngờ, vì Ngài đã nói trước ba lần và phải nói là Ngài đã tìm kiếm và chờ đợi (x. Mc 8,31; 9,30; 10,32). Lý do là vì cốt tủy của tất cả công cuộc cứu độ là tình yêu. Để cứu chuộc nhân loại lầm than, tội lỗi, Chúa Kitô đã xuống thế làm người, chia sẻ thân phận làm người, đồng hóa mình với nhân loại; Ngài đã giảng dạy để soi sáng, chữa lành các bệnh nhân, hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng đói lả, trông thấy đám đông lầm than vất vưởng thì động lòng thương (x. Mt 14,14; x. Mt 15,32).

Ngài đã làm tất cả chỉ vì thương xót nhân loại, nhưng vẫn chưa đủ. Cuối cùng, Ngài phải trực diện với sức mạnh của sự dữ, chấp nhận trên mình tất cả sức nặng của sự dữ đang trói buộc tâm trí loài người để hóa giải chúng bằng sức mạnh của tình yêu thương xót của Ngài.

Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Chúa Kitô trong cuộc khổ nạn của Ngài để cảm nghiệm được tình yêu thương xót của Ngài đối với nhân loại tội lỗi cũng như đối với chính mình mà mở lòng đón nhận, đồng thời cũng học nơi Ngài lòng thương xót để cộng tác vào công trình cứu chuộc nhân loại của Ngài: “Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.” (Mt 9,36).  Để kiên trì cộng tác với Chúa trong công trình cứu chuộc nhân loại bằng tình yêu thương xót, chúng ta cần phải dành nhiều thời gian chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh trên Thánh Giá và nghiền ngẫm giáo huấn của Ngài đến độ giáo huấn đó thấm nhuần vào tâm trí để trở thành một xác tín: chỉ có tình yêu mới biến đổi và xây dựng; chỉ có lòng thương xót thứ tha mới có sức đánh tan sự thù hận và tất cả sức mạnh của sự dữ. Chính vì Ngài hạ mình và tập vâng lời đến chết trên thập giá mà Chúa Cha đã tôn vinh Ngài là Chúa (x. Phil 2,6-11). Chúa Kitô đã chết vì tình yêu và Ngài đã sống lại. Sau thứ Sáu Tuần Thánh là ngày Chúa Nhật Phục Sinh, vinh quang và vui mừng!

Thứ năm Tuần Thánh, ngày sinh nhật của chức Linh Mục, lòng tôi khao khát được gặp tất cả quý Cha trong thánh lễ Truyền Dầu, nhưng lại không thể được. Tôi xin gửi đến từng Cha, dù đang làm việc hoặc đã về hưu, lòng yêu mến chân thành và biết ơn sâu xa của tôi. Nguyện xin Chúa Giêsu Linh Mục làm cho trái tim chúng ta bừng cháy lửa yêu mến Ngài, để nhờ Ngài, chúng ta có thể hết lòng yêu mến và nhiệt thành phục vụ dân Chúa. Dù chỉ có ít quý chức hiện diện, xin quý Cha hãy cử hành Phụng Vụ Tuần Thánh cách sốt sắng, trọn lòng hướng về Chúa để cầu nguyện cho giáo dân đã được trao phó cho quý Cha, để làm bừng cháy lên trong ngôi Nhà thờ giáo xứ ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, có sức soi sáng và lan tỏa tình yêu đến từng trái tim của đoàn Dân Chúa.

Sau cùng, tôi và Đức cha Phụ tá Gioan mến chúc quý Cha, quý Tu sĩ Tuần Thánh và lễ Phục Sinh thánh thiện và hân hoan trong niềm vui của Chúa Kitô phục sinh. Cũng xin quý Cha và quý Tu sĩ chuyển lời cầu chúc của chúng tôi đến toàn thể đoàn Dân Chúa, mà trong Tam Nhật Thánh này, tôi đặc biệt ôm ấp trong lời cầu nguyện để tất cả có thể biến đổi sự đau buồn của hoàn cảnh đại dịch Covid-19 thành cơ hội của ơn thánh mà canh tân đời sống cá nhân, gia đình và giáo xứ. Thân mến chào quý Cha và quý Tu sĩ.

 

+ Giuse Đinh Đức Đạo

Giám mục Giáo phận Xuân Lộc


[1]Manuela Petrini, IN TERRIS, Quotidiano digitale – Venerdi 03 aprile 2020

 


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...