28/11/2020
1000

 Tỉnh thức

          Mùa Vọng luôn được nối kết với mùa Giáng Sinh, kỷ niệm biến cố Con Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta. Nhưng nếu biến cố đó không gợi lên trong tôi một dư âm nào, việc Chúa sinh ra hay hồng ân cứu độ không mang một tầm quan trọng nào trong đời tôi, thì thử hỏi mùa Vọng có nghĩa lý gì, chẳng qua là một mùa lạnh hay mùa đông.

          Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta vào bầu khí Mùa Vọng, mùa tỉnh thức để chờ đợi Chúa đến. Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều khi chúng ta phải chờ đợi. Có sự chờ đợi làm ta sốt ruột, khó chịu, nhưng cũng có sự chờ đợi làm cho cuộc sống hiện tại trở nên đầy ý nghĩa. Dân Do Thái từ hơn 2000 năm trước đây cho đến nay vẫn sống nhờ vẫn còn chờ đợi Đấng Mêsia, Đấng Thiên Sai Cứu Thế. Sự chờ đợi như tăng thêm sức mạnh để con người can đảm sống cái hiện tại hơn. Biết sống là biết chờ đợi. Chờ đợi làm nên cuộc sống. Sống mà không còn gì để chờ đợi, kể như đã chết!

          Ta thấy có bốn lần lời kêu gọi các đầy tớ hãy "canh thức", grègoreite, "thức ngủ và trong tình trạng sẳn sàng" (câu 34.35.36 và 37). Lệnh hãy canh thức đầu tiên đưa ra khi chủ vừa ra khỏi nhà (c.34), lần thứ hai giả thiết chủ đang đi xa và có thể về bất cứ giờ nào (c.35), lần thứ ba giả thiết chủ đã về tới nhà (c.36), và lần cuối cùng nói cho mọi người: tất cả hãy tỉnh thức (c.37). Vậy hãy canh thức luôn luôn, nhất là trong thời gian của bóng tối.

          Tỉnh thức có nghĩa là đừng mê ngủ. Chúa thường hay đến vào ban đêm nghĩa là vào lúc ta không ngờ. Đời sống có những bóng đêm ru ta ngủ say mê khiến ta không gặp được Người. Có những bóng đêm của tội lỗi giam cầm hồn ta trong giấc ngủ bạc nhược khiến ta không còn đủ sức thoát ra. Tội lỗi lôi kéo tội lỗi. Tội lỗi chồng chất giống như những tảng đá gìm ta xuống vực sâu vô tận. Có những bóng đêm của danh vọng ru hồn ta ngủ quên trên vinh quang chói lọi. Vinh quang giống như ngọn đèn đốt cháy biết bao đời thiêu thân. Có những bóng đêm của xác thịt cuốn hồn ta vào giấc mộng lạc thú. Lạc thú giống như chiếc lưới rất mềm mại, rất nhẹ nhàng, nhưng rất hiểm độc. Linh hồn đã sa vào khó có thể thoát ra.

          Và ta thấy có những bóng đêm của thói ích kỷ chỉ biết sống cho bản thân mình. Ích kỷ giống như một hang sâu, càng đi vào càng thấy tối tăm. Có những bóng đêm của tiền tài bao phủ ta trong giấc mộng giàu sang phú quí. Chìm đắm trong giấc mộng, ta sẽ chẳng nghe được bước chân Chúa đi qua.

          Mùa Vọng Giáo hội đang sống là sống với hai chiều kích: một là tưởng niệm biến cố Nhập thể làm người của Đức Giêsu Con Thiên Chúa khi Ngài sinh bởi Đức Trinh Mữ Maria; hai là chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để "phán xét kẻ sống và người chết", như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Đó là lý do chữ "chờ đợi" được người ta nhắc nhiều đến trong Mùa Vọng. Các lễ nghi cử hành Phụng vụ trong Mùa Vọng, từ màu sắc, các bài đọc, các bài thánh ca đều diễn tả niềm hy vọng với lời cầu xin tha thiết: «Maranatha – Ngài ơi hãy đến, Ngài đến mau đi», và hơn thế nữa dân Do Thái kêu van: «Xin Ngài xé tầng trời mà ngự xuống».

          Tỉnh thức không có nghĩa là không ngủ, vì đó là điều bất khả về phương diện thể lý. Để hiểu đúng ý mà Chúa Giêsu muốn nói, chúng ta có thể nghĩ đến một lời mời gọi tỉnh thức đặc biệt mà chính Chúa đưa ra cho các môn đệ thân tín của Người trong một hoàn cảnh khác. Trong vườn Ghếtsêmani, vào đêm Chúa Giêsu bị bắt, Người nói với ba đồ đệ thân tín: "Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện" (14,38).

          Trong vườn Ghếtsêmani, lời mời gọi này phải được hiểu trước hết theo nghĩa đen của các từ ngữ. Nhưng điều đó không ngăn cản chúng ta giải thích rằng sự tỉnh thức, sâu xa ra, chính là một thái độ sống hoàn toàn quy hướng một cách rõ ràng về Thiên Chúa, tức là một thái độ cầu nguyện ở mức độ thâm sâu và thực chất. Áp dụng cách hiểu đó vào lời mời gọi ở 13,35 chúng ta có thể hiểu: sự tỉnh thức mà Chúa Giêsu nói đến ở đây chính yếu là một cách sống hoàn toàn trong ý thức liên tục quy hướng về ông chủ và nhiệm vụ mà ông trao phó. Người đầy tớ tỉnh thức là người luôn luôn đặt mình trong ý thức về tư cách của mình là người phục vụ ông chủ và thi hành một cách tốt nhất nhiệm vụ mà ông trao phó cho mình.

          Ta thấy khi ông chủ đi xa, người đầy tớ dễ bị cám dỗ quên ông và quên nhiệm vụ ông trao phó, từ đó hành xử như thể mình là ông chủ, theo hứng riêng của mình từng lúc. Người đầy tớ tỉnh thực sẽ luôn luôn gắn kết cuộc sống mình với ông củ và luôn luôn sẵn sàng trả lời ông về việc thực hiện nhiệm vụ mà ông đã trao phó cho mình. Khi Chúa Giêsu nói các môn đệ của Người phải tỉnh thức như các đầy tớ trong dụ ngôn phải tỉnh thức, là Người muốn nhấn mạnh đến thái độ sống đó, chứ không phải là một sự canh thức về phương diện thể lý đơn giản.

          Nhìn vào thực tế cuộc  sống, chúng ta thấy tỉnh thức và sẵn sàng là điều kiện cốt yếu để được sống còn. Ngay như trong thế giới loài vật chúng ta cũng thấy như vậy. Một nông dân Mỹ bị đàn quạ khoang phá hoại ruộng ngô. Ông mang súng ra bắn, nhưng không sao lại gần được vì trên cây thông cao, có một con đậu để canh chừng khi các con khác đang ăn. Len lỏi lâu dưới hố sâu ông mới lại gần được mà con gác không hay biết. Một tràng đạn nổ vang, những con sống sót bay vù lên, nhưng chúng không bay đi xa, chúng xà xuống con canh gác với những tiếng kêu giận dữ. Con chim khốn nạn này bị đồng bọn xử một cách tàn nhẫn và nhanh chóng, không thể ở lại trong bầy, phải rời hàng ngũ mà đi nơi khác.

          Mang tâm tình Tỉnh thức, chúng ta luôn có thái độ sẵn sàng như Cha Charles de Foucault khuyên nhủ: "Bạn hãy sống như bạn sẽ chết vào tối nay". Nhưng thái độ chủ động trong thức tỉnh chưa đủ, tâm tình tỉnh thức còn dẫn đến cầu nguyện. Thật thế, tỉnh thức phải luôn đi đôi với cầu nguyện như Chúa Giêsu đã kêu gọi: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa cơn cám dỗ"(Mc 14,38). Cuộc sống thường ngày chúng ta thường bị cám dỗ ngủ quên trong những thành công, trong những tiện nghi dễ dãi làm ta say mê những thực tại trần thế mà quên đi ngày Chúa đến

--

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...