01/03/2021
769
Thứ Ba tuần II Mùa chay
         Lời Chúa: Mt 23,1-12
         1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng : "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".
         8 "Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.  12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
         Suy niệm:
         Tin mừng hôm nay, Chúa quở trách người Pha-ri-sêu nói mà không làm. Giữa lời nói và hành động thì luôn mâu thuẫn. Họ đọc kinh nhưng không có lòng mến Chúa mà chỉ để phô trương. Họ thích được chào hỏi nhưng lại thiếu lòng khiêm cung. Họ sống giả hình. Họ sống hai mặt. Họ lợi dụng tôn giáo để trục lợi hơn là làm vinh danh Chúa. Họ đi tìm mình cùng những vinh hoa phú quý trần gian. Họ thích dùng quyền để hưởng lợi hơn là cúi mình phục vụ tha nhân.
         Đôi khi cha mẹ cũng phải làm gương sáng nhiều hơn là lời nói. Muốn con ngoan thì cha mẹ phải sống nhân đức. Muốn con giỏi thì cha mẹ phải sống gương mẫu. Xin cho chúng ta trong đời sống thường ngày luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm. Xin cho niềm tin của chúng ta luôn được xây dựng bằng lòng mến nồng nàn, bằng đức tin kiên vững để nhờ đó chúng ta luôn tìm vinh danh Chúa trong từng lời nói việc làm của mình. 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa luôn nhắc chúng con phải khiêm tốn để nhận ra sai lầm của mình. Nhưng Chúa ơi, sao loài người chúng con lại thích đánh bóng chính mình, thích nổi trội giữa mọi người? Chúng con thích được khen ngợi, thích được tán dương. Mặc dù chúng con còn đó những bất toàn tội lỗi. Phải chăng vì kiêu căng mà chúng con đã không thể sống khiêm tốn trước mặt nhau? Phải chăng vì kiêu căng mà chúng con đã nhiều lần khinh dể, nói hành, nói xấu, bêu xấu và dèm pha người khác để tôn mình lên? Xin tha thứ vì những lần chúng con sống thiếu chân thật với Chúa và tha nhân. Xin giúp chúng con biết làm chứng cho tin mừng bằng lời nói và bằng cả việc làm. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
ĐỪNG HÌNH THỨC NỮA
            Trong Do thái giáo, luật đóng thuế thập phân trên những sản phẩm con người làm ra là một hành động tôn giáo để nhìn nhận quyền tối cao của Thiên Chúa. Theo luật Môsê được ghi trong sách Thứ Luật, thì chỉ buộc trả thuế thập phân trên những sản phẩm chính là gạo, rượu, dầu, con vật đầu lòng.
            Thế nhưng, có lẽ vì quá sốt sắng, những Luật sĩ và Biệt phái muốn áp dụng thuế thập phân cho những sản phẩm nhỏ, không cần thiết như: bạc hà, thì là, rau húng. Chúa Giê-su thường dùng các dụ ngôn với những lời lẽ rất tế nhị nhưng thâm thúy để răn dạy dân chúng. nhưng hôm nay Ngài lại gay gắt lên án các giới chức lãnh đạo Do Thái: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình” (Mt 23, 13).
            Đọc những lời này, chúng ta có thể tưởng tượng được sự căm giận đến bầm gan tím ruột của các kinh sư và Pharisêu lúc ấy. Với kiến thức giáo lý và hiểu biết lề luật đầy mình nên mỗi khi xuất hiện trước dân chúng, họ luôn tỏ ra đạo mạo với “tua áo thật dài, hộp kinh trên trán” thế mà lúc này, Chúa Giêsu trong vai một anh thợ mộc nhà quê đang mạnh mẽ lên án họ là những kẻ giả hình.
            Chưa dừng ở đó, Chúa Giêsu còn kể ra những thiệt hại mà họ gây ra cho người khác: “Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các người” (Mt 23, 15). Lời này cho ta hiểu rằng những người Pharisêu và kinh sư cũng ra đi ‘khắp biển cả lẫn đất liền’ mà giảng dạy, thuyết phục người ta nhập đạo,  nhưng sau đó lại không giúp người ta đến được với Thiên Chúa.
            Vì lối sống hình thức, vụ luật mà họ đã dạy người ta những điều sai trái: “Ai chỉ bàn thờ mà thề thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc” (Mt 23, 18), trong khi sách luật ghi rõ: “Bàn thờ là vật rất thánh; tất cả những gì chạm đến bàn thờ cũng sẽ là vật thánh” (Xh 29, 37). Không phải họ không biết điều này cho bằng họ cố tình bẻ cong huấn lệnh của cha ông để lại. Vì thế, Chúa Giê-su đã mắng họ là những kẻ dẫn đường mù quáng.
            Chúa Giêsu không kết án các Luật sĩ và Biệt phái vì sự tuân giữ luật Môsê một cách tỉ mỉ; nhưng Ngài kết án vì thái độ không trung thực: họ tuân giữ những điều hết sức nhỏ để tỏ ra mình sốt sắng đạo đức, nhưng họ lại lỗi phạm những điều lớn về đức công bằng và tình yêu thương, họ làm như thế chẳng khác nào lọc lừa con muỗi ra ngoài, nhưng lại nuốt con lạc đà nguy hiểm hơn.
            Chúa Giêsu tố cáo sự giả hình của các Luật sĩ và Biệt phái: họ xây mồ cho các tiên tri và sửa sang phần mộ những kẻ mà cha ông họ đã sát hại; họ than trách tội ác của cha ông họ trong quá khứ và tự phụ rằng nếu sống vào thời tổ tiên, họ sẽ không hành động như thế; nhưng họ quên rằng họ là con cháu của những kẻ đã sát hại các tiên tri, và giờ đây họ đang đi vào con đường đó bằng việc mưu hại Ngài.
            Thái độ vụ hình thức thứ hai của các Luật sĩ và Biệt phái còn được thể hiện trong sự tuân giữ những nghi thức bên ngoài, mà không chăm lo tinh tuyền bên trong: họ lo rửa chén đĩa bên ngoài, mà bên trong tâm hồn thì đầy cướp bóc, tham lam. Việc tuân giữ nghi thức thanh tẩy bên ngoài, việc đến nhà thờ đọc kinh ngoài môi miệng mà thôi chưa đủ, cần phải để cho ơn Chúa biến đổi tận bên trong tâm hồn ngõ hầu trở nên con người mới. Sự hoán cải nội tâm quan trọng hơn và phải đi trước những thực hành đạo đức bên ngoài để tránh thái độ giả hình, vụ hình thức đáng bị Chúa khiển trách.
            Trước bất công, hiểu lầm, thật giả trong cuộc sống, chúng ta là nạn nhân hay nguyên nhân? Chắc hẳn không ai trong chúng ta muốn mình là cớ gây vấp phạm cho người khác, lại càng không mong trở thành nạn nhân. Để được như thế, mỗi Kitô hữu phải xác tín rằng theo đạo vì đạo có lương thực thiêng liêng là Thánh Thể và Lời Chúa nhắc ta sống trung thực và bác ái hơn chứ không theo vì lời dẫn dụ của người này hoặc do sự lôi kéo của người kia.
            Trong đời sống đạo hiện nay, cũng có nhiều khi chúng ta tìm mọi cách để che đậy những chuyện xấu xa, khuyết điểm, lỗi lầm để tự cho mình là người đạo đức hơn người. Điều khó hiểu là chúng ta an tâm để sẵn sàng lên án kẻ khác vì những thiếu xót của họ mà không hề suy nghĩ hay áy náy gì đến lỗi lầm của mình! Hơn nữa, nhiều khi quá giỏi che đậy, nên không ai biết đến những khuyết điểm của mình, vì vậy, chúng ta lại an tâm và “bình chân như vại” để tiếp tục lún sâu vào con đường tội lỗi tiếp theo.
            Chúa Giêsu than trách các luật sĩ và biệt phái về tội giả hình: lo đạo đức bên ngoài, còn bên trong tâm hồn thì đầy những tính xấu: háo danh, tham lợi, bất công, bất tín. Chúa Giêsu đánh giá con người không phải chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, nhưng còn dựa vào nội dung và tâm ý bên trong. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta đừng vội xét đoán giá trị của một người khi chỉ nhìn hình thức bên ngoài, nhưng còn phải dựa vào tâm tình và ý hướng bên trong nữa. Đồng thời, nghe lời Chúa sửa dạy, chúng ta cũng tránh thói giả hình, sống sao cho thái độ bên ngoài biểu hiện tấm lòng chân thật bên trong.
            Lời dạy của Chúa Giêsu với những người Pharisiêu cũng là lời cảnh tỉnh cho con người ngày nay. Bên ngoài người ta có thể rất đạo mạo, lịch sự, cao trọng, chức quyền nhưng bên trong lại chứa đầy tham lam “đầy những chuyện gian tà, cướp bóc” hay người ta tô điểm thêm bên ngoài của mình với những việc làm bác ái hay bố thí nhưng bên trong lại đầy những mưu mô, ham hố danh vọng, tiền tài. Vì vậy Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy trở về bên trong với con người thật của mình, để ở đó chúng ta gặp được Chúa Giêsu, để Ngài biến đổi chúng ta để từ đó ta hành động với một tấm lòng trong sạch, một tình yêu được kín múc từ chính Đức Giêsu.
            Điều quan trọng là làm sao để tâm hồn mình được sạch vì “Kẻ tay sạch lòng thanh sẽ được lên núi Chúa” (Tv. 23, 3.4). Và Chúa Giêsu đã nói trong tin mừng hôm nay “Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.” (c. 41) Hay nói khác hơn phải sống đơn thành trước Thiên Chúa và hãy có tinh thần yêu thương vị tha chia sẻ đích thực đối với đồng loại – Hãy có lòng xót thương!
            Trong đời sống đạo hiện nay, cũng có nhiều khi chúng ta tìm mọi cách để che đậy những chuyện xấu xa, khuyết điểm, lỗi lầm để tự cho mình là người đạo đức hơn người. Điều khó hiểu là chúng ta an tâm để sẵn sàng lên án kẻ khác vì những thiếu xót của họ mà không hề suy nghĩ hay áy náy gì đến lỗi lầm của mình! Hơn nữa, nhiều khi quá giỏi che đậy, nên không ai biết đến những khuyết điểm của mình, vì vậy, chúng ta lại an tâm và “bình chân như vại” để tiếp tục lún sâu vào con đường tội lỗi tiếp theo.
            Nhưng xin nhớ rằng: chúng ta có thể che giấu bằng những biện pháp tinh vi, xảo quyệt để che mắt người đời, nhưng với Chúa, Ngài biết hết và biết rõ ràng từng lỗi lầm của chúng ta. , không ai trong chúng ta là những người hoàn hảo, tốt lành. Chúng ta cần khiêm tốn nhìn nhận rằng, tất cả chúng ta đều cần đến lòng thương xót của Chúa. Điều quan trọng là chúng ta có thẳng thắn nhìn xem, có làm cớ cho ai vấp phạm, có ngăn cản ai đón nhận Tin Mừng của Chúa hay không! Chúng ta cần kiểm điểm lòng mình xem có khi nào lời nói và việc làm của mình ngăn cản những người chung quanh chúng ta, nhất là những người trong gia đình, trong khu xóm, bạn hữu nhận rằng sự hiện hữu của Thiên Chúa và đón nhận ơn cứu độ của Ngài hay không!
            Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết sống chân thành và trung thực để mọi người chung quanh nhận biết tình yêu và lòng thương xót của Chúa đang hoạt động và sinh hoa trái nơi chính cuộc đời của chúng ta.
ĐỪNG GIẢ HÌNH
          Với cái nhìn của Chúa Giêsu, các luật sĩ và những người Pha-ri-sêu là những người chỉ sống theo vẻ bề ngoài: bề ngoài trên môi miệng, bề ngoài với việc làm, và bề ngoài trong tương quan với người khác. Ngang qua việc vạch rõ lối sống cụ thể của một nhóm người, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn lại chính bản thân mình, để nhận ra rằng, sống theo vẻ bề ngoài ở trong mọi lãnh vực, ở mọi nơi và ở mọi cấp độ, là một căn bệnh phổ biến và nan y của mọi người, trong đó có chính bản thân chúng ta.
          Chúa Giêsu rất “nhạy cảm” với căn bệnh sống theo vẻ bề ngoài và đã nhiều lần nhắc nhở các môn đệ; và hôm nay trong bài Tin Mừng, Ngài lại tiếp tục cảnh báo “các môn đệ” và cả đám đông nữa về căn bệnh này ngang qua những con người cụ thể là luật sĩ và Pha-ri-sêu.
          Thay vì phô trương, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thực hành các việc đạo đức một cách kín đáo. Không phải để thi thố sự khiêm nhường, nhưng để trở nên giống Cha của mình là Thiên Chúa, Đấng hiện diện nơi kín đáo và hành động một cách kín đáo. Trong những lời chúng ta vừa trích dẫn, Chúa Giêsu dùng tới sáu lần từ “kín đáo”, trong đó năm lần được dùng để nói về Thiên Chúa Cha: Cha của anh hiện diện nơi kín đáo; Cha của anh thấy trong kín đáo. Như thế, Thiên Chúa, Cha của Chúa Giêsu, là “Đấng kín đáo” và Ngài mời gọi chúng ta cũng trở nên “những người con kín đáo” như Cha của mình.
          Và chúng ta cứ nghiệm lại mà xem: Thiên Chúa hiện diện và hành động kín đáo biết bao trong sáng tạo, trong lịch sử loài người, nơi cuộc đời chúng ta và nhất là nơi Thập Giá của Chúa Giêsu. Chúng ta phải có ngũ quan biết chiêm ngắm, mới có thể nhận ra Thiên Chúa hiện diện, lên tiếng và hành động.
          Chúa Giêsu không chỉ chữa bệnh vẻ bề ngoài của loài người chúng ta bằng lời nói, nhưng bằng chính cách sống nữa; như Ngài nói về mình: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng sự sống của mình”. Và phương thuốc tận cùng của Ngài là Thập Giá, nơi đó, vẻ bề ngoài của Ngài không còn là gì nữa: thân xác, danh dự, sự nghiệp, sự sống… Nhưng chính lúc đó Căn Tính đích thật của Ngài lại rạng ngời nhất. Như con rắn đồng xưa, ai nhìn lên Đấng bị đâm thâu, thì sẽ được chữa lành (Ds 21, 4-9; Ga 3, 14-15).
          Ta thấy, Lời Chúa Giêsu không phải chỉ lên án những thái độ, hành động, cử chỉ, tâm tính của người Pha-ri-sêu, mà còn là “Lời Hằng Sống” , bởi vì Lời Chúa không bị giới hạn theo không gian và thời gian, mà là Lời Chân Lý.
Tâm tính “pharisieu” không chỉ ở những người Biệt Phái, mà là ở con người nhân thế mọi thời đại. Kể cả người nghèo và người giàu, người lao động bình dân hay tri thức. Trong cá tính con người đều có tính “Biệt phái”, dù là Quốc Gia nào, dân tộc nào, chúng ta đừng tường chỉ có dân tộc Do Thái. Ngay cả người Kitô Hữu ngày nay vẫn có “tâm tính Pha-ri-sêu”.

          Ta thấy rằng căn tính Kitô chỉ là một danh xưng mà không được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, khi sinh hoạt tôn giáo chỉ đóng khung trong bốn bức tường nhà thờ, khi lòng đạo đức được thúc đẩy bởi khoe khoang, tự phụ, khi cuộc sống đạo không là lối sống về niềm tin, mà là trở ngại cho nhiều người đến với Chúa và Giáo Hội, phải chăng đó không là một cuộc sống giả hình?
          Ví vậy, người bước theo Đức Kitô- Giêsu là người phải tự hạ, nghĩa là “loai bỏ” tâm tính Pha-ri-sêu"ra khỏi tính cánh của chúng ta. Như thế, chúng ta mời bước theo Đức Kitô trên mọi nẻo đường đời.
          Phần thứ hai : Khiêm tốn tự hạ Thánh Martin de Poress, là vị thánh khiêm nhường, bởi vì câu Lời Chúa (Mt 23, 12) là câu Lời Cháu, mà thánh nhân đã sống triệt để. “Ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên. Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống “.
          Thánh Vịnh 130 là đoạn Thánh Vịnh ngắn nhất, nhưng nói về sự khiêm nhường cách đầy đủ nhất.
          Vâng, tất cả mọi hình thức đều qua đi, nghĩa là đều giả trá, chỉ duy có một mình Thiên Chúa mới tựa “núi đá” vững bền cho chúng ta tựa nương.
Tin Mừng hôm nay, (Mt 23, 1 -12) Chúa Giêsu cho chúng ta chân lý đó.
Theo đó, Lời Chúa hôm nay có thể có hai ý chính:

          Thứ nhất : Chúa Giêsu lên án những người biệt phái Pha-ri-sêu (câu 2 – 7)
          Thứ hai : Chúa Giêsu dạy các môn đệ đừng theo cách giả hình của họ. ( câu 8 -12)

          Chúng ta thấy, phần thứ nhất và phần thứ hai “tương phản” nhau rõ rệt, phần thứ nhất, Chúa Giêsu chỉ rõ những hành vi “tự đắc” của những “ráp-bi” Do Thái, họ thích khoe khoang, và mang tính cao ngạo, đức tính nầy hình như không chỉ riêng những” ráp -bi” Do Thái, mà dường như là nhân tính phàm nhân khi hấp thụ một “dạo đức” xã hội. Từ đó, chúng ta thấy con người nhân thế khi có của, có tiền, có địa vị xã hội, hoặc học thức thường xem thường đồng loại của mình.
          Tin Mừng hôm nay không phải là một bản án trút xuống một vài thành phần nào đó trong Giáo Hội, mà phải là một lời mời gọi sám hối cho mọi người. Quả thật, Chúa Giêsu không chỉ kết án thái độ giả hình của những biệt phái, mà còn kêu gọi mọi người hãy đề phòng thái độ giả hình ấy. Giả hình là căn bệnh chung của tất cả những ai mang danh Kitô. Thật thế, nếu giả hình là tách biệt giữa niềm tin và cuộc sống, thì có ai trong chúng ta dám tự phụ mình không rơi vào một thái độ như thế? Giả hình vẫn là cơn cám dỗ cơ bản và triền miên trong cuộc sống người Kitô hữu.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...