02/02/2020
3627
LỜI CHỦ CHĂN
Tháng 02 năm 2020
 
KIẾN TẠO VÀ NUÔI DƯỠNG CỘNG ĐOÀN DÂN CHÚA
VỚI LÒNG THƯƠNG XÓT
 
 
Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Công tác mục vụ của các Linh mục và Tu sĩ thường rất đa dạng và nhiều khi phải được thực hiện trong những hoàn cảnh khó khăn và phức tạp, với nhiều áp lực: đối kháng cũng như quyến rũ. Do đó, đời dâng hiến phục vụ của Linh mục và Tu sĩ chẳng khác gì con tầu vượt đại dương. Trong hành trình, lắm khi con tầu gặp phải phải sóng to gió lớn nên dễ bị lệch hướng. Người lái tầu luôn phải chỉnh lại hướng đi, đưa con tầu về lại tuyến hành trình để tiến tới đích. Một cách tương tự, dịp đầu năm là thời điểm thích hợp để chúng ta nhìn lại hành trình phục vụ để, nếu cần, sửa lại hướng đi cho việc dấn thân mục vụ của chúng ta.
Vì mọi công tác mục vụ đều nhắm xây dựng cộng đoàn Dân Chúa, nên có hai yếu tố cần được tìm hiểu để hướng dẫn các hành động mục vụ. Yếu tố thứ nhất là những chiều kích căn bản của Cộng đoàn Dân Chúa và yếu tố thứ hai là Nguồn Lực thúc đẩy cộng đoàn và nâng đỡ người tông đồ luôn hăng say tiến bước, nhất là trong nghịch cảnh, để đạt mục đích. Theo ý hướng đó, tôi xin chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ đôi suy tư qua đề tài Kiến tạo và Nuôi Dưỡng Cộng Đoàn Dân Chúa với Lòng Thương Xót.
  1. Những chiều kích của cộng đoàn Dân Chúa
Trong suốt cuộc đời tông đồ, các Linh mục và Tu sĩ phải thực hiện nhiều công việc, có khi đơn giản, có khi phức tạp; trong nhiều trường hợp, nhu cầu của cộng đoàn địa phương còn đòi hỏi những sáng kiến mục vụ mới để thích nghi với hoàn cảnh thay đổi, nên cuộc đời phục vụ của các Linh mục và Tu sĩ thường bận rộn và có nhiều thách đố. Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh, các công tác tông đồ đều nhắm xây dựng và nuôi dưỡng cộng đoàn Dân Chúa qua bốn chiều kích: Cộng đoàn Thánh Thiện, Cộng đoàn Yêu Thương, Cộng đoàn Bác Ái và Cộng đoàn Truyền Giáo. Vì giới hạn của bài Lời Chủ Chăn và vì hai yếu tố “Cộng đoàn Bác Ái” và “Cộng đoàn Truyền Giáo” tôi đã có dịp nhắc đến trong những bài “Lời Chủ Chăn” trước đây, hôm nay tôi chỉ chia sẻ đôi suy nghĩ về hai yếu tố: “Cộng đoàn Thánh Thiện” và “Cộng đoàn Yêu Thương”.
  1. Cộng đoàn Thánh Thiện
Yếu tố đầu tiên mà cộng đoàn Dân Chúa cần phải biểu lộ rõ ràng và cụ thể là lòng đạo đức và sự thánh thiện. Đây là yếu tố nền tảng, là mục đích tối thượng, là suối nguồn cho tất cả cuộc sống của cộng đoàn Dân Chúa vì đây là cộng đoàn được quy tụ bởi Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bởi ơn thánh và sức sống của chính Chúa để từng bước được biến đổi trở nên giống Chúa.
Để xây dựng và nuôi dưỡng các cộng đoàn Dân Chúa thêm đạo đức, thánh thiện hơn mỗi ngày, ngoài những sinh hoạt đạo đức theo truyền thống, cần để ý đặc biệt đến đời sống Phụng vụ và việc suy niệm Lời Chúa. Theo công đồng Vaticano II, Phụng vụ là tột đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội. Thật vậy, các công lao khó nhọc trong việc tông đồ đều nhằm làm cho mọi người, nhờ đức tin và phép rửa, trở nên con cái Thiên Chúa, cùng nhau qui tụ ngợi khen Chúa giữa lòng Giáo Hội, thông phần lễ Hiến Tế và ăn bữa tiệc của Chúa… Việc tái lập giao ước của Chúa với con người trong bí tích Thánh Thể nung nấu và lôi cuốn các tín hữu vào trong tình yêu thúc bách của Chúa Kitô. Vì thế, từ dòng suối Phụng vụ, nhất là từ bí tích Thánh Thể, ân sủng chảy tràn vào chúng ta và thực hiện cách hữu hiệu việc thánh hóa con người trong Chúa Kitô, cũng như việc tôn vinh Thiên Chúa, mục tiêu của tất cả các hoạt động khác của Giáo Hội.[1]
Theo giáo huấn của công đồng Vaticano II về Phụng vụ trên đây, đời sống phụng vụ đã được Giáo phận chúng ta quan tâm đặc biệt, cụ thể qua những hướng dẫn của Ban Phụng Tự Giáo phận trong những dịp Lễ lớn. Ngoài ra, có ba điều cần được chú ý đặc biệt trong hoàn cảnh cụ thể hiện nay để giúp cộng đoàn Dân Chúa đạo đức và thánh thiện hơn:
  • Tham dự Thánh Lễ hằng ngày
Thánh Lễ phải được coi là chóp đỉnh và nguồn mạch sức sống của người tín hữu. Do đó, cần hướng dẫn và giáo dục để người giáo dân được thôi thúc bởi lòng ao ước tham dự Thánh Lễ hằng ngày. Nếu họ không tham dự Thánh Lễ hằng ngày được là vì công việc làm ăn không cho phép, chứ không phải vì thiếu lòng ao ước.
Người giáo dân trong nhiều trường hợp không tham dự Thánh Lễ hằng ngày được chỉ vì thời giờ và điều kiện việc làm không cho phép, nhưng khó khăn này có thể được Cha Chánh xứ giải gỡ. Ngày nay, nhiều người đi làm công nhân tại các xí nghiệp, nhiều người khác làm nghề buôn bán hay các ngành nghề khác đòi buộc phải bỏ nhà ra đi từ sáng sớm; sinh viên, học sinh cũng phải chuẩn bị để đến trường đúng giờ, nhất là cuộc sống ngày nay đang chuyển giờ sinh hoạt muộn hơn về buổi tối. Do đó, tham dự Thánh lễ sáng sớm đã trở nên khó khăn, mặc dù nhiều người rất ao ước. Lòng ao ước cho đoàn chiên của Chúa được đạo đức và thánh thiện hơn thúc đẩy chúng ta, nhất là các Cha Chánh Xứ, quan tâm và tìm phương thức giải quyết vấn đề này. Tại một số giáo xứ, khi có Thánh Lễ ban chiều, số người tham dự, người lớn cũng như thiếu nhi, tăng thêm rất đông!
Một điều thật hệ trọng là linh mục chúng ta cần nhiệt thành và sẵn sàng chịu hy sinh để đoàn Dân Chúa được sống sung mãn: Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10); Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến (Ga 17,19). Nhờ nỗ lực bản thân và cậy nhờ ơn Chúa, chúng ta đào luyện mình nên “bí tích” của Chúa, cuộc đời thấm sâu mầu nhiệm của Ngài, để đời sống của chúng ta, các việc chúng ta làm, các Thánh Lễ chúng ta cử hành, đưa người tín hữu vào cuộc gặp gỡ với Chúa, sống thực mầu nhiệm tình yêu của Ngài, tìm được sức mạnh của đức tin và niềm vui ân sủng. Nhờ đó, đoàn Dân Chúa sẽ khám phá ra ơn gọi nên thánh không phải là một bổn phận nặng nề, nhưng là một ân huệ tuyệt vời Chúa ban, để hân hoan đảm nhận với trái tim bừng cháy tình yêu, niềm vui và hy vọng.
  • Cử hành ngày Chúa Nhật
Theo truyền thống lâu đời từ thời Giáo Hội sơ khai, ngày Chúa Nhật luôn được coi trọng trong cuộc sống của cá nhân các tín hữu, cũng như đời sống của cả cộng đoàn. Đây là ngày các Kitô hữu họp nhau lại, cùng lắng nghe Lời Chúa để được soi sáng và hướng dẫn, tham dự Hiến lễ Tạ Ơn, kính nhớ cuộc Thương Khó, sự Sống Lại của Chúa Kitô. Đây cũng là ngày của niềm vui nhờ việc nghỉ ngơi kiêng việcnhư được tham dự trước vào sự an bình và hạnh phúc của cuộc sống vĩnh cửu trong Nước Chúa.[2] Trong viễn tượng là ngày nghỉ ngơi, ngày Chúa Nhật còn giúp cho người giáo hữu thoát khỏi mãnh lực của tiền bạc, của lợi nhuận để có cơ hội làm việc lành, nghĩ đến gia đình, cộng đoàn và những người nghèo khó. “Khi hưởng những giờ nhàn rỗi, người tín hữu nên nhớ đến anh chị em của mình, những người cùng có nhu cầu và quyền lợi như mình, nhưng không được nghỉ ngơi vì nghèo khổ và túng cực. Theo truyền thống đạo đức công giáo, ngày Chúa Nhật phải là ngày dành riêng để làm việc lành và khiêm tốn phục vụ cho bệnh nhân, kẻ tàn tật và già lão. Người tín hữu cũng phải thánh hiến ngày Chúa Nhật bằng cách dành thời giờ để chú tâm đến gia đình và thân hữu, những người mà thường nhật họ khó chú tâm tới. Ngày Chúa Nhật cũng là thời gian suy tư, tĩnh lặng, rèn luyện và suy niệm cần thiết để đời sống nội tâm của tín hữu được phát triển.[3]
Sống ngày Chúa Nhật theo tinh thần trên đây, người tín hữu sẽ tìm được sự quân bình và an vui trong tâm hồn và cho cuộc sống để thông truyền cho tha nhân, nhất là những người chung quanh. Nhưng các sinh hoạt và tổ chức của xã hội hiện nay đang biến ngày Chúa nhật thành ngày du ngoạn, ngày giải trí và tìm kiếm thú vui chóng qua của những nhóm nhỏ hoặc có thể là ngày làm việc cật lực vì thu hoạch được lợi nhuận nhiều hơn. Để kiến tạo và nuôi dưỡng một cộng đoàn đạo đức, thánh hiện hơn, các Linh mục và Tu sĩ cần dấn thân rất nhiều trong việc giảng dạy giáo lý cùng với việc truyền đạt niềm vui và hạnh phúc ngày Chúa Nhật mà chính mình đã khám phá và cảm nghiệm.
  1. Cộng đoàn yêu thương
Yếu tố thứ hai các tín hữu cần học hỏi và thực hiện là sự hiệp nhất, yêu thương. Yếu tố này là một trong những yếu tố nền tảng mà chính Chúa Kitô đã coi là đặc tính của Cộng đoàn Dân Chúa: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,34-35).
Yêu thương và hiệp nhất là điều ai cũng ao ước, nhưng việc thực hiện lại rất khó. Loài người tất cả là những con người bất toàn (nhân vô thập toàn). Ai cũng có những sai sót, những yếu đuối… gây nên cực lòng và đau khổ cho tha nhân, nhất là những người cùng chung sống và cùng làm việc với mình. Trong hoàn cảnh này, việc kiến tạo và nuôi dưỡng cộng đoàn hiệp nhất và thương yêu đòi hỏi khả năng chịu đựng, nhẫn nại và tha thứ. Hơn thế nữa, trong tinh thần của tình yêu cứu độ, người tín hữu không chỉ kiên nhẫn chịu đựng, mà còn sẵn sàng và vui lòng đón nhận đau khổ để, theo gương thánh Phaolô, đem phần rỗi đến cho anh chị em mình: Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh chị em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.” (Cl 1,24; x. Dt 12,2)
Đây là một trong những yếu tố nền tảng của tinh thần Lòng Thương Xót mà Giáo phận chúng ta đã cùng nhau dấn thân thực hiện trong những năm qua và hiện vẫn còn đang là trọng tâm của chương trình mục vụ năm 2019-2020 với chủ đề: Gia đình và Giới trẻ hãy là chứng nhân lòng Chúa thương xót. Khi Lòng Thương Xót thấm nhuần vào tâm tình, cách suy nghĩ và hành động, nó sẽ thay đổi mỗi người tận đáy lòng, xoa dịu các vết thương và cải thiện các mối tương quan. Điều này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích như sau: “Tôi muốn mời gọi mọi người thiện chí khám phá lại sức mạnh của lòng thương xót có sức chữa lành các mối tương quan đã đổ vỡ và khôi phục hoà bình, đem lại sự hoà hợp giữa các gia đình và các cộng đoàn... Trong mọi trường hợp, lòng thương xót có thể tạo ra một phương cách nói chuyện và đối thoại mới, như Shakespeare đã diễn tả rất tài tình: Lòng thương xót như hơi mát của nước mưa rơi xuống mặt đất. Lòng thương xót là một phúc lành kép: nó chúc lành cho cả người ban lẫn người nhận (Người lái buôn thành Venise, Hồi IV, Cảnh I).”[4]
Nhờ LòngThương Xót, các gia đình, các giáo xứ và toàn thể Giáo phận chúng ta sẽ là nơi an vui, hạnh phúc cho dù chúng ta vẫn còn là những con người bất toàn và yếu đuối. Lúc đó viễn tượng Giáo phận Xuân Lộc là “Thánh địa của Lòng Thương Xót” sẽ không còn là một ước mơ, mà đã biến thành hiện thực.
  1. Lòng Thương Xót là nguồn sức mạnh kiến tạo và nuôi dưỡng cộng đoàn
Trong mùa lễ Giáng Sinh, các Giáo xứ, các cộng đoàn Dòng Tu đều làm Hang đá và trang hoàng các ngôi sao và cây thông với đèn điện đủ mầu sắc. Tất cả đã sẵn sàng, nhưng vẫn im lìm. Đến khi các bóng đèn được nối với dòng điện thì tất cả trở nên sống động, hang đá sáng rực rỡ, các ngôi sao và cây thông lấp lánh ánh đèn muôn sắc, tạo nên một bầu khí vui tươi, nhiệm mầu.
Cũng thế, các chương trình, các sinh hoạt mục vụ và đạo đức có thể là hoàn hảo, nhưng cộng đoàn sẽ vẫn rời rạc và các giờ đạo đức có thể vẫn khô khan như không có sức sống nếu cộng đoàn không được “kết nối với nguồn điện Lòng Thương Xót”. Đó chính là sự hiểu biết và kinh nghiệm sống về tình yêu cứu độ của Chúa Kitô được diễn tả bằng cụm từ “Lòng Chúa Thương Xót”. Việc “kết nối với nguồn điện Lòng Thương Xót” là Chúa Kitô không được giới hạn trong đôi hành động hay vài cảm xúc chóng qua, nhưng phải trở thành một trạng thái liên lỉ của cuộc sống, một sức mạnh có khả năng khơi nguồn sức sống, soi sáng mọi hành động, gây hứng khởi cho các quyết định và lựa chọn hằng ngày: Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã thương yêu chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 8,35-39).
Trong Tuần Đại Phúc năm 1868 tại Aachen – Germany, Cha giảng Tuần Đại Phúc có kể một câu chuyện như sau:
“Cách đây ít năm, có một người mẹ nghèo sắp chết, nằm trên giường. Các con của bà tựu lại quanh giường, trừ một đứa con không có mặt. Nó đang bị giam tù. Nhiều người đã từng khuyên bảo nó ăn năn hối cải, nhưng vô hiệu. Mẹ nó, vì thế, rất đau khổ.
Bà mẹ đạo đức này đang nằm trên giường bệnh chờ chết, muốn khuyên nó một lần cuối cùng. Bà xin cai ngục cho mình được gặp đứa con tù tội trước khi chết. Quan cai tù bằng lòng, cho quân lính dẫn nó đến giường mẹ nó. Mẹ nó không còn sức để nói ra lời nào với con, chỉ còn đủ sức nhìn con một cách sâu lắng rồi chết. Cái nhìn của người mẹ đã xuyên thấu tâm can của đứa con tù tội.
Nó được dẫn về lại nhà tù. Về đến nhà tù, nó quỳ gối xuống, nức nở khóc. Nó ăn năn và xin xưng tội… Ơn Chúa làm cho nó nhiều hơn nữa: khi mãn tù, nó xin đi tu làm linh mục.
thưa Anh Chị Em, đứa con đó, chính là tôi đây! Anh chị em thân mến, hãy can đảm, hãy cậy trông! Tội của chúng ta có lớn đến đâu mặc lòng, sự tốt lành và lòng thương xót của Chúa vẫn to lớn hơn tội của chúng ta nhiều.”
Lời nói chứng tá của vị giảng Tuần Đại Phúc này, như dòng điện chạy qua các bóng điện làm tất cả chiếu sáng lấp lánh, đã xuyên thấu tâm can mọi người có mặt và còn tiếp tục truyền đi mãi vào cõi lòng vô vàn người khác. Đây là lời của một linh mục đã khám phá ra chính mình cần lòng thương xót của Chúa và được đón nhận qua ánh mắt yêu thương dịu hiền trong muôn vàn đau khổ của người mẹ. Lời nói của ngài chuyển tải cho đoàn Dân Chúa chính lòng thương xót của Chúa đã chất chứa trong lòng ngài nên có sức cảm hóa, nâng dậy và biến đổi.
Kính thưa quý Cha và quý Tu sĩ, để kết thúc những dòng chia sẻ này, tôi xin được bày tỏ một ước mong và cũng là lời mời gọi:
  • Xin quý Cha và quý Tu sĩ hãy để cho lòng Chúa thương xót hoán cải chính mình.
  • Xin quý Cha và quý Tu sĩ hãy thương xót lẫn nhau, biến các cộng đoàn linh mục và thánh hiến của mình thành “Thánh địa của Lòng Thương Xót”.
  • Xin quý Cha và quý Tu sĩ hãy thương xót đoàn Dân Chúa bằng chính Lòng Thương  Xót của Chúa. Đừng nặng lời với ai, đừng coi thường, khinh bỉ ai, đừng xua đuổi ai. Người đau khổ, người tội lỗi, người khó tính là những người cần được thương xót: yêu thương, nâng đỡ, chịu đựng và cứu vớt.
Xin Đức Mẹ và Thánh Giuse, Quan Thầy Giáo phận giúp chúng ta kiên trì học hỏi và luyện tập “yêu như Chúa yêu” và “thương xót như Chúa thương xót”.
Thân mến chào quý Cha và quý Tu sĩ .
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
 
[1] Vaticanô II, Hiến chế về Phụng vụ, số 10.
[2] X. Vaticanô II, Hiến chế về Phụng vụ, số 106.
[3] Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, số 2186.
[4] ĐTC Phanxicô, Sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới 2016.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...