02/12/2015
942

1. Sa mạc

Thomas Morton là một tiểu thuyết gia nổi tiếng. Mặc dù theo Anh giáo, nhưng khi còn trẻ, chàng đã sống như một kẻ vô thần. Sau khi trở lại, chàng đã vào dòng khổ tu. Chàng đã ghi lại biến cố làm đảo lộn cuộc đời chàng như sau:
Hôm đó tình cờ tôi bước chân vào một nhà thờ Công giáo. Điều đầu tiên lôi kéo sự chú ý của tôi đó là một cô gái duyên dáng đang quỳ cầu nguyện một cách sốt sắng, không để ý tới những gì xảy ra chung quanh. Tôi tự hỏi: Tại sao một thiếu nữ trẻ đẹp lại có thể quỳ cầu nguyện trong một ngôi thánh đường lặng lẽ, một cách hết sức tự nhiên và say đắm như thể bị hút hồn? Dĩ nhiên cô gái vào nhà thờ không phải là để cho người ta nhìn ngắm, mà là để cầu nguyện và chỉ để cầu nguyện mà thôi. Cuộc gặp gỡ thân tình của cô gái với Thiên Chúa trong khung cảnh vắng lặng ấy đã là một trong những yếu tố dẫn đưa tôi đến chỗ gặp Chúa và theo đạo sau này.
Ngôi thánh đường, trong bầu khí trang nghiêm và thinh lặng ấy, phải chăng là hình ảnh của một sa mạc, nơi con người có thể gặp gỡ và sống thân mật với Thiên Chúa giữa dòng chảy của một cuộc đời nhiều bon chen và dao động này. Thực vậy, theo Kinh Thánh sa mạc vừa là nơi con người chịu thử thách, vừa là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa. Như chúng ta thường thấy: sa mạc thì khô cằn sỏi đá. Ban ngày thì nắng cháy, còn ban đêm thì lạnh buốt.
Đó chính là hình ảnh cuộc sống của con người không có bóng dáng và sự hiện diện của Thiên Chúa. Giữa cảnh hoang vu của cát đá, con người đói khát và lạc hướng. Thảm trạng ấy sẽ giúp con người ý thức được cái bé bỏng của thân phận, cái vô nghĩa của đời mình, bởi vì con người là gì nếu không phải chỉ là cát bụi.
Nhận thức này sẽ giúp chúng ta từ bỏ mọi ý nghĩ kiêu căng và ngạo mạn, đồng thời mở rộng tâm hồn mình cho ơn sủng của Chúa hoạt động. Đường vào sa mạc như thế là con đường dẫn đưa con người đến điểm hẹn, gặp gỡ với Thiên Chúa và đón nhận những ơn phúc của Ngài.
Trong cuộc sống thiêng liêng, càng biết vào sa mạc, nghĩa là càng sống thinh lặng và cầu nguyện, thì càng cảm nghiệm được sự gặp gỡ với Thiên Chúa một cách mật thiết và gắn bó hơn.
Dân Do Thái đã phải lang thang trong sa mạc suốt bốn mươi năm trời. Trong thời gian này, họ đã phải gặp nhiều thử thách, nhưng cũng đã được chứng kiến biết bao việc kỳ diệu Thiên Chúa đã làm vì yêu thương họ. Chúa Giêsu trước khi bắt đầu cuộc sống công khai, cũng đã vào sa mạc suốt bốn mươi đêm ngày. Và Phúc âm đã ghi nhận trong thời gian này, Ngài đã ăn chay, cầu nguyện và chịu cám dỗ.
Còn chúng ta thì sao? Giữa những bon chen của cuộc sống, chúng ta có biết vào sa mạc, có biết dành lấy những giây phút thinh lặng để thực sự cầu nguyện, gặp gỡ và kết hiệp mật thiết với Chúa hay không?

2. Con đường nội tâm - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Bài Tin Mừng mở đầu thật long trọng khi nêu tên tất cả những vị lãnh đạo cao cấp thời đó. Từ Tibêriô, hoàng đế của đế quốc La mã, quyền uy phủ trên toàn thế giới thời ấy, đến Philatô, tổng trấn, đại diện cho hoàng đế cai trị nước Do Thái. Từ Hêrôđê, dù là bù nhìn, cai trị miền Bắc, đến em ông cai trị miền Nam. Từ Anna đến Caipha cùng trong gia đình làm thượng tế nắm giữ quyền đạo Do Thái. Tên tuổi những vị lãnh đạo cao cấp đầy quyền uy nói lên thực trạng của đất nước Do Thái thời đó: bị nô lệ. Chính vì thế, hơn bao giờ hết người Do Thái mong chờ Đấng Cứu Thế đến giải thoát dân Người. Chúa đã đến, không phải bằng con đường phô trương nhưng bằng con đường nội tâm. Thánh Gioan Baotixita hôm nay khi kêu gọi mở đường cũng nhắm đến con đường nội tâm. Chỉ những ai đi đường nội tâm mới gặp được Chúa. Qua lời rao giảng của Thánh Gioan Tiền Hô, đường nội tâm có những đặc điểm sau:
Đường nội tâm đi trong cô tịch. Thật lạ lùng. Một chương trình cứu thế lớn lao như thế mà Chúa chẳng ngỏ lời với các vị lãnh đạo cao cấp uy quyền, nhưng lại ngỏ với Thánh Gioan Baotixita. Một chương trình lớn lao như thế không khởi đầu từ thủ đô đất nuớc nhưng lại phát xuất từ vùng hoang địa xa xôi. Thực ra Chúa vẫn ngỏ lời với nhân loại. Nhưng tiếng Chúa nói âm thầm, sâu thẳm. Các vị lãnh đạo cao cấp sống trong ồn ào của đô thị phồn hoa, bị tiếng thét gào của đam mê, dục vọng, quyền lực lấn át, nên không nghe được tiếng Chúa. Thánh Gioan Baotixita nghe được tiếng Chúa nhờ đi vào con đường cô tịch. Sống ẩn thân nơi hoang địa. Chuyên chăm cầu nguyện trong tu viện. Bỏ ngoài tai tất cả những tiếng ồn ao thế tục. Chỉ khao khát lắng nghe Lời Chúa. Nên đã gặp được Chúa và được biết chương trình cứu độ của Chúa.
Đường nội tâm đi trong đi trong khiêm nhường. Chúa là Đấng vô cùng khiêm nhường. Chỉ những ai khiêm nhường mới gặp được Chúa. Các vị lãnh đạo uy quyền nói trên rất tự mãn. Tự mãn vì Tự mãn vì quyền uy bao trùm khắp mặt đất. Tự mãn vì dinh thự đền đài nguy nga. Tự mãn vì quần áo lụa sang trọng. Tự mãn yến tiệc linh đình. Thánh Gioan Baotixita thật khiêm nhường. Khiêm nhường trong đời sống âm thầm nơi hoang địa. Khiêm nhường trong tu viện đơn sơ. Khiêm nhường trong thực phẩm tự nhiên rất đạm bạc: chỉ ăn châu chấu và mật ong rừng. Khiêm nhường trong trang phục giản dị bằng da thú, chỉ có mục đích che thân. Khiêm nhường xưng mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa. Nhờ thế đã gặp được Chúa, được Chúa tuyển chọn trở thành người mở đường cho Chúa.
Đường nội tâm đi trong chiến đấu. Không phải chiến đấu với người khác. Nhưng chiến đấu với chính mình. Cuộc chiến đấu được Thánh Gioan Tiền Hô dùng lời tiên tri Isaia diễn tả trong việc sửa chữa con đường. Con đường là tâm hồn. Sửa chữa con đường vật chất tuy khó mà dễ. Sửa chữa con đường tâm hồn khó biết bao. Tâm hồn có những núi đồi kiêu ngạo tự mãn. Để sửa chữa phải bát núi đồi xuống. Phải cắt đi một phần tâm hồn không phải dễ dàng. Tâm hồn có những khúc quanh co, để uốn nắn lại phải vạt bớt chỗ quanh co. Gọt dũa tâm hồn đau đớn lắm. Từ bỏ mình là một cuộc chiến khốc liệt. Thắng được mình khó hơn thắng vạn quân.
Đời sống ta quá lo lắng bon chen nên thiếu chiều sâu nội tâm. Hôm nay ta hãy nghe lời Thánh Gioan Tiền Hô dạy, biết ăn năn sám hối trở về với Chúa. Biết rửa sạch tội lỗi. Biết đổi mới tâm hồn bằng cuộc sống đi vào nội tâm. Tìm những giờ phút thanh vắng cô tịch để lắng nghe tiếng Chúa. Sống đơn sơ khiêm nhường để nên giống Chúa. Muốn được như thế ta phải chiến đấu để từ bỏ ý riêng. Chúa đã đến ở đầu đường. Ta chưa nhìn thấy chỉ vì con đường tâm hồn còn lồi lõm quanh co. khi nào ta cắt bỏ được hết những lồi lõm quanh co trong tâm hồn, ta sẽ được thấy Chúa.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
  1. Đường nội tâm có những đặc điểm nào? Cô tịch, khiêm nhường và chiến đấu, đặc điểm nào cần thiết nhất cho đời sống bạn hiện nay?
  2. Thánh Gioan Tiền Hô có sống những lời Ngài rao giảng không?
  3. Con đường nội tâm của bạn còn phải sửa chữa ở những đoạn nào? Có dễ không? Tại sao?

3. Dọn đường cho Chúa - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Trong những trận bão lụt tại miền Trung nước Việt, nhiều làng bị nước ngập; nhiều đoạn đường bị nước lũ cuốn đi hay bị sạt lở, xe cộ không đi lại được… Dân làng muốn thoát ra nhưng không đi được vì đường sá không còn xử dụng được nữa. Nhiều đoàn cứu trợ muốn đến những làng xa xôi, nhưng không có đường đi, nên đành chịu bó tay.
Những con đường thật là quan trọng. Đường đi giúp cho người bị nạn có thể thoát ra. Đường đi giúp cho người bị nạn đón nhận được sự cứu trợ. Đường đi nối liên lạc giữa người với người. Đường sá hư hỏng làm giao thông ngừng trệ, chậm trễ việc cứu trợ, ngăn cách người với người. Muốn cho giao thông mau lẹ, muốn việc cứu trợ có kết quả, muốn cho con người gần gũi nhau, phải sửa chữa đường đi cho thật tốt.
|||
Bạn thân mến, Con đường vật lý đã cần, nhưng “con đường thiêng liêng” còn cần hơn…Con đường thiêng liêng có thật tốt mới giúp ta lãnh nhận Ơn Chúa và nhất là đón nhận chính Chúa đến. Thật ra Chúa đã đến từ lâu, nhưng ta chưa đón nhận được Ngài vì con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta đã bị hư hỏng.
  • Con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta có những đỉnh đồi kiêu ngạo, luôn muốn nâng mình lên, luôn khoe khoang, không chịu thua kém người khác. Tâm hồn ta có những ngọn núi tự ái cao ngất trời xanh, không bao giờ chịu nhận lỗi, không bao giờ chịu tha thứ.
  • Con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta có những hố sâu tham lam muốn chiếm đoạt tất cả, muốn thu vén tất cả vào túi riêng. Tâm hồn ta có những hố sâu chia rẽ, luôn gây ra bất hoà, luôn giận hờn, luôn ganh ghét, luôn nghi kỵ. Tâm hồn ta có những hố sâu đam mê, miệt mài đuổi theo danh lợi, thú vui dục vọng
  • Con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự dối trá, không thành thật với Chúa, không thành thật với người khác và không thành thật với chính mình. Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận, của sự giả hình, của sự thiếu duyệt xét lương tâm.
  • Con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta có những lượn sóng gồ ghề của những lời nói độc ác, tàn nhẫn. Tâm hồn ta gồ ghề vì sự lười biếng không chịu cố gắng thăng tiến bản thân. Tâm hồn ta gồ ghề vì những phê bình chỉ trích thiếu tính cách xây dựng.
Tất cả những ngọn đồi, những hố sâu, những khúc quanh co, những lượn sóng gồ ghề ấy ngăn chặn Chúa đến với ta.. Trong Mùa vọng này, chúng ta được mời gọi hãy sửa chữa con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta cho tốt đẹp hơn để đón Chúa đến
Hãy bạt đi những thói kiêu căng tự mãn; tính tự ái ngang ngạnh. Hãy lấp đầy những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hoà; những đam mê, dục vọng. Hãy uốn thẳng lại những quanh co dối trá, giả hình. Hãy san bằng những lượn sóng gồ ghề độc ác; những câu nói hành nói xấu trong cuộc sống hằng ngày.
|||
Lạy Chúa, Đổi mới một con đường bằng cách lấp đầy những hố sâu, uốn thẳng những khúc quanh thì thật dễ, dọn dẹp cho sạch sẽ một con đường thì dễ hơn… Nhưng đổi mới tâm hồn, dọn dẹp con đường thiêng liêng trong tâm hồn thì không dễ chút nào. Để chuẩn bị cho ngày Con Thiên Chúa lại đến, xin ban ơn giúp sức cho con trên con đường phấn đấu bản thân, để mỗi ngày con biết "bắt đầu lại" công việc dọn dẹp đổi mới con đường thiêng liêng trong tâm hồn con, Amen.

4. Có Lời Thiên Chúa phán

(Trích trong Manna năm C – Lm. Nguyễn Cao Siêu)
Suy Niệm
  • Mỗi lần mùa Vọng đến, ta lại gặp Gioan. Một cuộc sinh ra kỳ lạ, một lối sống khác thường.
  • Hoang địa là nơi vắng người, trơ trụi, thiếu sự sống. Nhưng chính ở đó mà Gioan đã lớn lên và trưởng thành, trong sự gặp gỡ thâm trầm với Thiên Chúa.
Càng lúc ông càng ý thức về sứ mạng của mình, nhưng ông đã kiên nhẫn chờ đợi nhiều năm tháng, cho đến ngày ông nghe thấy Thiên Chúa ngỏ lời với ông. Lời của Ngài đưa ông ra khỏi hoang địa để đến với mọi vùng ven sông Giođan mà gặp con người. Lời Chúa ông nghe trở thành Lời Chúa ông công bố. Tiếng Chúa gọi ông trở thành tiếng ông mời gọi mọi người. Gioan là vị ngôn sứ cho dân tộc ông sau gần năm thế kỷ vắng bóng ngôn sứ. Ông sống trong dòng lịch sử của đạo lẫn đời: một hoàng đế Tibêriô, hai thượng tế Khanna và Caipha, một Philatô tham lam, tàn bạo, tổng trấn vùng Giuđê, một Hêrôđê, tiểu vương vùng Galilê, kẻ sẽ giết ông sau này. Gioan đón nhận toàn bộ dòng lịch sử ấy.
Lịch sử dân tộc là nơi diễn ra lịch sử cứu độ. Gioan biết mình là Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế, và ông cố làm tròn sứ mạng của mình trước lịch sử. Gioan mời dân chúng sám hối. Không thể tiếp tục sống như xưa nữa. Đã đến lúc phải đổi đời, đổi lối nhìn, đổi lối nghĩ. Ông kêu gọi cả nước hãy sửa sang đường sá, để đón lấy Vua Mêsia, đấng ông không dám cởi dây giày.
Đường quan trọng là đường vào cõi lòng.
Có bao lối nghĩ quanh co, bao tính toán lệch lạc. Có những lũng sâu tăm tối, thiếu vắng ánh sáng tình yêu. Có những núi đồi ngạo nghễ của tự kiêu, tự mãn. Có những chỗ mấp mô, lồi lõm giữa người với người. Phải sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay. Phải san cho phẳng, bạt cho thấp...
Sám hối là dọn con đường của lòng mình và mời mọi người cùng dọn các con đường thành đại lộ. Điều đó chẳng dễ dàng chút nào, và thường gây đau đớn.
Vấn đề không phải chỉ là đi xưng tội qua loa, nhưng là dẹp bỏ những chướng ngại trong tâm hồn, để Chúa có thể dễ dàng đến và ở lại.
Gioan đã là ngôn sứ chuẩn bị cho Chúa đến lần đầu.
Chúng ta phải là ngôn sứ chuẩn bị cho Ngài đến lần cuối. Làm ngôn sứ cho dân tộc mình, cho thời đại mình: đó là ơn gọi của mọi Kitô hữu chẳng trừ ai. Cần cất tiếng hô bằng lời nói và bằng cuộc sống.
Ơn cứu độ đã đến từ hai mươi thế kỷ nay, nhưng vẫn thiếu những con đường phẳng phiu, ngay thẳng, để Thiên Chúa có thể đến gặp con người. Xin Thánh Thần giúp chúng ta xây dựng những con đường mới trên những nẻo đường quen thuộc của nhân loại.
Gợi Ý Chia Sẻ
  • Ngôn sứ là người nói lời của Thiên Chúa. Có khi nào bạn dám nói một điều do lương tâm đòi buộc, nhưng đem lại cho bạn nhiều thiệt thòi, nguy hiểm không?
  • Đường sá là cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc phát triển. Bạn đã làm gì trong mùa Vọng này để dọn đường cho Chúa đến?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, Sám hối không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi. Chúng con ngỡ ngàng khi thấy Chúa là Đấng vô tội mà lại đứng chung với các tội nhân, chờ Gioan ban phép Rửa. Chúa đã muốn nên bạn đồng hành với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con; xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh lối nghĩ và lối sống của mình, tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng, thành thật để khỏi tự dối mình.
Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải, dám đi đến những hành động cụ thể, và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau. Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con niềm vui của Giakêu, hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.

5. Hãy dọn đường cho Chúa

(Trích trong Manna năm C – Lm. Nguyễn Cao Siêu)
Suy Niệm
Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta muốn tự định nghĩa về mình. Chúng ta tự hỏi mình là ai. Đây là một câu hỏi quan trọng và cần thiết.
 
Gioan Tẩy Giả cũng đã đặt cho mình câu hỏi tương tự. Nhiều người nghĩ rằng ông là đấng Mêsia, là Êlia... Còn ông, ông biết rõ ông là ai. Gioan không đánh lừa mình hay đánh lừa người khác. Ông tự định nghĩa: "Tôi là tiếng kêu trong sa mạc. Hãy dọn đường cho Chúa đến" (Ga 1, 23).
Cả cuộc đời Gioan là một tiếng kêu. Tiếng kêu ấy đã vang lên từ khi ông được thụ thai, một cuộc thụ thai lạ lùng khi cha mẹ ông đã luống tuổi. Tiếng kêu ấy rõ dần qua cuộc sống đặc biệt của ông: nơi hoang địa, mặc áo lông thú, ăn châu chấu và mật ong rừng. Tiếng kêu ấy vang động khắp vùng ven sông Giođan. Một tiếng kêu khẩn thiết: hãy sám hối. Một tiếng kêu cấp bách: hãy dọn đường cho Chúa đến. Tiếng kêu cuối cùng của Gioan đã đưa ông đến cái chết: "Vua không được phép lấy bà ấy làm vợ" (Mt 14,4).
Gioan hấp dẫn vì ông sống điều ông giảng: ông sống khổ hạnh và mời gọi người ta sám hối. Gioan mãi mãi hấp dẫn vì ông không bao giờ tìm mình. Ông sống vai trò của người mở đường, người giới thiệu cho Đấng đến sau ông nhưng lại quyền thế hơn ông. Ông vui mừng tự xóa mình đi để Đức Giêsu được nổi bật. Chính vì thế mà ông trở nên cao trọng.
Con người chỉ cao trọng khi sống cho Thiên Chúa.
Mỗi lần mùa Vọng trở về, chúng ta có dịp gặp lại Gioan, người dọn đường. Chúa Giêsu hôm nay vẫn cần những Gioan Tiền Hô mới biết tiếng kêu thức tỉnh nhân loại, biết dạy cho họ chờ đợi và nhận ra ơn cứu độ đã đến.
Dọn đường là lội ngược dòng, là chấp nhận bị khai trừ, bị từ chối. Gioan đã dọn đường bằng cả cuộc đời để cuộc hôn nhân giữa Chúa Kitô và nhân loại thành tựu. Hội Thánh vẫn cần những người dám sống điều mình nói, và dám nói điều mình sống.
Gợi Ý Chia Sẻ
  • Giáo Hội mời gọi chúng ta lội ngược dòng trước sự lôi kéo của vật chất, hưởng thụ. Có khi nào bạn dám đi ngược với tập thể, vì muốn sống theo ý Chúa?
  • Trong cuộc sống của Gioan Tẩy Giả, điều gì đánh động bạn hơn cả?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa, Khi đến với Chúa con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con; con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con; con đóng lại bút viết: các quan điểm của con; con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con; để con được ở một mình với Ngài, lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.
Sau khi được ở với Ngài, con sẽ xỏ giày vào để đi theo đường của Chúa, con sẽ đeo đồng hồ để sống trong thời gian của Chúa, con sẽ đeo kính vào để nhìn thế giới của Chúa, con sẽ mở bút ra để viết những tư tưởng của Chúa, con sẽ cầm chìa khóa lên để mở những cánh cửa của Chúa.

6. Tuân giữ luật Chúa từ trong lòng

Sứ vụ thánh Gioan Tẩy Giả là chuẩn bị việc Đấng Cứu Thế đến. Ông rời bỏ hoang địa sau thời gian tĩnh tâm lâu ngày. Để trả lời cho những kẻ nghĩ rằng cứ giữ đúng những nghi thức Lề Luật là được Thiên Chúa thương yêu, ông giảng về sự cần thiết phải hồi tâm và thay đổi nếp sống. Thật ra, ông chỉ tiếp nối lời giảng dạy của các ngôn sứ. Ông là người cuối cùng, đến trước Đức Kitô, trong chuỗi dài những ngôn sứ không ngớt nhắc nhở Israel về sự cần thiết chuẩn bị nghênh đón Chúa. Công việc chuẩn bị này là nhiệm vụ toàn dân cũng như của mỗi người. Sửa soạn đón Đức Giêsu là không được quên lãng việc thờ phượng Thiên Chúa, là xua đuổi ngẫu tượng, là uốn thẳng những đường ngõ bị bất công và ích kỷ làm cho cong queo khúc khuỷu.
Chúng ta có thể từ đoạn Phúc Âm trên đây rút ra hai câu quan trọng:
1) Thiên Chúa phán với Gioan Tẩy Giả trong hoang địa.
Nói chung, người ta nhận thấy trong Kinh Thánh điều này: Thiên Chúa chuẩn bị những sứ giả của Người bằng một thời gian tĩnh tâm vắng vẻ lâu dài. Trong thế giới hiện tại, lối chuẩn bị như thế vẫn có giá trị đối với bất cứ Kitô hữu nào. Không phải tất cả các tín đồ đều phải dành nhiều ngày giờ để sống trong cô tịch. Nhưng chính trong chừng mực mà, theo ơn gọi, Kitô hữu nào đảm nhận một trách vụ trong Giáo Hội, thì phải sắp đặt thời giờ cần thiết để cầu nguyện mặt đối mặt với Chúa.
2) Gioan Tẩy Giả rao giảng một sự thanh tẩy bằng sám hối, trở lại để lĩnh ơn tha thứ.
Biệt phái và Sa đốc là giới thính giả được thánh Gioan chú trọng đặc biệt. Họ dễ tin rằng hễ tuân giữ đúng Lề Luật là giữ đạo cách đầy đủ. Nhưng ông nói với họ: Điều chủ yếu là phải đổi mới tâm hồn. Ít lâu sau, Đức Giêsu sẽ phán dạy rằng những điều làm cho người ta ô uế, chúng xuất phát từ trái tim: Đó là thù hận, tà dâm, ghen ghét, bất công, là chủ trương duy vật thực tế của thế gian. Để chuẩn bị nghênh đón Đức Giêsu, thánh Gioan Tẩy Giả loan báo sự cần thiết phải thanh luyện tâm hồn. Chúng ta có thể ghi lấy điều sau đây: Tuân giữ giới răn Chúa mới chỉ là bề ngoài –còn phải kèm theo một nội tâm thật sự xua đuổi sự tội. Tâm tình ấy chính là thái độ thành thật đối với Thiên Chúa.

7. Suy niệm của McCarthy

Suy Niệm 1. CHUẨN BỊ CON ĐƯỜNG CHO CHÚA
Có một nhà giảng thuyết nổi tiếng, cứ hết Chúa nhật này đến Chúa nhật khác, đều đến giảng tại một cộng đoàn rộng lớn. Họ rất chăm chú lắng nghe. Vào một Chúa nhật, khi ông đang đi đến bục giảng, thì những lời trong Tin Mừng vang bên tai ông: “Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Một ý tưởng bất chợt đến với ông: “Thiên Chúa không cần chúng ta phải sửa đường cho Người, nhưng chính chúng ta mới cần”.
Từ trên bục giảng, ông nhìn vào các gương mặt đang chờ đợi của giáo dân, và tự hỏi không biết những lời đó có ý nghĩa gì đối với họ. Những điều cần phải chấn chỉnh trong cuộc sống của họ là gì? Ông nhận ra rằng chỉ bản thân họ mới có thể trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, có một lãnh vực mà ông cảm thấy đáng nói đến: các mối quan hệ thường xuyên bị bóp méo và rối loạn của họ.
Ông đã quen biết những người này cả một thời gian dài. Họ đã từng đến với ông, để được giúp đỡ và hướng dẫn qua những vấn đề của họ. Ông biết những đố kỵ nhỏ nhặt làm cho tâm hộn họ bực bội, những hận thù khiến cho người này chống lại người kia, những cuộc cãi vã vặt vãnh vẫn còn tồn tại, những ghen tỵ và hiểu lầm, sự tự hào xuẩn ngốc.
Ông quyết định gởi một thông điệp cho những con người cố chấp, đầy cay đắng, không chịu tha thứ và bỏ qua đó. Ông sẽ ghi khắc nơi họ ý tưởng rằng cuộc đời vốn dĩ quá ngắn ngủi rồi, không ai nên gây hận thù và bất mãn cho nhau nữa. Ông sẽ van nài họ nên cư xử trong sự hiểu biết và khoan dung đối với nhau. Ông sẽ nói với họ từ tận tâm hồn của ông, như thể ông đang nói riêng với từng người vậy. Thế là ông bắt đầu:
Anh chị em thân mến, tôi xin được nhắc lại những lời trong Tin Mừng: “Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Thiên Chúa không cần chúng ta phải sửa đường cho Người, nhưng chính chúng ta cần.
Chúng ta cứ để mặc cho những chuyện hiểu lầm diễn ra từ năm này sang năm khác, với ý nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ khai thông chúng. Chúng ta cứ để cho những cuộc cãi vã tiếp tục tồn tại, bởi vì chúng ta không thể sắp xếp tư tưởng, để dẹp bỏ và chấm dứt lòng tự hào của chúng ta.
Chúng ta đi ngang qua những người khác với vẻ mặt sưng sỉa, không hề nói với họ một lời nào, mà không có một vài thái độ đố kỵ vớ vẩn, mặc dù chúng ta biết rằng mình sẽ hối hận và xấu hổ nếu nghe tin rằng ngày mai một trong những người đó sẽ qua đời.
Chúng ta cứ để mặc cho người đồng loại của mình bị đói khát, cho đến khi chúng ta nghe tin rằng người đó đang chết đói, hoặc chúng ta làm cho người bạn của mình bị đau lòng, vì một lời đánh giá mà một ngày nào đó chúng ta đã nói với họ.
Nếu chúng ta nhận ra rằng “thì giờ ngắn ngủi”, thì câu nói này sẽ gây ảnh hưởng mạnh đến thế nào. Làm sao để chúng ta có thể ra đi ngay tức khắc, và làm được những điều, mà có thể không bao giờ chúng ta có cơ hội khác để thực hiện. “Tôi xin nhắc lại: Thiên Chúa không cần chúng ta phải sửa đường cho Người nhưng chính chúng ta cần. Vì thế, nếu chúng ta có thái độ quanh co, hoặc lối sống không ngay thẳng, hoặc mối quan hệ không chân thật nào đó cần được chấn chỉnh lại, thì chúng ta hãy sửa đổi ngay. Sau đó, chúng ta sẽ thực sự chuẩn bị đường cho Chúa đến với chúng ta”.
Ông kết thúc bài giảng của mình ở đó. Nhưng lời nói của ông thật đáng suy gẫm. Đối với những người đang đi trên một con đường quanh co, thì quả thật mọi sự đều khó khăn. Nhưng mọi sự đều trở nên dễ dàng, đối với những người đi trên đường ngay nẻo chính –đường lối của sự thật, lương thiện và tốt đẹp. Nhưng để đi trên một con đường ngay thẳng, người ta cần có sức mạnh, sự khôn ngoan và chân thật. Thiên Chúa không hề từ bỏ con người, khi chúng ta bị lạc khỏi đường lối ngay thật. Người vẫn mời gọi chúng ta rời bỏ con đường quanh co, để đến với đường ngay nẻo chính. Mùa Vọng là một thời gian tuyệt vời, để chúng ta biết nhắm bản thân đến đường hướng ngay thẳng, và tự mình cam kết đi trên đường lối đúng đắn. Chúng ta phải cầu xin Chúa cất đi sự mù lòa khỏi cặp mắt chúng ta, sự yếu đuối khỏi ý chí chúng ta, và sự cứng cỏi trong tâm hồn chúng ta, để sao cho cuộc sống chúng ta được tràn đầy ân sủng trong ngày Người đến.
Suy Niệm 2. TỰ MỞ LÒNG RA CHO ƠN CỨU ĐỘ
Ơn cứu độ là một trong những chủ đề lớn của Mùa Vọng. Hôm nay, một lời mời gọi lớn lao xuất phát từ Phụng vụ “Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy. Mọi núi đồi, phải bạt cho thấp; khúc quanh co, phải uốn cho ngay; đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
Đây là những lời tuyệt vời. Đây là lời tuyên bố về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Nhưng ở đây, có thể phát sinh ra một vấn đề. Một số người cứ nghĩ rằng để được Thiên Chúa yêu thương, thì họ phải hoàn hảo. Họ nói: “Thiên Chúa không bao giờ muốn gặp tôi trong tình trạng tội lỗi và bất toàn của tôi”. Vì thế, họ nỗ lực trở nên con người hoàn hảo, nhằm đạt được tình yêu của Thiên Chúa. Điều này đưa đến hậu quả là họ cứ cố gắng tự mình xoay sở lấy. Thiên Chúa khó cứu độ những người như vậy.
Lần kia, có một tu sĩ tên là Ambrose. Vốn là một chuyên gia về đời sống thiêng liêng, tu sĩ Ambrose rất đòi hỏi trong cách nói chuyện và suy niệm. Ông còn là một người rất thông minh, và chăm chỉ làm việc. Vì là một con người ưa sự triệt để hoàn hảo, nên ông luôn luôn thích được sắp xếp và kiểm soát mọi sự. Ông làm cho mọi người lóa mắt thán phục về năng lực và kiến thức của ông.
Nhưng khi đang ở trên đỉnh cao của sự nổi tiếng, thì ông bị một căn bệnh ở giai đoạn cuối làm cho ông quỵ ngã. Dường như thể sứ mạng của ông đã kết thúc. Tuy nhiên, sự việc lại không diễn ra như vậy. Trái lại, chính khi ông trở nên yếu đuối, và hoàn toàn không kiểm soát được mọi sự, thì ông lại trở nên có hiệu quả nhất.
Điều này diễn ra như thế nào? Ông quyết định sử dụng căn bệnh của mình để tiếp cận với những người đau khổ khác. Và nhờ đó, ông đã quá thành công, đến nỗi chính căn bệnh ở giai đoạn cuối của ông lại chuyển thành một giai đoạn hiệu quả nhất. Trước khi qua đời, ông nói “Tôi đã đi theo một phương hướng, thì đột nhiên, tôi lại bị bắt buộc phải đi theo một hướng khác. Nhưng trong quá trình đó, tôi được học hỏi về bản thân mình, và về tấm lòng tốt của người khác, nhiều hơn là tôi đã từng học hỏi được trong suốt những năm tháng trước đây của cuộc đời tôi”.
 
Và về mức độ cá nhân, thì tu sĩ Ambrose đã trải qua một sự biến đổi tuyệt vời. Dường như thể cái vỏ bọc bảo vệ nào đó đã nứt vỡ ra, và làm nổi bật lên một con người thực sự có sức quyến rũ. Trước đây, ông là một người có vẻ cô độc trong cộng đoàn. Bây giờ, ông đã tự đặt mình vào giữa cộng đoàn, cùng ăn uống với các tu sĩ bạn, nhưng cũng đóng góp một cách rộng rãi vào tinh thần của cộng đoàn, nhờ sự dịu hiền và an bình mà ông tỏa ra. Đây là công trình của ân sủng, và điều này chứng tỏ sự thật trong vài câu ngắn sau đây:
Hãy rung lên những hồi chuông nào
vẫn còn có thể vang vọng được.
Hãy quên đi sự hiến thân hoàn hảo của bạn.
Trong tất cả mọi sự, đều có một vết nứt.
Đó là cách để ánh sáng thâm nhập vào.
Những hoàn cảnh làm cho chúng ta mở lòng mình ra, để đến với điều mà Thiên Chúa mong muốn ban cho chúng ta quả thật lạ lùng. Khi chúng ta đến với Thiên Chúa từ trạng thái đầy đủ và mạnh mẽ của bản thân, thì chúng ta đặt Thiên Chúa sang một bên. Nhưng khi chúng ta đến với Thiên Chúa từ tình trạng yếu đuối và có nhu cầu, là chúng ta mời gọi Người đi vào tâm hồn của mình. Thông qua sự bất toàn của mình, mà tâm hồn của chúng ta được mở ra cho ân sủng của Thiên Chúa. Sự bất toàn của chúng ta chính là những vết thương thu hút sự chú ý của Thiên Chúa, khiến chúng ta xứng đáng được Người thương xót và chữa lành.
Trong cuộc sống chúng ta, có một thái độ quanh co, hoặc cách cư xử không ngay thẳng cần được chấn chỉnh lại, chúng ta hãy cố gắng làm điều đó. Nhưng chúng ta không được suy nghĩ rằng Chúa sẽ không đến với chúng ta, trừ phi chúng ta vẹn toàn. Nếu chúng ta đã hoàn hảo rồi, thì Thiên Chúa không đến với chúng ta nữa. Thiên Chúa đến, bởi vì chúng ta là những tội nhân cần được cứu độ. Người đến, bởi vì chúng ta là những đứa con bị thương tích, cần được chữa lành. Điều mà chúng ta cần, đó là lòng khiêm tốn và sự chân thành, để tỏ cho Người thấy những tội lỗi và vết thương của chúng ta.
Có những người nói rằng chúng ta không nên bộc lộ sự yếu đuối, bởi vì điều này không tạo ra được sự kính trọng, và do đó, tốt hơn là nên mang lấy gánh nặng của bản thân mình trong sự bí mật. Nhưng chính sự am hiểu về nỗi đau khổ của cá nhân, lại càng làm cho chúng ta có khả năng cống hiến kinh nghiệm bản thân mình, như một nguồn suối để chữa lành cho người khác. Những ai không che đậy sự đấu tranh của họ, nhưng biết sống bằng chính con người thật, nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa, thì có thể mang lại niềm hy vọng cho người khác.

8. Sám hối canh tân

(Trích trong “Như Thầy đã yêu” – Thiên Phúc)
Đời Chiến Quốc, nhà du thuyết Tô Tần sang nước Sở, phải đợi suốt ba ngày mới được vào ra mắt vua Sở. Nói xong câu chuyện, Tô Tần xin cáo biệt đi ngay. Vua Sở bảo: “Quả nhân nghe tiếng tiên sinh quý như nghe tiếng một bậc danh nhân xưa. Nay tiên sinh đã không quản xa xôi, đến chơi với quả nhân, lại không chịu ở lại là cớ làm sao?”
Tô Tần thưa: “Tôi xem ra thấy nước Sở này có đồ ăn đắt hơn ngọc, củi đắt hơn quế, quan khó được trông thấy như ma, vua khó được yết kiến như trời. Nay nhà vua muốn bắt tôi ở lại để ăn ngọc, thổi quế, nhờ ma thấy trời hay sao?Vua Sở khẩn khoản nói: “Xin mời tiên sinh cứ ở lại, quả nhân đã hiểu rõ quá rồi”.
Một đất nước mà vật giá đắt đỏ: “Gạo châu củi quế”, vua quan xa cách dân chúng, thì nhân dân trong nước khổ sở biết bao. Cái đáng khen của vua Sở là sau khi nghe Tô Tần bình phẩm về tình hình kinh tế chính trị của đất nước mình, thì ông liền nhận ra sai lầm và quyết tâm sửa chữa.
Mỗi lần mùa vọng đến, lại có một Tô Tần xuất hiện để vạch ra những lỗi lầm của chúng ta và nhắc chúng ta sám hối canh tân. Đó chính là Gioan Tẩy giả: “Có tiếng kêu trong hoang địa. Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳg để Người đi” (Lc 3,4)
Nếu Tô Tần là nhà du thuyết cho nước Sở, thì Gioan chính là ngôn sứ của dân tộc Do thái. Ông đã thấy các nhân vật đạo đời: Từ hoàng đế Tibêriô đến quan tổng trấn Philatô, từ vua Hêrôđê, Philip, Lyxaria cho đến các vị thượng tế Anna và Caipha; lòng người đầy những khúc quanh lồi lõm, thung lũng hố sâu, núi đồi hiểm trở.
Gioan nhắc lại lời tiên tri Isaia: “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy; khúc quanh co, phải uốn cho ngay; đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Lc 3,5). Ông kêu gọi mọi người sửa sang đường sá. Nhưng con đường quan trọng chính là đường vào cõi lòng. Phải lấp cho đầy những hố sâu tham lam ích kỷ hẹp hòi. Phải uốn cho ngay những lối nghĩ quanh co, tính toán lệch lạc. Phải san cho phẳng những núi đồi ngạo nghễ của tự mãn, tự kiêu. Phải bạt cho thấp những gồ ghề lồi lõm của bất công, bất chính.
Nếu sám hối là dọn đường của lòng mình, thì chúng ta hãy dẹp bỏ những chướng ngại của tâm hồn, để Chúa có thể đến và ngự lại trong đó. Nếu Gioan là ngôn sứ chuẩn bị cho Chúa đến lần đầu, thì chúng ta sẽ là sứ giả chuẩn bị cho Người đến từng ngày trong cuộc sống của anh em. Thiên Chúa chỉ có thể đến gặp con người trên những con đường ngay thẳng, phẳng phiu. Và ơn cứu độ của Người cũng chỉ ban cho những ai rộng tay đón nhận.
Lạy Chúa, thật là khó khi nhận mình lầm lỗi, và cũng không dễ dàng khi phải sửa chữa lỗi lầm.
Xin ban cho chúng con ơn sám hối, dám đi đến những hành động cụ thể, và can đảm chấp nhận cắt tỉa đớn đau, để chúng con xứng đáng đón rước Chúa đến, mang nguồn vui ơn cứu độ. Amen.

9. Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người- André Sève

Luca là tác giả Tin Mừng của lịch sử cứu độ mà ông triển khai thành ba điệp khúc như trong đoạn rất súc tích này chẳng hạn: “Cho đến thời ông Gio-an, thì có Lề Luật và các ngôn sứ; còn từ thời đó, thì Tin Mừng Nước Thiên Chúa được loan báo, và ai cũng dùng sức mạnh mà vào” (Lc 16,16)
Luca muốn xây dựng những chiếc cổng qua đó ông làm cho chúng ta đi vào trong lịch sử một cách long trọng. Vào lúc hạ sinh Chúa Giêsu: “Hồi ấy Xêda đại đế ra chiếu chỉ …”. Và đối với bước đầu công khai của Ngài, cùng với Gioan tẩy giả vén màn lịch sử: “Năm thứ mười lăm triều đại vua Xêda Tibê…” Đây là tiếng chuông lớn của lịch sử.
Có một lời loan báo phi thường: “Mọi người sẽ được ơn cứu độ”. Đây là điều ông già Simêon đã công bố một cách âm thầm hơn: “Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài". Chúng ta thường quá thu hẹp các chân trời này, loại bỏ những chân trời này, quên lãng những chân trời kia. Và chúng ta luôn có nguy cơ mất đi trên các con đường của lịch sử điều phải là nỗi ám ảnh của chúng ta: Thiên Chúa là Thiên Chúa của tất cả mọi người, Ngài muốn cứu độ tất cả những người ấy.
Người Do thái thời bấy giờ mong chờ Đấng Cứu thế đến độ trái tim họ rung động khi nhìn vị tiên tri mới xuất hiện là Gioan Tẩy giả: “Có phải người này là Đấng Cứu thế hay không?”.
Điều này sẽ còn khó tin hơn nữa! Sẽ phải có toàn bộ Tin Mừng, sự phục sinh và hiện xuống để người Do thái độc thần triệt để lòng trí mở ra (một cách khó khăn!) cho điều không thể tưởng tượng được: Đấng Cứu thế chính là Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa.
Gioan Tẩy giả phác hoạ chân dung đầu tiên đó: “Có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”.
Nhưng cũng sẽ phải có các thần học gia giám mục vĩ đại của các thế kỷ đầu tiên, kinh nghiệm của các thánh, nhất là Chúa Thánh Thần để nói lên điều không thể được trình bày: Thiên Chúa duy nhất là Cha, Con và Thánh Thần; và Chúa Con đã làm người, dưới thời Xêda đại đế, dưới triều vua Tibê.
Mùa vọng lại đặt chúng ta trước những chân trời rộng lớn của việc cứu độ tất cả mọi người mà Chúa Cha đã sai phái Con của Ngài cho họ. Còn việc tiếp nhận: Gioan Tẩy giả yêu cầu chúng ta chuẩn bị cho Ngài một con đường. Hai hình ảnh giải toả và tẩy sạch có thể giúp chúng ta hình dung công việc này một lần nữa: làm bung ra những cái cửa quá rỉ sét và làm sập đổ sự từ chối mà chúng ta đã làm cho chai cứng nơi chúng ta, những núi đồi do dự và bác bẻ. Nói với Chúa: “Xin hãy vào trong con” đòi buộc một sự hoạt động tích cực.
 
Tôi có đi quá nhanh từ lời loan báo lớn lao của Gioan Tẩy giả “tất cả mọi người sẽ xem thấy ơn cứu độ” đến những lo toan cá nhân nhỏ nhặt hay không? Chúng không nhỏ nhặt đâu, những cái nhìn rộng lớn trên thế giới không được làm cho chúng ta quên đi khu vườn của chúng ta. Trả lời cho một lãnh chúa người Tây Ban Nha, thánh Pierre ở Alcantara nói: “Ông hãy tỏ ra có tấm lòng tốt, thì đó đã là một phần của thế giới sẽ trở nên tốt đẹp”. Nói với Chúa trong mùa vọng: “Hãy đến cứu độ tất cả chúng con” sẽ là một lời nguyện của kẻ mơ mộng nếu lời nguyện đó không hướng chúng ta về điều phải được cứu độ nơi mỗi người trong chúng ta.

10. Hãy dọn đường cho Chúa

Người ta kể lại rằng, một khoa học gia và cũng là họa sĩ nổi danh Leonardo da Vinci vẽ bức tranh Bữa Tiệc Ly, bức tranh được rất nhiều người khen ngợi cho đến ngày hôm nay. Ông có một tranh chấp mạnh mẽ với người láng giềng, tâm tình thù hận trong tâm hồn không cho phép ông vẽ một chân dung nhân từ dịu dàng của Chúa Giêsu. Ngồi trong phòng vẽ hàng giờ, nhưng Leonardo da Vinci không thể nào tập trung tinh thần để vẽ chân dung. Cuối cùng, ông quyết định đi tìm để làm hòa với người đang có tranh chấp, rồi với tâm hồn an bình thư thái, ông đã vẽ được dung mạo Chúa Giêsu trong bức tranh nổi tiếng Bữa Tiệc Ly, và dung mạo của Chúa Giêsu do ông vẽ ra đó thể hiện tuyệt vời đặc sắc tinh thần của Chúa Giêsu mà cho đến ngày hôm nay chưa có hay ít có họa sĩ nào theo kịp. Hơn Leonardo da Vinci, mỗi người chúng ta được mời gọi không phải chỉ vẽ chân dung Chúa Giêsu trên trang giấy trong bức họa mà thể hiện chính Chúa Giêsu, trở thành một Chúa Giêsu Kitô thứ hai. Chúng ta không thể nào thành công làm công việc này, nếu tâm hồn chúng ta còn tích chứa những tật xấu, những tội lỗi, những tâm tình thù hận, ganh tị với anh chị em. Mỗi người chúng ta cần thực hiện điều mà thánh Phaolô tông đồ gọi là lớn lên trong đức bác ái: “Lòng bác ái của anh em càng ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu, để anh em được trong sạch và không đáng trách cho đến ngày của Chúa Kitô ngự đến”. Đây có thể nói là mục tiêu chính của Mùa vọng chúng ta đang cử hành, mùa chuẩn bị tâm hồn của chúng ta hay đúng hơn tẩy sạch tâm hồn chúng ta khỏi những gì là tiêu cực xấu xa, nghịch lại sự thật của Chúa, để chúng ta có thể không phải là họa lại mà là trở thành chính Chúa Giêsu, đón nhận hoàn toàn ân sủng cứu rỗi của Ngài. Đây cũng là điều mà Gioan tiền hô trong bài Phúc âm hôm nay lớn tiếng nhắc lại cho mọi thành phần dân Do thái thời Ngài đang bị cám dỗ bỏ quên Thiên Chúa, hoặc làm méo mó dung mạo Thiên Chúa mà họ đã được mời gọi làm chứng giữa muôn dân. Bí quyết đó là việc ăn năn thống hối, thay đổi nội tâm đã được Gioan rao giảng. Đón tiếp một vị khách phàm trần, người ta chỉ cần chưng diện treo hoa đèn, biểu ngữ, chào đón, chúc tụng và hô to những khẩu hiệu ngoài môi miệng cho qua lượt, nhưng để đón Chúa đến và họa lại chân dung của Chúa trong chính đời sống của mình thì con người phải thay đổi thực sự tâm hồn, phải thực hiện cuộc canh tân thay đổi nội tâm khỏi những tâm tình xấu xa tội lỗi.
Ước chi trong Mùa vọng này giúp chúng ta lắng nghe lời mời gọi của Gioan tẩy giả và nhất là lời mời gọi của chính Chúa đang đứng ngoài gõ cửa chờ ta để trở nên hiện ảnh, hiện thân của Chúa Giêsu giữa anh chị em, làm vinh danh Thiên Chúa và cũng vừa xây dựng được một xã hội tốt đẹp xứng đáng với con người mỗi ngày một hơn.
 
Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết hoán cải, canh tân đời sống trở về với Chúa mỗi ngày một nhiều hơn, thiết thực hơn. Amen.

11. Tiếng kêu trong sa mạc.

Một mẩu chuyện của người Phi Châu kể lại rằng: Một người Ả Rập sống ở sa mạc có thói quen nằm sát xuống đất, úp tai trên cát từng giờ lâu. Có người hỏi tại sao làm thế. Anh ta giải thích như sau: “Tôi nghe sa mạc khóc vì nó rất muốn được làm một ngôi vườn xinh tươi”.
Sa mạc mong mỏi được trở thành ngôi vườn, cũng vậy, tâm hồn con người luôn hướng tới về điều thiện. Khoảng cách giữa sa mạc và ngôi vườn xinh tươi đó là nước non, điều kiện thời tiết và nhất là công lao của con người. Không có sự chăm sóc của con người, sa mạc vẫn tiếp tục là bãi cát khô cằn. Cõi lòng con người cũng sẽ mãi mãi là một sa mạc cằn cỗi nếu có không được vun xới và tưới bằng cố gắng, phấn đấu, hy sinh và tình yêu. Phải tốn biết bao là kiên nhẫn, biết bao chống đỡ, biết bao cương nghị, biết bao mồ hôi… để biến sa mạc của tâm hồn thành một khu vườn tươi tốt… Sa mạc tâm hồn của chúng ta sẽ khóc mãi nếu chúng ta không ra tay cày xới và vun trồng mỗi ngày.
Tin Mừng hôm nay kêu gọi chúng ta hãy cày xới và vun trồng cho sa mạc tâm hồn chúng ta nở hoa đón mừng Chúa Cứu Thế: “Có tiếng kêu trong sa mạc: “Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi”. Đó là tiếng kêu của Gioan Tiền Hô. Là tiếng kêu trong sa mạc, Gioan không thể vắng bóng trong Mùa Vọng – Giáng Sinh, vì đời sống của Gioan đã gắn liền với đời sống của Chúa Cứu Thế như “tiếng kêu” gắn liền với Đấng là “Lời của Thiên Chúa”. Đàng khác, đời sống của vị Tiền Hô chỉ có lý do khi có Đấng Cứu Thế xuất hiện phía sau; và đời sống của vị Tẩy Giả làm phép rửa sám hối chỉ có ý nghĩa khi có Chúa Giêsu, Đấng thiết lập Bí tích Thánh Tẩy để tha tội.
Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã làm xuất phát những tiếng kêu qua các Ngôn Sứ trong Cựu Ước để tiên báo Đấng Thiên Sai Cứu Thế sẽ đến. Là Ngôn Sứ cuối cùng của Cựu Ước, tiếng kêu của Gioan Tiền Hô đã đúc kết, tổng hợp mọi tiếng kêu của các Ngôn Sứ khác, như tiếng kêu của Isaia, tiếng kêu của Êlia, tiếng kêu của Giêrêmia, của Baruc (Bđ.1). Chính vì vậy “Tiếng kêu trong sa mạc” là tên gọi của Gioan, một tên rất mông lung, có vẻ vô danh, nhưng lại rất súc tích: “Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi. Mọi thung lung, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn Thiên Chúa cứu độ”.
Thưa anh chị em,
Ngày nay, khi nói “Tiếng kêu trong sa mạc”, người ta thường hiểu là tiếng kêu vô ích, lời hô hào không được hưởng ứng, không được đón nghe. Nhưng tiếng Gioan đã kêu lên trong sa mạc không phải là “tiếng kêu trong sa mạc” theo nghĩa đó. Trái lại, tiếng kêu ấy đã lôi kéo đủ thứ mọi hạng người khắp xứ Palestine đến với Gioan trên bờ sông Giođan. Tiếng ấy mặc dù kêu lên trong sa mạc nhưng đã vang vọng tới tận thủ đô Giêrusalem đến nỗi một phái đoàn chính thức đã được các vị lãnh đạo tôn giáo sai đến để chất vấn Gioan tận nơi sa mạc.
Tiếng kêu của Gioan không vô ích và cũng không lỗi thời, vì ngày nay, sau gần 2000 năm, tiếng kêu ấy vẫn còn tác động mạnh mẽ trong lòng nhiều người. Những điều xưa kia Gioan nói với dân chúng, hiện nay vẫn còn hợp thời, vẫn còn có giá trị. Và trong thực tế, ở khắp nơi trên thế giới, bao lâu hỗn loạn, tranh chấp, hận thù vẫn còn thì công cuộc dọn đường cho Chúa đến vẫn còn cấp bách. Như vậy, tiếng kêu của Gioan vẫn mãi mãi cần thiết để con người thay đổi đời sống cho tốt đẹp hơn.
Mỗi Mùa Vọng, tiếng kêu của Gioan trong sa mạc lại lay động, thức tỉnh chúng ta, đặt chúng ta đối diện trước một số vấn đề thuộc phạm vi lương tâm và công bình xã hội, để chúng ta xét mình, kiểm điểm nếp sống, để cải thiện đời sống mỗi ngày thêm trọn hảo, để dọn đường tâm hồn chúng ta cho Chúa Cứu Thế ngự đến. Tuy nhiên, đối với một số người, tiếng kêu của Gioan đã trở thành thực sự là “tiếng kêu trong sa mạc”, không được họ lắng nghe và hưởng ứng bởi vì trong lòng họ là những đô thị ồn ào, nhộn nhịp, hỗn độn, ô nhiễm…, tâm hồn họ thiếu sự thanh vắng, cô tịch của sa mạc khiến họ không nghe được tiếng kêu của Gioan: Hãy dọn đường cho Chúa. Tiếng kêu của Gioan không gặp được một âm vang nào trong lòng họ, hoặc có đi nữa thì cũng chỉ là nhất thời và hời hợt như “hạt giống rơi vào bụi gai” mà Chúa đã giải thích là “những hạng người nghe lời Chúa, rồi bị những mối bồn chồn lo lắng, đam mê khoái lạc trên đời làm nghẽn đi mà không sinh hoa kết quả được” (Mt 13,18-23).
Vì vậy, muốn nghe được tiếng kêu của Gioan Tiền Hô thì phải tạo cho lòng mình trở nên sa mạc. Sa mạc là nơi thuận tiện cho cuộc hẹn hò gặp gỡ thân tình để nghe rõ tiếng Chúa hơn và để nhận lãnh sứ mạng của mình. Như ngôn sứ Hôsê đã viết: “Thiên Chúa sẽ dẫn đưa Israen vào sa mạc, vào nơi thanh vắng, để ở đó, lòng kề lòng, Ta sẽ tâm tình với nó” (Hs 2,16). Ở sa mạc Sahara ngày nay, người ta vẫn còn thấy có những cộng đoàn tu sĩ, như các Tiểu đệ, Tiểu muội Chúa Giêsu, theo tinh thần Cha Charles de Foucauld, các tu sĩ ấy dù ở đâu cũng phải qua một thời gian tu luyện sống với Chúa, lắng nghe Chúa gọi giữa sa mạc, giữa cảnh cô tịch, nghèo khó, để sau khi đã có kinh nghiệm cụ thể về sa mạc, các tu sĩ ấy có thể tạo cho lòng mình trở nên sa mạc trong khi dấn thân phục vụ con người ở giữa lòng đời. Đó chính là công việc vun xới cho sa mạc nở hoa đón mừng Chúa Cứu Thế.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta không đi vào sa mạc như các tu sĩ Tiểu đệ, Tiểu muội của Chúa Giêsu được, nhưng chúng ta cẩn phải tạo cho lòng mình trở thành một sa mạc, một nơi trầm lặng, yên tĩnh, bình an, để dễ dàng lắng nghe tiếng Chúa mời gọi giữa cuộc sống ồn ào, nhộn nhịp, bề bộn, căng thẳng nầy. Có nghe được tiếng Chúa nói qua tiếng kêu của Gioan Tiền Hô hôm nay, chúng ta mới bắt tay vào việc dọn đường tâm hồn chúng ta cho Chúa ngự đến: Phải sửa lại đường xưa lối cũ, uốn nắn cho ngay thẳng những lối quanh co theo sở thích trái chướng của mình, lúc thế này khi thế khác… Phải trung thành trước sau như một, thi hành mọi đòi hỏi của Tin Mừng. Mọi gồ ghề ngăn trở các quan hệ tốt đẹp với Thiên Chúa, với tha nhân, phải bạt xuống và san phẳng đi, để tình Chúa, tình người chan hòa đến với hết mọi người. Có như vậy, xã hội mới dần dần trở thành huynh đệ hơn, tốt đẹp hơn, sẵn sàng cho Chúa đến, và cuối cùng để đón nhận ơn cứu độ từ chính Đấng Cứu Độ như Gioan loan báo: “Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn Thiên Chúa cứu độ”.

12. Sứ giả của Chúa Kitô

Gioan là vị tiên tri được linh hứng đầu tiên đến đập tan sự yên lặng của bao thế kỷ trôi qua từ đời tiên tri Malaki. Sự quan trọng của chức vụ của ông được Luca nêu ra bằng cách liệt kê những chi tiết xác thực định vị thời kỳ của ông. Khi nói đến tên những nhà cầm quyền chính trị và tôn giáo, ông đã cho biết trong thời ấy có sáu cuộc bổ nhiệm, để đưa dần tới tính cách phổ thông của Tin Mừng. Với thiên tài của một sử gia, Luca đã liên kết câu chuyện ông kể với các biến cố của thế giới. Trước hết, ông phải nêu tên vị hoàng đế đang trị vì đế quốc La mã là Xêda Tibêriô, rồi ông kể đến Philatô, tổng đốc xứ Giuđê, người đã mang một vết nhơ muôn đời là kẻ lên án tử cho Chúa Giêsu, Hêrôđê Antipa, con người quyến dụ và sát nhân, con của Hêrôđê đại vương, được bổ nhiệm cai trị xứ Galilê, Philipphê và Lyxania làm tổng đốc các xứ lân cận.
 
Về phương diện giáo quyền, ông nhắc tới Anna và Caipha. Chưa bao giờ có hai thượng tế cùng một lúc. Vậy Luca có ý gì khi nêu ra hai tên? Thượng tế là người đứng đầu Do thái cả về phương diện tôn giáo lẫn chính trị. Ngày xưa chức thượng tế được cha truyền con nối và mãn đại, nhưng khi người La mã đến, chức vị đó làm đầu mối cho đủ thứ gian lận. Kết quả là từ khoảng năm 37TC-26SC đã có đến hai mươi tám thầy thượng tế khác nhau. Anna hành chức thực thụ từ năm 7TC-14SC. Cho nên khi ấy ông đã mãn nhiệm, nhưng kế vị ông là bốn người con trai và Caipha là con rể ông. Do đó, tuy Caipha là thượng phẩm đương chức, nhưng thực quyền vẫn ở trong tay Anna. Vì thế, sau khi Chúa Giêsu bị bắt đã phải điệu đến chỗ ông trước tiên, dẫu lúc đó ông không còn tước vị gì. Luca đem ghép tên ông vào với Caipha để muốn nói lên tình trạng “bất thường” về tôn giáo thời ấy.
 
Một bản danh sách của những lãnh tụ như thế cho ta thấy sự thoái hoá tột bậc về đạo đức lẫn tôn giáo lúc bấy giờ và sự cần thiết phải có một người kêu gọi Israel trở lại thờ phượng và phụng sự Thiên Chúa.
 
Vị sứ giả ấy đã đến trong con người của Gioan, con Giacaria. Sau một thời gian dài tôi luyện bằng kỷ luật khắc khổ trong sa mạc, ông đã xuất hiện với một sứ điệp quả quyết từ Thiên Chúa, lôi cuốn quần chúng đông đảo đến thung lũng Giođan, để nghe giảng đạo và tiếp nhận phép rửa như một dấu hiệu và ấn chứng cho lòng ăn năn. Bản chất của chức vụ ông làm ứng nghiệm lời báo trước của tiên tri Isaia “Tiếng kêu trong hoang địa”, người được Thiên Chúa sai đến để dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Sự chuẩn bị này có tính cách Đông phương: khi một vị vua định đi tuần tra một vùng nào trong vương quốc mình thì sai một vị quan đi trước để hô hào dân chúng sửa sang đường sá. Chỗ trũng phải lấp đầy, chỗ cao phải bạt xuống, đường quanh co phải nắn lại cho thẳng, đường gồ ghề phải sửa cho êm. Cũng thế, Gioan được coi như sứ giả của Vua, nhưng sự sửa soạn của ông nhấn mạnh là sự sửa soạn tâm hồn và đời sống. Như vậy, muốn cho người ta sẵn sàng tiếp nhận Chúa Kitô, những trở ngại đạo đức cần phải dẹp sạch, phải sám hối ăn năn và từ bỏ tội lỗi. Luca đã kết thúc câu trích Isaia rằng: “Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”, để phù hợp với tính cách phổ thông của Tin Mừng. Vicka là một trong sáu thị nhân tại Mễ du, được chính Đức Mẹ dạy dỗ, khi có người hỏi: “Theo cô biết, ăn năn trở lại là thế nào?”.
  • Ăn năn hối cải là ý thức rằng chúng ta đang sống trước mặt Thiên Chúa, đêm cũng như ngày, và chúng ta chịu trách nhiệm về tất cả những gì thuộc bản thân ta, cũng như những gì thuộc quyền sở hữu của ta. Mẹ đã đến kêu gọi mọi người thế hãy nghe theo các sứ điệp của Mẹ mà ăn năn hối cải. Sống trong tội quả là điều nguy hiểm! Những tai hoạ ghê gớm đang chờ đợi những kẻ không quay trở về cùng Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa luôn tha thứ cho ta, dầu tội lỗi đến như thế nào đi nữa. Không có tội nào quá lớn đến nỗi Thiên Chúa không tha thứ được. Tình yêu Thiên Chúa luôn mãi lớn hơn tội lỗi chúng ta. Tất cả những gì ta có thể làm là nài xin. Đức Mẹ đến để bảo ta nài xin Chúa tha thứ ngay bây giờ. Mẹ nhắc lại cho ta rằng Thiên Chúa không bao giờ từ chối tha thứ cho bất cứ ai xin Người.
  • Và khi được hỏi về mức độ khẩn trương phải ăn năn, Vicka đáp: “Đức Mẹ phải khóc vì những đứa con của mình không biết Thiên Chúa, hoặc quay lưng với Thiên Chúa, hoặc bất tuân các giới răn của Người.
  • Rồi sau khi được Đức Mẹ dắt đi tham quan thiên đàng, luyện ngục và hoả ngục, cùng với Jakov, trong một cuộc phỏng vấn, có người hỏi: “Từ khi thấy hoả ngục lời cầu nguyện của cô có khác gì không?” Vicka đáp ngay: “Ồ! Dĩ nhiên là có. Bây giờ tôi cầu nguyện cho kẻ tội lỗi ăn năn hối cải. Tôi biết cái gì đang chờ đợi họ, nếu họ từ chối quay trở về.
  • Vậy điều gì xảy ra đối với kẻ phạm tội?
  • Hết thảy chúng ta đều phạm tội. Đó là lý do Đức Mẹ kêu gọi ta làm hoà lại với Thiên Chúa và với anh em ta, chị em ta, ngay từ bây giờ. Ta càng cứng đầu chống nghịch đường lối của Thiên Chúa, thì ta càng rời xa Nước Thiên Chúa. Và khi được hỏi: “Làm sao để chúng ta quay trở lại?”. Vicka cho biết: “Đức Mẹ bảo rằng bao lâu còn sống trên trần, ta còn có thể trở lại với Thiên Chúa mọi giờ mọi phút, bằng cách ăn năn sám hối. Và cũng vì thế, ăn năn hối cải không phải là một việc nhất thời, làm một lần là xong. Đó là con đường xuyên suốt đời người, và lúc đầu, người ta có thể gặp nhiều khó khăn, vì satan rất mạnh, nó tìm mọi cách để cản trở việc ăn năn hối cải của ta. Càng gặp khó khăn ta càng phải cầu nguyện. Ăn năn hối cải không thể là chuyện trên đầu môi chót lưỡi, song bằng hành động, bằng tình yêu, một công việc kiên trì mỗi ngày”.
  • Còn Jakov, khi được hỏi ăn năn hối cải có ý nghĩa thế nào đối với cậu? Cậu trả lời: “Khi em còn nhỏ, em chỉ biết sơ sơ về Thiên Chúa. Cũng có đi dự lễ, đi nhà thờ, nhưng không bao giờ thực sự cảm nghiệm được Thiên Chúa. Đi là chỉ do sự thúc đẩy. Cần nhất là Thiên Chúa phải sống trong ta. Em không cảm nghiệm được điều ấy cho đến khi các cuộc hiện ra xảy ra. Em có thể nói ăn năn trở lại là Thiên Chúa sống trong em và em nhận biết sự ấy”.
  • Rồi khi được hỏi: “Làm thế nào để cảm nghiệm được Thiên Chúa hiện diện trong đời sống? Jakov được Đức Mẹ dạy, trả lời: nhờ cầu nguyện. Và như vậy, phương thế để ăn năn trở lại đó là: dành thời giờ để cầu nguyện.Bạn đã sám hối như thế nào? Và quyết định mỗi ngày dành ra bao nhiêu thời giờ để cầu nguyện?

13. Chú giải mục vụ của William Barclay

SỨ GIẢ TIỀN TRẠM CỦA VUA
Đối với Luca, sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả là một trong các bản lề của lịch sử thế giới. Vì thế ông đã dùng sáu cách khác nhau để ghi dấu thời gian cho việc đó.
  1. Tibêriô là người kế vị Auguttô, là hoàng đế thứ hai của Rôma. Vào năm 11-12 SCN, Luca bắt đầu bằng cách đặt sự xuất hiện của Gioan vào trong một bối cảnh thế giới, bối cảnh của đế quốc Rôma.
  2. Còn ba mốc thời gian kế tiếp của Luca thì liên quan đến các tổ chức chính trị tại Palestine. Danh hiệu của vua chư hầu nghĩa là “thống đốc của một phần tư”. Những tỉnh như Thessaly và Galat, bị chia thành bốn miền hay gọi bốn khu vực, vị thống đốc của mỗi miền đó được gọi là vua chư hầu, nhưng về sau danh từ đó được mở rộng, dùng để chỉ thống đốc của bất cứ nơi nào. Hêrôđê đại đế băng hà năm 4 TCN sau khi cai trị khoảng 40 năm. Ông chia nước cho 3 con, và Rôma trong giai đoạn đầu đồng ý quyết định của ông. (a) Hêrôđê Antipa lãnh xứ Galilê và xứ Perea. Ông cai trị từ năm 4 TCN đến 39 SCN, vì vậy cuộc đời của Chúa Giêsu nằm trong thời gian cai trị của vua này và phần lớn sống trong lãnh địa của ông tại Galilê. (b) Hêrôđê Philipphê nhận xứ Yturê và xứ Tracônit, ông cai trị từ năm 4 TCN đến 39 SCN, thành Xêdarê được chính ông xây dựng nên được gọi theo tên ông. (c) Akhêlaô nhận xứ Giuđê, xứ Samari và xứ Êđôm. Ông là một vị vua tệ hại. Sau cùng, người Do Thái đã phải xin triều định Rôma cách chức ông. Rôma đã quá chán cảnh nổi loạn ở xứ Giuđê, liền đặt một quan tổng trấn, là vị thống đốc người Rôma. Đó là lý do tại sao người Rôma đã trực tiếp cai trị xứ Giuđê. Bấy giờ Phitatô người Rôma làm tổng trấn, cầm quyền từ năm 25 SCN đến 37 SCN. Như vậy, chỉ trong một câu Kinh Thánh, Luca cho ta thấy tổng quát về sự phân chia vương quốc đã từng một thời thuộc Hêrôđê đại đế.
  3. Về Lysania là ai thì chúng ta không biết gì thêm.
  4. Sau khi nói về tình hình thế giới và tình trạng chính trị của xứ Palestine, Luca quay về tình hình tôn giáo, và ghi dấu thời gian Gioan xuất hiện là đương thời của Khanan và Caipha giữ chức vụ thượng tế. Chưa bao giờ có hai thượng tế cùng một lúc. Vậy Luca có ý nói gì khi nêu lên hai vị này? Thầy thượng tế là người đứng đầu xã hội Do Thái cả về phương diện tôn giáo lẫn chính trị. Ngày xưa chức thượng tế được cha truyền con nối và mãn đại. Nhưng khi người Rôma đến, chức vị đó làm đầu mối cho đủ thứ gian lận. Kết quả là từ khoảng 37 TCN đến 26 SCN đã có đến 28 thầy thượng tế khác nhau. Khanan hành chức tế lễ thực thụ từ năm 7 TCN đến 14 SCN. Cho nên khi ông ấy mãn nhiệm, nhưng kế vị ông là bốn người con và Caipha là con rể ông. Do đó, tuy Caipha là thầy thượng tế đương chức, Khanan vẫn có quyền hành. Vì thế sau khi Chúa Giêsu bị bắt đã phải điệu đến chỗ ông trước tiên (Ga 18,13), dù lúc đó ông không còn tước vị gì. Luca đem tên ông ghép vào với Caipha mặc dù Caipha là thầy thượng tế đương nhiệm, Khanan vẫn còn là một nhân vật tư tế rất có ảnh hưởng trong nước.
Các câu 4-6 được trích từ Isaia 40,3-5. Bên phương Đông, khi một vị vua định đi tuần tra một vùng nào đó trong vương quốc mình thì sai một vị sứ giả đi trước để bảo dân chúng sửa sang đường sá. Cũng thế, Gioan được coi như sứ giả của Vua. Nhưng sửa soạn mà ông nhấn mạnh ở đây là sửa soạn tâm hồn và đời sống. Ông nói: “Vua đang đến, đừng lo sửa soạn đường sá, hãy chuẩn bị đời sống các ngươi”. Mỗi chúng ta đều có bổn phận liên tục phải gắng sức làm cho đời sống mình xứng đáng trước mặt Vua đời đời.
 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...