19/07/2019
875
Thứ Bảy Tuần 15 TN
Lời Chúa: Mt 12,14-21
14Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su.
15Biết vậy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. 16Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai. 17Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói :
18'Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu : Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. 19Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. 20Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, 21và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.
Suy niệm:
Nhẫn nhục là gì? 
Nhẫn là nhịn, là chịu đựng phần kém, phần thiệt thòi về mình. Nhục là hèn kém, đáng xấu hổ. Như vậy, nhẫn nhục là chịu đựng sự hèn kém, nhục nhã, đáng xấu hổ. 
Như vậy, người có tính chịu đựng, không phản ứng, không trả đũa là người có sức nhẫn nhục rất cao. Trong cuộc sống, vợ chồng nhịn nhục sẽ mang lại mái gia đình hạnh phúc. Hàng xóm làng giếng biết nhịn nhục sẽ mang cuộc sống chung bình an. 
Chúa Giê-su trong thân phận con người, Ngài đã sống thật hiền lành và khiêm nhường. Ngài không cãi vã, không la lối. Ngài không bẻ gẫy cây sậy dập, không dập tắt tim đèn còn khói. Ngài đã sống nhẫn nhục khi để người ta nhạo báng, đánh đập. Ngài đã đi đến tận cùng của sự nhẫn nhục là cầu nguyện cho người hành hạ mình. Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy học cùng Ngài, vì Ngài hiền lành và khiêm nhường trong lòng.
Xin cho chúng ta biết học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường để đối xứ với nhau trong nhân ái và khoan dung.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã ban cho chúng con mọi sự: sự sống, sức khỏe, gia đình cùng biết bao ân huệ khác. Chúa chỉ đòi chúng con biết sống đền đáp tình thương cao vời của Chúa bằng đời sống yêu thương và thân ái với tha nhân. Nhưng Chúa ơi, chúng con lại quá khắc khe với anh em. Chúng con thiếu kiên nhẫn trong việc sửa dạy tha nhân. Chúng con thường kết án và tẩy chay nhau. Chúng con làm cho cuộc sống chung trở nên đau khổ khi sống thiếu lòng khoan dung.
Lạy Chúa, là Đấng trung thành trong tình yêu. Cho dù chúng con có bất trung Chúa vẫn yêu thương chúng con. Xin giúp chúng con biết theo gương Chúa để yêu thương và phục vụ anh em trong kiên nhẫn và trung thành như Chúa. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
THIÊN CHÚA LUÔN NHẪN NẠI
          Thiên Chúa tỏ lộ sự toàn năng của Ngài qua lòng thương xót. “Thực thi lòng thương xót là đặc điểm riêng của Thiên Chúa, và đó là cách thức đặc biệt để Ngài bày tỏ sự toàn năng của Ngài”. Thiên Chúa là Đấng trung thành (hesed) giàu nhân nghĩa. “Ngài thứ tha mọi lỗi lầm của ngươi, Ngài chữa lành tất cả các bệnh tật của ngươi, Ngài cứu chuộc sự sống ngươi khỏi huyệt sâu. Ngài vinh thăng ngươi với lòng thương xót và lòng trắc ẩn” (Tv 103,3-4). “Ngài chữa lành những người bị dập nát tâm can và băng bó các thương tích của họ… Chúa nâng dậy những kẻ bị chà đạp, hạ kẻ gian ác xuống đến sát đất” (Tv 147,3.6). Lòng thương xót làm cho lịch sử của Thiên Chúa nơi dân Israel Cựu ước trở thành lịch sử cứu độ. Không chỉ trong lịch sử, nhưng cho đến đời đời, con người vẫn luôn sống dưới ánh mắt thương xót của Chúa Cha: “Vì lòng thương xót của Chúa bền vững muôn đời” (Tv 136). 
          Chúa Giêsu là Đấng ứng nghiệm lời loan báo của tiên tri Isaia về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa: Ngài không cãi cọ, không ai nghe tiếng Ngài ngoài đường phố. Ngài không bẻ gẫy cây sậy đã dập, không dập tắt tim đèn còn khói cho đến khi sự công chính được toàn thắng. Chúa Giêsu là người khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại.
          Isaia tuyên sấm về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa. Người Tôi Tớ được Chúa yêu thương. Thiên Chúa ban Thần Khí xuống trên Ngài để Ngài đem Tin Mừng cứu độ đến cho toàn dân. Người Tôi Tớ này hiền lành khiêm tốn, âm thầm và đầy tình xót thương. Người Tôi Tớ của Thiên Chúa đó chính là hình ảnh tiên báo về Ðức Giêsu. Con Thiên Chúa, Ngài đã bị sát tế vì phần rỗi con người. Ngài không muốn bị mất bất cứ ai. Chính vì thế, Con Thiên Chúa đã sống một đời sống như con người để dạy dỗ, giúp đỡ và dùng chính Máu Mình để làm chứng cho một tình yêu.
          Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi: Có lẽ đây là nét đẹp nhất nơi Người Tôi Trung mà Isaia tiên báo. Đấng Kitô không phân biệt và loại trừ ai và sẵn sàng dang tay đón nhận hết mọi người, dẫu chỉ còn một tia hy vọng le lói Người cũng cố gắng phục hồi họ; Người vẫn nhẫn nại đợi chờ tội nhân trở về để cứu độ họ. Người “không bẻ gãy cây lau đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói“, nhưng tìm cách nâng đỡ và cứu chữa, vì sứ mệnh của Người là “đến tìm và cứu chữa những gì đã hư mất“, bởi Người là niềm hy vọng cho dân ngoại và toàn nhân loại.
          Thiên Chúa luôn lắng nghe con người và đến với con người. Ngài chạm đến con người bằng tình thương vô hạn với một lòng nhẫn nại và khoan dung, mặc dù con người bất trung, mà đại diện là Israel, một dân được tuyển chọn. Từ thuở bình minh của nhân loại và cho đến ngàn sau, Thiên Chúa vẫn tín trung với kế hoạch cứu rỗi của Ngài để cứu độ con người; cho dù con người có quay lưng lại với ơn cứu độ đến “bảy mươi lần bảy” và khi quay đã trở lại, “Thiên Chúa vẫn không biết mệt mỏi tha thứ cho chúng ta”.
          Thiên Chúa là  Tình Yêu (1Ga 4,8). Ngài không tính toán theo kiểu con người. Điều con người cho là thua thiệt, là điên rồ thì lại là điều Thiên Chúa lựa chọn, như lời thánh Phaolô : “Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có” 1Cr 1, 27-28). Và ngược lại, “Cái điên rồ của Thiên Chúa, còn hơn cái khôn ngoan của loài người và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,25).
          “Anh em hãy đến cùng chiên lạc nhà Israel.” Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đến với những mảnh đời cần được soi sáng trở lại với con đường chính lộ mà Thiên Chúa đã dẫn họ bước đi. Ngài muốn các môn đệ cần áp dụng một đường hướng cụ thể với một con người thanh thoát (x. Lc 9,1-6). Chúa Giêsu đã cụ thể hóa điều con người không thể hiểu thấu bằng những hình ảnh và việc làm cụ thể. Bởi vậy, giáo huấn của Chúa đã thu hút được mọi người, đến độ thấy cảnh tượng đám đông diễn ra trước mắt mình thì Chúa “chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36).
          Chúa vẫn kiên nhẫn và ban ơn đầy đủ, chỉ cần chúng ta thành tâm trở về với Ngài. Người trộm lành chỉ trong giây phút hướng tâm hồn về Chúa và tin tưởng nơi Ngài, đã được Chúa hứa cho ở trên Thiên Ðàng với Chúa ngay hôm đó. Còn Giuđa đã thất vọng đến chỗ tự vẫn, thì đó là dấu chưa hiểu lòng Chúa thương yêu bao la đến mức nào.
          Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn chờ đợi với hy vọng mọi người trở về với Ngài để được cứu thoát. Chẳng hạn với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, một thứ tội phải bị ném đá, Chúa Giêsu chỉ nói: "Tôi cũng không kết án chị, chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa". Ngài luôn quả quyết: "Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn trở lại", và thực tế, Ngài đã chữa lành những kẻ bị coi là tội lỗi và bị xã hội ruồng bỏ.
          Chúa Giêsu là hiện thân của tình yêu, của lòng nhân từ, quảng đại và nhẫn nại khi tha thứ cho kẻ thù và chữa lành bệnh tật cho những ai chạy đến với Ngài, bởi vì tâm hồn Ngài tràn đầy Thiên Chúa. Bao lâu tâm hồn con người được lấp đầy bằng chính Thiên Chúa thì khi đó nhân loại sẽ trở nên cảm thông, yêu thương, dịu hiền và nhẫn nại với nhau như Ngài.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...