09/08/2020
3800
Thánh Laurensô Phó tế tử đạo
* LỊCH SỬ
Chúng ta đã thấy, ngày 7.8 Đức Giáo Hoàng Sixtus II bị chặt đầu trong hang toại đạo đang khi dâng thánh lễ, và cùng với ngài người ta cũng chặt đầu thêm 4 thầy phó tế đang vây quanh ngài, trừ Lô-ren-xô.
Thầy phó tế này là người quản lý tài sản của Giáo Hội Rôma. Người ta cho thời hạn 4 ngày để đem nộp tất cả cho nhà Nước.
Theo truyền thuyết, sau thời hạn 4 ngày, Lô-ren-xô đến toà án cùng với một đám đông dân nghèo của thành phố La Mã, ngài nói với quan toà : “Này, đây là tài sản của Hội Thánh ; hãy nói với hoàng đế, ráng gìn giữ cho cẩn thận, vì chúng tôi không còn có mặt ở đây để gìn giữ nữa.” Người ta bắt trói ngài, quăng lên giường sắt, thiêu lửa riu riu, nhưng nhờ ơn của Chúa ngài không cảm thấy gì cả. Sau một thời gian dài, ngài nói với lý hình : “Lưng của tôi chín rồi ; phải lật qua bụng thôi ! Nếu như hoàng đế muốn có một miếng thịt chín để ăn cho ngon !” Và ngài đã chết trong khi cầu nguyện.
Hạnh các Thánh Tử Đạo tường trình cuộc tử đạo của Lô-ren-xô thật phấn khởi, đượm chút mỉa mai với nét vui tươi của thánh nhân. Chính nét vui tươi can đảm này làm cho Giáo Hội Rôma tin tưởng vào Đức Kitô và phấn khởi lạc quan, không còn sợ những thói dã man của hoàng đế, đồng thời cũng thấy trước ngày tàn của ngoại giáo ; nên tất cả giáo dân ở Rôma rất kính trọng Thánh Lô-ren-xô. Đại thánh đường được xây dựng ngay trên mộ ngài ở đường Tiburtina là một trong 7 đại giáo đường ở Rôma.
Từ thế kỷ thứ IV thánh lễ này được mừng long trọng ngang hàng với lễ thánh Phê rô và Phaolô. Cùng với hai Thánh Tông Đồ này, Thánh Lô-ren-xô được xem như thánh quan thầy của thành phố Rôma. Ngay ở thời Trung cổ, có tất cả 34 thánh đường mang tên ngài trong thành phố này ; và cả Âu Châu gần như nơi nào cũng có Xương Thánh hay di tích giường sắt tử hình của Thánh Lô-ren-xô.
Ngày nay thánh Lô-ren-xô được xem như Thánh quan thầy của người nghèo, vì ngài đã chăm sóc và tôn trọng họ như “kho tàng của Hội Thánh”. Ngài cũng là thánh quan thầy của các quản thủ thư viện, của phòng cháy chữa cháy, của những nghề đụng tới lửa, chỉ vì ngài bị thiêu trên giường sắt nung đỏ. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)
A. Hạt giống...
Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu dạy các môn đệ một sự thật rất lạ thường về vấn đề sống chết :
- Có chết thì mới có sống : “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi thì nó mới sinh nhiều bông hạt” ; “Ai
yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”.
- Chính Chúa Giêsu đã đi con đường lạ thường ấy, và Ngài bảo các môn đệ cũng hãy theo Ngài trên con đường ấy : “Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó”
B. ... nẩy mầm.
1. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Bạn hãy đọc lại câu này nhưng đổi một số chữ : hạt lúa = người tín hữu ; đất = thế giới này ; chết đi = hy sinh để phục vụ.
2. ‘Có chết thì mới có sống’, điều nghịch lý này không chỉ đúng đối với hạt giống, với các thánh tử đạo (“Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh ra các tín hữu”, Tertulien), mà còn rất đúng trong tu đức : tôi có chết đi con người cũ thì mới sống lại thành con người mới ; tính xấu có chết đi thì tính tốt mới sinh ra được.
3. Một bà đạo đức áy náy vì một vài tật xấu bà đã cố gắng hết sức mà vẫn không chừa được. Ban đến than thở với cha linh hướng. Ngài nói : “Con có để ý thấy không, vào mùa đông, lá sồi rụng nhiều, nhưng vẫn còn vài chiếc. Gió đông thổi mạnh cũng không làm chúng rụng xuống. Nhưng khi mùa xuân đến, chúng tự động rụng nhường chỗ cho lá non mẩy lộc. Vậy cái gì làm cho chúng rơi rụng ? Thưa đó là sự sống mới lưu chuyển trong thân cây. Với chúng ta cũng vậy, khi sự sống mới của đức Kitô nảy nở trong đời sống, ta sẽ mau thăng tiến trên đường đạo đức." (Góp nhặt)
4. “Thật Thầy bảo thật anh em : nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi. Còn nếu chết đi, nó mới sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,24)
Nhìn đồng lúa chín vàng, hạt lúa trĩu nặng, mấy khi tôi nghĩ đến những hạt giống âm thần đi vào lòng đất, từng ngày, từng giờ, lặng lẽ nẩy mầm trong đêm, vượt đất vươn lên…
Vẫn âm thần lặng lẽ, lặng lẽ như tiếng chổi tre của người phu quét rác, lặng lẽ như vạn đôi tay của các công nhân đang miệt mài xây dựng, lặng lẽ như tấm lưng còng của mẹ già tần tảo sớm khuya, lặng lẽ như những bước chân truyền giảng Tin Mừng… Tất cả đều tự nhiên, âm thầm và lặng lẽ trong bài học cho đi.
Lạy Chúa, con đã tiếp nhận cuộc sống từ bao người khác ; xin cho con biét hân hoan đón nhận cuộc sống và đến lượt con cũng biết hiến trao cho anh em trong bài học cho đi (Hosanna)
2. Thánh LAURENSÔ, PHÓ TẾ TỬ ĐẠO (+258)
Thánh LAURENSÔ là vị thánh tử đạo Roma được biết đến nhiều nhất. Từ thế kỷ thứ IV, một mình Ngài ngoài các thánh tông đồ, được kính nhớ với thánh lễ vọng. Sách nghi thức Đức giáo hoàng Lêô thế kỷ VI có không dưới 14 lễ kính Ngài. Trời Trung Cổ đã có ít là 34 thánh đường ở Roma dâng kính thánh nhân. Ngài là vị thánh bổn mạng thứ ba của thành Roma.
Tại sao thánh Laurensô được tôn kính cách đặc biệt như vậy?
Thật khó mà trả lời được. Người nếu bản tường thuật về cuộc tử đạo của Ngài là đúng sự thật, câu trả lời ấy sẽ rõ rệt. Sau đây là tóm lược bản tường thuật ấy:
Là tổng phó tế của thánh Xystô, Laurensô gặp Đức giáo hoàng đang bị bắt giữ và trách Ngài đã không cho mình được chia sẻ triều thiên tử đạo với Ngài. Đức giáo hoàng hứa rằng trong vài ngày nữa, Laurensô sẽ được lãnh phúc tử đạo, đau đớn hơn nhiều. Ngài còn truyền cho vị tổng phó tế của mình hãy phân phát tài sản Giáo hội cho người nghèo. Khi những lời này tới tai hoàng đế Đêciô, ông truyền bắt giam Laurensô. Thánh nhân cải hóa được viên gác ngục Hippolytô. Bị điệu tới trước viên tổng trấn Valrianô, Ngài được lệnh phải nhượng lại các tài sản của Giáo hội. Được dành cho ba ngày để thâu thập của cải, Ngài đã mang tất cả tài sản phân phát cho kẻ nghèo. Hết  hạn Ngài dẫn họ tới trình với tổng trấn Valêrianô, như là tài sản của Giáo hội. Viên tổng trấn nổi giận, buộc thánh nhân phải dâng lễ tiến các thần minh. Từ khước, thánh nhân phải chịu mọi cực hình, bị nướng trên sắt nung đỏ. Trên giường chết lạ lùng này, Ngài còn chế nhạo Dêciô, người đích thân ngồi ghế chánh án rằng:
- Một bên đã chín rồi hãy chiên bên kia nữa mà ăn.
Bản tường thuật khó tin nổi. Tác giả đã lẫn lộn hai vị hoàng đế Dêciô và Valêrianô khi coi ông này là tổng trấn dưới quyền ông kia. Hơn nữa, Đức Xystô không bị xử mà bị chặt đầu khi bị giam. Một cách tổng quát, người ta công nhận rằng: thánh Laurensô là một trong bảy vị phó tế của Đức Xystô và chịu tử đạo vào năm 158. Nhưng nếu Ngài chỉ bị chặt đầu như các bạn thì chắc không đủ lý do để được tôn kính đặc biệt như vậy.   

3. THÁNH LÔ-REN-XÔ, PHÓ TẾ, TỬ ĐẠO
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Nếu hạt lúc mì rơi xuống đất không thối đi thì nó không sinh hoa kết quả . Đây là hình ảnh nói về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu : chết mới nói lên lời, chết mới được tôn vinh ."Khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta ". " Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu" ( Ga 15, 13 ). Đức Giêsu đã khải hoàn đi vào Giêrusalem như một vị vua hiền lành và khiêm tốn,cỡi trên mình lừa . Cuộc khải hoàn vinh thăng đưa Chúa Giêsu vào bữa tiệc ly và Ngài loan báo về cuộc tôn vinh sắp tới của Ngài ( Ga 12,20-36 ). Chính lúc chết đi, Chúa Giêsu được Cha của Ngài tôn vinh. Giờ khổ nạn và cái chết thập giá của Chúa Giêsu là giờ Ngài được tôn vinh ( Ga 12, 23 ). 
Điều này rất phù hợp với cuộc đời của thánh Lô-ren-xô, phó tế vì rằng Ngài được sinh ra ở nước Tây Ban Nha, miền Huescô trong một gia đình đạo đức, thánh thiện . Ngài sống quãng đời niên thiếu với sự ấp ủ yêu thương của cha mẹ. Ngài được cha mẹ uốn nắn, giáo dục trong sự kính sợ Chúa, tuân theo ý Chúa. Thánh nhân sớm rời bỏ gia đình, nước Tây Ban Nha để du học bên Roma và sống trọn quãng đường trần thế ở Roma .
Thánh nhân luôn chứng tỏ là người ham học, tìm tòi và trau dồi tài đức. Ngài có cuộc sống trí thức và đạo đức trổi vượt . Danh tiếng Ngài lan tỏa khắp nơi vì thế chẳng bao lâu Đức Thánh Cha biết và cất nhắc Ngài . Đức Giáo Hoàng Sixtô triệu Ngài và đặt Ngài làm phó tế giúp việc Tòa Thánh . Vào thời thánh nhân, chức phó tế thuộc giáo triều không được quá 7 người và chỉ có những vị này mới có cơ may lên ngôi Giáo Hoàng. 
Thánh Lô-ren-xô luôn nêu gương đời sống thánh thiện cho nhiều người. Ngài sống sự sống của Chúa như lời thánh Phaolô nói : " Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi " . Thánh nhân đã hoàn toàn lột bỏ con người cũ và mặc lấy chính Đức Kitô. Cuộc sống của Ngài hoàn toàn thuộc về Chúa . Thánh nhân hăng say làm việc tông đồ . Điều Ngài lãnh nhận nơi Chúa : " Các con đã lãnh nhận nhưng không, phải cho nhưng không" , thánh Lô-ren-xô đã trao ban lại tình yêu cho nhiều người khác, nhất nhất để tôn vinh Đức Kitô. Ngài ý thức mãnh liệt: "Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi ", nên trước những thử thách, trước phong ba bão táp của cuộc đời, thánh nhân vẫn luôn đặt tin tưởng vào Chúa: " Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế ". Thánh Lô-ren-xô cảm nghiệm sâu xa lời của Chúa Giêsu : " Thầy đây, đừng sợ ". 
Thánh nhân luôn kiên cường trước cơn bách đạo khốc liệt thời Valerius . Đánh chủ chiên, chiên sẽ tan nát . Đó là chủ trương của những kẻ cấm đạo . Thánh nhân đã miệt mài, siêng năng thăm viếng các kitô hữu đang trú ẩn trong các hang toại đạo, khuyến khích, động viên họ kiên cường giữ đạo, giảng dậy cho họ và ban bí tích cho họ. Thánh nhân có tấm lòng yêu thương những người nghèo, những người cùng khổ, những người bệnh hoạn tật nguyền. Hăng say với sứ mạng loan truyền ơn cứu độ và giới thiệu Đức Kitô cho người khác, miệt mài, cần cù với công việc, Ngài không sợ hiểm nguy vì Ngài xác tín Chúa luôn hiện diện và Thánh Thần luôn hướng dẫn chỉ bảo. Ngài cứ xông xáo với công việc cứu thế. Để cho vinh danh Chúa được chiếu tỏa mãnh liệt, Chúa đã gửi thánh giá cho Ngài . 
Ngài bị bắt, bị tra tấn dã man và vì không lay chuyển được lòng tin của thánh Lô-ren-xô bỏ đạo, nhà vua đã căm tức cho nung đỏ giường sắt và đặt Ngài nằm trên giường đã được nung đỏ. Ngài quyết một lòng trung thành với Đức Kitô. Thánh nhân tuy đau đớn thân xác tột độ, nhưng Ngài vẫn tươi cười chịu đựng những cực hình không sao diễn tả nổi . Thánh nhân đã an nghỉ trong Chúa ngày 10/8/258 trong tình yêu vô biên của Thiên Chúa.
Thánh nhân được đặt làm bổn mạng của những người nghèo và là quan thầy của những quản thủ thư viện, quan thầy của phòng cháy cữa cháy và những nghề nghiệp có liên quan tới lửa.
Mừng lễ thánh Lô-ren-xô, phó tế, ta hãy xin Người cầu thay nguyện giúp ta để ta luôn cảm nghiệm sâu xa lời Chúa:
"Giả như hạt lúa gieo xuống đất không chết đi,thì nó trơ trọi một mình".
Xin Chúa ban cho chúng ta luôn biết noi gương bắt chước thánh nhân yêu thương người nghèo và nhiệt tình với sứ mạng mỗi người đã được Giáo Hội trao phó.
Xin thánh Lô-ren-xô thắp lên trong lòng chúng con ngọn lửa yêu mến Chúa .
NHƯ HẠT LÚA MÌ
Từ thế kỷ thứ IV, người ta đã mừng lễ kính Ngài với một đêm canh thức trọng thể và từ Roma, việc tôn kính Ngài đã lan khắp Giáo hội rất sớm. Các thánh Ambroise ở Milan, Augustin ở Châu Phi và Maxime ở Turin đều có lưu lại những bài giảng về lễ kính thánh nhân. Và sau thánh Ambroise, thánh Prudence cũng kể lại cuộc tử đạo của thánh nhân (công vụ của Polychrone và các bạn, khoảng năm 550). 
Mặc dầu nhiều chi tiết trong cuộc khổ nạn đó mang tính huyền thoại, nhưng lại là nguồn gốc cho các điệp ca trong thần vụ. Thánh Ambroise khi kể lại cuộc tử nạn đó một thế kỷ sau nói rằng thánh Laurent bị thiêu trên một giàn sắt. Xác Ngài được an táng trên đường Tiburtina, nửa thế kỷ sau, hoàng đế Constantin cho xây một thánh đưòng trên mộ Ngài : Đây chính là đại giáo đường thánh Laurent ngoại thành, một trong bảy nhà thờ lớn ở Roma, và là nhà thờ chính trong tám nhà thờ của thành phố Rôma dâng kính thánh nhân.
  Chuyện về các hành vi trong cuộc khổ nạn của thánh Laurent kể rằng thánh nhân bị bắt vì không tuân luật thuế quan buộc nộp các tài sản Giáo hội cho chính quyền hoàng đế. Sau khi xin khất lại, Ngài tập hợp những người nghèo khó, ốm đau lại và hai ngày sau, Ngài đưa họ đến trước mặt quan quyền và thưa : "Đây là tài sản của Giáo hội !". 
Thánh nhân liền bị bắt và tra khảo nhiều lần. Ngài đã trả lời các lý hình : "Tôi tôn thờ Thiên Chúa của tôi, tôi chỉ phụng sự một mình Chúa, nên tôi đâu sợ cái tra khảo của các ông". Bị đặt trên một vỉ sắt dưới để than cháy, Ngài còn quay lại phía lý hình, đùa : "Anh trở tôi được rồi đấy, bên này chín rồi". Đức giáo hoàng Damase cho khắc trên mộ ngài : "đòn roi, lý hình, lửa thiêu, hình khổ, xích xiềng, tất cả điều thua đức tin của Lôrensô".
  Niềm tin và lòng bác ái của thánh Laurent cũng như đức can đảm anh hùng của Ngài qua nhiều thế kỷ là nguồn cảm hứng cho lời cầu nguyện của Giáo hội, lòng đạo đức của giáo dân, rất nhiều tranh ảnh, thậm chí cả kiến trúc ... quả thế, Philippe II, để thực hiện lời hứa với thánh Lôrensô, đã xây Escorial trong tỉnh Madrid, theo dạng thiết kế một giàn sắt nhắc nhớ dụng cụ tra tấn thánh phó tế Lôrensô xưa. Còn thánh Bênado thế kỷ XII thì dâng tu viện Thoronet vùng Var để kính thánh nhân. Thánh Lôrensô được nhắc tới trong lời nguyện Thánh Thể và có tên trong kinh cầu các thánh.
  Ðịnh luật chết đi để trổ sinh hoa trái đã được Chúa Giêsu Kitô, Thầy chúng ta, thi hành nêu gương trước. “Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”, nếu không có mẫu gương đi kèm theo lời dạy đầy cương quyết của Chúa thì có lẽ chúng ta không màng chi đến việc phải chết đi, phải hy sinh chính mạng sống mình để phục vụ điều thiện hảo của anh chị em. Không hy sinh thì sẽ không có phục vụ đích thực và không phục vụ đích thực thì ta chưa phải là đồ đệ đích thực của Chúa.
  Tin Mừng hôm nay dùng hình ảnh hạt giống phải chết đi mới trổ sinh nhiều hoa trái để nhắc cho môn đệ Chúa Giêsu phải biết sống hình ảnh cao cả nhất của việc cho đi là biết chấp nhận chết đi nơi bản thân, biết hy sinh chính mạng sống mình như thánh Lôrensô vì tình yêu Chúa.
"Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Theo định luật tự nhiên, để có bông hoa đẹp tươi nở khoe sắc lung linh trên cành, thì nguồn gốc trước kia nó từng là một hạt nhỏ xấu xí, khô lóc. Nhưng khi gặp đất và nước, nó trương lên, nứt nẻ rồi bung ra, ngoi lên mầm sống mới, cây từ từ phát triển đến lúc nở hoa sinh trái. Hạt lúa được gieo vào ruộng bùn cũng phải trương lên, hư thối để mọc lên cây mạ, rồi thành cây lúa tươi tốt và cuối cùng sinh bông hạt trĩu nặng.
Đó là một cuộc đánh đổi tự nhiên mà vô cùng lời lãi. Bởi vì “Gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15, 42-44). Chính Chúa Giêsu đã từ bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, hạ mình đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự, để rồi sinh ơn cứu rỗi, cho muôn người được ơn cứu độ và bước vào sự sống mới.
Chúa Giêsu dùng hình ảnh hạt lúa thật dễ hiểu để áp dụng cho cuộc đời của Người, đồng thời là qui luật chung cho những ai muốn bước theo Ngài. Người chính là hạt lúa được gieo vào lòng đất. Cuộc thương khó và cái chết của Người dẫn tới sự sống bất diệt, để quy tụ dân Do Thái và dân ngoại thành một cộng đoàn đông đảo được hưởng ơn cứu độ.   
Trong cuộc đời người Kitô hữu, nếu tôi sẵn sàng chịu bung vẩy trày xước vì lội ngược dòng đời, để sống theo Lời Chúa dạy, chết đi cho những tội lỗi, nết xấu, thì chính Chúa sẽ biến đổi, làm cho tôi được lại sự sống mới, như thánh Phaolô nói : “Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh làm của ăn nuôi dưỡng, tất sẽ cung cấp dư dật hạt giống cho anh em gieo, và sẽ làm cho đức công chính của anh em sinh hoa kết quả dồi dào (2Cr 9,10).
“Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12, 25-26). Chúa Giêsu quả quyết: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Cái được-mất trong sự bỏ mình hay giữ lấy, Người đã chứng minh bằng luật tự nhiên: “Nếu hạt giống rơi xuống đất không thối đi, nó sẽ chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, nó sẽ nảy sinh hàng trăm những hạt khác”. 
Với ý nghĩa này, ta có thể nhận ra lý do phải hy sinh, “chết” đi để được “sống”. Ai chăm lo tìm kiếm lạc thú ở đời này thì sẽ mất đời sống vĩnh cửu. Còn ai dám từ bỏ bản thân vì Chúa và vì Tin Mừng thì sẽ được hưởng sự sống đời đời mai sau. Người môn đệ - “kẻ phục vụ Thầy” cũng phải đi cùng một con đường như Chúa Giêsu để đạt tới vinh quang. Như hạt lúa, chúng ta cũng phải chết đi cho tội lỗi để sinh nhiều bông hạt.
 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...