11/10/2019
825
CHÚA NHẬT XVIII: 
BÀY TỎ LÒNG BIẾT ƠN ĐỐI VỚI CHÚA
Một số người ngoại đạo thắc mắc: Tại sao người Công Giáo lại phải đi lễ ngày Chúa Nhật? Người bạn Công Giáo trả lời: Khi nhận một món quà từ người khác trao tặng, bạn có cảm ơn không? Có! Khi một người tạo cho bạn cơ hội để làm ăn sinh sống, bạn có biết ơn họ không? Có! Khi một người trở thành ân nhân cứu mạng cho bạn, bạn sẽ cư xử thế nào với họ? Chắc chắn bạn sẽ mang ơn họ suốt đời. Đúng vậy! Người Công Giáo nhận ra Thiên Chúa trao tặng cho họ món quà sự sống; Thiên Chúa cho họ có những điều kiện để phát triển, nhất là Thiên Chúa lại trở thành ân nhân cứu mạng, ban cho họ hạnh phúc đời đời. Vì thế, việc mỗi ngày Chúa nhật họ đến dâng lễ là để bày tỏ và nói lên tâm tình biết ơn của mỗi người đối với Thiên Chúa.
Biết ơn Thiên Chúa là bổn phận cần thiết, nhưng cách bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa là điều quan trọng hơn. Vì qua cách người ta thể hiện bên ngoài sẽ có thể biết được tấm lòng biết ơn bên trong của mỗi người. 
Những làng chài Miền Trung hằng năm có lễ cúng biển để nói lên lòng biết ơn biển cả đã nuôi sống họ. Những vùng nông nghiệp Miền Bắc hằng năm cúng vị thần đã dạy họ cách làm nông; các làng nghề có những ngày cúng tổ để nói lên lòng biết ơn với vị truyền nghề cho dân. Những ngày lễ hội cúng bái đó thể hiện sự biết ơn chân thành của người dân đối với những vị đã làm ơn cho mình. Các câu chuyện trong Lời Chúa hôm nay cũng kể lại sự thể hiện lòng biết ơn của những người đã đón nhận được ơn Chúa.
Bài đọc một sách Các Vua kể lại câu chuyện về lòng biết ơn Thiên Chúa của Naaman, một vị tướng dân ngoại thuộc quân đội Aram, bị mắc bệnh phong cùi và được chữa khỏi. Ông nghe đồn rằng tại đất Israel có một người có thể chữa khỏi bệnh phong. Ông xin thư giới thiệu của vua Aram và tìm đến gặp tiên tri Elisa tại Israel để xin vị tiên tri cứu chữa. Nhà tiên tri đã ra lệnh cho ông xuống tắm tại sông Giođan bảy lần. Lúc đầu, ông khó chịu, không tin và định bỏ về, nhưng đứa đầy tớ khuyên ông cứ vâng lời thử tắm xem sao. Ông đã xuống sông Giođan tắm như lời dạy của vị tiên tri Elisa, người của Thiên Chúa. Ông đã được khỏi bệnh phong cùi, da thịt ông trở lại mịn màng như da đứa trẻ.
Viên sĩ quan này đã cùng đoàn tuỳ tùng quay trở lại gặp vị tiên tri để cảm ơn. Ông đã bày tỏ lòng biết ơn của mình trước hết bằng lời tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa của Israel: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất không ở đâu có Thiên Chúa ngoại trừ tại Israel.” Qua việc ông được chữa khỏi bệnh phong cách lạ lùng mắt tâm hồn của ông cũng được tẩy sạch để ông nhận ra Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa quyền năng và là Thiên Chúa thật, Đấng vượt trên tất cả các thần minh của các dân tộc khác. Kế đến ông dâng cho vị tiên tri một món quà để bày tỏ lòng biết ơn nhưng vị tiên tri nhất mực từ chối. Sau cùng để bày tỏ lòng biết ơn chân thành của mình, ông xin mang một ít đất lấy từ Israel về vương quốc Aram của ông để tôn kính, vì ông tin rằng đất đó đã được Thiên Chúa chúc phúc và là nơi Thiên Chúa cư ngụ. Naaman đã thể hiện lòng biết ơn của mình bằng lời cam kết: “Từ nay, tôi sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu, không còn cúng bái cho bất cứ thần linh nào khác ngoài Đức Chúa của Israel. Lòng biết ơn thực sự của con người khi đón nhận được ân huệ từ Thiên Chúa được thể hiện qua thái độ thờ phượng và dành cho Chúa vị trí ưu tiên tuyệt đối trong cuộc đời mình.
Trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca cũng kể lại lòng biết ơn của một trong mười người được chữa khỏi bệnh phong: “Chúa Giêsu đi ngang qua vùng Samari và Galiê, có mười người phong cùi ra đón gặp Ngài. Họ đứng đàng xa và kêu lớn: Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi. Nghe tiếng kêu cứu của họ, Chúa Giêsu chạnh lòng thương Ngài truyền cho họ: Hãy đi trình diện với các thầy tư tế. Đang khi đi thì họ được sạch.” Theo luật Do Thái, những người bị bệnh phong cùi bị bắt buộc cách ly khỏi cộng đồng, họ phải sống ngoài hoang địa, nơi vắng vẻ. Các tư tế là những người có quyền thẩm định ai là người mắc bệnh phong và ai là người được khỏi. Vì thế, Chúa Giêsu truyền cho mười người phong cùi đến gặp các tư tế, để các tư tế xem xét và công bố cho mọi người biết rằng những người này được khỏi bệnh, được trở lại với cộng đồng.
Mười người phong cùi cùng đi gặp các tư tế, đang khi đi thì họ được sạch. Tuy nhiên, chỉ có một người khi thấy mình được khỏi bệnh thì quay lại gặp Đức Giêsu và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh này lại là người Samari, người dân ngoại. Chúa Giêsu lấy làm buồn cho những người kia vì họ đã vô ơn trước quyền năng của Thiên Chúa. Ngài hỏi: “thế còn chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người dân ngoại này?”.
Cũng giống như Naaman trong bài đọc một, người bệnh phong này là một người dân Samari, một dân tộc bị người Do Thái khinh bỉ. Nhưng khi đón nhận được ơn chữa lành từ Thiên Chúa, họ biết quay lại để bày tỏ lòng biết ơn bằng cách lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa, nói cho mọi người biết về quyền năng của Thiên Chúa. Trái lại, còn chín người Do Thái kia, mặc dù họ biết Thiên Chúa, họ đón nhận được ơn chữa lành của Ngài, vậy mà họ lại tỏ ra vô ơn đối với Thiên Chúa. Không dừng lại ở việc chữa lành phong cùi thể xác, Chúa Giêsu còn mở tâm hồn để người Samari này đón nhận đức tin: “Anh hãy đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” Câu chuyện sau đó còn cho biết: Anh xin đi theo Chúa, nhưng Chúa nói với anh: “Anh hãy về nhà và nói cho mọi người biết rằng Thiên Chúa đã yêu thương anh.” Nói cho mọi người biết rằng mình được Chúa yêu thương, là cách thể hiện lòng biết ơn mà Thiên Chúa muốn.
Như thế, lòng biết ơn mà Thiên Chúa muốn con người thể hiện chính là tin nhận và tôn vinh quyền năng Thiên Chúa, đồng thời nói cho mọi người biết về tình yêu Thiên Chúa đã ban tặng cho mình. Đối với người Công Giáo, lời tạ ơn đẹp nhất là việc tham dự thành lễ mỗi ngày. Vì qua thánh lễ, chúng ta cùng với Giáo Hội tôn vinh quyền năng của Thiên Chúa đồng thời cũng là lời công bố cho mọi người biết rằng Thiên Chúa yêu thương mình. Qua Thánh lễ, Giáo Hội cùng với con cái mình dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn cao quý nhất, đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Vì nơi thánh lễ chính Chúa Giêsu đã hiến tế thân mình làm của lễ ca tụng tôn vinh Thiên Chúa Cha và đem lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Thánh lễ vừa là hy tế của Đức Kitô đồng thời cũng là của lễ tạ ơn của Giáo Hội cùng với những hy sinh của toàn thể nhân loại được dâng lên Thiên Chúa Cha. 
Thưa quý OBACE, đón nhận ơn từ Thiên Chúa và biết bày tỏ lòng biết ơn là thái độ căn bản của con người. Đó cũng là lời nhắc nhở của Lời Chúa hôm nay. Mỗi ngày sống của chúng ta là mỗi ngày chúng ta đón nhận được tình thương và ơn lành của Chúa. Từ việc chúng ta được sinh ra trong gia đình có cha có mẹ, được hiện diện trên thế gian này là do ơn ban của Thiên Chúa. Từng hơi thở từng nhịp đập của trái tim mỗi người đều có sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúng ta được khôn lớn từng ngày, được ăn học, được có gia đình riêng, có vợ chồng, con cái, công việc và tất cả mọi sự chúng ta đang có đều là của Chúa ban cho. 
Mỗi ngày Chúa nhật, sau một tuần vất vả với công việc, niềm vui đan xen với nỗi buồn, chúng ta đến đây để tạ ơn Thiên Chúa về tất cả những điều tốt đẹp, những điều như ý muốn và cả những điều không không dám xin mà Chúa vẫn ban cho ta. Chúng ta đến đây cùng với Giáo Hội dâng thánh lễ này để bày tỏ lòng biết ơn chân thành của mình đối với Chúa. Tuy nhiên, có nhiều người đến đây nhưng không mang tâm tình biết ơn. Họ đến vì nghĩ rằng đây là một việc bắt buộc hơn là vì nhận ra ơn Chúa ban. Vì vậy, có những thái độ tham dự thánh lễ khác nhau: Có người chuyên tâm sốt sắng, có người mong cho hết giờ, người khác đến đây giống như đi dạo công viên, có những đôi bạn đến đây như chỗ hẹn hò, ngồi hút thuốc, ngắm cảnh, mà không có một lời tạ ơn, thiếu thái độ chân thành với Chúa. 
Đến tạ ơn Chúa mỗi ngày qua việc dâng thánh lễ, Chúa còn mở mắt tâm hồn để chúng ta có thể nhận ra quyền năng và sự quan phòng của Chúa trong cuộc đời. Chúa sẽ gia tăng niềm tin và ban sức mạnh giúp chúng ta có thêm năng lượng để bắt đầu một tuần lễ mới trong niềm hân hoan phấn khởi, cùng bước vào cuộc sống với sự hiện diện nâng đỡ của Chúa. 
Xin Chúa giúp chúng ta luôn nhận ra ơn Chúa và biết sống tâm tình tạ ơn Chúa mỗi ngày, đừng bao giờ để chúng ta trở thành kẻ vô ơn với Chúa. Xin cho chúng ta mỗi ngày Chúa nhật đến đây, mang theo tâm tình biết ơn chân thành và những tâm tư khắc khoải dâng lên Chúa cùng với mọi người làm thành của lễ tạ ơn và xin Chúa chúc phúc cho mình và gia đình. Amen
Lm.Giuse Đỗ Đức Trí

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...