11/02/2021
3346
Mồng Một Tết:
 
Phấn Đấu Tạo Mùa Xuân
         
Mùa Xuân là mùa của hoa. Những bông hoa góp phần làm thành nét đẹp của ngày Tết. Ngày Tết mà thiếu hoa sẽ mất đi rất nhiều vẻ đẹp đẽ vui tươi.
 
Tại Việt nam, hai loại hoa tiêu biểu cho ngày Tết là mai và đào. Trong Nam, mai rộ nở như ganh đua với nắng vàng rực rỡ. Ngoài Bắc, trong cái buốt giá của mùa Đông kéo dài, những cành đào tươi thắm chen giữa đám lộc non xanh biếc là một cánh thiệp báo tin vui mùa Xuân đến.
Nhìn những cánh hoa tươi thắm như đang cười đùa với nắng Xuân, mấy ai nghĩ rằng những cánh hoa kia đã phải trải qua một quá trình phấn đấu gian nan.
 
Thật vậy, trước khi mùa Xuân đến, những cây đào trơ trụi  như những xác chết không hồn. Những cây mai cũng bị tuốt sạch lá để trơ những cành khẳng khiu nom đến tội nghiệp.
 
Nhưng ai đã trồng hoa đều có kinh nghiệm là càng tuốt sạch lá càng có nhiều hoa. Chính những thân cây khẳng khiu trơ trụi ấy đã góp phần làm nên những bông hoa tươi đẹp trang điểm cho mùa Xuân, đem niềm vui đến cho con người, trở thành dấu hiệu của hạnh phúc, của thành công.
 
           Mùa Xuân, ta thường chúc nhau được thành công,  hạnh phúc. Đã thấy những cành cây trơ trụi mùa đông, rồi nhìn những bông hoa rực rỡ hôm nay, tôi hiểu rằng thành công và hạnh phúc ta đạt được cũng phải trải qua những phấn đấu như loài hoa. Để đạt được những  thành công thiêng liêng và hạnh phúc vĩnh cửu, ta càng phải noi gương loài hoa mà phấn đấu rất nhiều.
 
Phấn đấu loại bỏ những gì xưa cũ. Nếu những cây hoa không chịu tước bỏ lớp lá cũ già nua xấu xí thì làm sao có được những cánh lá non mơn mởn và nhất là làm sao có được những nụ hoa lộng lẫy vào mùa xuân.
 
           Tương tự như thế,  muốn đời sống  thiêng liêng sinh hoa kết quả, ta cũng phải từ bỏ những gì xưa cũ trong bản thân. Những gì xưa cũ là những gì không phù hợp với Phúc Âm, những gì ngăn cản ta tiến bước như thói lười biếng, thói giận hờn ganh ghét, thói ích kỷ, thói chia rẽ bất hoà, thói tự kiêu tự đại.
 
           Phấn đấu dồn hết năng lực vào mục tiêu chính. Mùa đông, người làm vườn tuốt lá, tỉa cành để khi mùa xuân đến, nhựa cây phong phú không phải tốn phí nuôi dưỡng những chiếc lá già nua, những cành cây thừa thãi vô bổ, nhưng dồn hết sức sống cho hoa, cho lá mới. Nhờ thế hoa càng thêm tươi, lá càng thêm xanh.
 
Con người cũng thế, muốn thành công và hạnh phúc, phải loại bỏ những gì tiêu phí năng lực, để dồn hết năng lực vào mục tiêu chính. Mục tiêu chính của ta là tập luyện lòng mến Chúa yêu người, là sống theo Tám Mối Phúc Thật. Chuyên tâm vào mục tiêu chính, ta sẽ dễ thành công.
           Sau cùng, phải phấn đấu vượt qua mọi gian khổ. Khi tuốt lá những cây mai, tôi thầm nghĩ : Nếu cây mai biết nói, chắc nó sẽ kêu lên đau đớn. Tuốt lá, tỉa cành làm cho cây đau đớn, mất mát, xấu xí khó coi. Nhưng chính nhờ vượt qua được những gian nan thử thách ấy mà cây hoa mới đạt đến mùa xuân tươi đẹp đem hương sắc cho đời.
 
           Để loại bỏ những gì xưa cũ và dồn hết năng lực vào mục tiêu chính, con người cũng phải phấn đấu rất nhiều. Phấn đấu từ bỏ mình. Không hành động theo bản năng, dục vọng. Không hành động theo ý riêng. Chỉ tìm thánh ý Thiên chúa. Những phấn đấu từ bỏ mình làm cho ta đớn đau. Nhưng chính những đớn đau đó góp phần tạo nên mùa xuân tươi đẹp.
 
Năm Mới, tôi cầu chúc tất cả anh chị em được nhiều ơn Chúa để có sức phấn đấu, tạo nên một mùa xuân tươi đẹp cho gia đình, cho đất nước và cho Nước Trời.
 
 
 
 
 
 
 
Mồng Hai Tết;
Mừng Xuân Với Những Liên Hệ
 
Dịp Tết, ta thường gửi thiệp chúc Tết, thăm viếng và tặng quà cho nhau. Những sinh hoạt ngày Tết như thế là những sinh hoạt của các mối liên hệ. Nếu không có những liên hệ, ngày Tết sẽ mất đi ý nghĩa của nó. Tết là của người khác chứ không phải của riêng mình. Vì thế, đối với trẻ em, Tết là những ngày hội vui. Nhưng đối với người trưởng thành, Tết là một trách nhiệm:
Người ta sống được ở đời là nhờ những liên hệ. Không ai có thể sống một mình. Ta cần có cha mẹ để có mặt ở đời. Ta cần có thầy cô để khai thông trí hoá. Ta cần có bạn bè để chia vui sẻ buồn. Ta cần người nông dân để có lúa gạo, rau trái. Ta cần có thợ may để có quần áo. Ta cần người quét đường để đường phố được sạch sẽ. Có thể nói tất cả những gì ta có được : từ sự sống đến kiến thức, từ cơm ăn áo mặc đến xe cộ, thuốc men, tất cả đều nhờ người khác.
 
Những mối liên hệ giống như những con đường chuyên chở đến cho ta những chất liệu nuôi dưỡng cuộc sống. Những mối liên hệ là những mạch máu đem máu đỏ đến tận những tế bào bé nhỏ nhất trong thân thể ta. Những mối liên hệ chính là chiếc tay vịn giúp ta leo lên những bậc thang làm người và thành đạt.
 
Đời ta có nhiều liên hệ. Có những liên hệ chiều rộng giúp cho cuộc đời thêm tươi đẹp phong phú. Có những liên hệ chiều sâu tạo thành bản chất cuộc đời. Gia đình với ông bà cha mẹ tổ tiên nằm trong mối liên hệ chiều sâu của đời ta. Không có ông bà cha mẹ tổ tiên, ta không có mặt ở đời. Ông bà cha mẹ là những hạt giống chịu vùi chôn dưới những lớp đất vất vả nhọc nhằn để cho cây đời ta được mọc lên xanh tươi. Ông bà cha mẹ đã tự nguyện quên bản thân mình, chịu mục nát như lớp phân bón cho cây đời chúng ta đơm bông kết trái. Ta là điểm tới của một quá trình phấn đấu gian nan dài đằng đẵng của ông bà cha mẹ. Nếu ví đời sống ta như một bông hoa thì những bông hoa ấy đã được tưới bằng những giọt mồ hôi và cả những giọt nước mắt của ông bà cha mẹ. Nếu ví đời ta như một toà nhà cao tầng thì ông bà cha mẹ chính là lớp nền móng chịu vùi chôn dưới lòng đất, còng lưng gánh chịu mọi sức nặng cho toà nhà đứng vững, phô trương vẻ đẹp với đời. Hạt mầm hiện hữu vì bông hoa sắp nở. Nền móng có mặt vì ngôi nhà sắp xây. Trọn một đời ông bà cha mẹ đều dành cho hạnh phúc của con cháu.
 
Đời sống mỗi người, vì thế, đều có một lịch sử rất dầy và rất sâu. Bề dầy ấy không chỉ đo bằng những trang sách của cuốn gia phả, nhưng còn đo bằng những trang đời của bao thế hệ tổ tiên. Độ sâu ấy không chỉ đo bằng những cố gắng của bản thân, mà còn đo bằng bề sâu ân nghĩa của biết bao hi sinh vất vả của ông bà cha mẹ.
 
Ngày Tết là ngày của những mối liên hệ. Mùng Một Tết, chúng ta đã sống mối liên hệ với Chúa, nguồn gốc và cứu cánh của đời ta. Mùng hai Tết, Giáo hội muốn chúng ta sống mối liên hệ với ông bà cha mẹ, những người thay mặt Chúa, trực tiếp ban sự sống cho ta.
 
Sự sống là món quà quý nhất nên mối liên hệ với người ban sự sống cũng là mối liên hệ sâu nhất. Tục lệ lập bàn thờ và kính nhớ tổ tiên trong ngày Tết là một nét văn hoá rất cao của người Việt Nam. Hình ảnh của ông bà cha mẹ trong nhà không chỉ nói lên sự sum họp của một gia đình đầm ấm, hình ảnh ấy còn nhắc ta về lòng biết ơn, cho ta nhìn thấy bề sâu bề dầy của lịch sử đời mình. Và vì thế giúp ta ý thức về trách nhiệm của mình đối với tổ tiên, đối với bản thân, và đối với những thế hệ kế tiếp.
 
Muốn xây một căn nhà thật cao thật đẹp, trước hết phải xây dựng nền móng vững chắc. Muốn xã hội tiến nhanh tiến mạnh, phải xây dựng gia đình vững chắc. Thờ kính tổ tiên, nhớ ông bà chính là nền tảng giúp xã hội tiến bộ vững mạnh.
 
Nếu những mối liên hệ là những con đường chuyển tải sự sống thì những liên hệ chiều sâu chính là những xa lộ huyết mạch. Nếu những mối liên hệ là những mạch máu nuôi dưỡng sự sống thì mối liên hệ chiều sâu chính là những động mạch chủ. Sửa chữa, củng cố và tăng cường những liên hệ gia đình chính là phát triển sự sống, phát triển xã hội.
 
Chính trong ý hướng đó mà Giáo hội muốn ta sống tình gia đình, lòng biết ơn ông bà cha mẹ trong ngày mùng Hai Tết.
 
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
 
 
 
 
 
Tân Niên: Cầu Bình An Cho Năm Mới
Suy niệm Tin Mừng Mt 6:25-34
 
Hòa hợp với Thiên Chúa
(Thiên - Nhân giao hòa)
 
         Đọc đoạn Tin Mừng Mt 6:25-34, vẫn thường được chúng ta gán cho cái tiêu đề‘Tin tưởng vào Chúa Quan Phòng’, trong bầu khí linh thiêng của ngày Tân Niên, người Công Giáo Việt Nam sẽ nhận ra ngay một chân lý: Đức Giêsu rõ ràng đang nhắc nhở tới việc tái lập trở lại sự hòa hợp nguyên thủy giữa con người với Thiên Chúa, một sự hòa hợp tuyệt diệu mà sách Sáng Thế chương 3 đã cho thấy hiện hữu từ lâu, trước cả khi nó bị tội lỗi phá hủy tận căn. 
         
Tuy nhiên bất chấp tội lỗi, sự hòa hợp này hình như vẫn còn tồn tại trong trời đất, vẫn là một qui luật mà vạn vật luôn tuân theo; chim đồng cỏ nội vẫn sống theo qui luật đó tự ngàn đời. Ngày nay người ta gọi đó là định luật thiên nhiên hay cân bằng sinh thái. Đức Giêsu đã chỉ cho thấy: cội nguồn của tình trạng hòa hợp này chính là Chúa Cha trên trời; “Cha anh em vẫn nuôi chim trời không gieo không gặt… mặc cho hoa huệ ngoài đồng không dệt tơ kéo sợi”. Điều này chứng tỏ: bon chen lo lắng của nhân tình thế thái chính là biểu hiện của mất hòa hợp sâu sắc giữa Nhân với Thiên, giữa con người và trời đất. Lúc khởi đầu sự hòa hợp này thật kỳ diệu: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1:27). Đó là tình trạng lý tưởng của thời khởi nguyên nơi vườn địa đàng: ‘Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen… và chúc lành cho họ’ (St 2:15). Tội nguyên tổ và tội lỗi con người, theo lối nhìn hòa hợp của người Á Đông (khác hẳn với lối nhìn nặng tính luật pháp của phương tây, nhất là của xã hội Rôma) không ngừng hủy hoại sự hòa hợp của trời đất; không riêng gì giữa Nhân với Thiên, mà cả giữa Nhân với Địa, thậm chí cả giữa Nhân với Nhân nữa. Như thế tin tưởng vào Chúa quan phòng - hay tiếp nhận ơn cứu độ - hay xây dựng niềm tin Kitô hữu sẽ được Hồn Việt chúng ta hiểu như một cuộc trở về với sự hòa hợp nguyên thủy: “Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì uống gì, hay mặc gì đây? Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó”. 
 
Hiểu như thế ta sẽ nhận ra đoạn Tin Mừng hàm chứa một nội dung thật sâu sắc: nhờ vào tình thương cứu độ của Đức Giêsu mà sự giao hòa (tức là tái lập sự hòa hợp hoàn hảo) giữa Thiên và Nhân được tái lập trở lại. Đức Giêsu – tác nhân của sự hòa hợp mới này chính là Adam mới, khai sinh một Nhân mới hoàn toàn hòa hợp với Thiên; sự hòa hợp lần này không dựa trên bản chất hoàn hảo của nhân, nhưng trên tình yêu nhân ái cứu độ của Thiên (Kitô). Phaolô diễn tả điều này trong ngôn ngữ và văn hóa Thánh Kinh như sau: “Nhờ đức tin chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta… mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa” (Rm 5:1-2).
 
Ngày đầu năm, người Công Giáo Việt Nam không chỉ cầu phúc xin Chúa chúc lành cho năm mới được an lành (cầu bình an cho năm mới), không chỉ phó thác tin tưởng nơi Chúa quan phòng để cuộc sống mình được bảo đảm ấm no, nhưng điều mà họ thực sự mong muốn là: làm sao mối tương quan Thiên – Nhân được hòa hợp hơn nữa; nói cách khác: điều họ ước nguyện và quyết tâm thực hiện trong năm mới là xây dựng cho bằng được mối tương quan hai chiều, và ra sức củng cố cho nó ngày càng thêm bền vững. Chúa Trời quan tâm và thuận với nhân hơn (điều này đã được bảo đảm qua mầu nhiệm Nhập Thể và Thập Giá của Đức Kitô), trong khi chính con người cũng phải ra sức quan tâm và thuận với Thiên hơn, qua việc ra sức đón lấy hồng ân cứu độ. Điều này được người Do Thái Cựu Ước diễn tả như thiết lập hay tái lập một giao ước hoàn hảo và bền chặt hơn với Đức Chúa Giavê, còn người Công Giáo Việt Nam chúng ta, trong văn hóa Thiên - Địa - Nhân, sẽ hướng hồn về một mối tương quan hòa hợp hơn nữa với Thiên Chúa là Cha, điều mà người Công Giáo chúng ta quen gọi là ‘thuận theo Thánh Ý Chúa’. Chúng ta muốn có thiên thời (hay đúng hơn ‘Thiên thời’) bằng bất cứ giá nào, trong bất cứ tình huống nào cho dầu thuận lợi hay nghịch cảnh, trong năm mới cũng như trong suốt cuộc sống chúng ta.
 
Mồng Một đầu năm, Hồn Việt Công Giáo cùng nhau dành thời giờ để tận hưởng sự giao thoa tuyệt diệu giữa Thiên Chúa nhân lành và loài người tội lỗi chúng ta! Và chúng ta vui hưởng năm mới như thời gian mở rộng cánh cửa đón nhận hồng ân cứu độ.
 
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Đức Giêsu làm người đã muốn luôn được thuận với Cha trong mọi sự và trong suốt cuộc đời. Ngay từ ngày đầu của năm mới này, chúng con mong muốn và quyết tâm đi vào mối tương quan Thiên - nhân hòa hợp với Cha. Về phần Cha thì đã quá rõ: qua Thập Giá Đức Kitô, chúng con biết rằng: mối tương quan Cha dành sẽ luôn là giao hòa bất chấp sự yếu hèn của con người. Về phần chúng con, chúng con quyết tâm xây dựng và củng cố sự hòa hợp với Cha nhân ái, cũng chính nhờ Thập Giá Đức Kitô, bất chấp những giới hạn và tội lỗi của mình. Xin giúp chúng con trong năm mới này biết gia tăng sự hòa hợp với Cha qua việc đón nhận và đi sâu vào lòng từ ái xót thương của Cha ngày càng sâu sắc và trọn vẹn hơn. Amen
 
Mồng Hai Tết
Kính Nhớ Tổ Tiên Và Ông Bà Cha Mẹ
Suy niệm Tin Mừng Mt 15:1-6
 
Hòa hợp với mọi người
(Nhân - Nhân giao hòa)
 
         Ngày Mồng Hai Tết được Lịch Công Giáo Việt Nam được gọi là: ngày ‘Kính Nhớ Tổ Tiên, Ông Bà Cha Mẹ’; nhiều người, vì hiểu lầm ‘kính nhớ’ (như kính nhớ các đẳng linh hồn), nên đã biến ngày này thành ngày cầu nguyện cho vong hồn tổ tiên ông bà cha mẹ. Theo quan niệm Nhân Hòa trong văn hóa Việt, ‘nhân’ đây gồm cả người sống lẫn kẻ chết, người thân cận cũng như kẻ xa lạ, và kính nhớ hay tôn kính được hiểu như kiến tạo một tương quan hòa hợp với hết mọi người, bắt đầu từ cận nhân, điển hình là tổ tiên, ông bà, cha mẹ, còn sống hay đã khuất núi. Đây là nền tảng của ‘đạo hiếu’, không chỉ được hiểu hạn hẹp như hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ (nhất là khi đã qua đời), nhưng còn là ‘hiếu’ cả với đồng bào, với dân nước, và xa hơn nữa là hiếu hay thuận thảo với toàn thể bàn dân thiên hạ (nhân hòa).
 
         Văn hóa Do Thái thời xa xa còn khá xa lạ với khái niệm ‘nhân hiếu’ này! Trong cuộc tranh luận về truyền thống với nhóm Pharisêu và các kinh sư, Đức Giêsu chỉ mới đề cập tới và chỉnh sửa một phần nhỏ cái mối tương quan xã hội đa diện vốn có nơi các thính giả Do Thái. Lấy một thí dụ: giới luật Cựu Ước qui định: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ’ được hiểu là chỉ khi các ngài còn sống chứ không đề cập chi tới lúc các ngài đã khuất bóng. Ấy vậy mà các kinh sư luật sĩ vẫn viện lý lẽ này nọ để tránh né bộn phận này: “Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa”. Rõ ràng cái tối thiểu của chữ hiếu chữ nhân họ còn chưa có nữa là. Chẳng trách sự hiểu biết ‘nhân hiếu’ của họ thật quá hạn hẹp, hoặc nếu có mở rộng hơn ra đôi chút thì cùng lắm cũng chỉ tới bạn bè thân quen là cùng; “… yêu thương những kẻ yêu thương mình” (Mt 5:46).
 
Trong cái văn hóa nhân hòa, Hồn Việt có khả năng hiểu sâu hơn các điều mà Đức Giêsu đã dạy trong chương 5 Phúc Âm Thánh Mátthêu mà Người gọi là ‘kiện toàn Luật Môsê’, như đừng giận ghét, chớ ngoại tình, đừng thề thốt, chớ trả thù, và nhất là yêu thương kẻ thù. Thiết tưởng bác ái của Tin Mừng, nếu phải diễn tả trong văn hóa thuần Việt, sẽ là đưa nhân hòa lên tới tột đỉnh và mở rộng nó ra, thoát khỏi mọi biên cương giới hạn của lòng dạ con người. Tin Mừng đồng thời cũng cống hiến cho Hồn Việt phương thế để thực hiện được cái lý tưởng nhân hòa đầy thử thách và cam go, thay vì chỉ mãi mãi là một mơ ước thanh tao cao đẹp trong những ngày đầu năm mới. Cái ‘hòa’ mà Tin Mừng cống hiến không chỉ là: vắng bóng các đố kị căng thẳng tranh chấp chia rẽ, nhưng đúng là giao hòa dựa trên ơn cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô Thập Giá chính là ‘Nhân Hòa’ đầu tiên và hoàn hảo của toàn thể lịch sử nhân loại khi Người không những giao hòa Trời với đất, mà còn giữa người với Người; “Lạy Cha, xin tha cho họ!” (Lc 35:34). Thánh Phaolô đã triển khai tư tưởng hòa giải này trong chương 5 thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô, trong khi Thánh Gioan đã dùng nó làm nền cho lời kêu gọi xây dựng nhân hòa giữa các tín hữu và với hết mọi người, “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối…” (1 Ga 4:20…)
         
Như vậy, nếu trong ngày Mồng Hai Tết người Công Giáo Việt Nam có cử hành bất cứ nghi lễ hay tập tục nào để kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình (còn sống hay đã qua đời) thì cái tâm của họ phải mở rộng hướng tới hết mọi người; chính sự rộng mở này sẽ giúp họ trong năm mới càng chấp nhận và triển khai Tin Mừng bác ái yêu thương của Đức Kitô cách sâu sắc và triệt để hơn. Họ thâm tín rằng: nhờ niềm tin vào ơn cứu độ giao hòa của Đức Kitô, chính họ sẽ trở thành tác nhân có khả năng biến niềm mơ ước mãnh liệt nhất của Hồn Việt, và của toàn thể nhân loại, trở thành hiện thực: ‘Tứ hải giai huynh đệ”.
         
         Lạy Đức Kitô - đấng giao hòa, trên Thập Giá Chúa không chỉ giao hòa nhân loại với Thiên Chúa (Thiên – Nhân) và còn giao hòa nhân loại với nhau (Nhân – Nhân). Trong ngày đầu xuân này, xin giúp con khởi động trở lại tiến trình giao hòa với mọi người, bắt đầu từ những người gần gũi với con hơn hết là Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ, còn sống hoặc đã qua đời. Xin cho việc kính nhớ các ngài càng thôi thúc con sống Tin Mừng cứu độ của Chúa cách trọn vẹn và quảng đại hơn trong mối tương quan với hết thảy mọi người trong suốt năm mới. Amen   
 
Mồng Ba Tết
Thánh Hóa Công Việc Làm Ăn
Suy niệm Tin Mừng Mt 25:14-30  
 
Hòa hợp với thiên nhiên
(Nhân - Địa giao hòa)
         
         Sách Sáng Thế mô tả thời khai nguyên hoàng kim như một không gian - thời gian trong đó con người và thiên nhiên hòa hợp với nhau cách hoàn hảo: “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Eđen, để cày cấy và vun trồng đất đai hoa màu…” (St 2:15). Khát vọng này vẫn là ước mơ của con người trải qua các thời đại, chỉ vì cái thực tế phũ phàng của tội mà sự hòa hợp nhân - địa đã và đang bị hủy hoại từng ngày, “…đất đai bị nguyền rủa vì ngươi, ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra” (St 3:17). Trong những ngày đầu năm mới Hồn Việt Công Giáo càng cảm thấy khát vọng tái lập ‘địa lợi’ nơi mình trỗi dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết.
         
Đối với mọi con người, nhưng nhất là với người Việt giầu tính nông nghiệp, được gần gũi với thiên nhiên là điều họ hằng khao khát, nhất là vào những ngày tân niên: họ đi hái lộc xuân, trưng bày cây trái bông kiểng trong nhà, và thắp nhang khấn vái để cầu được mưa thuận gió hòa. Hội Thánh Công Giáo Việt Nam (dựa trên ‘Lễ ngoại lịch’ của sách phụng vụ) tạm gọi ngày Mồng Ba Tết là ngày ‘thánh hóa công việc làm ăn’ hay dâng công ăn việc làm của mình cho Thiên Chúa. Đoạn Tin Mừng Mát-thêu 25:14-30 được trích dẫn ở đây thì cho ý tưởng làm sinh lời các yến bạc mỗi người nhận được thông qua việc chu toàn các chức phận được trao. Dù thế nào đi nữa thì ước vọng phổ quát vẫn là: làm sao cho Nhân và Địa được hòa hợp hơn. ‘Địa’ ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, đó là tất cả những gì liên quan tới sự sinh tồn của con người.
         
Trong môi trường khắc khổ của dân Do Thái thời cổ đại, có lẽ tương quan nhân - địa là lãnh vực không được mấy lưu tâm; một vài nét đơn sơ được phác họa trong Cựu Ước như ‘đất hứa’ phải là nơi ‘chảy sữa và mật’, và có ‘đất đai mầu mỡ và mưa thuận gió hòa’, chẳng qua đó là những mộng ước mà mọi người đều mong muốn cách khá thụ động. Họ chỉ nhận được nhờ phép lành Đức Chúa ban cho thông qua lời chúc phúc của các bậc tổ phụ (xem St 27:27-29); còn Tân Ước thì hình như lại càng ít quan tâm tới diện này, vì dành quan tâm chính cho chiều kích nội tâm.
         
Trong nếp văn hóa của người Á Đông nói chung và người Việt cách riêng, vấn đề sống hòa hợp với thiên nhiên luôn là một mảng đề tài khá đặc sắc và phong phú; chính vì thế mà phong thủy trở thành mối quan tâm phổ biến nơi rất nhiều người. Ngày nay con người thời đại phải đối diện với tình trạng ô nhiễm trầm trọng, đã bắt đầu quan tâm hơn tới việc sống hòa hợp với thiên nhiên dưới khẩu hiệu ‘bảo vệ môi trường sinh thái’. Gần đây hơn, trong giới Công Giáo và Tin Lành đã thấy xuất hiện thao thức đi tìm một linh đạo mới cho phù hợp với khuynh hướng chung này. Trong hội nghị quốc tế tháng 11/ 2012 tổ chức tại Vatican bàn về đề tài Apostolatus Maris (Tông đồ Đại dương), một số tham dự viên đã đề cập tới một nét linh đạo mới dành cho mục vụ giữa các thủy thủ hay ngư dân viễn dương. Có nên chăng hội nhập tư tưởng của Lão Giáo coi biển cả như người mẹ hiền (thần Nam Hải) dưỡng nuôi con người bằng các sản phẩm đại dương phong phú mà ta đón nhận với lòng tri ân thành kính …, thay vì chỉ nhìn đại dương cách thực dụng như chốn hiểm nguy đầy sóng gió cầu mong sao sớm được về tới bến an bình, hay một môi trường hữu dụng cần được khai thác hữu hiệu và lâu dài bằng một sách lược chung được mệnh danh là ‘bảo vệ môi trường sinh thái’? 
         
Trong triền tư tưởng trên, việc soạn ra một Thánh Lễ với bài Tin Mừng thích hợp cho ngày Mồng Ba Tết luôn là một thách đố, thay vì chỉ đơn thuần cử hành Thánh Lễ ngoại lịch sẵn có về thánh hóa công việc làm ăn (hay như Lịch Công Giáo đề nghị sử dụng đoạn Tin Mừng Mác-cô 7:1-13 có cùng một nội dung tương tự như Mt 6:25-34 dùng trong ngày Mồng Một Tết). Dẫu thế nào đi nữa thì khái niệm nhân - địa giao hòa này vẫn mang một nội dung đầy sắc thái Á Đông, nó có thể giúp người Công Giáo Việt Nam chúng ta có cái nhìn toàn diện và lạc quan hơn về Tin Mừng cứu rỗi, như Thánh Phaolô khi đề cập tới ‘trời mới đất mới’ hay “muôn loài thụ tạo lâm vào cảnh hư ảo… những ngong ngóng đợi chờ… và cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở…chờ đợi ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang” (Rm 8:18-23).
 
Thánh Lễ Mồng Ba Tết Nguyên Đán vì thế phải phác ra cho Hồn Việt Công Giáo một hướng linh đạo sống cho cả năm, chứ không chỉ đơn thuần cầu Chúa phúc phúc cho công việc làm ăn trong năm mới được thịnh đạt! 
 
         Lạy Cha là Chúa tể trời đất, khi giao hòa với con người, Cha cũng muốn cho con người giao hòa với nhau và hòa hơp hơn nữa với thiên nhiên. Trong việc đón nhận hồng ân cứu độ của Cha thông qua Thập Giá Đức Kitô, con bảo đảm được cho mình một ‘Thiên thời, Địa lợi và Nhân hòa’ mới, không chỉ trong năm mới này, mà còn suốt cả đời Kitô hữu nữa; bất chấp các yếu hèn và phản nghịch của con đối với Cha, những bất trắc của thiên nhiên hay lòng dạ đảo điên của con người. Xin cho con sống những ngày đầu năm này trong niềm tin tuyệt đối vào tình yêu cứu độ vô bờ bến của Cha. Amen
 
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Giao Thừa Điểm Dừng Nhìn Lại
 
Ở dòng đời có những lúc chúng ta cần dừng lại để lượng định và vươn tới. Giống như khi chúng ta leo lên các bậc thang những cảnh quan du lịch, người ta vẫn làm những điểm dừng chân cho khách bộ hành nghỉ ngơi, lấy lại sức và thêm nghị lực đi tới.
 
Cuộc đời cũng vậy, khi đã trải qua những nấc thang cuộc đời đầy gian nan vất vả. Có khi vấp vào đá lởm chởm, có khi là sình lầy trơn trượt, có khi là nắng gắt chói chan . . . Những lúc mệt mỏi trên dặm trường, chúng ta cũng muốn có những nơi, những thời gian thuận tiện để dừng lại nghỉ ngơi, thêm sức, thêm nghị lực. Vì cuộc đời không sao tránh khỏi khó khăn. Cuộc đời ai mà chẳng có những nốt thăng, nốt trầm ngân nga trong dòng đời xuôi ngược. Dầu phải ngược nắng, ngược gió, ngược cả đôi dòng lệ nhưng hành trình buộc con người luôn phải tiến về phía trước. Dầu tâm trạng vui hay buồn. Dầu đường đi trải nhựa hay sỏi đá. Con người không có lựa chọn thay đổi hành trình. Có chăng chỉ là dừng chân đôi chút để rồi vẫn phải xuôi theo dòng đời.
 
 Năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến. Ai cũng mong muốn năm mới sẽ tốt đẹp hơn. Và thời khắc giao thừa nó như là điểm dừng để nghỉ ngơi lấy lại sức cho hành trình năm mới. Tới giây phút giao thừa ta mới thở phào nhẹ nhõm mà bảo với lòng mình. Thôi kệ, cứ quên đi những chuyện đã qua. Cứ nghỉ ngơi vui chơi cho thanh thản để lấy lại sức sống mới cho hành trình tiến vào tương lai. Chuyện gì đã tới hãy để cho qua mà nghỉ ngời, mà vui trong những ngày xuân của trời đất đẹp xinh.
 
Trong chặng dừng của giây phút giao thừa này, cũng là dịp để chúng ta nhìn lại vấn đề khó khăn nằm ở đâu? Nút thắt nào cần tháo cởi? Điều gì cần thay đổi cho hành trình nhẹ nhàng và thanh thoát hơn?
 
Thực ra, cuộc sống là cần có sự thay đổi. Thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh cuộc sống đang diễn ra. Con người không thích ứng là tự đào thải mình ra khỏi sự phát triển của xã hội.
 
Một năm qua với những biến động của xã hội từ dịch bệnh lan tràn đến cuộc bầu cử đầy thị phi của Hoa Kỳ, cho chúng ta thấy những đấu đá, tranh giành quyền lực rồi cũng có ngày phải buông ra để nhường lại cho người khác. Dịch bệnh, mưa lũ còn cho ta nhìn rõ hơn về kiếp người thật mong manh và đời quá phù du. Dịch bệnh và thiên tai có thể lấy đi mạng sống của người giầu cũng như nghèo. Người quyền thế cũng như kẻ thấp hèn đều mong manh như hạt sương mai tuy đẹp nhưng cũng mau tan biến.
 
Nếu nhìn đời quá ngắn ngủi, thử hỏi có gì đáng để ta tranh giành? Đôi khi vì những tranh giành ấy khiến chúng ta mất vui, mất hạnh phúc và luôn mệt mỏi, thất vọng như có ai đó đã viết:
Tranh giành với người thân, ắt sẽ xa lánh nhau, cái được chẳng bù cho cái mất.
Tranh giành với vợ hoặc chồng, chỉ có thể khiến cho cuộc sống tăng thêm mâu thuẫn, thiếu mất sự yên bình.
Tranh giành với bạn bè, chỉ có thể khiến cho tình cảm ngày càng thêm nhạt, dần dần trở nên xa lạ.
 
Giá trị cuộc sống là hạnh phúc. Nhưng cuộc sống mà cứ phải kèn cựa tranh giành nhau làm sao vui? Gía trị cuộc sống là bình yên mà cứ tranh giành đấu đá nhau chiếc ghế quyền lực thì làm sao tâm an bình? Thế nên, hãy buông bỏ danh lợi thú thì tâm hồn mới bình an hạnh phúc.
 
Là người Kitô hữu chúng ta còn có Thiên Chúa là Đấng quan phòng chở che. Hãy tin vào Ngài. Hãy tín thác vào quyền năng đầy tình thương của Chúa. Hãy sống ngay lành. Hãy sống thiện tâm. Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa còn các sự khác Ngài sẽ ban cho chúng ta sau. Vì Chúa đã nói: "Hãy xin thì sẽ được; hãy tìm thì sẽ gặp; hãy gõ cửa thì sẽ mở cho.
 
Trong giây phút giao thừa chúng ta hãy đến với Đấng tạo hóa để trao vào tay Ngài gánh nặng của cuộc sống, cũng như những lo toan, tất bật của kiếp người. Xin Ngài hãy làm chủ cuộc đời chúng ta. Có Ngài chúng ta sẽ an vui vì chính Chúa Giê-su đã nói: “Cha các con, Ðấng ở trên trời, sẽ ban những sự lành biết bao cho kẻ cầu khẩn Người?”
 
Xin Chúa là Cha nhân lành ban cho chúng ta giây phút giao thừa bình an hạnh phúc và xin lì xì cho chúng ta một năm mới bình an. Amen
 
Mồng Một Tết;
 
Câu Chuyện Đầu Năm
 
Nghe xuân sang thấy trong lòng mình chứa chan.
Tiếng hát vui vang đó đây ôi rộn ràng…”
 
Không khí Xuân luôn kèm theo tiếng nhạc rộn ràng khắp nơi. Mà dường như, tết đến xuân về, khắp mọi phố phường hay thôn quê ta vẫn nghe ngân vang lên những giai điệu du dương về mùa xuân làm lòng người lại xốn xang, háo hức và mong chờ. Và hình như với người Việt Nam, Tết không thể thiếu âm nhạc và âm nhạc là cầu nối đưa con người cảm nhận không khí Tết dễ dàng hơn. Những ca khúc về mùa xuân thường có giai điệu vui tươi, rộn ràng, và luôn trao gửi những lời chúc xuân tốt lành đầy yêu thương tới mọi người.
 
Bài hát “Câu chuyện đầu năm được nhạc sĩ Hoài An viết nên là những cảm xúc tâm trạng trong những ngày đầu năm, đó là những bộn bề, những lo toan, ruột rối tơ tằm, những điều không hay trong năm cũ hy vọng sẽ được trôi qua, bước sang một năm mới với nhiều ước vọng chờ mong,…
Bài hát với ca từ giản dị nhưng đi sâu vào lòng người:
“Trên đường đi lễ xuân đầu năm
Qua một năm ruột rối tơ tằm
Năm mới nhiều ước vọng chờ mong
May nhiều rủi ít ngóng trông
Vui cùng pháo nổ rượu hồng”.
 
Trong “Câu chuyện đầu năm” có hình ảnh hoa mai, gợi không khí mùa xuân ấm áp của vùng đất mẹ phương Nam với con người cởi mở chân thành và thân thiện:
“Xuân mang niềm tin tới
Bao la nguồn yêu mới
Như hoa mai nở phơi phới”.
Thế gian thay nụ cười,
đón cho nhau cuộc đời
Trên đất mẹ vui khắp nơi..
 
Càng đi sâu vào bài hát ta mới thấy nét đẹp của ngày xuân là cùng nhau vui xuân và cùng nhau khấn nguyện để kết chặt tình thân, hy vọng sang năm mới gặp được bạn hiền cùng chia sẻ và giúp nhau vượt qua mọi gian khó trong cuộc đời.
Xuân gieo lộc khắp chốn, xuân đi rồi xuân đến
Cho dân gian đầy lưu luyến
Đón xuân trên mọi miền, viết thư thăm bạn hiền
Một lời nguyền xin chớ quên
 
Hôm nay ngày đầu xuân chúng ta trao gởi nỗi niềm ước mơ của mình cho Đấng Tạo hoá – Đấng Càn Khôn. Ngài là Đấng làm cho đất trời thay đổi theo bốn mùa: Xuân – Hạ – Thu – Đông. Và chỉ có Ngài mới làm cho ước mơ ngày xuân trở thành hiện thực. Vì “mưu sự tại nhân – thành sự tại thiên”. Sự toan tính là của con người, nhưng điều đó có thành hiện thực hay không lại tùy thuộc vào ơn ban của Trời. Đây cũng là niềm tin của người Kitô hữu, vì mọi sự đều nhờ bởi ơn Chúa, chính Chúa là Đấng ban phát mọi ơn lành, là Đấng phù trợ và bảo vệ cuộc đời chúng ta. Niềm tin này không phải là niềm tin mông lung, nhưng dựa trên chính lời hứa của Chúa Giêsu: “Các con đừng lo chi ngày mai sẽ ra sao. Hãy xem chim trời, hãy nhìn xem hoa huệ ngoài đồng, chúng không hề lo lắng ngày mai sẽ ra sao”. Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta khi dòng đời có khó khăn, khi cuộc đời gặp bất hạnh “Hãy trút mọi nỗi lo âu cho Người và Người sẽ lo cho anh em”.
 
Chúng ta hãy dâng lên Chúa Xuân những ước mơ, những hoài bão của chúng ta trong niềm tín thác vào Chúa. Xin Người ban phúc lành và ban cho chúng ta một năm mới bình an và tràn ngập niềm yêu thương con người dành cho nhau. Và riêng tôi cũng mong và xin cầu chúc cho quý ông bà và anh chị em một năm mới luôn gặp may và ôm nàng xuân đẹp vào tay như câu hát:
‘Mong đầu năm cuối năm gặp may,
Gia đình luôn hạnh phúc vơi đầy
Trên bước đường danh lợi rồng mây
Duyên vừa đẹp ý đắp xây
Ôm nàng Xuân đẹp vào tay!’
 
Xin chúc nhau một mùa xuân an vui bằng một tràng pháo tay.
 
Mồng Hai Tết:
Ký Ức Gia Đình Trong Tôi
 
Nếu có một nơi bình yên nhất trên thế gian này, nơi đó sẽ chẳng phải đâu khác ngoài gia đình. Khi chúng ta còn bé thơ, gia đình là mái ấm bảo vệ, che chở, yêu thương và nuôi dưỡng. Khi trưởng thành, gia đình lại trở thành hậu phương, ủng hộ, cổ vũ, tiếp lửa cho chúng ta mạnh dạn và hăng hái bước vào đời. Và rồi khi vất vả bôn ba trong chốn chợ đời, sẽ có lúc chúng ta cảm thấy nhớ nhà, và thèm về với mái ấm gia đình. Nơi đó luôn cho ta cảm giác bình yên, hạnh phúc và ước gì được quay trở lại nơi mái nhà xưa.
 
Đây có thể là tâm trạng của nhạc sĩ Trần Tiến, khi ông hoài niệm về mái ấm gia đình xưa. Ông đã phác họa lại từ trong ký ức sâu thẳm của mình hình ảnh một gia đình nghèo khó nhưng đầm ấm tình gia đình. Ở đó có hình ảnh của cha từ chinh chiến trở về, nên mang tâm trạng u buồn vì chí lớn không thành. Ở đó có người mẹ âm thầm chịu đựng vất vả may vá thêu thùa. Ở đó có anh, có chị hát ru em những bài ca cổ nhưng đầy nhân văn. Cảm nhận về tình cảm gia đình đầm ấm nên ông đã viết ca khúc “Mẹ tôi” với ca từ như sau:
Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con
Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi ngớ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa 
Ngày xưa cha ngồi uống rượu -mẹ ngồi đan áo, ngoài hiên
Mùa đông cây bàng lá đổ
 
Quả thực, với khung cảnh nhà quê với người cha còn mang nhiều tâm trạng, ngày đó nhà nghèo, trời lạnh mẹ phải tự đan áo len cho từng đứa con mặc khi mùa đông về.
 
Và cái ngày đó, cha mẹ vất vả đi làm thâu đêm suốt sáng nên việc chăm sóc đám trẻ phải nhờ bàn tay của những ngừơi chị lo cho đàn em. Hình ảnh đó thật bình yên lạ thường.
Ngày xưa chị hát vu vơ những câu ca cổ cho em nằm mơ
Ngày xưa mẹ đắp cho con tấm khăn quàng cổ ấm hơi mẹ tôi 
Ngày xưa bên giường cha nằm -mẹ ngồi xa vắng
Nhìn cha, thương cha chí lớn không thành.
Tác giả khi chọn câu đầu tiên của bài hát Mẹ ơi con đã già rồi” khiến chúng ta liên tưởng tới một người mẹ già lắm rồi, không còn nghe rõ con nói, nên con phải gào thét thật to, nhưng xem ra vô vọng, vì mẹ đã không còn khả năng để nghe con nói, và rồi cao trào của âm thanh mỗi lúc một to thêm:
" Biển sóng thét gào một ngày nhớ mẹ sóng trào khơi xa 
Trời gió mây ngàn một ngày khóc mẹ trăng tàn sao rơi.
 
Và một mai khi khôn lớn, ta có thể tự mình dấn thân bước vào cuộc sống và đối diện với bao gian khó cuộc đời.
Thế nhưng ta nào biết được rằng dưới mái hiên xưa, cha mẹ vẫn mỏi mòn ngóng đợi tin tức của con.
Dẫu cho bao mùa trăng lúc tròn lúc khuyết
Dẫu cho con nước lớn nước ròng
Rồi có một lúc trong một thoáng suy tư ta lại bồi hồi nhớ về mẹ cha, nhớ về kỷ niệm xưa cũ nơi quê nhà. Để rồi ta muốn tìm lại cánh đồng, với gió nồng cho ta giấc ngủ ban trưa, tiếng chim níu lo ngày mới và không gian dậy thơm mùi hương lúa.
Rồi một ngày nào đó ta trở về, ta cứ tưởng rằng với sự thành đạt hiện giờ ta có thể bù đắp lại công ơn nuôi dưỡng của mẹ cha. Có thể cùng gia đình hạnh phúc đoàn tụ sau bao năm xa cách.
Thế nhưng, ta nào biết được rằng: cha mẹ đã già theo năm tháng, yếu đau triền miên, hay người đã nằm yên trong cát bụi cuộc đời.
Lúc này, người con mới ngậm ngùi nói rằng:
Mẹ ơi! Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình.
Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ.
Trèo lên dãy núi thiên thai ối a mẹ ngồi trông áng mây vàng 
Mẹ ơi! Hãy dắt con theo ối a để con mãi mãi bên mẹ.
Trèo lên dãy núi thiên thai ối a mẹ tôi về đâu?
Ngàn năm mây trắng bay theo ối a mẹ ơi -mẹ-mẹ về đâu?
 
Vâng, kính thưa quý vị, Mẹ mất đi cũng là định luật của con người, nhưng con vẫn nhớ rằng : Dù cho phú quý vinh quang  ... Vinh quang không bằng có mẹ
 
Hôm nay ngày Mồng Hai Tết Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy dành trọn ngày này để tỏ lòng hiếu kính với ông bà cha mẹ. Vì trong đời một người, không ai có công lao với mình bằng cha mẹ. Và càng không có ai dám hy sinh một đời vì chúng ta ngoài cha mẹ. Ơn sinh thành, công dưỡng dục của cha mẹ thật lớn lao đến nỗi việc hiếu kính tổ tiên đã trở thành đạo của cả dân tộc Việt Nam:
Tu đâu cho bằng tu nhà- Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”.
 
Lòng hiếu thảo, đạo làm con ấy được Thiên Chúa quy định trong giới răn thứ tư: “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ ngươi”. Đây là giới răn duy nhất trong 10 giới răn nhận được lời chúc phúc nếu tuân giữ một cách trọn vẹn sẽ được sống lâu trên mặt đất. “Hãy thảo kính cha mẹ ngươi thì ngươi sẽ được sống lâu trên mặt đất” .
 
Ước gì chúng ta  hãy biết sống hiếu thuận với những người trong gia đình. Đừng để những nỗi đau cho người thân bằng thói lười biếng, trốn tránh trách nhiệm. Hãy sống một cuộc sống để nếu một mai ta không còn nữa, kẻ ở lại nhớ về ta trong nỗi nhớ xót thương hơn là cay đắng, quặn đau. Amen
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Mng Ba Tết:
 
Đừng Cậy Vào Sức Người Sức Trâu
 
Năm nay, được gọi là năm con Trâu. Một con vật gắn bó với con người, luôn đi chung với con người, luôn làm theo ý của chủ mình, như ca dao xưa thường nói:
Rủ nhau đi cấy đi cầy,
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu,
Trên đồng cạn,dưới đồng sâu,
Chồng cầy,vợ cấy, con trâu đi bừa.”
 
Sự gắn bó, chia sẻ việc đồng áng của con trâu khiến người ta nhân cách hoá con vật như là loài hiểu biết để có thể nói với trâu như nói với bạn:
Trâu ơi ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cầy với ta,
Cầy cấy nối nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
Khi nào cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn".
 
Tuy nhiên, dầu sức người, sức trâu có khỏe mấy cũng chỉ là “dã tràng se cát biển đông” nếu Trời không cho mưa thuận gió hòa. Thế nên, từ lâu cha ông ta vẫn luôn cầu Trời ban cho mưa thuận gió hòa để cuộc sống được ấm no hạnh phúc, để công việc đồng áng được thuận lợi quanh năm.
“Nhờ Trời mưa thuận gió hoà
Nào cày, nào cấy trẻ già đua nhau.
 
Vì thế, từ lâu người Việt Nam đã biết có ông Trời. Tin ông Trời. Cầu khẩn ông Trời. ông Trời trở thành một thần linh luôn đồng hành với con người qua mọi thăng trầm. Tuy không rõ Ông Trời thế nào  nhưng không ai lại không kính Trời. Ai cũng sợ Trời và cố gắng làm vui lòng Trời. Vì ông trời làm chủ vận mệnh muôn loài. Ông Trời quyền phép vô cùng. Thế nên,
Mưu sự tại nhân – Thành sự tại thiên
Trời cho ai nấy hưởng
Sống nhờ ơn Trời – Chết về chầu Trời.
 
Niềm tin Kitô giáo cho chúng ta biết ông Trời của người Việt Nam chính là Thiên Chúa, Ngài là Chúa Cả Trời đất, chính Ngài chúc phúc cho công việc của con người được “thuận buồm xuôi gió” như lời thánh Phaolo quả quyết :”Phaolô trồng, Apollô tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới làm cho mọc lên” (1Cr 3,6). Điều này cho ta thấy, Thiên Chúa chỉ chúc lành cho công việc của con người, đúng như câu ca dao xưa: “Có làm thì mới có ăn. Không dưng ai dễ mang phần cho ta”.
 
Chính Ngôi Hai Thiên Chúa đến trong thế giới, Ngài đã sinh ra trong một gia đình lao động, qua đó Chúa nâng đời sống lao động và thánh hoá đời sống lao động, Chúa làm gương về đời sống phục vụ, mỗi giọt mồ hôi, mỗi sự mệt mỏi trong lao động của Chúa Giêsu đều mặc một giá trị cứu rỗi. Con người luôn phải ý thức lời Kinh Thánh viết, hướng dẫn và chỉ bảo:
"Bốn mùa Chúa đổ hồng ân,
Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi" ( Tv 64, 2 )
 
Vì thế, người tín hữu Việt Nam luôn có một thói quen tốt lành là dâng mọi công việc làm của mình cho Thiên Chúa trong ngày đầu năm mới. Đây gọi là thánh hóa công ăn việc làm cho Thiên Chúa.  Thánh hoá công ăn việc làm là xin Chúa lau sạch những giọt mồ hôi vất vả đổ ra vì sự làm việc của chúng taThánh hoá công ăn việc làm là cầu xin Chúa chúc lành cho nghề nghiệp của chúng ta trở nên hữu ích, không chỉ  làm ra của cải mà còn phục vụ tha nhân trong tình bác ái; thánh hoá công ăn việc làm là cầu xin Chúa hướng dẫn chúng ta sử dụng tay nghề ngày càng tốt hơn để làm góp phần xây dựng quê hương ngày một giầu đẹp hơn.
 
Trong ngày lễ thánh hoá công việc làm ăn hôm nay, chúng ta cũng cầu xin cho những ai đang thất nghiệp có công việc làm ăn để nuôi sống bản thânCầu chúc cho mọi gia đình trong năm mới luôn tìm được niềm vui của sự chia sẻ của các thành viên trong gia đình, nhờ đó mà chúng ta có thể vẽ lên bức tranh thanh thản, bình an nơi gia đình như câu ca dao xưa: “chồng cầy vợ cấy, con trâu đi cầy”.
 
Cầu chúc cho mọi người có sức khỏe để “cày như Trâu” , chúc cho mọi người một năm mưa thuận gió hòa , người người người tận tụy, chăm chỉ làm ăn và sống hiền hòa bên nhau. Và cầuchúc cho anh em chị em một năm mới:
Phước lộc ơn trời tuôn đổ mãi
An bình hạnh phúc chẳng hề vơi”. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Những Bông Hoa Của Tâm Hồn
(Suy niệm đầu xuân)
 
Hoa làm cho lòng người vui thích hoan hỉ. Trong những ngày lễ, ngày tết, dù không sẵn tiền bạc, người ta vẫn cố dành dụm để mua một vài chậu hoa, ít nữa là mấy bình hoa tươi. Tết mà không có hoa là không ra tết.
Những festival về hoa đã lôi cuốn được rất nhiều du khách thưởng ngoạn. Nhiều vườn hoa đẹp đã làm ngây ngất nhiều người chiêm quan.
Hoa tô điểm trái đất, hoa làm đẹp phố phường làng mạc, hoa làm đẹp mọi ngôi nhà...
Thiếu hoa, đời mất đẹp, mất vui, mất ý nghĩa. Thế giới nầy buồn tẻ biết bao nếu thiếu vắng các loài hoa. 
Thế nhưng, dù đẹp bao nhiêu, hoa cũng chỉ là thứ sớm nở tối tàn. Hương của hoa có thơm lừng đi nữa, cũng chỉ toả ra trong một thời gian ngắn.
 
Vậy thì tìm đâu cho được một thứ hoa vừa đẹp vừa lâu tàn, vừa toả ngát hương nhưng không úa tàn theo năm tháng?
 
Làm gì có thứ hoa đó trên đời!
Có đấy, thưa quý vị.
 
Tôi đã thấy, đã gặp rất nhiều bông hoa rất đẹp, đẹp tuyệt vời, lại toả hương rất thơm và đặc biệt là vẻ đẹp của những hoa nầy rất bền lâu, hương thơm của những bông hoa nầy quyện mãi trong thời gian và không gian...
 
Đến đây chắc có người muốn hỏi: Hãy chỉ cho chúng tôi xem đó là thứ hoa gì?
 
Thưa, đó là những bông hoa của tâm hồn!
Vô vàn vô số những bông hoa tâm hồn rất đẹp, rất xinh và đang toả hương chung quanh chúng ta nhưng nhiều khi vì vô tình chúng ta không để ý.
Xin hãy nhìn xem bông hoa của những lời nói lịch sự. Hãy ngắm bông hoa của lòng đạo đức. Hãy chiêm ngưỡng vẻ đẹp của lòng hy sinh phục vụ. Hãy thưởng thức hương thơm của hoa nhân ái... Những bông hoa này làm gia tăng giá trị của chủ nó lên rất cao. Ai mà chẳng mến phục những người đạo đức; Ai mà chẳng yêu quý những tâm hồn thánh thiện, vị tha, quên mình hy sinh cho người khác; Ai mà chẳng tôn trọng những người nói năng lịch sự, lễ phép…
 
Vô vàn bông hoa của tâm hồn như thế đã tô điểm cuộc sống của chúng ta, làm ấm lòng chúng ta. Biết bao bông hoa của tâm hồn thơm tho như thế vẫn toả hương khắp thôn xóm chúng ta và đem lại hạnh phúc cho mọi nhà.
 
Bông hoa của trời đất sớm nở tối tàn, nhưng những bông hoa của tâm hồn vẫn thắm tươi qua rất nhiều năm tháng. Hương hoa của thế giới thực vật chỉ toả lan trong phạm vi nhỏ hẹp chỉ trong nay mai, nhưng hương thơm của những bông hoa tâm hồn ngan ngát suốt hàng trăm năm và hơn thế nữa.
 
Khi có dịp tiếp xúc với người chung quanh, tôi gặp thấy nhiều bông hoa rất đẹp, rất cao quý, rất thơm tho của tâm hồn họ. Tôi vô cùng yêu quý, trân trọng những bông hoa như thế. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì được sống gần những bông hoa như thế. 
 
Tuy nhiên, điều đáng buồn là bên cạnh những bông hoa tâm hồn tươi đẹp, thơm ngát, đáng yêu, đáng quý, đáng trọng đó…  lại có những thứ gai góc của tâm hồn, đó là những tâm hồn đầy gai góc.
 
Những ai có tâm hồn đầy gai góc?
Đó là những người hung dữ, độc ác, ích kỷ, tham lam, vô cảm, thô lỗ và nhiều loại tính xấu khác. Những thứ gai góc của tâm hồn này làm cho những người tiếp xúc với họ cảm thấy nhức nhối, khó chịu… Thế là người đời khinh dể và xa lánh họ. Người ta cảm thấy bất hạnh, và thậm chí là vô phúc, khi phải sống chung với những những con người như thế.
 
Hôm nay, ngày đầu năm, ngày mọi người nô nức tìm hoa, chưng hoa, thưởng thức vẻ đẹp của muôn hoa, xin Chúa giúp chúng ta biết đua nhau vun trồng nhiều hoa đẹp trong khu vườn tâm hồn mình.
 
Ai chưa có những bông hoa tâm hồn, thì xin Chúa giúp họ biết trồng thêm hoa.
Ai đã có nhiều hoa thơm, hoa đẹp rồi thì xin Chúa giúp họ biết trân trọng, gìn giữ chăm sóc chúng và đừng để chúng lụi tàn…
 
Nhờ đó, làng xóm chúng ta trở thành một vườn hoa trăm sắc muôn hương, tô điểm trần gian, làm ấm lòng người, đem lại hoan lạc cho bao người và làm vinh danh Thiên Chúa.
 
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...