08/04/2021
2226
Thứ Sáu Tuần Bát Nhật
         Ga 21,1-14
         1 Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông : "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp : "Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
         4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông : "Này các chú, không có gì ăn ư ?" Các ông trả lời : "Thưa không." Người bảo các ông : "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô : "Chúa đó !" Vừa nghe nói "Chúa đó !", ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.
         9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Đức Giê-su bảo các ông : "Đem ít cá mới bắt được tới đây !" 11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12 Đức Giê-su nói : "Anh em đến mà ăn !" Không ai trong các môn đệ dám hỏi "Ông là ai ?", vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông ; rồi cá, Người cũng làm như vậy. 14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.
Suy niệm:
Cuộc đời người tín hữu đánh mất Chúa sẽ “trở lại đường xưa lối cũ” của mê lầm tội lỗi. Không có Chúa mọi nỗ lực cố gắng về đường thiêng liêng trở thành luống công vô ích. Đặc biệt người làm công tác tông đồ mà vắng bóng Chúa thì tất cả chỉ là “dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công trạng gì”.
Các môn đệ năm xưa từng cảm thấy trống rỗng, buồn tẻ vì thiếu bóng Thầy Giê-su. Cuộc sống các ông chìm trong bi quan, bế tắc. Thế nhưng, Chúa đã đến với các ông. Bằng cử chỉ thân thương bẻ bánh trao cho các ông, lòng các ông bừng lên niềm vui mới.
Cuộc đời chúng ta có lẽ cũng chỉ thất vọng, chán nản bởi đã để quên Chúa hay đã bỏ Chúa vì những đam mê tội lỗi. Xin cho chúng ta đừng bao giờ bỏ Chúa vì những niềm vui mau qua, những hạnh phúc giả tạo. Xin cho chúng ta luôn theo Chúa cho đến cùng, luôn biết tìm gặp Chúa mỗi ngày qua giờ kinh, giờ lễ mỗi ngày. 
Cầu nguyện
Lạy Chúa, trong cuộc sống thường ngày, chúng con không dám xin Chúa cất đi những nhọc nhằn, vì đó là thân phận tội lỗi của con người. Chúng con chỉ xin Chúa ban cho chúng con lòng tin mến, để giữa những nghịch cảnh cuộc đời, chúng con có thể nhận ra được sự hiện diện của Chúa và tìm được niềm vui của ơn trợ giúp của Chúa. 
Lạy Chúa Ky-tô Phục sinh, xin ban cho chúng con hồng ân nhận ra Chúa giữa những thử thách nghi nan để chúng con luôn tin yêu vào Chúa và làm chứng nhân cho tin mừng của Chúa. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
XÁC TÍN NIỀM TIN
          Một buổi chiều trên biển hồ Tibêria, đám dân chài bận rộn với nhiều công việc, vài thanh niên đang dọn dẹp ở khoang tàu, kiểm tra lại máy móc, còn mấy phụ nữ ngồi giặt và vá lưới.Nhịp sống vẫn đều đặn trôi qua thế nhưng các tông đồ còn cảm thấy rã rời và buồn nản sau cái chết của thầy Giêsu.Chẳng biết làm gì, các ông lại trở về với thuyền xưa lưới cũ chèo chống cho qua ngày.
          Để xua tan không khí ảm đạm ấy, ông Phêrô chợt lên tiếng “tôi đi đánh cá đây”, các môn đệ khác đồng thanh đáp lại gợi ý của vị tông đồ niên trưởng. Và họ ra khơi nhưng tiếc thay họ vất vả suốt đêm mà không một con cá nào dính lưới.
          Khi trời đã sáng, Đức Giêsu xuất hiện trên bãi biển trong dáng vẻ một dân chài bắt chuyện làm quen: “Này các chú, không có gì ăn ư?”.Câu chuyện dẫn các ông đến một kinh nghiệm “thả lưới bên mạn thuyền” và các ông đã bắt được rất nhiều cá đến nỗi thuyền gần như chìm.
          Để bù lại công lao vất vả và để đáp lễ với bác ngư dân tốt bụng kia đã “hiến kế”, các ông liền mở một “quán cá nướng” ngay trên bờ biển. Cá mới bắt được còn tươi roi rói, các ông quây quần bên bếp than hồng cùng chia sẻ bữa ăn đầy ý nghĩa. Bên bếp than đỏ hồng, mùi cá nướng bốc lên thơm phức và câu chuyện trao đổi càng ngày càng rôm rả vò các ông chưa từng chứng kiến mẻ cá lạ lùng như thế.  Trong khung cảnh đầm ấm ấy, vị khách lạ ngồi ở giữa bẻ bánh và cá trao cho từng người.Cử chỉ thân thương ấy như một kỷ niệm lại ùa về trong ký ức khiến các ông nhận vị khách đang ngồi giữa các ông chính là Thầy Giêsu vừa sống lại từ cõi chết.
          Thánh sử Gioan quả là người quan sát rất tinh tế khi lưu ý đến hai từ “đêm tối” và “trời sáng”. Các môn đệ ra khơi thả lưới trong đêm tối và các ông chẳng làm nên trò trống gì. Phải chăng ở đây “đêm tối” của không gian, thời gian còn hiểu ngầm là “đêm tối” của đức tin, đêm tối của nỗi chán chường thất vọng. Khi ra đi trong nghi ngờ, chán nản thì các ông không thể nhận ra sự hiện diện của Đấng Phục Sinh. Chỉ khi “trời sáng” các ông mới nhận ra những cử chỉ thân thương gần gũi của Thầy Giêsu.
          Trong cuộc sống, khi xa nhau người ta thường nhớ về nhau với những kỷ niệm của một thời dấu yêu.Kỷ niệm ấy có thể là những lời nói, chiếc áo, chiếc khăn hay một đồ vật mang tính cá nhân. Với các tông đồ, kỷ niệm còn ghi đậm dấu ấn đó là cử chỉ “bẻ bánh”, cử chỉ của tình thầy trò, tình huynh đệ và của sự sẻ chia. Cử chỉ ấy có sức lay động và biến đổi khiến các tông đồ nhận ra đó là thầy Giêsu. 
          Nhận ra Đấng Phục Sinh phải là điều dễ đối với các tông và đối với mỗi chúng ta. Bởi tâm trí chúng ta còn đầy những nghi ngờ cố chấp, chúng ta không có những kỷ niệm thân thương với Chúa, còn loay hoay trong “đêm tối” của những hẹp hòi, ích kỷ, nhát đảm và sợ hãi. Chúng ta không chịu “thả lưới bên phải mạn thuyền”, không lắng nghe sự gợi ý của Chúa nên vượt qua được nỗi sợ hãi, nỗi thất vọng cô đơn.
          Khi chúng ta có sự gắn bó thiết thân với một người bạn, chúng ta dễ dàng nhận ra “tín hiệu” của người ấy. Các tông đồ đã từng ăn uống với Chúa Giêsu, không nhiều thì ít các ông cũng còn nhớ hành động cử chỉ của Thầy. Nhưng có lẽ kỷ niệm ấy chưa đủ sâu đậm, tình yêu chưa đủ độ chín nên phải có cơ hội, có biến cố các ông mới nhận ra Thầy mình.
          Sau khi sống lại, Chúa Giêsu làm phép lạ về mẻ cá lạ trước các môn đệ được Tin Mừng Gioan thuật lại, là phép lạ cuối cùng nơi trần thế. Nhờ phép lạ này mà Gioan và các môn đệ nhận ra Chúa Phục Sinh hiện diện bên cạnh mình.
          Cả một đêm vất vả, các môn đệ không đánh bắt được con cá nào. Chúa Giêsu xuất hiện giữa và bảo các ông thả lưới gần bờ. Họ nghe lời Chúa nói và đánh được mẻ cá lớn. Lúc đó, Thánh Gioan lập tức nhận ra ngay Thầy mình với niềm tin và lòng xác tín: ” Chúa đó”. Trên bờ, Chúa Giêsu đã chuẩn bị sẵn bữa ăn và cầm lấy bánh, cá nướng trao cho các ông, để chứng tỏ Người đã thực sự chiến thắng thần chết, đã phục sinh. Nhờ đó, các môn đệ được củng cố niềm tin và xác tín hơn trong việc rao giảng Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Kitô với thế giới nhân loại.
          Niềm xác tín vào Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ là bảo chứng cho mỗi người chúng ta. Chúng ta luôn gặp được Chúa trong mọi biến cố cuộc sống với xác tín niềm tin trước những đau khổ, thử thách giữa cơn đại dịch Covid 19. Chúng ta tin tưởng phó thác cuộc sống mình vào bàn tay quyền năng của Thiên Chúa trước một cuộc sống đang bị đảo lộn bởi con virus nhỏ bé vô hình đang làm cho mọi người khốn khổ.
           Chúa Phục Sinh đang hiện diện và gìn giữ cuộc sống của chúng ta, ban cho chúng ta mọi sự bình an, giúp chúng ta luôn có nghị lực, can đảm, vững tin vượt qua mọi sóng gió, gian khổ của cuộc sống  trong cơn đại dịch kéo dài hiện tại này ngõ hầu chúng ta luôn sẵn sàng đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa để biến đổi tâm hồn mình trở nên người có ích cho mọi người và làm chứng về Chúa Phục Sinh khắp mọi nơi.
          Hàng ngày, Chúa Giêsu Phục sinh vẫn xuất hiện trong cuộc đời chúng ta qua những cử chỉ yêu thương. Ước gì chúng ta luôn ghi nhớ những kỷ niệm thiết thân với Chúa, luôn khát khao tìm kiếm Ngài như Đấng giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ hãi và chán chường để niềm vui Phục Sinh luôn chiếu sáng cuộc đời chúng ta.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...