KHIÊM NHƯỜNG VÀ DŨNG CẢM NHƯ THÁNH MÁCCÔ
            Chúa Giêsu khi muốn chọn ai, Ngài đã cầu nguyện lâu giờ vì việc tuyển chọn con người là một công việc hết sức quan trọng. Chúa chọn ai là do quyết địnnh hoàn toàn tự do của Ngài. Ơn gọi của một con người nói lên tình thương và sự nhưng không của Chúa Giêsu. Vì yêu con người, Chúa đến trần gian và cũng vì yêu con người, Ngài tuyển chọn, cất nhắc con người với tất cả sự tự do của Ngài. Thánh Máccô là người Do Thái, thuộc dòng họ Lêvi. Sau khi Chúa lên trời, thámh nhân theo thánh Phêrô, vị tông đồ trưởng sang La mã. 
            Thánh nhân được thánh Phêrô trìu mến và yêu thương, nâng đỡ cách đặc biệt. Thánh Máccô hăng say giảng đạo và nhờ lòng nhiệt thành, hăng say loan báo Tin Mừng cho Chúa Giêsu, nhiều người đã quay trở về với Chúa và Giáo Hội. Số người trở lại càng ngày càng đông, nhưng không có một tài liệu nào để giúp giáo dân học hỏi và tham khảo. Nhiều người ao ước có một bản viết về cuộc đời của Chúa Cứu Thế.
            Dựa vào bút pháp của Máccô, chúng ta cố gắng tìm hiểu tính khí của ngài. Tính chất sống động của Phúc âm thứ II biểu lộ rõ chứng tích mục kiến của Phêrô, chứ không phải của Marcô, dầu có thể là Marcô đã chứng kiến việc bắt bớ Chúa Giêsu vì các nhà chú giải đồng hóa ngài với người thanh niên vô danh bỏ chạy mình trần (Mc 14,50-52). Dầu vậy, thánh Máccô không phải là một máy ghi âm diễn lại lời của Phêrô, ngài là tác giả ghi lại ký ức của Phêrô với bút pháp riêng. Ngài là người ít lời (673 câu so với 1068 câu nơi Matthêu) và có giọng văn không chải chuốt.
                    Với những yêu cầu và khao khát của nhiều người. Thánh Máccô đã viết lại cuộc đời của Chúa Giêsu một cách mạch lạc và rõ ràng theo chương mục dựa theo lời giảng dạy của thánh Phêrô. Thánh Phêrô đã cho phép phổ biến và dùng trong giáo đoàn. Thánh Mác-cô sau đó đã được thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi sai đi truyền giáo ở Ai Cập. Với lòng nhiệt thành, đạo đức, tài hùng biện và lợi khẩu, thánh nhân đã đưa rất nhiều linh hồn về với Chúa. Thánh Máccô là vị sáng lập và là Giám Mục đầu tiên của giáo đoàn Alexandria.
            Được Chúa mời gọi, thánh Máccô đã đáp trả lại lời gọi mời yêu thương của Chúa. Với lòng đạo đức, trí thông minh, sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, thánh Mác-cô đã đem muôn vàn người trở về với Chúa. Vì ghen tức, ích kỷ, những lương dân đã quyết tâm hãm hại Người. Họ đã bắt thánh nhân với mục đích lăng mạ, bêu xấu Ngài và lôi kéo Ngài trên đường đá ghồ ghề, lởm chởm cho tới khi Ngài trút hơi thở cuối cùng vào ngày 25 tháng 4 năm 67.
            Với những công đức to lớn, với cuốn Tin Mừng thánh Máccô để lại, danh của thánh nhân mãi mãi ngời sáng trong Giáo Hội và triều thiên vinh hiển Thiên Chúa trao cho Ngài muôn đời sẽ rực sáng trên nước trời. Mãi mãi nhân loại và đặc biệt Giáo Hội sẽ tôn vinh thánh nhân vì lòng nhiệt thành, sự thánh thiện và gương sáng thánh nhân để lại cho dân Chúa.
            Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo. 
            Hôm nay, chúng ta đọc những lời này trong Ca Nhập Lễ.  Đây là sứ vụ tông đồ Chúa đã ban và thánh Máccô đã ghi lại.  Về sau, được ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, thánh nhân đã minh chứng lệnh truyền ấy đã được thực hiện khi ngài chép Tin Mừng: Các tông đồ ra đi và rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố tin mừng bằng những phép lạ kèm theo.  Đó là những lời thánh Máccô kết thúc Tin Mừng của ngài. 
            Thánh Máccô đã trung thành với sứ vụ tông đồ mà ngài đã nghe qua lời giảng của thánh Phêrô : Hãy đi khắp thế gian.  Chính thánh Máccô và Tin Mừng của Ngài đã là một thứ men hiệu quả cho thời đại ngài. Chúng ta cũng phải trở nên một thứ men tốt cho thời đại chúng ta.  Nếu sau lần nhát đảm, thánh nhân đã không khiêm nhượng và dũng cảm làm lại, có lẽ giờ đây chúng ta không có những kho tàng lời giảng và việc làm của Chúa Giêsu để thường xuyên suy gẫm, và nhiều người, nếu không nhờ ngài, chắc cũng chẳng bao giờ biết được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của nhân loại.
            Sứ mạng của thánh Máccô - cũng như của các Tông Đồ, của các nhà truyền giáo, của các tín hữu tốt lành luôn ra sức sống đúng với ơn gọi của mình - chắc chắn không phải là một sứ mạng dễ dàng.  Chúng ta biết ngài đã chịu tử đạo. Ắt hẳn thánh nhân đã trải qua kinh nghiệm chịu bách hại, mệt mỏi, và hiểm nguy trong việc theo bước Chúa.
            Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa, cũng như các tín hữu thời các Tông Đồ, vì sức mạnh và niềm vui Chúa Kitô đã được truyền lại đến ngày nay cho chúng ta.  Mọi thế hệ Kitô hữu, mọi cá nhân đều được mời gọi lãnh nhận sứ điệp Phúc Âm và truyền thụ lại cho người khác.  Ơn Chúa không bao giờ thiếu: Cánh tay Chúa không bị thu ngắn. Người tín hữu biết Chúa đã thực hiện các phép lạ từ nhiều thế kỷ trước kia, và hiện nay Người vẫn đang thực hiện. Với ơn Chúa giúp, mỗi người chúng ta cũng sẽ thực hiện những phép lạ nơi tâm hồn thân nhân, bạn bè, và những người quen biết, nếu chúng ta sống trong mối kết hợp với Chúa Kitô qua lời cầu nguyện.
            Giáo Hội hôm nay nêu lên mẫu gương thánh Máccô. Thật là một hy vọng và ủi an khi chiêm ngưỡng đời sống vị sử gia thánh thiện này. Mặc dù có những yếu đuối, nhưng chúng ta vẫn có thể như ngài, tin tưởng vào ơn Chúa và sự phù trợ của Mẹ Giáo Hội. Những thất bại và những hành vi nhát đảm của chúng ta, dù lớn hoặc nhỏ, phải làm chúng ta khiêm tốn hơn, liên kết chúng ta mật thiết hơn với Chúa Giêsu, và kín múc từ nơi Chúa nguồn sức mạnh mà chúng ta đang thiếu thốn.
            Tin Mừng là của Thánh Máccô, một Tin Mừng có một có một sức mạnh rất cụ thể sống động chống lại sức mạnh của quỉ dữ muốn làm hại Chúa Giêsu. Ngày nay người ta khá coi thường một thứ Tin Mừng có nhiều phép lạ, nó lôi kéo chú ý về những kỳ lạ hơn về sứ điệp thứ tha và giải tháot của Tin Mừng; may thay bản văn vẫn ưu tiên dành cho lời Chúa. Hãy suy nghĩ đến sức mạnh tâm hồn của các vị truyền giáo, đến những ân huệ các Ngài đã mang đến cho một thế giới trong lầm than được nghe loan báo về Đấng Cứu Thế đã toàn thắng, đã đoạt được vinh quang của ngai tòa Thiên Chúa. Như Máccô, khiêm tốn nhưng hăng say, chính Ngài đã tiếp tục theo chân những người nghèo khó nói những lời định mệnh cho đến tận thế để nối đất của chúng ta với trời.
            Và ta thấy Thánh Máccô thực hiện mệnh lệnh ra đi loan báo Tin Mừng của Chúa bằng cách đi truyền giáo với Thánh Phaolô. Ngài đi truyền giáo với Banaba. Ngài đi theo và làm phụ  tá cho Thánh Phêrô. Ngài làm giám mục phục vụ cộng đoàn Alexadre. Cuối cùng, Ngài đã viết và lưu truyền cho hậu thế cuốn Tin Mừng mang tên Ngài, Tin mừng theo Thánh Máccô.
            Mỗi người chúng ta mừng lễ Thánh Máccô hôm nay, hãy noi gương bắt chước Ngài, bằng cách đóng góp phần mình cho việc loan báo Tin mừng. Bởi vì, loan báo Tin mừng là lệnh truyền của Chúa, là bổn phận của Giáo hội và của mỗi người kitô hữu chúng ta.