30/06/2015
1200
CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B
Ed 2:2-5; 2 Cr 12:7-10; Mc 6:1-6
Ngày sabbat, Chúa Giêsu vào giảng dạy tại hội đường. Đa số rất ngạc nhiên. Họ nói: bởi đâu ông ta được như thế … Và vì lẻ đó, họ không tin vào Ngài … (Mc 6, 2-3).
Chúa Giêsu trở về làng quê mình là Nadareth; vào ngày sabbat, Người vào hội đường mà giảng dạy. Bà con và đồng hương của Chúa, lúc đầu ngạc nhiên về sự khôn ngoan của Người. Rồi từ sự ngạc nhiên nảy ra óc ganh tị, coi thường: đây không phải là Giêsu, con bác thợ mộc, là người cùng sống chung trong làng với ta sao?
TM ghi: Họ không tin và còn xúc phạm đến Chúa … Người làng Nadareth tưởng rằng họ biết rõ Chúa Giêsu; thực ra họ chỉ biết lý lịch, biết cái võ bên ngoài của Người mà thôi. TM mời gọi chúng ta suy niệm chủ đề này trong ngày Chúa nhật hôm nay.
Thời nào cũng thế, căn bệnh hình thức, bệnh lý lịch cũng tồn tại trong xã hội, ngay trong thời đại văn minh nữa. Chúa Giêsu khi trở về quê nhà, giảng dạy, đã không được đón tiếp nồng hậu, lại còn bị coi thường; điều này không phải khó hiểu. Trước hết vì Chúa Giêsu không xuất thân từ trường lớp kinh sư, biệt phái, đầu mục. Nhóm người này rất được kính trọng, vì họ học hành qua trường lớp hẳn hoi, nên khi xuất thân họ được mọi người kính nể. Tuy nhiên mọi kinh sư, ký lục, biệt phái hầu hết đều là những người tham lam, ích kỷ, quá chuộng hình thức, bè phái… Chính Chúa Giêsu sau này khi giảng dạy, đã chê trách họ là mồ mã tô vôi, chỉ có cái võ đẹp đẻ bên ngoài , mà tâm hồn đầy cái xấu cái ác …
Ở Việt nam, ai đã từng sống qua thời bao cấp, cũng đều hiểu rất rõ về căn bệnh lý lịch này. Lý lịch tốt mới được vào Đại học, vào làm các cơ quan nhà nước … Cho dù người đó không có tài. Ở đây chúng ta không bàn về chính trị, chỉ đưa ra làm thí dụ thôi… Thời Chúa Giêsu cũng thế. Đất nước Do thái chỉ toàn đồi núi, nên sống bằng nông nghiệp hay chăn nuôi sẽ không dễ gì làm giàu mau và chắc. Con đường học hành khoa bản, dù là học về đạo, sẽ là con đường tiến thân dễ dàng và chắc chắn, nếu chịu khó, siêng năng … Các đầu mục kinh sư , họ giết Chúa Giêsu sau này, ngoài lý do vì Chúa chê trách họ, còn một lý do sâu xa nên thượng tế Caipha mới nói: “ Thà một người chết thay cho toàn dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt… ” (Ga 11, 50).
Đây là lời Caipha nói tiên tri về cái chết của Chúa Giêsu, với tư cách là Thượng tế năm đó; nhưng tự thâm tâm, Caipha chỉ muốn bảo vệ phe nhóm của ông, quyền lợi vật chất của ông và thành phần lãnh đạo tôn giáo thời đó mà thôi. Họ sợ, nếu ảnh hưởng của Chúa Giêsu lớn mạnh, còn ai nghe theo họ nữa (Ga 11, 18); nhất là khi họ mất uy tín với dân chúng, họ sẽ mất hết quyền lợi béo bở mà họ đang hưởng … Chúa Giêsu chê trách họ thật rất đúng … 
b. Suy niệm:  
* Ta tin vào Chúa Giêsu Kitô dựa vào điều nào? Vào hiểu biết cá nhân, vào thành kiến của mình , hay dựa vào niềm tin của Hội Thánh, hay vào ơn sũng của Chúa Thánh Thần?
* Chúa Giêsu không làm phép lạ tại quê nhà,vì Chúa không muốn áp bức lòng tin của họ. Dú là Thiên Chúa, dù yêu thương con người vô cùng, TC vẫn luôn tôn trọng tự do của họ. TC không thể làm ngược lại chính mình, là Đấng Chân Thiện Mỹ. Chính vì thế, khi con người sữ dụng tự do mình có, để từ chối ơn Chúa, con người phải tự trả giá về việc này, không thể đổ thừa cho ai được.
***
Anh chị em thân mến.
Có lần xem báo, tôi nhìn thấy những phóng viên Việt Nam khen một người ngoại quốc, biết làm đẹp cho nơi họ đến du lịch. Họ làm đẹp bằng cách nhặc tất cả những rác mà họ nhìn thấy trên đường họ đi, những nơi họ dừng chân. Tại sao vị khách du lịch đó lại làm thế? Vì ông ta nhìn thấy được sự tốt đẹp, giá trị của những danh lam thắng cảnh, nên ông ta không thể chịu được những sự ô uế chung quanh nó. Như vậy còn biết bao nhiêu người khác, họ cũng nhìn thấy, nhưng họ không thể hành động vì họ không hiểu hết giá trị của nơi mà họ đang ở.
Cũng còn rất nhiều người, những cư dân chung quanh đó, hằng ngày họ cũng đến đó, nhìn thấy cảnh đẹp, nhưng họ không còn thấy đẹp nữa, vì nó ở gần bên họ nên giờ đây nó trở thành quá tầm thường, cho đến đỗi họ cũng cộng tác vào trong việc làm giảm giá trị của phong cảnh mà bao nhiêu người mơ ước và tìm đến để chiêm ngưởng.Quen quá, hóa thường. Đó là tâm trạng bình thường của con người đối xử với nhau.
Chúa Giêsu cũng bị người thời bấy giờ đối xử với Ngài như thế. Bao nhiêu người mơ ước chờ đợi để gặp Ngài, nghe Ngài giảng dạy, được chửa bệnh, chứng kiến phép lạ . . . nhưng những người đồng hương thì khác. Trước mắt họ là một con người bình thường, xuất thân không có gì đặt biệt. Xét về nguồn gốc thì không chút danh phận gì. Thế mà giờ đây, con người đó lại rao giảng và nói đến những điều cao quí, những điều mà họ đang trông chờ, nhưng không phải trông chờ một người như thế mang đến cho họ, một con người mà họ quá biết rỏ về nguồn gốc, xuất thân.
Họ đã quá đóng khung niềm tin của mình, họ đã tô vẽ nên một tôn giáo cho mình, họ cũng quá tự phụ về những gì mình hiểu biết. Nên họ không thể chấp nhận thực tại trước mắt, thực tại mà Thiên Chúa gởi đến cho họ theo Thánh Ý của Ngài. Họ quá biết rỏ về con người Giêsu này, nên họ chỉ chấp nhận những gì họ nhìn thấy được qua sự hiểu biết của mình. Ngoài ra họ không thể chấp nhận được, vì họ quá khinh thường những gì mình thấy hằng ngày.
Chúng ta tiếc rẽ thay cho những người được gọi là đồng hương của Ngài thời bấy giờ. Họ không thể nhận ra được niềm hạnh phúc đang ở kề bên. Họ cũng không sẵn sàng đón nhận điều mà bao nhiêu người thời bấy giờ tìm kiếm. Cả chúng ta là những người trong hiện tại của thời đại mới, chúng ta cũng đang ao ước là người đồng hương của Chúa Giêsu, để chúng ta sẵn sàng đón nhận Ngài. Niềm ao ước thật chính đáng, nhưng hơi xa vời. Vì hiện tại, không những chúng ta là người đồng hương, mà còn hơn thế nữa, chúng ta là những người bạn, là người con được Ngài yêu mến, Ngài hy sinh chính mạng sống Mình cho chúng ta được sống.
Nói đến chắc mỗi người hơi giật mình. Chúng ta cùng nhau nhìn lại đời sống của một người đồng hương nơi bản thân mỗi người chúng ta. Là một người đồng hương, một người con thế mà có những lúc chúng ta có lắng nghe những gì Ngài dạy bảo đâu, mặc dù chúng ta vẫn giữ đạo, vẫn đi dự lễ, vẫn làm những việc đạo đức. Đó là những điều không thể thiếu được trong đới sống của người Công Giáo. Nhưng nhiều khi chúng ta làm vì nhu cầu riêng tư, vì ý muốn cá nhân. Nếu khi tham dự thánh lễ, có điều gì không hợp với ý nghĩ của mình, thử hỏi chúng ta sẽ phản ứng ra sao? Trong đời sống hằng ngày, chúng ta sống niềm tin như thế nào? Bao nhiêu người chung quanh, chúng ta biết rất rỏ, biết từng nhu cầu cần thiết của họ, biết khả năng và biết cả con người của họ.
Chính vì thế có những lúc, chúng ta không thể chấp nhận dù chỉ một lời nhắc nhở, hay một lời van xin. Cũng có những lúc chúng ta xử sự như những người đồng hương của Chúa Giêsu cách đây 2000 năm: chúng ta không thể chấp nhận những gì không theo đúng với ý nghĩ của mình. Chính vì thế mà cho đến bây giờ Thiên Chúa không thể thực hiện được một phép lạ nào nơi con người của chúng. Nếu nhìn rỏ thêm nữa chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu ngạc nhiên vì chúng ta cứng tin. Vì biết bao điều lạ, biết bao lời giảng đạy, biết bao việc làm mà Ngài đã dùng chính những con người tầm thường bên cạnh chúng ta, ngay trước mắt chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn không thay đỗi cách sống của mình, chúng ta không nhận ra được Chúa trong cuộc sống, trong những người bên cạnh, để hành động đúng với những gì Ngài dạy bảo.
Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho chúng ta biết nhận ra Chúa trong cuộc sống, qua những người chúng ta gặp gỡ.
***
Những Mạc Khải Phi Thường
Chủ đề của Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh là Mầu Nhiệm Chúa Kitô – Sự Sống Tái Sinh. Như tuần trước đã chia sẻ, Chúa Kitô đã tái sinh con người bằng việc tỏ mình ra của Người, trước hết bằng “nước” qua các sinh động của nhân tính Người, rồi sau đó bằng “Thần Linh” khi Người từ trong kẻ chết sống lại. Việc Người tái sinh con người bằng “nước”, qua lời Người nói và việc Người làm, là để con người tin vào Người, là để con người được “sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Đức Giêsu Kitô” (Jn 17:3). Thế nhưng, vấn đề là ở chỗ con người có biết đáp lại Mạc Khải Thần Linh hay chăng, tức có biết chấp nhận những lời Người nói và việc Người làm hay chăng, đúng hơn có biết chấp nhận chính bản thân Người “là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16) hay chăng? Đó là vấn đề của Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XIV Thường Niên Năm B, vấn đề liên quan đến thái độ đáp ứng của dân Do Thái, một thái độ cứng lòng tin của dân này, một dân đã được Thiên Chúa tuyển chọn và được Ngài tỏ mình ra cho suốt giòng Lịch Sử Cứu Độ của họ, một mạc khải đã lên đến tuyệt đỉnh nơi Lời Nhập Thể là Con Người Giêsu Nazaret, Vị Thiên Sai của Ngài.
Thật vậy, việc dân Do Thái đáp ứng Mạc Khải Thần Linh, (một Mạc Khải được thể hiện qua Giao Ước và Lề Luật của họ do Chúa đã tự ký kết với họ và ban bố cho họ), bằng thái độ cứng lòng của dân Do Thái đã được chính Thiên Chúa minh định qua miệng tiên tri Êzêkiên trong bài đọc một như sau: “Hỡi con người, Ta sai ngươi đến cùng những người Do Thái, đến cùng những kẻ phản loạn chống lại Ta; họ và cha ông họ đã phản chống Ta cho tới ngày hôm nay. Ta sai ngươi đến với họ là những kẻ dầy mặt và cứng lòng”. Thái độ thiếu đáp ứng đến cứng lòng này của thành phần dân tuyển chọn này được bộc lộ rất rõ ràng nơi thánh phần dân Do Thái ở quê quán của Vị Thiên Chúa Làm Người. Ở chỗ, trước Mạc Khải Thần Linh là Chúa Giêsu Kitô, họ đã đặt vấn đề: “Làm sao hắn lại có được tất cả những điều này nhỉ? … Khôn ngoan…? …. Các việc lạ lùng….? Hắn chẳng phải là một tay thợ mộc, đứa con trai của bà Maria, anh em của James, Joses, Judas và Simon hay sao? Và chị em của hắn không phải là dân làng của chúng ta hay sao?” Thánh Ký Marcô tóm lược nội dung thắc mắc của họ như sau: “Họ thấy Người quá sức đối với họ”. Đến nỗi, vị tác giả Phúc Âm này kết luận: “Người không làm một phép lạ nào ở đó, ngoại trừ chữa một ít người bị bệnh bằng cách đặt tay lên họ”. Chưa hết, “Người cảm thấy hết sức buồn phiền trước việc thiếu niềm tin của họ”.
Qua những câu Phúc Âm vừa trích dẫn trên đây, chúng ta thấy, trước hết, muốn thấy phép lạ hay muốn được hưởng phép lạ cần phải có đức tin. Việc Chúa Kitô thực sự có làm một vài phép lạ ở quê quán của Người bấy giờ chứng tỏ không phải tất cả mọi người không tin vào Người. Song kẻ tin vào người thường là thành phần xấu số bất hạnh, như thành phần khốn khổ, thành phần mong được Đấng Quyền Năng giải cứu cho khỏi cảnh khốn khổ của mình, thành phần Đấng Toàn Năng thực sự cũng muốn sử dụng hay lợi dụng để tỏ vinh hiển của Người ra, như trường hợp thiếu rượu ở tiệc cưới Cana (x Jn 2:11), hay trường hợp người mù từ lúc mới sinh (x Jn 9:3), nhất là trường hợp Lazarô ở Bêthania (x Jn 11:4). Tuy nhiên, khi tỏ mình ra cho một cá nhân nào hay nơi một cá nhân nào, Thiên Chúa cũng muốn qua cá nhân ấy tỏ mình ra cho những người khác nữa. Ba trường hợp vừa được viện dẫn trên đây đã cho thấy rõ ý định này của Chúa Giêsu. Thậm chí chính việc Người tỏ mình ra cho riêng chị phụ nữ Samaritanô bên bờ giếng Giacóp cũng đã trở thành động lực thúc đẩy chị làm cho dân làng chị tiếp đón Người để rồi đi đến chỗ tự động nhận biết Người (x Jn 4:39-42).
Nếu mục đích của Lời Nhập Thể là để “tỏ Cha ra” (Jn 1:18), và Người đã làm hết mình để cho con người nhận biết Cha qua Người, thì quả thực Người chỉ khao khát được mọi người nhận biết và yêu mến, đúng như Người đã có lần bày tỏ nỗi niềm thao thức của mình: “Thày đến để thắp sáng trên thế gian. Thày muốn cho nó bừng lên biết bao!” (Lk 12:49). Bởi thế, một khi không được mãn nguyện, về bản tính loài người, Người làm sao không thật sự cảm thấy buồn phiền, một nỗi buồn phiền sâu xa day dứt, đúng như Thánh Ký Marcô đã nhận định về Người ở gần cuối bài Phúc Âm “Người cảm thấy hết sức buồn phiền trước việc thiếu niềm tin của họ”. Thế nhưng, Người vẫn không nản. Chính vì thế mà Người càng phải nỗ lực tỏ mình ra hơn nữa cho con người, không ở nơi này thì ở nơi khác, không vào lúc này thì ở lúc kia, nhất là cho thành phần chiên lạc của Người, thành phần nghe thấy tiếng của Người và cũng là thành phần Người đến tìm kiếm cho bằng được, cho đến khi họ đi theo Người (x Jn 10:27,26). Đó là lý do, bài Phúc Âm đã kết luận bằng câu: “Thế nhưng, (tức là cho dù có cảm thấy hết sức buồn phiền về tình trạng thiếu lòng tin nơi quê quán của mình), Người đã rảo khắp các làng mạc lân cận để giảng dạy”.
Nếu Chúa Kitô đã khẳng định với người Do Thái: “Chiên Tôi thì nghe tiếng của Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi” (Jn 10:27), và Người cũng đã khẳng định với tổng trấn Philatô: “Ai tìm kiếm chân lý thì nghe thấy tiếng của Tôi” (Jn 18:37), thì quả thực ai được nghe Lời Chúa đã là một đặc ân và ai nghe được Lời Chúa là càng là một ơn phúc chứ không phải chuyện thường. Tức là muốn nghe được Lời Chúa vô cùng sâu nhiệm như chính Thượng Trí của Người thì con người trần gian cần phải được Người ban cho chính Thần Linh của Người là Thần Chân Lý nữa, một Thần Linh Người quả thực đã thông ban cho Giáo Hội qua các vị tông đồ vào ngày thứ nhất trong tuần sau khi Người từ trong kẻ chết sống lại (x Jn 20:22), họ mới có thể phần nào thấu triệt “tất cả sự thật” (Jn 16:13), thấu triệt “những mạc khải phi thường” mà đạt đến Thực Tại Thần Linh.
Ở bài đọc thứ hai, qua bức thư thứ hai gửi cho giáo đoàn Côrintô, Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô đã cho thấy hậu quả và thái độ của chính bản thân mình, một con người đã nhận được “những mạc khải phi thường”, những mạc khải được thánh nhân cho biết là “nghe thấy những lời khôn tả không ai có thể nói” trên tầng trời thứ ba (x 2Cor 12:4). Hậu quả mà con người nhận được “những mạc khải phi thường” này phải chịu đó là, như đương sự thành thật chia sẻ trong bài đọc thứ hai: “một cái gia đâm vào xác thịt, một thần của Satan làm tôi bầm dập để giữ cho tôi khỏi kiêu hãnh”. Và thái độ của con người nhận được “những mạc khải phi thường” này cần phải tỏ ra là “bằng lòng với nỗi yếu hèn, với bạc đãi, với buồn đau, với bách hại và các thứ khốn khó vì Chúa Kitô. Vì khi tôi bất lực là lúc tôi mạnh mẽ”. Thái độ của vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, một con người không hề ở với Chúa Kitô ngay từ đầu đến cuối như Mathias, vị tông đồ được chọn thay cho Giuđa (x Acts 1:21-22), nhưng vẫn được gọi là Tông Đồ, tức thuộc về thành phần chứng nhân tiên khởi, thành phần phải hội đủ điều kiện được Chúa Kitô đích thân tỏ mình ra cho và trực tiếp sai đi, vì con người này cũng được chính Chúa Kitô tỏ mình và sai đi (x Gal 1:12, 16; Acts 9:3-6, 13:2-3), thực sự là tinh thần của một người môn đệ đích thực của Chúa Kitô, một người môn đệ sau khi nhận được những mạc khải phi thường thì vì Chúa mang đi chia sẻ, bất chấp mọi khó khăn thử thách.
Ở đầu bài Phúc Âm Chúa Nhật XIV năm B cũng nhắc đến sự kiện các môn đệ theo Chúa Giêsu về quê quán của Người, thành phần đi theo Người ấy không thể nào không chứng kiến thấy nỗi khổ tâm buồn phiền của Thày mình trước tình trạng cứng lòng tin nơi dân làng của Thày, hay nói cách khác, tình trạng có vẻ thất bại của Thày, nhưng đồng thời các vị cũng chứng kiến thấy thái độ hăng say không nản chí của Thày, như cuối bài Phúc Âm nói tới, trong việc hoàn thành sứ vụ chứng nhân của Người về chính bản thân Người và về Cha của Người. Các môn đệ được Chúa Kitô tuyển chọn để sống sát bên Người không phải chỉ để nghe lời Người nói và thấy việc Người làm, mà còn để thấy được tinh thần sống của Người nữa hầu bắt chước mà làm theo, như Người khẳng định với các vị sau khi làm gương phục vụ qua việc rửa chân cho các vị trước Bữa Tiệc Ly (x Jn 13:15).
Tóm lại, tất cả những gì phát xuất từ Chúa Kitô là Lời Nhập Thể đều là “những mạc khải phi thường”, những mạc khải trước hết được tỏ ra cho thành phần môn đệ của Người (x Mt 13:16-17), để họ có thể trở thành những chứng nhân của Thày (x Lk 24:48), thành phần sẽ được Người sai đi rao giảng ngay khi Người còn sống, như bài Phúc Âm tuần tới nói đến…
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BV
***
BẢN HƯƠNG KHINH BỈ
Ngày kia, có một anh chàng tên là Dương Bố, lúc ra khỏi nhà để đi thăm bạn bè, thì mặc bộ đồ trắng, nhưng dọc đường, chẳng may gặp cơn mưa to, áo quần bị ướt đẫm, anh ta phải ghé vào nhà người quen, mượn tạm được một bộ đồ đen mặc đỡ. Khi trời hết mưa, anh ta trở về nhà, thì bị con chó bông nhà anh ta, xổ ra sủa ầm ĩ, xông tới muốn đớp anh ta, vì coi anh ta như một người xa lạ, khiến anh ta nổi xung đùng đùng, bèn vớ lấy cây gậy toan đập chết con chó một trận nên thân. May nhờ người anh ruột từ trong nhà bất ngờ bước ra, biết được sự thể công việc, nên khuyên can, Dương Bố mới dừng tay không rượt theo để đập chết con chó nữa.
Dương Bố nổi giận với con chó, đó là một điều nông nổi chẳng nên làm, vì nó là loài vật đâu có trí khôn, làm sao nó biết phân biệt người nhà với khách lạ, khi anh ta đang mặc bộ đồ mầu trắng lại đổi ra mầu đen. Nó là con vật, chỉ có thể phân biệt được người này với kẻ kia, qua cách phục sức của họ bên ngoài: Người ra đi, mặc bộ đồ trắng là người quen, còn người trở về đổi bộ đồ đen chắc là người lạ, có thế thôi.
Còn loài người chúng ta mới đáng kết tội; bởi lẽ, chúng ta là loài có trí khôn, biết suy nghĩ, phân biệt phải trái, điều lành điều dữ, điều thiện điều ác, điều chính điều tà... Thế nhưng, thường thường người ta cũng chỉ biết đánh giá trị kẻ khác, theo dáng vẻ bên ngoài của họ, y như con chó không nhìn nhận ra chủ nó, khi ông thay bộ đồ trắng ra bộ đồ đen. Đó mới chính là điều đáng trách khiến chúng ta phải suy nghĩ.
I. NHÃN QUAN HẸP HÒI KIÊU CĂNG
Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, những người đồng hương với Chúa, mặc dầu rất sửng sốt khi nghe Chúa giảng dạy những lời khôn ngoan, chứng kiến biết bao việc lạ lùng Chúa đã thực hiện; nhưng với tâm trí kiêu căng tự phụ, thấy ai hơn mình thì ghen tương. Đúng như người ta nói: "Trâu cọc ghét trâu ăn". Lại thêm cái óc yên trí: "Bụt nhà không thiêng". Nên họ đã dám mỉa mai phạm thượng tới Chúa khi nói: "Ông này chẳng phải là bác thợ mộc, con bà Maria sao?" Khi tường thuật lại sự kiện này, Thánh Sử Marcô đã phải kết luận rằng: "Họ đã vấp phạm vì Người", để nói lên cái thực trạng cố chấp của họ.
Chúa Kitô đã thấu tỏ tâm tư của họ, nên Ngài đã công khai vạch trần cái tâm trạng chai đá cứng lòng tin của họ, bằng lời quả quyết: "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình, họ hàng mình".
II. SỰ THẬT CỦA XÃ HỘI HÔM NAY
Thông thường trong đời sống hằng ngày của con người thời nay, cũng như người Do Thái thời Chúa Kitô, người ta thường mắc phải cái tật xấu này là hay xét đoán tha nhân theo trí óc hẹp hòi nông cạn của mình như lời Chúa đã nói: "Người ta chỉ xét đoán theo diện mạo bên ngoài, còn Thiên Chúa thì thấu suốt tận tâm can con người". Hơn nữa, người ta lại còn bị cái ác cảm, yên trí về địa vị, dòng tộc, gia cảnh của người khác, để coi thường, để dèm pha, để hạ giá và coi khinh tha nhân. Mặc dầu đôi khi, không thể phủ nhận được những điều hay, điều tốt nơi những việc làm của tha nhân, thì họ lại tìm cách cắt nghĩa khác theo ý nghĩ vạy vò của họ, để mặc cho những việc làm của tha nhân một hình thức không mấy tốt đẹp. Chẳng hạn, khi thấy người này làm việc thiện giúp đỡ những người nghèo túng, thiếu thốn thì lại mỉa mai cho họ là người khoe khoang. Khi thấy kẻ khác được thành công, được may mắn thì lại chụp mũ cho là do mánh khóe mưu mô mà được như thế... Những trường hợp tương tự như vậy, chúng ta thường thấy nơi xã hội loài người chúng ta ngày nay. Thật là bất công, khi thấy kẻ khác hơn mình, được danh giá địa vị hơn mình, được thành công may mắn hơn mình, đã không chung vui chia sẻ chúc mừng, lại còn ghen tương, dèm pha, hạ giá, mỉa mai, bêu xấu và mặc cho họ một chủ ý bất lương.
III. THÁI ĐỘ CỦA CON CÁI CHÚA
Dân Do Thái đã từng được nghe những lời giáo huấn khôn ngoan, những giáo lý cao siêu phát ra từ môi miệng Chúa Kitô, giúp con người đạt được hạnh phúc, làm cho xã hội được lành mạnh, khiến người ta biết sống tương thân tương ái hòa thuận thương yêu nhau, đến làm cho họ phải sửng sốt bỡ ngỡ. Thế rồi, họ còn được chứng kiến bao nhiêu phép lạ Chúa làm để tỏ lòng thương yêu họ, làm cho bánh hóa nhiều nuôi sống họ lúc bị đói lả; chữa lành bao nhiêu người ốm đau bệnh tật, phục sinh kẻ đã chết, khu trừ ma quỉ... Biết bao nhiêu phép lạ Chúa đã thực hiện tỏ lòng yêu thương dân tộc, tỏ quyền năng cao cả của một Thiên Chúa, để cứu dân tộc Ngài tuyển chọn khỏi ách nô lệ Ai Cập... Nhưng họ vốn cứng lòng tin, vốn ương nghạnh chống đối không tin nhận Chúa Kitô là Đấng Thiên Sai nhân loại đợi trông. Chính vì lòng kiêu căng cố chấp mà họ đã không nhận ra Chúa Cứu Thế, bởi cuộc sống khiêm nhu, tầm thường, nghèo nàn của Chúa đã không hợp với nhãn quan lầm lạc của họ. Vì theo quan niệm tự mãn, tự cao, tự đại, vinh sang oai hùng của dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn, cần phải có một Chúa Cứu Thế uy hùng quyền năng cao cả, đến thống trị, trên Ngai Hoàng Đế Israel, bá chủ Thế giới.
Chính vì cái nhãn quan hẹp hòi nông cạn và quan niệm kiêu căng đó, mà họ đã chẳng khác gì như "Con chó" không nhận ra chủ, không nhận ra Chúa và bao nhiêu ơn phúc Chúa dành cho họ, là dân Ngài đã tuyển chọn.
Kết Luận
Chúng ta là con cái Chúa, đã được Chúa yêu thương tuyển chọn làm con, xin Chúa ban cho chúng ta được những ơn cần thiết sau đây:
1. Biết nhận ra Chúa để tôn thờ Ngài xứng đáng, biết nhận ra các ơn Chúa ban để cảm tạ Ngài, hầu sống xứng đáng hơn địa vị làm con cái Thiên Chúa với biết bao ơn phúc Ngài ban.
2. Học nơi Chúa bài học nhân từ, biết phán đoán cách khách quan và ngay lành cho tha nhân, nhìn nhận điều hay điều tốt của người khác, không chủ quan nông cạn, hẹp hòi xét đoán kết tội tha nhân theo nhãn quan bên ngoài và quan niệm vạy vò, ghen tương, độc đoán, kiêu căng của mình.
Lm. Minh Vận, CMC
***
Bụt nhà không thiêng
Một nhận xét thực tế giữa xã hội mà ta thường nói : "Bụt nhà không thiêng" chứ không mấy ai nghĩ "Vách đất có chạch vàng". Tâm trạng thời chúng ta cũng không khác thời Chúa Giêsu, khiến Ngài phải thốt lên : "Chẳng có ai được vinh danh nơi quê hương mình".
Người đồng hương với Chúa đã nhìn qua nhiều khía cạnh : thán phục - chần chờ xem xét - chê bai ngoài hành động - tìm cách hại Ngài.
Với người chân thành và tin tưởng vào Ngài thì nhận : Ngài là Đấng có quyền có phép - Ngài đã làm phép chữa họ khỏi - Họ được ơn nhận ra lời chân lý Ngài giảng là thật.
Với giới có quyền chức, có địa vị trong dân thì dèm chê vì Ngài vượt quyền họ - Có khả năng hơn họ - có tài đức hơn họ. Nói rõ ra : Họ sợ mất miếng, mắt phần, mất thế giá, mất danh vọng. Do đó họ nhìn nhận theo chiều đi xuống : "Ông ta là con bác thợ mộc và bà Maria, có ai mà chẳng hay biết thân thế và sự nghiệp của gia đình này nữa. Ngay đến anh em họ hàng như Jacobe, Juda, Simon... có tài trí gì đâu, toàn là người sinh trưởng trong làng, ai mà không lạ".
Nhưng họ không hiểu được rằng : Trong con người nghèo khó kia lại là Đấng mà nhiều người vấp phạm (Simeon), là Thiên Chúa nhập thể.
Trong chuyện "The Crossed Sword's - So kiếm" của một văn hào người Anh kể lại : Có một chàng trai nghèo nàn, chất phác được hoàng tử Wales (Hoan Lộ) hoán đổi cho vào cung, còn hoàng tử thì giả dạng du hành nhân gian, mục đích là để tìm hiểu và thông cảm với đời sống của người dân. Đến nơi nào hoàng tử cũng nói cho mọi người biết mình là con vua xứ Hoan Lộ và ngài cũng ra sức thi ân, giúp đỡ mọi người. Có nhiều người mến phục đúc tính từ tâm nhân hậu của Hoàng tử, nhưng cũng không thiếu những kẻ không tin là hoàng tử. Càng xưng mình ra họ càng hoài nghi hơn. Có nhiều lần họ đã bắt bỏ tù, đánh đập. Có lần bị đưa vào sào huyệt sống với những kẻ trộm cướp ....Nhưng dù bị cách nào chàng cũng cứ xưng mình là con vua, mặc dù chẳng ai tin.
Hoàng tử Giêsu cũng sống trong hoàn cảnh tương tự : Con Thiên Chúa ẩn mình trong gia đình đạm bạc, cha mẹ là người chân thành chất phác. Thử hỏi có Thiên Chúa nào lại làm quen với nhát búa, lằn cưa. Bởi đó sinh ra chuyện "Gần chùa gọi Phật bằng anh". Đi xa hơn nữa "Bụt nhà không thiêng". Họ lại còn lấy "phép vua thua lệ làng đề mà quyết đoán nữa."
Chúng ta nhiều lúc tin Chúa là Thiên Chúa quyền phép, nhưng đôi khi cũng cho rằng Chúa không thực tế, vì xin mà không cho như mình muốn. Cầu mãi mà cũng chẳng thấy động. Nhất là khi gặp khổ đau, hất hủi, buồn lòng....
Hãy bắt chước ông Job : Tạ ơn Chúa cả khi con đàn cháu đông, cả khi bị tịch thu hết mọi sự và ngay chính mình bị lở loét đến ngồi trên tro cho bớt ghê hồn. Ông vẫn vui và bình an nói lên được rằng : "Chúa cho Chúa cất là quyền của Ngài". Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho được bình tĩnh nhận định và sẵn sàng vâng phục ý Chúa cho xảy đến trong đời.
Lm. Thu Băng, CMC
***
Đôi Cánh Của Đau Khổ
Thánh Phaolô được Chúa ban cho nhiều tài năng, được thấy nhiều điềm thiêng dấu lạ, nhưng ông đã phải chịu nhiều đau khổ. Ông xin Chúa cất đi những đau khổ. Chúa phán: "Ơn của Ta đã đủ cho con, vì sức mạnh của Ta biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối". Và Phaolô đã tâm sự: "Giờ đây tôi cảm thấy vui sướng khi bị sỉ nhục, hoạn nạn bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô..."
Esther, một thiếu nữ mù, tâm sự: "Con có nhiều mộng ước, từ khi bị mù con phải bỏ tất cả... Nhưng bất hạnh biến thành hồng phúc... Trước đó con sống không có Thiên Chúa, giờ đây nhờ đau khổ, con học biết Ngài, con tìm thấy Ngài, và con không thể sống không có Ngài... Trước đó niềm vui của con chợt đến chợt đi và không bao giờ con tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn của hạnh phúc; giờ đây niềm hạnh phúc của con mãnh liệt, tràn đầy, sâu kín và thường xuyên... Lòng con rực sáng, hay nói đúng hơn, Chúa Giêsu rực sáng trong lòng con, mối hiệp thông giữa con và Thiên Chúa trở nên mãnh liệt... Chúa cất mất nơi con vài hạnh phúc tạm bợ để ban cho con chính Ngài... Trước đó có nhiều lúc con ngồi yên, không biết phải làm gì, giờ đây con cầu nguyện... Và khi con mở lòng ra, không qui về mình mà qui về chính Thiên Chúa, Chúa có thể xuất hiện. Lòng con cảm nghiệm cách mãnh liệt Chúa đang có mặt... Khi con đặt mọi sự trong tay Chúa, con cảm thấy gánh nặng biến mất... Khi cầu nguyện con yêu mến Ngài và bày tỏ cùng Ngài mọi sự... Căn phòng nhỏ bé của con biến thành nhà nguyện để con sống thân mật với Chúa và Mẹ Maria, và con cầu nguyện cho mọi người... Con nhìn mọi người cách khác, và con yêu mến tất cả..." (*)
Đau khổ là một phần quan trọng trong hành trình làm người tiến đến gặp gỡ Chúa và chuyển biến tâm hồn con người thành con Chúa... Đau khổ không bao giờ do Thiên Chúa. Chúa là Tình Yêu. Sau khi tạo dựng vũ trụ và con người, Chúa phán: "Rất tốt đẹp"... Nhưng ma quỷ đã đến gieo cỏ lùng vào vũ trụ và vào lòng người, và con người có tự do chọn lựa Thiên Chúa hay không... Nhưng Chúa dùng đau khổ biến thành hồng ân để con người tiến đến một niềm hạnh phúc đích thực và sâu sa hơn... Niềm đau khổ sau cùng là sự chết đã trở thành đôi cánh nhiệm mầu để con người bay vào thiên đàng...
Đứng trước đau khổ con người có nhiều cách nhìn: sợ hãi, chạy trốn, hoặc phản ứng, hoặc biến thành cơ hội để nên thánh... Thánh Faustina viết: "Giữa những gian truân và nghịch cảnh cam go nhất, tôi không đánh mất bình an nội tâm hoặc sự quân bình bên ngoài, tôi im lặng và cầu nguyện. Sự nhẫn nại sẽ đem lại sức mạnh cho linh hồn..."
Mỗi đau khổ xảy đến là một cơ hội ta chạy đến Cha đầy lòng thương xót và khôn ngoan, Ngài sẽ dạy ta yêu mến đau khổ. Ta sẽ nhìn đau khổ như Đức Giêsu Con yêu dấu của Ngài, như các thánh... Thánh Ignatius thành Antioch đã vui sướng trong cuộc tử đạo của Ngài: "Tôi nghe lời Chúa vang vọng, như dòng nước hằng sống chảy tràn trong hồn tôi: 'Hãy đến hưởng niềm vui của Cha người'."
Đời sống là một hành trình về nhà Cha. Khi gặp đau khổ, hay trong tuổi già, là lúc cần quay hướng sống về đời vĩnh cữu: Con người được tạo dựng để sống không phải để chết. Và sự sống tràn đầy là sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Hãy phó thác mọi sự và sự sống sau cùng trong tay Ngài, và để Ngài giúp ta thánh hoá đau khổ và trong hành trình cuối cùng về nhà Cha...
-----------------------------------------------------
(*) Tóm tắt và phỏng theo bài dịch "Đức Tin Của Một Thiếu Nữ Mù" của Sr. Minh Nguyệt, TTDM số 314, tháng 2- 2004.
Sr. Tố Nhung
***
THÀNH KIẾN
Ông là ai vậy ? Bởi đâu ông ta đã làm được những chuyện lạ lùng như thế ? Ông ta không phải là con ông Giuse và bà Maria sao ? Họ hàng anh chị em của ông ta không phải là những người láng giềng của chúng ta sao ? Ông ta không phải là người đã sinh sống và làm nghề thợ mộc ở đây với chúng ta sao ?
Phải, đúng lắm. Đó chính là Chúa Giêsu, con của ông Giuse và bà Maria, đã sinh sống và làm nghề thợ mộc ở Na-da-rét 30 năm rồi. Nhưng tại sao những người đồng hương lại ngạc nhiên và thắc mắc về Chúa như vậy ? Bởi vì ít lâu nay họ đã nghe dư luận đồn thổi về những lời giảng dạy mới lạ, đầy uy quyền của Chúa, cũng như đã nghe dân chúng bàn tán xôn xao về những phép lạ Chúa đã làm ở nơi này nơi kia…Đó là những công việc, những phép lạ Chúa Giêsu đã làm trước khi Ngài về Na-da-rét, quê hương của Ngài. Nhưng những người đồng hương của Ngài không tin và không thể tin. Tin làm sao được ông Giêsu đang đứng trước mặt họ đây có thể làm được những điều lạ lùng như thế, nhất là tin làm sao được ông Giêsu đây là Thiên Sai, Đấng Cứu Tinh, là Đấng mà dân tộc họ đang trông đợi cả ngàn năm ?
Dân làng Na-da-rét không thể nào chấp nhận một người mà họ đã quá biết : thân thế tầm thường, gia đình nghèo nàn. Biết cả họ hàng chẳng danh giá gì. Biết rõ quá như thế thì làm sao người đó có thể là vị cứu tinh, là Đấng Cứu Thế, là Đấng giải thoát cho dân tộc họ được ? Quả thực, họ đã bị thành kiến về giàu nghèo, về giai cấp trong xã hội làm mù quáng, không thể nhận ra bản tính Thiên Chúa, nhận ra sứ mạng cứu chuộc nơi con người Chúa Giêsu. Từ thành kiến sai lầm đó họ đâm ra hoài nghi và yêu cầu Chúa làm phép lạ như đã làm ở những nơi khác. Trước thái độ ít cởi mở và hoài nghi của họ, vì họ không tin, nên Chúa không làm phép lạ được. Không phải vì Ngài không thể làm, bằng chứng là Ngài cũng có đặt tay chữa cho mấy người bệnh, nhưng chính vì họ không tin.
Dân làng Na-da-rét không tin Chúa Giêsu. Không tin là vì bụt nhà không thiêng, như có lần Chúa đã nói : “Chẳng ngôn sứ nào được danh tiếng nơi quê hương mình “; hoặc tệ hơn, như Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay : “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”. Tại sao dân làng Na-da-rét không tin ? Họ không tin vì thành kiến. Họ đã đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo trong những định kiến hẹp hòi, có sẵn của họ. Vì thế, họ không thể thấy được những chân trời rộng lớn và mới mẻ mà Chúa mở ra cho họ. Họ cũng không thể chấp nhận Chúa Giêsu là hiện thân của nước trời và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Có ai ngờ Đấng Cứu Thế lại là người đơn sơ, khiêm hạ như thế. Đối với người Do thái đương thời, Chúa Giêsu đến quá ư bất ngờ và quá khác xa với quan niệm họ sẵn có về Đấng Cứu Thế. Họ không biết rằng đường lối của Thiên Chúa có thể khác xa với sự toan tính của loài người.
Qua đó chúng ta rút ra được một bài học thực tế : Thành kiến là một tâm trạng thiên lệch rất tai hại, là một sự in trí, phán đoán mọi người mọi vật theo những quan niệm làm sẵn, có sẵn trong đầu óc, nhất là khi những tư tưởng có sẵn đó lại sai lạc, thì có thể đưa đến những hậu quả không hay, sai lầm hoặc nguy hại. Thật vậy, ai đeo kính đen thì nhìn cái gì cũng tối hết; lưỡi đắng thì ăn gì cũng đắng; lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Yêu nên tốt, ghét nên xấu : “Yêu nhau yêu cả đường đi. Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”. Lòng chúng ta có khuynh hướng mạnh về điều gì, thì mắt chúng ta hay tìm, trí chúng ta hay tưởng và rồi chúng ta phán đoán người khác cũng giống như chúng ta và hơi chút là chúng ta đoán về đàng đó liền.
Thành kiến là một chứng bệnh di truyền kinh niên bất trị của loài người, không ai thoát khỏi. Chúng ta hằng to tiếng lên án lối sống phô trương bên ngoài. Nhưng trên thực tế, chúng ta lại hay căn cứ vào những cái bên ngoài mà đánh giá thiên hạ. Đánh giá một người theo bên ngoài có thể đúng nhưng cũng có thể sai lầm. Câu nói : “Trông mặt mà bắt hình dong”. Khổng Tử cũng xác nhận : “Người tôi yêu chưa chắc đã tốt; người tôi ghét chưa chắc đã xấu”. Phong dao cũng có câu : “Người xấu duyên lặn vào trong. Bao nhiêu người đẹp duyên rong ra ngoài”. Lặn vào thì còn lại, bong ra thì mất đi rồi. Và hẳn chúng ta cũng không quên câu nói : “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, “Xanh vỏ mà đỏ lòng”. Cho nên, đánh giá một người mà chỉ căn cứ vào bề ngoài có thể là nông nổi, thiển cận và nguy hiểm.
Tóm lại, thành kiến đã làm cho dân làng Na-da-rét phán đoán sai về Chúa Giêsu. Họ đã không nhận ra Ngài là Đấng Cứu Tinh. Đối với chúng ta cũng vậy, thành kiến có thể làm chúng ta mù quáng, không nhận định và phê phán một cách khách quan đúng đắn được. Thành kiến làm chúng ta không thể đối thoại, cởi mở với người khác và không nhìn thấy cái hay cái tốt nơi người. Vì thế, chúng ta phải loại bỏ tất cả những gì là thành kiến về bản thân để khỏi tự ti mặc cảm; cũng như thành kiến về những người chung quanh, để có được một cái nhìn đúng đắn hơn, một nhận xét chân thành hơn, một phán đoán khách quan hơn,và một đời sống yêu thương cởi mở hơn.
***
TIN MỚI THẤY ĐƯỢC
Chúa nhật thứ mười bốn năm B xoay quanh một vấn đề hết sức tế nhị và phức tạp: Sứ vụ của ngôn sứ không được ưu đãi nơi quê hương của mình. Vấn nạn được đặt ra nhân việc Chúa Giêsu giảng dậy tại Hội Đường nơi quê hương Nagiarét :” Ngài không phải là con bác thợ mộc Giuse, con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao ? Đức Giêsu trả lời câu hỏi ấy:” Không một ngôn sứ nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình” ( Mc 6, 4 ).
I.Ý NGHĨA CÁC BÀI ĐỌC:
Tin Mừng của thánh Maccô 6, 1-6 dậy cho dân Chúa bài học đích đáng. Người biết Chúa thường thờ ơ, lãnh đạm:” Gần chùa gọi bụt bằng anh”. Đó là thái độ của những người không có lòng chân thật, thường bám víu vào những gì mình có và một khi cảm thấy đầy đủ, hoặc sự thật đầy đủ hoặc chỉ có trong ảo tưởng thì họ đâm ra coi thường tất cả, mặc dầu bản chất họ không được như vậy. Điều ấy, hợp với đoạn Tin Mừng sáng nay, khi mọi người được sống gần Chúa, được nghe những lời khôn ngoan giảng dậy của Ngài, người ta lại đâm ra nghi ngờ về sự chân thật của Ngài và từ thái độ hồ nghi đó, con người đặt vấn đề về Ngài, xem Ngài như một người thường thức, một con người xuất thân từ cha mẹ cũng không có thế giá gì. Chúa Giêsu nói rất rõ về thái độ cứng tin của con người, những người đã được sống gần gũi Chúa, được tiếp xúc với ơn cứu độ của Chúa và được nghe những lời chân thật, quí báu của Ngài. Tại sao họ lại đặt vấn nạn về Ngài giữa lúc họ được nghe lời cứu rỗi của Ngài. Ở đây chúng ta có thể đặt hai vấn nạn: một là con người cố bịt tai, nhắm mắt không chịu nhìn Đấng Cứu Thế. Hai là con người cứng lòng không chịu mở rộng tấm lòng để nhận ơn cứu rỗi của Chúa Kitô. Do đó, Đức Giêsu đã phải thốt lên:” Ngôn sứ mà có bị khinh thì chỉ có ở nơi quê quán, nơi bà con, nơi nhà mình mà thôi” ( Mc 6, 4 ). Ngài có thể làm được nhiều điều tốt đẹp để làm vinh danh Cha Ngài nơi quê hương của Ngài, nhưng Ngài đã không thể làm được gì, ngoài việc đặt tay chữa lành vài người đau ốm”( Mc 6, 5 ). Đoạn Tin Mừng này làm sáng tỏ vấn đề ngôn sứ Êdêkiên nói tới ở đoạn 2, 2-5. Ngôn sứ lãnh lời của Thiên Chúa truyền đạt cho dân, nhưng dân phản loạn không chịu nhìn nhận vị sứ giả của Thiên Chúa, không nhìn nhận uy quyền của Đấng được sai đi. Thái độ của dân trong đoạn này cũng là thái độ đóng kín, bịt mắt không chịu mở lòng, mở đôi mắt để thấy rõ vị sứ giả của Thiên Chúa sống giữa họ và phục vụ Tin Mừng cho họ. Maccô 6, 1-6 và ngôn sứ Êdêkiên 2, 2-5 dẫn ta tới sự kiện:” Tin và Phó thác”. Phaolô trong thư thứ hai gửi tín hữu Corintô 12, 7-10 đã thú nhận sự yếu hèn của thân xác và xin Chúa cất khỏi sự cám dỗ của xác thịt Ngài, nhưng Thiên Chúa đã chấp nhận sự yếu hèn của Ngài như thử thách của lòng tin:” Ơn Ta là đủ cho Ngươi, vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối”( 2Co 12, 10 ). Các bài đọc đưa ta tới một kết luận chung: Phó thác và tin tưởng cậy trông vào Chúa, chắc chắn sẽ được Ngài gia ân giáng phúc và cho con người đứng vững trong lịch sử cứu độ của mình.
II. SỨ ĐIỆP CỦA CHÚA NHẬT HÔM NAY:
Đức Giêsu đã dậy cho dân Chúa, cho mọi người một bài học thích đáng: Không được đóng kín lòng, nhưng phải mở tung tâm hồn để lãnh nhận ơn huệ của Thiên Chúa. Con người sống ở đâu, ở hoàn cảnh nào, trong tình huống nào, lòng tin vẫn là nguồn sống cho họ. Thiếu lòng tin con người sẽ khô cằn và chết. Lòng tin sẽ giúp con người can đảm để sống, giúp họ vươn tiến và bước đi trong bình an. Ích kỷ, tị hiềm, ghen tương sẽ không xây đắp được gì. Chỉ có lòng tin, sự quảng đại, bao dung mới xây nên được sự bình an. Sống trong một thế giới vắng bóng Thiên chúa, xa dần sự thật và ánh sáng. Lòng tin sẽ là đèn pha dọi chiếu để con người nhìn ra thực trạng sống và nhìn ra cùng đích để bước tới. Thực trạng và cùng đích là Chúa Kitô. Đức Kitô là Tình yêu. Tình yêu là nguồn sống của con người. Nơi nào có sự thật, chân lý và tình người, nơi đó có Thiên Chúa ngự trị. Nơi đâu tình yêu nhường chỗ cho hận thù, ghen tương và đố kỵ, nơi đó vắng bóng Thiên Chúa. Tình thương thì xây dựng. Hận thù thì hủy diệt. Tình thương sẽ giúp con người ngồi gần nhau hơn để nói lên sự tin tưởng, tín thác và nâng đỡ nhau. Đức Kitô không đòi hỏi con người điều gì cả ngoài tình thương họ phải đáp trả. Sở dĩ con người không nhận ra Ngài vì họ thiếu tình thương, thiếu lòng tin và phó thác. Đức Kitô vẫn ở đó, vẫn ở bên ta nhưng có người đã nhận ra Ngài, có người chưa nhận ra Ngài và có người không muốn nhìn nhận Ngài như những người ở làng quê Nagiarét xưa.
Woodbridge đã viết một câu thật chí lý:” Đức tin là con mắt để nhìn thấy Chúa, là bàn tay để nắm lấy Người, là sức mạnh giúp ta tự hiến cho Người “.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng biết nhìn thấy Chúa ở khắp nơi.
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT
***
Chúa nhật 14 Thường niên năm B dạy chúng ta một bài học về những cản trở khiến chúng ta khó nhận ra Thiên Chúa. Thời ngôn sứ Edêkien thì dân Ítraen tỏ ra là một dân phản nghịch, chống lại Thiên Chúa, mặc dầu Thiên Chúa một mực yêu thương tha thứ cho họ. Thời Đức Giêsu thì dân làng Nadarét đồng hương của Đức Giêsu không tin Người mặc dù họ thấy Người khôn ngoan lạ thường và họ biết Người làm nhiều phép lạ phi thường ở các làng chung quanh. Tất cả chỉ vì lòng người cao ngạo, hẹp hòi, mù quáng và thành kiến. Họ muốn Thiên Chúa phải lệ thuộc vào họ, phải làm những điều họ muốn và theo cách họ nghĩ. Dân Chúa ngày hôm nay và bản thân mỗi người chúng ta phải làm thế nào để trở thành những người con hiếu thảo của Thiên Chúa? Đó là điều chúng ta phải xem xét nếu muốn sống sứ điệp của Lời Chúa hôm nay.
I. LẮNG NGHE & TÌM HIỂU LỜI CHÚA
1.1 Bài đọc 1: Ed 2,2-5: Nếu như Thần Khí của Thiên Chúa không nhập vào ngôn sứ Edêkien, thì không biết ông có đủ can đảm mà đến với dân riêng của Thiên Chúa mà nhắc nhở răn dạy họ không. Để giúp ông vững dạ trong sứ vụ khó khăn, Thiên Chúa tỏ cho ông biết là Người biết rõ lòng dạ của dân cùng với sự ngỗ ngược và cứng lòng của họ: ”Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Ítraen, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay. Những đứa con mặt dày mặt dạn, lòng chai dạ đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng. Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng” Ngôn sứ Edêkien thấy Thiên Chúa biết rõ ruột gan của dân mà vẫn thương yêu dân thì ông phải cố gắng chu toàn trách nhiệm làm ngôn sứ của Thiên Chúa để nói lời Thiên Chúa cho họ, mặc dù họ có thể nghe mà cũng có thể chẳng thèm nghe lời ngài.
1.2 Bài đọc 2: 2 Cr 12,7-10: là những lời Phaolô viết cho tín hữu Côrintô về một nỗi yếu đuối hoặc khiếm khuyết hoặc cám dỗ thiêng liêng mà ngài phải chịu đựng suốt cuộc đời. Chúng ta không rõ đó là cái gì, vì Phaolô nói một cách rất mơ hồ là “một cái dằm”. Cái dằm thì không đủ làm cho người ta chết, nhưng nó làm cho người ta đau đớn và khó chịu, không lúc nào yên. Nhưng điều chúng ta biết được là Phaolô đã nhờ cái dằm ấy mà sống khiêm tốn trong đời sống tâm linh, giữa bao ơn huệ lớn lao mà Thiên Chúa đã khứng ban cho riêng ngài: “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mạc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xatan được sai đến để vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại” Như thế thì sự yếu đuối, mỏng giòn, khiếm khuyết trong đời sống tâm linh cũng là điều có ích cho tâm hồn những người thật lòng yêu mến Chúa, vì nhờ đó mà họ khiêm tốn hơn, tránh khỏi cảnh tự cao tự đại đáng ghét theo tinh thần Phúc âm. Không ít vị thánh đã là các đại tội nhân.
1.3 Bài Tin Mừng: Mc 6,1-6: là bài tường thuật của Máccô về những suy nghĩ và thái độ của những người đồng hương Nadarét đối với Đức Giêsu. Khi thấy Đức Giêsu tỏ ra khôn ngoan khác người, dân làng Nadarét cũng ngạc nhiên và thắc mắc nhưng họ không thoát ra khỏi những thành kiến tầm thường để nhận ra Đức Giêsu là Ai. Trái lại họ dựa vào những gì họ biết về Người (cha mẹ, họ hàng, nghề nghiệp, tài sản và giai cấp xã hội) để nghi ngờ và không tin Người. Phúc âm Máccô cho ta thấy Đức Giêsu rất đơn sơ chân chất: chính Người cũng ngạc nhiên về thái độ không tin của những người đồng hương: “Người lấy làm lạ vì họ không tin” và vì họ không tin nên “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó” Phúc âm Máccô còn cho thấy Đức Giêsu rất hiền lành: Từ sự kiện không được người đồng hương kính tin, Người chỉ rút ra một kết luận: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc và trong gia đình mà thôi” và đến các làng chung quanh mà giảng dạy cho dân chúng ở các làng ấy. Ở một đoạn văn khác, những người bà con thân thuộc của Đức Giêsu tìm cách quản lý Người, vì cho rằng Người khùng dại, mất trí (xem Mc 3,21).
II. ĐÓN NHẬN & SỐNG SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA
2.1 Có nhiều cản trở khiến con người không nhận ra Thiên Chúa: Đó là kết luận thứ nhất mà chúng ta có thể rút ra được từ các bài đọc Thánh Kinh hôm nay. Con người không nhận ra Thiên Chúa, có thể vì tính cao ngạo, cứng đầu cứng cổ; cũng có thể vì suy nghĩ hẹp hòi và thành kiến. Thay vì lấy Thiên Chúa là chuẩn thì con người thường thích lấy mình làm chuẩn, làm thước đo mà bắt Thiên Chúa phải theo. Cách nói hình tượng là con người nặn ra Thiên Chúa theo suy nghĩ của mình chứ không chịu chấp nhận sự việc Thiên Chúa làm sao thì đón nhận nhận Người như vậy. Đó cũng là một dạng tội phạm thượng, tội thờ ngẫu tượng, mà Thiên Chúa đã lên án nhiều lần trong Cựu Ước.
Nhìn vào đời sống tâm linh của chúng ta, có lẽ chúng ta cũng phải tự thú rằng chúng ta cũng là những người con ngỗ nghịch, cứng đầu cứng cổ, đầy thành kiến và bảo thủ đối với Thiên Chúa.
Chúng ta có nhận ra và đón rước Chúa trong Thánh Kinh, nhất là trong 4 Phúc âm, như Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra và mong đợi không? Càng ngày người ta càng nhận thấy người Công giáo thua kém anh chị em Tin Lành trong lãnh vực hiểu biết và truyền giảng Lời Chúa như thế nào. “Vô tri bất mộ”: không hiểu biết thì làm sao mến mộ, mà hiểu biết thế nào được nếu không chịu tìm tòi, học hỏi. Nhìn vào sinh hoạt tôn giáo của các giáo xứ, thử hỏi có bao nhiêu giáo xứ có các khóa học hỏi Thánh Kinh cho người lớn? Tương tự như thế, mỗi người, mỗi cộng đoàn hãy tiếp tục tự vấn chính bản thân mình: Chúng ta có nhận ra và đón rước Chúa trong Bí tích Thánh Thể như Chúa mong đợi không? Chúng ta có nhận ra và đón rước Chúa trong anh chị em, nhất là trong những người bé mọn, thấp cổ bé miệng và túng nghèo cũng như trong những người sống xa Chúa, chống lại Chúa, như Chúa đã dậy không? Chúng ta có nhận ra và đón rước Chúa trong các biến cố lớn nhỏ, liên hệ tới cá nhân và cộng đồng không? Chúng ta có nhận ra các dấu chỉ của thời đại mà Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII đã tạo nên một ý thức sống động trong thời đại của Công đồng Vaticanô II không?
2.2 Là những người con hiếu thảo và dễ bảo của Thiên Chúa: Đó là kết luận thứ hai và là sứ điệp của Lời Chúa hôm nay. Nhưng làm thế nào để chúng ta trở nên những người con hiếu thảo và dễ bảo của Thiên Chúa? Trả lời được câu hỏi gai góc này là chúng ta vạch ra được con đường tiến về Chúa:
2.2.1 Cần có lòng đơn sơ trong trắng của trẻ thơ, vì trẻ thơ thì tin lời cha mẹ một cách tuyệt đối và làm những gì cha mẹ dậy bảo. Cũng vì trẻ thơ thì sằn sàng đón nhận những cái mới, cái hay, cái đẹp đến từ Thiên Chúa, con người và xã hội.
2.2.2 Cần siêng năng chịu khó tìm tòi học hỏi, đọc, suy niệm Thánh Kinh và cầu nguyện vì trong các Sách Thánh, Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng triù mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ. Cũng còn vì Lời Chúa là qui luật tối cao hướng dẫn đức tin (xem Chương VI, số 21, Hiến chế Mạc Khải hay Lời Thiên Chúa, của Công đồng Vaticanô II). Vì thế những người con hiếu thảo của Thiên Chúa sẽ lấy Lời Chúa làm chuẩn, sẽ để sứ diệp của Lời Chúa chất vấn lương tâm và đời sống của mình mỗi ngày.
2.2.3 Cần học tập noi gương Đức Giêsu Kitô: không ai thảo hiếu với Thiên Chúa Cha cho bằng Đức Giêsu Kitô là Con Một Yêu dấu của Cha và là Chúa chúng ta. Đức Giêsu được Chúa Cha ban cho chúng ta, không chỉ để chúng ta được thứ tha mọi tội phản nghịch, mà còn để chúng ta biết đường biết lối tìm về với Chúa Cha là cùng đích và hạnh phúc của mình. Chính vì thế mà Đức Giêsu đã nhiều lần gọi mời: “Hãy học cùng Ta! Hãy đến với Ta! Hãy noi gương bắt chước Ta!”
III. CẦU NGUYỆN
Lạy Thiên Chúa là Cha yêu thương, kiên nhẫn và quảng đại vô cùng, Chúa chẳng chấp tội phản nghịch, thói cứng đầu cứng cổ, óc hẹp hòi thiển cận của chúng con. Chúng con xin cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha. Chúng con xin Cha ban cho chúng con một tấm lòng thảo hiếu, dễ bảo và biết ơn đối với mọi ân sủng của Cha. Chúng con xin Cha ban cho chúng con ơn biết noi gương bắt chước Đức Giêsu Kitô, Con Một yêu dấu của Cha và ơn biết quí trọng và siêng năng tìm vào kho tàng Thánh Kinh là Lời hằng sống của Cha để chúng con biết Thánh Ý của Cha và thực thi Thánh Ý ấy trong đời sống cá nhân, gia đình, cộng đoàn của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu Kitô là Con Thảo của Cha, xin Chúa dạy chúng con biết sống thảo hiếu với Cha, vâng phục Cha và yêu thương anh em như Chúa đã sống và đă dạy trong Phúc âm.
Lạy Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Thiên Chúa, xin Chúa uốn lòng chúng con nên tâm hồn trẻ thơ, mềm dẻo, dễ bảo đối với Cha, để chúng con trở nên những người con thảo hiếu, theo mẫu gương của Đức Giêsu Kitô.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
***
Trong thời Cựu ước, Thiên Chúa phán với loài người qua các tiên và tổ phụ. Cuối cùng Thiên Chúa sai chính Con Một Người đến mạc khải trực tiếp cho nhân loại về tình yêu và đường lối của Người. Các tiên tri được Chúa sai đến thường bị bạc đãi và tẩy chay như Tiên tri Ê-dê-ki-en được sai đến với dân phản nghịch đang nổi loạn (Ed 2:3). Sau cùng chính Chúa Giê-su cũng gặp tẩy chay khi Ngưòi về thăm quê nhà như Phúc âm hôm nay thuật lại. Dân chúng không phàn nàn vì lời Người giảng dạy có tính cách nông cạn. Trái lại họ phải sửng sốt về những lời giảng dạy sâu sắc của Người. Tuy nhiên họ không chấp nhận Người, vì theo họ Chúa Giê-su không đi học trường đào tạo giáo sĩ. Dân chúng trong Phúc Am hôm nay cho rằng họ biết tất cả về gia cảnh, thân thế và sự nghiệp của Chúa. Họ biết Người là con bà Maria nội trợ, con nuôi ông thợ mộc Giu-se. Thế thì tại sao Người lại có thể biết nhiều về Thánh Kinh như vậy. Những thành kiến của họ có tính cách cố định. Thành kiến đã làm trở ngại cho những cuộc tiếp xúc giữa Chúa Giê-su và người đồng hương. Chính những thành kiến đó làm cản trở ơn thánh đến với họ. Họ nuôi quan niệm sai lầm về Đấng Cứu thế. Theo họ thì vị thiên sai phải là một nhà lãnh đạo chính trị lỗi lạc, một nhà cải cách xã hội tài ba, một vị tướng lãnh tài giỏi, bách chiến bách thắng, có thể đưa dân tộc họ lên hàng bá chủ hoàn cầu. Khi họ nhận ra Chúa Giê-su không thích hợp với với quan niệm họ sẵn có về Đấng cứu thế, thì họ từ khước Người. Vì thế đối với họ, Chúa Giê-su không thể là Đấng cứu thế. Cái thành kiến của họ đã làm cản trở cho đức tin vào Chúa, vào lời Chúa và quyền năng của Chúa như Chúa muốn họ tin tuởng. Phúc Am hôm nay ghi lại: Chúa không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân (Mc 6:5). Sở dĩ Chúa không làm phép lạ nào được vì như lời Phúc âm ghi lại họ cứng lòng tin (Mc 6:6).
Ta có thể thầm trách đám đông trong Phúc Am hôm nay đã tẩy chay Chúa. Tuy nhiên ta đã đáp lại lời Chúa thế nào? Lời Chúa không phải là tiếng nói môt chiều nhưng bao hàm việc đáp trả. Quyền năng Chúa tuỳ thuộc vào ý muốn mở rộng tâm hồn của mỗi người.
Đối với vấn đề đạo giáo cũng vậy. Để có thể tin, người ta phải giữ tâm hồn rộng mở. Người ta phải loại bỏ những thành kiến và định kiến về đạo cũng như về người có đạo. Những thành kiến cho rằng việc đi lễ, đọc kinh, cầu nguyện, là chuyện của đàn bà con nít chẳng hạn, còn người lớn đàn ông chỉ cần giữ đại tại tâm là đủ. Cái thành kiến đó sẽ làm cản trở cho bước đường đến với Chúa. Nếu ta vịn cớ nọ cớ kia để đóng cửa nhà tâm hồn, thì Chúa cũng chịu, không vào được, vì Chúa tôn trọng tự do của loài người. An huệ và quyền năng Chúa tuỳ thuộc vào việc mở rộng tâm hồn của mỗi người. Chúa không ép buộc ta theo Chúa và sống theo đường lối đức tin. Chúa chỉ mời gọi. Việc chấp nhận hay không là tuỳ thuộc vào mỗi người.
Hôm nay ta cần cảm tạ Chúa đã ban cho ta được ơn nhận lãnh đức tin. Ta cần cảm tạ Chúa cho cha mẹ, đã gieo vãi hạt giống đức tin vào tâm hồn ta khi đưa ta đến giếng nước rửa tội. Ta cũng cần cảm tạ cho những người đã nuôi dưỡng và nâng đỡ đức tin của ta từ nhỏ để hôm nay ta có thể bày tỏ đức tin vào Chúa, vào lời Chúa và quyền năng Chúa.
Lm Trần Bình Trọng, USA
 
***
1. Tâm lý người đời: trọng vọng lời nói của kẻ giàu có, quyền thế, có học vấn
Người ta thường dựa vào những tiêu chuẩn khôn ngoan kiểu loài người để phân định sự việc, điều đó có thể đúng khi áp dụng vào những việc của thế gian (làm ăn, ngoại giao, bon chen, tranh quyền đoạt lợi…). Nhưng nếu áp dụng sự khôn ngoan ấy vào những công việc của Thiên Chúa, vào đời sống tâm linh, vào việc sống đạo… thì thật là sai lầm. Người đồng hương với Đức Giêsu - cùng sinh trưởng tại làng Nadarét - mắc phải sai lầm ấy. Họ khó có thể chấp nhận được một người nghèo, ít học, thuộc loại lao động tay chân như Đức Giêsu, lại có thể hiểu sâu xa về Thiên Chúa, lại có thể đưa ra những quan niệm mới về Thiên Chúa, về cách sống đạo, về đời sống tâm linh. Nếu có ai nói về Thiên Chúa khiến họ tin được, thì phải là người xuất thân từ trường lớp thần học và có bằng cấp như những kinh sư Do-thái (tức các tư tế, luật sĩ, Pharisêu).
Nhưng nếu dùng ánh sáng hiểu biết của các Kitô hữu ngày nay để nhìn về ngày xưa, ta thấy:
- Đức Giêsu tuy ít học (Ga 7,15), và biết bao người khác tuy ít học nhưng lại hiểu biết về Thiên Chúa sâu sắc hơn những người có học. Trong lịch sử các tôn giáo cũng có những trường hợp tương tự: chẳng hạn trong Phật giáo có trường hợp của Huệ Năng. Trong số học trò của Ngũ tổ, Huệ Năng là người ít học lại thuộc sắc dân mọi rợ (dân tộc ít người, kém văn minh), nhưng ông lại giác ngộ được chân lý sâu thẳm của đạo pháp. Còn Thần Tú, cũng là học trò của Ngũ tổ, vốn là một vị quan thâm nho của triều đình, học rất rộng biết rất nhiều, nhưng lại chẳng giác ngộ được chân lý.
- Các kinh sư hay thần học gia Do-thái xưa, tuy học rộng biết nhiều, nhưng họ chỉ là những người không biết gì khác hơn ngoài sách vở, ngoài những gì đã học ở trường lớp. Những suy tư của họ chỉ là những điều đã được người khác suy tư sẵn. Họ chẳng khác gì những kẻ «nhai lại bã mía», thấy người khác ăn mía khen ngọt, thì mình cũng lấy bã ấy nhai lại và cũng bắt chước khen ngọt. Trong đời sống tâm linh, họ chẳng phân biệt được cái nào là chính yếu và cái nào là phụ thuộc, cái nào là cốt tủy và cái nào là bì phu, cái nào là mục đích và cái nào là phương tiện, nên chẳng biết cái nào quan trọng hơn cái nào. Vì thế, cái không quan trọng thì họ lại đặt rất nặng, còn cái hết sức quan trọng thì họ lại coi rất nhẹ (x. Mt 15,20; 23,16.18). Họ chẳng thông minh, chẳng có tinh thần thích ứng và sáng tạo nào khi áp dụng luật của Thiên Chúa vào đời sống thực tế. Họ chỉ biết áp dụng lề luật một cách nô lệ, hình thức, thiếu hẳn công lý, tình yêu và sự chân thật vốn là cốt tủy của lề luật (x. Mt 23,23; 12,2; 12,10; Lc 6,7; 13,14; Ga 5,10.18; 9,16). Chính vì thế, Đức Giêsu đã gọi họ là «quân dẫn đường mù quáng!» (Mt 23,24), là «người mù lại dắt người mù» (Mt 15,14).
Như vậy, để xét giá trị một lời nói, một hành động, ta phải chủ yếu xét chính lời nói hay hành động ấy xem nó có hợp lý và đúng đắn hay không, chứ không nên chỉ đơn phương căn cứ vào tư cách của người nói điều ấy hay làm hành động ấy.
2. Xét người xưa lại nghĩ đến mình ngày nay
Những người đồng hương với Đức Giêsu xưa khi nghe Ngài nói thì «nhiều người rất đỗi ngạc nhiên», họ hỏi nhau: «Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?». Khi nhận xét như vậy, đáng lẽ họ phải nhận ra Ngài là một ngôn sứ của thời đại mới đúng. Nhưng khi nghĩ đến danh phận nghèo hèn của Ngài thì họ lại coi thường Ngài: «Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?». Thế là chỉ vì Ngài ít học, nghèo nàn, mà họ coi Ngài chẳng ra gì, mặc dù họ ngạc nhiên về chính những lời nói khôn ngoan và những phép lạ của Ngài. Và «họ vấp ngã vì Người».
Xét người xưa lại nghĩ đến mình ngày nay. Rất nhiều khi ta phán đoán giá trị lời nói của một người dựa trên bằng cấp, sự giàu có, uy tín của họ, nhiều hơn là dựa vào sự hợp lý, tính chính xác của câu nói ấy. Hễ ai có chức có quyền, có địa vị, có của cải, có học vấn mà nói thì ta tiên thiên cho rằng họ nói đúng. Còn ai nghèo nàn, rách rưới, thấp cổ bé miệng, ít học mà nói thì ta tiên thiên cho rằng họ nói sai hoặc chẳng có giá trị gì. Thực ra, một điều sai trái, dù kẻ nói ra có quyền thế, học vấn hay giàu sang tới đâu thì cũng vẫn là sai trái. Còn một điều đúng, thì dù người nói ra một đứa trẻ, một người điên, một người nghèo thì cũng vẫn là đúng. Lời nói sai đâu thể biến thành đúng, hay lời nói đúng đâu thể biến thành sai vì thế giá hay trình độ học vấn của người nói ra câu nói đó.
Vì thế, nếu ta có tâm lý kiểu đời thường đó mà ở vào trường hợp của những người đồng hương với Đức Giêsu xưa, chắc chắn ta cũng đối xử với Ngài chẳng khác gì họ. Và chắc chắn ngày nay ta cũng sẽ đối xử với các ngôn sứ thời đại mình y như vậy. Chính vì tâm lý sai lạc này mà các ngôn sứ giả thường được người đời ưu đãi, còn ngôn sứ thật thì thường bị bạc đãi (x. Lc 6,23.26). Nếu ta hành xử như vậy thì ta chỉ là một người coi trọng của cải, tiền bạc, chức quyền, địa vị chứ không phải là người coi trọng chân lý, công lý và tình thương. Một người như thế không bao giờ thật sự gặp gỡ Thiên Chúa, dẫu họ có đọc kinh, dâng lễ hay rước lễ siêng năng tới đâu đi nữa. Hãy xem Đức Giêsu coi thường như thế nào những kẻ giàu có, học vấn mà không nghĩ đúng, hành động đúng cho dù người đời có trọng vọng họ tới đâu (x. Mt 23). Là Kitô hữu, chúng ta nên bắt chước Đức Giêsu hay bắt chước thói hành xử của người đời?
3. Để thánh hóa ta, Thiên Chúa cũng phải tùy thuộc vào ta
Bài Tin Mừng cho biết: «Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó» vì họ không tin. Thì ra Đức Giêsu có thực hiện được phép lạ hay không, điều đó không chỉ tùy thuộc vào quyền năng linh thiêng của Ngài, mà còn tùy thuộc vào lòng tin của chính đối tượng phép lạ nữa. Đức Giêsu rất muốn ưu tiên rao giảng Tin Mừng và làm phép lạ ở chính quê hương của Ngài, vì thông thường ai cũng yêu nơi chôn nhau cắt rốn hay nơi sinh trưởng của mình hơn những nơi khác. Nhưng vì những người đồng hương của Ngài không tin, nên Ngài không làm được việc ấy. Tương tự như vậy, Thiên Chúa muốn cứu rỗi ta, thánh hóa ta, muốn ta nên thánh, được thật sự bình an hạnh phúc, và Ngài sẵn sàng làm tất cả để thực hiện điều ấy. Nhưng Ngài có thực hiện được điều ấy hay không còn tùy thuộc vào cả bản thân ta nữa, cho dù Ngài rất quyền năng. Vì thế, thánh Âu Tinh nói: «Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Ngài». Nói tới đây tôi nghĩ đến câu thơ của Nguyễn Du trong truyện Kiều: «Có Trời mà cũng có ta», nghĩa là ta cũng đóng vai trò quan trọng, thậm chí có tính quyết định, trong công việc cứu rỗi và nên thánh của chính ta.
Trong việc cứu rỗi và nên thánh của ta, Thiên Chúa đã làm tất cả và luôn luôn sẵn sàng làm tất cả những gì Ngài có thể làm được để giúp ta. Phần còn lại rất nhỏ là sự cộng tác và nỗ lực của ta. Phần này Ngài không thể làm thay thế cho ta được. Cũng tương tự như cha mẹ có thể lo lắng đủ mọi thứ để con cái mình được ăn uống đầy đủ. Nhưng có điều cha mẹ không thể làm thay cho con cái mình được, đó là nhai và nuốt thức ăn vào bụng. Hay như cha mẹ có thể lo cho con đủ mọi phương tiện để học hành, nhưng không thể nào học thay, nhớ thay, làm bài thay cho con được. Trong việc cứu rỗi hay nên thánh của ta, phận sự của ta là tin tưởng vào Thiên Chúa, ý thức sự hiện diện và hoạt động của Ngài ở trong ta, lắng nghe tiếng nói của Ngài ở trong ta và làm theo những điều Ngài chỉ dạy. Đó là những việc cần thiết ta phải làm, không ai làm thay cho ta được. Nếu ta quyết tâm thực hiện những điều ấy, thì việc cứu rỗi hay nên thánh của ta trở nên rất dễ dàng. Nếu ta không làm, thì Thiên Chúa dẫu có muốn cứu ta, muốn thánh hóa ta cách mấy Ngài cũng đành bó tay. Vậy ta hãy ráng làm hết sức phần của mình.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, quả thật uy quyền, danh vọng, sự sang trọng của những kẻ quyền thế, giàu có, nhiều bằng cấp làm con bị choáng ngợp, khiến con dễ dàng nhận những điều họ nói là đúng mà không cần suy xét gì cả. Nhiều khi chỉ cần suy xét một chút xíu là con có thể nhận ra ngay sự sai trái trong lời nói của họ, mà con lại không chịu suy xét. Còn những kẻ nghèo nàn, nhỏ bé, yếu đuối, ít học mà phát biểu điều gì, thì con tiên thiên bỏ ngoài tai, chẳng cần biết đúng hay sai. Vì thế, nếu con là một người đồng hương với Đức Giêsu xưa, chắc chắn con cũng sẽ coi thường Ngài, chỉ vì thấy Ngài nghèo hèn, thất học. Xin Cha giúp con sửa sai cách hành xử này.
John Nguyễn
***
NGÔN SỨ Ở GIỮA QUÊ HƯƠNG MÌNH
Đề tài bất trung, thất tín, phản nghịch không phải là đề tài mới mẻ trong Cựu Ước, trong Thánh Kinh. Nhưng đây là một câu chuyện thường gặp trong Kinh Thánh. " Người nhà đã không nhận ra Ngài, đã không đón nhận Ngài" không là chuyện bất thường trong Tin Mừng của Chúa Giêsu. Bài đọc I của ngôn sứ Ézékien hôm nay đã có những ngôn từ nói về con cái Israen như:" dân nổi loạn, phản nghịch, lỗi giao ước, bọn phản loạn vv…". Con cái Israen phải trải qua thử thách, đen tối vì họ bất tín, thất trung và phản bội, nhưng họ vẫn luôn hy vọng : Chúa là Đấng yêu thương và trung tín đến muôn muôn đời. Thiên Chúa đã gửi đến cho con cái Israen vị ngôn sứ này. Tin Mừng Mc 6, 1-6 chỉ ra rằng Chúa Giêsu không những là vị ngôn sứ như các vị ngôn sứ khác mà là chính Con Thiên Chúa làm người cũng đã phải đương đầu với những kẻ đồng quê hương với Ngài.
CHÚA GIÊSU ĐÃ SỐNG ĐỜI SỐNG BÌNH DỊ TRONG GIA ĐÌNH:
Chúa Giêsu khi trở về Nagiarét với thánh cả Giuse và Mẹ Maria, Ngài đã sống một cuộc sống rất bình thường như mọi người dân làng lúc đó. Chúa Giêsu đã lớn lên, đã hưởng thụ một nền giáo dục trong gia đình một cách tuyệt hảo nhất: Ngài đã từng uống từng lời Mẹ Maria dậy bảo,Ngài đã tuân theo sự chỉ bảo của thánh cả Giuse.Cuộc đời của Chúa Giêsu chỉ kéo dài có 33 năm: 30 năm, Ngài đã sống đời ẩn dật nơi gia đình, nơi quê hương Nagiarét. Hẳn cuộc sống của Chúa Giêsu bình dị, bình thường và hết sức người trong những năm tháng ẩn dật làm nghề thợ mộc. Cái bình thường không làm Chúa Giêsu uổng phí quãng đời trần thế, mà đây là giai đoạn giúp Chúa Giêsu sống kiếp người cách trọn vẹn nhất của Ngài. Ngài sống đơn giản, bình dị đến nỗi dân làng Nagiarét không nhận ra Ngài:" Ông ấy không phải bác thợ mộc, con bà Maria sao ? ". Sự đơn giản, bình dị khiến gây cho nhiều người nên cớ vấp phạm vì Ngài. Tới tuổi trưởng thành khi đến hội đường, mọi người Do Thái đều có quyền phát biểu ý kiến khi tham gia phụng vụ. Chúa Giêsu đã nại vào quyền này khi Ngài tới hội đường và rao giảng Tin Mừng. Lời loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu hẳn có nhiều điều mới lạ, khác với những điều dân làng thường nghe trong hội đường trong các giờ hội họp phụng vụ. Khác đến độ những người trong hội đường ngày hôm đó đã nhận ra và hết sức ngạc nhiên, bỡ ngỡ, khâm phục. Những người đồng hương với Chúa Giêsu hẳn đã chứng kiến những phép lạ, những lời nói đáng giá của Chúa Giêsu và hẳn họ cũng đã một cách nào đó được lay động để khám phá ra những gì mới mẻ nơi Chúa Giêsu. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những tia sáng lóe lên, rồi vụt tắt vì những người đồng hương với Chúa Giêsu lại trở về với những lý luận tầm thường, những nhận xét theo ý họ, nếu không nói được là những lý luận cùn, lý luận thiển cận, hẹp hòi, ích kỷ. Họ đã không nhận ra cái thực tế đáng lẽ họ đã được hưởng. Họ đã đóng cửa lòng lại, đóng con tim lại để tự tách mình ra khỏi nước trời đang đến với họ. Chúa Giêsu thấy lòng chai dạ đá của họ, nên Ngài đã chẳng làm một phép lạ nào, nghĩa là Ngài đã không tỏ quyền năng nước trời ở giữa họ và Ngài đã bỏ họ, đi giảng dậy, rao giảng ở những làng, những nơi khác. Phản ứng của những người đồng hương của Chúa Giêsu về những lời rao giảng của Ngài trong hội đường và những năm tháng sống ẩn dật tại gia đình ở làng quê Nagiarét xác quyết cho nhân loại hay Chúa đề cao đời sống gia đình. Chúa không sống như một siêu nhân, như một người không thực tế. Cuộc sống bình dị của Chúa như mọi người trong mọi thực tại hằng ngày của cuộc sống gia đình đời thường mang lại cho cuộc sống nhân loại một ý nghĩa, một giá trị cao sâu, tuyệt vời. Đời sống của Chúa mời gọi mọi người nhìn vào đời sống của mình.
THÁI ĐỘ CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG VỚI CHÚA GIÊSU CŨNG LÀ THỬ THÁCH CỦA CON NGƯỜI MUÔN THUỞ :
Phản ứng của những người Do Thái đồng hương của Chúa Giêsu cũng có thể là những cám dỗ, những thử thách của nhân loại hôm nay,muôn thuở. Người Kitô hữu vẫn có thể tự mãn với danh hiệu Kitô của mình. Người Kitô hữu có thể tự hào, tự mãn vì mình đã học giáo lý, đã đọc Tin Mừng, đã đi lễ, đã đọc kinh, nhưng đời sống lại không phù hợp, không đi đúng với Tin Mừng. Lời Chúa rao giảng luôn đi đôi với việc làm. Chúa Giêsu đã không nói suông, nói lý thuyết, nói ngoài môi miệng, nhưng Ngài đã luôn nói và làm. Chúa nói:" Hãy yêu thương nhau", Ngài đã thực hiện điều đómột cách tận căn. Ngài đã yêu và yêu cho đến cùng, Ngài đã yêu, đã hy sinh chính cả mạng sống mình vì người mình yêu: "Không tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của kẻ hiến mạng sống mình vì người mình yêu "( Ga 15, 13 ). Người Kitô hữu được mời gọi lắng nghe và đem thực hành lời Chúa trong đời sống. Những biến cố, những sự việc xẩy ra trong cuộc đời, trong xã hội, trên thế giới được Chúa mời gọi con người hãy biết nhìn chúng với ánh sáng Tin Mừng của Ngài. Giáo Hội và con người được Chúa trao sứ mạng rao giảng Tin Mừng, mà Tin Mừng là chính Đức Giêsu Kitô. Nên, rao giảng không chỉ đóng khung trong những kiến thức có sẵn mà còn phải lắng nghe, đào sâu và loan báo chính Đức Giêsu Kitô.
Lạy Chúa, xin thánh hoá cuộc sống mỗi ngày của chúng con, để chúng con luôn biết cảm tạ tri ân Chúa vì Chúa đã ban cho chúng con sống sung mãn ơn Chúa mọi giây, mọi phút, xin cho chúng con trở nên những nhân chứng tình yêu đích thực của Chúa trước mặt mọi người.
GỢI Ý CHIA SẺ :
1. Bạn có phản ứng nào đối với thái độ của những người đồng hương của Chúa Giêsu ?
2. Tại sao Chúa lại sống ẩn dật tại Nagiarét ?
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
***
"KHI TÔI YẾU, CHÍNH LÀ LÚC TÔI MẠNH"
Cả ba thánh sử Mát-thêu, Lu-ca và Mác-cô đều thuật lại câu chuyện Đức Giêsu bị những người thân thuộc khinh thường vì Người đã sống giữa họ với một cuộc sống thật giản dị, và vì tại Na-da-rét, quê quán của Người, dân làng ai cũng biết Người cả!
Thiên Chúa yêu thương loài người đến nỗi làm mọi cách để đến gần với con người. Người mong chờ nơi con người mở rộng con tim và tin tưởng vào Người, nhưng Người chỉ gặp sự khước từ và hoài nghi. Câu cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay: "Người lấy làm lạ vì họ không tin".
Trong ba năm truyền giáo, Đức Giêsu thường bị người Do-thái ruồng bỏ và từ chối không tin vào Người. Và cho đến hôm nay, hiện tượng không tín ngưỡng, không tin vào đạo vẫn còn! Có biết bao nhiêu phụ huynh đã tận tâm giáo dục con cháu mình trong đạo Chúa, trong tinh thần Giáo Hội. Thế nhưng, con cháu họ bây giờ không còn tin gì nữa hoặc không còn giữ đạo nữa! Chúng ta thấy rằng chính Đức Giêsu đã giảng dạy, nhưng Người vẫn không làm tăng thêm đức tin cho dân làng của Người! ngay trong họ hàng thân thuộc của Người, cũng có những người "khô đạo" và không tin đạo!
Chúa nhật hôm nay, cả ba bài đọc đều nói về "linh đạo của sự thất bại". Trong bài đọc 1, tiên tri Ê-dê-ki-en được Chúa nâng đỡ, khuyến khích trước đám dân lòng chai dạ đá, phản nghịch và chống lại Người. Còn trong bài đọc 2, thánh Phao-lô thú nhận rằng: "thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào" (c. 7). Người tiết lộ sự bất tài và những giới hạn của mình, những công kích mà mình phải chịu. Nhưng trong sứ mệnh gay go đó, vị sứ giả không lẻ loi một mình vì là phái viên của Chúa.
"Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh" (c. 10). Đó là quy luật dành cho những ai làm việc tông đồ. Và những điều kiện chính để làm việc tông đồ được đặt nền tảng trên lời tuyên bố sau đây của Đức Giêsu: "Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối" (c. 9). Như thế, chính ơn Chúa cứu rỗi chứ không phải do công trình của con người!
Khi kể lại việc thất bại của Đức Giêsu tại Na-da-rét, thánh sử Mác-cô nghĩ đến Giáo Hội, đến mầu nhiệm Nhập Thể của Con Chúa vẫn diễn tiến, mà chỉ con mắt đức tin mới nhận ra được tầm quan trọng của nó. Như khi xưa, dân làng Na-da-rét khinh thường Đức Giêsu, hôm nay, một nhóm Kitô hữu tỏ thái độ chống lại một số lập trường của Giáo Hội, khi tuyên bố: "Tin vào Chúa chứ không tin vào Giáo Hội!"
Tuy Giáo Hội gồm những phần tử tội lỗi, Chúa vẫn luôn truyền phán qua Giáo Hội. Người tiếp tục công trình của Người qua con người, qua những người mà chúng ta quen biết, có khi quá quen biết. Nếu việc thiếu đức tin của dân làng Na-da-rét làm cho Đức Giêsu ngạc nhiên và xúc phạm đến Người, phải chăng Giáo Hội hôm nay vẫn còn bị tê liệt bởi sự thiếu đức tin hoặc sự cứng lòng tin đó không ?
Trong mọi thời đại, Chúa đều gửi các ngôn sứ loan báo lời Người. Như các ngôn sứ ngày xưa, Ê-dê-ki-en, thánh Phao-lô chẳng hạn, các ngôn sứ ngày nay: mục sư Martin Luther King, Cha Pierre, Mẹ Têrêxa, v.v... dám đứng lên tố cáo chiến tranh, bất công, những người bé nhỏ bị áp bức. Họ bất chấp những kẻ quyền thế, bất chấp dư luận. Lời lẽ của họ chỉ gây nên những phản ứng thù nghịch. Nếu họ khuyên sống trong sự chung thủy vợ chồng để tránh bệnh Si-đa, họ lại bị quần chúng huýt gió. Nếu họ kêu: "Hãy ngừng mọi bạo động!", người ta lại ám sát họ. Nếu họ mạnh dạn tố cáo bất công xã hội, nhất là đối với những người nghèo, vô gia cư, người ta lại tìm cách bịt miệng họ!
Chúng ta luôn can đến các ngôn sứ của Chúa, nhất là ngày hôm nay, mặc dù các vị ấy quấy rầy chúng ta, và có khi làm cho chúng ta khó chịu. Họ nhắc nhở chúng ta những gì Phúc Âm truyền dạy, luật Chúa và luật con người. Trong xã hội hiện tại, nơi ngự trị những bất công, bạo lực, nhân quyền bị vi phạm, chúng ta cần được các ngôn sứ đó nhắc nhở chúng ta về tình thương yêu và các điểm mốc của cuộc đời.
Chúng ta có biết nghe các thông điệp mà Chúa gửi đến cho chúng ta qua trung gian của những người thân thuộc của chúng ta hay không? hoặc ngay qua trung gian của các em bé? Thay lời kết luận, tôi xin kể một câu chuyện nhỏ.
Một người mẹ nói với đứa con gái 5 tuổi: - Lan, nếu con không ngoan, mẹ sẽ để con ở nhà một mình.
Bé Lan trả lời: - Mẹ ơi, con đâu có ở một mình! - Tại sao con lại nói vậy ?
Bé Lan chỉ vào thánh giá treo trên tường: - Chúa Giêsu kia kìa! Mẹ thấy không, Chúa đang nhìn con đấy!
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
***
Dụ ngôn sống động về chung hiệp đại kết
Năm 1940 một thanh niên Tin Lành người Thụy Sĩ dừng xe đạp trước một ngôi làng hẻo lánh trong cảnh hoang tàn. Một bà cụ khẩn khoản nói với người thanh niên ấy: "Xin ở lại đây với chúng tôi vì anh thấy rõ chúng tôi sống trong cảnh cô lập." Người thanh niên ấy nay được cả thế giới biết đến với danh xưng thân thương là Thầy Roger. Ðối với thầy Roger, lời mời của bà cụ nói lên ý Chúa dành cho thầy. Khi ấy nước Pháp đang trong tình trạng chiến tranh, đất nước bị chia đôi, ranh giới giữa khu chiếm đóng và khu tự do xuyên qua làng Tân Giang (Taizé). Thầy Roger đã kiếm cho mình một nơi ở và bắt đầu một đời sống cầu nguyện và suy niệm. Nhưng hoàn cảnh đặt thầy trước những con người cụ thể bị Ðức Quốc Xã truy lùng để tiêu diệt. Thầy đã đón tiếp và che giấu những người Do Thái đáng thương ấy. Một mình thầy đứng ra săn sóc an ủi những người nam và nữ chạy trốn quân đội Hít-le. Nhưng vì quân Ðức Quốc Xã truy lùng đối tượng gắt gao nên thầy buộc phải trở về quê hương Thụy Sĩ. Năm 1944, thầy Roger trở lại Tân Giang, lần nầy với 3 đồng chí quyết tâm gầy dựng nên cộng đoàn tu sĩ đại kết rộng mở. Mục tiêu mà cộng đoàn này nhắm thể hiện là trở nên như "bài dụ ngôn sống động về một đời sống chung hiệp". Cộng đoàn chủ tâm dâng lời cầu nguyện để góp phần làm cho các Giáo Hội Kitô được hòa giải. Hai chủ đích ở tâm điểm của sứ mạng theo thầy Roger là: Phải dám liều thân dấn mình vào việc giúp đỡ những người nghèo nhất và hoà giải với đức tin công giáo. Ngay từ ban đầu thầy Roger đã nối kết với Roma bằng những mối dây của niềm tin tưởng. Thầy đã kết thân với 3 vị Giáo Hoàng là Ðức Gioan XXIII, Ðức Phaolô VI và Ðức Gioan Phaolô II. Thầy nói: "Ðức Gioan XXIII đã là cha linh hướng đích thực cho chúng tôi. Chính ngài đã ủng hộ để cộng đoàn Tân Giang mà ngài gọi là mùa xuân, được chào đời."
 Ngày nay cộng đoàn Tân Giang có cả trăm thành viên Công Giáo cũng như Tin Lành thuộc nhiều truyền thống khác nhau, đến từ hơn 25 quốc gia trên thế giới. Họ không nhận quà tặng nhưng tự mình lao động để góp phần nuôi sống cộng đoàn và chia sẻ với người khác. Họ cũng không nhận cho mình tài sản kế thừa nhưng chỉ nhận làm quà tặng cho ngươì nghèo mà thôi. Kể từ những năm 50, cộng đoàn Tân Giang đã phái thành viên của mình đến sống nơi những môi trường nghèo trên thế giới. Riêng về nữ tu, có hội dòng thánh Anrê từng được thiết lập trong Giáo Hội Công Giáo đã 7 thế kỷ nay. Kể từ 1966, hội dòng này đã phái người đến ở một làng kế cận Tân Giang để tham gia việc đón tiếp khách từ thập phương.
Chung hiệp với mọi thế hệ trên toàn thế giới
Ảnh hưởng của Tân Giang về đại kết nhất là với người trẻ ở Âu Châu, thật là rõ nét. Ðể nâng đỡ người trẻ, cộng đoàn này đã khơi động một cuộc hành trình về tin tưởng lẫn nhau trên toàn cầu. Tân Giang không tổ chức người trẻ thành phong trào qui về Tân Giang, nhưng khuyến khích họ mang lại bình an, hoà giải, niềm tin tưởng lẫn nhau ngay nơi những thành phố, những đại học, những sở làm việc, những giáo xứ. Và như vậy, người trẻ được khuyến khích sống chung hiệp với mọi thế hệ. Về cuối mỗi năm dương lịch, Tân Giang có tổ chức một cuộc tập họp người trẻ tương đối lớn trong 5 ngày. Cuộc họp giới trẻ đại kết vào cuối năm 1994, thu hút hơn một trăm ngàn người trẻ từ nhiều nước tới họp tại Paris của nước Pháp.
 Mỗi dịp tập họp như vậy, thầy Roger gửi đến tay người trẻ một bức thư được dịch ra trên 50 thứ tiếng. Nội dung thư đó bao gồm Lời Chúa như chất liệu để suy niệm suốt năm cho tới cuộc họp cuối năm tới. Thư đó vị sáng lập cộng đoàn Tân Giang thường viết từ một nơi nổi tiếng về mức sống nghèo của người dân như Calcutta, Chili, Haiti, Eâtiôpi, Phi Luật Tân, Phi Châu?.
 Bởi đâu thầy Roger thực hiện được những việc có ý nghĩa thiêng liêng như vậy? Có lần thầy cắt nghĩa cho thấy thầy đã nhận sứ mạng góp phần hoà giải giữa các Kitô hữu từ nơi bà ngoại thầy. Ngoại của thầy đã từng trải qua hai cuộc chiến (1870 và 1914-1918) và đã từng dặn dò cháu Roger Schultz khi còn tấm bé rằng: "Cháu đừng trải qua những điều bà đã phải trải qua! Ðừng chấp nhận nhìn cách bàng quan những điều bà đã mắt thấy tai nghe! Hãy góp phần chuẩn bị để Aâu Châu được bình an nhờ biết sống hoà giải giữa các Kitô hữu." Tuy là tín hữu Tin Lành, ngoại đã chọn đến nhà thờ Công Giáo để kín múc lấy sức mạnh hoà giải từ bí tích Thánh Thể. Thực ra ngoại không chỉ nói cũng không chỉ cầu nguyện, nhưng đã nêu gương sống động nhờ biết dấn thân tiếp đón những người già, phụ nữ và trẻ em, phải chạy giặc dưới làn bom đạn. Ngoại đã kiên trì làm việc thương người đó hầu như tới phút cuối cùng của đời ngoại.
Cần chữa trị trái tim con người
Biến cố quyết định cho việc thầy Roger hiến dâng đời mình cho công cuộc hoà giải xảy ra khi thầy lên 17. Khi ấy thầy mắc bệnh lao phổi và nghiệm thấy cái chết không xa. Thầy đối diện với ý nghĩa cuộc đời và tự hỏi do đâu xảy ra đau khổ, hằn thù khiến các dân tộc sát hại nhau. Hỏi rằng có con đường nào giúp người này hiểu người kia để cùng nhau xây dựng hoà bình chăng? Ðiều trở nên minh nhiên nơi nội tâm thầy Roger là cần phải chữa trị trái tim con người. Thầy nghe tiếng nói thúc giục thầy rằng: "Nếu quả thật có con đường hoà giải đó thì tôi hãy bắt đầu dấn thân bước theo con đường đó đi." Kể từ ngày thầy Roger nghe thấy lời thúc giục đó, thầy quyết tâm tận hiến cả cuộc đời để đạt cho được mục đích lý tưởng nầy đ36 có được sự hoà giải và đại kết trong cộng đồng nhân loại. Nay thầy đã 84 tuổi và quyết định ấy càng thêm khởi sắc.
Hỏi rằng tinh thần hoà giải và đại kết mà thầy Roger khơi dậy nơi các Kitô hữu Aâu Châu và trên thế giới, nhất là nơi người trẻ, có liên quan gì đến bài Tin Mừng hôm nay nói về dân làng Nadarét từ khước Ðức Kitô?
Khởi sự ta nên cùng với Ðức Gioan Phaolô II, nhìn toàn bộ lịch sử Kitô giống như một con sông duy nhất có nhiều nhánh sông mang nước về. Năm 2000 mời gọi chúng ta gặp gỡ nhau với một sự trung thành mới và bằng một sự hiệp thông sâu xa trên bờ sông của con sông lớn này, con sông Mạc Khải, con sông Kitô giáo và con sông Giáo Hội chảy qua lịch sử nhân loại, bắt đầu bằng biến cố xảy ra ở Nadarét, rồi ở Bêlem, cách đây 2000 năm. Ðúng đây là con sông với những chi nhánh của mình, theo cách nói của Thánh Vịnh, "đem niềm vui cho thành đô của Nước Trời" (45/46,5) - Tiến Tới Thiên Niên Kỷ thứ 3, số 25.
Ta lưu ý về sự hiệp thông trên bờ sông thay vì trong con sông Kitô giáo và con sông Giáo Hội. Ðức Thánh Cha có ý nói tới một sự hiệp thông trong tình thần có thể được thực hiện ngay trên bờ sông, không phải chờ cho tới khi có một sự hiệp thông hoàn toàn.
 Ðối diện với Ðức Giêsu Ðấng Thiên Sai, ngay từ ban đầu đã có sự bất đồng ý kiến trong việc chấp nhận Người. Ðức Giêsu đã tỏ ra là Ðấng có uy quyền trong lời nói (Mc 4) và trong hành động (Mc 5). Thế nhưng dân làng Nadarét từng sống với Người ba mươi mấy năm lại không tin vào Người! (Mc 6,6) Vấn đề muôn thuở sẽ là: Những ai đã có định kiến về Ðức Giêsu phải là người như thế này thế kia, giống như người này người kia mà thôi, những người ấy không thể nào lãnh hội được điều được mạc khải về căn tính của Ðức Giêsu.
Vượt khỏi thành kiến và óc địa phương để có thể chung hiệp
Vậy khi Ðức Giêsu cất tiếng giảng nơi hội đường về Nước Thiên Chúa đã đến gần (Mc 1,15), thì dân làng Nadarét khởi sự thán phục (Mc 6,2) nhưng rồi trở nên nghi ngờ và chống đối (cc 2b và3a). Cuối cùng họ không tin, tức là khước từ hoàn toàn. Phép lạ mà Ðức Giêsu thực hiện chính là cách Ngài đáp ứng lại niềm tin của con người được ơn phép lạ. Vì thế Người nói với bệnh nhân được chữa lành: "Lòng tin của con đã cứu chữa con" (Mc 5,34). Ngược lại, Ðức Giêsu từ khước làm phép lạ theo lời yêu cầu của người Pharisêu bởi vì họ không tin (8,11-12). Cũng nên nói thêm rằng bài Tin Mừng hôm nay nói tới "anh em" và "chị em" của Ðức Giêsu thì nguyên văn Hy Lạp là adelphos, chỉ về họ hàng bà con nói chung, không có ý nói về anh chị em ruột thịt.
Công việc hoà giải và đại kết của thầy Roger thật đáng thán phục. Công cuộc ấy, quả thật ngược hẳn với thành kiến địa phương của dân làng Nadarét. Bước tới thiên niên kỷ thứ ba mọi người Kitô thành tâm thiện chí đều ước ao có nhiều vị ngôn sứ như thầy Roger.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn tâm đắc được gì về thầy Roger: Thầy thấy cần phải chữa trị trái tim con người? Bạn hiểu như thế nào về cuộc chữa trị đó? Thầy nói "nếu quả thật có con đường hoà giải đó thì tôi hãy bắt đầu dấn thân bước theo con đường đó đi!" Nhưng thầy còn thâm tín đó là một quyết định có giá trị cho tới khi thầy chết và nay thầy càng lúc càng đến gần hơn giờ phút ấy!
2. Bạn nghĩ gì về thái độ của dân làng Nadarét ? Nghe Ðức Giêsu giảng, ban đầu họ thán phục, kế đến họ nghi ngờ và chống đối, cuối cùng họ từ khước và hoàn toàn không tin 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...