10/02/2020
704
Thứ Ba Tuần 5 TN
Lời Chúa: Mc 7,1-13
Có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân : họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận ; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn ; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su : "Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa ?" Người trả lời họ: "Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng : 
         Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, 
         còn lòng chúng thì lại xa Ta.
      Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, 
         vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.
Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm." Người còn nói : "Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông. 10 Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng : Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử ! 11 Còn các ông, các ông lại bảo : "Người nào nói với cha với mẹ rằng : những gì con có để giúp cha mẹ đều là "co-ban" nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa" rồi, 12 và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. 13 Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa !"
Suy niệm
         Có ai đó nói rằng: “căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất, toàn diện nhất của xã hội ta hiện nay là bệnh giả dối. Chính cái giả dối tràn lan khiến người ta không còn thật sự tin vào bất cứ điều gì nữa. Câu hỏi thường xuyên bây giờ: Tốt để làm gì? Sạch để làm gì? Quên mình để làm gì? Xả thân chống lại cái xấu, cái giả để làm gì? Vì ai cũng giả dối và nếu tôi không giả dối thì thiệt thòi chắc chắn về tôi !
Chúa Giê-su đã từng đả kích mọi hành vi giả dối. Và có lẽ điều tệ nhất vẫn là thứ “Giả nhân giả nghĩa”, thứ “giả hình” mà Chúa đã nặng lời khiển trách: 
“Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng,
Còn lòng chúng thì xa Ta”.
Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự. Con người có thể gạt được nhau qua hình thức bên ngoài nhưng Thiên Chúa thấu hiểu mọi tâm can con người. Thế nên, vợ chồng cần chung thủy với nhau. Con cái cần chân thật với cha mẹ. Anh em đừng đóng kịch với nhau nhưng hãy sống thật với lòng mình thì sẽ có một tâm hồn an bình. Kẻ giả tạo luôn quanh co và tìm cách đánh lừa mọi người sẽ không có lương tâm bình an. Chỉ khi sống thật, sống chân thành mới mang lại niềm vui trong cuộc sống.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn sống chân thành trước mặt Chúa và tha nhân. 
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa cũng dạy chúng con phải thảo kính cha mẹ. Vì tình yêu của cha mẹ như trời bể mênh mông, như núi non cao vời, đòi hỏi chúng con phải sống đền ơn đáp nghĩa với công ơn sinh thành của mẹ cha. Xin giúp chúng con luôn khắc ghi ân tình mẹ cha như câu ca dao đã dạy: “Núi cao bể rộng mênh mông – Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!”. Xin giúp chúng con đừng như những đứa con sống giả hình với cha mẹ theo kiểu: “khi sống chẳng cho ăn – khi chết làm ma tế ruồi”. 
Xin giúp chúng con biết sống chu toàn bổn phận với Chúa và gia đình trong tinh thần của những người con ngoan hiền. Amen
LM. Jos Tạ Duy Tuyền
 
 ĐỪNG V HÌNH THC
            Nhiều tôn giáo lấy việc tẩy rửa làm một trong những nghi thức linh thiêng của đạo. Chẳng hạn người Ấn Giáo tắm ở sông Hằng trước khi vào tế tự ở đền thờ, hoặc các thành viên Cộng đoàn Qumrân thời Chúa Giêsu lấy việc tắm rửa hằng ngày để diễn tả thái độ sẵn sàng của mình cho ngày Đấng Mêsia đến; ngay cả Gioan Tẩy giả cũng đã coi việc dìm người xuống dòng sông Giođan rồi trồi lên khỏi nước như cử chỉ nói lên sự hoán cải tâm hồn, sẵn sàng gia nhập đoàn dân mới của Thiên Chúa khi Ngài ngự đến.
            Với người Do thái, việc rửa tay trước khi ăn, rửa chén bát, đồ dùng,… không chỉ nhằm giữ vệ sinh nhưng trên hết là giữ truyền thống của tiền nhân. Đó là những giáo lý, quy định do các bậc thầy Do Thái đề ra. Những nghi thức thanh tẩy này là phương thế giúp dân tiến gần đến Thiên Chúa và phụng sự Ngài cách xứng hợp hơn. 
            Thế nhưng rồi ta lại thấy các lãnh đạo Do thái lại coi chúng là luật buộc và đặt ngang hàng với điều răn Thiên Chúa. Khi tuân giữ cẩn thận những qui tắc này, họ cho rằng đã chu toàn bổn phận thờ phượng Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã chống lại thứ tôn giáo méo mó chỉ lo tuân giữ một loạt lề luật do con người đặt ra. Việc thờ phượng Thiên Chúa như thế trở nên vô ích vì: "Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người" (Mc 7, 7). Từ đó, Đức Giêsu mời gọi ta thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực.
             Đối với người Do Thái, việc rửa tay, rửa chén đĩa, rửa thực phẩm, không chỉ là một biện pháp vệ sinh nhằm phòng bệnh, mà còn là một nghi thức tôn giáo nói lên ước nguyện trở nên thanh sạch để có thể hiệp thông với Thiên Chúa là Đấng Thánh. Ta thấy đây là điều tốt, nhưng người Biệt phái đã quá vụ hình thức mà bỏ quên điều thiết yếu, họ phán đoán những người xấu hay tốt dựa trên những hình thức bên ngoài. 
            Chúa Giêsu đã trả lời cho thái độ vụ hình thức ấy như sau: “Các ông gạt bỏ giới răn của Thiên Chúa qua một bên, mà duy trì truyền thống của người phàm.” Chúa Giêsu muốn cho thấy các việc làm bên ngoài ấy, dù có tính cách tôn giáo đến đâu, cũng không thể thay thế cho một việc khác quan trọng hơn. Điều quan trọng là sự thanh sạch của tâm hồn, chứ không phải việc rửa tay, rửa vật dụng bên ngoài, đừng lẫn lộn ý muốn của con người với ý muốn của Thiên Chúa, đừng lẫn lộn tập tục của truyền thống phàm nhân với lề luật do chính Thiên Chúa ban bố.
            Chúa Giêsu nhắc đến trường hợp những người Do Thái nhân danh tập tục dâng cúng một số của cải vào Đền thờ, gọi là copan, nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa, để rồi biện minh cho sự thiếu sót bổn phận đối với Cha Mẹ. Tập tục dâng cúng là do con người, thảo kính Cha Mẹ là lệnh truyền của Thiên Chúa, thế nhưng trong trường hợp vừa kể, vì tinh thần sống vụ hình thức, những người Biệt phái đã bỏ luật của Thiên Chúa để tuân giữ tập tục loài người.
            Ngày mỗi ngày, ta thấy các phương tiện truyền thông lại ra rả nhắc nhở dân chúng coi chừng hàng giả. Ngày nay mọi sự đều có thể là đồ dỏm, từ thứ đáng giá tiền tỷ như thiên thạch đến bó rau, củ cà rốt cũng có thể là hàng Trung Quốc giả hàng Việt. Thế nhưng, tinh vi nhất và đáng trách nhất vẫn là những thứ giả liên hệ đến bản thân con người như thói giả nhân giả nghĩa hay thứ tình yêu giả hiệu khiến bao người bị lừa đau đớn. 
            Thậm chí với Chúa, cũng có người dâng cho Ngài những thứ giả mà cứ làm như là thật. Chúa Giêsu đã trách những người Pharisêu và các kinh sư thờ phượng Chúa trên đầu môi chót lưỡi, nhưng trái tim lại xa cách Ngài, chăm chăm tuân giữ các truyền thống xưa, còn điều răn yêu thương cốt lõi Chúa dạy thì lại bỏ quên không giữ.
            Chúa Giêsu hơn một lần cảnh báo người Do Thái thời của Ngài “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm” và rằng “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa, để nắm giữ truyền thống của các ông”. Thời Chúa Giêsu người Do Thái tự cho mình cái quyền giải thích và suy diễn luật và coi đó là truyền thống của tiền nhân bắt mọi người phải theo. Thậm chí, họ còn bỏ qua điều luật của Thiên Chúa mà tuân giữ những gì mà họ coi đó là truyền thống của cha ông.
            Nhiều lúc chính chúng ta lại mắc phải điều mà người Do Thái đã mắc thời của Chúa Giêsu. Chúng ta cũng dựa vào những truyền thống này nọ để bỏ đi lề luật của Thiên Chúa, chúng ta chỉ giữ đạo hình thức mà không có chiều sâu nội tâm. Mỗi dịp lễ lớn, chúng ta đều được chứng kiến những cuộc rước rầm rộ, thu hút đông người, nhưng nhiều người trong số đó chỉ đi rước rồi về không tham dự thánh lễ nữa. Đó là một trong những dẫn chứng việc một số người chỉ giữ đạo hình thức bên ngoài và thích những gì là hội hè hơn lễ lạy, duy trì truyền thống hơn là tuân giữ và sống theo luật Chúa.
            Ngày hôm nay, người Kitô hữu cũng đang bị cám dỗ tôn thờ Thiên Chúa cách hình thức, giả tạo còn lòng trí thì ở xa Ngài; bị cám dỗ bằng lòng với việc giữ đạo cách tối thiểu chỉ để lương tâm yên ổn… Do đó, lời khiển trách của tiên tri Isaia năm xưa: "Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta" (Mc 7,6; Is 29,13) vẫn còn giá trị. 
            Chúa Giêsu mời gọi ta tôn thờ Thiên Chúa cách chân thực, tận đáy lòng. Sự thờ phượng đích thực đòi buộc ta chọn giáo huấn của Đức Kitô làm kim chỉ nam hướng dẫn cuộc sống mình. Dù nhiều khi, việc chọn lựa này đòi hỏi bản thân phải chịu hy sinh và lội ngược dòng. Nhưng khi nỗ lực yêu mến và sống Lời Chúa, ta đang trở nên người môn đệ chân chính của Ngài. Đồng thời, ta cần đón tiếp Chúa Giêsu vào trong cuộc đời mình. Ngài sẽ thanh tẩy cõi lòng, tâm tư và tình cảm của chúng ta nên thánh thiện, tinh tuyền, xứng đáng thờ phượng Thiên Chúa (Rm 12, 1).
            Sứ điệp quan thiết nhất cho ta hôm nay lại nằm ở câu trích sách Isaia mà Chúa Giêsu dùng lại: dân này tôn kính Ta bằng môi miệng. Lời này vừa như để tố cáo cách khôn ngoan mà thẳng thắn những kẻ tự cho mình là công chính qua việc giữ luật thật tỉ mỉ ; mà cũng vừa như thể trách móc dân chúng và những ai đã nhẹ dạ cả tin đi theo thói đạo đức giả của những người lãnh đạo thiếu hẳn một tấm chân tình và lòng kính sợ Thiên Chúa thật sự.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...