10/03/2015
606

 Chúa Nhật

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 15, 1-32).

        Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng".

        Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: "Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!" Cũng vậy, Tôi bảo các ông: "Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.

         "Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: 'Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất'. Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Các Thiên Thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".

Thiên Chúa giàu lòng thương xót

Bài Phúc Âm vừa nghe là một trong những trang đẹp nhất của Tin Mừng. Có thể gọi đó là Tin Mừng của Tin Mừng. Vì chương 15 Phúc Âm Luca này được coi như bản tóm tắt tất cả Phúc Âm. Tin Mừng đó là Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót. Lòng thương xót của Thiên Chúa thực vô biên, dài, rộng, cao, sâu khôn lường, ta không thể nào hiểu thấu. Những bài sách thánh hôm nay hé mở cho ta mấy nét của lòng thương xót vô biên đó.

1. Nét thứ nhất của lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa là: sự tha thứ

Tình yêu đích thực không được đo bằng đam mê nồng cháy. Bởi những đam mê nồng cháy mau qua như một cơn bão lốc. Bão lốc qua đi chỉ để lại đổ vỡ điêu tàn.

 

Tình yêu đích thực không được đo bằng hy sinh tận cùng. Người ta có thể hy sinh mạng sống vì của cải, danh vọng. Hy sinh như thế có thể chỉ vì bản thân mình chứ không phải vì người khác.

 

Tình yêu đích thực được đo bằng sự tha thứ. Chỉ có yêu thực lòng, yêu tha thiết mới có thể tha thứ. Khi yêu người ta dám cho đi tất cả. Nhưng ít có ai cho đi sự tha thứ. Chính tha thứ mở cho ta cánh cửa dẫn vào thâm cung nhiệm mầu của tình yêu.

Tha thứ là đặc tính của tình yêu Thiên Chúa. ta hãy đọc lại lịch sử dânIsrael. Biết bao lần dân chúng phản bội, chống lại Thiên Chúa. Nhưng Chúa vẫn nhân từ tha thứ. Khi Môsê cầu nguyện trên núi, dân Do Thái đã phản bội, gom góp vàng bạc đúc tượng bò mà thờ. Chúa nổi giận muốn phạt họ. Nhưng khi Môsê nài xin Chúa, Chúa đã nguôi giận mà tha thứ cho dân.

Phaolô ghét đạo Chúa, đi tìm bắt những người theo Chúa. Nhưng Chúa đã thương hoán cải ông. Hơn nữa, Chúa còn chọn ông làm Tông đồ cho Chúa.

Người con bỏ nhà ra đi, phung phí hết tiền của cha, nhưng người cha già vẫn yêu thương chờ đời, tha thứ hết khi nó trở về.

Sự tha thứ của Thiên Chúa đối với con người, nhất là người tội lỗi thực là vô biên. Sự tha thứ ấy minh chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với con người lớn lao biết chừng nào.

2. Nét thứ hai của lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Đó là: sự đi tìm.

Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ, nhưng Người không chỉ ngồi đó chờ kẻ có tội trở về xin lỗi rồi mới thứ tha. Không, chính Thiên Chúa chủ động, có sáng kiến đi tìm con người. Đó là nét độc đáo trong tình yêu thương tha thứ của Thiên Chúa.

Chính Chúa đi tìm Phaolô khi ông đang trên đường lầm lạc, có sáng kiến làm ông té ngựa để đưa ông trở lại với Chúa. Chính Chúa là người chăn chiên đi tìm con chiên bị lạc. Là người ra ngõ tìm đứa con bỏ nhà đi hoang. Cuộc đi tìm không phải dễ dàng. Người chăn chiên phải băng đồi vượt sông, luồn lách qua gai góc, dẫm đạp sỏi đá, chịu đựng nắng mưa, bất chấp thú dữ rình rập. Người phụ nữ phải thắp đèn soi vào mọi ngóc ngách trong nhà, lùa chổi vào những khe nứt nhỏ bé, kiên nhẫn moi móc tìm kiếm niềm hy vọng mong manh. Người cha phải vượt qua những thành kiến xã hội, lòng tự ái bị thương tổn, trái tim đau đớn vì yêu thương.

Đi tìm là yêu thương. Còn hơn thế, đi tìm là đã tha thứ. Quả thật Chúa đã yêu thương ta trước. Người yêu thương ta trước khi ta biết Người. Người tha thứ cho ta trước khi ta xin lỗi. Người đi tìm ta trước khi ta trở về.

3. Nét thứ ba của lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Đó là: Thiên Chúa yêu thương từng người, dù rất bé nhỏ.

Trong đời sống xã hội, những người bé nhỏ nghèo hèn thường bị bỏ quên: sống cô đơn, chết cô độc, chìm vào quên lãng. Nhưng trong trái tim Thiên Chúa, mỗi người đều chiếm một vị trí quan trọng. Mỗi người đều là duy nhất độc đáo, không thể thay thế được đối với Thiên Chúa. Càng bé nhỏ nghèo hèn lại càng chiếm vị trí quan trọng trong tình yêu Thiên Chúa.

Một con chiên lạc có gì so với 99 con chiên còn lại. Giữ 99 con còn lại vừ nhàn nhã lại vừa có lợi. Đi tìm một con đi lạc vừa mệt nhọc lại vừa thiệt thòi. Nhưng trong tình yêu làm gì có tình toán thiệt hơn. Một con chiên nhỏ bé lạc loài đã chiếm hết trái tim của người mục tử nhân từ. Bao lâu chưa tìm được con chiên nhỏ bé gầy gò, lạc bầy ấy, lòng người mục tử ấy vẫn còn khắc khoải lo âu.

Đứa con bỏ nhà ra đi, xài phí hết gia sản cha mẹ làm sao sánh được với đứa con trai ngoan ngoãn ở nhà, biết chăm lo công việc, luôn hiếu thảo phụng dưỡng mẹ cha. Ấy vậy mà người cha ăn không ngon, ngủ không yên, tắt tiếng cười, mắt mờ lệ, bao lâu đứa con hư hỏng chưa trở về.

Thật kỳ diệu tình thương của Thiên Chúa. chính vì những tâm hồn bé nhỏ, tội lỗi, yếu đuối ấy mà Thiên Chúa đã sai Con Một Người xuống trần gian như lời Chúa Giêsu nói: “Những người bệnh mới cần đến thầy thuốc”.

Thực là vô biên lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót ấy lớn hơn cả trái tim của ta. Ơn lành của Thiên Chúa lớn hơn cả tội lỗi của ta. Sự tha thứ của Thiên Chúa lớn hơn cả trí tưởng tượng của ta. Tất cả chúng ta hãy đến với Người. Hãy mang theo những yếu đuối lầm lỡ của ta. Hãy cho Người xem vết thương từ lâu gặm nhấm trái tim ta. Hãy tâm sự nỗi buồn vô vọng của ta. Thiên Chúa Cha chúng ta Đấng giàu lòng thương xót. Không có tội lỗi nào Người không tha thứ, không có vết thương nào Người không chữa lành. Không có nỗi buồn nào Người không an ủi.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Kể ra vài nét của lòng thương xót của Chúa.

2. Tại sao tha thứ là dấu chỉ rõ nhất của tình yêu?

3. Cảm nhận được tình yêu và đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. bạn có coi điều này là hệ trọng nhất trong đời không?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Nắm tay Cha

Một cô bé và cha đi ngang qua cây cầu. Cô bé sợ nên hỏi cha:
“Cha ơi, con có thể nắm lấy tay cha để con khỏi rơi xuống sông không?”
Cha đáp:
“Con yêu, không được, chính Cha sẽ nắm tay con đi.”
Cô bé nói: “Như vậy thì có khác nhau gì đâu ?”
 Cha đáp.
“Rất khác đó con ơi.”
 Và người cha nói tiếp: “Nếu con nắm tay cha và có điều gì đó xảy ra với con, rất có thể là con thả tay cha ra. Nhưng nếu cha nắm tay con, con biết là cho dù điều gì xảy ra, cha sẽ không bao giờ buông tay con ra.”

Thiên Chúa không bao giờ buông tay chúng ta ra. Ngài luôn nắm chặt tay chúng ta để dìu chúng ta đi qua những khó khăn của giòng đời. Cho dù, đã nhiều phen chúng ta cố tình buông tay khỏi tay Chúa. Cho dù chúng ta muốn vuột khỏi tầm tay Chúa, Chúa vẫn níu kéo chúng ta và gìn giữ chúng ta. Vì Chúa biết một khi chúng ta vuột khỏi tầm tay Chúa, sẽ phải đối phó với biết bao cạm bẫy của Sa tan, của sự dữ. Chúa biết một khi chúng ta vuột khỏi tầm tay Chúa, sẽ lạc vào những ảo ảnh của danh lợi thú mau qua.

Tình yêu Chúa đời đời vẫn là thế! Nhân ái -  bao dung và nhẫn nại. Tình yêu của Ngài luôn ân cần với từng người chúng ta. Ngài ví cuộc đời chúng ta như con chiên đi lạc, như đồng tiền đã mất. Ngài đã tức tốc đi tìm mà không màng đến những con chiên còn lại và cũng không tiếc xót mở tiệc ăn mừng khi tìm thấy đồng tiền đã mất. Ngài còn ví tình yêu của Ngài như người cha nhân ái bao dung. Một người cha đã chia gia tài cho con, thế nhưng nó lại dùng của cải để ăn chơi, để vượt ra khỏi mái nhà của cha. Nó đàn điếm đến nỗi thân tàn ma dại. Thế mà, chỉ cần thấy nó trở về, Cha đã quên hết quá khứ tội lỗi của con, và còn ban lại quyền làm con mà nó đã tự đánh mất.

Vâng, tình yêu Thiên Chúa thì bao dung và không giới hạn. Tình yêu của Ngài luôn chậm bất bình và rất mực khoan dung. Tình yêu ấy Ngài đã thể hiện qua sự bao dung dành cho Adam – Eva. Ngài không đoạn tình với ông bà, dù rằng ông bà đã cố tình quay lưng lại với Chúa. Ngài không bỏ rơi dân Ngài đã tuyển chọn, cho dù họ cố tình không để Chúa dẫn dắt họ. Tình yêu ấy, hôm nay Ngài vẫn dành cho chúng ta. Ngài vẫn kiên nhẫn với lỗi lầm chúng ta. Ngài vẫn vui mừng khôn xiết khi thấy chúng ta ăn năn trở về. Ngài sẽ ân cần choàng chiếc áo ân sủng và ban thưởng gia tài trên trời cho chúng ta.

Làm người ai cũng có những lầm lỗi. Ai cũng có những bước chân lầm lạc. Điều quan yếu là biết tỉnh thức và quay trở về. Đừng cố tình sống trong tội lỗi. Đừng làm ngơ trước tiếng mời gọi trở về của lương tâm, của lề luật. Đừng nại vào lòng thương xót của Chúa để cố tình ngủ mê trong tội lỗi.

Hãy nhớ rằng: Chúa không bao giờ buông tay và rời xa chúng ta, mà chính chúng ta đã nhiều lần cố tình rời xa Chúa. Ước gì cuộc đời chúng ta luôn bước đi trong sự dẫn dắt của Chúa. Xin hãy để Chúa dẫn dắt chúng ta hơn là để ma quỷ lôi kéo chúng ta. Xin hãy để Chúa cầm tay chúng ta trong sự phó thác trọn vẹn nơi Chúa. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

THIÊN CHÚA ĐANG ĐI TÌM BẠN

Một chương trình rất ý nghĩa trên TV hàng tuần đã gây xúc động cho bao người đó là chương trình: Như chưa hề có cuộc chia ly, nhờ chương trình này mà có những người những gia đình sau bao năm lưu lạc lại tìm lại được nhau, có những người cha người mẹ đã rong ruổi tìm kiếm con của mình hàng chục năm trời, và khi gặp lại con, họ ôm nhau tay bắt mặt mừng mà nước mắt cứ tuôn rơi vì sung sướng hạnh phúc. Ai đã từng ở trong tâm trạng bị lạc mất con thì sẽ hiểu được thế nào là nỗi đau khổ của cha mẹ và mới cảm nghiệm được thế nào là niềm vui khi tìm gặp được con mình.

Thưa quý OBACE, có thể nói rắng tất cả các bài đọc Lời Chúa hôm nay đều muốn diễn tả nỗi lòng của Thiên Chúa như người cha bị lạc mất con, và ông cứ miệt mài để tìm con, bất chấp những gian nan thử thách. Tin Mừng hôm nay đã cho thấy một hình ảnh rất người ở nơi Thiên Chúa, Ngài như một người cha mất con, người người phụ nữ mất của và như người chăn chiên bị mất chiên, tất cả đều đi tìm và khi tìm thấy thì người ấy vô cùng hạnh phúc.

Câu chuyên Chúa Giêsu kể cho những người biệt phái, vì họ cứ xầm xì trách Chúa Giêsu vì Ngài giao du tiếp xúc với người thu thuế và tội lỗi, và khi kể cho họ những dụ ngôn này, Ngài mời gọi họ hãy mang tâm trạng của Chúa khi nói với họ: Ai trong các ông có một trăm con chiên mà khi lạc mất một con, lại không để chín mươi chín con trong hoang địa để đi tìm con chiên lạc sao? Chúa muốn nói rằng nếu thực sư là chủ chiên, nếu thực sự yêu mến đàn chiên, thì ai cũng sẽ hành động như thế. Xét về mặt kinh tế, hay lý luận thì câu chuyện không hợp lý, vì người chủ này lại để chín mươi chín con chiên trong hoang địa để đi tìm một con chiên lạc. điều tưởng như vô lý ấy lại muốn nói rằng, trong mắt của Thiên Chúa không ai là số nhỏ bé bị loại trừ, mà tất cả đều được yêu mến. Một con chiên so với 99 con chỉ là tỉ lệ 1/100, vậy mà đối với Thiên Chúa, 1% ấy vẫn quý giá và đáng để Ngài vất vả chấp nhận gian lao nguy hiểm để tìm kiếm. Đi tìm con chiên lạc là chấp nhận rủi ro về cho mình, có thể chính ông bị té ngã hay trật chân vì những vách đá cheo leo, có khi bị nguy hiểm vì sói dữ tấn công, nhưng chỉ vì thương con chiên bị đi lạc, vì ông biết rằng có thể nó đang vô cùng sợ hãi vì ngoảnh lại xung quanh không còn ai, có thể nó đã bị thương tích đang nằm ở đâu đó và cần sư chăm sóc, có thể vì nó không theo được đàn và đã rớt lại, nên cần sự an ủi đỡ nâng. Chính vì nghĩ như thế, mà người chăn chiên này đã bất chấp mọi sư để đi tìm cho bằng được con chiên lạc, và khi tìm được ông đã không hề trách mắng nó, mà ông đã vui mừng vác nó trên vai và đưa nó về đàn, ông còn mới bạn bè đến để chung vui với ông vì: Tôi đã tìm được con chiên bị lạc mất.

Cũng vậy, như người phụ nữ có mười đồng mà mất một đồng bà cũng đã không ngại vất vả, cũng không cho rằng, một đồng chỉ là một xu lẻ không đáng, nhưng bà vẫn tìm mọi cách để tìm cho bằng được đồng bạc đã mất. Nếu như các dụ ngôn được kể đi từ tỉ lệ 1/100 con chiên đi lạc, đến tỉ lệ 1/10 số tiên đã mất, thì với câu chuyện người cha nhân hậu ông chỉ có hai người con mà có lẽ ông không chỉ mất đứa con thứ bỏ nhà ra đi, mà cũng đã mất người con cả dù thể xác không đi lạc, nhưng tâm hồn và tấm lòng của anh ta thì cũng đã đi lạc từ lâu rồi.

Thiên Chúa giống như người cha trong câu chuyện, ông mất đi một người con thứ vì nó đã nhất quyết bỏ ông để ra đi theo tiếng gọi của cuộc đời, nó không chỉ coi nhẹ tình thương của ông, mà nó còn coi ông như đã chết, nó quyết định ôm phần gia sản ra đi và dứt nghĩa đoạn tình với ông. Người cha này đã hoàn toàn tôn trọng tự do và quyết định của của đứa con thứ, ông không cản được nó vì nó đã muốn ra khỏi nhà ông.

Khác với hai câu chuyên ở trên, con chiên đi lạc vì có thể nó yếu sức nên không theo được cả đàn, hoặc chỉ vì nó mải mê với một đám cỏ non mà bị lạc, hoặc như đồng bạc vô tri kia bị rơi lúc nào người đàn bà cũng không biết, còn ở câu chuyện này, đứa con đã hoàn toàn ý thức và chủ động quyết định ra đi, để lại đàng sau người cha đau khổ và ngôi nhà trống vắng. Vậy mà người cha này đã không hề giận dỗi với nó, ông cùng không từ nó, mà trái lại ông chỉ còn biết chờ đợi hết ngày này qua tháng nọ vì hy vọng con ông sẽ trở về. Vì hy vọng và vì không hề ghét bỏ nó, nên ông đã chuẩn bị sẵn mọi sự cho nó như thể là nó sắp trở về, ông đã vỗ béo một con bê để sẵn, và dù khi ra đi nó đã mang hết tài sản thuộc về nó, thì bây giờ ông lại chuẩn bị cho nó mọi thứ đầy đủ nào là nhẫn mới, áo mới, giày mới, và khi vừa nhìn thấy bóng nó từ đàng xa, dù nó chưa nhìn thấy ông, thì ông đã chạy ra để ôm nó và hôn lấy hôn để như tìm lại được một vật quý, và nhất là ông đã quên mọi quá khứ của nó, đón nhận nó như nó chưa hề sai lỗi, cho lại nó tất cả và còn mở cho nó một tương lai.

Đối xử với đứa con thứ bỏ đi như thế, ông cũng rất nhân từ quảng đại với đứa con cả còn ở trong nhà mà tâm hồn nó thì đã đi lạc từ lâu. Ông thừa biết, dù nó ở bên ông nhưng nó không nhận ra được tình thương của ông đối với nó, nó cũng không hiểu được nỗi lòng của ông khi đã mất đi một người con, nó vùng vằng giận dỗi kể lể công trạng với ông, nó còn quyết định từ chối không vào nhà để chung vui hạnh phúc với ông. Người cha này, một lần nữa ông không quản ngại hạ mình xuống để bước ra xin nó vào nhà: Con à con luôn ở cùng cha, và mọi sự của cha đều là của con, nhưng chúng ta phải ăn mừng vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.

Thiên Chúa như người mục từ đi tìm kiếm chúng ta là những con chiên đi lạc, và Thiên Chúa cũng giống như người cha ngày ngày đợi cửa chờ chúng ta là đứa con hoang đàng trở về, và Ngài cũng đang hạ mình xuống để xin, để mời chúng ta bước vào nhà và trở về với tình yêu thương của Ngài. Thiên Chúa sẽ chẳng có thể tìm thấy và đem chúng ta về nếu chúng ta cứ tìm cách lẩn trốn Ngài, để có thể có thể quay về được thì, về phía chúng ta, cần phải ý thức rằng mình đã đi lạc và phải biết dừng lại thi ông chủ mới có thể tìm thấy chúng ta, trái lại không cho rằng mình đi lạc và cứ tiếp tục đi thì sẽ càng lạc xa hơn. Chỉ khi chúng ta biết dừng lại, dám để cho Thiên Chúa “nhìn thấy” chúng ta, và hãy để cho Ngài vác chúng ta trên vai và đưa chúng ta về, Ngài sẽ xóa đi mọi sợ hãi, sẽ đem chúng ta về xum họp trở lại với anh em. Cũng vậy, giống như người con, đừng thất vọng về tình trạng của mình, dù có những khi chúng ta như người con thứ, rơi xuống tận đáy của tình trạng tội lỗi hoang đàng, cho dù nhiều khi chúng ta đã để dục vọng và thú vui hưởng thụ làm chủ, tự biến cuộc đời mình trở thành ngang hàng với súc vật, cũng muốn ăn cám heo như người con thứ …, hãy tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa là Cha để chúng ta trở về làm lại cuộc đời, Ngài vẫn luôn chờ đợi và sẵn sàng thứ tha. Hãy lao mình vào vòng tay của cha yêu thương, cho dù cuộc đời chúng ta đã trở nên hôi hám rách rưới vì tội lỗi và yếu đuối, chúng ta sẽ được Thiên Chúa là Cha ôm vào lòng để tha thứ và để trả lại cho chúng ta vinh dự làm con của Ngài.

Thưa quý OBACE, nếu chúng ta thấy mình không đến nỗi tả tơi hoang đàng như người con thứ đã làm tổn thương đến Thiên Chúa là cha của mình, thì có thể chúng ta cũng đang mang tâm trạng như người con cả, chúng ta vẫn đi nhà thờ đi lễ, vẫn chu toàn các giới răn lề luật, không hề trái bao giờ, nhưng chúng ta lại không hiểu được lòng cha, không cảm nhận được tình yêu của Ngài, lòng chúng ta đã xa Ngài, và điều khiến người cha đau khổ hơn nửa đó là khi thấy những người con không hòa thuận với nhau. Có thể chúng ta cũng giống như người con cả khi chúng ta trách móc Thiên chúa không công bằng, khi chúng ta nhìn anh em xung quanh như là người xa lạ với mình như là người dưng nước lã, chúng ta ghanh tị với nó: Còn thằng con của cha kia, sau khi đã ăn chơi phung phí hết tiền của thì nay trở về ông lại sai giết bê béo để ăn mừng.

Dù là con chiên hoặc dù là người con thứ hay con cả, thì mỗi người chúng ta cũng đều phải ý thức và biết rằng chúng ta thật hạnh phúc vì Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta, mà Ngài vẫn luôn và đang đi tìm chúng ta, đang cất tiếng gọi chúng ta: hãy dừng chân, hãy quay về để hường tình yêu thương trong nhà Cha, còn phần chúng ta chúng ta quyết định thế nào, chúng ta có dừng lại và có lên tiếng đáp lại tiếng gọi của Chúa và để cho Chúa ôm vào lòng như người chủ chiên ôm con chiên lạc, như đứa con lao vào vòng tay của cha mình hay không?

Lm.Giuse Đỗ Đức Trí

 Lòng bao dung của Thiên Chúa

Để đối phó với những người phạm tội, luật hình sự tại các quốc gia quy định nhiều hình phạt khác nhau: phạt tiền, giam nhốt trong các nhà tù hay xà lim, lưu đày biệt xứ hoặc trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng thì đem ra xử tử để vĩnh viễn loại trừ người lỗi phạm khỏi thế giới loài người.

Trong khi đó, để đối phó với tội nhân, Thiên Chúa không muốn trừng phạt mà chỉ muốn giúp tội nhân ăn năn hối cải quay về đường lành. Từ ngàn xưa, Thiên Chúa phán qua miệng ngôn sứ Ê-dê-kiên: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết nhưng muốn nó ăn năn sám hối mà được sống” (Ê-dê-kiên 18, 23 và 33, 11)

Đối với Thiên Chúa, mỗi một người đều có giá trị rất cao nên cần phải được trân trọng và yêu thương. Dù con người có đắm chìm trong lầm lạc và tội lỗi, Thiên Chúa không bỏ rơi, không hủy diệt họ, nhưng tìm mọi cách đưa họ trở về đàng lành.

Dụ ngôn người đi tìm chiên lạc trong Tin Mừng Luca (Lc 15, 4-7) chứng tỏ cho chúng ta thấy điều đó: Người chăn chiên tốt hết lòng yêu thương, quý mến từng con trong đàn, bất kể đó là chiên tốt hay chiên xấu, mập hay gầy, già hay non. Và khi phát hiện ra một con chiên lạc đàn, anh ta bôn ba, tất tả kiếm tìm cho bằng được con chiên lạc với bất cứ giá nào. Một khi đã tìm thấy, anh vác chiên lên vai, mừng vui hớn hở trở về, kêu mời bà con làng xóm đến chia mừng với anh.

- Qua dụ ngôn trên đây, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa xem mỗi người chúng ta là báu vật vô giá, nên nếu có bất kỳ ai “lạc mất”, thì Ngài phải tìm về cho bằng được.

- Dụ ngôn trên cũng cho thấy cung cách ứng xử rất khoan dung và đầy thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân.

- Thay vì trừng trị hoặc trừ khử các tội nhân như các tòa án khắp nơi thường làm, Thiên Chúa Ngôi Hai đã rời bỏ ngai trời vinh hiển, vượt qua khoảng cách gần như vô tận giữa trời và đất, hạ mình xuống thế, trở nên người phàm để đi tìm kiếm từng người trong nhóm họ.

- Thay vì tống giam các tội nhân vào ngục, bắt họ mang gông cùm xiềng xích, Chúa Giêsu rất tôn trọng và quý mến tội nhân, tìm nhiều cách hoán cải họ; có khi Ngài còn đến ở lại trong nhà người tội lỗi, cùng ăn uống đồng bạn với họ, trở nên bạn bè của họ, nhằm lấy tình bạn mà cảm hóa họ trở về. (Luca 15,2)

- Thay vì kết liễu mạng sống của các tội nhân ác nghiệt, bắt họ phải đền nợ máu họ đã gây ra như các tòa án nhân loại thường làm, Chúa Giêsu đã đổ máu châu báu của mình ra để chết thay cho họ, để rửa sạch họ khỏi muôn vàn tội lỗi và cho họ được sống đời đời.

Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân, ngay cả những tội nhân bầm dập, khốn cùng nhất, đã được Chúa Giêsu khẳng định trong Tin Mừng Mat-thêu: “Cây lau bị giập, Ngài không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Ngài đưa công lý đến toàn thắng.” (Mt 12, 20 và Is 42, 3)

Lạy Chúa Giê-su,

Hôm xưa, Chúa đã rong ruổi tìm kiếm từng con chiên lạc để vác chiên về. Hôm nay, để tiếp tục sự nghiệp đó, Chúa đã dùng bí tích Thánh Tẩy để tháp nhập chúng con vào Thân Mình Chúa, cho chúng con trở thành một chi thể sống động trong Thân Thể Chúa để chúng con đồng hành với Chúa trên hành trình tìm kiếm và đưa về đàn nhiều con chiên lạc trong thôn xóm chúng con. 

Xin cho chúng con trở nên đôi chân của Chúa, rảo bước không mệt mỏi trên vạn nẻo đường đời, để tìm kiếm và đưa về những anh em lạc xa đường Chúa.

Xin cho chúng con trở nên đôi vai của Chúa để làm chỗ dựa tinh thần cho những con người lâm cảnh khốn cùng đang cần một chỗ tựa nương. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Hãy chia vui với Chúa

Khi nói đến “Con chiên lạc”, có thể bạn, tôi, chúng ta nghĩ ngay đến một số thành phần không mấy tốt đẹp, không mấy đàng hoàng trong Hội Thánh. Có người nghĩ ngay đến những người rối vợ, rối chồng công khai, hoặc nghĩ đến ả giang hồ ở cuối xóm, tên du thử du thực lang thang chè chén tối ngày ở đầu phố. Người khác lại nghĩ đến cụ già đôi ba vợ kia đã đến lúc sắp hết hơi rồi mà chưa chịu xưng tội rước lễ, hoặc nghĩ đến bao người nay ăn nên làm ra rồi, khá giả rồi, ở nhà thoải mái, bỗng trở nên cao ngạo, ươn lười, nguội lạnh với Nhà Thờ Nhà Thánh…

Nghĩ như thế là do bởi lòng kiêu ngạo xúi giục tự nhận mình là thánh thiện hơn bao nhiêu người khác và gắn cho mình con mắt, cõi lòng đầy thành kiến xấu xa về tha nhân.

Nghĩ như thế, thì thiết tưởng chính mình là… con chiên lạc trước tiên. Lạc mà không biết mình lạc. Còn lầm lạc hơn nữa, khi tỏ ra bất bình với một số người nhiệt thành trong Hội Thánh Chúa, mặc lấy tấm lòng nhân hậu của Chúa, luôn nghiêng về phía những người đau khổ, tội lỗi, thấp kém.

Nghĩ như thế thì có khác gì người Pharisêu đã từng suy nghĩ và lẩm bẩm về việc Chúa Giêsu làm trong Tin Mừng hôm nay: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”.

Cả hai dụ ngôn “Con chiên lạc” và “Đồng bạc bị đánh mất” được Chúa nói cho cả hai đối tượng: người Pharisêu và người thu thuế, kẻ tội lỗi.

Đối với người Pharisêu, hai dụ ngôn ấy là một lời cảnh tỉnh trực diện để họ phải nhận ra rằng chính họ mới là “con chiên lạc”, là “đồng bạc bị đánh mất”. Lạc vì họ đang sống kiêu căng, sống thiếu tình khoan dung, yêu thương; lạc vì họ không muốn hiểu đường lối của Chúa, vì không muốn mặc lấy tình thương của Chúa trong con tim mình… Bài học dành cho người Pharisêu là đừng lầm tưởng mình đạo đức, nếu không mặc lấy đức khiêm cung và lòng nhân hậu mà đối xử với tha nhân. Họ cần có cái nhìn mới mẻ hơn đối với người tội lỗi, cái nhìn của Thiên Chúa, cái nhìn của lòng thương xót xoáy vào sâu thẳm hơn, để cảm thông hơn vì bao nỗi bất hạnh, không phải cái nhìn nông cạn bề ngoài để rồi sinh ra ganh tỵ, xét đoán…

Còn đối với người tội lỗi, cả hai dụ ngôn là Lời rất vui mừng cho họ, vì:

- Lời mặc khải cho họ biết một Thiên Chúa vô cùng khiêm cung, và yêu thương. Lòng thương xót, khoan dung, nhân hậu của Ngài luôn luôn lớn hơn tội lỗi, thân phận của họ.

- Lời xóa tan nỗi ám ảnh bị khinh bỉ, phân biệt, có khi còn bị trừng phạt dã man cho đến chết vì luật xua đuổi khỏi cộng đồng, luật ném đá…

- Lời khơi dậy cho họ một niềm hy vọng, mở ra cho họ một con đường sống và nhất là tái lập cho họ một tương quan quí giá đối với Thiên Chúa, tái lập cho họ một nhân vị xứng đáng là con cái Thiên Chúa.

- Và cũng qua hai dụ ngôn, cả người Pharisêu và người tội lỗi có thể nhận ra một điều kỳ diệu là Thiên Chúa luôn đi bước trước đối với những tội nhân.

Đề cập đến bước trước, tôi nhớ câu chuyện về Đức Tin đơn sơ của cụ Biên ở phía sau nhà tôi. Cụ luôn là người khôi hài vui vẻ. Đến lúc gần chết cũng còn vui vẻ. Năm 1979, trong cơn hấp hối, khi nghe một anh Legio giữ kẻ liệt cầm sách mục lục đọc kinh cho cụ, đọc sai chỗ nào, cụ đập nhẹ bàn tay, bảo: “Đọc lại, đọc lại, đọc sai làm sao Chúa hiểu”. Đêm cuối cùng, cụ chỉ cho mọi người biết là cụ đang chết từ dưới chân lên đến giữa lưng rồi. Rồi cụ nói: “Còn nói được mấy câu nữa thôi, cho tôi nói với Chúa. Chúa đã lỡ bước xuống đời rồi, thì còn ngại ngần gì mà không bước tới đây đưa con về với Chúa. Chúa ơi, con tin”. Rạng sáng hôm ấy, cụ đã về với Chúa.

“Chúa đã lỡ bước xuống, thì còn ngại ngần gì mà không bước tới”. Câu nói đơn sơ mà cho thấy cả một xác tín. Hôm nay, nghe lại dụ ngôn “Con chiên lạc”, mới ngộ ra là không chỉ Chúa chẳng ngần ngại gì mà không bước tới, mà còn dám bước trước, và bước kiên trì nữa: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ?”

Vâng đó là một bước trước, và kiên trì: “Đi tìm cho kỳ được” Quả là kỳ diệu ! Nếu trước đây chưa ai dám tiếp xúc với những người thu thuế tội lỗi, vì sợ nhơ bẩn con người, thanh danh của mình, thì Chúa Giêsu đã bước một bước trước đến với họ.

Hai dụ ngôn hôm nay còn vén màn một chi tiết độc đáo của tình thương Thiên Chúa, đó chính Người đích thân đi tìm con chiên lạc, gọi đích danh, tha thứ vô điều kiện, âu yếm ẵm trong vòng tay, vui mừng vác chiên lên vai, mở tiệc tưng bừng. Thiên Chúa mời mọi người đến chia vui vì “trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”.

Người ta mở tiệc ăn mừng những dịp cưới hỏi, tân gia, sinh nhật, thi đỗ, thoát nạn… Trong đời tôi, lại được tham dự một bữa tiệc lạ thường. Chuyện là thế này: Giáo Xứ tôi có một người tên là T. được rửa tội năm 1972 tại Thủ Đức khi anh lập gia đình với chị N. Anh kể với các anh chị Legio, anh đã giữ đạo sốt sắng hơn 7 năm. Đến năm 1979, anh sa đà đủ món ăn chơi trên trần gian này. Chị N. bỏ anh đi. Anh càng lún sâu vào con đường tội lỗi. Bỏ lễ, bỏ các Bí Tích. Năm 1996, anh em Legio thăm và khuyên bảo anh xưng tội, anh nói: “Nhiều quá, làm sao xưng cho hết ! Chúa không thể tha một lúc nhiều như vậy đâu !” Sau hơn 3 năm, cha sở và các anh chị Legio kiên trì cầu nguyện cho anh, năm 1999, anh quyết định đi xưng tội. Cha sở FX. Lê Quang Diễn đã yêu thương lắng nghe anh nói chuyện tòa ngoài với ngài hết một buổi sáng và thêm nửa buổi chiều. Chiều hôm đó, anh xưng tội. Ngày hôm sau, anh mở tiệc mừng. Có khoảng 3 bàn tiệc. Anh nói mấy câu trước khi vào tiệc: “Con cảm ơn cha, cảm ơn mọi người, xin CHIA VUI VỚI CON, và xin CHIA VUI VỚI CHÚA”. Từ đó, anh đổi mới hoàn toàn, thật sốt sắng với Chúa và dễ thương với mọi người. Anh đã qua đời năm 2008. Linh hồn Phaolô.

Mọi người bất ngờ về câu nói của anh: “xin CHIA VUI VỚI CON, và xin CHIA VUI VỚI CHÚA”. Thiết tưởng, anh không chỉ cảm nghiệm được niềm vui của mình là được trở về, mà với Đức Tin, anh còn dám cảm nghiệm được “niềm vui của Chúa’, của Chúa Chiên, người đã bỏ chín mươi chín con chiên tốt lành kia trong ràn, mà đi tìm anh, con chiên lạc.

Cảm nghiệm được niềm vui của Chúa phải là người đang sống thông hiệp mật thiết với Chúa lắm, như hai người tình đang kết hợp toàn tâm toàn ý với nhau, và dĩ nhiên, niềm vui không của riêng chỉ một người. Suy tư ấy có thể là suy tư cách rất con người, rất chủ quan thôi. Nhưng rõ ràng, thử hỏi ai trong chúng ta, những người vỗ ngực xưng tên mình là đạo đức, đã có bao giờ có được cái cảm nghiệm “chia vui với Chúa” cách trọn vẹn, nếu không đặt trọn niềm tin vào lòng thương xót của Chúa, nếu không mặc lấy tình thương xót ấy mà xót thương bao kẻ tội lỗi, khốn cùng.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con Đức Tin vào lòng thương xót của Chúa để biết mình là con chiên lạc được Chúa tìm về, và mặc lấy tình thương ấy mà cộng tác với Chúa, chia vui với Chúa khi có người anh em tìm được hạnh phúc được Chúa thứ tha. Amen

PM. Cao Huy Hoàng, 11.9.2013

Trở về mái nhà xưa

Năm 1865, trong lúc binh sĩ của miền Nam đang bị vây khốn ở làng Appomattox, nhiều người đã khuyên tướng Lee nên chia quân ra để tiếp tục đánh bằng du kích thay vì đầu hàng. Nhưng tướng Lee đã từ chối, không muốn cuộc chiến này kéo dài một cách vô ích. Ông quyết định chấm dứt chiến tranh và ra đầu hàng tướng Grand của quân đội miền Bắc.

Trong buổi lễ ký giấy đầu hàng tại Appomattox Court House, tướng Grant đã ra nghiêm lệnh cấm binh sĩ miền Bắc không được reo hò vui mừng chiến thắng, và lập một hàng quân danh dự đứng nghiêm chào tướng Lee và đoàn tùy tùng đi tới. Tướng Lee chỉ đòi hỏi một điều sau cùng là yêu cầu cho binh sĩ của ông được giữ lại lừa ngựa, vì lính miền Nam đem ngựa từ các nông trại của họ đi chiến đấu. Ngoài ra tướng Grant còn cung cấp lương thực cho một số binh đoàn miền Nam để họ đủ sức trở về lại quê.

Tổng thống Abraham Lincoln thường cho mọi người biết là ông mong muốn cuộc chiến kết thúc trong sự khoan dung độ lượng. Nên khi tướng Grant hỏi Tổng Thống Lincoln làm gì với binh sĩ miền Nam đầu hàng, ông không do dự trả lời “Hãy để họ được tự do ra về. Tôi sẽ đối xử với họ như thể chưa bao giờ họ rời bỏ mái nhà.”

Người con hoang đàng trong Tin Mừng Thánh Luca hôm nay, trở về quê nhà, mệt mỏi, kiệt sức và thất thiểu như binh lính Miền Nam thất trận hồi hương. Nhưng Người Cha Nhân Hậu vẫn yêu thương mong mỏi đứa con hư, cũng như tha thứ đón chờ.

Yêu thương đi tìm

Ba dụ ngôn liên tiếp trong trích thuật Tin Mừng Thánh Luca hôm nay là câu trả lời quyết liệt, đanh thép, nhưng rất dịu dàng, êm ái, thấm thía của Đức Giêsu cho Pharisiêu và kinh sư về việc Người gần gũi với kẻ tội lỗi, người thu thuế gian tham, người tàn tật, bệnh tật, nghèo khó. 

Người tận tâm, tận tụy, thương xót, đi tìm chiên lạc đàn, những kẻ xa lìa cộng đồng dân Chúa, chạy theo những ảo ảnh phù phiếm thế gian, của cải, vật chất, quyền cao chức trọng, đam mê hưởng lạc. Người thương yêu chủ động đi tìm chiên lạc về, vác lên vai, âu yếm chăm sóc và chia vui cùng bạn hữu, xóm làng. Trong khi “trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.” (Lc 15, 7)

Người không bị choáng ngợp mê hoặc bởi số đông, con số lớn, số nhiều, như thói đời, nhưng trái lại, Người trân trọng từng con số lẻ ít ỏi, từng thân phận nhỏ nhoi, cô quả, yếu đuối, như người đàn bà hối hả đi tìm một đồng tiền đánh rơi mất.

Đối với Thiên Chúa mỗi con người đều là báu vật vô giá. Mặc dù con người sa đọa, lấm lem tội lỗi, Thiên Chúa vẫn không hề bỏ rơi. Ngài không trừng phạt nhãn tiền, mà vẫn yêu thương và trân trọng, vẫn ra sức tìm mọi cách đưa những tâm hồn bầm dập về lòng thương xót vô biên. Kể cả những tội nhân bị xã hội kết án nặng nề, bị hành hình sắp chết, Thiên Chúa vẫn cứu thoát, nếu biết sám hối trở về, như người trộm lành “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng.” (Mt 12, 20 và Is 42, 3)

 Tha thứ chờ đón

Tổng thống Abraham Lincoln khoan dung với binh sĩ miền Nam thất trận, còn giúp đỡ hồi hương. Thiên Chúa còn từ bi nhân hậu gấp bội với kẻ lầm đường lạc lối, sám hối quay trở về, còn tưởng thưởng hạnh phúc viên mãn

Mòn mỏi chờ đón đứa con hoang đàng trở về mái ấm. Từ xa thấy con, Người chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để. Người Cha Nhân Từ tha thứ hết, chẳng hạnh hỏi tội bất hiếu, chẳng hề nhớ đến những thói hư tật xấu. Chẳng kịp nghe hết lời ăn năn sám hối, Người đã vội ra lệnh lấy áo đẹp, nhẫn vàng, dép mới phục sức cho con. Vì “đứa con đã mất nay tìm thấy, đã chết, nay đã sống lại bên Ngườ”i.

Chúng ta thấy ở đây trí nhớ của Chúa Giêsu dường như không còn làm việc nữa! Ngài quên vô điều kiện, quên tức khắc tất cả quá khứ không hay, không tốt của ta, mỗi khi chúng ta quay trở về. Ngài chỉ nhớ mỗi người là con Cha Ngài, là em Ngài, nên khi ta quay lại gặp Ngài, thì tức khắc ta lại được mặc áo vinh hiển sự sống của Thiên Chúa. (ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận, Tại Sao tôi chọn Chúa)

Ngài luôn mãi chờ đợi cuộc hạnh ngộ, nhưng tôi cứ mãi đi hoang. Trở về nhà êm ấm, qua Bí Tích Hòa Giải, rồi lại lạnh lùng bỏ đi, tôi mù lòa chạy theo xác thịt, theo đam mê phù phiếm, theo vui thú trần gian. Nhưng Lòng Thương Xót bao dung vô bến bờ, vẫn nhẫn nhục lặng lẽ thứ tha và chờ đợi.

Lạy Chúa Giêsu đầy lòng bao dung, xin kêu gọi, lôi kéo con về với Chúa mỗi ngày, dù con chưa dứt nổi cám dỗ, dù con cứ luôn phụ bạc, phản nghịch và cứng lòng. Xin soi sáng con cảm nghiệm lòng Chúa thương xót bao la dạt dào, mỗi khi con trở về, cùng nhận ra sự yếu đuối mỏng manh thân phận. Xin cho con cảm nghiệm Tình Yêu sung mãn, để có thể yêu thương và tha thứ cho tha nhân.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn có Chúa ở cùng, khấn xin Mẹ luôn nhắc nhủ con mau mắn trở về với Chúa, dù con luôn lỗi phạm, luôn phản bội, luôn làm mất lòng Chúa. Xin Mẹ ghi lòng tạc dạ con rằng, Chúa luôn sẵn sàng thương xót tha thứ, vỗ về an ủi, thương yêu, nếu con biết sám hối trở về.

AM Trần Bình An

Tuyệt đỉnh của yêu thương

(Trích dẫn từ ‘Như Thầy Đã Yêu’)

Một lần kia, các tu sĩ trong miền dẫn tới Đức Giám Mục Anmôna một thiếu nữ mang bầu xin ngài ra hình phạt. Nhưng Đức cha đã ban phép lành cho thai nhi, rồi ra lệnh ban cho cô sáu tấm vải bằng lanh mịn. Những kẻ tố cáo lại nói:

- Tại sao Đức Cha làm như thế? Xin ra cho nó một hình phạt.

Ngài ôn tồn bảo:

- Anh em thử nghĩ xem, cô ta đã đau khổ muốn chết được; tôi phải làm gì hơn nữa?

Nói thế rồi ngài cho cô ta về. Từ đấy không tu sĩ nào còn dám tố cáo ai nữa.

Cũng như các tu sĩ trong câu chuyện trên đây, nhóm Pharisêu và các kinh sư thường lên án những người tội lỗi, nên khi Đức Giêsu tiếp đón những hạng người này thì họ lẩm bẩm kêu trách Người. Thấy vậy, Đức Giêsu đã trả lời bằng ba dụ ngôn: Con Chiên Lạc Mất, Đồng Bạc Đánh Rơi, và Đứa Con Hoang Đàng, để bày tỏ lòng nhân hậu và niềm vui của Thiên Chúa dành cho người tội lỗi hối cải ăn năn.

Còn gì vui bằng khi cái đã mất lại tìm thấy được; còn gì sướng hơn khi cái tìm thấy lại là vật quí. Tìm kiếm chính là mục đích của Con Thiên Chúa khi xuống trần gian: “Con Người đến tìm kiếm những gì đã mất”. Con người là đối tượng duy nhất mà Thiên Chúa mướn kiếm tìm. Con người thật vô cùng quí giá trước mặt Người. Thiên Chúa lao đao vất vả đi tìm kiếm con người. Người không muốn để mất một ai trên trái đất này.

- Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi, như người mục tử tốt lành sẵn sàng để chín mươi chín con chiên lạc, đi tìm cho bằng được con chiên lạc mất. Khi tìm thấy rồi mừng rỡ khoác chiên trên vai.

- Thiên Chúa yêu thương kẻ lầm lỡ, như người đàn bà cần mẫn, đốt đèn kiếm cho được đồng bạc đánh rơi. Khi thấy rồi tíu tít chia vui với mọi người.

- Thiên Chúa yêu thương tội nhân, như người cha già nhân hậu, ngày ngày ra ngõ tìm con. Khi thấy con rồi ông vui mừng chạy lại ôm choàng lấy nó.

Thật vậy, “lỗi lầm là của con người và tha thứ là của Thiên Chúa” (A.Pope). Thiên Chúa yêu thương con người và yêu thương đến cùng. Tuyệt đỉnh của yêu thương chính là tha thứ, vì thế dù phải chịu hấp hối lâu dài và đớn đau khôn tả, phải chịu kinh miệt và chối bỏ, nhưng Người vẫn cầu nguyện tha thiết: “Lạy Cha, xin tha cho họ”. Đây chính là lời rõ ràng và trang trọng nhất nói lên tâm hồn cao thượng và tấm lòng nhân hậu của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.

Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta, những con người lầm lỗi; nhưng Người chỉ có thể thứ tha khi chúng ta thật lòng sám hối. Người trộm lành suốt một đời lầm lỡ, thế mà chỉ trong giây phút cuối cùng, tỏ lòng sám hối ăn năn đủ trở nên một vị thánh. Ông trở nên thánh không phải vì ông là người tội lỗi, nhưng vì ông nhận biết mình là người tội lỗi. Đứa con hoang đàng được người cha tha thứ cũng vì anh đã biết nhận ra lỗi lầm, trở về sám hối ăn năn. Người cha không chỉ tha thứ mà còn phục hồi chức vị làm con. Một chiếc nhẫn mới, một đôi giầy mới, một bữa tiệc linh đình, vinh dự còn lớn hơn cả trước khi ra đi.

Nếu Thiên Chúa đã tỏ lòng nhân hậu và tha thứ cho chúng ta, thì Người muốn chúng ta cũng hãy tha thứ cho nhau như người cha nhân hậu xin ông anh cả tha thứ cho đứa em lầm lỗi.

Người ta chỉ có thể dễ dàng tha thứ cho kẻ khác khi ý thức thân phận mỏng dòn yếu đuối của mình. Có nhận ra mình hay lầm lỗi, con người mới dễ cảm thông tha thứ cho những lỗi lầm của anh em. Đừng bắt người có tội phải bị trừng phạt mới hả dạ, đừng đòi hỏi cho được sự công bằng mới thôi, vì Martin Luther King có viết: “Nếu cứ áp dụng luật “mắt đền mắt” thì mọi người đều trở nên mù loà”.

 

Lạy Chúa, nếu Chúa không tha thứ cho các tội nhân thì thiên đàng sẽ trống rỗng, và thế giới này chẳng có thánh nhân.

Xin cho chúng con mỗi lần được Chúa thứ tha lại thấy mình nên giống Chúa hơn, vì đã biết tha thứ cho anh em. Amen.

Thiên Phúc

 


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...