03/08/2015
1562
CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN B
Lời Chúa: 1 V 19,4-8; Ep 4, 30-5,2; Ga 6, 41-52
Anh chị em thân mến
Có một câu chuyện kể rằng: Vào những lúc con người mới phát minh ra động cơ, con người vui mừng vì sự tiến bộ vượt trên tưởng tượng của mình. Chính vì thế có nhiều người không thể tin được. Có một cụ già nọ, nghe các sinh viên kể lại về chiếc tàu hỏa chạy mà không cần phải nhờ đến trâu, bò, hay ngựa kéo, nhưng nhờ động cơ máy mà nó hoạt động và chạy rất nhanh. Cụ già không tin. Các thanh niên tìm cách đưa cụ già đến một nhà ga để cụ nhìn xem tận mắt. Khi đoàn tàu từ từ tiến đến và dừng lại, các thanh niên đến bên cụ, với vẽ mặt vui mừng, định hỏi xem cụ tin chưa. Bổng nhiên từ toa chở hàng, người ta mở cửa và dẫn một đàn bò từ trên toa xuống. Cụ già nhìn thấy đàn bò, nở một nụ cười tự mãn và chỉ vào đám thanh niên, cụ nói: "chúng bây đã bị mắc lừa". Cụ quay lưng bỏ đi không chịu nghe các thanh niên giải thích.
Cụ già quá tự mãn về sự hiểu biết của mình, và cụ đã đóng khung nó lại. Thế giới đối với cụ chỉ có đối với những gì cụ hiểu biết. Ngoài những điều đó ra, tất cả đều không tồn tại. Nên cụ không thể nghe những gì người khác nói, cho dù đó là sự thật tốt đẹp .
Những người Do Thái khó chịu với Chúa Giêsu vì Ngài nói những điều không hợp với ý muốn của họ, ngoài những gì họ đã biết, nên họ không thể nghe được. Họ chỉ nhìn thấy những thực tại trước mắt. Chúa Giêsu lại mời gọi họ vượt xa hơn những gì họ đang tìm kiếm. Họ tìm những của ăn, những lợi lộc hiện tại của ngày hôm nay, còn Chúa Giêsu lại mời gọi họ tìm của ăn cho sự sống đời đời, tìm lợi lộc vĩnh cửu.
Họ không thể chấp nhận. Họ chỉ nhìn thấy sự xuất thân tầm thường của một người mang tên Giêsu, hèn kém hơn họ, nên họ không thể nghe những gì mà Ngài kêu gọi họ. Họ cũng đã đóng khung sự hiểu biết của mình, nên họ không thể mở tai để nghe những Lời tốt đẹp, Lời sự thật và sự sống. Chính vì thế, họ đã tự đóng khung cuộc đời của mình lại, trói buộc trong sự hiểu biết nông cạn của mình, họ không thể tiến xa hơn để về với Chúa được.
Đã là con người, ai cũng có một chút tự hào về chính mình: tự hào về nghề nghiệp, tự hào về sự hiểu biết, tự hào về địa vị bản thân, tự hào về con người của mình. Nhưng nếu quá cố chấp mà chỉ sống trong sự tự hào đó, thì chúng ta chỉ làm trò cười cho bao nhiêu người chung quanh. Còn biết bao nhiêu điều chúng ta chưa biết, và cũng còn rất nhiều điều chúng ta không thể biết và không thể hiểu được.
Những người Do Thái ngày xưa không chấp nhận Chúa Giêsu cũng vì họ quá tự hào, nên họ không tìm hiểu, không lắng nghe. Còn chúng ta ngày hôm nay, chúng ta đã biết và biết rất rõ những gì Chúa Giêsu đã nói mà chúng ta vừa nghe lại trong bài phúc âm. Nhưng rồi, nhìn lại cuộc sống của mỗi người, chúng ta sẽ thấy mình là người chấp nhận hay từ chối ơn Chúa. Chúng ta theo Chúa, giữ đạo trong những lúc sung túc, đời sống được may mắn, công việc làm ăn thuận lợi. Thế thì trong những lúc cuộc sống gặp bất trắc, những lúc buồn chán thất vọng hay sa cơ thất thế, vận may không còn ưu đãi mình nữa. Khi đó Thiên Chúa có còn được một chỗ đứng nào trong tâm hồn chúng ta hay không.
Hay khi đó Thiên Chúa của chúng ta chỉ là một nỗi bực mình, là một nơi để chúng ta trút những gì tức giận. Nhìn lại xem, tại sao chúng ta làm thế ? Chúng ta đã bước theo vết chân của những người Do Thái khi xưa. Vì Thiên chúa của chúng ta không còn phục vụ cho lợi ích riêng tư của mình nữa. Thiên Chúa không còn vâng nghe theo ý muốn của chúng ta nữa, Thiên đã ở ngoài cái khung mà chúng ta đã đóng cho Ngài. Nên chúng ta không thể chấp nhận. Như vậy chúng ta muốn Thiên Chúa phải phục vụ cho chúng ta hơn là phải biết lắng nghe và vâng theo những gì Ngài dạy bảo.
"Tôi là Bánh hằng sống từ Trời xuống, ai ăn Bánh nầy sẽ được sống đời đời."  
Chúng đang tìm của ăn hiện tại, để rồi chúng ta chôn vùi cả cuộc đời mình trong đó, cho đến đỗi không còn nhìn thấy hay lắng nghe được những gì tốt đẹp hơn. Hay chúng ta đang dùng của đời này như phương tiện Chúa ban để tiến tới sự sống vĩnh cửu, qua cách sống không bị những gì là chóng qua lôi kéo để bị đóng khung vào trong đó.
Xin Chúa cho chúng con biết nhìn thấy, biết lắng nghe để cũng biết chọn lựa cuộc sống vĩnh cửu đích thực.  
***
* 1. Bánh hằng sống
Bài đọc thứ I của Thánh Lễ hôm nay được trích từ sách Các Vua và kể về cuộc hành trình gian khổ của Tiên tri Êlia: Vì ông đã tiêu diệt thứ đạo đầy mê tín dị đoan mà bà Hoàng Hậu Jésabel đem vào nước nên ông bị Bà này thù ghét tìm giết. Do đó ông phải chạy trốn và định trốn lên tận đỉnh núi Horep. Nhưng đường quá dài và nhiều gian nan nên ông mệt mỏi, chán nản bi quan nằm đại xuống đường phó mặc cho số mạng tới đâu thì tới. Lúc ấy Chúa sai Thiên Thần đem đến cho ông một chiếc bánh và một bình nước. Ăn uống xong, ông cảm thấy khoẻ khoắn và lạc quan trở lại, đi một mạch suốt 40 ngày đêm lên tận đỉnh núi Horép.
Thứ bánh thần diệu đã bổ sức cho tiên tri Êlia chỉ là hình bóng của Thứ Bánh mà Ðức Giêsu sẽ ban cho loài người, tức là Mình Thánh Chúa. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu tuyên bố "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời". Thực vậy, mỗi lần chúng ta rước lễ là ta được ăn chính Mình Thánh Chúa, và của ăn đó đem lại cho người rước lễ biết bao ơn quý giá.
Nhiều người đã từng ở tù sau khi về nhà đã thuật lại rằng cuộc sống trong đó thật là cực khổ, tinh thần xuống dốc, đâm ra bi quan, chán đời. Nhưng đối với những người công giáo, nếu thỉnh thoảng được Rước Mình Thánh Chúa thì họ cảm thấy được an ủi rất nhiều, dù sức chịu đựng những sự cực khổ, tinh thần vững vàng và còn lạc quan vui vẻ giúp đỡ những anh em khác nữa. Trong hoàn cảnh khốn đốn như thế, người ta mới thấy rõ Mình Thánh Chúa thực là của ăn cần thiết cho tâm hồn mình.
Còn chúng ta, hoàn cảnh của chúng ta dễ dãi, có lẽ chúng ta không thấy được sự cần thiết của Mình Thánh Chúa. Cũng giống như người ăn nhiều quá nên không còn biết ngon nữa, chúng ta cũng thế: chúng ta có thể rước Mình Thánh Chúa hằng tuần, hằng ngày nếu quá quen và quên để ý đến những giá trị vô cùng cao quý của Mình Thánh Chúa.
* Mình Thánh Chúa là biểu hiệu của một sự gần gũi rất thân thiết và rất sẵn sàng: nghĩa là trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn có thể rước lễ và được Chúa ở gần cạnh ta để an ủi, nâng đỡ, khích lệ ta. Trong cuộc đời chúng ta, có thể có những lúc chúng ta cảm thấy rất cô đơn, mọi người đều xa cách ta, kể cả những người thân thiết nhất cũng bỏ ta. Chỉ có Chúa là không xa ta, không bỏ ta,. Ta rước lễ là được Mình Thánh Chúa đến ở trong lòng ta, gần thật gần, thân thật thân, và Chúa sẽ an ủi nâng đỡ khích lệ ta.
* Mình Thánh Chúa còn là biểu hiệu của một sự trao hiến trọn vẹn đầy yêu thương: Yêu thương là cho đi. Rước Lễ là một cuộc gặp gỡ giữa hai người yêu nhau trao quà tặng cho nhau. Ðức Giêsu trao tặng chúng ta cái quý giá nhất là chính thân xác của Ngài. Còn chúng ta cũng trao cho Chúa những cái quý nhất của chúng ta: Những việc bác ái chúng ta đã làm được, những hy sinh chúng ta đã chịu và cả những tâm sự buồn phiền ray rứt đang dằn xé tâm can ta.
* Mình Thánh Chúa còn là biểu hiệu của một sự hiện diện đầy quyền năng của một vị lãnh tụ của chúng ta. Ðó là khám phá của một nhà trí thức Ấn Ðộ, ông Chidambaram. Là một người trí thức luôn đi tìm chân lý hoàn hảo nhất, ông khởi sự đi tìm trong nghề là báo, nhưng sau đó ông thấy rằng nghề báo cũng dầy dẫy những sự gian dối. Ông theo đạo Bàlamôn và là một tín đồ nhiệt thành, nhưng ông cũng không thoả mãn,. Ông sang Ấn giáo vì cho rằng Ấn giáo là thứ đạo Bàlamôn được cải tiến tốt đẹp hơn. Dù vậy ông cũng thất vọng. Cuối cùng ông gia nhập đạo Công giáo, ông thấy thoả mãn và trung thành với Ðức tin công giáo cho đến hơi thở cuối cùng. Vậy cái gì trong Công giáo đã làm thoả mãn khát vong của ông? Thưa chính là Phép Thánh Thể. Ông đã nhận thấy rằng việc Ðức Giêsu hiện diện thật sự trong Mình Thánh Chúa, và khi rước lễ chính Ðức Giêsu đến ở thật sự trong lòng các tín hữu là một điều quý giá vô cùng mà không một tôn giáo nào trên khắp thế giới có được. Thần thánh của các tôn giáo kính vị viễn chi (nghĩa là kính nhưng mà phải ở xa xa). Còn trong đạo Công giáo, nhờ có bí tích Mình Thánh Chúa, Ðức Giêsu ở thật gần với tín hữu của mình, thấu hiểu hết mọi tâm tư nguyện vọng của mình, thông cảm với mọi nỗi khó khăn của mình, và nâng đỡ thêm sức hướng dẫn mình trong từng chi tiết từng biến cố trong đời sống mình. Mình Thánh Chúa quả là một sáng kiến vô cùng thông minh của quyền phép Thiên Chúa và cũng là một ơn vô cùng cao quý cho con người.
Nếu mỗi lần chúng ta rước lễ mà chúng ta hiểu được, cảm được và sống được những tâm tình như vậy thì chắc chắn Mình Thánh Chúa sẽ trở thành một thứ lương thực bổ dưỡng cho linh hồn chúng ta, đúng như Lời Chúa phán trong bài Tin mừng hôm nay: Ta là bánh hằng sống bởi trời xuống, ai ăn bánh này thì sẽ được sống đời đời.
* 2. Bánh hằng sống
Trong kho tàng văn hóa Việt Nam có chuyện "Thoại Khanh Châu Tuấn". Ðó là tên của hai vợ chồng trẻ. Nhà họ nghèo, lại phải nuôi một người mẹ già yếu. Nhưng người vợ trẻ hy sinh chịu cực khổ làm lụng để cho chồng học hành đi thi, rồi đến ngày người chồng từ giã mẹ và vợ lên đường về kinh đô ứng thí. Rủi là trong lúc đó gia đình lâm cảnh đói rách rất thê thảm, người mẹ già đói quá sắp chết. Người vợ trẻ đã cam đảm lấy dao lóc thịt mình để nuôi mẹ chồng. Nhờ đó mà người mẹ già mù loà có thể sống được cho tới ngày con trai đổ đạt vinh quy về nhà.
Câu chuyện cổ tích tưởng tượng trên cũng cảm động như câu chuyện thực sự diễn ra hàng tuần, hàng ngày trong Thánh Lễ: Ðức Giêsu lấy chính Thịt Máu Mình để nuôi sống linh hồn chúng ta: "Ta là bánh hằng sống".
Nhưng phải thú nhận ngay rằng: Khi nghe câu chuyện Thoại Khanh Châu Tuấn ta thấy cảm động, còn khi nghe câu "Ta là bánh hằng sống" chúng ta thấy vẫn trơ trơ. Tại vì tai ta đã nghe câu đó quá thường rồi. Thực ra, đây không phải là một câu nói bóng bảy văn chương, mà là một sự thật: Mình Thánh Chúa thực là một thứ của ăn có sức bổ dưỡng thần diệu:
1/ Ngày xưa tiên tri Êlia bị bà hoàng hậu Giêzabel gian tà hung ác săn đuổi. Ông quá mệt mỏi đói khát, nằm vật xuống đất chỉ chờ chết đi. Nhưng Thiên Chúa sai một Thiên Thần đem lại cho ông một chiếc bánh nhỏ,. Ông ngồi dậy ăn vào và có sức đi suốt 40 ngày tới đỉnh núi Carmel hội kiến với Thiên Chúa. Ðó chỉ là một hình bóng của Cựu Ước thôi, huống chi thực tại Rước Lễ của Tân Ước còn có sức bồi dưỡng đến mức nào!
2/ Tin Mừng cũng kể rằng có lần dân chúng tấp nập đón Ðức Giêsu đi ngang qua những người bệnh tật cố sức chạm tới mình Ngài, rờ tới gấu áo Ngài, hay ít ra được bóng Ngài che phủ lên mình thì lập tức bao bệnh hoạn liền biến mất. Huống chi ngày nay chúng ta được Rước chính Mình Thánh Chúa vào kết hợp mật thiết với thịt máu ta, hoà tan trong thịt máu ta.
3/ Tục ngữ VN chúng ta có câu "Trời đánh tránh bữa ăn": khi cùng dùng cơm chung với nhau một bàn, người ta phải dẹp bỏ mọi xích mích để cố hòa hợp đoàn kết với nhau. Bữa ăn thường còn thế, huống chi bữa ăn thánh của những người cùng là con cái Chúa và anh em với nhau.
Những so sánh nho nhỏ trên cho ta thấy rằng Mình Thánh Chúa thật là một thứ bánh hằng sống có thể thêm sức cho chúng ta trên con đường dương thế, có thể tẩy xoá mọi yếu đuối bệnh tật trong linh hồn chúng ta và có thể giúp chúng ta đoàn kết yêu thương nhau.
Nhưng thực tế là chúng ta đã rước lễ biết bao nhiêu lần mà vẫn chẳng thấy ích lợi bao nhiêu. Chính các tông đồ cũng vậy: Thánh Lễ đầu tiên do chính Ðức Giêsu cử hành trong nhà Tiệc ly, tất cả 12 tông đồ đều rước lễ, nhưng sau đó đâu phải tất cả 12 đều được thánh hóa: Giuđa vội ra đi tính việc bán Chúa, Phêrô sau đó đã chối Chúa 3 lần, chỉ có Gioan là vẫn theo sát bên Chúa trên đường tử nạn.
Thực ra cũng chẳng có gì là khó hiểu: như một dĩa thức ăn thật bổ dưỡng, nhưng nếu người ta mà không tiêu hóa thì cũng vô ích thôi, có khi còn sinh ra trúng thực hay bội thực nữa. Nếu chúng ta rước lễ thường xuyên mà chẳng được ích lợi thì không phải tại Mình Thánh Chúa mà tại chính chúng ta. Vì thế cũng cần xét lại cách chúng ta rước lễ như thế nào. Xin đưa ra một vài mẫu gương để chúng ta cùng chiêm ngắm:
1/ Các tín hữu sơ khai gọi Thánh Lễ là tiệc bẻ bánh: Khi tới nhà thờ, mọi người đều cố gắng đem phần bánh của mình đến. Người nghèo đem ít, người giàu đem nhiều, kẻ túng thiếu có khi không mang gì hết. Chủ tế thu nhận tất cả rồi truyền phép biến bánh thành Mình Thánh Chúa. Sau đó mọi người chia đều nhau, ai có phần nấy, lại có một số phần để dành đem chia cho những người giả cả yếu đau không thể tới dự nghi lễ bẻ bánh. Người ta đã đến dự lễ với tấm lòng quảng đại, với trái tim yêu thương đùm bọc nhau. Kết quả là họ đạo trở thành một tổ ấm khiến lương dân phải trầm trồ khen ngợi "Kìa xem họ thương yêu nhau đến mức nào".
2/ Tới thời Rôma bị bắt đạo, các tín hữu phải ẩn trốn trong các đường hầm ở ngoại ô gọi là những hang toại đạo. Họ cử hành Thánh Lễ trên mồ chôn các thánh tử đạo. Họ dâng lễ bằng chính những hy sinh gian khổ của họ đang chịu vì Chúa, và họ rước lễ như rước lấy nghị lực của Ðấng cũng đã từng chịu nạn chịu chết như họ. Và kết quả là họ đã có một đức tin kiên vững, gian lao không sờn, chết chóc không nản, hận thù không giết chết trái tim yêu thương của họ. Ngày nay trong các hang toại đạo, du khách vẫn còn thấy vẽ những hình về Bí tích Thánh Thể như những đĩa bánh, những chùm nho, những con cá... và những câu tràn đầy yêu thương tha thứ tin tưởng như sau: "Bình an", amor "tình yêu thương", Christus vincit "Ðức Kitô chiến thắng"...
Ðường đời chúng ta như một cuộc lữ hành gian nan nhọc mệt.
Cuộc đời chúng ta như một cuộc chiến đấu cực khổ đau thương.
Cuộc sống chúng ta với người khác nhiều khi bực bội như hoả ngục.
Ðức Giêsu muốn giúp chúng ta, nên Ngài đã hiến thân làm bánh hằng sống để ban nghị lực cho chúng ta có thể đi trọn đường dài, ban ơn nâng đỡ cho chúng ta chịu đựng những khổ đau, ban thêm tình thương để chúng ta sưởi ấm lòng mình và sưởi ấm lòng những kẻ sống với mình.
Nhưng chúng ta cũng phải cố gắng giúp chính chúng ta nữa bằng cách tham dự Thánh Lễ và rước lấy thứ Bánh Hằng Sống đó một cách sốt sắng. Rước Lễ sốt sắng là có dọn mình trước khi dự lễ, kết hợp sâu xa với Ngài đã ngự vào lòng ta, và sau đó cùng đồng hành với Ngài bước vào cuộc sống với tâm tình lạc quan, yêu thương, quảng đại.
* 3. Bí quyết trường sinh
Tần Thủy Hoàng là vị vua Trung Quốc, sống trước Chúa Giáng Sinh khoảng 200 năm. Ông là người đã truyền xây Vạn Lý Trường Thành dài hơn 2.000 dặm. Ðó là kiến trúc duy nhất trên trái đất, mà các phi hành gia có thể nhìn thấy từ ngoài không gian. Theo tạp chí National Geographic, Tần Thủy Hoàng rất sợ chết, ông muốn được trường sinh bất tử, nên tìm đủ mọi cách để được cải lão hoàn đồng. Một ngày kia, các chiêm tinh gia kể cho ông nghe về một hòn đảo thần tiên ở biển Ðông, dân cư ở đấy đã khám phá ra bí quyết trường sinh.
Tần Thủy Hoàng liền phái một số tàu thuyền chất đầy châu báu lên đường, hy vọng đổi được bí quyết trường sinh. Nhưng dân chúng không đổi cho ông bí quyết trường sinh của họ.
Thế rồi ông lo xây nhà mồ như cung điện nguy nga rộng lớn, lấy châu ngọc làm tinh tú, lấy thủy tinh làm sông Ngân Hà, lấy vàng bạc lát tường và chôn sống hàng trăm cung nữ trong đó, để kiếp sau được sống như thần tiên. Nhưng kẻ tàn bạo ham sống ấy chỉ làm vua được hơn chục năm và sống trên năm mươi tuổi thì chết đi.
*
Trường sinh bất tử là ước mơ ngàn đời của con người. Cứ mỗi lần một người thân giã từ cõi thế, thì ước mơ được sống mãi lại càng dày vò con người dữ dội hơn. Nên không lạ gì khi Ðức Giêsu nói về cuộc sống trường sinh thì mọi người tuôn đến như đi tìm kho báu.
Nhưng mầu nhiệm về "Sự sống đời đời" lại rất xa tầm trí mọn của đám dân chúng. Ðức Giêsu không giúp họ thoát khỏi cái chết của thân xác, vì chính Người cũng vui lòng chết như mọi người. Nhưng Người cứu họ thoát khỏi cái chết của linh hồn: cái chết vĩnh viễn xa lìa Thiên Chúa và hoàn toàn ly biệt với tha nhân, cái chết đi vào trầm luân muôn kiếp, cái chết dẫn đến cõi tiêu diệt muôn đời.
Cuộc sống vĩnh cửu ấy, hôm nay Ðức Giêsu đã mạc khải: "Ta là Bánh ban Sự Sống... Ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn đời" (Ga.6,47). Vậy bí quyết trường sinh mà Tần Thủy Hoàng khó nhọc đi tìm kiếm tận các đảo thần tiên, lúc nào cũng hiện diện trước mặt chúng ta, trong mọi thánh đường Công giáo. Chính là Ðức Giêsu nguồn mạch trường sinh.
Người đang hiện diện với chúng ta bằng thần trí Người: "Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Ta, Ta sẽ ở đó với họ" (Mt.18,20).
Người còn hiện diện với chúng ta qua Lời Chúa. Lời mà Người nói cách đây 2000 năm cũng chính là Lời Người đang nói với chúng ta trong tin mừng.
Người hiện diện với chúng ta qua các linh mục trong lúc giảng dạy và trong khi cử hành các Bí tích: "Ai nghe các con là nghe Ta" (Lc.10,16).
Ðặc biệt Người hiện diện thực sự với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể: "Ta là bánh hằng sống... Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời" (Ga.6,52).
Như vậy, "Sự sống đời đời" không phải là chuyện viễn vông xa vời, nhưng là một thực tại đang triển nở trong đời sống người tín hữu. Mỗi thánh lễ là một bàn tiệc nuôi dưỡng linh hồn đưa ta về chốn trường sinh.
*
Lạy Ðức Giêsu, như Tấm Bánh Thánh xin cho tâm hồn chúng con nên trong trắng, cố xa tránh những ô uế cho dù nhỏ mọn để luôn xứng đáng với Chúa.
Xin cho tâm hồn chúng con nên khiêm hạ nhỏ bé, nhưng luôn bày tỏ một tình yêu lớn lao.
Và cho tâm hồn chúng con luôn kết hợp với Chúa, để được Chúa dẫn vào cuộc sống muôn đời. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")
* 4. Mất tinh thần
Bài đọc I kể chuyện ngôn sứ Êlia. Ông đã từng can đảm dám một mình chống lại hoàng hậu Giêsabel và giết hết tất cả các sư sãi của bà này. Nhưng sau đó, bị bà này truy bắt, ông phải chạy vào sa mạc. Cuộc trốn chạy quá vất vả khiến ông chán nản không muốn tiếp tục nữa. Ông ngồi bẹp dưới gốc một cây kim tước. Ông còn xin Chúa cho ông chết đi cho rồi: "Lạy Chúa, đủ rồi. Bây giờ xin Chúa lấy mạng con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông con".
Tâm trạng Êlia lúc đó là mất tinh thần. Khi ta mất tinh thần thì ta mất nguồn sức mạnh lớn nhất, bởi vì tinh thần đối với con người cũng giống như đôi cánh đối với loài chim, và như bộ rễ đối với loài cây vậy.
Ngay cả những nhân vật anh hùng cũng có lúc cảm thấy mệt mõi, yếu đuối và thất vọng. Nhưng không phải vì thế mà họ không còn là anh hùng. Ðúng hơn, những lúc đó cho thấy họ thực sự là người. Chính Ðức Giêsu cũng từng trải qua những giây phút như thế trong vườn Cây Dầu.
Nhiều người không thể chấp nhận những giới hạn do thân phận làm người của mình. Họ muốn tỏ ra lúc nào cũng mạnh. Họ cho rằng họ sẽ bị mất mặt nếu để cho người ta thấy được sự yếu đuối và sợ hãi của mình. Nhưng sự thực không phải thế. Người ta sẽ cảm động và sẵn sàng giúp ta khi thấy ta cũng là người giống như họ. Như lời Picasso nói: "Lòng bạn sẽ tràn ngập cảm thông khi bạn nhận ra rằng trong mỗi người có cả một nguồn nước mắt".
Có người còn cho rằng cảm giác yếu đuối đó không xứng với người có đức tin. Nhưng thực ra, yếu đuối đâu có gì ngược với đức tin. Vả lại làm sao ta có thể được giúp đỡ nếu ta không thấy mình cần được giúp đỡ?
Chúa sai một thiên thần mang đến cho Êlia bánh và nước. Nhờ thứ lương thực này, Êlia được bổ sức và đi một mạch đến núi Horép, núi của Chúa. Thực ra, tình trạng yếu đưối trước đây của Êlia không phải chỉ do thiếu lương thực mà do mất tinh thần. Bây giờ cũng thế, ông được hồi sức không phải chỉ vì có lương thực, mà còn do lấy lại được tinh thần: Ông được bảo đảm rằng Chúa luôn ở cùng ông. Chính sự bảo đảm này đã đem lại cho Êlia một nguồn sống mới và giục giã ông lên đường.
Chúng ta cũng đang hành trình lên núi Chúa, tức là sự sống đời đời. Nhiều lúc chúng ta cũng cảm thấy yếu đuối mệt mỏi. Cho nên chúng ta cũng cần được giúp đỡ; những sự giúp đỡ của anh chị em tín hữu trong cộng đoàn, và nhất là sự giúp đỡ của Chúa. Sự giúp đỡ của Chúa chính là ý thức có Chúa ở với ta và hằng yêu thương ta. Như Êlia, chúng ta cũng cần bánh. Bánh ban sức mạnh chính là Mình Thánh Chúa trong bí tích Thánh Thể. Bánh Thánh thể được gọi là Viaticum, "lương thực đi đường". (Viết theo Flor McCarthy).
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
***
Chúa Nhật 19 Thường Niên B
Một buổi tối, tại nhà xứ Mai Khôi, trong dịp tĩnh tâm của giới trẻ vào mùa chay, một thanh niên miền bắc kể lại câu chuyện: Anh sống trong một xứ đạo thiếu linh mục, đời sống bí tích khô khan, thấy kẻ đau khổ ít khi anh tỏ lòng thương xót họ. Và ngày kia, anh nghe tiếng hát của một cô gái đâu đây, cô hát bài về Đức Maria. Lời hát tuy không hay, nhưng chẳng hiểu sao tâm hồn mình xúc động. Anh liền tìm đến tiếng hát và nhận thấy đó là một cô gái mù. Thương cảm, anh hỏi tại sao lại hát như thế. Chị trả lời rằng chị hát để ca ngợi và nói lên niềm vui của mình, vì Chúa đã thương chị và cho chị được thông phần vào nỗi đau khổ của Người trên Thập Giá.
Những lời nói này đã đánh động tâm hồn chàng thanh niên. Anh sực nhớ mình cũng là KiTô hữu, tuy mắt sáng nhưng chưa bao giờ cảm nhận tình yêu Thiên Chúa thương mình đến thế. Từ đó, anh thay đổi dần dần và hoán cải đời sống.
Thiên Chúa mời gọi con người nhận ra Ngài trong những sinh hoạt tầm thường nhất: Của ăn, áo mặc, tiếng cười, tiếng hát, trong những biến cố to nhỏ hằng ngày. Thiên Chúa gởi xuống trần gian nhiều sứ gỉa khác nhau: Người thanh niên trong câu chuyện kể trên đã nhận ra được hình ảnh Đức Kitô trong tiếng hát bình dị của một cô gái mù. Thánh Phanxicô Xaviê biến đổi cuộc đời nhờ câu nói của Thánh Ignatio: "Được lời lãi cả vũ trụ mà mất linh hồn mình nào có ích chi". Thánh Ephrem đã chinh phục người đàn bà tội lỗi v.v. Còn thông điệp vĩ đại nhất của Thiên Chúa trong bài Phúc Âm hôm nay đến từ con bác thợ mộc người xứ Galilê. Chính Ngài đã nói: "Tôi là bánh từ trời xuống". Thế là có những người xì xầm với nhau: "Ông này chẳng phải là ông Giêsu con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông lại nói :"Tôi từ trời xuống".
Tất cả những ai đánh giá con Thiên Chúa làm người với những cách thức bề ngoài đều không nhận ra Ngài là Đức KiTô. Chẳng hạn nếu chúng ta là thợ xây cất, khi so sánh với bác thợ mộc, đối với xã hội hai công việc này có vẻ như xoàng xoàng xoàng với nhau. Còn những vị có thế giá phải kể đến các quan quyền Vua Chúa. Những tiến sĩ, luật sĩ, kỹ sư, bác sĩ hay những thương gia giầu có.
Nhưng những ai có Đức Tin mạnh mẽ sáng suốt đều nhận ra giá trị siêu vời của địa vị Con Thiên Chúa làm người, con của bác thợ mộc nhà quê. Lần mở lại các trang Phúc Âm có kể lại rằng nhiều người đã thán phục sự khôn ngoan thông thái phi thường khi Chúa đối chất với các bậc thầy Do Thái lúc Ngài mới lên 12 tuổi. Quả thực giáo lý Ngài thật sâu sắc, lời Ngài thật sống động, sự dậy dỗ của Ngài như Đấng có quyền, chứù không như các luật sĩ và Pharisiêu. Còn phép lạ của Ngài thì man cơ xiết kể: "Mọi người lấy làm thán phục và ngợi khen Đức Chúa Trời. Họ nói rằng: Hôm nay ta đã thấy những việc lạ lùng". (Lc. 17,26).
Tín hiệu về sự hiện hữu của Chúa ở khắp mọi nơi, nhưng làm thế nào để nhận biết được Ngài. Nhìn vào vũ trụ bao la, biển rộng mênh mông, sự vận hành trật tự của các vị tinh tú, chúng ta đều cảm nghiệm được Thiên Chúa. Một bông hoa thơm đẹp, một con vật xinh xắn chúng ta liền nghĩ tưởng về Đấng tạo dựng. Nhưng bầu trời tinh thần nơi vẻ đẹp lòng người mới làm cho chúng ta thấm thía sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu trở nên con Thánh Giuse và Đức Mẹ Maria, chắc hẳn là do nhân đức tuyệt vời của các Ngài. Qua sự thánh thiện của gia đình Nazaret và những lời tiên báo trước đây về Đấng Cứu Thế ở trong kinh thánh, việc Chúa xưng mình :"Ta là Bánh Hằng Sống" thì chẳng có gì là đột xuất cả. Còn những kẻ nghe và tin vào lời Chúa lại vô cùng sung sướng khi biết được Ngài là của ăn nuôi sống linh hồn muôn đời.
Ở đời này chúng ta được thừa hưởng cả gia tài vũ trụ mà Chúa tạo dựng dành cho con người. Nhưng chính Chúa lại bảo của cải ở đời này là những thứ mau qua, những gì tạm bợ, của ăn hư nát, những vật mối mọt có thể đục khoét, trong cuộc hành trình tiến về nhà Thiên Chúa, những thứ ấy dừng lại ở ngưỡng cửa tử thần. Vì thế Bánh Hằng Sống giải đáp điều bí ẩn khao khát tận đáy lòng con người về sự vô biên, bất tử và là hành trang bảo đảm cho linh hồn trường tồn mai hậu.
Ý tưởng Bánh Hằng Sống cũng là ý tưởng chính yếu trong bài tin mừng Chúa Nhật hôm nay, điều này gợi nhớ kỷ niệm không bao giờ quên đối với người Do Thái khi ông Moisen dẫn đưa dân riêng của Chúa tiến vào đất hứa. Vì dong duổi dặm trường Chúa khiến bánh Manna từ trời rơi xuống để nuôi dân Do Thái khỏi chết đói trong sa mạc. Nhưng bánh Manna chỉ có hiệu lực thể lý, còn Bánh Hằng Sống mà Chúa nói hôm nay sẽ phát sinh sự sống đời đời. Ngài đã nói và thực hiện trong ngày đại lễ tiệc ly vượt qua trước ngày khổ nạn và phục sinh của Chúa. Bữa tiệc ly này còn tiếp tục cho đến tận thế qua các Thánh Lễ trên bàn thờ mỗi ngày.
Như vậy trên đường tiến về quê trời chúng ta sẽ không bị nản chí khi thấy thế gian rồi đây sẽ tàn lụi và mọi sự thuộc về thế gian cũng sẽ qua đi. Vì chúng ta đã hy vọng vào nguồn mạch sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa là bí tích Thánh Thể, đó là gia sản quí báu cho chúng ta trên nước trời. Điều cần thiết là chúng ta luôn cố gắng chiếm hữu và cầu xin Đức Mẹ ban cho chúng ta quả phúc bởi lòng Mẹ sinh ra là Bánh Trường Sinh bất tử nuôi sống linh hồn chúng ta.
Br. BM Thiện Mỹ, CMC
***
Chúa Nhật 19 Thường Niên B
Chủ đề: "Chúa Giêsu cho các môn đệ biết về cuộc sống vĩnh cửu và phương cách để đạt được cuộc sống ấy"
Một nhà thám hiểm thế kỷ 16, những người già thuộc thế kỷ 20 và một vị hoàng đế của Trung Quốc thời xưa, mới thoạt nghĩ, có lẽ chúng ta cho rằng ba hạng người ấy không giống nhau bao nhiêu. Nhưng thực ra họ có nhiều điểm giống nhau.
Thế kỷ thứ 16 có một nhà thám hiểm người Tây Ban Nha tên là Ponce de Léon. Sau khi Kha Luân Bố khám phá ra Mỹ Châu ít lâu, người ta đồn rằng ở Tân thế giới có một ngọn suối trường sinh, thế là Ponce de Léon liền sắm thuyền vượt biển sang Nam Mỹ đi tìm con suối huyền thoại đó. Giống như Léon, các bô lão trong phim Cocoon đã được cải lão hoàn đồng khi họ xuống tắm ở một hồ bơi đã được những người xa lạ từ một hành tinh khác bí mật sử dụng. Chính kinh nghiệm kỳ thú này khiến các cụ sẵn sàng nhận lời mời của các vị khách lạ đi theo họ về chốn hành tinh khác, vì theo lời các vị khách này một khi đến được hành tinh xa lạ kia các bô lão sẽ mãi mãi được trường sinh.
Và cuối cùng chúng ta nói tới một vị hoàng đế Trung Quốc thời xưa tên là Tần Thuỷ Hoàng. Ông là người đã truyền xây vạn lý trường thành ở Trung Quốc. Với chiều dài hơn 2000 dặm, vạn lý trừơng thành này là kiến trúc nhân tạo duy nhất trên trái đất mà các phi hành gia có thể nhận ra từ phía ngoài không gian. Theo tờ tạp chí National Geographic (Địa lý Quốc gia), Tần Thuỷ Hoàng rất sợ chết. Một ngày nọ các chiêm tinh gia của ông kể cho ông nghe về một hòn đảo thần tiên ở Biển Đông, dân cư ở đây đã khám phá ra bí quyết trường sinh. Thế là Tần Thuỷ Hoàng liền phái một số tàu thuyền chất đầy châu báu lên đường đi tìm các dân cư của hòn đảo lấy bí quyết trường sinh của họ. Theo lời người ta kể, các tầu thuyền này đã tìm ra đảo thần tiên nhưng cư dân ở đấy chả thèm đổi bí quyết trường sinh của họ để lấy những "tặng vật tầm thường" ấy của Hoàng đế.
Ba câu chuyện trên nói lên điều gì? Chủ ý các câu chuyện đó là gì?
Xin thưa ngay rằng: từ xa xưa, con người đã mơ ước được sống chẳng bao giờ chết, được trường sinh bất tử. Mỗi lần thấy một người thân chết đi, thì niềm mơ ước bất tử này càng ám ảnh con người dữ dội hơn. Vì thế chẳng lạ gì khi Chúa Giêsu xuất hiện ở Palestine và bắt đầu nói về cuộc sống vĩnh cửu thì dân chúng liền ùa đến nghe Ngài nói. Đám dân Do Thái này rất chú tâm đến vấn đề này vì kể từ thời Abraham và Moisen họ triền miên sống trong mờ mịt, chả hiếu tí gì về những điều xảy đến cho những người chết. Họ tin rằng có một "thế giới của người chết", nhưng họ chả có khái niệm gì về thế giới ấy, vì thế, họ sẵn sàng đón nhận bất cứ tia sáng nào Chúa Giêsu soi dọi vào mầu nhiệm này.
Một trong những câu nói quan trọng nhất của Đức Giêsu về đời sống vĩnh cửu là những gì Ngài nói trong bài Tin Mừng hôm nay. Tôi xin đọc lại câu nói quan trọng ấy;
"Ta là bánh hằng sống từ trời xuống… Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời. Bánh của Ta sẽ ban cho kẻ ấy là chính Thịt Ta, Ta ban Thịt Ta để thế gian được sống". Chúa Giêsu mặc khải cho biết cuộc sống nơi trần gian này không phải là cuộc sống duy nhất và chết không phải là chấm hết. Còn có một cuộc sống trong tương lai không bao giờ chấm dứt, đó là cuộc sống vĩnh cửu, trường sinh.
Thế nên có gì là lạ khi nhiều người Do Thái lắc đầu nhìn Chúa Giêsu nhất là khi Ngài nói: "Ta là bánh… từ trời xuống!". Có gì là lạ khi họ làu bàu với nhau; "Người này chẳng phải là anh chàng Giêsu con trai ông Giuse đó sao? Bộ chúng ta không biết bố mẹ anh ta sao mà anh ta lại dám mạo nhận là từ trời xuống?".
Chỉ mãi đến khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, nhiều người trong đám dân Do Thái này mới bắt đầu biết trân trọng những câu nói của Ngài.
Và cũng chính vì chấp nhận mầu nhiệm này mà chúng ta cũng cùng tụ tập với nhau trong giáo đường ngày hôm nay: Chúng ta cùng tụ tập với nhau, để nghe Chúa Giêsu nói về cuộc sống vĩnh cửu. Để được dưỡng nuôi bằng Mình Thánh Chúa Giêsu, bánh hằng sống. Ngọn suối trường sinh mà Ponce de Léon khổ công lên đường đi Châu Mỹ để tìm kiếm, cuộc sống muôn đời mà các bô lão trong phim Cocoon sẵn sàng ra đi để tìm kiếm và Bí quyết trường sinh mà Tần Thủy Hoàng cho người ra đi đến tận các đảo thần tiên thuộc biển đông để truy lùng, hiện đang ở giữa chúng ta ngay trong ngôi giáo đường này. Đó là Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, nguồn mạch trường sinh đang hiện dịên ở nơi đây ngay trong lúc này. Ngài ở với chúng ta bằng thần trí Ngài như Ngài đã từng nói với các môn đệ: "Bất cứ ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Ta, Ta sẽ ở đó với họ" (Mt 18:20). Ngài hiện diện với chúng ta bằng lời nói của Ngài, điều Ngài đã nói cách đây hơn 2000 năm với dân chúng cũng chính là điều Ngài vừa nói với chúng ta qua bài Phúc Âm hôm nay. Chúa Giêsu còn hiện diện với chúng ta qua vị linh mục đại diện của Ngài như Ngài đã nói: "Ai nghe các ngươi là nghe Ta" (Lc 10:16)
Và cuối cùng, Đức Giêsu hiện diện với chúng ta trong Bí tích ban Trường sinh. Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đã ám chỉ bí tích ấy: "Ta là Bánh hằng sống, ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời". Khi đã thấu hiểu toàn bộ việc này, chúng ta sẽ không còn ngạc nhiên khi nghe Chúa Giêsu ngỏ lời với chúng ta:
"Phúc cho các ngươi biết bao khi các ngươi thấy được những điều các ngươi đang thấy! Ta nói cho các ngươi biết nhiều tiên tri và vua chúa từng ao ước thấy điều các ngươi đang thấy, nghe được điều các ngươi đang nghe, mà không được" (Lc 10:23-24)
Đứng trước mầu nhiệm lớn lao như thế, chúng ta chỉ còn biết dâng lời cầu nguyện: "Lạy Thiên Chúa Cha chúng con, Chúa đã ban cho chúng con qúa nhiều rồi, xin hãy thứ tha cho chúng con nếu chúng con vẫn nài xin Cha thêm một điều gì nữa, đó là:
Xin tăng thêm đức tin cho chúng con để ngay lúc này đây chúng con nhận ra thần khí của Con Cha hiện diện nơi tâm hồn anh chị em chúng con trong giáo đường này.
Xin tăng thêm đức tin cho chúng con để chúng con nhận ra tiếng nói của Con Cha trong những lời Kinh Thánh vừa được giảng giải cho chúng con.
Và nhất là xin tăng thêm đức tin cho chúng con để chúng con nhận biết Mình Thánh Con của Cha trong tấm bánh hiện giờ chúng con đang chuẩn bị chia xẻ cùng nhau. Chúng con nguyện xin nhờ Chúa Kitô, nhờ Người, với Người và trong Người, một ngày kia chúng con sẽ được sống với Cha cùng với Chúa Thánh Linh muôn thuở ngàn đời.
Lm. Mark Link SJ.
***
Thưa quý vị,
Các bài đọc Tin mừng năm B được trích từ thánh Marcô. Nhưng thời gian này bị gián đoạn 4 tuần (5cn) để đọc chương 6 của Tin mừng theo thánh Gioan, lý do: bổ túc cho dòng tư tưởng của thánh Marcô khi đối chiếu với các bài đọc Cựu ước. Phụng vụ đã khởi sự đọc từ Chúa nhật 17. Đoạn Tin mừng hôm nay thánh Gioan bàn về Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống, dưỡng nuôi những linh hồn đã được đổi mới theo Đấng Cứu thế: “Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn Manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết.” Đám đông bên hồ Galiêa đã được Chúa nuôi bằng bánh vật chất. Nhưng tinh thần họ vẫn còn đói nguyên trạng. Lúc này Chúa Giêsu mặc khải rõ Ngài là bánh thiêng liêng làm no thoả nhân loại trong cơn đói khát tinh thần đó: “Và bánh tôi đã ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”
Ở bài đọc 1, bánh đường xa đã được Thiên thần minh thị nói đến khi đánh thức tiên tri Êlia: “ Dậy mà ăn, vì ngươi còn phải đi đường xa.” Bài Phúc âm tuy không nói rõ ràng, nhưng cũng ngầm ám chỉ mục tiêu ấy. Đám dân chúng đông đảo mà Chúa Giêsu nuôi dưỡng và dạy dỗ là một hình thức để gợi nhớ dân Israel trên hành trình sa mạc về đất hứa. Qua Môse Thiên Chúa đã nuôi sống và hướng dẫn tổ tiên họ, thì lúc này, Chúa Giêsu cũng làm tương tự. Thực tế, tiên tri Êlia đang trong tình trạng hoàn toàn thất vọng. Ông chiến đấu chống phong trào tôn thờ hình tượng đang lớn mạnh trong dân Do thái. Ông chĩa mũi dùi chỉ chích vào nhà vua A-kháp, kẻ cầm quyền, nhất là vào hoàng hậu vô đạo Ideven. Ông giết 450 tư tế của thần Ba-an tại suối Ki-sôn làm cho hoàng hậu nổi giận, tìm hại mạng sống ông. Tiên tri phải chạy chốn vào hoang địa, đi đến núi Horeb (cũng gọi là Sinai) ẩn mình. Trên đường đi, ông hoàn toàn kiệt sức, tinh thần mệt mỏi, ông xin cho mình được chết. Ông cảm thấy cô đơn trong cuộc chiến đấu. Ông quên khuấy điều căn bản, mà ngày nay chúng ta cũng thường không nhớ khi đối diện với các khó khăn, đó là sự trợ giúp của Đức Chúa. Chỉ Đức Chúa mới có quyền năng tháo gỡ những bế tắc mà sức lực con người không thể vượt qua.
Tiên tri Êlia đang trốn trong hoan địa, nơi chẳng có thể cung cấp những điều căn bản của nhu cầu sống còn. Ngược lại toàn nghịch cảnh và đe doạ, chết chóc lúc nào cũng có thể xảy đến. Nếu như ý muốn Đức Chúa là ông phục vụ tuyển dân, nuôi sống họ bằng giáo huấn của Ngài, thì Ngài phải nuôi sống ông. Lúc này, ông không những cần bánh ăn phần xác, mà cần luôn sự trợ giúp tinh thần, để có thể đứng vững trong ơn kêu gọi và can đảm thi hành sứ vụ. Do đó thiên thần mang lương thực đến cho ông. Xin lưu ý là vị tiên tri không được Thiên Chúa bãi bỏ gánh nặng, nhưng chỉ được nuôi sống và ban thêm sức mạnh. Con đường khó khăn vẫn ở trước mắt ông. Bài học của chúng ta cũng vậy. Trên đường thiêng liêng Thánh ý Chúa không thể thay đổi, điều chúng ta cần là ơn trợ giúp. Với ơn Chúa, mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Bằng của ăn vật chất, tiên tri Êlia đã nhìn ra dấu chứng Chúa hằng quan tâm săn sóc ông. Chúng ta cũng ở trong dấu chứng này, khi nghe Tin mừng hôm nay.
Trước hết, vài lời về cấu trúc bản văn. Nhìn kỹ, bản văn có 2 phần. Phần thứ nhất từ câu 41 đến câu 47. Phần thứ hai từ câu 47 đến câu 51. Kết thúc phần 1 chúng ta có mặc khải: “Thật, Tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời.” Phần này Chúa Giêsu nhấn mạnh đến lòng “tin” của những người nghe. Ngài ban bánh hằng sống đến từ thiên quốc và bánh đó chính là bản thân Ngài. Nhiều chuyên viên Kinh thánh đồng ý với tác giả Raymond Brown, chủ trương Chúa Giêsu trong Phúc âm của thánh Gioan chính là sự Khôn Ngoan. Sự Khôn Ngoan trong Thánh kinh Do thái nuôi dưỡng toàn thể tuyển dân trong suốt chiều dài lịch sử, thì Chúa Giêsu cũng nuôi dưỡng mỗi linh hồn tín hữu và toàn thể Giáo Hội trong thời kỳ còn lại của xã hội loài người. Tin vào Ngài là con đường đưa đến Khôn Ngoan tuyệt đỉnh: “Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với Tôi.” Nếu chúng ta đói khát sự Khôn Ngoan thì hãy tin cậy vào Ngài. Sống khôn ngoan là chấp nhận Chúa Giêsu, mời Ngài vào ngự trong linh hồn và rập theo khuôn mẫu Ngài đã sống. Ngoài ra là dại dột và ngu đần.
Đức khôn ngoan Chúa Giêsu ban có tính phổ thông, không dành riêng cho lớp người nào. Bất cứ ai khát khao đều được thoả mãn, không cần trình độ, chẳng cần học thức, thông minh, biết tiếng nước ngoài, ngôn ngữ lạ, khôn khéo, tài năng, màu da, tuổi tác, khẻo mạnh hay yếu đau… Thực ra, những kẻ bé mọn, đơn sơ, khiêm tốn lại là những người hưởng khôn ngoan của Chúa hơn cả: “Bất cứ ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha thì sẽ đến với tôi.” Chúa Giêsu luôn giang rộng đôi tay đón nhận mọi người thành tâm thiện chí. Khi đọc Tin mừng hôm nay, chúng ta liên tưởng ngay đến nội dung sách Khôn Ngoan của Cựu ước: “Đức Khôn Ngoan sáng chói và không hề tàn tạ. Ai mến chuộng đức Khôn Ngoan thì đức Khôn Ngoan cho chiêm ngưỡng. Ai tìm kiếm đức Khôn Ngoan thì đức Khôn Ngoan dễ dàng cho gặp. Ai khao khát đức Khôn Ngoan thì đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết.” (6,12). Theo thánh Gioan thì Đức Kitô chính là Đức khôn ngoan nhập thể. Nói cách khác, chính qua Đức Ki-tô mà chúng ta nhận biết Đức khôn ngoan của Thiên Chúa là gì. Cho nên thật là dại dột, phí công, phí sức, phí thời giờ, khi đi tìm khôn ngoan ở những nơi khác.
Phần thứ hai của Tin mừng hôm nay bắt đầu từ câu 48 và có sự chuyển đổi trọng tâm. Các từ căn bản bây giờ là “thịt, bánh và ăn uống”. Mệnh đề “ai ăn bánh này” nhấn mạnh nội dung Ngài là lương thực chân thật cho những kẻ đói khát. Dĩ nhiên chúng ta nghĩ ngay đến Bí tích Thánh thể, nhưng thực ra ý nghĩa của nó rộng hơn nhiều. Lời của Ngài, sứ vụ của Ngài, cuộc sống của Ngài đều là “bánh” nuôi dưỡng linh hồn nhân loại đang đói khát thiêng liêng. Thánh Gioan không có trình thuật về biến cố Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh thể. Bài huấn dụ cuối cùng của Ngài ở bữa Tiệc ly thường được các tác giả chú giải coi như phần thay thế, và bài Tin mừng hôm nay nhấn mạnh ý nghĩa : Ngài là sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và Ngài là bánh hằng sống. Sự khôn ngoan dạy dỗ và khai sáng loài người. Làm cho người ta nhận định đúng các giá trị trên thế gian. Đây là phần mà ở trong thánh lễ gọi là phụng vụ lời Chúa. Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong lời giảng dạy của Ngài là thức ăn nuôi dưỡng nhân loại. Phần thứ hai là Thánh thể liên kết mọi linh hồn trong thân mình mầu nhiệm Đức Ki-tô. Từ sự liên kết này, chúng ta được hưởng ơn sống lại và cuộc sống đời đời. Ngoài ra chẳng có thể tìm được ở nơi đâu khác, thánh Gioan quen dùng hai từ ơn huệ và vinh hiển (grace and glory) để mô tả cuộc sống vĩnh cửu.
Như vậy đối chiếu với Cựu ước, Chúa Giêsu là Môse mới cung cấp bánh ăn và giáo huấn cho nhân loại. những linh hồn tín hữu giống như dân Do thái trong sa mạc, kêu than, phàn nàn, trách móc rằng không được ăn uống theo ý muốn như khi còn ở Ai cập. Ngày nay chúng ta thì sao? Giống như họ không? Đòi hỏi những lương thực thích hợp khẩu vị : giàu sang, phú quí, danh vọng tiền tài… hay thứ bánh đạm bạc Mình Máu thánh Chúa và năng chạy đến lãnh nhận để được sống muôn thuở? Thực chất, chúng ta dạy nhau giáo lý, thần học về bánh hằng sống, nhưng trong cung cách lãnh nhận chúng ta khinh thường, nhàm chán. Nào có khác chi dân Israel trong hoang địa?
Nếu suy gẫm kỹ bài Phúc âm chúa nhật 19, chúng ta sẽ cảm nhận một sự thật vĩnh hằnh : Bất chấp các tiến bộ khoa học, y tế, dinh dưỡng, các nỗ lực kéo dài tuổi thọ. Cuối cùng ai cũng phải chết. Ba tấc đất mới thật là nhà. Nhưng chúng ta quên rằng Chúa Giêsu từ hơn 2000 trước đã ban cho nhân loại phương thuốc trường sinh. Đó là khi ăn uống mình máu Ngài, sẽ được tiếp nhận một đời sống đích thật, nhiệm màu, sâu thẳm, luôn luôn diễn tiến, chẳng bao giờ tàn lụi, đổi mới không ngừng. Như thế Chúa Giêsu ban cho lương thực và khôn ngoan mà loài người thực sự cần thiết. Ngài không hề lừa dối, phỉnh gạt. Chỉ có điều chúng ta thiếu lòng tin chân thành. Theo Phúc âm thánh Gioan, cuộc sống vĩnh hằng đã khởi sự trong những tín hữu tiếp nhận Chúa Giêsu. Nghĩa là Thiên Chúa đã hiện diện trong linh hồn họ. Nhờ Bí tích Thánh Thể tác động, sự hiện diện đó rõ nét, sâu đậm và vĩnh hằng hơn. Từ đấy đời sống muôn thuở của họ được bảo đảm. Nếu chúng ta thực sự có lòng tin, bánh hằng sống chẳng bao giở phai lạt, ngược lại, ngày càng sâu đậm hơn, nhận chìm linh hồn vào cuộc sống Chúa Ba Ngôi trên thiên đàng.
Do đó, Bí tích Thánh thể giúp chúng ta tưởng nhớ Thiên Chúa nuôi dưỡng dân Israel trong những ngày di cư xa mạc. Tiên tri Êlia trốn chạy vua A-kháp và hoàng hậu I-de-ven để có thể chu toàn sứ vụ. Nó cũng giúp các tín hữu luôn ghi nhớ mình được nuôi dưỡng bằng bánh hằng sống, bao lâu còn lưu lạc trên trần gian, tham dự vào đời sống vĩnh cửu của Chúa, đợi chờ bàn tiệc tràn đầy trên thiên quốc. Vì những thực tại đó của quá khứ, hiện tại, tương lai, chúng ta có đủ lý do cùng tung hô với các tín hữu khắp hoàn cầu mỗi khi cử hành thánh lễ : “chúng con đang hướng về Chúa” và kết thúc : “thật là chính đáng và phải đạo.” Ước chi mọi người luôn ý thức được như vậy. Amen.
Suy gẫm : Thiên Chúa cúi xuống con người bằng ân sủng. Con người với tới Thiên Chúa bằng lòng tin.
Lm. Jude Siciliano
***
Chúa Nhật 19 Thường Niên B
Khi nói đến “Của Ăn Đường”, ta thường nghĩ đó là việc trao Mình Thánh Chúa cho người chuẩn bị từ giả cuộc đời. Mình Thánh Chúa hay Của An Đường mà những anh chị em nhận lãnh lúc sắp ra đi, sẽ giúp họ thêm lòng yêu mến, thêm sức mạnh của đức tin, thêm nghị lực thiêng liêng để bước vào giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Có lẽ suốt cả hành trình cuộc sống, không có lúc nào làm người ta lo âu và sợ hãi cho bằng giờ phút cuối cùng ấy. Chết là thử thách cuối cùng, nhưng lại là thử thách lớn của đời người. Chính vì là thử thách lớn, Của An Đường càng trở nên cần thiết và quan trọng để người ra đi được tiếp sức, đủ nghị lực mà trở về nhà Cha.
Bởi thế, nói đến Của An Đường, ta nghĩ đến giờ phút cuối của từng cuộc đời con người là đúng lắm. Giáo Hội vẫn nhiểu như thế. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đấy thì thật là thiếu sót. Vì cả cuộc đời ta được ví như một người lữ hành, thì Của An Đường đâu chỉ có ở giây phút cuối cùng, đâu phải chỉ là lúc gần đến đích. Đúng hơn, ý nghĩa của cụm từ Của An Đường mà ta cần nhấn mạnh đó là: lương thực nuôi sống trên suốt chặng đường dài mà người lữ hành phải đi. Bởi thế, chỉ duy nhất có Mình Máu Thánh Chúa Kitô mới là Của An trên mọi của ăn, cần thiết trên mọi điều cần thiết cho hành trình thiêng liêng của mỗi cuộc đời, của chính bạn và của chính tôi.
Ý niệm về Của An Đường, đâu chỉ có trong thời Tân Ước. Từ ngàn xưa, khi màdân riêng của Chúa lang thang bốn mươi năm trường trong sa mạc, làm bạn một cách bất đắc dĩ với không biết bao nhiêu khó khăn: gió, cát, sức nóng của ban ngày, cái lạnh cắt da của đêm thâu, đói, khát, rắn độc… thì của ăn đường đã xuất hiện: Manna và nước chảy từ đá giữa sa mạc khô đã nuôi sống dân trên hành trình chông gai của họ. Họ đã sống để tiến vào Đất Hứa, nơi mà họ có thể đặt nguồn hy vọng chan chứa nhưng cũng là niềm hy vọng duy nhất đưa họ vượt qua bao nhiêu gập gềnh, chông chênh, nhiều phen tưởng như quỵ ngã.
Chưa dừng lại ở đó. Ý niệm về Của Ăn Đường lặp lại trong sách Các Vua quyển thứ I. Bài đọc 1 hôm nay là đoạn trích cho thấy ý niệm về Của An Đường ấy. Đó là câu chuyện liên quan đến tiên tri Êlia. Trong nỗi khốn cùng của cái đói, cái khát giữa cảnh cháy khô da người của sa mạc, cũng chính lúc ấy, là nỗi khổ của một kẻ chạy trốn vì hoàng hậu Giêgiaben đang tìm giết, dẫu là người rất can đảm, Êlia cũng đã phải thốt lên: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con” (1V 19, 4). Nhưng Thiên Chúa đã nhìn thấy ông. Người nhận ra tất cả những hoàn cảnh mà ông cam chịu. Người cứu ông. Ông đã nhận từ tay thiên thần của Thiên Chúa chiếc bánh lùi và bình nước uống. Bánh và nước - của ăn đường mà ông lãnh nhận đã tiếp sức cho ông, giúp ông đi hết chặng đường dài đến bốn mươi ngày, bốn mươi đêm. Bánh từ trời đã nuôi sống con người, đó cũng là sự biểu lộ của tình trời cao đối với người trần thế: Thiên Chúa đã yêu thương, mãi mãi vẫn một lòng yêu thương như thế.
Nếu ngày xưa dân Chúa lữ hành tiến về đất hứa, và cuộc lữ hành của tiên tri Êlia đều đã được nuôi dưỡng bởi của ăn đường đến từ trời cao, để tất cả cùng đi về đích bình an, thì trên đường lữ hành trần gian của người Kitô hữu hôm nay có phần giông giống những gì thuộc về ngày xưa ấy. Chỉ khác là hôm nay, những người Kitô hữu hy vọng trời cao, hướng về đất hứa, không phải chỉ là “đất chảy sữa và mật” mà thôi, nhưng là vùng đất vĩnh cửu. Vì lữ hành tiến về vĩnh cửu, người Kitô hữu cũng có Của An Đường, không phải là manna và nước chảy từ đá, hay chiếc bánh lùi và bình nước của thiên thần, nhưng là lương thực vĩnh cửu, thần lương quý giá vô cùng: chính là Thịt Máu Chúa Kitô. Chính Chúa Kitô đã mạc khải Mình Máu của Người là của ăn vĩnh cửu cho ta: “Ta là bánh bởi trời xuống, ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta để cho thế gian được sống”. Đường về vĩnh cửu phải có Của An Đường vĩnh cửu. Người trần thế tiến về vĩnh cửu phải có Đấng từ vĩnh cửu đến trần thế ban Thịt Máu mình làm Của An Đường vĩnh cửu. Và như thế, Chúa Kitô: Của An Đường quý giá, Nguồng Sống vĩnh cửu của chúng ta.
Là Của An Đường quý giá, cần thiết cho mỗi Kitô hữu trên đường tiến về vĩnh cửu, vì thế Mình Thánh Chúa Kitô là nguồn sức mạnh, là tất cả sự sống đích thực của chúng ta. Bởi vậy, mỗi lần tham dự thánh lễ, bạn và tôi hãy chuẩn bị tâm hồn cẩn thận, hãy mở rộng lòng sẵn sàng đón Chính Chúa Kitô ngự đến trong hồn ta. Linh mục Phêrô Trần Thanh Sơn, trong bài “Thiên Chúa rất gần” (Chúa nhật 17 thường niên) đã từng mời gọi hãy siêng năng hiệp lễ bằng lời nhắc nhỡ khéo léo và tha thiết: “Thế nhưng, chúng ta vẫn thấy còn rất nhiều người ở giữa chúng ta, nhất là các bạn trẻ đi tham dự Thánh Lễ, nhưng lại chẳng cần Hiệp Lễ. Như vậy, chúng ta có khác gì một người đi tham dự một bữa tiệc, nhưng đến nơi, chúng ta chẳng chịu ăn, cứ ngồi nhìn người khác ăn, thì điều chắc chắn là sau đó, chúng ta phải mang bụng đói trở về nhà. Và nhiều lần “nhịn đói” như thế, chúng ta sẽ trở thành “suy dinh dưỡng”, và hậu quả tất yếu đối với những người “suy dinh dưỡng” là họ sẽ không đủ sức để làm bất cứ việc lành nào, và rất dễ mắc bệnh, tức là phạm tội khi bị các “vi trùng” tức là các cơn cám dỗ của ma quỷ tấn công”.
Và tôi chợt nghĩ, một người đói và suy dinh dưỡng, thiếu ơn Chúa, thiếu nguồn sức mạnh từ nơi Thiên Chúa, chắc chắn sẽ không đi hết con đường của mình, nếu không muốn nói là sẽ đổ quỵ và đổ quỵ một cách bi đát.
Lm. Vũ Xuân Hạnh
***
Chúa Nhật 19 Thường Niên B (Eph 4,30-5,2)
Những người nhận biết Chúa Giêsu và tin vào Ngài đều là do ân sủng Ngài ban cho. “Chẳng ai đến được với Ta, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Ta không lôi kéo người ấy.” Thánh Phaolô viết cho tín hữu thành Côrintô, “Ngươi có gì mà lại đã không chịu nhận lãnh? Mà nếu đã nhận lãnh, sao lại vinh quang như không chịu nhận lãnh” (I Cor 4:7). Bởi vậy, ngài kêu gọi chúng ta hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. “Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Ep 5:20). Trong tất cả mọi sự hãy bày tỏ lòng biết ơn Chúa, bởi biết ơn Chúa là món quà làm đẹp lòng Chúa nhất, và cũng là cách giữ ơn Chúa và lôi kéo những ân huệ khác.
Chuyện kể rằng, có một vị linh mục nọ qua đời, và được đưa đến trước mặt thánh Phêrô để làm một thẩm tra. Thánh Phêrô hỏi:
- Ở dưới thế cha làm được điều gì?
Vị linh mục nhanh nhẹn trả lời:
- Thưa thánh Phêrô, con xây được một ngôi thánh đường.
Thánh nhân lấy bút ghi trên giấy: Một điểm.
- Cha còn làm được gì nữa?
- Dạ, con còn xây một trường học.
Thánh Phêrô ghi tiếp: một điểm.
- Và gì nữa?
Vị linh mục bắt đầu suy nghĩ, rồi trả lời:
- Dạ, con cộng tác nhiều vào các công việc xã hội và từ thiện.
Thánh Phêrô ghi thêm: một điểm.
- Còn gì nữa? Thánh Phêrô hỏi tiếp.
Lần này vị linh mục lo lắng hỏi thánh Phêrô:
- Dạ thưa thánh Phêrô, được bao nhiêu điểm thì vào thiên đàng?
Thánh Phêrô vui vẻ trả lời: một ngàn điểm.
Nghe nói thế, vị linh mục bỗng chột dạ, nghĩ thầm: "Chết mình rồi làm sao có được chừng ấy điểm đây? Nếu có moi óc kể tất cả các việc mình làm ở dưới thế e cũng không đủ...
Và vị linh mục bắt đầu lo sợ, rồi thất vọng, không còn tự tin. Trong lúc đó, thánh Phêrô nhắc lại:
- Cha còn làm được điều gì nữa, cứ kể hết đi!
Với giọng nói khiêm tốn và lo sợ, vị linh mục nói:
- Thưa thánh Phêrô, NHỜ ƠN CHÚA con cũng làm được đôi ba việc nhỏ.
Nghe vậy, thánh Phêrô lấy bút ghi ngay: một ngàn điểm.
Ngài nói:
- Thế là cha được một ngàn lẻ ba điểm rồi đấy. Cha đã dư được ba điểm. Mời cha vào!
Vị linh mục trên chỉ được Thánh Phêrô cho vào hưởng vinh quang nước trời khi vị linh mục nhận ra rằng tất cả việc ngài làm là do ơn Chúa. Nhận ra sự nghèo nàn của mình và cậy trông vào tình thương của Chúa đó là cách dễ dàng nhất đạt được hạnh phúc thiên đàng.
Nếu tất cả mọi sự đều nhờ ơn Chúa, thì chúng ta càng phải sống trong tâm tình biết ơn Ngài. Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt vời của lòng biết ơn. Cuộc đời của Ngài là bài trường ca tạ ơn dâng lên Thiên Chúa Cha. Ngài tạ ơn trước khi cho Lazarô sống lại. Ngài tạ ơn Chúa Cha khi lập Bí Tích Thánh Thể. Ngài tạ ơn Chúa Cha trước khi làm phép lạ. Ngài tạ ơn Chúa Cha trong đời sống cầu nguyện; mỗi khi chiều dần buông là Ngài tìm chỗ thanh vắng để nói chuyện thân mật với Chúa Cha. Hầu hết trong thơ của Thánh Phaolô, Ngài đã khuyên các tín hữu hãy có lòng biết ơn Chúa. Chính ngài cũng đã luôn tạ ơn Chúa. “Tôi hằng cảm tạ Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Ngài ban cho anh em nơi Đức Giêsu Kitô” (1 Cor 1:4).
Thiên Chúa luôn luôn thi ân cho chúng ta. Ngài thi ân cho mọi người, không trừ một ai. Ngài đổ mưa hồng ân xuống trên kẻ lành và người dữ. Ngài ban ơn, nhưng khả năng lãnh nhận còn tùy thuộc vào tấm lòng biết ơn mỗi người. Thiếu lòng biết ơn thì cũng chẳng quí ơn mình lãnh nhận. Một khi đã coi thường ơn Chúa thì làm sao chúng ta có khả năng lãnh nhận được. Nếu chúng ta không có khả năng lãnh nhận, thì dù Chúa có thi ân nhiều, chúng ta cũng không thể nhận lãnh.
Một trong những đức tính quan trọng nhất của con người đó là lòng biết ơn. Một người có nhân cách là người luôn thể hiện lòng biết ơn. Ở Nhật Bản, theo truyền thống, vào ngày sinh nhật thứ 13 của mình, các bé trai sẽ nhận được một con diều có đề tên của em trên đó. Tất cả người thân và bạn bè xúm lại làm một sợi dây cho con diều. Họ nối các đoạn dây lại với nhau, mỗi người một đoạn. Trước khi thả con diều này, cậu bé nhìn mỗi nút dây, nghĩ đến những người đã buộc nó. Cậu thầm cám ơn vì tất cả những điều tốt lành ấy mà mỗi người trong số họ đã làm cho cậu. Và cậu hồi tưởng lại, tất cả các ân huệ mà cậu đã lãnh nhận từ mọi người khác. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đã lãnh nhận biết bao ơn của người khác một cách dễ dàng, nên chúng ta cũng dễ dàng coi thường, chúng ta không biết trân trọng. Cũng như nút dây của con diều, cuộc đời của chúng ta xinh đẹp là do những nút dây ơn lành của Chúa và tha nhân nối kết; bởi vậy, chúng ta đừng bao giờ quên tạ ơn Chúa và biết ơn tha nhân.
Lòng biết ơn là bổn phận đầu tiên của kiếp làm người, bởi con người không tự mình mà có. Cuộc đời con người là những chuỗi này sống trong ân huệ của Thiên Chúa. Cuộc sống vui tươi và hạnh phúc còn tùy thuộc vào sợi dây liên đới với tha nhân, bởi không ai là một hòn đảo. Sống có tình có nghĩa, luôn thể hiện tâm tình biết ơn, nhất là biết trân trọng những ân huệ của Chúa và tha nhân đã làm cho chúng ta.
Sr. Sương Mai
***
Khát Trường Sinh
Ai trong chúng ta cũng muốn mình sống lâu và trẻ hoài. Nếu có cách gì làm cho mình khoẻ, trẻ và sống lâu thì chúng ta không ngại thử ngay.
Vào thế kỷ thứ 16 khi Kha Luân Bố tìm ra miền đất mới thì có tin đồn rằng miền đất mới có suối nước thần nếu ai tắm và uống nước đó sẽ trẻ trung hoài. Ponce de Leon đã quyết định đóng tầu đi thám hiểm đến miền đất mới để tìm giòng suối trẻ trung đó.
Hoàng Đế Chin của Trung Hoa, người xây Vạn Lý Trường Thành cũng rất sợ già và sợ chết. Một hôm người cận thần tâu trình rằng ở bên Biển Đông có hòn đảo địa đàng. Người dân trên đảo đã khám phá ra bí mật của sự sống trường sinh. Hoàng Đế liền cho lệnh chất vàng bạc châu báu lên tầu và khởi hành đi về Biển Đông để trao đổi lấy thuốc thần trường sinh.
Những ai coi phim tầu cũng rất quen thuộc với giấc mơ đi về miền núi xa xôi hoang vắng nào đó để tìm cho đuợc củ sâm ngàn năm. Củ sâm đó có sức làm cho người ta phục hồi sức sống, tăng thêm tuổi thọ, sống lâu không chết.
Trẻ trung và sống lâu hạnh phúc là giấc mơ của con người ở mọi thời đại. Con nguời luôn luôn mong muốn sống mãi sống hoài. Nếu bị bệnh là lo tìm thày chạy thuốc. Nếu có khiếm khuyết về dung mạo hay hình dáng thì lo tìm cách sửa trị hoặc che đậy đi. Nhưng xưa nay chưa có ai thực hiện được hoài bão sống trường sinh như thế. Chỉ có một người hứa với chúng ta bí mật sống trường sinh và người đó đã thực hiện được. Vị đó là chính Đức Giêsu Kitô.
Bánh Sự Sống Từ Trời
Đức Giêsu đã qủa quyết với những người theo Ngài: "Ta là Bánh Hằng Sống bởi trời xuống... Ai tin vào ta thì có sự sống đời đời. Ta là bánh ban sự sống... Ai ăn bánh này thì khỏi chết, nhưng sẽ sống đời đời. Bánh ta ban là chính thịt ta để cho thế gian được sống" (Gio. 6:41-52).
Ponce de Leon đã vất vả thám hiểm tới miền đất mới để tìm giòng suối nước có sức làm trẻ trung, nhưng chẳng thấy. Hoàng đế Chin đến hòn đảo ở biển đông với vàng bạc châu báu để tìm đổi lấy bí mật trường sinh, nhưng chẳng có. Nhiều người tìm uống các dược chất để hy vọng có sức khỏe lâu bền, nhưng rồi cũng chết. Mỗi người chúng ta hôm nay cũng đến thánh đường này để nghe lời Chúa về sự sống đời đời, và để được ăn bánh trường sinh Đức Giêsu hứa ban. Chúng ta không phải vất vả trèo non lội suối hay đi đâu xa để tìm kiếm thuốc trường sinh. Chúng ta không phải bỏ tiền mua dược phẩm để được sống trường sinh. Đức Giêsu Con Thiên Chúa hằng sống, Ngài là suối nước trường sinh đang hiện diện với chúng ta nơi đây, và chúng ta có thể tiếp nhận Ngài miễn phí. Tiếp nhận Ngài là chúng ta tiếp nhận sự sống đời đời. Tiếp nhận Ngài là chúng ta được bổ sức cho tinh thần sống.
Elia Được Dưỡng Sức
Elia trong bài đọc thứ nhất, đã cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Nhưng trong lúc buồn chán đó Thiên Thần của Chúa đã đến đánh thức ông dạy để được nuôi dưõng bằng bánh bởi trời. Ông đã nghe lời của Thiên Thần Chúa, chỗi dạy ăn bánh, và ông đã được bồi dưỡng có đủ sức tiếp tục cuộc hành trình đi về núi thánh của Thiên Chúa. Giống như Elia, nhiều lần trong cuộc hành trình đức tin, chúng ta cũng cảm thấy mệt mỏi và yếu đuối vì những cám dỗ và tội lỗi, vì những nặng nợ vất vả trần thế. Chúng ta cần lắng nghe Thánh Thần của Thiên Chúa qua Giáo Hội thức tỉnh chúng ta. Chúng ta cần chỗi dạy để nghe lời Chúa, và được bổ dưỡng bằng của ăn hằng sống là Mình và Máu Thánh Chúa để chúng ta có đủ sức cho cuộc hành trình đức tin. Chính lúc chúng ta thấy mệt mỏi vì phải thức khuya dạy sớm, làm việc nhiều giờ, vì vất vả lo lắng trong cuộc sống, là lúc chúng ta cần thức tỉnh, và chỗi dậy, để tiếp nhận của ăn hằng sống. Của ăn có khả năng nuôi dưỡng sức mạnh và bổ dưỡng tinh thần cho chúng ta trên con đường đi về núi Thánh.
Dấu Có Sự Sống
Thêm vào đó, nguyên việc tin tưởng và tiếp nhận Đức Kitô là Bánh Sự Sống từ trời chưa đủ bảo đảm cho chúng ta có sự sống đời đời trong mình. Tiếp rước Mình và Máu Đức Kitô, chúng ta cần phải trở nên giống như Ngài. Chúng ta cần phải cố gắng sống như lời khuyên dạy của Thánh Phaolô trong bài đọc 2: "Anh em hãy loại ra khỏi anh em tính gay gắt, tức giận, nóng nảy, dức lác, chửi rủa, cùng mọi thứ độc ác... Anh em hảy ăn ở hiền hậu, thương xót và tha thứ cho nhau." Thanh trang tâm hồn chúng ta bằng những nhân đức ấy; rồi biết lắng nghe lời của Thiên Chúa và thường xuyên đến thánh đường tiếp nhận Mình và Máu Chúa Kitô cách sốt sắng là chúng ta có sự sống trường sinh trong mình ngay từ bây giờ. Sự sống đó chúng ta có thể cảm nghiệm được và những người chung quanh chúng ta cũng có thể nhận thấy nơi chúng ta.
***
Chúa Nhật 19 Thường Niên B
Bài sách Thánh thứ nhất Nhà Tiên tri Elia được thiên thần đưa bánh đến cho ông ăn. An rồi ông lại ngủ tiếp, khiến Thiên Thần lại phải đánh thức dục ông ăn hầu có sức vượt hết đoạn đường gian khó đến núi Horeb. Elia đã mang một thái độ nào lần khần, bất cần trước của ăn Thiên Chúa cho.
Bài Phúc Âm Chúa Kitô cũng ban bánh cho dân chúng ăn, và nhiều người cũng có những thái độ tương tự. khiến Chúa phải nói mạnh :"Ta là bánh ban sự sống, cha ông các ngươi ăn manna rồi chết, nhưng ai ăn bánh này sẽ sống đời đời".
Một hôm tôi đến quán cơm xã hội của Dòng Phanxicô tại trung tâm thành phố Boston để quan sát những sinh hoạt của trung tâm này. Tôi thấy người nghèo xếp hàng cả giờ trước bữa ăn để chờ lãnh phần cơm xã hội. Tôi nghĩ họ đói nên của ăn này sẽ làm họ hài lòng. Bữa ăn hôm đó thật ngon lành : Một cặp bánh tây dòn, vài khoanh thịt nguội, dưa leo chua, một "cup" khoai tây nhuyễn, một ly cà phê hoặc nước ngọt. Nhưng khi lãnh ra, ai nấy an vị một chỗ. Có người chỉ ăn bột khoai, có người chỉ ăn bánh tây, có người cho thịt người khác. Có người ăn cách thích thú, có người vừa ăn vừa bỉu môi, có người đem đổ cả vô thùng rác, nhưng đa số họ ăn hết. Có người làm dấu thánh giá trước khi ăn nhưng đa số không làm dấu tạ ơn gì cả.
Bài Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu cũng phải than phiền với những người đã được Ngài cho ăn no nê suốt mấy ngày qua, nhưng hôm nay họ tỏ ra nhiều thái độ không khác gì những thai độ nơi quán cơm xã hội. Chẳng những họ không biết cám ơn Chúa đã làm phép khiến bánh hoá nhiều cho họ ăn mà còn chế "ông này con người nghèo mà dám xưng mình. ..".
Nhìn lại thái độ chúng ta trước của ăn hàng ngày Chúa đã ban : mọi sự quá dư dật khiến chê đủ thứ : đồ ăn dở, thịt cá không ngon, rau sâu rau thối, đồ cũ đồ ươn... Có người cũng đổ vô thùng rác những đồ ăn họ không thích giữa lúc bao người đói khổ trên thế giới không đủ miếng ăn.
Tôi có ý nói đến thái độ của chúng ta đối với phần thưởng Chúa ban hàng ngày nuôi thân xác "ăn chơi lối mỹ" và thái độ của chúng ta khi lãnh nhận của ăn thiêng liêng lả Mình và Máu châu báu Chúa Giêsu trong Thánh lễ. Có người lên rước Chúa thay vì chắp tay trước ngực thì tay chắp sau mông, có người xỏ tay túi quần, chân bước nghênh ngang như người chiến thắng trước kẻ chiến bại. Có người vừa đi vừa nhún nhảy cho hợp thời trang, có người khoanh tay, chắp tay tỏ thái độ cung kính. Có người lãnh nhận như ăn một miếng bánh ngọt, nhưng cũng có người lãnh nhận cách kính cẩn với niềm tin sâu xa. Có người về chỗ là tiếp tục câu chuyện trước đó bị dán đoạn, nhưng cũng có người biết dùng phút thinh lặng tâm hồn để cám ơn Chúa, để cầu nguyện, thưa chuyện với vị thượng khách đến với lòng mình..... Tóm lại, có nhiều cách đối xử với nhân loại nhưng con ngưồi cần dối xử với nhau bằng tình thân ái và yêu thương. Bằng chính thái độ vủa Chúa Kitô trong phép Thánh Thế (8/2003)..
Lm. Thu Băng, CMC
***
Chúa Nhật 19 Thường Niên B
Kính thưa …
Vào tháng 12/2003 tới đây, tại Việt Nam chúng ta sẽ diễn ra kỳ Đại Hội thể thao lớn nhất của khu vực Đông Nam Á, Sea Games lần thứ 22. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam đứng ra tổ chức cuộc Đại Hội này, vì thế, mọi người đều nao nức chờ đến ngày khai mạc Đại Hội vì đây không chỉ là ngày hội thể thao lớn của khu vực Đông Nam Á, mà còn là cơ hội để giới thiệu đất nước Việt Nam với bạn bè khắp các nơi trên thế giới. Mặt khác, để có được các thành tích tốt nhất, xứng đáng là nước chủ nhà, ban tổ chức đã không ngại tốn kém, sẵn sàng mời các huấn luyện viên ngoại quốc đến để huấn luyện, tổ chức cho các vận động viên tập huấn về chuyên môn ở trong nước và cả ở nước ngoài.
Tuy nhiên, để thu được một kết quả tốt nhất trong thi đấu, một vấn đề khác cũng đang được đề cập tới đó là việc ăn uống của các vận động viên. Bởi vì, theo nhiều nghiên cứu, để các vận động viên có đủ sức trong các cuộc tranh tài đỉnh cao, ngoài vấn đề chuyên môn, các vận động viên còn cần có một chế độ dinh dưỡng thích hợp,.
Điều này khiến tôi liên tưởng đến đời sống của mỗi người kitô hữu chúng ta. Bởi vì, đối với chúng ta, cuộc sống trần gian này, cũng chính là một trận thi đấu, một trận thi đấu không chỉ là một hay hai tiếng đồng hồ, nhưng kéo dài suốt cả cuộc đời (x Rm 8,18; 2 Tm 4,7-8). Do đó, chúng ta cũng cần có một thứ lương thực giúp chúng ta đủ sức thi đấu đến cuối trận để mang về triều thiên vinh quang. Thứ lương thực đó, không gì khác hơn là Thánh Thể như lời Đức Kitô: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là Thịt Ta, để cho thế gian được sống”. Để thấy rõ điều này, chúng ta cùng đọc lại các bài lời Chúa hôm nay.
1. Lương thực đi đường:
Trước hết, bài sách Các Vua kể lại cuộc hành trình đến núi Horeb của ngôn sứ Êlia, hay đúng hơn, đây là một cuộc trốn chạy của vị ngôn sứ trước sự truy sát của hoàng hậu Giêdaben. Cuộc trốn chạy này là kết quả của việc trước đó, tại núi Carmen, vị ngôn sứ đã cùng với dân chúng đã hạ sát 450 vị tư tế của thần Baal do hoàng hậu đỡ đầu.
Cuộc đời của ngôn sứ Êlia vinh quang, thành công cũng không thiếu, nhưng khốn khó cũng chẳng vừa. Ông đã từng hân hoan, vui mừng khi thấy Thiên Chúa nhận lời cầu nguyện của ông mà đóng cửa trời 3 năm 6 tháng (x. 1 V 17,1); hoặc khi Thiên Chúa cho đứa con trai duy nhất của bà goá thành Sareptha sống lại, sau khi ông đã cầu nguyện (1 V 17,17-24).
Nhưng ông cũng đã biết thế nào là nỗi ê chề của sự thất bại; sự cay đắng của những hiểu lầm; ông cũng đã từng phải đối mặt với đêm tối của đức tin khi thấy người công chính bị những kẻ sống vô luân bách hại. Ông cũng đã có kinh nghiệm về nỗi cô đơn khi phải một mình chống lại sự dữ. Và hôm nay, vị ngôn sứ còn phải đối mặt với cái đói, cái khát và cả sự sợ hãi trong lúc trốn chạy khỏi kẻ thù.
Do đó, trong thân phận con người, ông cũng có lúc như quẫn trí, tuyệt vọng vì không thể hiểu được chương trình của Thiên Chúa. Ông tuyệt vọng đến nỗi trong lần chạy trốn này, ông đã cầu xin cùng Thiên Chúa cho được chết mà rằng: “Lạy Chúa đủ rồi, xin cất mạng sống tôi đi”. Ông cảm thấy không còn đủ sức để sống trung thành với Thiên Chúa, không còn đủ sức để chiến đấu chống lại sự dữ. Thế nhưng, ngay lúc ông ngã lòng nhất, Thiên Chúa vẫn ở bên cạnh để nâng đỡ ông. Ngài đã ban lương thực để ông bồi dưỡng, và giúp ông đủ sức hoàn tất cuộc hành trình của mình: “Hãy chỗi dậy mà ăn: vì đường ngươi đi còn xa”. Ông liền chỗi dậy ăn uống và nhờ sức của nuôi ấy, ông đi bốn muơi ngày, bốn mươi đêm, mới tới Horeb, núi của Thiên Chúa”.
Lương thực mà ngôn sứ Êlia đã lãnh nhận là một hình ảnh cụ thể báo trước một thứ lương thực mà Đức Giêsu sẽ ban sau này, đó chính là Thịt và Máu của Ngài. Nhờ sức mạnh của Thánh Thể, từng người chúng ta sẽ đủ sức vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc lữ hành trần thế, như lời Ngài phán: “Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Đây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi phải chết”.
Như thế, Thánh Thể không phải là thứ lương thực mà chúng ta muốn lãnh nhận hay không cũng được, nhưng là lương thực cần thiết, không thể thiếu cho bất cứ một kitô hữu nào muốn đi đến tận cùng hành trình đức tin của mình. Mặt khác, khi trao ban cho chúng ta Thánh Thể và mặc khải cho chúng ta biết về giá trị tuyệt vời của nguồn lương thực Thần Linh này, Đức Giêsu cũng đã thực sự đối xử với chúng ta như người bạn hữu thân tình, như chúng ta vừa nghe trong câu xướng trước Tin Mừng: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”.
Tuy nhiên, cũng như những thức ăn khác, để có thể lãnh nhận được tối đa những ơn ích do bí tích Thánh Thể đem lại, chúng ta cũng cần lưu ý đến một số điều sau.
2. Điều kiện lãnh nhận Thánh Thể:
Trước hết, việc lãnh nhận Thánh Thể của chúng ta phải là kết quả của cả một tấm lòng yêu mến đến độ muốn được kết hợp nên một với Đức Kitô. Chúng ta đến với Ngài không vì lời khen, tiếng chê của những người chung quanh, nhưng với cả tấm lòng thành của mình. Mặt khác, tình yêu của chúng ta đối với Đức Kitô không chỉ là một lời nói trên môi miệng bây giờ, trong ngôi Thánh Đường này, nhưng còn phải được thể hiện qua cách chúng ta đối xử với tha nhân ngay trong cuộc sống thường ngày, như lời Đức Kitô trong dụ ngôn phán xét ngày Chung thẩm: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong các anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Chính vì thế, thánh Phaolô trong bài đọc hai mời gọi chúng ta: “Anh em hãy loại ra khỏi anh em mọi thứ gay gắt, tức giận, nóng nảy, dứt lác, chửi rủa, cùng mọi thứ độc ác. Anh em hãy ăn ở hiền hậu với nhau, hãy thương xót và tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô”.
Như thế, mặc dù là lương thực Thần Linh, và rất cần thiết cho sự sống đời đời của chúng ta, thế nhưng, mỗi lần lãnh nhận Thánh Thể, từng người chúng ta cũng cần chuẩn bị tâm hồn thật chu đáo để đón nhận cho xứng đáng. Nếu không, thay vì nhận được sự sống, chúng ta lại lãnh lấy án phạt, như lời thánh Phaolô nhắc bảo các tín hữu thành Corinhthô: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt vào mình” (1 Cr 11, 27-29).
Chớ gì bắt đầu từ hôm nay, tất cả và từng người chúng ta mỗi khi trót sa ngã vì yếu đuối lỡ lầm, đều luôn mau mắn khiêm tốn đến giao hoà với Chúa qua toà Cáo giải. Đồng thời, chúng ta cũng luôn sống hiền lành, biết thương xót, sẵn sàng chia sẻ, và tha thứ cho nhau. Và nhất là tất cả chúng ta sẽ cùng nhau đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày, nhờ đó, tất cả mọi người trong từng gia đình và cả cộng đoàn giáo xứ chúng ta sẽ đủ sức để vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, để hoàn tất cuộc lữ hành trần thế của mình. Sống được như vậy, vào ngày sau hết, tất cả chúng ta chắc chắn sẽ được lãnh nhận triều thiên vinh quang bất diệt là sự sống đời đời như lời Đức Giêsu đã hứa. Amen.
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
***
1. Tiền kiến sai lầm về những thực tại siêu việt (do hiểu Kinh Thánh theo nghĩa vật chất)
Chúng ta hiện nay biết Đức Giêsu là một con người siêu việt, là thần thánh, vì Ngài là Con Thiên Chúa, cũng là Thiên Chúa. Nhưng những người Do-thái xưa lại thấy Đức Giêsu là một con người rất tầm thường, vì Ngài xuất thân từ gia đình nghèo khó, lại kém học thức… “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống?”“ Đối với họ, và cả chúng ta nếu ở vào trường hợp của họ, thật khó mà chấp nhận Ngài là một ngôn sứ, nói gì đến chuyện chấp nhận Ngài là Con Thiên Chúa. Lý do khiến họ không chấp nhận không phải là phi lý. Theo lẽ thường, họ không chấp nhận thì hữu lý hơn là chấp nhận. Họ hiểu Thánh Kinh hoàn toàn theo nghĩa đen: một người từ trời xuống có nghĩa là một người thật sự “từ trời xuống” hiểu theo nghĩa vật chất, chứ không phải là một người sinh ra từ bụng mẹ. Họ hiểu “trời” theo nghĩa vật chất là bầu trời, không trung. Chính vì thế, họ không hiểu được chân lý thâm sâu trong câu nói ấy của Đức Giêsu. Họ không ngờ được con người từ trời xuống lại chẳng có vẻ “từ trời xuống” (theo nghĩa vật chất) một chút nào.
Những câu nói lên những chân lý quan trọng trong Thánh Kinh đều cần phải hiểu theo nghĩa tâm linh hơn theo nghĩa vật chất. Trong lịch sử, Giáo Hội Công giáo đã bị “hố” nhiều lần vì hiểu Kinh Thánh theo nghĩa vật chất, để rồi về sau phải chỉnh lại cách hiểu của mình theo nghĩa tâm linh. Chẳng hạn việc hiểu trình tự sáng tạo vũ trụ và con người trong sách Sáng thế ký, việc hiểu câu Kinh Thánh Gs 10,12 đến nỗi đi đến việc kết án Côpécnic và Galilê…
Trong bài Tin Mừng hôm nay, ta lại gặp nhiều lần từ ngữ “từ trời xuống”: có từ được áp dụng vào Đức Giêsu, có từ được áp dụng vào bánh trường sinh. Nếu trong áp dụng trước người ta hiểu theo nghĩa vật chất thì bị sai lầm, ắt trong áp dụng sau việc hiểu theo nghĩa vật chất cũng rất có thể dẫn đến sai lầm. Điều quan trọng là chúng ta phải dựa vào sự kiện, vào thực nghiệm tâm linh trong thực tế đời sống, để biết hiểu theo cách nào là đúng. Chẳng hạn hai câu: “Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết”. Chữ “chết” trong câu trước - ứng với việc ăn manna - buộc phải hiểu theo nghĩa vật chất, nghĩa là chết về thể xác. Còn chữ “chết” trong câu sau - ứng với việc ăn “bánh từ trời xuống” - buộc phải hiểu theo nghĩa tâm linh, vì không có ý nói đến cái chết thể chất, bởi chưa ai ở trần gian này thoát chết về thể chất cả, kể cả Đức Giêsu.
Tương tự, những câu trong bài Tin Mừng hôm nay như: “Tôi là bánh trường sinh”, “ai ăn thì khỏi phải chết”, “bánh hằng sống từ trời xuống”, “ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”, “bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây”, sẽ thật là ngộ nghĩnh và phi lý nếu hiểu theo nghĩa vật chất, nhưng sẽ trở nên hữu lý và đúng với thực nghiệm tâm linh khi hiểu theo nghĩa tâm linh. Những câu này chính là những chân lý quan trọng trong Kitô giáo mà mọi Kitô hữu cần áp dụng trong đời sống tâm linh để đời sống nội tâm được nuôi dưỡng và phát triển mạnh mẽ.
2. Đức Giêsu là “bánh hằng sống từ trời xuống”
a) Cần phải hiểu câu này theo nghĩa tâm linh
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tuyên bố: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”. Chắc chắn, đối với chúng ta, những người Kitô hữu, lời Ngài nói ắt phải là chân lý. Và đây là một chân lý quan trọng đem lại sự sống và phát triển tâm linh cho chúng ta. Vì thế, chúng ta phải triệt để áp dụng chân lý này vào đời sống. Chắc hẳn không ai trong chúng ta hiểu câu nói này theo kiểu các yêu tinh trong truyện Tôn Ngộ Không hiểu về thịt của Đường Tăng Tam Tạng. Chúng quyết tâm bắt cho được Đường Tăng để ăn thịt, với niềm tin tưởng rằng ăn thịt ông thì sẽ được sống lâu, thậm chí sẽ không chết. Tôi nghĩ: giả như có ai giết Đức Giêsu để ăn thịt Ngài (theo kiểu các yêu tinh ăn thịt Đường Tăng) thì người ấy vẫn chết như thường, và về mặt tâm linh thì cũng chẳng được ích lợi gì. Vì câu nói “thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” của Đức Giêsu không thể hiểu theo nghĩa vật chất. “Thịt” và “máu” ở đây không phải là thịt và máu huyết vật chất, “của ăn” “của uống” ở đây cũng không phải là của ăn và của uống vật chất. Tất cả những từ trên đều phải hiểu theo nghĩa tâm linh. Và nếu hiểu theo nghĩa tâm linh, thì Đức Giêsu chính là lương thực đem lại sự sống và sự phát triển tâm linh thật sự.
Hiện nay, không ai có thể gặp hay tiếp xúc với Đức Giêsu bằng xương bằng thịt như các tông đồ ngày xưa cả. Nhưng Đức Giêsu vẫn luôn hiện diện thật sự trong tâm hồn ta (x. Ga 14:17.20.23.26). Sự hiện diện của Ngài hiện nay không phải là một sự hiện diện tại thế, mang tính vật chất, mà là sự hiện diện mang tính tâm linh. Điều ấy người Kitô hữu nào cũng biết và cũng tin như thế. Vấn đề còn lại mang tính thực hành là: làm sao để Ngài thật sự nuôi dưỡng và phát triển đời sống tâm linh của ta?
b) “Ăn thịt” và “uống máu” Đức Giêsu thế nào?
Trước hết phải hiểu đúng các từ “ăn” “uống”, “thịt”“máu” theo nghĩa tâm linh là gì. Ăn và uống vật gì là được nuôi dưỡng, được trở nên mạnh mẽ bởi chính vật ấy. Thịt và máu một người nói lên chính bản thân hay bản chất người ấy. Ăn thịt và uống máu Đức Giêsu hiểu theo nghĩa tâm linh là được bổ dưỡng, được trở nên mạnh mẽ bởi chính bản chất Đức Giêsu. Bản chất của Đức Giêsu là gì? Hiểu và thường xuyên ý thức bản chất của Đức Giêsu là gì là điều cốt yếu và hết sức quan trọng để có thể “ăn” “uống” Ngài. Trước tiên, Ngài chính là Thiên Chúa, là thần linh. Ngoài ra, Ngài còn là nguồn sống, nguồn tình yêu, nguồn sức mạnh, nguồn trí tuệ, nguồn của tất cả mọi sự thiện hảo trên trời dưới đất. “Ăn” và “uống” Ngài chính là làm cho bản chất của Ngài thấm nhập vào bản chất của ta, làm cho ta càng ngày càng trở nên Ngài, nói cụ thể hơn là giống y như Ngài, trở nên một với Ngài. Nghĩa là ta cũng trở nên thần linh, trở nên nguồn sự sống, nguồn tình yêu, nguồn sức mạnh, nguồn trí tuệ, nguồn của tất cả mọi sự thiện hảo. Để rồi cuối cùng trở nên đúng như Ngài đã mô tả: “Ai uống nước tôi cho ( “nước” ở đây chính là bản thân Ngài) sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14). Lúc đó ta sẽ không còn khao khát một thứ gì nữa, nghĩa là được thỏa mãn mọi bề, được tràn đầy hạnh phúc, vì Ngài đã là tất cả rồi. Và mọi người sẽ thấy ở nơi ta một nguồn mạch tràn đầy sức sống, tình thương, khôn ngoan, can đảm, nghị lực… luôn luôn “vọt lên”. Nhờ đó, chẳng những chính bản thân ta tràn đầy hạnh phúc, mà ta còn làm cho tất cả những người chung quanh ta hạnh phúc bằng sự dấn thân phục vụ không mệt mỏi của ta nữa.
Tôi muốn nhắc lại điều quan trọng này là: muốn cho bản chất của Ngài thấm nhập vào bản chất của ta, tức là ta “ăn” Ngài, thì không cách gì hữu hiệu hơn là thường xuyên ý thức về bản chất của Ngài và sự hiện diện thường hằng của bản chất ấy trong bản thân ta. Ý thức thường xuyên ấy là điều kiện tối cần thiết để bản chất của Ngài dần dần thấm sang bản chất của ta. Tương tự như hai bình liền nhau, cách nhau bởi một vách xốp: nước trong bình này từ từ thấm và chảy sang bình kia. Ý thức thường xuyên ấy làm cho vách ấy trở nên xốp để nước có thể thấm và chảy qua.
Đó là cách tôi hiểu đoạn Tin Mừng trên. Tôi hoàn toàn không bài bác những cách hiểu khác. Nhưng quả thật đời sống tâm linh tôi chỉ thật sự thay đổi và khởi sắc lên từ khi tôi hiểu và áp dụng bài Tin Mừng hôm nay theo cách này. Đó là thực nghiệm tâm linh của tôi mà tôi muốn chia sẻ với mọi người, để ai muốn thì cứ thử hiểu theo cách này xem. Tôi tin tưởng và hy vọng người ấy sẽ được biến đổi.
CẦu nguyỆn
Lạy Cha, Đức Giêsu đang hiện diện trong con chính là nguồn sống, nguồn tình yêu, nguồn trí tuệ, nguồn thiện hảo… vô biên của toàn thể vũ trụ. Nguồn ấy đang hiện diện trong con với tất cả năng lực của một nguồn lực vô tận. Năng lực đa dạng trong nguồn ấy sẵn sàng tràn sang bản thân con với điều kiện con ý thức được bản chất và sự hiện diện của nguồn ấy trong con. Xin cho con thường xuyên ý thức được như vậy, để càng ngày con càng trở nên giống như Ngài, cũng là giống như Cha.
JKN
***
Chúa Nhật 19 Thường Niên, B
Những câu nói như quen quá hoá nhàm, hay gần chùa gọi bụt bằng anh đều có nghĩa tương tự như nhau. Phúc âm tuần trước ghi lại đám đông dân chúng đi theo Chúa sang bên kia biển hồ Ga-li-lê-a. Họ nhắc lại chuyện tổ tiên họ đã ăn man-na trong sa mạc do Môi-sê ban phát. Chúa Giê-su bảo họ bánh mà Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống đời đời (Ga 6:33), họ liền xin cho được bánh đó. Tuy nhiên khi Chúa Giê-su phán tại Ca-phác-na-um, chính Người là bánh bởi trời xuống (Ga 6:41) thì họ tẩy chay Người. Họ cho rằng họ biết tất cả về gia cảnh, thân thế và sự nghiệp của Chúa. Theo họ thì Chúa Giê-su chỉ là con ông thợ mộc Giu-se và bà Maria nội trợ, sống giữa họ, ẩn dật 30 năm nơi phố nhỏ tầm thường tại Na-gia-rét. Như vậy thì làm sao Người có thể nói Ta bởi trời mà xuống (Ga 6:42).
Để họ có thể chấp nhận lời giảng dạy của Người về bánh hàng sống trong Phúc âm hôm nay, khác với bánh man-na mà cha ông họ đã ăn trong sa mạc, Chúa Giê-su muốn họ tin Người là Đấng từ trời xuống trước đã, nghĩa là họ phải tin Người là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên đối với họ, việc tin Người là con Thiên Chúa đặt ra một vấn đề gai góc cho họ. Từ trước đến nay người Ga-li-lê-a và người Do thái nói chung chỉ thờ một Thiên Chúa. Tôn giáo của họ là tôn giáo độc thần. Vì thế khi Chúa Giê-su khẳng định người từ trời xuống, và là con Thiên Chúa thì lại đưa vào đầu óc họ ý tưởng đa thần, nghĩa là có hơn hai thần, hơn hai thiên chúa. Như vậy làm sao họ có thể chấp nhận hai chúa được.
Mặc dù họ đã phải nghe biết về phép lạ Chúa làm khi biến nước thành rượu tại tiệc cưới Ca-na và phép lạ Chúa chữa con của viên sĩ quan cận vệ nhà vua cũng ở Ca-na miền Ga-li-lê-a, vì họ cũng là người Ga-li-lê-a. Và chính họ đã ăn bánh do phép lạ Chúa làm ở bờ biển hồ Ga-li-lê-a khi họ đói. Thấy dấu lạ họ bảo nhau ông này phải là vị ngôn sứ Chúa sai đến. Họ nói như vậy vì họ phải biết các ngôn sứ trong Cựu Ước cũng làm được phép lạ. Còn việc ông này nói từ trời xuống thì họ để hậu xét.
Tuy nhiên Chúa vẫn giữ lập trường giảng dạy người từ trời xuống, người là con Thiên Chúa, ai được Chúa Cha lôi kéo đến cùng người thì người sẽ cho sống lại ngày sau hết (Ga 6:44), ai tin vào người thì có sự sống đời đời (Ga 6:47). Nói như vậy là Chúa Giê-su coi mình là ngang hàng với Thiên Chúa. Đối với người không tin, thì đó là lời nói phạm thượng đến Thiên Chúa. Nhưng làm sao giải thích được việc người phạm tội phạm thượng có thể làm phép lạ như Chúa Giê-su. Những người không tin, như những người trong Phúc âm hôm nay có thể trả lời : hoặc họ không hiểu, hay phép lạ là do sản phẩm của môn đệ Chúa tạo ra. Cuối Phúc âm hôm nay Chúa vẫn giảng dạy: Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời. Và bánh ta sẽ ban, chính là thịt ta, để cho thế gian được sống (Ga 6: 51)
Vậy để có thể tin người ta phải giữ tâm hồn rộng mở trước những mạc khải và quyền lực siêu nhiên. Hôm nay mỗi người cần nhắc cho mình cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho ta được ơn nhận lãnh đức tin. Ta cần cảm tạ Thiên Chúa cho cha mẹ đã gieo vãi hạt giống đức tin vào tâm hồn ta khi đưa ta đến giếng nước rửa tội. Ta cần cảm tạ Thiên Cbúa cho cha mẹ đỡ đầu và tất cả những người đã nuôi dưỡng và nâng đỡ đức tin của ta từ nhỏ để hôm nay ta có thể bày tỏ đức tin vào Chúa, vào lời Chúa, vào bánh hàng sống, là Mình Thánh Chúa, của ăn thiêng liêng nuôi sống tâm hồn.
Lm. Trần Bình Trọng, USA
***
Chúa Nhật 19 Thường Niên B
Cái thường tình và thực tế nhất của cuộc đời vẫn là cái ăn, cái uống, vì vậy từ ngàn xưa nhu cầu cơm, nước và lương thực luôn là những vấn đề nóng bỏng, nổi cộm trong xã hội loài người: ngay trong Kinh Thánh, đề tài Bánh, của Ăn là đề tài khá phổ biến. Thiên Chúa đã ban Manna cho dân trong sa mạc để dân Do Thái có đủ sức mà tiến về đất Chúa hứa. Êlia được bổ sức bằng bánh lúa mạch để ông có sức mà lên núi Horép. Ma quỉ đã từng xúi giục Chúa, cám dỗ Chúa làm cho đá biến thành bánh khi cái đói đang xâm lấn những ngày Chúa ở trong hoang địa kết hiệp với Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần nói, giới thiệu với dân Do Thái về bánh trường sinh là chính thịt máu của Người. Tuy nhiên, để hướng dẫn, để lý giải cho dân biết về “ Bánh Từ Trời” là Mình và Máu Chúa, Ngài đã làm phép lạ cho bánh và cá hóa nên nhiều để nuôi nhiều ngàn người ăn. Chúa đã đưa dân từ cái đói thể xác đến sự khao khát Bánh Vĩnh Cửu, Bánh Trường Sinh, để rồi chính dân sẽ thốt lên lời van xin:” xin ban cho chúng tôi thứ bánh đó”, Ngài đã giới thiệu:” Tôi là bánh trường sinh ”( Ga 6, 48)
CHÚA XÁC NHẬN NGÀI LÀ BÁNH HẰNG SỐNG:
Suốt lịch sử cứu độ, ngay từ thời Cựu Ước những trang đầu Sách Khởi Nguyên đã cho nhân loại thấy vì con người sa ngã, phạm tội, phản nghịch cùng Thiên Chúa: con người phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có miếng cơm manh áo...Kinh Thánh còn chỉ ra rằng đất khô cằn, cây cỏ mọc lên, con người phải vất vả, bươn chải mới tìm ra lương thực nuôi thân. Và rồi, Con Thiên Chúa được sai đến thế gian để cứu độ nhân loại: Ngài là Bánh hằng sống vì Ngài là Đấng ban sự sống( Ga 6, 48-50 ). Chúa Giêsu cho nhân loại sự sống từ trời vì Ngài đã từ trời xuống trần gian( Ga 6, 41-42 ). Chúa Giêsu ban cho nhân loại sự sống đời đời vì Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng ban sự sống( Ga 6, 46. 48 ). Chúa Giêsu là Bánh ban sự sống vĩnh cửu vì Ngài dẫn nhân loại đến cùng Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu khi xác nhận điều:” Tôi là bánh trường sinh ”( Ga 6, 48 ), Ngài không có ý phủ nhận của ăn, lương thực trần gian là những thực tại cần thiết đã, đang và còn rất cần thiết cho sự sống con người ở dưới thế. Chúa nói:” Tôi là bánh trường sinh” để nói lên rằng của ăn trần gian này cần thật nhưng vẫn chỉ mang lại cái chết:” Tổ Tiên của người Do Thái đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết ( Ga 6, 49 ). Chúa xác nhận Ngài là bánh bởi trời, bánh trường sinh, ai ăn bánh này thì khỏi phải chết ( Ga 6, 51 ). Lời loan báo, xác nhận của Chúa Giêsu về bánh trường sinh là Thịt và Máu của Ngài nói lên một sự thật quan trọng và là trung tâm đức tin của người Kitô hữu:” con người không những là phải tin nhận mà còn phải ăn thịt và uống máu của Chúa để có sự sống đời đời" ( Ga 6, 54 ).
CHÚA MỜI GỌI CON NGƯỜI ĂN THỊT VÀ UỐNG MÁU CỦA NGƯỜI:
Khi Chúa Giêsu nói lên điều đó, Ngài không có ý nói: con người chỉ nôm na đi lễ, dự dễ và chịu lễ thế là đủ. Tiệc Thánh Thể là Bí Tích tình yêu, Bí Tích của lòng tin. Thế nên, một nơi khác chính Chúa đã tự giới thiệu:” Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”( Ga 14, 6 ) và ai tin vào Ngài sẽ có sự sống đời đời... Bánh cũng có nghĩa là Lời của Chúa và ăn là lắng nghe Lời Chúa. Tin và lắng nghe Lời Chúa, đem Lời Chúa ra thực hành trong đời sống bằng những nghĩa cử bác ái, quảng đại, độ lượng, hy sinh, người Kitô hữu sẽ nắm phần vinh quang với Chúa, nghĩa là đạt được nước trời. Thánh Lễ hằng ngày nhân loại tham dự luôn gồm hai phần, phần Lời Chúa và phần Thánh Thể. Lời của Chúa cũng như Bánh và Rượu cần phải được chia sẻ như Thịt và Máu của Chúa. Bánh cũng có nghĩa là cả cuộc đời của Chúa Giêsu. Chịu lấy Bánh trường sinh là đi trọn con đường tình yêu của Chúa, con đường đức tin, con đường thập giá để đạt tới vinh quang nước trời. Đi con đường của Chúa là nhận lấy sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho tha nhân, cho muôn người như lời Chúa nói:”...Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”( Mt 28, 19 ). Trong cuộc hành trình đức tin, sống trọn kiếp người, dân Chúa không chỉ có lương thực hằng ngày như manna, như bánh lúa mạch mà dân Do Thái và ngôn sứ Elia đã ăn để có sức tiến vào hứa địa và lên núi của Chúa, nhưng dân Chúa còn cần tới chính Chúa Giêsu, Đấng dẫn đưa dân Chúa vào quan hệ thân mật với Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu đã nói với Sa tan:” người ta sống không nguyên nhờ bánh mà còn bởi Lời do miệng Thiên Chúa phát ra”. Nếu chỉ sống bằng bánh, con người muôn thuở đã không tránh khỏi cám dỗ như ma quỉ tưởng Chúa Giêsu đang đói nên Ngài có thể quên đi bản tính Thiên Chúa của mình mà nghe lời chúng xúi giục, làm theo lời của chúng. Chúa và Giáo Hội mời gọi con người vươn cao hơn để tham dự vào đời sống thần linh của Thiên Chúa và đó là sự sống vĩnh cửu con người đang được mời gọi đạt tới.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con Bánh trường sinh để chúng con không còn đói nữa. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ:
1. Tại sao Chúa Giêsu lại nói:” Tôi là bánh từ trời xuống” ?
2. Tại sao Chúa lại nói:” Ai ăn bánh này sẽ có sự sống đời đời”?
3. Tại sao người Do Thái lại xầm xì khi nghe Chúa nói:” Tôi là bánh từ trời xuống”?
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
***
Chúa Nhật 19 Thường Niên năm B, ngày 13-08-00
Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời
Bài Tin Mừng Chúa Nhật 19 mùa thường niên hôm nay theo Thánh Sử Gioan (6,41-52), mời gọi chúng ta cùng nhau học hiểu và suy niệm những điểm chính sau:
1. Đức tin vượt qua những gì hiểu biết của nhân loại: Những người Do thái đã „kêu trách“ Chúa Giêsu khi Ngài quả quyết: „Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống“. Họ „biết rõ“ tên tuổi, quê quán và nghề nghiệp của cha mẹ Ngài. Họ biết Ngài xuất thân từ một gia đình bình thường, nghèo nàn. Cha mẹ của Ngài sinh sống bằng nghề thợ mộc. Làm sao họ tin được rằng từ miền Nagiarét có thể xuất hiện một ngôn sứ? Làm sao họ hiểu được một con người bình thường mà dám tự xưng mình từ trời đến, lại còn tuyên bố mình là „bánh hằng sống bởi trời mà xuống“. Thật là khó hiểu. Thật là „chói tai“! Một số đã lắc đầu bỏ đi, trong số đó một số môn đệ của Chúa Giêsu.
2. Đức tin là một hồng ân của Chúa Cha: „Không ai đến được với Ta, nếu Cha là Đấng sai Ta, không lôi kéo người ấy“. Thiết nghĩ, „đức tin“ để nhận ra đức Giêsu là Đấng Messia, là Đấng Cứu Thế, không phải là một điều dễ dàng, vì nó vượt trên mọi lý luận của con người. Chính Chúa Giêsu đã quả quyết, hành trình đi đến với Đấng Cứu Thế, là một ân huệ của „Chúa Cha là Đấng sai Ta“. Chúa Cha „lôi kéo“ và „giáo hóa“ con tim con người: „Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta“.
Nói cách khác, Chúa Cha mạc khải „vén màn bí mật“ để tâm trí con người khỏi mê muội, biết nhận ra ánh sáng Chân Lý. Ngài mở lòng cho những tâm hồn đơn sơ bé mọn hiểu biết những bí nhiệm trong lịch sử tạo dựng và cứu độ. Ngài chỉ cho con người một con đường duy nhất: „Chúa Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi“ là „đường ngay nẻo chính“, là „Đạo thật“ để con người thuộc mọi thời đại, mọi nơi, đi về với Thiên Chúa là nguồn gốc sự thật, sự sống và tình yêu.
3. Đức tin ban cho ta sự sống đời đời: „Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời“. Đức tin là một hồng ân nhưng không của Chúa Cha ban cho những tâm hồn đơn sơ bé mọn, biết mở rộng tâm hồn để lắng nghe và biết để cho Chúa Cha „lôi kéo“ và „giáo hóa“. Người tín hữu một khi đã tin nhận Chúa Giêsu là Cứu Chúa của mình, chắc chắn cuộc đời của họ, mọi lời nói việc làm, được xây dựng và đặt nền tảng trên đức tin. Họ suy nghĩ, họ ăn nói, họ hành động theo sự hướng dẫn của Chúa Cha qua Chúa Thánh Linh. Họ luôn đối chiếu cuộc đời của họ với Lời Chúa. Luật của Chúa là đèn sáng, là „kim chỉ nam“ cho cuộc đời.
Cũng như xác cần của ăn nuôi sống và tăng trưởng, tâm hồn người tín hữu, hay nói đúng hơn, cuộc sống siêu nhiên nội tâm cần phải được nuôi sống và làm cho lớn lên nhờ của ăn Lời Hằng Sống và Bánh Hằng Sống. Ngay ở cuộc đời này, tín hữu được đón nhận Chúa Giêsu là bánh ban sự sống: „Ta là Bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này sẽ sống đời đời“. Ngay ở cuộc sống tại thế, tín hữu được nếm trước của ăn trường sinh làm cho „xác đất vật hèn“ của họ không thể hư nát. Họ được trở thành „Nhà Tạm“ nơi Thiên Chúa ngự trị. Họ được chiêm ngưỡng Chúa Cha, qua Chúa Giêsu: „ Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Đấng bởi Thiên Chúa mà ra“. Quả là „thiên đàng“ tại thế cho tín hữu.
Xin cúi đầu cảm tạ hồng ân lớn lao đức tin con đã lãnh nhận. Xin cho mỗi tín hữu chúng con, trong những ngày Hè trong Năm Toàn Xá 2000, biết nuôi sống mình mỗi ngày bằng Lời Chúa và bằng Bánh Hằng Sống.
Lm. Stêphanô Bùi Thượng Lưu
***

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...