23/12/2019
3341

Số: 07-2019/TLL
Toà Giám mục Xuân Lộc, ngày 20 tháng 12 năm 2019
 
THƯ CHUNG
Gửi Gia đình Giáo phận - Dịp lễ GIÁNG SINH 2019
 
Kính gửi : Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, các Chủng sinh,
                  và Anh Chị Em Giáo hữu Giáo phận Xuân Lộc.
 
Anh Chị Emrất thân mến, 
Hòa trong niềm vui của Lễ Giáng Sinh sắp đến, tôi nghĩ đến Anh Chị Em và xin gửi đến Anh Chị Em,những người đang sinh sống trong Giáo Phận, cũng như những người đi làm hay đi học nơi xa hoặc định cư ở nước ngoài, lời nguyện chúc ơn Bình An của Thiên Chúa, đã được các Thiên Thần loan báo trong đêm Giáng Sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.” (Lc 2,14).
 
Niềm vui Chúa đến và lòng nhân ái đối với tha nhân
Phụng vụ Đêm Giáng Sinh làm vang vọng lại lời loan báo của Thiên Thần cho các người chăn chiên tại cánh đồng Bê-lem đêm Chúa Cứu Thế chào đời: Này tôi báo cho anh em một tin vui mừng trọng đại, cũng là tin vui mừng cho toàn dân: Hôm nay, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,10-11).

Từ ngày đó, mỗi độ Giáng Sinh về, tin vui các Thiên Thần loan báo năm xưa lại vang lên vàngười người náo nức đón niềm vui huyền diệu trong bầu khí hân hoan, an bình và thánh thiêng. Việc Con Thiên Chúa xuống thế làm người là một nghĩa cử tuyệt diệu của tình yêu thần thánh, có sứclay động tâm hồn tất cả “những người lòng ngay” (x. Lc 2,14). Niềm vui đó, người ta diễn tả qua việc trang trí những Hang Đá, những cây thông, những ngôi sao với đèn điện đủ mầusắc tại các Nhà Thờ, các đường ngõ, các cửa tiệm và các gia đình.Tất cả những trang trí đó tạo ra một bầu khí vui tươi tưng bừng, ấm áp và an bình. Để giữ cho niềm vui Chúa đến được tinh tuyền, chúng ta cần quan tâm ba điểm sau đây:
  1. Trang hoàng lộng lẫy Nhà Thờ và đường ngõ… là điều rất đáng khích lệ, giúp tạo ra bầu khí vui tươi và thánh thiện làm cho mọi người, kể cả những người khô khan hoặc đang mang gánh nặng trong lòng tìm được sựnâng đỡ, an bình vàniềm vui. Để được như vậy, những trang trí lễ Giáng Sinh cần tránh tính cách ganh đua, cạnh tranh, nhưng chỉ nhắm diễn tả niềm vui của tâmhồn mỗi người và của cộng đoàn trước mầu nhiệm quá tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa.
  2. Đi đôi với việc trang hoàng bề ngoài, cần phải có việc trang hoàng nội tâm bằng những giờ cầu nguyện và việc hoán cải nhưLời Chúa trong phụng vụ Mùa Vọng mời gọi: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.” (Lc 3,4-6).
  3. Con Thiên Chúa xuống thế làm người chỉ vì yêu thương nhân loại, để giao hòa loài người với Thiên Chúa Cha và con người với nhau nênbầu khí nhân ái, yêu thương luôn là đặc tính của lễ Giáng Sinh. Vì thế, cùng với việc trang hoàng Nhà thờ và đường ngõ, chúng ta cần sưởi ấmlòng người để trong mùa Giáng Sinh này mọi người được vui vẻ hạnh phúc hơnbằngviệc thăm viếng, trợ giúp những người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương; an ủi mọi kẻ ưu phiền… (x. Is 61,1-6). Xin đừng ai để cho lễ Giáng Sinh qua đi mà không làm điều thiện cho tha nhân, bắt đầu từ những người thân trong gia đình rồi lan rộng đến hàng xóm, láng giềng và cả những người xa lạ không quen biết, trong đó có anh chị em Di Dân và Lương Dân.
 
Niềm vui đích thực
Tin Mừng trọng đại của đêm Giáng Sinh là Thiên Chúa yêu thương loài người. Thiên Chúa cao cả đã đi một bước rất dài của Lòng Thương Xót xuống với con người, khiêm hạ chia sẻ đến cùng phận người nghèo khó, khổ đau và cả cái chết để cứu chuộc loài người. Do đó, bất cứ ai cảm nếm được, dù chỉ phần nào, tình yêu vĩ đại của Ngài, cũng được cuốn hút mạnh mẽ bởi lòng nhân hậu của Ngài. Chính tình yêu khôn cùng của Chúa là nguồn mạch của nguồn vui và hạnh phúc đích thực của con người. Nếu chúng ta muốn giữ được sự thanh thản, niềm an bình, hạnh phúc đích thực trong mọi hoàn cảnh, vui buồn, thành công thất bại, chúng ta hãy đón nhận Ngài vào lòng và trân trọng Ngài như viên bích ngọc, như kho tàng quý báu đến độsẵn sàng đánh đổi tất cả để chỉ giữ được Ngài (x. Mt 13,44-46). Điều này được thánh Phanxicô diễn giải như sau:

Một ngày kia, tại Assisi, thánh Phanxicô gọi thầy Leone và nói: Thầy Leone, Thầy hãy lấy giấy bút và viết: “Niềm vui đích thực là gì?”
Giả như có một sứ giả đến và nói là tất cả các giáo sư tại Paris, các giám mục, các tổng giám mục và, hơn nữa, các vua nước Pháp và nước Anh, tất cả đều nhập Dòng ta. Thầy hãy viết: Đây không phải là niềm vui đích thực. Rồi lại có tin là anh em Dòng ta đã cải hóa tất cả anh chị em lương dân, và tôi đã được Chúa cho ơn chữa lành các bệnh nhân và làm nhiều phép lạ; tôi bảo thật Thầy: Đây cũng không phải là niềm vui đích thực.
Thầy Leone ngạc nhiên hỏi: “Vậy niềm vui đích thực là gì?”

Thánh Phanxicô trả lời: “Một lần kia, từ Perugia[1] trở về Assisi giữa đêm tối, mùa đông lạnh cóng, rét run và chân chảy máu, tôi đứng trước nhà gõ cửa. Sau hồi lâu, một thầy ra và hỏi: ‘Ai đấy?’. Tôi trả lời: ‘Tôi là Phanxicô đây’. Thầy đó đáp: ‘Hãy đi chỗ khác. Không ai trở về nhà muộn thế này’. Trong khi đó tôi vẫn đứng ở cửa và nài nỉ: ‘Vì tình yêu Chúa, xin cho tôi trú đêm nay thôi’. Nhưng thầy đó nhất định không mở cửa và đuổi tôi đi. Nếu lúc đó tôi vẫn an bình, kiên nhẫn và không giận dữ, thì đấy là niềm vui đích thực và là ơn cứu độ.[2]

Đó là niềm vui của tâm hồn đã chiến thắng chính mình, thanh thản trước mọi tạo vật và cảnh huống để chỉ tựa dựa vào một mình Chúa, tin tưởng vào tình yêu của Ngài. Lúc đó, người ta cảm nghiệm được sự an bình cả trong những hoàn cảnh khó khăn, trước những đau đớn phần xác, và cả những hất hủi của người đời. Đây chính là niềm vui mà những người đón nhận Chúa sẽ được hưởng và không ai có thể lấy khỏi lòng họ (x. Tv 23,1.4).

Xin Đức Mẹ, Đấng đã vượt bao gian khó để đem niềm vui của Đấng Cứu Thế đến cho gia đình người chị họ là bà Elisabeth (Lc 1,39-56), đã đưa “Hoàng Tử Hòa Bình” vào trong gia đình nhân loại ngày Giáng Sinh,giúp chúng ta đón nhận Chúa cách xứng đáng và hướng dẫn chúng ta đem Chúa Giêsuđến cho mọi người, nhất là những gia đình đau khổ, anh chị em Di dân và Lương dân để mọi người đều được hưởng ơn an bình của Chúa.
Thân mến chào Anh Chị Em.
Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục giáo phận Xuân Lộc

[1]Từ Peruggia đến Assisi: 29.5 km đường cao tốc. Thời thánh Phanxicô không có đường cao tốccũng không có xe hơi.
[2]Fonti Francescane, Edizioni Messaggero Padova, Terza edizione, trg. 183.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...