10/03/2015
15653

HỘI KHÔI BÌNH

1.      LINH ĐẠO KHÔI BÌNH

Linh đạo Khôi Bình do Cha Thánh Ađôn Khôi Bình (linh mục người Đức, Adolph Kolping: 1813 – 1865), sáng lập vào năm 1846 nhằm giúp các tín hữu tại thế nên thánh bằng cách thể hiện gương mặt cụ thể của Chúa Giêsu giữa xã hội. Thể hiện bằng việc thăng tiến xã hội theo cách của Đức Kitô (thăng tiến xã hội theo chiều kích Tin Mừng) theo 4 tính cách sau đây:

-          Thành viên Khôi Bình có bổn phận yêu thương tha nhân bằng cách nâng cuộc sống của họ lên xứng với phẩm giá con người. Đối tượng của sự thăng tiến xã hội là mọi người, không phân biệt lương giáo, và chú trọng đến những người nghèo khổ bị áp bức, đáng thương. Người nghèo ở đây phải được hiểu như là những người nghèo khổ cần giúp đỡ. Sự thiếu thốn có thể là vật chất, tinh thần hoặc tâm linh. Do đó “tính xã hội”, có tầm quan trọng nhất và là một nét đặc thù của linh đạo Khôi Bình.

-          Muốn thăng tiến xã hội, trước hết Khôi Bình viên phải tự thăng tiến chính mình, nghĩa là phải tự thánh hóa mình và sự thánh hóa ấy sẽ lần lượt lan tỏa đến từng người cụ thể gần mình nhất. Thánh hóa bằng một cuộc sống đời thường nhưng công chính theo mẫu gương của Thánh Giuse. Ý niệm của sự công chính bao hàm sự công bình và bác ái. Linh đạo Khôi bình chú trọng giáo dục người anh em về mặt này. Linh đạo Khôi Bình không nhắm vào việc thực hiện một số bổn phận đạo đức cụ thể, nhưng khuyến khích Khôi bình viên phải sống từng giây từng phút linh đạo Khôi Bình của mình giữa xã hội. Điều này đã nêu được ‘tính tại thế” của linh đạo Khôi Bình.

-          Để việc thánh hóa bản thân đạt hiệu quả tối đa, Khôi Bình viên cần những người bạn đồng hành để hỗ trợ nhau. Bạn đồng hành (có thể là tu sĩ hoặc giáo sĩ) là những người cùng chí hướng Khôi Bình trong giáo xứ tụ họp với nhau thành một gia đình, và được gọi là gia đình Khôi Bình (Vd GĐKB Thanh Đa, GĐKB Chính Tòa...). Họ xem nhau như anh em một gia đình, chia sẻ cho nhau Lời và Bánh (Lời Chúa và cuộc sống). Chính vì vậy “tính gia đình” là một đặc điểm nữa của linh đạo Khôi Bình.

-          Một thành viên Khôi Bình muốn sống “tốt đạo đẹp đời”, “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” phải có lập trường Giáo hội vững chắc. Sống như thế là mặc nhiên góp phần vào việc xây dựng Giáo Hội ngày một tốt đẹp hơn, phát triển hơn. Đó là “tính Giáo hội” của linh đạo Khôi Bình.

Những nguyên lý của linh đạo Khôi Bình được xây dựng trên nền tảng vững chắc có 3 chân đế: sứ điệp của Đức Kitô – Giáo huấn xã hội của Giáo hội – Tư tưởng của cha Kolping. Trong đó nguyên lý cơ bản về thăng tiến xã hội là giúp người để người có thể tự giúp (về mọi mặt).

2. LỊCH SỬ VÀ PHÁT TRIỂN

 Linh mục Robert Henrich, linh giám Khôi Bình, tổng giáo phận Freiburg, nhân chuyến sang thăm Việt Nam năm 1990, đã gieo mầm Khôi Bình đầu tiên tại giáo xứ Thanh Đa. Người hưởng ứng đầu tiên là Cha Đaminh Nguyễn Đình Tân với nhóm “Bác ái”. Sau đó Khôi Bình âm thầm lan tỏa ra tận Nha Trang, Đà Nẵng và Huế. Dù bao giông tố, Khôi Bình Việt Nam vẫn lớn mạnh, vươn tới các giáo phận đồng bằng sông Cửu Long.

Nhờ ơn Chúa, qua sự bầu cử của Cha Thánh, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 25/02/2002 đã chính thức công nhận Khôi Bình là một đoàn thể Công giáo Tiến hành. Ngày 11/6/2003, sau cuộc bầu chọn do các cha linh giám Khôi Bình giáo phận toàn quốc, cộng đoàn Khôi Bình Việt nam đã chính thức được cha Giuse Trương Vĩnh Phúc là Linh giám Khôi Bình Việt Nam tiên khởi. Như thế kể từ ngày này, cộng đoàn Khôi Bình Việt Nam có Ban Quản gia hoàn chỉnh như sau:

- Cha Giuse Trương Vĩnh Phúc, Linh giám KBVN.

- Anh Anrê Nguyễn Hữu Nghĩa, gia trưởng KBVN.

- Anh Tôma Hoàng văn Nhàn, phó gia trưởng KBVN.

- Anh Giuse Trương Văn Trang, thư ký KBVN

- Anh Phêrô Đamianô Đinh Ngọc Thiệu, Quản lý KBVN.

 Gia đình Khôi Bình giáo xứ thường gặp nhau mỗi tuần một lần để chia sẻ Lời và Bánh. Hiện nay Khôi Bình có mặt trên 13 giáo phận với 60 gia đình Khôi Bình giáo xứ, gồm khoảng 1.200 thành viên.

 (Theo Giáo Hội Công Giáo Việt nam – Niên Giám 2004 -  tr.449-451)


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...