19/12/2020
1036
LỄ GIÁNG SINH ĐÃ GẦN KỀ
CUNG LÒNG VÀ GIA ĐÌNH TÔI ĐÃ SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA CHƯA?
"Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ"

Từ TP về đến các thôn làng, có biết bao gian hàng đang bày bán hang đá, các con đường xóm đạo với đèn điện Noel sáng rực và nhấp nháy vui mắt; Nhiều nhà Thờ cũng đã sẵn sàng chuẩn bị cho mùa đại lễ; nhà nhà cũng đã thưởng thức nhạc Noel, treo đèn điện, làm hang đá khắp nơi. Nhất là bầu khí se lạnh đã về lại càng làm không khí đón mừng lễ rạo rực hơn. Thế nhưng, nếu người công giáo chúng ta quá chú trọng đến việc  làm hang đá, trang trí hoa đèn rực rỡ mà quên mất niềm vui căn bản, đó là chuẩn bị lòng mình và người thân xứng đáng cho Chúa Hài Đồng đến với cung lòng và gia đình mình, thì việc bày biện mô hình hang đá kia còn có ý nghĩa gì?!
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy cộng tác với Chúa để Ngài có thể thực hiện mầu nhiệm Nhập Thể nơi cung lòng mỗi chúng ta, gia đình và thế giới. Mẫu gương Giáo Hội giới thiệu với chúng ta để chúng ta có thể noi theo đó là Đức Trinh nữ Maria
Trước hết, khi nhìn vào lịch sử cứu độ và nếp nghĩ mỗi con người chúng ta hôm nay, nhiều người trong chúng ta thường hay rơi vào cách nghĩ của vua Đavít hôm nào. Đó là con người vô tình bó buộc Thiên Chúa ở một nơi lầu son gác tía. Nếu xây lâu đài là ý định của con người, thì đối với Chúa lại khác. Qua ngôn sứ Nathan, Chúa đã mời gọi vua Đavít hay nhân loại hay nhìn lại lịch sử đã qua, để thấy Chúa luôn hiện diện giữa thăng trầm của đời ông cũng như trong lịch sử dân tộc.
Dân Chúa sẽ trải nghiệm cách sống động hơn khi họ phải chịu cảnh lưu đày, tha phương. Các tiên tri sẽ giúp họ cảm nghiệm sâu sắc hơn về chân lý này.
Hôm nay, khi ngẫm lại lời của ngôn sứ Nathan với vua Đavít: "Đức Chúa ở với ngài!". Lời khẳng định và là lời chúc phúc ấy cũng là lời Sứ thần Gabrien nói với Trinh nữ Maria"Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ". Sứ thần Gabrien đã giải thích điều đó: "Này đây Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Vâng, từ nay Thiên Chúa không còn ở chốn cao xanh xa vời vợi, nhưng Ngài đã trở thành con người bằng xương bằng thịt để cư ngụ giữa chúng ta. Ơn cao trọng ấy, Mẹ Maria là người đầu tiên được hưởng.
Ơn cao trọng: Thiên Chúa ở cùng trinh nữ hay Bà sẽ thụ thai, sinh hạ Đấng Messia ấy là vì Mẹ là đấng đầy ơn phúc. Theo nguyên nghĩa của từ Gratias - đầy ơn phúc có nghĩa là được Thiên Chúa mỉm cười, đầy tình nghĩa với Chúa.
Về phần chúng ta, hôm nay trong phụng vụ, qua môi miệng của linh mục chủ tế, Giáo Hội cũng chào chúc chúng ta bằng lời tương tự: "Chúa ở cùng anh chị em". Giáo Hội xác vào điều đó và các Thánh Tông Đồ còn gọi người tín hữu chúng ta là Kitô hữu – người có Chúa ở cùng (Cv 11,26; Cv 26,28 và 1 Pr 4,16).  Điều đáng nói, chúng ta có thực sự là người có xứng đáng hay đã sẵn sàng đón Chúa Kitô ngự vào mình hay không mà thôi. Nếu Thánh Phêrô gọi người Kitô hữu là “những người đang sống trong Đức Kitô” (x. 1 Pr 5,14) thì thánh Phaolô cũng tương tự, ngài gọi Kitô hữu là “những ai ở trong Đức Kitô” (x. Rm 8:1-2). Còn Mẹ Têrêsa Calcutta lại gọi “Kitô hữu là người trao ban chính bản thân mình”. Có lẽ vì là người đang sống trong tình nghĩa với Chúa trao ban chính bản thân mình – không sống vì mình mà Mẹ Maria quả thật là Đấng đầy ơn phước – đầy Gratias, được Thiên Chúa mỉm cười; đấng đầy tình nghĩa với Chúa.
Hôm nay, khi soi dọi lòng mình, gia đình mình với mẫu gương của Mẹ Maria. Chúng ta hãy suy đi nghĩ lại về tâm tình của mỗi chúng ta khi có những vướng mắc nơi chính bản thân để đón nhận Chúa Giêsu nhập thể trong lòng mỗi chúng ta và gia đình mình? (Vd. Nơi bản thân còn lắm ích kỉ, ương ngạnh; những ý riêng, tật xấu không muốn sửa đổi hay kiêu ngạo khiến gia đình đang như một hang đá với máng cỏ hỗn độn, tanh hôi, tối tăm, …) . Anh chị em hãy trở nên những con người đầy ơn phúc (sống trong Đức Kitô; trao ban chính bản thân mình) để có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi sống nhưng là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Có như vậy, tâm hồn mỗi chúng ta thực sự là máng cỏ thơm tho, ấm êm, bừng sáng cho Chúa ngự; gia đình chúng ta sẽ thực sự là một mái ấm để Chúa Hài Đồng yêu thích lưu lại như trong mái nhà Nazarét thánh xưa. Amen.


NGÔI NHÀ CHO THIÊN CHÚA

Sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa không bỏ rơi con người, nhưng đã hứa ban ơn cứu độ khi phán với con rắn: một người nữ sẽ đạp dập đầu ngươi. Đức Maria chính là người nữ được tiên báo và trở thành một Eva mới, mở ra niềm hy vọng ơn cứu độ cho dân tộc Israel, cũng như cho toàn thể nhân loại.
Qua biến cố truyền tin, Mẹ Maria nhận được một sự can thiệp diệu kỳ của Thiên Chúa: "Thánh Thần sẽ ngự trên Bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà. Vì thế Đấng Bà sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Nếu việc thụ thai Gioan Tẩy Giả đã là một dấu lạ, khi ông được sinh ra bởi cha mẹ đã cao tuổi, thì việc thụ thai Đức Giêsu đòi hỏi một phép lạ lớn hơn nhiều. Ngài được thụ thai bởi một người Trinh Nữ.
Lời thưa xin vâng của Đức Mẹ còn làm ứng nghiệm lời các tiên tri đã loan báo trong cựu ước. Bài đọc thứ nhất, khi vua Đavid đến cư ngụ tại Giêsusalem, ông mong muốn xây một ngôi đền cho Đức Chúa. Ngôn sứ Nathan, coi đó như một ý định tốt lành, nhưng Thiên Chúa lại có một kế hoạch khác. Thay vì Đavid xây nhà cho Thiên Chúa, thì chính Chúa lại xây nhà cho ông. Đavid có ý định xây một đền thờ, một nơi linh thiêng cho Thiên Chúa cư ngụ, thì chính Thiên Chúa lại xây dựng triều đại vững bền cho ông qua lời hứa: "Nhà của Ngươi và triều đại Ngươi sẽ đứng vững mãi mãi trước nhan Ta. Ngôi báu của Ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời".
Chương trình yêu thương của Thiên Chúa cho con người thì vượt xa vô cùng điều con người định làm đối với Thiên Chúa. Con người không thể xây nhà để Thiên Chúa ngự, vì nhà Thiên Chúa ngự luôn là "lều tạm", là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện giữa con người. Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, nơi nào cũng là nhà Ngài, cũng thuộc về Ngài. Ở đây Thiên Chúa muốn nhắc nhở mỗi người rằng, nếu ai có lòng kính mến Chúa thì hãy dọn cho Chúa một ngôi nhà, nhưng không phải là ngôi nhà vật chất, mà là căn nhà tâm hồn của mình. Vì vậy, Thánh Phaolô mời gọi mỗi người hãy là đền thờ sống động để Thiên Chúa ngự trị.
Mẹ Maria chính là ngôi nhà vĩ đại và xứng đáng nhất để Ngôi Hai Thiên Chúa làm người cư ngụ. Vì lẽ đó Mẹ được ca tụng là hòm bia Thiên Chúa. Thiên Chúa chọn cư ngụ trong cung lòng Mẹ Maria không chỉ vì Mẹ có lòng kính sợ và yêu mến Đức Chúa, nhưng còn là vì Mẹ đã dám thưa và sống trọn tiếng xin vâng suốt cả cuộc đời. Mẹ luôn tìm kiếm Thánh ý Chúa, suy niệm và mau mắn đem ra thực hành, dù phải trải qua biết bao nỗi gian truân và khốn cực, để rồi cuối cùng tâm hồn Mẹ tràn ngập niềm vui.
Chiêm ngưỡng mẫu gương của Mẹ Maria hôm nay, chúng ta có thể nhìn ngắm và phản chiếu niềm tin của mỗi người, của từng cá nhân cũng như cả cộng đoàn giáo xứ. Tất cả mọi người với lòng tin, cậy trông và phó thác, cũng sẽ là đền thờ đón Chúa Giêsu là Vua tối cao cư ngụ. Chúa vẫn tha thiết mời gọi mỗi người hãy để cho Chúa được tiếp tục hiện diện trong cuộc đời của mình. Hãy dọn lòng đón vua trời đất đến với nhân loại qua việc chu toàn giới luật tình yêu với Thiên Chúa, luật công bình với anh chị em, và thực thi bác ái với mọi người.
Trong tâm tình những ngày cuối của mùa vọng, Chúa Giêsu mời gọi mỗi người hãy nhìn thẳng vào chính con người của mình và xin Mẹ Maria phù trợ, để biết nói lên lời xin vâng như Mẹ trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta hãy cầu xin chúa ban cho mỗi người biết lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố của cuộc sống, và biết mau mắn thực thi như Mẹ Maria đã xin vâng trong suốt cả cuộc đời.

 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...