12/11/2019
787
Thứ Tư Tuần 32 Thường Niên
Lời Chúa: Lc 17,11-19
11 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. 12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa 13 và kêu lớn tiếng : "Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi !" 14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ : "Hãy đi trình diện với các tư tế." Đang khi đi thì họ được sạch. 15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. 17 Đức Giê-su mới nói : "Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? 18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?" 19 Rồi Người nói với anh ta : "Đứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh."  "Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông"
Suy niệm:
         Con người dễ nhận ơn nhưng lại dễ quên ơn. Con quên ơn cha mẹ. Trò quên ơn thầy cô. Bạn bè phụ bạc lẫn nhau. . . Có khi làm ơn mắc oán khiến chúng ta cũng ngại khi phải giúp đỡ tha nhân.
         Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nuối tiếc về cách cư xử vô ơn của những người bệnh phong được chữa lành khi thốt lên: “Không phải cả mười người được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”
Ước gì noi gương người Samaria, chúng ta biết nhìn ra ân huệ và tình thương của Thiên Chúa dành cho mình, để chúng ta cảm tạ tri ân Thiên Chúa, và tôn vinh tình thương Chúa. Xin cho chúng ta cũng biết nhận ra tình thương của tha nhân dành cho chúng ta, để chúng ta luôn sống tâm tình tri ần và đền đáp tình yêu. Khởi đi từ gia đình luôn biết sống thảo hiếu vâng lời bề trên và sống tử tế với anh em trong nhà.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, hai chữ cám ơn nhau thật cần thiết cho tương quan giữa người với người. Hai chữ cám ơn nối kết người cho và người nhận nên một niềm vui ngọt ngào của hoa trái yêu thương. Nhưng Chúa ơi, sao chúng con lại hẹp hòi hai tiếng cám ơn với những người thân của chính mình. Chúng con ngại cám ơn về những vất vả ngược xuôi, cùng bao mưa nằng trong đời mà cha mẹ dành cho chúng con. Chúng con vô tâm trước những hy sinh, cống hiến của cha mẹ, của vợ chồng, anh em bè bạn đang hy sinh vì chúng con. Chúng con xem đó là bổn phận mà quên rằng bổn phận đó họ đã làm vì yêu mến chúng con. Xin dạy chúng con biết tri ân nhau ngay trong những điều nhỏ nhất nhất, biết cám ơn nhau ngay trong những việc tầm thường hằng ngày. Xin cho chúng con luôn mau mắn nói lời cám ơn với những ai đang hy sinh vì chúng con.
Và trên hết, xin cho chúng con đừng bao giờ lãng quên tình Chúa, nhưng luôn biết tri ân và cảm tạ tình yêu Chúa trong suốt cuộc đời chúng con. Xin cho cuộc đời chúng con luôn là bài ca dâng hiến để tạ ơn về những ơn lành Chúa ban. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
LÒNG BIẾT ƠN
          Trong phép lịch sự xã giao của xã hội, mà ngay từ khi một đứa trẻ bập bẹ biết nói, người ta đã dạy chúng hai từ căn bản, đó là: xin lỗi và cám ơn. Đây là thái độ của một con người được đánh giá là lịch sự, là có giá trị. Giá trị ở chỗ nhận ra những gì xảy đến trong cuộc đời là do ân ban do tình thương của người khác. Hôm nay, trong bài Tin Mừng, Thánh sử Luca đã đề cao một hành vi nhỏ bé ấy, vốn xảy ra trong cuộc sống hằng ngày.
          Trên hành trình lên Giêrusalem và khi đi ngang qua ranh giới giữa miền Samari và Galilê, Chúa Giêsu đã được mười người phong hủi đón gặp. Ai cũng biết những người phong phải rơi vào một tình trạng thật thê thảm. Thật vậy, người phong hủi bị mọi người trong xã hội lẫn tôn giáo thời ấy kỳ thị và xa lánh.
          Khi thấy Chúa Giêsu vào làng, họ ra đón gặp Người. Nhưng "họ chỉ dừng lại ở đàng xa và kêu lớn tiếng: Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi" (c.13). Họ không dám đến gần Chúa Giêsu để nài nỉ, để chạm vào gấu áo Người như những bệnh nhân khác, vì đó là luật cấm của Do Thái. Họ biết Chúa Giêsu là vị lương y tài giỏi chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, nên cố kêu lớn tiếng cầu xin lòng thương xót của Người. Động lòng thương",  Chúa Giêsu bảo: Hãy đi trình diện tư tế (14a).
          Một lệnh truyền được ban ra và họ đã thi hành. Chúa Giêsu bảo họ đi đến với các tư tế là những người theo luật (Lv 14, 2tt) có nhiệm vụ cứu xét về việc lành bệnh, để họ được gia nhập cộng đồng. Chúa Giêsu đã không làm một cử chỉ "giơ tay" hay "chạm vào", vì thế việc chữa lành không xảy ra ngay tức khắc: "đang khi đi, họ được sạch" (14b). Như thế, chỉ với một lệnh truyền mà mười người này đã tuân lệnh, chứng tỏ họ có lòng tin tưởng mạnh mẽ vào Lời của Đức Giêsu- Lời của Người có sức mạnh và uy quyền chữa lành.
          Việc tìm gặp Chúa Giêsu chính là một cơ hội quý giá để được chữa khỏi, và niềm hy vọng mong manh của những người phong đã thành hiện thực. Chúa Giêsu đã mủi lòng trước lời van xin đầy thống thiết của họ: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi” và Chúa đã chữa lành cho họ. Nhưng đáng suy nghĩ là bổn phận biết ơn.
          "Một người trong bọn họ thấy mình được sạch, liền quay trở lại, tôn vinh Thiên Chúa" (15). Chúng ta chú ý về thái độ của anh: khi vừa thấy ơn lành xảy ra với mình, anh ý thức điều ấy ngay tức khắc trong thái độ: "liền quay trở lại" tìm gặp Chúa Giêsu và tôn vinh Thiên Chúa đã thực hiện nơi anh việc lạ lùng qua Lời của Người. "Anh sấp mình.dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn".  Một thái độ tôn thờ, tin tưởng và suy tôn uy quyền của Thiên Chúa; thái độ của một thụ tạo trước Đấng tác tạo muôn loài, trước Tình Yêu nhưng không của Ngài chỉ còn biết: Tạ ơn; như thái độ của Đức Maria trong kinh Magnificat vậy. Anh ý thức mình chỉ là một tạo vật nhỏ bé tầm thường nhưng được Thiên Chúa ưu ái đặc biệt. Thánh Luca nói tiếp: Anh là người Samari.
          Chúa Giêsu quả thật là người đã chữa trị cho mười người phong cùi, nhưng khác với những phép lạ khác, ở đây thay vì sờ vào những người phong cùi hoặc nói một lời, Chúa Giêsu sai họ đi trình diện với các tư tế theo như luật Môisen qui định. Thánh Luca ghi lại rõ ràng rằng trong khi họ đi, họ được lành sạch.
          Quả thật, nếu họ đứng yên tại chỗ để chờ đợi, họ sẽ chẳng bao giờ được lành bệnh. Chúa chờ đợi để chữa trị họ và chính lúc họ tin tưởng để ra đi, ơn Chúa mới đến. Chúa luôn chờ đợi lòng tin, sự kiên nhẫn và cả sự chờ đợi của chúng ta. Có khi ơn Ngài chỉ đến sau nhiều năm tháng chờ đợi và nhất là sau nhiều năm tháng chiến đấu hy sinh của chúng ta. Một sự thất bại, một nỗi mất mát lớn lao, một căn bệnh bất trị, bao nhiêu đau khổ là bấy nhiêu tiến tới và chờ đợi để ơn Chúa được chín muồi.
          Lẽ dĩ nhiên, người ban ơn không cần báo đáp nhưng người thụ ơn phải có bổn phận biết ơn. Ấy vậy mà, chỉ một người trong số họ trở lại để tạ ơn Chúa. Một con số quá ít trong khi cả mười người đều nhận ơn. Tin Mừng còn viết rõ đó là người Samari, người vẫn bị anh em Do Thái nhìn nhận là ngoại giáo. Dân Do Thái, dân riêng của Thiên Chúa mà đại diện là chín người kia, đã không trở lại để tạ ơn. Tiên tri Isaia đã mạnh mẽ lên án thái độ vô ơn với Thiên Chúa khi viết: “Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Israel thì không biết, dân Ta thì chẳng hiểu gì” (Is 1, 3).
          Cuộc đời chúng ta nằm trong những liên đới chập chùng. Chúng ta chẳng cho đi được bao nhiêu nhưng lại nhận rất nhiều từ Thiên Chúa về vật chất cũng như tinh thần, trực tiếp cũng như qua xã hội và gia đình. Và nhất là chính sự hiện hữu của chúng ta cũng là món quà từ Thiên Chúa. Nếu không nhận ơn, đời chúng ta thành bơ vơ nghèo nàn. Tiền bạc vật chất có thể trả được nhưng ân nghĩa, tình thương làm sao trả được !
          Ta là những người đã lãnh nhận rất nhiều ơn lành từ Thiên Chúa. Thế mà, mỗi người thường rất vô ơn. Sự vô ơn thể hiện qua việc để cho ơn thánh trở nên vô hiệu, và đời sống của mình ra cằn cỗi, không sinh hoa trái. Việc sinh nhiều hoa trái là một dấu chỉ về lòng biết ơn Chúa (Ga 15, 8). Hoa trái ấy trổ sinh khi chúng ta biết đón nhận con người thật của mình, biết chấp nhận cuộc sống đầy gian truân, tuân giữ và thực thi giới luật yêu thương với hết mọi người, đặc biệt là những người bệnh tật và đau khổ.
          Chúa Giê-su đã chữa lành mười người phong cùi, nhưng chỉ có một người biết ơn Chúa! Cả ngàn người được Chúa thi ân, nhưng khi Chúa vác thánh giá, chỉ có một người giúp vác thay! Cả một dân tộc đã chịu ơn, nhưng khi Chúa bị đóng đinh, chỉ có một người công khai tuyên xưng Chúa vô tội. Đối với Đức Giê-su, điều quan trọng đâu phải là để nổi tiếng về quyền năng chữa bệnh, nhưng là biểu lộ sức mạnh của Lời Thiên Chúa, Lời sinh ơn cứu độ, Lời mời gọi tuyên xưng đức tin. Tôn vinh, tạ ơn là biểu lộ niềm tin của mình vào Đấng Cứu Độ. Hãy biết tạ ơn để xứng đáng là người hơn.
          Biết ơn, xem ra không phải là điều tự nhiên của con người. Tâm tình ấy cần được dạy dỗ trau dồi ngay từ lúc con người vừa bập bẹ biết nói và nuôi dưỡng trong suốt cuộc sống. Tâm tình cảm mến tri ân cũng cần phải được trau dồi trong cuộc sống của người tín hữu Kitô. Trong một kinh Tiền Tụng, Giáo Hội dạy chúng ta cầu nguyện rằng: Dâng lời tạ ơn Chúa cũng là một hồng ân Chúa ban tặng cho chúng ta“. Cầu nguyện trong tin tưởng phó thác và không ngừng dâng lời tạ ơn, đó phải là tâm tình cơ bản và thường hằng của người tín hữu Kitô chúng ta.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...