24/07/2019
1579
Thánh Gia-cô-bê (tiền)
Lời Chúa: Mt 20,20-28
20Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo ; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. 21Người hỏi bà : "Bà muốn gì ?" Bà thưa : "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy." 22Đức Giê-su bảo : "Các người không biết các người xin gì ! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không ?" Họ đáp : "Thưa uống nổi." 23Đức Giê-su bảo : "Chén của Thầy, các người sẽ uống ; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được."
24Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. 25Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói : "Anh em biết : thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 26Giữa anh em thì không được như vậy : Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. 27Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. 28Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người."
Suy niệm:
Tại văn phòng của một tư vấn Tâm lý, một thiếu phụ vừa trẻ vừa giàu giãi bày tâm sự: "bất cứ thứ gì tôi muốn thì chồng tôi đều có cả. Tôi có đủ mọi "sự" nhưng trong lòng trống vắng vô cùng. Xin bà hãy cho tôi một lời khuyên". 
Nhà tư vấn Tâm lý không trả lời, nhưng bảo cô thư ký của bà kể chuyện đời cô. Cô này kể: "chồng tôi đã chết cách nay 3 tháng, con tôi cũng chết vì xe tông. Tôi cảm thấy mất tất cả, tôi không ngủ được, tôi không muốn ăn uống, tôi không bao giờ cười. Một hôm tôi đi làm về hơi khuya. Có một chú mèo con cứ đi theo sau tôi. Trời lạnh. Tôi thấy tội nghiệp nó, nên tôi mở cửa cho nó vào nhà. Tôi pha cho nó một ly sữa. Nó kêu meo meo và cọ mình vào chân tôi. Lần đầu tiên tôi cười. Rồi tôi nghĩ: nếu việc giúp cho một chú mèo con có thể làm tôi cười, thì việc giúp cho người nào đó chắc có thể làm tôi hạnh phúc. Thế là hôm sau tôi nướng vài ổ bánh đem cho bà cụ hàng xóm đang bệnh. Mỗi ngày tôi cố làm vài việc gì đó cho những người tôi gặp được vui vẻ. Và quả thực tôi đã thấy hạnh phúc. Tôi nghiệm ra được rằng: ta sẽ không hạnh phúc khi ta chỉ chờ người khác đem lại hạnh phúc cho mình;  ngược lại ta sẽ hạnh phúc thật khi ta làm cho người khác hạnh phúc". Nghe đến đó, người thiếu phụ trẻ bật khóc. Cô đã có bất cứ thứ gì đồng tiền có thể mua được nhưng cô đã đánh mất những thứ mà đồng tiền không mua nổi. Và cô quyết định noi gương cô thư ký nọ.
Ở đời người ta thường cho rằng hạnh phúc là có mọi sự. Có tiền. Có địa vị. Tiền càng nhiều, địa vị càng cao là dấu chỉ sự sung mãn hạnh phúc. Thế nhưng, hạnh phúc không phải là những gì mình có mà là những gì mình trao ban. Cuộc đời có ý nghĩa không hẳn là người có địa vị mà là cuộc đời hữu ích cho tha nhân. Có tiền, có địa vị mà không giúp đời thì đâu có giá trị gì. Có tiền, có địa vị mà không có một mái ấm gia đình để yêu thương, để chăm sóc, để phục vụ thì cuộc đời cũng vô vị.
Nhưng đáng tiếc, con người vì tham lam nên người ta tranh giành nhau địa vị, tiền tài. Họ không nghĩ đến phục vụ, trao ban mà chỉ nghĩ đến chiếm hữu nên thế gian vẫn đầy rẫy những chuyện thương tâm. Vì tiền mà họ sống thiếu tình người. Vì quyền lực mà họ sống nhẫn tâm. Cũng trong lối suy nghĩ này khiến nhiều người dấn bước theo Chúa nhưng trong lòng đầy toan tính thiệt hơn, đầy cao vọng để có địa vị, có quyền lợi và để được phục vụ . . . .
Gia-cô-bê cũng nằm trong lối suy nghĩ này. Ông đi theo Chúa nhưng lại muốn chỗ nhất trong nước Chúa. Ông đi theo Chúa trong lòng còn nặng trĩu những đam mê vật chất. Ông đã từng nhờ mẹ đến xin cho mình được ngồi bên tả, bên hữu của Chúa.
Gia-cô-bê còn gọi là Giacôbê (tiền) con của ngư phủ Giêbêđê và bà Salomê, anh của tông đồ Gioan. Phúc Âm thường nhắc đến hai anh em này. Vì thấy hai anh em có tính nóng nảy, Đức Giêsu gọi họ là "Con của thiên lôi" (Mc 3,17).
Giacôbê là nhân chứng cho cuộc biến hình và những giây phút cầu nguyện của Chúa trong vườn Cây Dầu. Ông đã chứng kiến nhiều phép lạ của Chúa, thế nhưng ông đã không thoát khỏi lối suy nghĩ trần tục. Ông vẫn đang đi tìm quyền lực của trần gian.
Chúa đã thức tỉnh ông khi nói với ông: "Các ngươi có uống nổi chén Thầy sắp uống không?" Ông không hiểu ý nghĩa nhưng ông vội đáp hai tiếng “dạ được”. Ông đã lỗi lời thề khi ông không thể uống chén chung với Thầy. Ông đã bỏ chạy trong vườn Cây Dầu. 
Thế nhưng, sau khi nhận ra Chúa phục sinh. Ông đã thay đổi cách suy nghĩ, cũng như lối sống. Ông đã không còn toan tính thiệt hơn. Ông chỉ còn một điều duy nhất là loan truyền cho muôn dân về Thầy mình, đã chết và đã sống lại. Ông không còn màng đến vinh quang trần gian, vì ông đã nhận thấy còn có vinh quang Nước Trời. Thế là, từ đây ông chỉ ôm một điều duy nhất là được uống chung chén với Thầy mà đã một lần ông bỏ lỡ.
Theo sách tông đồ công vụ, Ông là người đầu tiên trong nhóm 12 đã lấy máu đào làm chứng cho Chúa Giêsu: Vua Hêrôđê Antipas đã ra lệnh chặt đầu Ngài vào năm 44 (Cv 12,2 so Mt 20,22-23)
Như vậy, cuộc đời của thánh Gia-cô-bê đã được biến đổi sau khi Chúa phục sinh. Từ một con người toan tính đã trở thành con người vị tha quảng đại. Từ một con người hèn nhát trở thành con người dám chết để bảo vệ lời rao giảng của mình. Ngài đã đi trọn con đường theo Chúa khi biết đón nhận ân sủng của Chúa và làm trổ sinh hoa trái trong đời sống hiến thân của mình.
Mừng kính thánh Gia-cô-bê tông đồ, xin Chúa cho chúng ta biết bước theo Chúa với niềm tín thác xin vâng. Xin loại trừ chúng ta những toan tính thiệt hơn nhưng luôn đại dấn thân vì Chúa và vì tin mừng. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
25/07/2019
Thứ Năm Tuần XVI Mùa Thường niên
THÁNH GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ
2 Cr 4, 7-15
ĐỪNG NẢN VỚI KHUYẾT ĐIỂM, HÃY ĐỨNG DẬY NHƯ GIACÔBÊ
          Gioan và Giacôbê là hai trong số những môn đệ đầu tiên đi theo Chúa, đã dám nói mạnh là bỏ mọi sự mà theo Chúa, thế mà họ cũng chưa thấm nhuần tinh thần phục vụ mà Chúa đã dạy. Có thể nói, các ông từ bỏ nhưng còn với một tính toán, đó là trở thành công hầu khanh tướng trong vương quốc tương lai của Người. Các ông cũng không thoát khỏi cái lý luận thường tình của con người: “tôi cho đi để được lấy lại”, “tôi từ bỏ mọi sự để được giàu sang hơn”, “tôi phục vụ để được phục vụ lại”. Phải chăng tôi cũng giống như họ, lâu nay tôi theo Chúa mà chỉ nghĩ đến quyền lợi, danh dự, ơn ích… Nói cách khác, tôi nghĩ đến nhận mà không nghĩ đến cho, tôi nghĩ đến được người ta phục vụ mà không nghĩ đến phục vụ người ta?
          Cho đi để được cho lại, đó là tính toán thường tình của con người. Người ta làm ơn làm phúc để được đền đáp, người ta hy sinh phục vụ để tên tuổi của mình được nhắc đến. Tiền tài, quyền bính, danh vọng là ẩn số luôn ẩn núp sau những công việc mà con người gọi là phục vụ. Tựu trung, điều con người tìm kiếm trong mọi phục vụ vẫn có thể là cái tôi của mình. Chúa Giêsu đã mang lại cho hai chữ “phục vụ” ý nghĩa đích thực của nó: sống trọn vẹn cho Chúa và vì tha nhân, chứ không vì bất cứ một tính toán lợi lộc nào. Phục vụ như thế cũng đồng nghĩa với quên mình và quên mình cho đến chết. Xét cho cùng, theo mẫu gương Giêsu, phục vụ cũng đồng nghĩa với chết đi. Đó là bài học mà Chúa Giêsu đã muốn lặp lại trong bài Tin Mừng hôm nay.
          Thánh Philipphê thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế chúng con mãn nguyện” (Ga 14, 8). Ước muốn của Thánh Philipphê cũng chính là niềm khát khao của con người mọi thời vì: “chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62,1). Thế nên, dọc dài thời gian, xuất hiện rất nhiều bậc hiền nhân đưa ra những phương cách, lời hay ý đẹp để giúp con người thấu đạt Thượng Đế. Nhưng không một ai đưa con người đến được với Thiên Chúa; ngoại trừ Chúa Giêsu – Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúa Giêsu xuất phát từ Thiên Chúa, là dung nhan lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Chúa biết cách nói về Thiên Chúa, dạy cho con người chân lý yêu thương đích thực. Hơn hết, Chúa Giêsu chính là Con Đường để con người bước vào sự sống của Thiên Chúa.
          Con Đường Giêsu đã được khẳng định rõ nét qua lời nói và hành động của Chúa trong những tháng năm trên trần thế. Người đời cho rằng của cải đời này là sự đảm bảo cho cuộc sống thì Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn sẽ về tay ai?” (Lc 12, 20). Con người cứ lo kiếm tìm danh lợi thú trần gian, Chúa Giêsu lại đến trần không một nơi gối đầu để phục vụ và hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Con người đối xử với nhau bội bạc, vô tình, tàn nhẫn; Chúa Giêsu đến với mọi người bằng tình yêu và chân thành: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Con người những tưởng đã tha thứ đủ khi tha đến bảy lần thì Chúa Giêsu dạy phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy. Con người vô ơn quên tình yêu Thiên Chúa, bất tuân lệnh Thiên Chúa; Chúa Giêsu vâng lời Chúa Cha và thực thi mọi phán quyết của Thiên Chúa: “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10, 9).
          Chúa Giêsu là Đường Hoàn Hảo mà Chúa Cha gửi đến cho con người với tất cả lòng thương xót. Chúa đã chết trên thập giá để cứu độ con người: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,12). Và Chúa Giêsu đã Phục Sinh để minh chứng lời Chúa nói là chân thật: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân” (Lc 24, 46-47).
          Từ lúc Giacôbê bày tỏ những tham vọng không được cao thượng của Ngài cho đến khi được chịu tử vì đạo là một cuộc biến chuyển nội tâm lâu dài.  Sự nhiệt thành của Ngài trước kia chống lại những người Samaria không muốn tiếp đón Chúa Giêsu – dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem – nhưng về sau đã biến nên lòng nhiệt thành vì các linh hồn.  Từng bước một, tuy không làm mất cá tính hăng hái, nhưng Giacôbê biết rằng nhiệt tâm vì quyền lợi Thiên Chúa không thể dính dáng đến bạo lực hoặc chua chát. Chỉ có vinh quang Thiên Chúa là khát vọng duy nhất xứng đáng mà thôi.  Thánh Clêmentê thành Alexandria kể lại khi vị tông đồ nước Tây Ban Nha được điệu ra trước tòa xử, thần thái của ngài liêm chính đến độ kẻ tố cáo ngài sau đó đã đến xin ngài tha lỗi.  Thánh Giacôbê suy tư… và sau đó ôm hôn kẻ tố cáo mình, và nói: “Anh hãy bình an”.  Hai người sau đó cùng được lãnh nhận triều thiên tử đạo.
          Thánh Giacôbê cũng có những khuyết điểm rõ ràng và không thể chối cãi.  Tuy nhiên, bên cạnh những khiếm khuyết ấy, thánh nhân cũng có một tâm hồn và một con tim vĩ đại.  Chúa Giêsu lúc nào cũng nhẫn nại với Ngài cũng như với các Tông đồ khác. Thầy Chí Thánh cho các ngài thời gian để hấp thụ những bài học mà Người đã dùng sự khôn ngoan và tình thương để truyền dạy cho họ.  Thánh Gioan Kim khẩu viết: “Chúng ta hãy xét Chúa đặt câu hỏi tương tự như một lời mời gọi và một lời kích lệ như thế nào. Chúa không nói: ‘Ngươi có thể chịu thất bại được không? Ngươi có dám chịu đổ máu không?’ nhưng Chúa lại hỏi: ‘Ngươi có thể uống…’ Để khích lệ họ, Chúa còn thêm: ‘… chén Ta sẽ uống hay không?’  Tưởng nghĩ đến việc uống chính chén của Chúa đã đưa các Tông đồ đến sự đáp ứng quảng đại hơn.  Chúa Giêsu gọi cuộc Khổ nạn của Người là ‘phép rửa’ để nhấn mạnh những đau khổ của Người sẽ là nguyên nhân cho cuộc thanh tẩy toàn thế giới.”
          Chúa cũng đang mời gọi chúng ta.  Ước chi chúng ta đừng đầu hàng sự chán nản khi những khuyết điểm và yếu đuối của chúng ta trở nên rõ rệt.  Nếu chúng ta đến với Chúa Giêsu để xin phù giúp, Người sẽ ban cho chúng ta ơn can đảm để tiếp tục trung thành dấn bước, bởi vì Chúa luôn nhẫn nại và cho chúng ta thời giờ cần thiết để cải thiện.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...