14/04/2016
2671
MẦU NHIỆM PHỤC SINH 
VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT
    Kính thưa quý Cha thân mến, 
    Các sinh hoạt mục vụ và chính đời sống thiêng liêng của chúng ta trong suốt tháng Tư, và cả những tháng tiếp theo, được chiếu sáng và hướng dẫn bởi sự kiện suối nguồn của đời sống Đức Tin là mầu nhiệm Phục Sinh, đã được cử hành trong những ngày cực thánh mà cao điểm là Đại lễ Phục Sinh ngày 27 tháng 3 vừa qua.

    Mầu nhiệm Phục Sinh năm nay được cử hành hành trong năm thánh Lòng Thương Xót. Hai yếu tố Phục Sinh và Lòng Thương Xót kết tụ lại với nhau, chiếu soi lẫn cho nhau và giúp chúng ta hiểu được các ý nghĩa cách rõ ràng và sâu đậm hơn.

    Khi nói đến Lòng thương xót, người ta nghĩ ngay đến Đức Thánh Cha Phanxicô, qua Tông sắc “Dung mạo lòng thương xót” (Misericordiae Vultus), đã quyết định mở năm thánh Lòng Thương Xót và được toàn thể con cái của Hội Thánh hưởng ứng. Tuy nhiên, lòng thương xót đã là một trong những điểm nồng cốt trong hành trình đời sống đạo lâu đời trong lịch sử Giáo Hội và trong giáo huấn của Đức Thánh Cha, đặc biệt từ Công đồng Vaticanô II. Chúng ta phải nhắc tới giáo huấn của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI và nhất là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, qua thông điệp “(Thiên Chúa) giầu lòng thương xót” (Dives in Misericordiae), được công bố ngày 30 tháng 11 năm 1980. Có thể nói, các Đức Thánh Cha tiền hiệm đã kiên trì gieo vãi hạt giống và bây giờ Đức Thánh Cha Phanxicô gặt hái mùa bội thu.

Dựa vào giáo huấn của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thông điệp “(Thiên Chúa) giầu lòng thương xót”, tôi xin gửi đến quý Cha dòng suy tư để hướng dẫn cho hành trình thiêng liêng trong đời sống và sứ vụ linh mục của chúng ta.

    1. Mầu nhiệm Phục Sinh mạc khải và thực hiện lòng thương xót.
    Trong thông điệp“(Thiên Chúa) giầu lòng thương xót”, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dành trọn chương V để nói về tương quan giữa mầu nhiệm Phục Sinh và lòng thương xót. Tôi xin trích dẫn dưới đây vài đoạn trong chương V này để làm nổi bật ý tưởng chính yếu Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II  muốn nói về mầu nhiệm Phục Sinh và lòng thương xót.

    a. “Lòng thương xót được mạc khải trong Thập giá và sự Phục Sinh… Mầu nhiệm Phục Sinh làm thành đỉnh cao cho công cuộc mạc khải và thi hành lòng thương xót có khả năng công chính hóa con người, tái lập sự công chính… Chính tình thương không những tạo thành cái tốt, mà còn cho tham dự vào cả cái tốt, tham dự vào cả sự sống của Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần. Thật vậy, kẻ đã yêu thương thì muốn tự hiến chính mình.” (Giầu lòng TX, 7).

    b. Thập giá Đức Kitô, trên đó Chúa Con, đồng bản thể với Chúa Cha, đền đáp đủ công bằng cho Thiên Chúa, cũng là một mạc khải triệt để về lòng thương xót, nghĩa là về tình thương, tình thương này luôn chống lại cái làm thành chính cội rễ của sự dữ trong lịch sử là tội lỗi và sự chết. Thập giá là phương thế sâu xa nhất để Thiên Chúa đoái đến con người và đến những gì con người – nhất là trong những lúc khó khăn và đau xót – gọi là vận mệnh bất hạnh của mình. Thập giá là như sự chạm đến tình thương vĩnh cửu trên những vết thương đau đớn nhất của cuộc sống con người trên trần gian… Chương trình này hệ tại ở việc mạc khải tình thương xót đối với những kẻ nghèo khó, những kẻ đau khổ, những kẻ bị giam cầm, những kẻ đui mù, những kẻ bị áp bức và những kẻ tội lỗi. Trong mầu nhiệm Phục Sinh, những giới hạn của sự dữ đa dạng mà con người phải dự vào trong cuộc sống trần gian đều được vượt qua… Sự kiện ấy đồng thời làm thành dấu chỉ báo trước “trời mới đất mới”, khi Thiên Chúa “lau sạch nước mắt họ; sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc kêu than và đau khổ nữa,  vì những điều cũ đã bị biến mất”. Trong tinh thần này, phụng vụ mùa Phục Sinh mới đặt lêm môi miệng chúng ta những lời Thánh vịnh: ‘Tình thương Chúa đời đời con ca tụng’ (Misericordiae Domini in aeternum cantabo)” (Giầu lòng TX, 8).

    Qua mấy câu trích dẫn trên đây, chúng ta thấy rõ mối tương quan mật thiết giữa mầu nhiệm Phục sinh và lòng thương xót, đồng thời cũng cho thấy ý nghĩa sâu thẳm của lòng thương xót. Trước tiên, mầu nhiệm Phục sinh là tình yêu mà là tình yêu đối với con người tội lỗi, với những kẻ nghèo khó và bất hạnh, những kẻ đau khổ, những kẻ bị giam cầm, những kẻ đui mù… Tình yêu này được gọi là lòng thương xót và được thể hiện cách tỏ tường nhất trong mầu nhiệm Thập giá. Thứ hai, lòng thương xót là tình yêu có sức mạnh thắng vượt được tất cả sức mạnh của sự dữ, của đau khổ và ngay cả sự chết. Thứ ba, lòng thương xót qua mầu nhiệm Thập giá đã thự hiện vẹn toàn sự tha thứ và đồng thời tôn trọng sự công bằng. Những nếu chỉ tha bổng thì không có sự công bằng, nhưng nếu đòi phải đền trả hết thì không thể tha thứ, vì loài người không thể đền trả được các tội lỗi đã phạm đến Thiên Chúa. Đàng này, lòng thương xót qua mầu nhiệm Thập giá, vừa có sự tha thứ, vừa giữ được sự công bằng vì Thiên Chúa không chỉ tha bổng, mà tha thứ và chính Ngài đền trả thay. Thứ bốn, lòng thương xót còn đi xa hơn sự tha thứ là ban cho kẻ tội lỗi được tham dự vào đời sống thần linh của Thiên Chúa. Sau cùng, lòng tha thứ mở cho con người tội lỗi con đường đi vào cuộc đời vĩnh cửu, hạnh phúc đời đời của “Trời mới Đất mới”, ở đó Thiên Chúa “lau sạch nước mắt họ; sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc kêu than và đau khổ nữa,  vì những điều cũ đã bị biến mất”.

    2. Linh mục sứ giả lòng thương xót, hiện thân của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Phục Sinh.
    Trong sứ mệnh mặc khải lòng thương xót của Chúa Cha cho nhân loại qua mầu nhiệm Thập giá, chính Chúa Giêsu cũng trở thành đối tượng của lòng thương xót, nhưng Người lại chẳng được ai xót thương, mà trái lại còn bị xỉ nhục và bị nguyền rủa. Hơn nữa, chính Chúa Cha xem ra cũng bỏ rơi Người. (x. Mt 27, 44-45; Mc 15, 33-34).
    Quý Cha thân mến, chúng ta có sứ mệnh cao rao lòng thương xót của Thiên Chúa cho thế giới hôm nay và chúng ta hết sức hãnh diện vì chúng ta được hân hạnh tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu. Bên cạnh lòng hân hoan và hãnh diện, chúng ta cũng nên ý thức là Chúa Giêsu đã phải trả một giá rất đắt cho sứ mệnh này. Do đó, để tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu, chúng ta cần phải ngắm nhìn và suy gẫm về số phận của Chúa Giêsu và những tâm tình thẳm sâu của NGười trong sứ mệnh mạc khải và thực hiện lòng thương xót để cho những tâm tình đó thấm nhuần vào con người của chúng ta, đúng theo lời mời gọi của thánh Phaolô: “Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu.” (Pl 2,5).

    Dưới đây, tôi xin trích dẫn một đoạn sách của tiên tri Isaia để giúp quý Cha trong những giờ suy gẫm riêng và chắc chắn đoạn sách này sẽ gọi ý thêm cho quý Cha những đoạn sách thánh khác nữa:
    “Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. Sự thật, chính Người mang lấy những bệnh tật của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng Ngài bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề. Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sữa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chưa lành. Tất cả chúng ta lạc lõnng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng ĐỨC CHÚA đã đổ trên đầu người tội lỗicủa tất cả chúng ta. Bị ngược đãi, Người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng. Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi thủ tiêu. Dòng dõi của Người, nào ai nghĩ tới? Người đã bị khai từ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, Người bị đánh phạt. Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và niệng không hề nói chuyện điêu ngoa. ĐỨC CHÚA đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ, Nếu Người hiến thân vì lễ vật đền tội, Người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ Người, ý muốn của  ĐỨC CHÚA sẽ thành tựu. Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và đượ mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, ttoi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. Vì thế, Ta sẽ ban cho NGười muôn người làm gia sản…, bởi vì Người đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thật ra, Người đã mang lấy tội muôn người và cầu bầu cho những kẻ tội lỗi.”(Is 53, 2-12).

    Kính thưa quý Cha, tuy nhiệm vụ tiếp nối sứ mệnh của Chúa Giêsu, diễn tả và thực hiện lòng thương xót, có nhiều đòi hỏi, chúng ta vẫn có thể chu toàn, vì chúng ta còn có Mẹ Maria là Mẹ các Linh mục và “Mẹ của lòng thương xót” luôn đồng hành và trợ giúp chúng ta. Vì vậy, tôi tin tưởng khẩn nài xin Đức Mẹ, Đấng đã cao rao vang dội trong kinh “Magnificat” lòng thương xót của Thiên Chúa, luôn trải dài từ đời nọ đến đời kia, hướng dẫn tất cả anh em Linh mục chúng ta mở lòng đón nhận và truyền đạt lòng thương xót của Chúa cho đoàn dân Ngài. Chớ gì các Linh mục của Giáo phận Xuân Lộc thấm nhuần lòng thương xót của Chúa đến độ sẽ được gọi là những Linh mục của lòng thương xót, cũng giống như Đức Mẹ được gọi là Mẹ của lòng thương xót.
Thân ái mến chào quý Cha.
+ Đaminh Nguyễn Chu Trinh
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...