20/10/2022
602
GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 38: HAI NHÂN VẬT GIUSE TRONG KINH THÁNH
 
Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
 
Hỏi:
Tin Mừng thánh Mátthêu hôm mừng lễ thánh Giuse, con nghe có đoạn: “Ê–li–hút sinh E–la–da; E–la–da sinh Mát–than; Mát–than sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Ðức Giêsu cũng gọi là Ðấng Kitô.” (Mt 1,14-16). Giuse con của Giacóp trong Cựu Ước, con nghĩ là khác với Giuse cha nuôi của Chúa Giêsu chứ. Mong giải thích giúp con ạ?


 
Trả lời:
     
     Bạn thân mến,

       Trình thuật gia phả trong Kinh Thánh là trình thuật dễ làm nhiều người bối rối. Vả lại để hiểu nó, quả là không dễ dàng chút nào. Trong câu hỏi của bạn, có nhân vật Giuse, vốn “rất giống” với Giuse trong thời xa xưa của Cựu Ước. Nhanh chóng chúng ta xác nhận hai nhân vật Giuse trong Tin Mừng là rất khác nhau, nhưng làm sao để hiểu rõ lại cần nhiều giải thích. Chia sẻ dưới đây hy vọng chúng ta có thể “bóc tách” vấn đề, để thấy Kinh Thánh thật phong phú biết bao.

      1. Trùng Tên

       Giuse nếu bạn tra từ điển tiếng Do Thái, ngôn ngữ thánh sử Matthêu dùng là : יוֹסֵף–“Yosef”, nghĩa là “nguyện xin Thiên Chúa tăng thêm”. Về thánh Giuse, chúng ta còn gọi là Giuse Thợ, hoặc Thánh Cả Giuse, Giuse thành Nazareth.

       Đoạn gia phả [1] trên đây có sự trùng tên đến lạ lùng. Người con thứ 11 của tổ phụ Giacóp, hay người con thứ nhất của bà Rachel, tên là Giuse (St 30,24). Giacóp sống tại vùng đất tổ tiên (Abraham và Isaac) của ông để lại tại Canaan. Có chỗ Cựu Ước ghi tên Giacóp với một tên khác là Israel (St 35,21). Giuse luôn được Giacóp yêu mến và cưng chiều. Chính vì điều này mà biết bao hệ lụy đã xảy đến cho Giuse từ những người anh của ông.

     Còn về nhân vật Giuse mà chúng ta gọi là thánh cả Giuse cũng có cha là Giacóp. Chắc chắn về mặt niên đại, hai nhân vật Giacóp này hoàn toàn khác nhau. Một người sống ở thế kỷ (17–16? TCN), một người sống ở thế kỷ 1 TCN. Cần lưu ý là chúng ta hoàn toàn không biết gì về Giacóp, cha của thánh Giuse! Ngược lại, Giacóp trong sách Sáng Thế lại được kể khá chi tiết.

      2. Dụng ý của thánh sử Mátthêu
 
      Chúng ta đồng ý với nhau trong Tin Mừng không chỉ hiểu theo nghĩa đen, nhưng cần hiểu theo nghĩa bóng và cả nghĩa thần học, hoặc nghĩa thiêng liêng nữa. Điều này càng quan trọng khi chúng ta đọc gia phả của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Xin đừng chỉ hiểu theo nghĩa đen, hoặc tính xác thực của tiến trình lịch sử và nhân vật. Chẳng hạn, trong câu hỏi của bạn là theo Tin Mừng Mátthêu có tên là Giacóp (Mt 1,16); trong khi theo Tin Mừng Luca, tên cha của Giuse là Êli (Lc 3,23). Do đó, việc đối chiếu sự khác biệt giữa hai gia phả theo Mátthêu và Luca cho thấy thực chất tên và niên biểu trong các gia phả không thể hiểu theo nghĩa đen và lịch sử được.

     Các nhà nghiên cứu nhìn nhận rằng độc giả của thánh Mátthêu là cộng đồng người Do Thái. Họ rất am hiểu truyền thống Kinh Thánh Cựu Ước. Tổ phụ Abraham, Isaac và Giacóp là niềm tự hào của họ. Vì thế trong bối cảnh này, thánh Mátthêu đã móc nối rất nhiều chi tiết ở trong Cựu Ước. Ít nhất 130 chỗ ngài trực tiếp trích dẫn về sách Cựu Ước, trong đó, 43 chỗ trích gần như nguyên văn. Chẳng hạn trong câu hỏi của bạn, ngài cũng dùng trùng tên các nhân vật mà chúng ta đang bàn ở đây.

      Sở dĩ Mátthêu làm như thế vì muốn thuyết phục, hoặc nói đúng hơn, là giới thiệu cho độc giả thấy đấng Mêsia [2] đã đến. Đấng ấy người Do Thái ngóng chờ từ lâu. Lời hứu cứu độ Thiên Chúa nói với tổ phụ của người Do Thái, nay đã được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu đến với nhân loại trong một dòng dõi vương đế mà Cựu Ước đã loan báo. Ngài có gia đình, có cha mẹ, và từ đó, Ngài cứu độ nhân loại.

     3. Nhiều ý nghĩa trùng nhau

     Tới đây, chúng ta thấy hai nhân vật Giuse khác nhau, nhưng giữa họ có nhiều điểm giống nhau.

      Ví dụ:

      – Cả hai nhân vật Giuse có lên quan đến người nổi tiếng. Trong cộng đồng Do Thái, dĩ nhiên ông nội (Isaac) hoặc ông cố (Abraham) của Giuse luôn được kính trọng. Họ là những tổ phụ vĩ đại của dân tộc. Cũng theo truyền thống đó, thánh Mátthêu nối thánh Giuse với vị vua nổi tiếng nhất của người Do Thái: Ðavít (1035 – 970 TCN). Ông là vua thứ hai của Vương quốc Israel thống nhất. Với 40 năm vàng son trong triều đại của mình, Đavít là vị vua vĩ đại mọi thời trong lịch sử Do Thái. Trong ý nghĩa này, mở đầu Tin Mừng, thánh Mátthêu viết: “Ðây là gia phả Ðức Giêsu Kitô, con cháu vua Ðavít, con cháu tổ phụ Abraham.”[3]. Dĩ nhiên thánh Giuse chỉ là cha nuôi của Đức Giêsu.

     – Cả hai đều phải đương đầu với những khó khăn. Còn nhớ ngày xưa Giuse bị các anh ám hại tại cánh đồng Si–khem. Sau đó họ bán ông cho người Ai Cập. Dĩ nhiên ở bên đó lúc đầu Giuse sống kiếp nô lệ, phải hầu hạ chủ nhân. Vợ ông chủ lẳng lơ muốn “ăn nằm” với Giuse. Là người ngay chính, Giuse từ chối. Vậy là bà ta vu khống Giuse, và ông phải chịu vòng lao lý. Còn về thánh Giuse là người công chính (Mt 1,19), như chúng ta đã biết, ngài cũng chịu nhiều khổ nhọc, vất vả và thử thách. Từ việc chấp nhận bào thai của Mẹ Maria, cho tới những ngày ở Bêlem, chăm sóc, bảo vệ Hài Nhi và vợ mình. Thánh nhân đã làm tròn bộn phận trong âm thầm cầu nguyện.

     – Cả hai điều liên quan đến giấc mơ. Có lẽ điều này chúng ta dễ nhận ra. Giuse có tài giải mộng, nên được cha yêu thương, nhưng các anh ghen tức (giấc mơ bó lúa, mặt trời mặt trăng–St 37,5–11). Bên Ai Cập vì tài giải mộng nên Giuse lọt vào mắt xanh của Pharao (7 con bò tốt, bảy con bò ốm–St 41,25–36). Hơn nữa, Pharao còn cất nhắc ông lên chức tể tướng và cưới cho Giuse cô Aseneth. Họ có hai người con: Manasse và Ephrain.

     Thánh Giuse không giải mộng, nhưng nhận được nhiều giấc mơ. Qua đó thánh nhân nhận ra Thiên Chúa muốn điều gì. Bừng giấc mộng, thánh nhân liền làm theo. Đó là lần sứ thần báo mộng cho Giuse chấp nhận bào thai của Maria (Mt 1,18–21); lần ở Bêlem, sứ thần báo mộng cho ông đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập (Mt 2,13). Bên đó, một lần nữa sứ thần báo mộng cho ông dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel (Mt 2,19). Sau lần này, chúng ta thấy thánh Giuse âm thầm, không được Tin Mừng nhắc đến nữa.

     – Như ý trên, chúng ta thấy cả hai đều ở Ai Cập. Số là sau khi Giuse thành công, ông đem cha và anh em sang Ai Cập sinh sống. Cộng đồng Do Thái phát triển nhanh chóng. Môsê là người được Thiên Chúa chọn để đưa dân xuất hành khỏi Ai Cập. Đây cũng là hình ảnh tiên trưng, để chúng ta có thể hiểu câu: “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập.” (Mt 2,15 và Hs 11,1).

    – Cả hai có kinh nghiệm nghèo khổ. Giuse bị các anh trấn lột và bán ông cho người Ai Cập. Ông mất gia đình, mất quê hương và chịu cảnh nô lệ, tù đày. Thánh Giuse cũng sống đơn giản với nghề thộ mộc. Chắc hẳn ngài phải vất vả lắm mới có đủ tiền nuôi sống gia đình. Dẫu sao cả hai đều tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

     – Bạn có thể liệt kê thêm những tương đồng. Chẳng hạn cả hai đều là con người công chính và có trách nhiệm.

      4. Mở rộng vấn đề

     Có thể câu trả lời đã phần nào sáng tỏ ở trên. Qua đó, chúng ta thấy cả hai nhân vật này đều cho hậu thế những bài học về đức tin, đối nhân xử thế và đời sống thánh thiện tốt lành. Chắc chắn Giuse trong Cựu Ước không được nhắc nhiều so với thánh cả Giuse trong thời đại chúng ta. Trong tháng 3 và đầu tháng 5, nhất là trong ngày 19–3, cả Giáo Hội mừng lễ ngài.

     Về thánh Cả Giuse, chúng ta thấy Giáo Hội nhấn mạnh đến hai điều:

    – Thánh Giuse là bạn trăm năm của Đức Maria. Trong liên kết đó, ngài trở nên cha nuôi Đức Giêsu. Đây là nguồn suối phát sinh cho ngài mọi phẩm vị, ân sủng, sự thánh thiện và vinh dự[4]. Hẳn là chúng ta biết quá ít về thánh nhân trong Kinh Thánh, nhưng Thiên Chúa đã cho Đức Maria người bạn đời để chứng minh sự trinh khiết của Mẹ. Người bảo vệ thánh gia trong con đường của Chúa. Từ những chi tiết đó, Giáo Hội muốn theo mẫu gương của ngài để phục vụ Nước Chúa nơi trần gian.

     – Vị trí của thánh Giuse trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Hành động có tính quyết định và nền tảng là thánh Giuse nhận Maria đang mang thai về làm vợ chính thức. Chính hành động đó đủ để Giuse có một chỗ đứng độc đáo trong lịch sử cứu độ. Người ta không thể đoán được điều gì sẽ xảy ra nếu như Giuse cương quyết ly dị Đức Maria, hay lớn tiếng tố cáo vị hôn thê của mình. Vì theo luật thì Maria có thể bị ném đá (Đnl 22,23–27), và Con Thiên Chúa có thể chết trước khi chào đời! Ơn cứu độ sẽ bị đổ vỡ từ trong trứng nước. Giuse đã là điểm tựa sống còn của ơn cứu độ, là chỗ nương thân nhờ cậy của Maria và Hài Nhi trên phương diện pháp lý và tự nhiên.

     Vì hai lý do trên mà ngay từ Giáo Hội sơ khai, cùng với Đức Mẹ, thánh Giuse luôn đóng vai trò quan trọng. Chẳng hạn chúng ta nghe lại lời Đức Giáo Hoàng Piô IX viết:

     “Các giáo phụ coi cộng đoàn các Kitô hữu làm nên Giáo Hội như được đặc biệt dành cho thánh Giuse. Đó là gia đình mênh mông lan rộng khắp thế giới, mà trong tư cách là chồng của Đức Maria và là cha nuôi Đức Giêsu, thánh nhân có uy quyền như của một người cha. [5]

     Chắc vì thế mà thánh Têrêsa Avila xác tín rằng Chúa Giêsu đã vâng lời thánh Giuse khi còn ở dưới thế, trong mái nhà Nadarét và giờ đây, ở trên thiên quốc, Chúa vẫn lắng nghe những điều thánh Giuse yêu cầu.

      Nhờ lời chuyển cầu của thánh Giuse, chúc bạn luôn được nhiều bình an hạnh phúc.
 
[1] Gia Phả theo thánh Mátthêu cho thấy Thiên Chúa là chủ tể của lịch sử, đã xếp đặt mọi biến cố đúng theo kế hoạch của Ngài. Trong kế hoạt đó, Chúa Giêsu, thuộc dòng dõi vua Đavít và tổ phụ Abraham, tức là các dân tộc sẽ được chúc phúc ông, và Người cũng sẽ là Đavít mới. (Từ Điển Công Giáo, mục từ Gia Phả Chúa Giêsu).
[2] “Kitô” là tiếng Hy Lạp, còn “Mêsia‎”là tiếng Do Thái, có nghĩa là “được xức dầu”. Theo ngôn từ của thánh Gioan tông đồ, “Mêsia” là “Đấng được Thiên Chúa tuyển trọn” (Ga 1,34), được Thiên Chúa sai đi thực hiện sứ vụ cứu thế (Ga 4,42) với tư cách ngôn sứ, tư tế và quân vương. Đấng ấy sẽ là vua Ítrael, vua người Do Thái.
[3] Mt 1,1; Lc 2,1–4; Mc 12,35–37; Ga 1,45.
[4] Denzinger số 3260
[5] Xem. Sắc lệnh Quemadmodun Deus Iosephum, ngày 8-12-1870.
 
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Đọc thêm:
 
 
Bài 37: PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
 

 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...