02/07/2020
1237
Thánh Tô-ma Tông đồ
Lời Chúa: Ga 20,24-29
         24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông : "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp : "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : "Bình an cho anh em." 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma : "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." 28 Ông Tô-ma thưa Người : "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !" 29 Đức Giê-su bảo : "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !"
Suy niệm:
Tô-ma là một trong 12 tông đồ được Chúa tuyển chọn. Ông đã mạnh dạn đáp lại tiếng Chúa, bỏ lai sau lưng thuyền chài, làng quê để đi theo Chúa. Trái tim của Tô –ma thật đơn sơ chân thành. Tô-ma không cầu kỳ. Tô-ma nghĩ sao nói vậy.
Chúng ta cùng tìm hiểu lại những câu nói của Tô-ma được phúc âm ghi lại để hiểu rõ con người của ông.
Một lần kia, khi Chúa bảo Ngài sẽ lên Giê-ru-sa-lem. Các tông đồ can ngăn. Duy một mình Tô-ma mạnh dạn kêu gọi anh em:
- Cả chúng ta nữa, hãy cùng đi để chết với Ngài  (Ga II,8-16) 
Đây quả thực là lời an ủi Thầy Giê-su. Bước đường của Thầy xem ra không cô độc. Có Tô-ma. Có các môn đệ khác cùng đi theo Thầy. Tô-ma thực lòng muốn đi theo Chúa cho đến cùng. Vì thế, khi Chúa Giê-su nói:
- Lòng các con đừng xao xuyến... Ta đi dọn chỗ cho các con, và Ta đi đâu, các con biết đường rồi.
Tôma thưa lại với nhiệt tình muốn theo Chúa:
- Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao mà biết đường ?
Và Chúa Giêsu đã trả lời ông:
- Đường, sự thật và sự sống chính là Ta (Ga 14,1-6)
Tuy nhiên, trong đêm vườn Cây Dầu, Tô-ma đã thất bại trước sự dữ. Ông đã bỏ chạy như bao môn đệ khác. Lời đoan hứa cùng chết với Thầy xem ra không trọn vẹn. Trái lại, khi Chúa Giêsu sống lại và hiện ra với các bạn khác, có lẽ Tôma còn đang ôm đầu than khóc cho nỗi cay đắng. Nghe các bạn vui vẻ làm chứng rằng: Chúa đã sống lại. Tô-ma đã biểu lộ sự bực bội, khó chịu qua câu nói:
- Nếu nơi tay Người, tôi không thấy các dấu đinh, và tay tôi không tra vào lỗ đinh, cùng cạnh sườn Người tôi không tin.
Nhiều người cho rằng đây là câu nói bi quan của ông. Nhưng thực ra đây là điều cần thiết để đức tin được củng cố và sáng tỏ hơn. Chúa Giêsu đã không bao giờ bảo người ta phải nhắm mắt lại để tin, mà là hãy nhìn xem những việc Chúa đã làm và hãy tin. Chính Ngài đã đáp ứng nguyện vọng của Tô-ma. Tuy rằng Ngài vẫn trách Tô-ma. Bao lâu đã theo Thầy, đã chứng kiến bao phép lạ của Thầy, thế mà vẫn cứng lòng tin. 
Tô-ma đã tin khi được kiểm chứng. Niềm tin đòi ông phải ân hận vì thiếu lòng tin của mình. Tô-ma đã xụp lạy để tỏ lòng hối hận ăn năn. Từ nay Tô-ma đã không còn mắc phải sai lầm. Ông đã đi trọn cuộc đời theo Chúa. Ông đã đi đến tận cùng trái đất để loan truyền tin mừng. Ông đã rao giảng tin mừng tại Parthi, Medes, và Ba Tư; sau cùng thánh nhân đến Ấn Độ. Chính nơi đây ngài đã sống trọn ơn gọi theo Chúa qua cái chết tử đạo. Ngài đã bị đâm bằng giáo cho đến chết tại Calamine.
Mừng kính thánh Tô-ma, xin cho chúng ta một tấm lòng chân thành như thánh nhân, luôn tìm hiểu giáo lý của Chúa để mỗi ngày hiểu biết hơn về Thiên Chúa, ngõ hầu dám sống điều mình tin và làm chứng cho niềm tin của mình như thánh nhân. Amen
         Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Tin vào Chúa như Thánh  Tôma 
            Thánh Tôma là người Do thái ở miền Galilê. Mặc dầu ít học, nhưng ngài có óc tìm tòi, một ý chí kiên vững, một tinh thần tận tụy hy sinh. Khi được Chúa gọi, ngài đã sẵn sàng bỏ mọi sự đi theo Chúa, và được chọn vào số các Tông đồ.
             Tôma đã không tin lời chứng của các môn đệ rằng Chúa Giêsu đã sống lại qua việc Ngài hiện ra với họ. Đức tin của cộng đoàn các môn đệ, những người bạn thân thiết đã cùng ông theo Chúa nhiều năm tháng, không giúp ông tin vào sự sống lại của Chúa. Ông khẳng định mình chỉ có thể tin nếu chính ông được gặp Chúa hiện ra, để xác nhận rằng đó chính là Chúa Giêsu thật qua các vết thương của Ngài. Tuy nhiên, khi Chúa hiện ra với ông, Tôma đã không cần thực hiện việc ‘xác nhận’ đó nhưng vẫn tin Chúa đã thực sự sống lại.
            Tin Mừng hôm nay trình thuật cuộc đối thoại giữa thánh Tôma và các Tông đồ khác, hẳn ai cũng biết ngài là người cứng lòng tin, bởi vì thánh nhân đã từng nói: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin". Như vậy, với ngài, không thấy là không tin. Thấy thì mới tin. Niềm tin của Tôma chính là: tay phải sờ, mắt phải thấy thì mới có sự thuyết phục. Niềm tin của thánh nhân là niềm tin của lý trí.
            Tuy nhiên, Đức Giêsu muốn Tôma, các Tông đồ khác và cả chúng ta ngày hôm nay phải đạt tới mức độ vượt lên trên những gì là khả giác của đời thường, để tiến tới một đức tin trưởng thành, tức là không thấy mà vẫn tin: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
             “Sự hồ nghi của Tôma” là điều mà không ít Kitô hữu ngày nay đang gặp phải, đặc biệt là các bạn trẻ phải rời xa gia đình, xa cộng đoàn giáo xứ thân quen để bước vào môi trường học tập, làm việc mới, nơi có những chủ trương, lối sống, học thuyết dễ khiến đức tin của họ bị chao đảo. Khi đó, họ cũng có cùng tâm trạng với thánh Tôma khi xưa, đó là cảm thấy đức tin của cộng đoàn mà mình đã và đang sống chung không giúp gì cho họ trong việc tìm lại niềm xác tín vào Chúa. Có thể họ vẫn đi lễ, vẫn tham dự các cử hành phụng vụ cùng với cộng đoàn, nhưng lại cảm thấy lạc lõng giữa những người đang sốt sắng cầu nguyện, ca ngợi Chúa. Cái họ cần là một cảm nghiệm cá vị với Chúa.
            Khi xưa, Chúa đã đáp ứng “yêu cầu” chính đáng này của thánh Tôma, nhưng Ngài không hiện ra với một mình ông, nhưng là với cộng đoàn các môn đệ có Tôma ở đó. Điều này có nghĩa là hành trình tìm kiếm niềm xác tín cá nhân không thể tách rời khỏi cộng đoàn, nhưng phải được thực hiện trong cộng đoàn và nhờ sự trợ giúp của cộng đoàn. Ngày nay, có lẽ Chúa sẽ không hiện ra cách tỏ tường với mỗi cá nhân để đáp lại mọi yêu cầu phải nhìn thấy Chúa thì mới tin vào Ngài, nhưng Chúa chắc chắn cho ta gặp được Ngài qua những gương sáng sống đức tin ngay trong chính cộng đoàn: đó có thể là một cụ già ít học, lọm khọm chống gậy đến nhà thờ mỗi ngày dù trời mưa gió; hay đó cũng có thể là một người đồng trang lứa, sẵn sàng hy sinh thời gian, công sức để làm việc bác ái.
            Cuộc đời chúng ta nếu không có Chúa sẽ “trở lại đường xưa lối cũ” của mê lầm tội lỗi. Không có Chúa mọi nỗ lực cố gắng về đường thiêng liêng trở thành luống công vô ích; nếu vắng bóng Chúa thì tất cả chỉ là “dã tràng xe cát biển đông”.
            Lời khẩn cầu của Tôma là lời khẩn cầu Chúa thương xót, cũng là lời khẩn cầu của từng người chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu, là Đấng giàu lòng thương xót, và đã yêu thương chúng ta đến cùng (Ga 13,1). Chính vết thương nơi Thánh Tâm Chúa trên Thánh Giá là ấn tín của tình yêu vô biên và vô điều kiện, là nơi tuôn trào Máu và Nước trường sinh, là Nguồn Mạch Lòng Thương Xót.
               Sự cứng tin của Tôma như một kinh nghiệm, và cần xem chặng đường niềm tin của ông như một kinh điển cho niềm tin đang dấn bước đi trong cuộc sống. “Đừng cứng lòng!” phải chăng là lời gọi hãy tránh xa những thái độ không phù hợp, để chẳng những tránh được khủng hoảng, mà dường như còn nghe lại từng ngày lời ân cần đã một lần ngỏ với Tôma ở cuối chặng đường gặp gỡ: “Nhưng hãy tin!”
            Thánh nhân đã công khai tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa, với một niềm tin vững vàng mạnh mẽ, giúp cho mọi người tin thật Chúa Giêsu đã sống lại, như lời Thánh Ghêgôriô Cả đã nói: “Không phải tình cờ, nhưng Chúa đã an bài xảy ra như vậy. Lòng từ bi cao cả của Người đã hành động một cách tuyệt vời, để nhờ người môn đệ hoài nghi ấy sờ vào các thương tích nơi thân thể Thầy mình, mà vết thương cứng lòng tin ở nơi ta được chữa khỏi. Sự cứng lòng tin của Tôma còn giúp ích cho lòng tin của ta hơn là đức tin của các tông đồ khác. Bởi vì ông đã sờ vào Chúa rồi mới tin, nên tâm trí ta cũng rũ bỏ được mọi nghi nan và trở nên vững vàng trong đức tin. Quả vậy, người môn đệ ấy khi nghi nan mà sờ mó thì đã trở thành nhân chứng của sự kiện phục sinh”.
            Niềm tin cần phải được kiểm chứng, đó cũng là thái độ của con người ngày hôm nay. Có lẽ do ảnh hưởng của lối sống thực dụng, nên người ta đòi mọi sự đều phải được kiểm chứng, phải được cân đong đo đếm. Thế nhưng, họ không biết được rằng, trong cuộc sống, không phải bất cứ thứ gì cũng có thể chứng minh một cách rạch ròi, đó là chưa kể đến những lãnh vực nhạy cảm như: tình cảm, tình yêu, sự hy sinh, lòng vị tha, sự quảng đại…
            Niềm tin vào Chúa phục Sinh đã giúp ông biến đổi cuộc đời. Từ việc ông đòi hỏi phải được nhìn thấy bằng mắt, phải sờ được bằng đôi tay, thì giờ đây, bằng đôi mắt của đức tin và sự cảm nghiệm thiêng liêng, ông đã trở nên một Tông Đồ nhiệt thành cho Chúa. Tương truyền rằng, ngài đã đi sang tận miền Ấn Độ xa xôi để truyền giảng Tin Mừng ơn cứu độ và chịu tử đạo ở đó.
            Chúng ta được mời gọi tin tưởng vào Chúa, lắng nghe tiếng Chúa và thực hiện lời của Người. Bởi vì có Chúa thì mọi công lao vất vả của chúng ta sẽ được ban thưởng như mẻ cá ắp đầy lạ lùng. “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv  37, 5).
            Noi gương Thánh Tôma Tông đồ, chúng ta luôn cố gắng tìm tòi học biết niềm tin vào Chúa Kitô, để giúp những người cứng lòng được tin thật Người là Thiên Chúa, là Đấng Cứu độ trần gian.
 
 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...