01/03/2017
8388
LỜI CHỦ CHĂN
Tháng 03 năm 2017
 
LINH MỤC, TU SĨ
hãy là DẤU CHỈ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA
 
                Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Chủ đề mục vụ của Giáo phận năm 2017 – 2018 là “Gia đình hãy là dấu chỉ lòng Thương xót của Chúa”. Trong tâm tình Mùa Chay, tôi muốn áp dụng chủ đề chung của Giáo phận vào riêng đời sống linh mục, tu sĩ với lời mời gọi: “Linh mục, tu sĩ hãy là dấu chỉ lòng thương xót của Chúa”. Tôi xin chia sẻ những suy nghĩ của tôi về đề tài theo hai điểm chính: 1) Lòng thương xót của Chúa khơi nguồn hy vọng và ban sức mạnh; 2) Chứng nhân lòng thương xót của Chúa.
  1. Lòng thương xót của Chúa khơi nguồn hy vọng và ban sức mạnh
Lời Chúa trong phụng vụ Mùa Chay không ngừng kêu gọi mọi người ăn năn hối cải và thay đổi cuộc sống. Hơn nữa, Lời Chúa còn chỉ ra một số điều cụ thể cần được thay đổi trong cuộc sống. Lời mời gọi này, chúng ta được nghe ngay từ Thứ Tư lễ Tro và sau đó, tiếp tục vang vọng trong suốt Mùa Chay. Tôi xin được trích lại hai lời mời gọi:
“Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của anh em, hãy rúc tù và tại Sion, ra lệnh giữ chay thánh, hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú.” (Gio 2,12-13.15-16)
“Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm…Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; Thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục…Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ.” (Is 58, 6-10)
Đứng trước lời mời gọi của Chúa, nhiều người coi thường và vẫn cố tình tiếp tục nếp sống xấu xa, tội lỗi; tuy nhiên, cũng không thiếu người lắng nghe với tất cả lòng thành, nhưng không có khả năng chỗi dậy và thay đổi cuộc sống. Các tin tức từ khắp nơi cho thấy thế giới vẫn còn đầy dẫy hận thù, còn nhiều dấu hiệu của bạo tàn, áp bức hại người, nhiều người không những thờ ơ với Chúa, mà còn đứng lên chống đối và phỉ báng chính Chúa. Xem ra sức mạnh của sự dữ đang dấy lên và lan tràn khắp nơi. Nó như một thứ “ma túy”, vừa quyến dũ, vừa tàn phá, trong khi con người lại hết sức yếu đuối. Nhiều người xem ra cố chấp trong đường tội lỗi, nhưng thực ra họ là những nạn nhân của sự dữ. Họ yếu đuối, họ không có khả năng cưỡng lại sức mạnh của sự dữ, họ không tin vào khả năng của mình có thể thắng được sức mạnh của sự dữ và có thể trở nên tốt hơn, cũng không tin là người khác có thể tốt hơn. Do đó, họ dùng sức mạnh của sự dữ để đối xử với tha nhân.
Trong những hoàn cảnh trên đây, sứ mệnh của chúng ta trong Mùa Chay không chỉ giới hạn trong việc chỉ ra cho thế giới biết những điều sai lỗi cần được thay đổi, nhưng còn phải khơi lên trong lòng mọi người niềm hy vọng có thể chiến thắng sự dữ và có thể trở nên tốt hơn. Niềm hy vọng này được khơi lên từ việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa để cảm nghiệm lòng nhân từ và xót thương của Chúa. Cho dù tội lỗi có nặng nề đến đâu, Thiên Chúa nhân từ vẫn tha thứ khi con người thành tâm thống hối và quyết chí ăn năn hối cải. Thiên Chúa thực sự hạnh phúc khi có thể thi thố lòng thương xót đối với loài người chúng ta. Chẳng phải Thiên Chúa đã trao ban chính Con Ngài là Đức Kitô để cứu độ nhân loại tội lỗi qua cái chết đớn đau và nhục nhã đó sao?[1] Những tâm tình này đã được Thiên Chúa diễn tả qua miệng ngôn sứ Êdêkiel: “Ta lấy mạng sống Ta mà thề - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng - Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống. Hãy trở lại, hãy từ bỏ đường lối xấu xa của các ngươi mà trở lại. Sao các ngươi lại muốn chết, hỡi nhà Ísrael?" (Ed 33,10-11).
 Vì thế, cùng với những lời phán quyết nghiêm ngặt để cho thấy sự nặng nề của tội lỗi, sứ điệp Mùa Chay cũng loan truyền lòng thương xót và tình yêu nhân từ của Thiên Chúa để khơi lên trong lòng những người tội lỗi niềm hy vọng và sức mạnh chỗi dậy. Chúng ta cần phải làm cho lời yêu thương của Thiên Chúa vang vọng vào tâm khảm mọi người tín hữu.
“Đức Chúa phán:… Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông.”(Is 1,18)
“Dân Ta cứ miệt mài buông theo bội tín…Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Épraim nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ.” (Hs 11,7-9)
Chính Lời Chúa sẽ cải hóa tâm hồn và trao ban sức sống để người tín hữu có thể chỗi dậy và chiến thắng sức mạnh của tội lỗi. Chắc chắn mỗi người trong chúng ta đã từng chứng kiến sức mạnh của Lời Chúa tỏ hiện trong cuộc đời của nhiều hối nhân. Ở đây, tôi xin được ghi lại lời tự hối của một tội nhân như một tỉ dụ :
« Tôi là một phụ nữ 43 tuổi. Tôi đã lập gia đình và có 3 con: 18, 16 và 12 tuổi. Chồng tôi và tôi thường cãi cọ to tiếng với nhau, vì chúng tôi bất đồng ý kiến trong vấn đề giáo dục con cái. Chồng tôi chủ trương nghiêm khắc, tôi thì trái lại.
Nhân dịp có cuộc tĩnh tâm chung dành cho các gia đình, tôi ghi tên tham dự, nhưng chỉ đi có một mình. Tôi xin các gia đình trong nhóm cầu nguyện, không phải cho chồng tôi được ăn năn trở lại, mà là chính tôi được thay đổi thái độ đối xử với chồng tôi. Lời cầu nguyện của cộng đoàn thật có tác dụng hữu hiệu. Mấy ngày sau đó, mắt tôi bỗng mở rộng. Tôi thấy rõ lỗi lầm của mình.
Tôi ăn năn tội và đi xưng tội. Tôi khóc rất nhiều sau đó. Nhưng cũng từ đó, tôi được bình an sâu xa. Tôi cầu nguyện với tâm hồn hoàn toàn yên tĩnh. Chúa Giêsu cũng soi sáng cho tôi thấy một lỗi lầm khác nữa. Tôi hành nghề y tá và trong công việc tôi thường tham dự vào các vụ phá thai. Để trấn tĩnh lương tâm, tôi thường tự nhủ: ‘Mình phải tôn trọng quyết định của người khác. Hơn nữa, trào lưu xã hội ngày nay là như vậy, mình đâu có thể hành động khác được. Tôi còn trẻ nên phải sẵn sàng thông cảm với giới trẻ chứ!’ Quả thật, đúng là Satan đã gieo rắc những tư tưởng lầm lạc của nó vào trong những lý luận của tôi. Vậy mà tôi đâu có biết có hay. Tôi cứ ngỡ là mình làm một việc thiện. Giờ đây mắt tôi mở ra. Tôi nhận ra lầm lạc của mình. Tôi trở lại toà giải tội. Tất cả trở nên sáng sủa trong tôi. Lương tâm tôi chan hoà bình an. Tâm hồn tôi tràn đầy sức mạnh.
Tôi trở lại gia đình, trở về công việc với nhiều can đảm. Tôi xin Chúa Giêsu ở với tôi để tôi chu toàn bổn phận của một tín hữu Kitô chân chính”.
  1. Chứng nhân lòng thương xót của Chúa
Đối với Linh mục, Tu sĩ chúng ta là những người được sai đi để phân phát lòng nhân từ xót thương của Chúa Giêsu, một câu hỏi cần phải được đặt ra. Đó là: “Làm thế nào để các tín hữu của chúng ta và ngay cả những anh chị em lương dân cũng cảm nghiệm và đón nhận lòng thương xót của Chúa?” Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI khi nói về việc thông truyền sứ điệp Tin Mừng đã khẳng định: “Người thời đại ưa nghe các chứng nhân hơn là thầy dạy, hay nói đúng hơn thì họ nghe các thầy dạy vì đó cũng là chứng nhân” (Loan báo Tin Mừng, 42). Điều này cũng có thể áp dụng vào sứ mệnh truyền đạt lòng thương xót của Chúa.
Để cho sứ điệp lòng thương xót không chỉ là lời nói lý thuyết trừu tượng, không có sức đánh động lòng người, chính chúng ta cần phải lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, để nhờ đó, chúng ta được “mở mắt” nhìn ra những sai lầm của mình và cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa có sức mạnh nâng đỡ và đổi mới con người của chúng ta, làm cho ý nghĩ, tình cảm và cung cách của chúng ta được thấm nhuần chất nhân từ và thương xót của Ngài.
 Một khi lòng thương xót đã thấm nhuần vào ý nghĩ và tình cảm thì mọi thái độ và hành động của chúng ta sẽ tỏa ra chất thương xót. Cung cách và thái độ nhân từ có sức chữa lành vết thương và đem an vui đến những tâm hồn sầu buồn, lo sợ. Những thái độ này cần phải được diễn tả với mọi người trong mọi hoàn cảnh sống, nhưng đặc biệt nơi tòa Giải Tội, bí tích của lòng thương xót. Vì vậy, tôi xin viết lại đây cảm nghiệm về lòng thương xót của một hối nhân qua Cha giải tội mà có lần tôi đã chia sẻ với quý Cha:
 “Phải thật lòng nói rằng trong tất cả các ơn tôi nhận được từ Chúa thì ‘ơn đau khổ’ là giá trị nhất. Vì nếu không có biến cố đau thương đó xảy ra, tôi sẽ không bao giờ nhận ra được con người giới hạn của mình. Và nhất là sẽ không bao giờ nhận ra lòng thương xót bao la của Chúa. Để tỏ lòng ăn năn thật sự, tôi quyết định đi tìm Linh mục để xưng tội. Lần đầu sau hơn hai mươi năm tôi đến tòa giải tội. Tôi rất hồi hộp. Tôi nghe rõ từng nhịp đập dồn dập trong trái tim mình. Tôi biết thưa với Linh mục sao đây? Hai mươi năm xa Chúa, biết bao nhiêu là tội lỗi. Tội trọng, tội nhẹ. Tội nào làm... lướt lướt. Tội nào làm... liền liền... biết bắt đầu từ đâu?
Tôi thu hết can đảm: ‘Thưa Cha cho con xưng tội. Cách đây hơn hai mươi năm...’ Tôi chỉ nói được bấy nhiêu thì nghẹn lời và bật khóc... Tôi cố gắng ngưng khóc mà sao nước mắt cứ tuôn trào... Tôi không dám chắc là vị Linh mục đó đã nghe được hết những gì tôi nói...
Sau khi xưng tội xong, tôi chờ đợi một lời quở trách hay ít nhất là một câu hỏi từ Linh mục là tại sao để quá lâu mới quay về với Chúa. Nhưng không, hoàn toàn không, một lời trách nhẹ cũng không, một tiếng thở dài cũng không.
Sau vài giây im lặng như chờ cho cơn xúc động trong tôi hoàn toàn lắng xuống, Linh mục đã cho tôi vài lời khuyên ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa. Sau đó Ngài ban phép giải tội và chúc tôi đi bình an. Và từ đó tôi đã tìm được bình an thật sự. Bước chân vào tòa giải tội nặng nề và hồi hộp bao nhiêu thì khi bước ra tôi cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản bấy nhiêu.
Tôi rất cám ơn vị Linh Mục này, vì qua những lời nói của ngài tôi đã tìm thấy được sự đồng cảm của phận người mỏng dòn yếu đuối. Sự đồng cảm trong lời khuyên dạy của Ngài đã nâng đỡ tôi rất nhiều. Tôi không còn e ngại mỗi khi bước chân vào tòa giải tội trong những lần sau này nữa. Bằng giọng nói nhẹ nhàng ngài đã cho tôi thấy lòng thương xót và khoan dung của Chúa như thế nào đối với những người con tội lỗi.”
 
Trước khi kết thúc ít suy nghĩ đơn sơ chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ, tôi muốn ngước mắt nhìn lên Mẹ Maria, người Mẹ nhân từ mà Chúa Giêsu đã trối lại cho Giáo Hội. Cầu xin Đức Mẹ đồng hành và cảm hóa các linh mục và tu sĩ của Giáo phận để tất cả trở thành dấu chỉ lòng thương xót của Chúa. Nhờ đó, ước mơ cho Giáo phận chúng ta trở thành “Thánh địa của lòng thương xót” sẽ sớm trở thành hiện thực.
Với lòng quý mến và trân trọng, xin kính chúc qúy Cha và quý Tu sĩ được ơn an bình và niềm vui của những tâm hồn công chính trong Mùa Chay này.
 
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
 
[1] x. Ga 3,16.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...