03/01/2020
2498

Đề tài Tháng 01/2020: LỚN LÊN TRONG ĐỨC TIN

Có một thực tế là nhiều bạn trẻ ngày nay đầu tư rất nhiều cho việc học, tìm kiếm việc làm hoặc tìm một vị trí nào đó trong công việc. Những ưu tư và công việc hầu như chiếm hết thời gian sống của các bạn trẻ, khiến cho nhiều người không quan tâm đến đời sống đạo, đời sống đức tin của mình. Các bạn trẻ ngày nay có thể rất giỏi về công nghệ và thông tin, nhưng sự hiểu biết về đời sống đức tin, về chúa Giêsu và Tin Mừng lại rất giới hạn. Như thế phải chăng có sự thiếu cân bằng về thời gian và sự hiểu biết của nhiều bạn trẻ ngày nay giữa cuộc sống hằng ngày và đợi sống đức tin của họ ?

Đức tin là gì? Đức tin trước hết không phải là sự đồng ý với một số mệnh đề, mà là một sự gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa. Thiên Chúa tỏ mình cho con người và con người gắn bó với Ngài, phó thác cho Ngài. Thiên Chúa tỏ mình cho chúng ta nhận biết Ngài, còn con người nhờ gắn bó với Ngài mà được cứu độ. Tin không phải là một sự xác tín chung chung mà trước tiên là tin vào một người, một Đấng quyền năng: Abraham tin vào một Thiên Chúa Đấng mời gọi ông ra đi đến nơi Ta sẽ chỉ cho. Còn ông ra đi mà không biết mình đi đâu (St 2,1). Abraham tin vào Thiên Chúa và từ đó tin vào Lời của Ngài. Abraham tin vào Lời của Đấng đã nói vơi ông là Đấng chân thật. Nói tóm lại: Tin là một sự gặp gỡ và liên hệ bản thân với Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói: Tôi biết tôi tin vào ai (2Tm 1,12) và tôi biết rằng Đấng ấy có quyền năng để cứu tôi khỏi chết.

Đức tin có mâu thuẫn với khoa học hay làm cản trở sự tiến bộ hay không?  

Thông Điệp về Đức Tin và Lý Trí (Fides et ratio), Đức Gioan Phaolô II nói như sau: “Đức tin và Lý trí được ví như đôi cánh giúp tâm trí con người vươn cao lên trong sự chiêm nghiệm chân lý. Chính Thiên Chúa đã in đặt nơi tâm khảm con người ước vọng tìm biết chân lý để cuối cùng con người được nhận biết Thiên Chúa, ngõ hầu nhờ nhận biết và yêu mến Người, con người sẽ đạt thấu được sự thật về mình cách đầy đủ”. Thánh Augustinô tuyên bố đức tin soi sáng tâm trí và giúp cho lý trí nắm bắt được những chân lý nền tảng về toàn bộ thực tại. : Tôi tin để hiểu và tôi hiểu để tin. Nói cách khác, đức tin luôn đòi hỏi kiếm tìm hiểu biết những gì đã tin. Chính ân sủng đức tin mở “mắt tâm hồn” (Ep 1, 18). Theo Augustinô, đức tin không ngược lại lý trí, nhưng có trước lý trí và vượt trên lý trí. Đức tin kích hoạt trí tuệ tiếp tục đi sâu vào mầu nhiệm: Tôi sẽ không tin nếu tôi không nhận thấy rằng tôi phải tin.

Đức tin có giá trị như thế nào trong đời sống người tín hữu?

Đức tin giúp chúng ta xác tin vào sự hiện diện quyền năng của Thiên chúa. Ngài là Cha yêu thương, quan phòng và là Đấng ban sức mạnh giúp chúng ta vượt qua khó khăn thử thách. Khẳng định này đã được chứng minh một cách cụ thể qua cuộc sống của các vị thánh, những người nhờ có đức tin Kitô giáo vững chắc và sâu xa, nên đã có thể kiên cường gánh chịu mọi thứ bệnh tật, đau khổ triền miên trong cuộc sống. Qua đó chúng ta đã tìm gặp được câu trả lời cho thắc mắc đã được đặt ra là đức tin mang lại cho ta điều gì? Đức tin trợ giúp chúng ta có đủ nghị lực để thắng vượt được những thử thách khó khăn, biết can đảm và bình tĩnh đối mặt với những đau khổ không thể tránh né được trong cuộc sống và biết sáng suốt tìm cách loại bỏ hay vượt lên trên chúng để sống một cách an bình và thanh thản.

Đức tin Kitô giáo giúp chúng ta nhìn thấy được hình ảnh Thiên Chúa trong anh chị em đồng loại để hết lòng yêu thương, giúp đỡ và tôn trọng họ. Chỉ những Kitô hữu có đức tin vững vàng vào Thiên Chúa, mới có thể nhận chân được nhân vị và phẩm giá con người một cách đúng đắn. Đức tin dạy cho họ biết xác tín cách chắc chắn rằng sự sống và sự chết của con người hoàn toàn thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi; ngoài Thiên Chúa ra, không có bất cứ ai khác có quyền quyết định trên sự sống và sự chết của người khác.

Nhờ đức tin soi sáng, con người luôn biết nỗ lực và cố gắng yêu chuộng và tìm kiếm những giá trị tồn tại trường cửu hơn những giá trị tạm thời và sẽ phai mờ theo thời gian. Đức tin Kitô giáo nhằm thỏa mãn khát vọng tìm kiếm sự chân thật vĩnh cửu, chứ không phải dừng lại nơi những an ủi tạm bợ chóng qua. Chính thánh Phaolô đã cảnh báo các tín hữu Giáo Đoàn Cô-rin-thô xưa: Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người (1Cr 15,19). Đức tin Kitô giáo không chỉ hệ ở chỗ chu toàn các giới răn và các luật lệ như một số người nghĩ tưởng, nhưng còn mang lại sự an bình, sự thanh thản và niềm hoan lạc nội tâm khôn sánh qua sự tin tưởng và phó thác tuyệt đối vào tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Đây là sự thật mà các Kitô hữu chân chính luôn được nếm thử và trải nghiệm trong chính cuộc sống hằng ngày của họ.

Lời Chúa và Giáo huấn các tông đồ

Giáo Hội là mẹ của chúng chúng ta vì Giáo Hội đã sinh ra chúng ta trong đức tin nhờ Bí Tích Rửa Tội. Giáo Hội còn là Thầy của chúng ta vì giáo Hội chính là trường học dạy chúng ta khôn lớn trưởng thành trong đời sống đức tin và đời sống nhân bản, nhất là Giáo Hội dạy chúng ta biết sống theo giáo huấn của Tin Mừng, nuôi dưỡng chúng ta bằng các bí tích. Trước khi về trời Chúa Giêsu đã trao Giáo Hội cho Simon Phêrô làm thủ lãnh Giáo Hội. Cùng với Simon các tông đồ đón nhận quyền giáo huấn, cai quản và hướng dẫn Giáo Hội theo ý Chúa muốn.

Chính Đức Kitô trao việc gìn giữ, bảo toàn và công bố mạc khải của Thiên Chúa cho Giáo Hội, vì thế các tín hữu được mời gọi đón nhận giáo huấn của Giáo hội trong tinh thần yêu mến và vâng phục. Giáo huấn của giáo hội can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp về những vấn đề liên quan đến đức tin và luân lý. Có hai hình thức giáo huấn: Giáo huấn thông thường và giáo huấn bất khả ngộ. Giáo huấn bất khả ngộ đòi buộc sự chấp nhận tuyệt đối bằng đức tin; giáo huấn thông thường chỉ đòi buộc đón nhận bằng đức thờ phượng trong tình hiếu thảo và kính trọng. Giáo hội thi hành thẩm quyền của mình trên cả hai bình diện lý thuyết và thực hành: Thẩm quyền trên lý thuyết liên hệ đến vấn đề đúng sai của các giáo lý đức tin và luân lý: Chỉ trong lãnh vực này mới nảy sinh vấn đề những lời tuyên bố kia là bất khả ngộ hay không bất khả ngộ và đòi sự ưng thuận của lý trí. Thẩm quyền thực hành của Hội Thánh liên hệ đến vấn đề kỷ luật của Hội Thánh là các quy định phụng vụ, các biện pháp hành chánh và các luật lệ của Hội Thánh. Thẩm quyền này đòi sự vâng phục và tùng phục của ý chí chứ không đòi sự ưng thuận của lý trí hay đức tin, vì ở đây không đặt ra vấn đề chân lý, mà chỉ đặt ra vấn đề ích lợi, hợp tình hợp lý và khôn ngoan.

Tiêu chuẩn đức tin để phân định những thông tin trên mạng truyền thông      

Chúng ta phải công nhận rằng Internet đã đóng góp rất lớn trong việc phát triển xã hội và con người. Tuy nhiên mặt trái của nó cũng gây nhiều tác hại trên con người, đặc biệt là các bạn trẻ. Trước một khối lượng thông tin khổng lồ trên internet, các bạn trẻ Công giáo phải phân định đâu là điều tốt - xấu, đúng – sai để có những phản ứng phù hợp.

Giáo hội Công giáo không tránh né Internet, nhưng hiện diện một cách cụ thể và tích cực trên Internet và trở thành một đối tác trong các cuộc đối thoại công khai về sự phát triển Internet. “Giáo Hội không áp đặt những quyết định, lựa chọn của mình, mà chỉ muốn giúp đỡ bằng cách chỉ ra những tiêu chuẩn đạo đức và luân lý có liên quan tới tiến trình ấy – những tiêu chuẩn này phải được tìm thấy trong các giá trị nhân bản lẫn Kitô giáo”. (Đức hồng y Jonh P. Foley, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền thông - 2002) Do đó người trẻ ngày nay cũng được mời gọi sử dụng Internet theo quan điểm nêu trên của Giáo hôi và biết dùng những tiêu chuẩn của Tin Mừng, của đạo đức, luân lý Kitô giáo để đánh giá điều tốt - xấu, đúng – sai, nên hoặc không nên ủng hộ.

Đức Benedict XVI, Ngày Quốc tế Truyền Thông năm 2009 nói: “Người sử dụng công nghệ truyền thông phải có lòng tôn trọng đối với phẩm giá và giá trị của con người... phải biết tránh sử dụng những từ ngữ và những hình ảnh làm mất phẩm giá con người,.. phải loại bỏ những gì nuôi dưỡng hận thù và sự bất bao dung, làm mất đi cái đẹp và sự thân tình của tính dục của con người, phải chống lại việc khai thác những con người yếu đuối và không được bảo vệ.”

Câu hỏi thảo luận:

1/ Đức tin có mâu thuẫn hoặc cản trở sự tiến bộ của khoa học không? Đức tin có giá trị như thế nào trong đời sống người tín hữu?

2 / Bạn có thường xuyên đọc hay nghe Lời Chúa (Phúc Âm) không? Tại sao Tin Mừng vẫn không ảnh hưởng nhiều trên cuộc sống của tôi? Tiếng nói của Giáo Hội (giáo lý) có ảnh hưởng gì trên cách sống của tôi?

3/ Các bạn sử đang dụng mạng Internet với thái độ nào, có phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội không?Dựa vào tiêu chuẩn nào để đánh giá một thông tin là đáng tin?

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...