19/02/2016
1757
NIỀM VUI VÀ NỖI THỐNG KHỔ CỦA SỨ GIẢ LÒNG THƯƠNG XÓT
 
Kính thưa quí Cha thân mến,
Trong tháng Hai, có ba sự kiện đáng chúng ta chú tâm suy niệm là lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh (02/02), lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức (11/02), và Tết Nguyêng Đán (08/02). Tôi muốn chọn lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh và lấy bài sách Tin Mừng để suy niệm, tìm đôi tia sáng hướng dẫn đời sống và sứ vụ của linh mục và chia sẻ với quí Cha.

 
  1. Niềm vui của sứ giả lòng thương xót
Bài sách Tin Mừng Thánh Luca (2,22-40) trong lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh thuật lại việc Đức Mẹ và Thánh Giuse dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh theo luật Môsê: “Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng mọi con trai đầu lòng phải được gọi là thánh, dành cho Chúa” (Lc 2,22-23).
Hai câu Sách Thánh trên đây nói về Chúa Giêsu, khi áp dụng cho chúng ta, các linh mục của Chúa thì mở ra cho đời sống cũng như sứ vụ của chúng ta một viễn tưởng rất cao quí. Một đàng, chúng ta được tiến dâng cho Chúa để dành riêng cho Ngài và thuộc về Ngài; đàng khác, chúng ta cũng thuộc về thế giới của loài người, được chọn gọi từ giữa những con cái của loài người. Hai yếu tố “thần linh” và “nhân loại” đang quyện lấy nhau trong tâm hồn chúng ta làm phát sinh ra một cuộc giằng co nội tâm và trong cuộc giằng co này, rất nhiều khi yếu tố nhân loại vượt trội lên yếu tố thần linh. Do đó, có thể xảy ra trường hợp một linh mục rất năng nổ hoạt động mục vụ, nhưng lại để cho thói tục của người đời lôi cuốn và có khi còn tìm kiếm lợi lộc, tình cảm và danh vọng cho mình hoặc thi hành nhiệm vụ linh mục cho có lệ, chứ không quan tâm đến lợi ích của đoàn dân được trao phó để dẫn dắt họ về với Chúa. Đây là vấn đề của mọi thời đại nên trong Thánh Kinh, chúng ta thấy có những trang rất đẹp về vị mục tử nhân lành, thánh thiện (x. Ga 10,11-16), nhưng cũng có những trang Chúa trách mắng, phải nói là nguyền rủa những mục tử chỉ biết lo cho bản thân mình mà sao lãng đoàn chiên Chúa đã trao phó cho mình chăm sóc (x. Ed 34,1-25; Gr 10,21; 12,10; 23,1-4).
Một điều thật đẹp là chính hoàn cảnh của những yếu đuối và thiếu xót trong cuộc giằng co nội tâm lại có thể giúp chúng ta chu toàn sứ vụ linh mục của mình, nếu chúng ta biết sống theo tinh thần được hướng dẫn trong thư Do Thái: “Quả vậy, mọi thượng tế, được chọn trong số người phàm, thì được đặt lên để lo phần ích cho loài người trong các việc liên quan tới Thiên Chúa, để dâng của lễ và hy tế đền tội. Vị ấy có khả năng cảm được lòng bao dung trung thực với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho chính mình cũng như cho dân chúng.” (Dt 5,1-3).
Trong hoàn cảnh là những con người yếu đuối, chúng ta hạnh phúc được đón nhận lòng thương xót của Chúa, nhưng trong ơn gọi linh mục chúng ta lại hạnh phúc được cộng tác với Thiên Chúa, ban phát lòng thương xót của Ngài cho tha nhân. Chính nhờ kinh nghiệm yếu đuối của mình, vị linh mục sẽ bao dung với những con người yếu đuối và có thể cảm nghiệm thấm thía nhu cầu của loài người cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Cảm nghiệm này đã được nhiều anh em linh mục diễn tả trong giờ chia sẻ dịp Thường Huấn vừa qua và tôi xin ghi lại đây đôi ba tâm tình được chia sẻ.
  • “Tuy mệt mỏi nhưng rất hạnh phúc khi thấy giáo dân xưng tội sốt sắng”;
  • “Tôi rất phấn khởi và hạnh phúc vì được làm công việc của lòng Chúa thương xót”;
  • “Rất vui, hạnh phúc và được an ủi vì bắt được “cá quá to” (70 năm không xưng tội, rước lễ). Tôi hạnh phúc quá nên đã bật khóc với hối nhân”;
  • “Khi có những người xin xưng tội không đúng lúc, không đúng cách, tôi cố gắng đón tiếp họ. Sau đó tôi cảm nghiệm được niềm vui của đời phục vụ”;
  • “Ngồi tòa giải tội, gặp được những hối nhân đạo đức, tôi thấy tâm hồn quá đẹp, trong khi tâm hồn mình còn nhiều điều lo lắng nên cảm thấy thẹn cho chính mình và cần phải nỗ lực hơn trên đường thiêng liêng”;
  • “Khi ngồi tòa giải tội cũng là lúc tôi nhận ra thân phận yếu đuối và mỏng dòn của mình, cần đón nhận lòng thương xót của Chúa”;
  • “Tôi cảm thấy xót xa khi gặp những hối nhân đã bỏ xưng tội lâu năm vì đã bị một cha giải tội quát tháo, mắng chửi trong tòa giải tội”;
  • “Ngồi tòa giải tội, tôi cảm thấy mình đang được đồng hình đồng dạng với Chúa vì đang được trở thành “Đấng gánh tội trần gian” ”;
  • “Ngồi tòa giải tội, tôi cảm nghiệm thấy một Thiên Chúa lòng lành vô cùng, vô tận”;
  1. Nỗi thống khổ của sứ giả lòng thương xót
Đọc bài Tin Mừng của lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ, đến đoạn cuối, chúng ta có thể cảm thấy ngạc nhiên và ngỡ ngàng. Cũng như mọi con đầu lòng của dân Israel, Chúa Giêsu được dâng cho Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa. Đáng lẽ ra như thế là xong, nhưng bài sách Tin Mừng còn tiếp tục nói thêm và đến đoạn cuối lại thêm vào một chuyện chẳng thấy bao giờ nói với con trẻ nào khác: “ Ông Simêôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người trong dân Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩa từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (Lc 2,33-35).
Mấy câu Sách Thánh trên đây cho thấy mầu nhiệm Thập Giá đã thấp thoáng trong sứ mệnh cứu chuộc của Chúa Giêsu là sứ giả lòng thương xót của Thiên Chúa Cha và một cách âm thầm Đức mẹ cũng tham dự vào sứ mệnh lòng thương xót của Chúa Giêsu qua mầu nhiệm Thập Giá.
Bên cạnh niềm vui, sứ giả lòng thương xót cũng phải chấp nhận những nỗi thống khổ kèm theo nhiệm vụ. Tại sao lại có đâu khổ kèm theo nhiệm vụ làm sứ giả lòng thương xót? Câu trả lời chúng ta có thể tìm được ttrong dụ ngôn “Những người làm nho sát nhân” trong Tin Mừng Thánh Marcô (12,1-11):
“Có người kia trồng được một vườn nho; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác: kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nói: ‘Chúng sẽ nể con Ta.’ Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau: ‘Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta.’ Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho... Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao: ‘Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là côn trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta!’”
Dụ ngôn trên đây mở ra trước mắt chúng ta cuộc đọ sức giữa lòng thương xót của Thiên Chúa và sự độc ác của lòng dạ loài người. Sự độc ác của loài người gia tăng thì lòng thương xót của Thiên Chúa cũng gia tăng thêm và càng kiên trì. Lòng thương xót của Thiên Chúa đúng thực là vô cùng, vô tận. Và dụ ngôn kết thúc với sự chiến thắng của lòng thương xót của Thiên Chúa. Đứng giữa cuộc đọ sức của lòng thương xót của Thiên Chúa với sự độc ác của lòng dạ loài người là các sứ giả của lòng thương xót. Đứng vào vị thế này, nhiệm vụ là sứ giả lòng thương xót  sẽ là nguồn gốc của bao nỗi thống khổ mà điểm tột cùng là cái chết nhục nhã của Chúa Giêsu trên cây Thánh Giá.
Trong những chia sẽ về cảm nghiệm trong việc ngồi tòa của quí Cha, tôi xin ghi lại đây ít chia sẻ đơn sơ, nhưng diễn tả rõ ràng những khó khăn của nhiệm vụ là sứ giả của lòng thương trong tòa giải tội:
  • “Nhiều lúc phải chịu đựng và nhẫn nhục vì hối nhân xưng tội dài dòng và lòng vòng; có khi không xưng tội mình mà lại xưng tội của người khác...trong khi số người đứng chờ xưng tội lại quá đông”.
  • “Quá vất vả với công việc mục vụ vì phải phụ trách nhiều nơi nên việc giải tội trở thành việc nặng nhọc”.
Hai khó khăn được chia sẻ trên đây tuy chưa phải là nỗi thống khổ tột cùng, nhưng chúng giúp chúng ta ý thức về những đau khổ trong sứ vụ là chứng nhân và sứ giả lòng thương xót mà nhiều anh em linh mục phải gánh chịu. Những khó khăn, những đau khổ trong cuộc đời và sứ vụ linh mục, nếu được đón nhận trong tinh thần là trung gian của lòng thương xót, sẽ trở thành nguồn ơn cứu độ. Ngược lại, chúng sẽ là căn cớ gây thêm sầu buồn.
Kính thưa quí Cha, để kết thúc bài chia sẻ hôm nay về sứ mệnh của chúng ta là những sứ giả lòng thương xót của Chúa, tôi muốn lặp lại điều ước mơ tôi đã bày tỏ với quí Cha trong bài chia sẻ tháng trước: “Tôi ao ước biết bao được thấy tất cả anh em linh mục của Giáo phận Xuân Lộc chúng ta sẽ là những sứ giả của Thiên Chúa là Đấng lòng lành vô cùng, vô tận. Ước gì đoàn dân Chúa trong Giáo phận sẽ được đón nhận và che chở bởi những mục tử, hiện thân của Thiên Chúa là Đấng hay thương xót. Ước gì mọi người, lương cũng như giáo, khi tiếp cận với chúng ta, đều cảm thấy như thể được đụng chạm tới Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót”.
Thân ái mến chào quí Cha.
+ Đaminh Nguyễn Chu Trinh
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...