02/07/2019
2351
GIÁO HỘI:MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG
VÀ ĐỜI THÁNH HIẾN
 
Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Từ ngày 07 tháng 7 đến ngày 03 tháng 8 năm 2019, Tòa Giám Mục Xuân Lộc chúng ta sẽ đón phái đoàn các đại biểu Dòng Đa Minh thế giới đến dự Tổng Công Hội toàn Dòng. Đây là thời điểm của ơn thánh vì qua các đại biểuquy tụtrong sự hiệp thông cầu nguyện, trong tinh thần lắng nghe và trong tình huynh đệ sâu xa, thì chính Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng và hướng dẫn, giúp họ tìm ra thánh ý Thiên Chúa hầu hoán cải và canh tân đời sống ơn gọi cũng như sứ mạng tông đồ của toàn thể Hội Dòng nhằm phục vụ Giáo Hội cách trung thành theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Do đó, kết quả của Tổng Công Hội không chỉ quan trọng cho Hội Dòng, mà còn cho Giáo Hội, nhất là những Giáo Hội địa phương nơi có các thành viên của Hội Dòng hiện diện và phục vụ.Đó chính là lý do và tinh thần hướng dẫn Tòa Giám Mục Xuân Lộc vui mừng và hân hạnh đón tiếp các đại biểu Tổng Công Hội Dòng Đa Minh thế giới.

Trong tinh thần hiệp thông của Giáo Hội,tôi muốn mời gọi toàn thể con cái Giáo phận: Linh mục, Tu sĩ nam nữ và anh chị em Giáo dân cầu nguyện cho các đại biểu để Tổng Công HộiDòng Đa Minh thế giới đón nhận được nhiều ơn của Chúa Thánh Thần. Trong dịp này, tôi xin chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ đôi suy tưvềtinh thần hiệp thông trong Giáo Hội qua đề tài: “Giáo Hội: Mầu nhiệm hiệp thông và Đời Thánh hiến”.

1.
Giáo Hội: mầu nhiệm hiệp thông
Từ sau công đồng Vaticanô II, đề tài “Giáo Hội: mầu nhiệm hiệp thông” đã được nhiều người suy tư và trao đổi, theo đó nhiều vấn đề thần học và mục vụ đã được đặt ra, chẳng hạn: ý nghĩa vàtương quan giữa Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội địa phương và các Giáo Hội địa phương với nhau, nền tảng thần học của Hội đồng Giám mục, tính cách duy nhất và đa dạng của Giáo Hội, Hiệp Thông và việc chia sẻ trách nhiệm trong Giáo Hội, Hiệp Thông và Đại Kết… Những suy tư và trao đổi thần học lắm khi đã trở thành những cuộc tranh luận sôi nổi, nhất là khi chúng dẫn đến những áp dụng cụ thể vào cơ cấu và hành động.

Trong giới hạn của bài chia sẻ hằng tháng với quý Cha và quý Tu sĩ, tôi chỉ muốn trình bày một vài yếu tố của tinh thần hiệp thông để từ đó đề ra những áp dụng thiêng liêng và mục vụ cho đời sống và sinh hoạt của chúng ta.

Nói vềGiáo Hội làmầu nhiệm Hiệp Thông,ngoài những văn kiện của Giáo Hội, nhất là Hiến chế Tín lý về Giáo Hội “Ánh sáng muôn dân” (Lumen Gentium) của công đồng Vaticanô II và Thư của bộ Giáo Lý Đức Tin gửi các Giám Mục Giáo Hội Công Giáo về một số khía cạnh của Giáo Hội được hiểu như là Hiệp Thông (28.5.1992), cần phải đặc biệt nhắc đến giáo huấn của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Corintô:
  • - “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.” (1Cr 10,17).
  • - “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày... Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người.Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể.” (1Cr 12,4-13).
Theo giáo huấn của thánh Phaolô trên đây cũng như theo giáo huấn chung của Kinh thánh và truyền thống giáo phụ, Giáo Hội mầu nhiệm hiệp thông luôn hàm ngụ chiều kích song đôi. Đó là chiều kích hướng dọc, tứclà hiệp thông với Thiên Chúa và chiều kích hướng ngang tức là hiệp thông giữa loài người[1].

a. Mối tương quan hiệp thông hướng dọc với Thiên Chúa
Mối hiệp thông với Thiên Chúa có hai yếu tố cần phải được quan tâm đặc biệt:
Trước tiên, trong chiều kích song đôi của sự hiệp thông, chiều kích hướng dọc, tức là sự hiệp thông với Thiên Chúa là nền tảng và suối nguồn của sự hiệp thông với nhau trong Giáo Hội và với toàn thể loài người. Do đó, tương quan hiệp thông hướng ngang với nhau luôn phải được nuôi dưỡng bởi tương quan hiệp thông hướng dọc của mỗi phần tử với Thiên Chúa, như giáo huấn của Thánh Phaolô đã được nói đến trên đây: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người.” (1Cr 12,4-6). Đây là yếu tố quan trọng có thể cắt nghĩa tại sao các mô hìnhmới về tương quan trong Giáo Hội, mặc dù được các nhà thần học nổi tiếng đề nghị, vẫn không canh tân được sự hiệp thông hàng ngang trong Giáo Hội. Thiếu mối hiệp thông với Thiên Chúa soi sáng và thúc đẩy tâm hồn thì tinh thần con người ra u mê vàlòng trí bị phân hóa do bị lôi cuốn bởi nhiều hấp lực khác nhau.

Yếu tố thứ hai là bản chất của mối hiệp thông với Thiên Chúa. Đây là mối tương quan chiều sâu của Tình yêu Giao ước, nhờ đó, mỗi người được trở thành con Thiên Chúa và được tham dự vào đời sống thần linh của Ngài. “Anh em đã lãnh nhận Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta kêu lên: ‘Áp-ba! Cha ơi!’ Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.” (Rm 8,15-17).

b. Mối tương quan hiệp thông hướng ngang với nhau trong Giáo Hội
Vì mối tương quan hiệp thông với nhau trong Giáo Hộiphát xuất và được nuôi dưỡng bởi mối hiệp thông với Thiên Chúa,nên mang hai sắc thái đặc biệt.

Trước tiên, mối hiệp thông hướng ngang với nhau trong Giáo Hội, vừa thuộc về bản tính loài người[2], vừa là sức mạnh do Chúa Thánh Thần thúc đẩy: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày…” (1Cr 12,7-8).Những đặc sủng, tài năng, v.v. là do Chúa Thánh Thần ban phát cho mỗi cá nhân hay mỗi nhóm người nhắm phục vụ ích chung, làm cho mọi người được thăng tiến. Do đó, hiệp thông với nhau và chia sẻ cho nhau những gì mỗi người, mỗi cộng đoàn có được không phải là điều người ta có thể tùy tiện muốn hay không muốn thực hiện. Khép mình lại trong cá nhân hay tổ chức riêng tư là đi ngược lại chính bản tính loài người và nguồn sinh lực của Chúa Thánh Thần.

Sắc thái thứ hai của tình hiệp thông trong Giáo Hội là sự thông truyền cho nhau giữa những con người thuộc về nhau. Thánh Phaolô lấy hình ảnh thân thể con người để giải thích sắc thái này của mối tình hiệp thông với nhau trong Giáo Hội: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.” (1Cr 10,17); “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể.” (1Cr 12,12-13).Do đó, sự hỗ trợ và phục vụ trong tình hiệp thông của Giáo Hội không mang tính cách lịch sự, xã giao, cũng không phải là việc người mạnh giúp người yếu như một ân huệ ban phát, nhưng là quà tặng dâng hiến và trách nhiệm của những người thuộc về nhau. Sự thăng tiến của một người đóng góp cho sự thăng tiến của người khác và của tất cảtập thể. Trong tinh thần hiệp thông của Giáo Hội, không có hình ảnh ân nhân, như thể sự giúp đỡ cho một người không liên quan gì đến mình, nhưng là những người thuộc về nhau, cùng nhau thăng tiến. Tất cả cùng cho và cùng nhận. Chính lúc giúp đỡ các phần tử khác được thăng tiến cũng là lúc chính mình được thăng tiến.

2. Đời Thánh Hiến trong Giáo Hội là mầu nhiệm hiệp thông
a. Tầm quan trọng của Đời Thánh Hiến trong Giáo Hội
Thiên Chúa yêu thương loài người quá độ đến nỗi đã cho loài người được tham dự đời sống thần linh của Ngài như đã được nói trên đây (x. Rm 8,15-17). Tình yêu này được các ngôn sứ gọi là tình yêu phu thê, tình yêu giao ước (x. Is 54,5; Is 62,5; Ho 2,18-22). Chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh tiệc cưới để giải thích mầu nhiệm Nước Trời (x. Mt 22,1-14; 25,1-13). Tuy nhiên, tình yêu giao ước Thiên Chúa tặng ban là điều vượt quá sức tưởng tượng của loài người[3].Do đó, Chúa Thánh Thần đã khơi dậy trong lòng Giáo Hội một nhóm người được kêu gọi đặc biệt sống tình yêu giao ước với Chúa Giêsu để trở nên dấu chứng hữu hình, cụ thể và sống động về tình yêu giao ước với Thiên Chúa để thúc đẩy Giáo Hội và toàn thể nhân loại đón nhận và sống trong tình yêu giao ước này. Như vậy, ngay tự bản tính của mình, mỗi người sống ơn gọi Thánh hiến là quà tặng của Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội để xây dựng Giáo Hội. Trong tinh thần này, Đức Thánh Cha Phanxicô, khi nói về hiệp thông,đã kêu gọi những người sống ơn gọi Thánh Hiến phải như những “chuyên viên của sự hiệp thông”, có nghĩa là không chỉ sống hiệp thông với nhau mà còn phải phục vụ làm sao để Giáo Hội trở thành ngôi nhà và trường học của hiệp thông.[4]
b. Xây dựng nếp sống hiệp thông trong Giáo Hội là mầu nhiệm hiệp thông
  • - Đời sống tâm linh
Khi nói đến hiệp thông trong Giáo Hội người ta thường nghĩ ngay đến mối tương quan giữa các phần tử của Giáo Hội. Tuy nhiên, chính lúc nỗ lực kiến tạo sự hiệp thông với nhau, người ta sẽ khám phá ra là nếu từng phần tử của Giáo Hội thiếu đi tương quan mật thiết với Chúa, thì mối tương quan giữa các phần tử trong Giáo Hội sẽ chỉ là tương quan hời hợt giữa những đơn vị độc lập, được nối kết bởi những quy luật và lợi ích bên ngoài, mà không có chất linh thiêng bên trong.

Vì vậy, để sống mầu nhiệm Giáo Hội hiệp thông, cần phải trở về với những nguồn sinh lực nuôi sống Giáo Hộilà suy niệm Lời Chúa, tham dự các Bí tích và cầu nguyện riêng tư cũng nhưchung trong cộng đoàn. Mức độ hiệp thông trong Giáo Hội tùy thuộc vào sự thánh thiện và nhiệt tâm nên thánh của mỗi phần tử trong Giáo Hội. Về điểm này, đối với các linh mục và tu sĩ vấn đề mấu chốt không phải là sự hiểu biết, nhưng là dấn thân sống theo những sự hiểu biết.Thế hệ chúng ta không thiếu kiến thức, không thiếu kỹ thuật, cũng không thiếu các nhà khoa học; có thiếu chăng là thiếu các vị thánh,thiếu những linh mục và tu sĩ “đồng hình, đồng dạng với Chúa Giêsu”.Chính trong viễn tượng này, sự hiện diện của những người sống ơn gọi Thánh Hiến trở nên tối quan trọng cho Giáo Hội. Họ là những người đã nhận Chúa Giêsu làm gia nghiệp nên thanh thoát khỏi tất cả những gì không phải là Chúa để chỉ sống cho Ngài và vì Ngài.Nhờ đó, sự hiện diện của họ làm lan tỏa sự hiện diện của Chúa.
  • - Thay đổi não trạng
Khuynh hướng chung là biến chính mình hay những thực tại gần gũi mình thành trung tâm điểm hay điểm tựa tuyệt đối để rồi những lựa chọn, tất cả đềutập trung theotâm điểm đónên dễ loại bỏ hay làm ngơ những thực tại khác. Theo khuynh hướng này, người ta biến Giáo phận, Giáo xứ, Hội Dòng, Cộng đoàn của mình thành điểm quy chiếu và coi những thực tại khác trong Giáo Hội như những thực tại xa lạ, không liên quan gì đến mình.

Trong bối cảnh của bài chia sẻ,tôi xin có một vài suy nghĩ áp dụng vào mối tương quan của các Hội Dòng, Cộng đoàn Thánh Hiến và Giáo phận. Nếu các Hội Dòng, Cộng đoàn Thánh Hiến là hồng ân Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội để nuôi dưỡng và xây dựng Giáo Hội thì Giáo Hội là điểm quy chiếu của đời sống và hoạt động của Hội Dòng hayCộng đoàn Thánh Hiến. Đối với người sống ơn gọi Thánh Hiến, bất cứ nơi nào được sai đến thì đó là nhà của mình và đoàn Dân Chúa nơi đó là đối tượng chính yếu của việc phục vụ của mình.
Trong việc sống tinh thần hiệp thông tại các Giáo Hội địa phương, ngoài việc phải trung thành với đặc sủng riêng của Hội Dòng để làm cho đời sống Đức Tin của Dân Chúa trong Giáo phận được thêm phong phú, còn cần phải hòa nhập vào những vui buồn của Giáo phận. Do đó, mỗi Cộng đoàn Thánh Hiến được mời gọi chia sẻ các thao thức mục vụ của Giáo phận và tích cực cộng tác với các chương trình mục vụ chung của Giáo phận. Về phía Giáo phận, Giáo xứ, cần phải làm sao để các Cộng đoàn Thánh Hiến được đón nhận và hỗ trợ như người nhà, chứ không phải là những người khách đến ở nhờ.

Để kết thúc bài chia sẻ này, tôi mong ước quý Cha,dòng cũng như triều,quý Thầy và quý Dì biết là mình được các Đức Cha Giáo phận trân trọng và đón nhận như những cộng tác viên quý báu để cùng với các Đức Cha và toàn thể các Linh mục, Tu sĩ trong Giáo phận chăm sóc cho đời sống Đức Tin, trong sinh hoạt Bác Ái và Truyền Giáo của đoàn Dân Chúa tại Giáo phận Xuân Lộc. Xin Đức Mẹ và Thánh Giuse, Quan Thầy Giáo phận dạy chúng ta sốngsâu xamầu nhiệm hiệp thông của Giáo Hội và cùng nhau hướng dẫn đoàn Dân Chúa cũng biết sống tình hiệp thông mật thiết của những con cái Thiên Chúa để thế gian nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế đã được Chúa Cha sai đến trần gian (x. Ga 17,23).
Thân mến chào quý Cha và quý Tu sĩ.
 
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

[1]x. Bộ Giáo lý Đức tin, Thư gửi các Giám mục Giáo hội Công Giáo về một số khía cạnh của Giáo hội được hiểu nhưlà mầu nhiệm hiệp thông, 28.5.1992, số 3.
[2]x. Gaudium et Spes, Hiến chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 12.
[3] x. Dei Verbum, Hiến chế về mạc khải của Thiên Chúa, số 6.
[4]x.Tông thư ĐTC Phanxicô gửi Giới Thánh Hiến nhân dịp Năm Đời Sống Thánh Hiến, số 3.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...