27/06/2020
1273

Người Môn Đệ Đức Kitô

 
Chuẩn bị nhân sự tiếp nối công việc truyền giáo ở trần gian, Chúa Giêsu đã tuyển chọn các môn đệ. Tuyển chọn rồi Chúa còn đào tạo để các ngài nên những chứng nhân trung thành của Chúa. Hôm nay, Chúa nêu lên những đức tính cần thiết của người môn đệ.
 
Người môn đệ của Chúa phải có tâm hồn quảng đại.
Tiên tri Elisêô đã hào phóng đối với gia đình tiếp đón Ngài. Tiên tri là hình ảnh đẹp về các môn đệ của Chúa. Người môn đệ là đại diện cho Đấng sai mình. Người đại diện tốt phải là người trình bày được dung mạo của Đấng sai mình. Chúa Giêsu, Đấng sai ta là người vô cùng rộng lượng. Người đến trần gian không phải để thu tích mà để ban phát. Trọn cuộc đời, Người ban phát không biết mệt mỏi. Người đến không phải để xét xử, luận phạt, nhưng để tha thứ. Người tha thứ một cách dễ dàng cho tất cả những tội nhân đến với Người. Người đến không phải để giết chết, nhưng là để cứu chữa. Người đến cho ta được sống và sống dồi dào. Người môn đệ của Chúa cũng phải có tâm hồn quảng đại, rộng lượng, bao dung như Chúa.
 
Người môn đệ của Chúa phải sống khiêm nhường.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu gọi các môn đệ là những người bé mọn. Chống lại những thói kiêu căng, phô trương, Chúa Giêsu luôn thao thức sao cho các môn đệ của Người trở nên bé nhỏ, khiêm nhường. Bé nhỏ trong tâm tình đạo đức để phó thác mọi sự trong tay Cha. Bé nhỏ về của cải, đừng mang “hai áo, mang theo túi tiền”. Bé nhỏ trong cách cư xử với nhau, đừng tranh giành chỗ nhất, nhưng hãy chọn chỗ chót. Bé nhỏ để quỳ xuống phục vụ: “như Thầy đã rửa chân cho các con, các con hãy rữa chân cho nhau”. Bé nhỏ để sau khi làm mọi việc rồi, hãy nhận mình là “tôi tớ vô duyên bất tài”.
 
Người môn đệ của Chúa phải biết tập trung vào Chúa Kitô.
Người môn đệ là người chọn Chúa Kitô làm lý tưởng. Người môn đệ cũng là người đi làm chứng về Chúa Kitô. Vì thế mọi lời ăn tiếng nói, cả đến tâm tư tình cảm phải qui hướng về Chúa Kitô. Chúa Kitô phải chiếm vị trí ưu việt trong tâm hồn người môn đệ. Nói thế không có nghĩa là người môn đệ chối bỏ mọi tình cảm chính đáng, dứt lìa những mối liên hệ gia đình. Nhưng có nghĩa là từ nay người môn đệ có yêu thương ai thì cũng là yêu thương trong tình yêu của Chúa Kitô và bằng tình yêu của Chúa Kitô.
 
Người môn đệ của Chúa sống cho Chúa và chết cho Chúa.
Chúa Giêsu không sống vì mình và cho mình. Người luôn sống vì và cho người khác. Người sống vì Chúa Cha và cho Chúa Cha. Nên mọi việc Người làm đều vì Chúa Cha và cho Chúa Cha. Người là tình yêu hoàn hảo dâng tặng Chúa Cha. Nên Người đã “vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá”. Người sống vì con người và cho con người. Nên người đã ban tặng chính sự sống của Người cho nhân loại, đã hiến mạng sống làm giá cứu chuộc nhân loại.
 
Nên thánh Phaolô khuyên người môn đệ của Chúa hãy bắt chước Chúa mà chịu phép rửa trong sự chết của Chúa Kitô. Hãy yêu mến, sống cho Chúa và chết cho Chúa. Chắc chắn ta không chết một lần, nhưng sẽ chết dần mòn. Chết cho tội lỗi để không bao giờ phạm tội nữa. Chết trong quên mình âm thầm. Chết trong những hy sinh nhỏ bé. Chết trong nhiệt thành phục vụ nước Chúa. Chính khi chết đi như vậy, ta lại được một sự sống mới tràn ngập tâm hồn, sự sống sung mãn, phong phú của Thiên Chúa. Chỉ có những ai đã trải qua cái chết, mới cảm nghiệm được sự sống ấy, Thánh Phanxicô chắc chắn đã trải qua cuộc lột xác ấy nên mới thốt ra được những lời bất hủ: “Chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời”. Vì thế thánh nhân đã trở nên môn đệ đích thực của Chúa Kitô.
 
Lạy Chúa, xin thanh luyện tâm hồn con, để con xứng đáng là môn đệ của Chúa. Amen.
 
Gợi ý chia sẻ:
1- Chúa Giêsu muốn cho môn đệ của Chúa có những phẩm chất nào?
2- Những gì Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ, Người có thực hành không?
3- Đào tạo nhân sự cho Hội Thánh. Bạn nghĩ đến việc này thế nào? Quan tâm? Giúp đỡ? Đóng góp?.
 
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Đón Tiếp Anh Em Hèn Mọn Là Đón Tiếp Thầy
 
            Đón tiếp ai với tư cách nào thì sẽ được phần thưởng cân xứng với cấp bậc của người mình đón tiếp, đó có thể là nguyên tắc công bằng mà Đức Giêsu đang sử dụng để nói về phần thưởng dành cho việc thiện. Dựa vào một nguyên tắc xem ra chẳng có gì là khó hiểu và ai nấy cũng đều dễ dàng chấp nhận, Người lại đang muốn chứng minh cho một điều không dễ chấp nhận chút nào theo tiêu chuẩn tôn giáo thông thường.
         
Trước hết “Ai đón tiếp một ngôn sứ… sẽ được lãnh phần thưởng của một ngôn sứ” và “ai đón tiếp một người công chính…sẽ được lãnh phần thưởng của người công chính” là hai trường hợp điển hình rất dễ hiểu đối với các thính giả Do Thái đang nghe Người. Ngôn sứ và người công chính (tức những người giữ trọn lề luật Mô-sê) đều là các hạng người có thế giá trong xã hội và tôn giáo thời đó, do đó ai đón tiếp họ chắc chắn sẽ được trả công xứng đáng. Trong Luca 4:26, Đức Giêsu đã đề cập tới trường hợp bà góa thành Sarepta, vì đón tiếp ngôn sứ Êlia nên đã được phần thưởng xứng đáng, không những hũ bột và chai dầu của bà không hề vơi cạn trong suốt thời nạn đói kém kéo dài, mà ngay cả đứa con của bà đã chết cũng được cho hồi sinh (1 Vua chương 17). Trong lịch sử dân Hípri đã xảy ra không ít những trường hợp tương tự như người kỹ nữ Rakháp đã tiếp đón và che chở các do thám Hipri trong trận chiến phá thành Giêricô (Giôsuê chương 2 và 6:22-25). Những sự kiện như thế cho ta thấy: định luật nhân quả (ở đây đang bàn về phần thưởng) được áp dụng cách triệt để. 
 
Thế nhưng, khi Đức Giêsu đem áp dụng cùng một định luật đó vào trường hợp Tin Mừng thì bắt đầu xuất hiện một điều gì đó không ổn: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”. Trước hết ta đặt câu hỏi: ‘anh em’ đây là những ai? – Thưa, họ có thể là các tông đồ, là các môn đệ… là các người tin vào Đức Kitô Giêsu, họ là những người đã có lúc Đức Giêsu gọi là “đoàn chiên nhỏ bé” (Lc 12:32); tóm lại, họ bị đồng hóa với những ‘kẻ bé nhỏ’ nhất (Mt 11:42). Vậy thì làm sao tiếp đón những kẻ nhỏ bé như họ, mà lại là đón tiếp chính Đức Kitô hiển vinh, thậm chí còn đón tiếp chính Thiên Chúa quyền uy, ‘Đấng đã sai Thầy’? Và ‘đón tiếp’ mà Người đang đề cập tới đây đâu phải là ban phát một ân huệ gì lớn lao để đáng được phần thưởng trọng hậu, mà lại rất đơn giản và tầm thường như… cho uống ‘dù chỉ một chén nước lã thôi’. Theo lối suy luận thông thường, thì điều này không cách nào có thể lý giải nổi! Ta chỉ bắt đầu thấy hợp lý đôi chút, một khi hiểu rằng: Đức Giêsu chính là ‘kẻ bé nhỏ’. Người là ‘kẻ bé nhỏ’ không theo nghĩa ‘tạm ẩn mình trong kẻ bé nhỏ’, như nhiều người vẫn thường giải thích, mà Người thực sự ‘bé nhỏ’, trở nên rất bé nhỏ nữa là đàng khác, thậm chí hạ thấp mình xuống để ra như không (Pl 2:5-11). Chỉ có hiểu theo cách đó thôi, ta mới thấy “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy” bắt đầu có vẻ hợp lý hơn. Điều này càng rõ ràng hơn khi, song song với lý luận, “đón tiếp ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ… đón tiếp người công chính vì người ấy là người công chính”, Đức Giêsu cũng xác định, “… vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy”. 
 
Như vậy ta tạm thời có thể đúc kết khảng định của Đức Giêsu như sau: ‘ai đón tiếp anh em - những kẻ bé nhỏ vì là môn đệ của Thầy, chính là đón tiếp Thầy Giêsu đã trở nên nhỏ bé, và như thế là đón tiếp Đấng đã sai Thầy tự hủy để trở nên bé nhỏ xuống trần gian’. 
         
Còn một điều nữa cần đào sâu, đó là: “người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”, vậy phần thưởng đó là phần thưởng gì? Nếu đã khẳng định “lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ… lãnh phần thường dành cho bậc công chính”, thì khi đón tiếp anh em nhỏ bé là môn đệ của Thầy, thì cũng sẽ ‘lãnh phần thưởng dành cho kẻ nhỏ bé’, là lôgích nhất.
 
Câu kết luận hầu như bị Đức Giêsu cố tình bỏ lửng; Người chỉ lấp lửng: “không mất phần thưởng đâu”. Ngày nay Kitô hữu chúng ta đã có đủ điều kiện đề hình dung ra, phần thưởng đó là phần thưởng gì. Người bình dân sẽ nghĩ cách đơn sơ, đó là phần thưởng thiên đàng vinh phúc, tuy nhiên đó không phải là cách hiểu của Thánh Phaolô (Gl 2:20; Rm 13:14; Pl 2:5-9). Phần thưởng nào thì phải xứng với bậc của nó, phần thưởng dành cho kẻ đón tiếp anh em nhỏ bé, môn đệ của Đức Kitô thì chắc chắn phải là xứng bậc nhỏ bé như Đức Kitô bé nhỏ, xứng bậc nghèo hèn như Đức Kitô nghèo hèn, xứng bậc tự hủy như Đức Kitô tự hủy mà thôi. Các sách Phúc Âm đầy dẫy những khẳng định theo nội dung này (Ga 15:4-5; Mt 11:29; đặc biệt Mt 16:24). 
         
Tôi tự hỏi: khi làm một việc thiện, nếu biết phần thưởng sẽ dành cho mình là trở nên một môn đệ đích thực của Đức Kitô nghèo hèn và tự hủy, liệu tôi có còn can đảm tiếp tục nữa hay không? Không may là: rất có thể tôi sẽ do dự để suy tính hồi lâu đấy! Thế mới biết câu nói “ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy” của Đức Giêsu, và những hệ lụy của nó là không đơn giản chút nào. 
 
Mong rằng: một khi đã tìm hiểu, đã đào sâu về phần thưởng này, tôi sẽ vui mừng nghiệm ra một khích lệ lớn lao hơn cả phần thưởng thiên đàng: phần thưởng đó là được tham gia vào chính yếu tính từ nhân và tự hủy của Đức Kitô… để rồi tôi tiếp tục cống hiến phục vụ như một kẻ bé mọn!
 
         Lạy Chúa Giêsu nhỏ bé và nghèo hèn, con muốn thực sự trở nên môn đệ của Chúa; có điều, như các tông đồ xưa, khi nghĩ tới trở thành môn đệ là con lại mơ ước ngay một chỗ cao sang trên trời. Xin cho con sáng suốt để nhận ra rằng, phần thưởng Chúa hứa dành cho con quả thật là lớn lao không gì sánh bằng, vì là một Kitô hữu, chỉ khi nào con được ‘đồng hình đồng dạng’ với Đức Kitô, một Đức Kitô nhỏ bé và khiêm hạ; phải - chỉ khi đó, con mới đạt được cùng đích đời mình mà thôi. Amen 
 
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Từ Bỏ Để Tiến Xa Hơn
 
Kinh nghiệm mỗi lần chuyển xứ hay chuyển sang nhà mới là một lần lại phải cân nhắc loại bỏ những đồ dùng không cần thiết. Có những thứ đã cất giấu từ lâu rồi cứ thế dần theo năm tháng trong kho đồ cũ lại dầy thêm. Thế là cái nào không xài thì bỏ hoặc cho ai đó nếu muốn sử dụng. Rồi nhìn vào tủ quần áo, nhiều quá! Có những chiếc đã cũ và lỗi thời, liền gom lại để đem cho người nghèo…
 
Ở đời còn có rất nhiều lần chúng ta phải quyết định từ bỏ. Có những thứ từ bỏ vì tự nguyện như bỏ ăn uống hoang phí, bỏ coi phim đêm, . . . Có những thứ ta nên bỏ để cuộc sống của ta nên tốt hơn. Thí dụ khi ta nhường nhịn không trả đũa, không đòi lại của cải hoặc danh dự bị người khác làm tổn thương, mất mát. . . Đặc biệt có những thứ ta buộc phải từ bỏ như: tội lỗi, thói xấu, dịp tội…
 
Chúa Giêsu còn muốn người môn đệ phải từ bỏ cả cái tôi của mình để sống hoà hợp và yêu thương mọi người. Chúa muốn chúng ta phải đón tiếp mọi phận người. Không phân biệt sang hèn. Không phân biệt giai cấp. Chúa còn đồng hóa mình với mọi phận người để rồi đón tiếp họ là đón  tiếp chính Chúa. Thi ân cho họ là thi ân cho Chúa. Giúp đỡ họ là giúp đỡ chính Chúa để rồi ngày mai sẽ lãnh phần thưởng vô biên trên trời.
 
Chính Chúa đã tự nguyện từ bỏ địa vị Thiên Chúa để mang lấy thân phận con người chúng ta. Ngài từ bỏ ngai trời để đến cư ngụ trên trái đất này. Ngài từ bỏ cuộc sống riêng của mình để dấn thân phục vụ tha nhân trong mọi hoàn cảnh. Cuộc đời Ngài luôn ân cần thi ân đến mọi phận người. Ngài đến để chia sẻ với những mảnh đời: ốm đau, bệnh hoạn, nghèo khó, tội lỗi . . . Ai cũng được Ngài yêu thương. Ai cũng được Ngài săn sóc. Ai cũng được Ngài quý mến. Thế nên, ai cũng hạnh phúc khi được tiếp xúc với Ngài.
 
Từ bỏ có khi còn phải hy sinh đến cả tính mạng mình. Chúa Giêsu đã hy sinh để chấp nhận cái chết cứu độ nhân loại. Qua cái chết của Ngài mà nhân loại được giao hoà với Thiên Chúa để cùng bước vào cõi trời hạnh phúc vĩnh hằng.
 
Ngày nay người ta vẫn nhắc tới một môn đệ của Thầy Giêsu là cha Đamien, tông đồ của người cùi. Cha   đã tự nguyện đến phục vụ cho người cùi tại đảo Molokai thuộc bang Hawai. Hồi đó, nơi đây được chọn như một địa điểm giam các tù nhân trọng tội bị lưu đầy và những bệnh nhân phong cùi vào thời ‘hết thuốc chữa’ phải sống tách biệt…
 
Ngài đã từ bỏ mọi sang trọng để sống trọn vẹn cho người cùi. Chính khi Ngài bị nhiễm bệnh cùi, cha Đamien đã có thể cảm thông hoàn toàn với những bệnh nhân cùi. Ngài thường nói, “Chúng ta, những người cùi”. Cha Đamien trở thành một chứng nhân tình yêu của Chúa cho mọi người. Sức mạnh của Ngài đến từ Thánh Thể như chính Ngài đã viết: “Chính nơi chân bàn thờ là nơi chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh chúng ta cần khi bị bỏ rơi…”
 
Nhắc tới ngài người ta còn nhớ tới một giai thoại thật cảm động, khi  một số báo ở Bỉ đăng hình Cha mô tả sự hy sinh vĩ đại của cha với thân hình Cha lở loét, nhức nhối. Mặt mày Cha sù sì, đen đủi, u nần trông rất ghê sợ.. Người mẹ  của cha lúc ấy mắt đã mờ không đọc được, nhìn vào bức hình cũng chẳng nhận ra nổi đứa con yêu. Bà hỏi con cháu: Hình ai đây sao mà trông ghê sợ vậy?”. Một người em của cha trả lời: "một người hủi trên đảo Molokai của anh Đamien đấy”. Qua mặt được bà cố, nhưng họ lại nhìn nhau và không ai bảo ai, tất cả đều xót xa rơi lệ.
 
Cha Đamien đã sống với người hủi cho đến chết. Tình yêu Chúa đã giúp cha hy sinh suốt đời vì họ. Ngài đã sống trọn vẹn cho tình yêu dâng hiến: “Tôi đã dâng hiến tất cả cho Thiên Chúa, tôi chết nghèo, tôi chẳng có gì cho tôi…”
 
Ước gì người môn đệ của Chúa cũng biết sống yêu thương như Chúa đã yêu. Một tình yêu cảm thông đến mọi phận người để rồi bỏ qua những thiếu sót, lầm lỗi của tha nhân. Một tình yêu xan xẻ với những người khổ đau để rồi sẵn lòng cúi xuống phục vụ mọi phận người khổ đau không phân biệt địa vị sang hèn. Một tình yêu bao dung để xóa đi những ngăn cách của hiểu lầm, đố kỵ, ghen tương nhờ đó mà có thể đón nhận mọi phận người trong yêu mến , tôn trọng và phục vụ. Amen
 
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Sống Vì Chúa Hay Sống Vì Mình?
 
Người đời cho rằng ai khéo “giữ mạng sống mình” thì sẽ được an ninh trường thọ; còn ai “liều mất mạng sống mình” thì sẽ phải hư vong. Thế mà Chúa Giêsu nói ngược lại: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.”
Tại sao Chúa dạy như thế? 
Qua những lời trên đây, Chúa Giêsu đề cập đến hai lối sống: Một là sống vì mình, hai là sống vì Chúa.
 
1. Sống vì mình
Hậu quả của lối sống vì mình là hư vong, là mất mát… như lời Chúa nói: “Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất.”
 
Cuộc đời của hai nhân vật sau đây giúp ta hiểu rõ giáo huấn này của Chúa Giêsu hơn.
- Nhân vật thứ nhất
Chúa Giêsu nói: "Một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! Rồi ông ta tự bảo: "Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Bấy giờ, ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”
Rồi Chúa Giêsu kết luận: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó" (Lc 12, 16-21).
 
Như thế, kẻ nào sống vì mình, chỉ biết chăm lo cho mạng sống mình ở đời này mà không biết thu tích cho đời sau, thì đó là người dại dột, vì rốt cuộc sẽ mất hết, chẳng còn gì. Đúng như lời Chúa nói: “Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất.”
 
- Nhân vật thứ hai
Chúa Giêsu tiếp: "Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Lazarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no (nhưng chẳng ai cho). Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Abraham. Ông nhà giàu cũng chết, và rồi phải chịu cực hình trong âm phủ.” 
Từ chốn đau thương khốn khổ này, người giàu khẩn thiết van xin tổ phụ Abraham sai Lazarô bố thí cho ông ta chỉ một giọt nước thôi… mà cũng không thể được.
Qua nhân vật này, Chúa Giêsu một lần nữa cho ta biết: Nếu chỉ biết sống vì mình, cứ chăm lo “giữ lấy mạng sống mình” mà không biết chia sẻ cho người túng thiếu, thì không những sẽ đánh mất tất cả những gì mình có, mà còn phải chịu đọa đày trong hỏa ngục mai sau (Lc 16, 19-26).
Như vậy, dù “được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì?” (Lc 9,25).
 
2. Sống vì Chúa 
Thành quả của việc sống vì Chúa là đạt tới hạnh phúc vĩnh viễn đời sau như lời Chúa nói: “Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.”
Nếu những anh thuyền chài trên biển hồ Galilê cách đây 2.000 năm không đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu và dấn bước theo Ngài, liều mất mạng sống vì Ngài, thì họ chỉ là những con người vô danh tiểu tốt, chẳng làm nên danh phận gì, chẳng được ai biết đến… Tuy nhiên, vì họ đã dấn thân theo Chúa Giêsu, sẵn sàng sống chết vì Ngài nên đã lập nên kỳ công vĩ đại và được muôn người kính mến.
Ngoài ra, rất nhiều thanh niên nam nữ thiện chí khác trên khắp thế giới từ xưa tới nay như Phanxicô Xaviê, Phanxicô Assisi, mẹ thánh Têrêxa Calcutta… đã sẵn sàng “liều mất mạng sống” vì Chúa Giêsu nên các ngài được tôn vinh mãi đến muôn đời.
 
Lạy Chúa Giêsu. Hôm nay, Chúa đưa ra cho chúng con hai chọn lựa, một là sống vì mình, tức là sống ích kỷ, hưởng thụ, chỉ biết lo cho bản thân mình mà không quan tâm phục vụ người khác để rồi phải hư mất đời đời; hai là sống vì Chúa, tức là sống quảng đại, sẵn sàng cống hiến thời giờ, công sức, khả năng… của mình nhằm phục vụ người khác để rồi được sống đời đời trên thiên quốc… Đây là một chọn lựa khó khăn.
Xin cho chúng con dứt khoát chọn sống vì Chúa, quyết tâm sống quảng đại, hy sinh, phục vụ… không quyến luyến danh vọng, không tiếc nuối của cải đời này, vì “được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì?”
 
Lm. Inhaxiô Trần Ngà 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...