24/01/2021
1903
"Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” Mc 16, 15
 LỄ THÁNH PHAOLÔ TRỞ LẠI
         Lời Chúa: Mc 16,15-18
         15 Người nói với các ông : "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."
         Suy niệm
         Ngày xưa Samuel trong đền thờ đã nghe tiếng gọi đầy thân thương trìu mến, như người cha gọi tên con mình: Samuel – Samuel. Tiếng gọi được lập đi lập lại nhiều lần như muốn trao gởi cả tấm lòng cho người được gọi. Samuel không xác định tiếng gọi bắt nguồn từ đâu nhưng nhờ vào thầy cả Lêvi, ông đã mau mắn đáp lại tiếng Chúa mời gọi với lời thưa thật mãnh liệt và dứt khoát: Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?
Thiên Chúa cũng gọi Saolô, tuy trong hoàn cảnh khác xa Samuel nhưng thánh nhân đã đáp lại tiếng Chúa với một câu nói, một tâm huyết thực thi ý Chúa như Samuel: Lạy Chúa, Chúa muôn con làm gì? Cho dù cuộc đời thánh nhân lúc đó đang đầy nhiệt huyết tiêu diệt hết những ai mang danh kytô hữu. Ông đã xin thượng hội đồng Do Thái một cái tráp để đi lùng sục bắt bớ những người tin theo Chúa Kytô, thình lình, một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông : “Saolô, Saolô, sao ngươi tìm bắt ta”. Saolô liền hỏi: Thưa Ngài, Ngài là ai?”. Người phán: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ”. Và Saolô đã đáp lại: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”. Lời thưa này như khởi đầu một trang sử mới của cuộc đời thánh nhân. Từ một con người lùng sục bắt bớ những người tin theo Chúa, nay trở thành người hăng hái rao giảng cho muôn dân về Chúa. Bất chấp những hiểm nguy, tù tội, tra tấn, đòn roi, chịu đói khát, rét mướt, đau khổ tư bề, nhưng lòng vẫn hân hoan vì được chung phần đau khổ với Đức Kytô.
         Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì? Đó không chỉ là lời ăn năn sám hối muốn làm lại cuộc đời mà là lời xác tín vào Thiên Chúa, Đấng hằng sống. Đó cũng là lời đoan hứa sẽ mãi mãi dành trọn cuộc đời để phụng sự Chúa. Lời này thay cho lời xin vâng mà cả cuộc đời thánh nhân đã liên lỉ thốt lên với một lòng trung tín sắt son. “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà là Đức Kytô sống trong tôi”.
         Ước mong trong năm gia đình hãy là dấu chỉ lòng thương xót Chúa, mỗi người chúng ta dám thưa lên cùng Chúa: Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì? Và chắc chắn lời mà Chúa vẫn mời gọi chúng ta trao ban lòng thương xót cho khắp thế gian. 
         Xin Chúa giúp chúng con hiểu được ý Chúa trong từng giây từng phút, trong từng biến cố cuộc đời và mau mắn làm theo lời Chúa như thánh tông đồ Phaolô. Amen 
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
KHÔNG SỢ NGÃ – CHỈ SỢ KHÔNG ĐỨNG LÊN NHƯ PHAOLÔ
Một con người đã trung thành với Đạo Do Thái Giáo, đã rất trung tín với truyền thống cha ông. Phaolô tên thật là Saolô, quê ở Tarsê xứ Cilicia, là người Do Thái thuộc chi tộc Benjamin. Gia đình của Saolô đã nhập tịch Roma nên Ngài cũng là công dân Roma.
Thánh Phaolô có tên là Saolô, sinh vào thập niên đầu của công nguyên, tức là cùng thời với Chúa Giêsu. Tuy là người Do thái, thuộc chi họ Benjamin, nhưng Saolô sinh ra và lớn lên ở Tarsus, thủ phủ của tỉnh Cicilia, nay là miền nam Thổ nhĩ kỳ. Ngài vóc dáng thấp bé, nhưng thông minh vượt xa những người cùng lứa tuổi.
Thuở thiếu thời, Phaolô được giáo dục ở Tarsus là một trung tâm nổi tiếng về văn hoá và triết học. Lớn lên, Saolô được gởi lên Giêrusalem, học với Thầy Gamaliel Cả, theo những tiêu chuẩn khắt khe nhất của nhóm Biệt phái. Saolô là một người lỗi lạc trong lãnh vực văn chương và triết học của cả ba nền văn hóa chính thời đó là Hy lạp, La tinh và Do thái. Ngài thuộc lòng Kinh Thánh của người Do thái, tức là bộ Cựu Ước. Saolô hết sức nhiệt thành đối với truyền thống của cha ông (Gl 1:14; Pl 3:5-6; Cv 22:3; 23:6; 26:5)
Saolô là một phần tử hăng say trong nhóm biệt phái và thù ghét các người theo Chúa. Sau khi Saolô tham dự vào việc ném đá Stêphanô cho đến chết, Ngài bắt đầu bách hại Giáo Hội của Chúa Giêsu. Với sự chấp thuận, chuẩn y của thượng tế Do Thái, Saolô xuống Đamas truy lùng những người theo Chúa. Nhưng trên đường đi, hăng say và điên tiết vì tức giận các Kitô hữu, Ngài đã bị một luồng sáng bao phủ và vật ngã.
Biến cố Damas như một nét son thắm nhất trong cuộc đời Thánh Phao-lô. Nó toát lộ gương mặt đại lượng đầy yêu thương của một Thiên Chúa đang đến sát con người để nâng họ dậy từ cơn mê của những lầm tưởng thế gian. 
Sự quay trở lại ấy đòi hỏi một sự từ bỏ tận căn và một thái độ sẵn sàng tuyệt đối. Chúng ta phải đọc lại sự trở lại của Thánh Phaolô: Phaolô là một người thanh niên hăng say với lý tưởng. Lý tưởng của anh chính là phụng sự Chúa hết mình bằng cách tiêu diệt những kẻ mà anh cho là Tà Ðạo. Nhưng trong phút chốc, lần ngã ngựa đau điếng cả người hôm đó đã buộc anh phải xoay chiều hoàn toàn: Những gì anh cho là Tà Ðạo trước kia nay anh phải xem lại Chính Ðạo. Phaolô phải quay ngược đường trở lại. Từ bỏ tất cả những gì mình hằng ôm ấp từ trước đến nay, từ bỏ con đường mình đang đi, Phaolô đã trở thành một khí cụ mềm nhũn trong tay Chúa. Ra khỏi chính mình, từ bỏ chính mình để trở thành khí cụ trong tay Chúa: đó là đặc điểm của sự trở lại trong Kitô giáo chúng ta.
Sự trở lại của Phaolô không chỉ là sự quay về với Chúa của những người không tín ngưỡng, của những người từ chối Giáo Hội khác, nhưng là đòi hỏi từng ngày của người Kitô. Mỗi lúc một đến gần với cùng đích của chúng ta là chính Chúa: đó là lý tưởng của người Kitô chúng ta. Càng đến gần với Chúa càng sẵn sàng trở nên khí cụ của Chúa, chúng ta càng đến gần với tha nhân.
Việc Thánh Phaolô được biến đổi đã tôn thêm vẻ đẹp của tình yêu Thập giá. Nếu trên Thánh giá, Đức Kitô đã xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ làm hại mình; thì trong sự kiện Damas, chính Ngài đã khoan thứ đến cùng trước kẻ đang ra tay truy bách thân mình mầu nhiệm của Ngài. Điều này chỉ có thể lý giải bởi tình yêu của Đức Kitô có sức cảm hoá và vực dậy tất cả những gì tưởng chừng đã mất.
Thánh Phaolô đã thực sự bị chinh phục bởi “luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống” (Cv 22, 6b). Đó là ánh sáng đến từ Đấng Phục Sinh – Ánh sáng của tin vui cứu độ phổ quát. Phaolô là chứng nhân cho tin vui ấy. 
Với thánh Phaolô, sống là Đức Kitô, chết là mối lợi, tức là được về trời. Ngài rao giảng Thập giá Đức Kitô là một cớ vấp phạm cho người Do Thái, là một sự điên rồ đối với dân ngoại. Chúng ta không thể nào ca khen hết công trạng của thánh Phao lô, nhưng chúng ta nhìn vào thánh Phao lô để học gương ngài, để đi theo dấu chân của ngài, bởi lẽ dấu chân của ngài khác dấu chân của Đức Kitô. Ngài xưng mình là tông đồ út nhất trong tất cả các tông đồ. Thế nhưng, tất cả các tông đồ làm nền móng của Giáo hội, còn một mình ngài là cột trụ của Giáo hội để chúng ta thấy được những dấu chân truyền giáo của Phaolô cho dân ngoại quan trọng như thế nào. Một sứ mệnh mà phổ câp ơn cứu độ đến cho toàn thể thế giớ nhờ sứ mệnh của một vị xưng mình là thầy dạy của các dân ngoại.
Kinh nghiệm về sự hoán cải của Thánh Phaolô hướng chúng ta lên Thập giá của Đức Kitô và cuộc Phục Sinh của Người. Ở đó, chúng ta sẽ nhận được ánh sáng của Sự Thật – Tình Thương, không ngừng “chiếu xuống” mỗi người chúng ta và giữa lòng Hội Thánh.
Một khi đã gắn bó với Đức Kitô, chúng ta biết đặt Ngài làm mục tiêu tối hậu trong cuộc chinh phục tâm linh. Biết sống cho giây phút hiện tại bằng niềm tin tuyệt đối: Thiên Chúa sẽ hành động ! Như lời Thánh Phaolô đã chia sẻ:  “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3, 13-14).
Sống theo gươngThánh Phaolô, chúng ta sẽ lạc quan trên hành trình tìm Chúa. Đó là con đường lâu dài và và thử thách, để từ đó, ta có thể khám phá Thiên Chúa và ý định của Ngài qua những dấu chỉ trên bản thân và cộng đồng. Vấn đề là, ta hãy để cho Thiên Chúa hành động và mau mắn đáp trả tích cực lời mời gọi sống đời chứng nhân Tin Mừng.
Xin cho mỗi người trong chúng ta càng thêm yêu mến thánh Phaolô, chúng ta càng nên giống Đức Kitô hơn. Bởi lẽ, thánh Phaolô đã kêu gọi: “Anh em hãy bắt chước tôi vì tôi bắt chước Chúa Kitô”.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...