07/03/2016
2360
MÙA CHAY NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT

            Kính thưa quý Cha thân mến,
            Khi quý Cha đọc những lời chia sẻ này, Giáo Hội đã bước vào tuần thứ ba Mùa Chay. Dù vậy, tôi vẫn muỗn chia sẻ với quý Cha ít suy nghĩ về Mùa Chay, lý do vì niềm vui Phục Sinh chúng ta sẽ cảm nghiệm sâu đậm thế nào tùy thuộc vào việc áp dụng tinh thần Mùa Chay vào những tâm tình, ý nghĩ và cuộc sống của mình.
            Mấy dòng suy tư đơn sơ dưới đây được gợi hứng từ Tự sắc “Dung mạo Lòng Thương Xót” (DMLTX) của ĐTC Phanxicô và từ Lời Chúa trong Mùa Chay.
            1.  Mùa Chay, mùa trải nghiệm lòng thương xót của Chúa.
             Mùa Chay thường dẫn chúng ta nghĩ ngay đến việc ăn chay, xưng tội, làm việc bác ái, sửa mình và tăng thêm giờ cầu nguyện. Tất cả những việc thiêng liêng này vẫn luôn cần thiết và phải được duy trì, nhưng Mùa Chay trong Năm Thánh Lòng Thương Xótcòn có thêm một ý nghĩa đặc biệt: Mùa Chay là thời gian khám phá và cảm nghiệm lòng thương xót bao la của Thiên Chúa. Theo giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, “Mùa Chay trong Năm Thánh này phải được sống một cách tha thiết hơn như là một thời điểm hồng ân để cử hành cà cảm nghiệm tình thương của Thiên Chúa. Biết bao nhiêu đoạn Thánh Kinh thích hợp cho việc suy niệm trong các tuần lễ Mùa Chay để giúp chúng tái nhận thức được dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha! Chúng ta có thể lập lại những lời của tiên tri Mica như thể là của chính chúng ta: “Ôi lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa bỏ qua điều bất chính và thứ tha tội lỗi, Đấng không giữ mãi lòng giận dữ nhưng ưa thích tỏ lòng nhân hậu. Lạy Chúa, Chúa sẽ trở lại với chúng con và thương đến dân của Chúa. Chúa sẽ chà đạp tội lỗi của chúng con và quẳng chúng xuống lòng biển cả (x. Mk 7, 18-19)” (DMLTX 17).
           Trong tinh thần của Tông sắc “Dung mạo Lòng Thương Xót”, trong Năm Thánh này, các linh mục của Chúa phải đặc biệt loan truyền lòng thương xót và giúp đỡ để thế giới có thể tái khám phá và trải nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình.Sứ mệnh này sẽ là nguồn vui và hạnh phúc cho chúng ta, vì rất nhiều người đang khát khao lòng thương xót của Chúa, đang trông chờ một vài tín hiệu về lòng thương xót của Ngài.
            Tuy nhiên, trong nhiều môi trường và đối với nhiều đối tượng, sứ mệnh này xem ra lại là một nhiệm vụ rất khó khăn trong thế giới hôm nay. Có nhiều người không tin, cũng không cảm thấy cần lòng thương xót của Thiên Chúa. Có những người còn từ khước lòng thương xót của Ngài nữa. Khi các hãng thông tấn Công Giáo loan tin về việc Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định cho các cha giải tội, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, được quyền giải vạ cho những người đàn bà đã phá thai và có lòng thống hối, người ta thấy trên mạng đăng những câu tuyên bố hằn học của những người đàn bà đã phá thai nói là không cần được ai giải vạ. Cũng trong chiều hướng đó, khi cuốn sách của Đức Thánh Cha Phanxicô, kết quả của cuộc phỏng vấn do phóng viên Andrea Tornielli, người Ý thực hiện, được công bố với tựa đề “Tên của Thiên Chúa là lòng thương xót”, nhiều bài viết trên mạng nói là Giáo Hoàng Phanxicô đã độc đoán trùm lên thế giới một Thiên Chúa thương xót:  “Chúng tôi không cần có Thiên Chúa, cũng chẳng cần lòng thương xót của ai”.
           Đứng trước những thái độ nói trên, không những chúng ta không được nản chí, mà còn cần phải hăm hở và miệt mài hơn trong sứ mệnh rao giảng và thông truyền lòng thương xót của Thiên Chúa, vì đây chính là thái độ và “phương pháp” mục vụ cứu chuộc của Chúa Giêsu. “Trong các dụ ngôn về lòng thương xót, Chúa Giêsu đã mặc khải bản tính của Thiên Chúa như một Người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi nào thực hiện được việc tha thứ tội lỗi và chế ngự thái độ cự tuyệt bằng sự cảm thông và lòng thương xót. Chúng ta đã quá biết những dụ ngôn ấy, đặc biệt là ba dụ ngôn: con chiên lạc, đồng xu thất lạc và người cha với hai đứa con (x. Lc 15, 1-32). Các dụ ngôn này cho thấy Thiên Chúa thực sự tràn ngập vui mừng, nhất là khi Ngài tha thứ. Nơi những dụ ngôn ấy, chúng ta thấy được điểm cốt lõi của Tin Mừng và của đức tin, vì lòng thương xót tỏ hiện như một sức mạnh vượt thắng tất cả, đong đầy trái tim bằng tình yêu thương và mang lại an ủi bằng ơn tha thứ”. (DMLTX 9).
            Chính trong tinh thần nói trên, Đức Thánh Cha Phanxicô mới đề nghị cho tất cả thế giới một cuộc tạm ngưng án tử hình trong năm nay. Với sáng kiến này, Đức Thánh Cha Phaxicô muốn khơi lên trong thế giới một bầu khí thương xót. Trong môi trường giới hạn của chúng ta, chúng ta cũng cần có những sáng kiến để tạo được một bầu khí tha thứ và hạnh phúc: hạnh phúc vì có thể tha thứ và hạnh phúc vì được tha thứ.
           2. Canh tân nội tâm
           Một sứ điệp phục vụ Mùa Chay nói đến ngay thừ Thứ Tư Lễ Tro và còn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt Mùa Chay. Đó là lời mời gọi đi vào nội tâm, đổi mới con người của mình tự chính nền tảng, gốc rễ: “Đừng xé áo, những hãy xé lòng” (Ge 2,13); “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy… Khi bố thí, đừng có khua chiên đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen… Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo… Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như  bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy… Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để cho thiên hạ thấy là chúng ăn chay.” (Mt 6, 1-5.16).
           Những lời Sách Thánh trên đây nhắc nhở chúng ta nhớ điều căn bản của Mùa Chay là thay đổi chính “lòng” mình, tức là các ý nghĩ, tình cảm, xu hướng thầm kín là nguồn gốc của các hành động và phản ứng của con người và đối với anh em linh mục chúng ta, là các chương trình và lựa chọn mục vụ. Việc đổi mới lòng mình có hai cái khó chính yếu: biết lòng mình và thay đổi lòng mình.
           Biết lòng mình: Xu hướng sống “ngoài da” là cơn cám dỗ triền miên của nhân loại trong mọi thời đại. Vì thế, rất ít người biết lòng mình và nhận ra những điều chính mình cần thay đổi. Người ta kể:
           “Một nhà hiền triết rất tận tâm và có lòng chung, khi còn trẻ đã cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa, xin ban cho con ánh sáng và sức mạnh để con thay đổi thế giới. Sau bao nhiêu năm tháng hoạt động, thế giới xem ra lại ngổn ngang hơn trước. Nhà hiền triết trở nên khôn ngoan và khiêm nhượng hơn nên cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa, xin ban cho con ánh sáng và sức mạnh để con thay đổi những người chung quanh con. Sau nhiều năm cố gắng, nhà hiền triết mới nhạn ra mấu chốt của vấn đề là chính mình, nên cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa, xin ban cho con ánh sáng và sức mạnh để con thay đổi lòng con”.
           Thay đổi lòng mình: Biết lòng mình đã là một khó khăn, mà thay đổi được lòng mình lạ là một khó khăn lớn hơn. Điều tốt mình muốn thực hiện, thì không thực hiện, còn điều xấu mình không muốn thực hiện thì lại thực hiện. Tình trạng này đã được thánh  Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Roma: “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm… Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. ” (Rm7,15.18-20).
           Ngay sau những nhận xét trên đây, thánh Phaolô đã nói tiếp: “Khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật lí trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi. Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (Rm 7,21-25).
           “Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” Sống sâu đậm tinh thần mùa chay sẽ giúp chúng ta khám phá ra lòng thương xót của Chúa, nhờ đó chúng ta thực sự được giải thoát và tìm được sức sống.
           Kính thưa quý Cha, công việc tông đồ, tâm hồn và đời sống của vị tông đồ đan quyện lấy nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Để chu toàn sứ mệnh cao rao lòng thương xót của Thiên Chúa, chính chúng ta phải khám phá lại và cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa cho chính chúng ta. Nếu tâm hồn và đời sống của vị linh mục không thấm nhuần lòng thương xót của Chúa thì công việc tông đồ và chính việc giảng giải về lòng thương xót của Chúa cũng sẽ khô cằn và trống rỗng.
           Vì vậy, lời kết thúc bài chia sẻ này của tôi cũng là lời cầu nguyện, khẩn nài xin Đức Mẹ là “người Mẹ của Lòng Thương Xót” hướng dẫn tất cả Linh Mục Đoàn Giáo phận chúng ta cảm nhận sâu xa lòng thương xót bao la của Thiên Chúa để lòng thương xót trở thành điểm đặc trưng của mỗi linh mục của Giáo phận, trong cuộc sống cũng như trong sứ mệnh của mình.
Thân ái mến chào quý Cha.
+ Đaminh Nguyễn Chu Trinh
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...