25/12/2020
1016

LỄ ĐÊM GIÁNG SINH

Mỗi khi giáng sinh về, theo truyền thống, các Kitô hữu thường làm hang đá Bêlem. Bên cạnh hang đá, người ta không quên dựng một cây thông với những quả châu thật đẹp cùng những dây kim tuyến lấp lánh. Cây thông trở thành một trong những biểu tượng gắn liền với Noel. Ai cũng muốn có một cây thông trang trí trong nhà vào dịp giáng sinh. Nhưng tại sao lại là cây thông mà không là cây khác? Và đâu là nguồn gốc và ý nghĩa đích thực của cây thông giáng sinh?

Thật ra, tập tục làm hang đá giáng sinh chỉ bắt đầu với thánh Phanxico Assisio (1223). Ngài thường tổ chức đêm canh thức GS bằng những vở kịch, thuật lại lịch sử cứu độ, khởi đi từ buổi đầu tạo dựng. Cũng có người đóng vai con rắn Satan, vai Adam-Eva sa ngã trong vườn địa đàng. Và để làm cây biết lành biết dữ, người ta chọn cây thông, loài cây còn giữ được dáng vẻ xanh tươi giữa tiết đông lạnh lẽo của Châu Au. Trên đó, những quả táo được treo lên thay cho trái cấm. Sau này, quả táo được thay bằng trái châu lộng lẫy và con rắn vườn địa đàng được thế chỗ bằng dây kim tuyến lấp lánh (những thứ trang trí được làm toàn bằng đồ giả), như muốn diễn tả sức hấp dẫn hào nhoáng, những đầy giả tạo, trống rỗng của tội lỗi và những cơn cám dỗ. Cây thông giáng sinh từ đó trở thành biểu tượng của tội lỗi, của cú ngã đầu đời đau thương nhiều đổ vỡ của nguyên tổ loài người. Cây thông rực rỡ huy hoàng đặt kề bên máng cỏ nghèo hèn và thô nhám như bộ mặt trơ trẽn, vênh váo của Nguyên Nhân đứng kề bên khuôn mặt cam chịu, nhẫn nhục của Hậu Quả.

Noel đúng là một Đại Lễ của niềm vui. Nhưng vượt trên những lấp lánh, hào nhoáng, và thẳm sâu bên dưới những dáng vẻ lộng lẫy tưng bừng bề ngoài, niềm Vui đêm nay không đến từ cây thông mà là từ máng cỏ. Nói đúng hơn, niềm Vui ấy xuất phát từ lời thiên sứ báo tin cho các mục đồng trong đêm giáng sinh: "Này đây, Ta báo cho anh em một Tin Vui trọng đại, cũng là 1 Tin Mừng cho toàn dân: Hôm nay, Đấng cứu độ đã sinh ra cho chúng ta trong thành của David"

Ngồi bên nhau trong bầu khí ấm cúng, trang trọng của đêm rất thánh này, trong khiêm hạ và trong lắng đọng tâm hồn, niềm Vui trọng đại ấy đang lan tỏa trong lòng người, không chỉ bằng những lá thư, tấm thiệp, không là quà chúc, lời chào, nhưng bằng sự hiện diện của chính Con TC- Đấng chúng ta mừng sinh nhật hôm nay. Thật vậy, Chúa đang đến trong lòng ta. Không kiểu cách, đường bệ, uy nghi, nhưng dưới dáng vẻ một bé thơ. Rất đơn sơ, rất bé nhỏ. Ngài đến, không lễ nghi trang trọng ồn ào, nhưng trong hoàn cảnh khó nghèo. Rất âm thầm, thân tình, và gần gũi. Ngài đến, như quà tặng thân thương của Thiên Chúa. Quà tặng là chính Ngài-Tình Yêu cứu độ tận sâu thẳm của nhiệm mầu nay thành Máu, thành Thịt ở giữa loài người chúng ta. Xưa, các mục đồng đã căn cứ vào dấu chỉ khiêm tốn đó mà nhận ra Đấng Cứu thế đã đến trong  trần gian. Nay, bao người cũng nhờ dấu chỉ khiêm nhường đó mà nhận ra Đấng Cứu thế đang đến với họ, đang đến với thời đại hôm nay. Nhưng, cũng vì chọn lối đường đơn sơ, lặng thầm ấy, mà Ngài đã phải sinh ra trong trong một hoàn cảnh éo le, chua xót, như một kẻ cù bơ cù bấc, không cửa không nhà, như Tin Mừng kể lại: "Vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ" (Lc 2,7)

Máng cỏ thô nhám, lặng thầm như một gam màu tối bẩn, tương phản với cây Giáng sinh rực rỡ muôn sắc màu. Nhưng như lời văn sĩ Pháp Saint Exupéry: "Những gì đẹp, người ta không thấy được bằng mắt, mà chỉ thấy bằng trái tim thôi". Nếu nhìn thật sâu vào bên trong hang đá tối tăm và nghèo nàn ấy, chúng ta có thể nhận thấy một bầu trời rực sáng lung linh, một trời mới đất mới mở ra từ đôi tay giang rộng của Hài nhi Jesus. Rất thật và rất người… Hai ngàn năm qua, đôi tay của bé Jesus vẫn giang rộng giữa lòng thế giới. Nơi những phận người không nhà cửa, cù bơ cù bấc; những người ruột thịt chỉ vì 1 chút cơm áo gạo tiền mà đành lòng xử với nhau như người dưng nước lã. Đôi tay của bé Jesus vẫn giang rộng nơi những người trẻ hư hỏng bụi đời, làm mồi ngon cho tệ nạn xã hội vì cha mẹ anh em bất hòa, cơm không lành canh không ngọt, nơi những gia đình đang rạn nứt, nát tan trong dòng xoáy thực dụng, ham muốn, đua đòi; nơi những trẻ mồ côi vô thừa nhận, và có lẽ - cả nơi những thai nhi chẳng bao giờ được phép chào đời, vì lối sống buông thả, đua đòi, vô trách nhiệm.

TC đã bước vào gia đình nhân loại với đôi tay giang ra và giang rộng mãi, để "cây cấm" ô nhục phũ phàng của vườn địa đàng xưa trở thành cây thông Noel rực rỡ của hôm nay, những cây thông ấm nồng tình Chúa và chan chứa tình người, những cây thông tỏa sáng niềm vui an bình, đẩy lùi bóng đen của dối trá và phá tung những dây nhợ ràng buộc, trói chặt con người.

Mừng Sinh nhật của Đấng là Mặt Trời công chính, Hoàng Tử Hòa Bình (x. Mlk 3,20-21. Lc 1,79.  2,32; Ga 1,49. 8,12, Is 9,5), chúng ta hãy nguyện xin Tình thương của Chúa đổ tràn trên thế giới hôm nay, để Bình an, Ân phúc và tình huynh đệ được bừng lên từ những bàn tay mở ra cho gia đình, những đôi tay giang rộng giữa cộng đoàn. Thật vậy, Con TC vẫn không ngừng được sinh hạ và lớn lên khi con người biết xích lại gần nhau, đem đến cho nhau niềm vui an bình, biết tạo lập cho nhau những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Vì một lẽ : khi ta biết sống cho tròn đầy thì vinh danh TC được tỏ rạng, và khi ta học biết yêu thương nhau, là Chúa sinh ra trong tâm hồn.

LỄ GIÁNG SINH (ĐÊM)

THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI

Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông

 

9,2-4, 6-7 Hoàng tử Hòa Bình                      

Tv 96,1-2, 3-4, 11-12, 13 Hôm nay Đấng Cứu thế sinh ra cho chúng ta

Tt 2,11-14 Ân sủng của Thiên Chúa đã biểu lộ cho loài người

Lc 2,1-16  Đức Giê-su giáng sinh

 

1. HỎI: Ba bài đọc liên kết với nhau theo chủ đề nào?

THƯA: ÁNH SÁNG ĐỨC KI-TÔ CHIẾU SOI ĐÊM TỐI TRẦN GIAN. Một vì Vua mới sẽ xuất hiện trong ánh sáng huy hoàng (Bđ1) trong cuộc giáng sinh nghèo hèn của Đức Giê-su (BTM). Ngài chính là ân sủng của Thiên Chúa đã biểu lộ dạy chúng ta phải sống thánh thiện để chờ đợi cuộc hiển linh của Chúa (Bđ2).

2. HỎI: Bài đọc một (Is 9,2-4, 6-7) có nội dung như thế nào?

THƯA: Tiên tri I-sai-a nói với một dân tộc đang đau khổ vì bị phân chia và đô hộ. Ông trấn an họ bằng cách nhắc lại rằng Thiên Chúa là đấng trung thành, Ngài sẽ chẳng bỏ rơi dân, dù họ bất trung với Ngài. Ông khuyến khích họ với lời hứa rằng Thiên Chúa sẽ ban cho họ một vị vua mới, hậu duệ của vua Đa-vít, người sẽ đuổi kẻ thù của họ ra khỏi bờ cõi và thống nhất đất nước. Và thế là: “dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (9,1).

3. HỎI: Câu “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1) có nghĩa gì?

THƯA: Đây là câu mà người ta đọc vào ngày thánh hiến tân vương, việc ngài lên ngôi được so sánh với việc mặt trời mọc lên chiếu soi dân Ngài sống trong lầm than tăm tối. Ở đây Tiên tri I-sai-a nói về Ấu Vương Khit-ki-gia mới 7 tuổi. Ngài chính là Em-ma-nu-ên nổi tiếng mà 8 năm trước I-sai-a hứa ban cho vua A-khát: “Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai,và đặt tên là Em-ma-nu-en” (Is 7,14).

4. HỎI: Hoàn cảnh lời sấm trên như thế nào?

THƯA: Bấy giờ, vua A-khát (741-726) lúc đó mới 20 tuổi mà đã phải trải qua thời khắc cực kì khó khăn: phía bắc bị quân Át-si-ri đe dọa, phía nam bị các tiểu quốc như Đa-ma và Sa-ma-ri kéo vào cuộc nổi loạn chống lại Át-si-ri. Không còn biết dựa vào đâu, nhà vua quá quẫn trí, đem đứa con kế vị hi sinh tế thần. Lúc bấy giờ Tiên tri I-sai-a mới tuyên sấm.

5. HỎI: Tiên tri I-sai-a đã can thiệp như thế nào?

THƯA: Chính trong lúc cực kì nguy khốn ấy, I-sai-a đã tuyên sấm hứa ban hoàng tử Khít-ki-gia. Vì những lỗi lầm của A-khát dù có khủng khiếp đến đâu, như giết con ruột của mình, vẫn không thể làm cho Thiên Chúa bỏ rơi Giao ước của Ngài với vương triều Đa-vít. Và đúng như lời đã hứa, hoàng tử Khít-ki-gia, niềm hi vọng mới của Giê-ru-sa-lem đã sinh ra.

6. HỎI: Trước tình hình nguy biến, vua A-khát đã hành động như thế nào?

THƯA: Vua A-khát đã tự nguyện thần phục hoàng đế Át-si-ri như một chư hầu, nghia là Ít-ra-ên đã mất chủ quyền độc lập. Đó không phải là điều các tiên tri mong muốn bởi vì Ít-ra-ên phải độc lập khỏi các liên minh với các nước ngoài nếu muốn trung thành với giao ước với Thiên Chúa.

7. HỎI: Bốn câu đầu tiên (cc.1-4) mô tả điều gì?

THƯA: Bốn câu đầu tiên mô tả niềm hi vọng vương quốc Ít ra ên phía Bắc được giải phóng. Các cụm từ ‘cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp’ đều nói đến sự thống trị hà khắc của quân Át-si-ri trên Ít-ra-ên trước năm 721 và hi vọng rằng Thiên Chúa sẽ giải thoát họ khỏiquân thù. Ách nô lệ thật nặng nề nên đấng giải thoát sẽ được chào đón như Thủ lãnh vĩ đại.

8. HỎI: “Trong ngày chiến thắng quân Ma-đi-an” (c.3) mô tả điều gì?

THƯA: Ngày chiến thắng quân Ma-đi-an” được kể lại trong sách Thủ lãnh (cch.7-8) là ngày mà con cái Ít-ra-ên dưới quyền chỉ huy của Ghít-ôn đại thắng quân Ma-đi-an. Tiên tri nhắc lại để muốn nói rằng ngày Thiên Chúa giải thoát dân Ít-ra-ên cũng là ngày Đại thắng mà Ngài ban cho họ.

9. HỎI: Các câu 5-6 nói đến điều gì?

THƯA: Đó là bài ca Tiên tri I-sai-a sáng tác để chúc mừng vua mới lên ngôi (Khít-ki-gia? 716-687). Ngài chính là người con mà Thiên Chúa hứa ban:Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en” (Is 7,14). I-sai-a gán cho vị vua cứu tinh mọi danh xưng cao trọng nhất đối với dân Chúa: Ngài là “Cố Vấn kì diệu”, “Thần linh dũng mãnh”, “Người Cha muôn thuở”.

10. HỎI: “Cố vấn kì diệu” (9,5) có nghĩa là gì?

THƯA: Cố vấn kì diệu” có nghĩa là vị vua nầy được ban cho sự khôn ngoan siêu việt như vua Sa- lô-môn, không cần đến các quân sư cố vấn như đã làm cho vua cha là A-khát (736-716) lạc lối.

11. HỎI: “Thần linh dũng mãnh” (9,5) có nghĩa là gì?

THƯA: Thần linh dũng mãnh”’ là danh hiệu Cựu Ước chỉ dành cho Thiên Chúa mà thôi, nay được áp dụng cho vị Vua mới như lời cầu chúc tốt đẹp nhất.

12. HỎI: “Người cha muôn thuở” (9,5) có nghĩa là gì?

THƯA: Người cha muôn thuở” chỉ sự lãnh đạo sáng suốt của nhà vua sẽ mang lại thái bình cho toàn dân nhờ vào tài năng được Thiên Chúa thương ban, và nhờ công minh chính trực sẽ nâng đỡ triều đại Ngài.

13. HỎI: Vua Khít-ki-gia có đáp lại lòng mong ước đó không?

THƯA: Không. Khi vua Khít-ki-gia không đáp lại lòng mong ước được diễn tả trong các câu ấy và trong lời sấm đi trước (7,10-17), tiên tri I-sai-a đã hướng niềm hi vọng về tương lai xa hơn (11,1-9). Bài Tin mừng Lu ca (Lc 2,1-14) đã cho thấy Đức Giê-su chính là đấng đã làm trọn lời hứa ấy một cách tuyệt diệu: Ngài chính là Đấng Mê-si-a và là Chúa.

14. HỎI: Nội dung bài đọc 2 (Tt 2,11-14) như thế nào?

THƯA: Chúa Giê su chính là ân sủng tuyệt vời Thiên Chúa ban cho nhân loại để thực hiện cuộc sống thánh thiện chờ đợi Ngài lại đến.

15. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (Lc 2,1-14) như thế nào?

THƯA: Nằm trong phần Tin mừng thời Thơ ấu (1,5-2,52), đoạn 2,1-14 thuật lại câu chuyện giáng sinh của Đức Giê-su. Có 3 ý chính sau đây: 1. Bối cảnh lịch sử (2,1-5); 2. Khung cảnh giáng sinh (2,6-7); 3. Ý nghĩa giáng sinh: Hài nhi là Thiên Chúa được thiên thần ca mừng và các mục đồng thờ lạy (2,8-14).

16. HỎI: Tại sao ở đầu đoạn Tin mừng, thánh Lu-ca nhắc đến Hoàng đế La mã Xê-sa-rê?

THƯA: Thánh Lu-ca nhắc đến Hoàng đế La mã nhằm nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của việc Đức Giê-su giáng sinh: Ngài là người đã thật sự sinh ra trong lịch sử. Đó là một sự kiện có thật, đã xảy ra trong một thời điểm cụ thể vào thời hoàng đế La mã đang cai trị đế quốc, một điều không thể chối cãi, và người ta có thể kiểm chứng được.

17. HỎI: Còn ý nghĩa nào nữa không?

THƯA: Thánh Lu-ca muốn nhắc đến vương quyền trần thế của hoàng đế La mã trước khi nhấn mạnh đến Vương quyền đích thật của Đức Giê-su: Ngài là Đấng Cứu thế duy nhất, là Chúa tể duy nhất mang lại bình an cho con người (c 14).

18. HỎI: Thái độ của thánh Giu-se trước lệnh kiểm tra nầy như thế nào?

THƯA: Trong khi có một số người Do thái chống lại lệnh kiểm tra của hoàng đế La mã, thì thánh Giu-se và đức Maria đã mau mắn tuân hành. Ngài đã thực hiện điều mà sau nầy Chúa Giê-su dạy mọi người: “Trả lại cho Xê-da những gì của Xê-da” (Lc 20, 25).

19. HỎI: Thánh Lu-ca muốn nhấn mạnh điều gì khi xác định: “Bà sinh con trai đầu lòng”?

THƯA: Khi xác định Đức Giê-su là con trai đầu lòng, thánh Lu-ca không có ý muốn nói sau nầy Đức Maria còn sinh nhiều con khác, vì ngược lại với sự đồng trinh mà ngài nói đến trong đoạn 1,27-34. Thực ra, ngài muốn xác định địa vị pháp lý của Đức Giê-su như là người được thánh hiến như sẽ nói đến sau nầy (2, 23).

20. HỎI: Thánh Lu-ca mô tả sự giáng sinh nghèo khó của Chúa Giê su để làm gí?

THƯA: Thánh Lu-ca đặc biệt nhấn mạnh đến sự giáng sinh nghèo khó của Đức Giê-su để đối chiếu với Gio-an được sinh ra trong một hoàn cảnh tiện nghi hơn, có đông đảo bà con xóm giềng đến chung vui (1,58). Đức Giê-su thì không như thế. Ngài đích thật là một người nghèo giữa muôn người nghèo khác, và sự khó nghèo đó là một dấu chỉ. Chính trong sự khó nghèo nầy bừng sáng lên vinh quang Thiên Chúa.

21. HỎI: Dấu chỉ nghèo khó ở đây có ý nghĩa gì?

THƯA: Dấu chỉ trong Cựu Ước thường có tính cách lạ lùng, vĩ đại, cho thấy quyền năng của Thiên Chúa, bảo đảm việc thực hiện ơn cứu độ. Trái lại, ở đây, dấu chỉ lại hết sức tầm thường: một đứa bé mới sinh nằm trong máng cỏ. Một dấu chỉ tầm thường, bé nhỏ, không ra gì trước mắt người đời, giống như đấng chịu đóng đinh trên thập giá. Nhưng đó lại là điều Thiên Chúa chọn lựa để cho thấy quyền năng cứu độ của Ngài.

22. HỎI: Vinh quang Thiên Chúa ở đây là gi?

THƯA: Vinh quang là thiên tính của Thiên Chúa, sự siêu việt mầu nhiệm của Ngài. Nhưng ở đây, vinh quang Thiên Chúa chính là tình thương ban ơn của Ngài cho nhân loại: thi ân giáng phúc cho loài người là vinh quang của Thiên Chúa. Và ơn trọng đại nhất Ngài ban là ơn Bình an.

23. HỎI: Bình an đây có nghĩa gì?

THƯA: Đây chính là sự bình an Thiên Chúa hứa ban như quà tặng cứu độ mà mọi người mong chờ. Đây không phải là sự bình an trần gian, mà là đời sống siêu nhiên sung mãn mà chỉ mình Thiên Chúa mới là nguồn ban phát cho con người. Người nghèo là người được nhận lãnh trước tiên.

24. HỎI: Tại sao các mục đồng là những người được ban ơn trước tiên?

THƯA: Vì họ là hạng người cùng khổ nhất trong xã hội Do thái lúc bấy giờ. Nghề chăn nuôi thường bị khinh bỉ, và mục đồng là hạng người không được phép nghe giảng dạy tại các hội đường, không có quyền ăn nói trong xã hội, và cũng như những người thu thuế, không có khả năng làm chứng. Bị khinh miệt, nhưng lại được Thiên Chúa yêu thương tỏ mình cho và ban ơn bình an cứu độ.

25. HỎI: Phải thực thi thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay như thế nào?

THƯA: Chúng ta sống sứ điệp Lời Chúa bằng cách:

1. Phải tích cực chờ đợi Chúa. Đức Giê-su đã dạy chúng ta từ bỏ lối sống vô đạo thất nghĩa với Thiên Chúa và lối sống chạy theo các đam mê trần tục, để sống điềm đạm, công chính và đạo đức ở đời này. 2. Do đó, chúng ta hãy biết chế ngự các đam mê để được điềm đạm; sống bác ái để nên công chính và thi hành đạo đức để đẹp lòng Chúa, để có ngày nhận được hy vọng hồng phúc Ngài hứa ban là nhìn thấy vinh quang lớn lao của Ngài mà ánh sáng đêm nay mới khởi sự.

GLCG458 Ngôi Lời đã làm người để chúng ta nhận biết tình yêu của Thiên Chúa: ‘Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Ngài mà chúng ta được sống’ (l Ga 4,9). ‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời’ (Ga 3,l6). (X. Tại sao Ngôi Lời làm người 456-460.Nhập thể 461-463).

NGHỊCH LÝ CỦA MẦU NHIỆM GIÁNG SINH

(GIÁNG SINH – LỄ ĐÊM)

(Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14)

Khi nói về một tác phẩm hay một nhân vật, người ta thường hay nói về hoàn cảnh ra đời của nhân vật hay tác phẩm đó.

Đêm nay, khi mừng lễ giáng sinh, một lần nữa, chúng ta được nghe lại bài Tin Mừng theo thánh Luca nói về hoàn cảnh ra đời của Đức Giêsu. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, nhưng phụng vụ Giáo Hội muốn con cái của mình phải tiến xa hơn nữa để khám phá ra đâu là nguyên nhân dẫn đến hoàn cảnh ra đời của Đức Giêsu, đồng thời thấy được sứ điệp mà Thiên Chúa gửi xuống cho nhân loại qua biến cố Ngôi Hai giáng trần!

1.      Bối cảnh lịch sử

Về bối cảnh lịch sử, đất nước Dothái thời bấy giờ đang bị đô hộ bởi đế quốc Rôma, vì thế, buộc dân chúng phải lệ thuộc cơ cấu tổ chức lãnh đạo của đế quốc.

Theo truyền thống từ nhiều đời, đế quốc Rôma có thói quen: cứ 14 năm một lần, hoàng đế thực hiện một công việc liên quan đến toàn lãnh thổ cũng như các thuộc địa, đó là kiểm tra dân số.

Việc kiểm tra dân số sẽ giúp cho triều đình nắm vững về nhân khẩu để thu thuế và dễ bề tổ chức việc tuyển lính vào quân đội.

Vì thế, khi được lệnh thông báo, ai ai cũng phải về quê quán của mình để khai tên tuổi. Với thánh Giuse, ngài thuộc hoàng tộc vua Đavít, và tổ vương của ngài lại sinh trưởng tại Belem, nên từ Nadarét, Giuse đã phải đưa Maria vợ mình về quê quán để thi hành bổn phận của người công dân đối với lệnh triều đình.

Hành trình trở về Belem của thánh Giuse và Mẹ Maria gặp muôn vàn khó khăn. Khó khăn vì đường xá xa xôi! Các ngài phải vượt qua đoạn đường dài thăm thẳm khoảng 80 dặm, tương đương với 130 km. Gia đình của Giuse và Maria là một gia đình nghèo, vì thế, các ngài di chuyển bằng phương tiện hết sức thô sơ, hơn nữa, Maria lại đang mang thai và sắp đến ngày sinh nở, thế nên, đây là một cuộc hành trình đầy thách đố với các ngài!

Khó khăn chồng chất khó khăn! Tưởng chừng khi đến nơi, các ngài được yên ổn để lo công việc, ai ngờ, tại nơi đây, vợ chồng nghèo này một phần không có đủ tiền để thuê quán trọ, phần khác, nhìn thấy Maria bụng mang dạ chửa, các chủ quán trọ đều cảm thấy ái ngại!

Trong hoàn cảnh ấy, đôi vợ chồng nghèo này phải đành dẫn nhau ra tá túc ngoài đồng cỏ ngoại ô, nơi ở của súc vật. Và, tại nơi đây, Maria đã đến ngày: “Mãn nguyệt khai hoa”, vì thế, không còn lựa chọn nào khác, Maria buộc phải sinh con đầu lòng của mình ngay tại nơi sinh sống của súc vật.

2.      Nghịch lý của mầu nhiệm Giáng Sinh

Một cuộc hạ sinh mang đậm nỗi nghèo; một biến cố làm kinh thiên động địa cả nhân loại; một sự kiện lưu dấu muôn ngàn thế hệ; một dấu ấn không bao giờ được phép quên đối với người Công Giáo!

Tại sao vậy? Thưa! Vì đây là một nghịch lý vì yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giêsu qua cuộc giáng sinh vĩ đại này.

Thật vậy, xét về góc độ con người, nếu chúng ta nhìn dưới cái nhìn tự nhiên, thì cuộc giáng sinh của Con Thiên Chúa là một sự nhục nhã! Nhục nhã vì nghèo nên không được lưu trú một nơi xứng đáng; nhục nhã vì sinh ra trong cảnh màn trời chiếu đất, chốn bò lừa với những mùi hôi hám, dơ bẩn của súc vật!

Thử hỏi nơi chúng ta, những người đang hiện diện trong thánh lễ này, dù nghèo đến đâu, bi đát thế nào, liệu đã có ai phải sinh ra trong hoàn cảnh éo le, tệ hại đến như vậy hay không? Phương chi, đây lại là Hoàng Tử, Con Trời; là Thiên Chúa; Đấng quyền năng; Vua vũ trụ; Chúa các chúa, nhưng lại hạ sinh trong hoàn cảnh có một không hai như vậy? Phải chăng đây là đường lối nhiệm mầu, khôn ngoan của Thiên Chúa!

Thật vậy, với Thiên Chúa, sự giàu có của Người lại được thể hiện qua sự nghèo hèn, thiếu thốn nơi Đức Giêsu – Con Một yêu dấu, và, sự khôn ngoan của Thiên Chúa là con đường tự hủy, đi xuống và trao ban vì tình yêu. Đến lượt Đức Giêsu, Ngài đã thực hiện rõ nét sự điên rồ của Thiên Chúa khi đi sâu vào lòng nhân loại tội lỗi để giao hòa con người với Thiên Chúa; để yêu thương người nghèo và bênh vực những người không có tiếng nói; để bảo vệ công lý; xây dựng lẽ công bằng; làm chứng cho sự thật và cuối cùng là chết như một tử tội trên thập giá. Dưới cái nhìn thông thường thì đó quả là cuộc sống của kẻ điên rồ!

Tuy nhiên, tình yêu Thiên Chúa vượt trên mọi lý luận của con người, nên đã trở thành cớ vấp phạm cho người Dothái, sự điên rồ đối với người Hylạp.

Chính vì điều này, mà toàn dân Dothái, từ bao đời, họ được loan báo và chính họ hằng ngày mong ngóng đợi trông Đấng Cứu Thế, nhưng khi Ngài xuất hiện, họ đã không nhận ra. Ngược lại, Thiên Chúa đã tỏ mình và mạc khải cho những người nghèo, không có tiếng nói, đó là các mục đồng...

Tại sao vậy? Thưa! Người có thế giá, được Thiên Chúa yêu mến không phải là quyền cao chức trọng, không phải là giàu sang phú quý... mà là những con người mang trong mình tâm hồn đơn sơ chân thành, sẵn sàng đón nhận chân lý và vui vẻ đón nhận nghịch lý của tình yêu.

Quả thật, các mục đồng là những người như thế, nên được đón nhận đặc ân cao quý mà những người hiền triết, khôn ngoan không có được.

3.      Sứ điệp Giáng Sinh

Trong xã hội hôm nay, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt. Trong tâm thức của con người hiện đại, họ coi người nghèo là những người đáng bị coi thường, khinh dẻ. Hơn nữa, sẵn có quan niệm kỳ thị, nên người nghèo không có tiếng nói, và lẽ đương nhiên, chân lý làm gì có nơi những con người chân lấm tay bùn!

Dưới cái nhìn chủ quan như thế, họ đã phỏng chiếu Thiên Chúa trong lối suy nghĩ của họ, tức là bắt Thiên Chúa phải theo ý niệm của mình. 

Tuy nhiên, khi cử hành và chiêm ngắm mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng ta khám phá ra nghịch lý của Thiên Chúa, đó là Thiên Chúa muốn cứu chuộc con người bằng con đường tự hủy. Ngài đã chấp nhận đi xuống tận cùng của sự thiếu thốn, nghèo khổ, cơ cực, để trở thành bạn của những ai bé nhỏ nghèo hèn, để nâng đỡ và bảo vệ những ai không có tiếng nói, để bênh vực những ai hiền lành và khiêm nhường. Nhất là để giao hòa con người với Thiên Chúa, trả lại tước vị làm con khi con người đã đánh mất thủa ban đầu. Nói như thánh Phaolô: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8, 9).

Mong sao, mỗi khi mừng đại lễ giáng sinh, mỗi người chúng ta được ngụp lặn trong ánh sáng khôn ngoan của Thiên Chúa, để hiểu được chân lý ngàn đời nơi mầu nhiệm Giáng sinh là: chỉ có tình yêu đích thực mới đáng được gọi là tình yêu điên rồ. Cuộc sống người Kitô hữu nếu trung thành với lời cam kết của Bí tích Thanh Tẩy sẽ mãi mãi là hành trình đi ngược dòng, và do đó cũng không tránh khỏi nhãn hiệu điên rồ.

Xin Chúa ban cho chúng ta học được bài học nghèo khó, khiêm nhường, tự hủy của Thiên Chúa, để cũng đường lối ấy, chúng ta sống và thi hành trong tư cách là con Thiên Chúa. Amen.

LỄ GIÁNG SINH (RẠNG ĐÔNG)

ÁNH SÁNG RẠNG NGỜI TRÊN CHÚNG TA

Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông

 

Is 62,11-12 Nầy Đấng Cứu độ ngươi đang đến                    

Tv 97,1-2, 5-6, 11-12 Hôm nay ánh sáng đã rạng ngời trên chúng ta

Tt 3,4-7 Thiên Chúa đã biểu lộ lòng thương xót của Người cho nhân loại

Lc 2,15-20 Các mục đồng đi đến hang đá

1. HỎI: Ba bài đọc liên kết với nhau theo chủ đề nào?

THƯA: ÁNH SÁNG RẠNG NGỜI TRÊN CHÚNG TA. Thánh vịnh đáp ca: ‘Hôm nay ánh sáng chiếu giãi trên chúng ta; và Chúa đã giáng sinh cho chúng ta’. Từ xa xưa, I-sai-a đã loan báo niềm vui giải thoát cho Ít-ra-ên (Bđ1). Ánh sáng của Đức Ki-tô đến với chúng ta qua phép rửa (Bđ 2). Chúng ta cần phải để tâm suy đi nghĩ lại về những sứ điệp như Đức Ma-ri-a đã làm sau khi các mục đồng ra về (BTM).

2. HỎI: “Con gái Si-on” chỉ ai?

THƯA: Con gái Si-on” chỉ cư dân thành Giê-ru-sa-lem. Ý chính của đoạn văn ngắn này là mọi người nên giữ vững tinh thần đừng xao xuyến, vì Thành thánh và cư dân sẽ sớm được hưởng lại sự thịnh vượng và danh tiếng quốc tế.

3. HỎI: Ý nghĩa câu Is 62, 12?

THƯA: Khi hầu hết các cư dân bị lưu đày sang Ba-bi-lon thì Giê-ru-sa-lem có núi Si-on bao bọc xung quanh, trở thành một thành phố gần như trống vắng. Khi lưu đày kết thúc, tiên tri mô tả Thiên Chúa dẫn đầu đoàn dân trở về cố hương. Thành thánh lại huy hoàng như xưa, trở thành một điểm đến thường xuyên cho toàn thế giới.

4. HỎI: Bài đọc 2 (Tt 3,4-7) có nội dung như thế nào?

THƯA: Bài đọc này mô tả sự tái lâm của Đức Giê-su như là “từ tâm và tình yêu nhân ái quảng đại củaThiên Chúa”,và mô tả phép rửa của chúng ta là “phép rửa tái sinh và đổi mới của Chúa Thánh Thần.

5. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (Lc 2,15-20) như thế nào?

THƯA: Sau trình thuật Đức Giê-su giáng sinh (1,1-14), tác giả Lu-ca cho chúng ta thấy những bước chân vội vã của các mục đồng theo lời các thiên thần đến thờ lạy Hài nhi nằm trong máng cỏ (2,15-20) trước khi cha mẹ cắt bì và tiến dâng cho Thiên Chúa (21-28).

6. HỎI: Thánh Lu-ca mô tả các mục đồng chạy đến hang đá nhằm mục đích gì?

THƯA: Thánh Lu-ca muốn làm nổi bật sự tương phản giữa các mục đồng nghèo khổ, dốt nát, bị gạt bên lề xã hội, với các lãnh đạo Do thái giáo.

7. HỎI: Các mục đồng được mô tả như thế nào?

THƯA: Cũng giống như Đức Ma-ri-a vội vã lên đường loan báo tin vui, các mục đồng vội vã lên đường (2,16) đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa bằng một niềm tin chân thành của những người không có gì cả ngoài việc hết sức chú ý lắng nghe và lãnh nhận lời Chúa.

8. HỎI: Còn Đức Ma-ri-a thì sao?

THƯA: Đức Ma-ri-a: “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (2,19). Đó chính là thái độ mẫu mực của những người đáp lại lời Thiên Chúa bằng một niềm tin sâu sắc.

9. HỎI: Sứ điệp như thế nào?

THƯA: 1.Bắt chước tâm tình của Đức Ma-ri-a sống mầu nhiệm Giáng sinh trong niềm tin, hi vọng và lòng mến. Cần phải cử hành lễ Giáng sinh bằng lòng sốt mến nội tâm hơn là bằng vẻ ồn ào náo nhiệt bên ngoài. 2. Niềm vui Giáng sinh phải bắt nguồn từ việc tôn vinh chúc tụng Thiên Chúa vì đã làm bao điều kì diệu để ban ơn cứu độ cho nhân loại.

GLCG 457 Ngôi Lời đã làm người để cứu độ chúng ta, bằng cách giao hòa chúng ta với Thiên Chúa: Thiên Chúa ‘đã yêu thương chúng ta và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta’ (1 Ga 4,10). ‘Chúa Cha đã sai Con của Ngài đến làm Đấng cứu độ thế gian’ (1 Ga 4,14). ‘Chúa Giêsu đã xuất hiện để xoá bỏ tội lỗi’ (1 Ga 3,5).


LỄ RẠNG ĐÔNG

TIN MỪNG: LC 2, 15- 20

TÔI SỐNG MÙA GIÁNG SINH VỚI TÂM TÌNH GÌ?

“Nào ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho biết” (Lc 2, 15b). Sứ thần đến truyền tin Con Thiên Chúa đã giáng trần. Người được báo tin không phải là các kinh sư, biệt phái, nhóm Pha-ri-sêu hay một người am hiểu thiên văn, địa lý nào đó; nhưng lại là những người chăn chiên.

Những người chăn chiên thì biết gì mà loan báo, hay nói đúng hơn những người này nói thì ai tin. Phải chăng sứ thần lầm? Xin thưa rằng sứ thần không lầm và Thiên Chúa đã thực hiện điều này để cho mọi người hiểu rằng, không phải cứ học cao hiểu rộng là am tường hết mọi việc, hoặc là người giàu thì được Chúa tiếp nhận và loan tin. Thiên Chúa không phân biệt học cao hay học dở, tốt hay xấu, giàu hay nghèo, tội lỗi hay thánh thiện,…Thiên Chúa coi mọi người như nhau, và những ai khiêm tốn nhìn nhận mình thấp hèn thì dễ đón nhận Chúa hơn những người khác.

Khi được sứ thần loan báo Con Thiên Chúa đã giáng trần thì những người cũng tò mò đến Bê-lem xem sự việc có xảy ra đúng như thế hay không. Khi đến nơi thì họ bắt gặp một hình ảnh tuyệt đẹp đó là thánh Giuse và Mẹ Maria đang quỳ bên Ngôi Hai. Khung cảnh tĩnh mịch nơi đồng hoang, bên ngoài gió rét, nhưng bên trong thì ấm áp. Hơi ấm được tỏa ra từ súc vật để sưởi ấm cho Chúa. Và Chúa Hài Đồng cũng tỏa hơi ấm của mình đến với nhân loại. Hơi ấm của Ngài là hơi ấm của lòng thương xót, đồng cảm với những tâm hồn đang khô khan, đang xa Chúa. Họ cần hơi ấm của Chúa, cần hơi ấm của chúng ta để cảm thông, chia sẻ với họ.

“Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo” (Lc 2, 20). Chứng kiến hình ảnh đẹp và cảm động biết mấy. Các mục đồng không giữ riêng cho mình, nhưng lại đem đến với mọi người. Quả thật chính Chúa đã ở với họ và họ đã có Chúa trong lòng. Họ vừa đi vừa tôn vinh Chúa. Họ dùng chính môi miệng mà Thiên Chúa để ca tụng Ngài.

Trải qua những ngày mùa vọng, chúng ta được mời gọi để chuẩn bị tâm hồn đón Ngôi Hai đến. Thực sự, Ngôi Hai đã đến với chúng ta, còn chúng ta có đón nhận không là việc của chúng ta. Chúng ta đừng ích kỷ đóng cửa tâm hồn mình, nhưng hãy mở ra để Ngôi Hai ngự vào. Khi đã có Chúa rồi, chúng ta hãy bắt chước những người chăn chiên là: ca tụng Chúa và đem Chúa đến với mọi người.

Chúng ta hãy sống Mùa Giáng Sinh 2020 với tâm hồn tràn ngập ân sủng của Chúa Hài Đồng. Chúng ta hãy dìm mình trong đại dương của lòng Chúa thương xót, để từ đó chúng ta đem tình thương của Chúa đến với mọi người đang cần đến Chúa. Amen
 

VÌ YÊU, THIÊN CHÚA CHẤP NHẬN TRỞ NÊN NHỎ BÉ

(GIÁNG SINH – LỄ RẠNG ĐÔNG)

(Is 62,11-12; Tt 3,4-7; Lc 2,15-20)

Một câu chuyện đã làm cho Mẹ Têrêsa Calcutta rất cảm động và thường hay được Mẹ kể lại cho thính giả khi có cơ hội. Chuyện kể rằng:

Vào một ngày năm 1982, có hai bạn trẻ đến nhà tế bần của Mẹ tại Calcutta và dâng cho Mẹ một số tiền lớn để qua Mẹ cho người nghèo, bởi vì hai bạn trẻ đó biết là hằng ngày, các nữ tu dòng của Mẹ phải lo nấu ăn cho 7 ngàn người và lo phần quà cho người nghèo lên tới 9 ngàn. Thấy họ còn trẻ mà lại có số tiền lớn như vậy, nên Mẹ đã thắc mắc và hỏi xem tại sao họ có số tiền lớn như vậy? Hai bạn trẻ đã trả lời: “Chúng con mới cưới nhau được hai ngày. Trước ngày cưới, chúng con đã suy nghĩ và bàn bạc với nhau, cuối cùng, cả hai đều đồng ý không may đồ cưới cũng như không tổ chức yến tiệc linh đình. Số tiền ấy chúng con gửi tặng Mẹ để lo cho những người kém may mắn, vì họ không được như chúng con. Đây chính là món quà chúng con dành cho nhau trong ngày cưới khi cả hai cùng chấp nhận hy sinh để khởi đầu một cuộc sống chung”.

Ôi thật là một hành động anh hùng! Bởi vì ở bên Ấn Độ, nếu đám cưới mà không có y phục và yến tiệc thì là một sự nhục nhã lớn lao đối với hai họ và với chính đôi tân hôn.

Tuy nhiên, hai bạn trẻ này đã chấp nhận tất cả, chỉ vì tình yêu của họ dành cho người nghèo. Đây có thể nói là một cuộc tình thiêng liêng giữa họ với những người kém may mắn...

Nhân dịp lễ Giáng Sinh, chúng ta nghe lại câu chuyện trên để gợi nhớ cho mỗi người về một câu chuyện cách đây hơn 2.000 năm nơi một cuộc tình, cuộc tình đó chính là cuộc tình giữa Thiên Chúa và con người.

1.    Một vị Thiên Chúa nghèo vì yêu

Khởi đi từ một vị Thiên Chúa giàu sang phú quý, toàn trí, toàn hảo, toàn năng, là Chủ Tể trời đất, nhưng Người đã chấp nhận trở thành con người, sinh ra trong cảnh màn trời chiếu đất, rét mướt, âm thầm qua hình hài một Hài Nhi bé bỏng, yếu ớt như bao trẻ em khác... Những người biết đến để tôn thờ không ai khác là chính những mục đồng chăn chiên... đơn sơ, chất phát và cũng nghèo nàn như những người nghèo thời bấy giờ.

Khi Thiên Chúa cho Con của Người xuống trần trong tâm thế như vậy, phải chăng không có lý do gì khác ngoài tình yêu! Quả thật: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một mình, để những ai tin vào Ngài thì không hư mất nhưng có sự sống đời đời” (Ga 3,16).

Khi Con Thiên Chúa sẵn sàng vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha để trở thành Ngôi Lời, thì đồng nghĩa với chuyện Ngài chấp nhận trở thành xác phàm và “cắm lều” để cư ngụ giữa nhân loại. Khi Ngài chấp nhận như vậy, ấy là Ngài sẵn sàng đi vào thế giới loài người, để mang nơi mình sự hữu hạn của con người trong kiếp nhân sinh, vì thế: Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế... để cảm nghiệm được cái đói, cái khổ cũng như sự giới hạn do quy luật tự nhiên dành cho con người.

Như vậy, qua mầu nhiệm giáng sinh, Thiên Chúa đã mặc khải tấm lòng xót thương vô biên của Người cho nhân loại, đồng thời cũng mời gọi mỗi chúng ta hãy cùng Đức Giêsu đi vào cuộc tình ấy với một tình yêu không biên giới, để giới thiệu cho nhân loại biết: “Thiên Chúa là Tình Yêu”.

2.    Sống sứ điệp Lời Chúa qua mầu nhiệm giáng sinh

Cuối Tin Mừng hôm nay, sau khi thánh sử Luca đã trình thuật việc Đức Maria sinh hạ Hài Nhi Giêsu, tác giả đã đưa vào đó một cảm nhận thật tuyệt vời khi nói về Đức Maria: "Còn Bà Maria thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng".

Đây chính là điểm gợi ý cho chúng ta sống mầu nhiệm giáng sinh trong đời sống thường ngày hôm nay. Bởi vì:

Nếu không suy nghĩ và hồi tâm, thì hẳn mỗi dịp lễ giáng sinh đến và qua đi, chúng ta cũng như bao nhiêu người không có niềm tin! Họ mừng lễ giáng sinh như một lễ hội thuần túy, và không chừng, đây còn là cơ hội để họ làm ăn bất chính khi những món quà cho đi và nhận lại không biểu lộ tình yêu cho bằng một sự thực dụng!

Nếu không suy nghĩ và hồi tâm, phải chăng chuyện mừng lễ giáng sinh của chúng ta được đánh dấu và dừng lại bằng những chuyện trang trí bề ngoài, mà chúng ta đâu hiểu và sống mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với nhân loại, qua Đức Giêsu, nơi hang đá, máng cỏ, hay cũng không khám phá ra sứ điệp Ánh Sáng nơi đèn sao lấp lánh bên ngoài!

Nếu không suy nghĩ và hồi tâm, chúng ta cũng đâu khám phá ra việc Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh làm người là vì yêu thương người nghèo, tội lỗi và đến để cứu chuộc những con người như thế, để rồi chúng ta cũng tiếp tục sứ mạng ấy trong đời sống đạo của mình hôm nay!

Mong sao mỗi khi mừng lễ giáng sinh, chúng ta ý thức lại tâm tình đón mừng lễ của mình, để rồi ngang qua những chuện bề ngoài, mỗi người hãy để cho mầu nhiệm tình yêu giáng sinh bén rễ sâu vào trong tâm thức và sinh hoa kết trái nơi hành động của mình với Thiên Chúa và với tha nhân!

Có thế, chúng ta mới hy vọng xứng đáng là con của Thiên Chúa và được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu khi sống mầu nhiệm tình yêu giáng sinh trong cuộc sống.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người chúng con biết cảm nghiệm được tình yêu cứu độ của Chúa dành cho con người. Xin Chúa tha thứ cho những lần chúng con thờ ơ với tình yêu ấy. Xin cho chúng con biết sống sứ điệp tình yêu của Chúa nơi mọi người, nhất là những người nghèo, tội lỗi và kém may mắn hơn chúng con. Amen.

ĐỨC GIÊSU LÀ ÁNH SÁNG

(GIÁNG SINH – LỄ BAN NGÀY)

(Is 52, 7-10; Dt 1, 1-6; Ga 1, 1 -18 )

Mỗi khi nói đến lễ Giáng Sinh, người ta đều biết rằng: “Đây là một lễ của Ánh Sáng”. Vì thế, bề ngoài, người ta trang hoàng lộng lẫy với những đèn sao nhấp nháy, đủ loại, muôn màu...

Tuy nhiên, phụng vụ Giáo Hội luôn mời gọi con cái mình đi xa và tiến sâu hơn để khám phá ý nghĩa của ánh sáng trong tâm tình phụng vụ, tức là biết được giá trị, sứ điệp của ánh sáng trong mầu nhiệm cứu chuộc của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu qua mầu nhiệm giáng sinh.

1.                     Đức Giêsu là Ánh Sáng

Thánh sử Gioan hôm nay đã trình thuật cho chúng ta biết mầu nhiệm giáng sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa trong tư cách là Ngôi Lời nhập thể, trở thành xác phàm để “cắm lều” ở giữa nhân loại và đem ánh sáng cứu độ của Thiên Chúa từ trời cao xuống trần gian, nhằm dẫn đường chỉ lối cho con người, ngõ hầu những ai tiến bước trong ánh sáng thì sẽ được cứu chuộc nhờ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Biến cố này đã được ngôn sứ Isaia loan báo: "Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng" (Is 9,1); hay trong Thánh Vịnh 96 có chép: "Ánh sáng bừng lên chiếu rọi người công chính, niềm vui làm rạng rỡ kẻ lòng ngay" (Tv 96, 11).

Thật vậy, từ lúc “Ngôi Lời hóa thành nhục thể” (Ga 1,14), trở thành Đấng “Emmanuel, tức là Thiên Chúa - Người” để ở giữa chúng ta, nhân loại được chan hòa ánh sáng, khiến trời đất giao hòa, vạn vật được thăng hoa và mọi hành vi của con người khi được kết hợp với Đức Giêsu thì sẽ có giá trị cứu độ nhờ ánh sáng của Ngài chiếu soi.

Thánh Gioan diễn tả đặc tính này như sau: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9). Tuy nhiên, ánh sáng ấy đã bị bóng tối khước từ: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 10-11).

Khi nói như thế, thánh Gioan ám chỉ trực tiếp tới dân tộc Dothái, nhưng mặt khác, ngài cũng mở rộng để nói đến mọi thành phần, mọi nơi, mọi thời khi khước từ Đức Giêsu bằng việc không tin Ngài cũng như sứ điệp cứu độ mà Ngài đem đến cho nhân loại.

2.                     Sống sứ điệp Ánh Sáng qua mầu nhiệm Giáng Sinh

Ngày nay, trên thế giới, vẫn không thiếu gì cảnh bóng tối uy hiếp hay chối từ ánh sáng!

Bóng tối đó chính là những âm mưu chống phá Giáo Hội, trối bỏ đức tin, phủ nhận tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Đôi khi những bóng tối đó là những lựa chọn xấu xa, những hành vi bất chính, những gian tham, lọc lừa đến từ phía cá nhân hay tập thể.

Và, bóng tối đó có thể chính chúng ta khi chúng ta sống trong tội lỗi, kiêu ngạo, tự phụ, giả hình, phô trương, ích kỷ, nhỏ nhen, bất nhân, với anh chị em đồng loại.

Như vậy, mỗi khi mừng lễ giáng sinh, chúng ta được mời gọi thuộc về ánh sáng và trở nên nguồn ánh sáng giữa thế gian đầy bóng tối và tội lỗi.

Ước gì, mỗi người Kitô hữu đều hiểu rằng: Đức Giêsu đã trở nên ánh sáng để soi chiếu trần gian, Ngài đã gọi ta ra khỏi bóng đêm của tội lỗi qua Bí tích Rửa Tội, để chúng ta bước đi trong đường lối ánh sáng của Ngài, đồng thời ban cho chúng ta hết ơn này đến ơn khác, thì đến lượt mỗi người, chúng ta cũng phải sống như con cái sự sáng và trở nên ánh sáng soi cho mọi người khi đời sống của chúng ta mang đậm tấm lòng nhân ái, cảm thông, liên đới, chính trực, chân thành, đơn sơ, khiêm tốn...

Lạy Chúa Giêsu, mỗi khi mừng lễ giáng sinh, xin Chúa ban cho chúng con hiểu được ý nghĩa, giá trị của mầu nhiệm ánh sáng mà Chúa mang đến cho nhân loại. Đồng thời, xin cho chúng con hiểu được bổn phận của chúng con là trở nên ánh sáng của Chúa trong cuộc sống hôm nay.

Ước gì ngang qua cuộc sống của chúng con, mọi người nhận ra mầu nhiệm ánh sáng của Chúa và đi theo ánh sáng đó để được cứu chuộc. Amen.

NGÔI LỜI ĐÃ LÀM NGƯỜI

Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông

 

Is 52,7-10 Tin mừng cứu độ cho mọi người   

Tv 98,1, 2-3a, 3b-4, 5-6 Toàn thể địa cầu đã nhìn thấy Đấng Cứu thế mà Thiên Chúa ban cho chúng ta      

Hr 1,1-6 Con là mạc khải chung quyết của Thiên Chúa

Ga 1,1-18 h 1,1-5, 9-14 Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm

 

1. HỎI: Ba bài đọc liên kết theo chủ đề nào?

THƯA: NGÔI LỜI ĐÃ LÀM NGƯỜI. Ngôi Lời là Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm và ở giữa chúng ta (BTM). Đó là tin mừng cứu độ cho muôn dân mà Tiên tri I-sai-a đã loan báo (Bđ1), và là mạc khải chung quyết của Thiên Chúa ban cho loài người (Bđ2).

2. HỎI: Bối cảnh bài đọc một (Is 52,7-10) như thế nào?

THƯA: Thành thánh Giê-ru-sa-lem bị các đạo quân Nabuchodonosor tàn phá vào năm 587 trước Công nguyên kéo theo các cuộc lưu đày của người Do thái sang Ba-by-lon. Lưu lạc nơi đất khách lưu đày trong 50 năm khiến nhiều người Do thái thất vọng không còn dám tin có ngày được trở về cố hương.

3. HỎI: Sứ điệp của tiên tri như thế nào?

THƯA: Trước sự tuyệt vọng của mọi người, tiên tri loan báo ngày Ít ra ên trở về quê hương. Ông tuyên sấm ngày trở về sẽ rất gần vì Thiên Chúa đã hành động. Ông đã thấy sứ giả chay bộ loan báo tin mừng cho Giê-ru-sa-lem và người lính canh từ đồi cao sẽ nhìn thấy đoàn người trở về (52,7).

 

 

4. HỎI: Tin mừng loan báo điều gì?

THƯA: Tin mừng loan báo rằng dân tộc sẽ được giải thoát, và Thành Thánh sẽ được đoàn người trở về xây dựng lại. Thiên Chúa sẽ chứng tỏ quyền năng của Ngài bằng cách cho thấy sức mạnh cánh tay Ngài.

5. HỎI: Thiên Chúa cứu chuộc có nghĩa gì?

THƯA: Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, ‘cứu chuộc’ có nghĩa là giải thoát. Người giải thoát (= Gôel) là người bỏ tiền ra để ‘chuộc’ người thân nhất của mình trở về nhà. Lần nầy chính Thiên Chúa là Đấng ‘chuộc lại’ Ít ra ên, vì Ngài là người thân gần nhất của họ và giải thoát họ.

6. HỎI: Câu 10: “ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta, người bốn bể rồi ra nhìn thấy” có nghĩa gì?

THƯA: Câu trên cho thấy sự tiến triển trong suy nghĩ của dân Ít ra ên trong cuộc lưu đày. Chính trong thời gian đó họ đã khám phá ra tình yêu Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại chứ không cho riêng dân tộc họ. Họ hiểu ra rằng việc Thiên Chúa tuyển chọn họ là nhằm một sứ mạng phục vụ ơn cứu độ. Chính nhờ họ mà “toàn thể trái đất sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Ngài”, sẽ nhận ra Ngài là đấng cứu độ họ.

7. HỎI: “Lúc khởi đầu” là lúc nào?

THƯA: Thánh Gio-an đã lặp lại những chữ đầu tiên trong sách Sáng thế: Đây không có nghĩa một sự khởi đầu chính xác theo thời gian, nhưng chỉ cái khởi đầu điều khiển tất cả lịch sử con người, đó là nguồn gốc, là nền tảng của mọi sự.

8. HỎI: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời” có nghĩa gì?

THƯA: Tất cả đặt dưới dấu chỉ của Lời, Lời tình yêu, Lời đối thoại. Đó là nguồn cội, khởi đầu của tất cả mọi sự.

9. HỎI: “Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa” có nghĩa gì?

THƯA: Lời hướng về Thiên Chúa: đó là thái độ đối thoại. Khi người ta nói “Anh yêu em” hay khi thực sự đối thoại với ai đó, người ta phải đối mặt nhau, người ta phải hướng về người ấy. Và khi người ta quay lưng lại với nhau, bấy giờ cuộc đối thoại chấm dứt. Phải quay mặt lại để nối lại cuộc đối thoại.

10. HỎI: Như thế thì Lời và việc tạo thành có liên hệ gì không? (“Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành”)

THƯA: Thánh Gio-an nói lên điều cốt yếu: toàn thể việc tạo thành đều là hậu quả của cuộc đối thoại tình yêu giữa Cha và Con mang lại. Và chúng ta được tạo thành trong và cho cuộc đối thoại ấy. Vì thế ơn gọi của con người là sống trong cuộc đối thoại tình yêu hoàn hảo với Thiên Chúa Cha.

11. HỎI: Con người có sống như thế không?

THƯA: Tiếc thay, lịch sử con người lại cho thấy ngược lại. Sự sa ngã của A-đam và E-va (chương 2) cho thấy cuộc đối thoại đã bị cắt đứt vì con người nghi ngờ Thiên Chúa, nghi Thiên Chúa có ý không tốt đối với mình. Và khi để cho nghi ngờ len lỏi vào thì cuộc đối thoại đã bị đầu độc.

12. HỎI: Còn Đức Ki-tô thì sao?

THƯA: Đức Ki-tô thì ngược lại, Ngài luôn sống trong cuộc đối thoại hoàn hảo không bóng mờ với Cha. Ngài chính là tiếng ‘XIN VÂNG’ của con người với Thiên Chúa Cha.

13. HỎI: Sứ vụ của Ngài nhắm mục tiêu gì?

THƯA: Thánh Gio-an nói rõ: “Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (1,12). Nghĩa là Ngài đến để dẫn con người trở lại cuộc đối thoại tình yêu ban đầu, nối lại tương giao cha con đầy tin tưởng và trong sáng.

14. HỎI: “Tin vào danh Ngài” có nghĩa gì?

THƯA: Tin vào Ngài tức là đặt niềm tin nơi Ngài và bước theo Ngài. Tin vào Ngài là xác tín rằng trong mọi tình huống Thiên Chúa vẫn tốt lành và hằng yêu thương, không nghi ngờ tình thương của Ngài đối với chúng ta, và nhìn thế gian bằng chính đôi mắt của Ngài.

15. HỎI: “Ngôi Lời đã thành xác phàm” có nghĩa gì?

THƯA: Có nghĩa là Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta, không cần phải siêu thoát khỏi thế gian để gặp Ngài. Chính trong xác phàm nầy, trong thực tế của trần gian nầy mà chúng ta đọc được sự Hiện diện của Ngài. Cũng như Gio-an Tẩy giả, đến phiên chúng ta được sai đi làm chứng cho sự hiện diện ấy.

GLCG 458 Ngôi Lời đã làm người để chúng ta nhận biết tình yêu của Thiên Chúa: ‘Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Ngài mà chúng ta được sống’ (l Ga 4,9). ‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời’ (Ga 3,l6).

--------------
Các bài suy niệm Lễ Chúa Giáng Sinh do các linh mục hạt Xuân Lộc thực hiện


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...