08/10/2015
1542

KHÔN NGOAN

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 
Câu chuyện chàng thanh niên giàu tốt lành có một khởi đầu tốt đẹp. Đẹp cho đến nỗi Chúa nhìn và đem lòng yêu thương anh. Nhưng lại có một kết thúc đáng buồn. Anh thanh niên bỏ đi buồn bã vì không thể theo Chúa. Chúa Giêsu cũng buồn vì anh gắn bó với tiền bạc hơn yêu mến Chúa.
Câu chuyện người thanh niên có thể là câu chuyện của mỗi người. Cũng như chàng thanh niên, bình thường ta giữ đạo rất dễ dàng. Sáng đi lễ, chiều đọc kinh, không làm điều gì gian ác, không bất công tham lam của người khác. Nhưng khi gặp mâu thuẫn giữa cuộc sống với việc đạo, phải chọn lựa giữa Thiên Chúa và những giá trị trần gian, nhiều khi ta nao núng và rất nhiều người đã vì những giá trị trần gian mà bỏ Chúa. Có những người khi còn nghèo túng thì giữ đạo rất tốt. Nhưng khi đứng trước những cám dỗ của tiền của thì vì ham mê tiền của mà sống gian dối, đánh mất lương tâm Công giáo. Có những người khi còn nhỏ thì rất ngoan ngoãn đạo đức, nhưng khi đến tuổi trưởng thành thì vì thú vui mà bỏ quên việc đạo. Nhưng nhất là có những người vốn con nhà đạo gốc rất sốt sắng, nhưng khi gặp cám dỗ về chức quyền thì vì một chút danh vọng, đành bỏ Chúa, bỏ đạo.
Theo suy nghĩ của người đời, những ai tìm được tiền của, đạt được danh vọng, nay lên chức mai lên quyền, là những người tài khéo khôn ngoan. Nhưng đó chỉ là khôn ngoan nhất thời kiểu trần gian. Vì cuộc sống trần gian có hạn. Con người ai cũng phải chết. Chết rồi có ai mang theo được của cải, danh vọng, chức quyền vào thế giới bên kia đâu. Thế mà cuộc sống sau cái chết mới là quan trọng, vì là cuộc sống vĩnh cửu không bao giờ phai tàn.
Chúa muốn ta đừng gắn bó với của cải nhưng phải gắn bó với Chúa, không phải vì Chúa muốn con cái phải khổ sở, hèn hạ. Nhưng vì Chúa muốn cho ta chọn con đường khôn ngoan, để đạt tới hạnh phúc đích thực, vĩnh cửu.
Ta đi đạo để chọn Chúa. Vì chọn Chúa ta phải từ bỏ tất cả những gì ngăn cản ta đến với Chúa. Những cản trở có thể là tiền bạc, danh vọng, chức quyền. Những cản trở cũng có thể là một người mà ta gắn bó, một nơi mà ta không thể dứt bỏ. Những cản trở đó cũng có thể là một lòng tự ái, một sự ghen ghét, bất mãn.
Nếu ta biết bỏ tất cả những gì cản trở để đến với Chúa ta sẽ đạt được chính Chúa. Được Chúa là được tất cả. Vì Chúa là hạnh phúc viên mãn. Được Chúa rồi ta sẽ không còn khao khát gì khác nữa.
Vì thế khi thánh Phêrô hỏi Chúa: Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Chúa, chúng con sẽ được gì. Chúa đã trả lời: ai bỏ mọi sự mà theo Chúa, sẽ được gấp trăm và được sự sống vĩnh cửu.
Người khôn ngoan thì phải biết nhìn xa trông rộng. Biết bỏ những mối lợi trước mắt để tìm những giá trị vĩnh cửu.
Như thế yêu mến Chúa là chìa khóa của sự khôn ngoan. Chọn Chúa là chọn giá trị tuyệt đối, vĩnh cửu không gì có thể so sánh được.
Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Vì Chúa chính là hạnh phúc của con. Amen.

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

TỐT LÀNH VÀ NHÂN LÀNH
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB
Chàng thanh nhiên (Mt 19,20) hay một thủ lãnh (Lc 18,18) được nói tới trong giai thoại này chắc hẳn là một người tốt và gương mẫu theo tiêu chuẩn Do Thái, điển hình là từ thuở nhỏ anh đã giữ trọn mọi điều răn. Nếu thế, anh tìm gì khi tới gặp đức Giê-su, điều mà anh gọi là được sự sống đời đời làm gia nghiệp”? Trong thâm tâm có lẽ anh đã ngờ ngợ: tốt thôi là chưa đủ? Anh là người đầu tiên đã chủ động thưa với Đức Giê-su là ‘Thầy nhân lành’. Theo dõi cuộc dối thoại giữa Đức Giê-su và người thanh niên, Ki-tô hữu chúng ta phân biệt được một điều căn bản: tốt-lương thiện và nhân lành là hai điều hoàn toàn khác nhau. ‘Tốt lành’ thuộc lãnh vực con người, lãnh vực Cựu Ước nhờ nắm giữ trọn các điều răn, còn ‘nhân lành’ hoàn toàn thuộc lãnh vực Thiên Chúa. Không ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa”, Đức Giê-su khảng định. Biện phân này giúp ta hiểu được cái mới mẻ, và rất mực độc đáo của Tin Mừng.
Tất cả tùy thuộc vào việc ta hiểu được sự sống đời đời làm gia nghiệp như thế nào: phải chăng là được lên thiên đàng, khỏi phải sa hỏa ngục?
Được sự sống đời đời làm gia nghiệp = được lên Thiên Đàng. Phần nhất trong lời giải đáp của Đức Giê-su có vẻ như tập trung vào quan niệm này. Thiên đàng, nếu được hiểu là phần thưởng dành cho kẻ tốt-lương thiện, thì chỉ cần không phạm tội là đủ được vào. Kẻ xấu sẽ không được vào thiên đàng, ta thường nghĩ thế. Tốt lành thuộc lãnh vực luân lý. Xã hội nào thì cũng phân loại kẻ tốt người xấu, tùy vào tiêu chuẩn xã hội đó đề ra. Trong xã hội Do Thái thời Cựu Ước, kẻ tốt rõ ràng là người tuân giữ căn kẽ các giới răn và lề luật. Hiểu như thế thì vào thời buổi nào và ở nơi đâu cũng có người có thể lên thiên đàng cả. Căn cứ tiên chuẩn này thì chàng thanh niên trong cuộc chắc hẳn sẽ được lên thiên đàng thôi. Hệ luận của lối suy nghĩ này sẽ là: Tin Mừng không nhất thiết là cần, và ơn cứu chuộc của Đức Ki-tô là không thiếu yếu.
Được sự sống đời đời làm gia nghiệp = vào Nước Thiên Chúa. Trong phần hai của câu giải đáp, hình như Đức Giê-su muốn triển khai khái niệm này. Người khảng định: chỉ một mình Thiên Chúa, chứ không ai khác, là ‘nhân lành’. Điều đó có nghĩa là tự mình không một ai, dầu tốt lành tới đâu, có thể vào được Nước ấy. Nhân lành không thuộc lãnh vực tự nhiên, mà là thần linh. Thiên Chúa dĩ nhiên là vô cùng tốt lành; Ngài là chân thiện mỹ. Điều này thì nhờ suy luận triết học con người cũng có thể biết được: Deus bonum est… Đức Giê-su đến trần gian không để nói về sự tốt lành hay thánh thiện của Thiên Chúa. Điều Người muốn mạc khải là Thiên Chúa nhân ái cứu độ. Theo Người, Nước Thiên Chúa trước hết phải là vương quốc của nhân ái. Nói cách khác, sự thánh thiện đạo đức của vương quốc đó chính nhân lành của từ ái xót thương.
Người thanh niên tuy có tốt lành thánh thiện theo tiêu chuẩn Do Thái, nhưng chưa có lòng nhân ái của Tin Mừng. Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo… rồi hãy đến theo tôi”. Hai tiêu chuẩn của nhân lành là: chấp nhận Tin Mừng Đức Ki-tô và sống chan hòa với tha nhân. Không đạt hai chuẩn này nên ‘chàng buồn rầu bỏ đi’. Các môn đệ Đức Giê-su sẽ phải học biết nhân ái Tin Mừng nhờ đi vào con đường thập giá theo Thầy và từ bỏ mọi sự . Như vậy ơn gọi Ki-tô hữu của tôi, và của mọi tín hữu, hệ tại ở sống Tin Mừng bác ái theo Thầy nhân ái, hơn là chỉ lo sống tốt-lương thiện qua việc giữ trọn các điều răn Chúa và Giáo Hội.
Chính tôi sẽ sống, đồng thời dạy giáo dân sống thế nào, để chúng tôi sẽ bảo đảm được sự sống đời đời làm gia nghiệp’? Đó là một câu hỏi mục vụ thật quan trọng!
Lạy Cha là chân thiện mỹ! Hôm này Cha dạy con biết nhân ái là điều còn cao quí hơn chân thiện mỹ cả ngàn lần. Vì phải cần tới Lời - Con Một Cha mạc khải, con mói biết được điều này. Xin cho con biết sống nhân ái như giá trị lớn nhất làm cho con nên giống đức Ki-tô Con Cha, và sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh để trở thành nhân ái như Cha trên trời. Amen 
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB
HẠNH PHÚC QUA VIỆC TRAO BAN
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Có một câu chuyện rất ngắn kể rằng:
Xưa, nội nghèo, Ba đi ở cho ông bá hộ, chăn trâu để chú được đi học. Thành tài, chú cưới vợ, ra riêng.
Ngày hỏi vợ cho thằng Hai, chú mời mấy người cùng cơ quan. Ai cũng com-lê, cà-ra-vát. Chú bảo: Anh Hai hay đau bao tử, ở nhà nghỉ cho khỏe.
Ba ừ, im lặng vác cày ra đồng. Mồ hôi đổ đầy người.
Cũng những giọt mồ hôi ấy, xưa mặn nồng biết chừng nào, mà giờ, sao nghe chát cả bờ môi.
***
Cuộc sống không thiếu những người vong ân bội nghĩa. Họ có tiền. Họ có của nên quên bè bạn, quên anh em. Có khi còn phụ ân tình của cha mẹ, họ hàng. Họ là những người “ăn cháo đá bát”. Cuộc đời của họ chỉ cần tiền. Họ không cần bạn bè, không cần người thân. Đối với họ tiền là “trên hết”.
Giữa cuộc sống hôm nay, ai cũng cần tiền. Không chỉ cần tiền để xài mà còn cần tiền, kiếm tiền để được giầu sang. Người ta đua nhau giầu có hơn người. Người ta tìm mọi cách để kiềm tiền hơn người. Xã hội hôm nay cũng đánh giá nhau dựa trên đồng tiền. Kẻ có tiền được trọng vọng, được xem là kẻ thành công, người quý phái. Kẻ không tiền bỉ rẻ rúng, xem thường. Kẻ có tiền luôn đúng. Người không tiền luôn thiệt thòi.
Người thanh niên trong đoạn tin mừng hôm nay là một người giầu có. Anh có tiền. Anh giầu sang. Anh được mọi người kính trọng. Thế nhưng, anh vẫn cảm thấy trống vắng. Anh vẫn khắc khoải một điều gì đó vượt lên đồng tiền. Đó chính là hạnh phúc. Đồng tiền anh chiếm hữu không mang lại hạnh phúc cho cuộc đời anh. Anh vẫn bất an và đi tìm hạnh phúc. Mặc dù anh đã sống đạo thật tốt. Anh tuân giữ mọi điều răn Chúa. Anh ăn ở ngay lành. Anh đã sống một cuộc đời chỉ mong hoàn thiện. Nhưng xem ra anh vẫn chưa toại nguyện về những gì mình đang có.
Chúa Giê-su hôm nay đã chỉ cho anh con đường đi tìm hạnh phúc. Con đường đó khởi đi từ sự trao ban. Khi trao ban ta tìm được hạnh phúc. Trao ban càng nhiều càng hạnh phúc nhiều. Kẻ chiếm hữu không có hạnh phúc. Vì luôn phải toan tính, luôn phải tranh giành. Kẻ trao ban mới có hạnh phúc. Hạnh phúc là khi nhìn thấy người mình thi ân được hạnh phúc, được ấm no. Tâm hồn người thanh niên chưa thanh thản vì anh vẫn còn cố giữ. Anh chưa dám trao ban. Anh chưa tìm được hạnh phúc đích thực qua sự trao ban.
Chúa Giê-su, Ngài đã sống một cuộc đời trao ban. Ngài trao ban cuộc đời như hạt lúa thối đi để sinh nhiều hoa trái. Ngài trao ban cuộc đời như tấm bánh được bẻ ra cho muôn người được hạnh phúc. Ngài trao ban cả mạng sống mình cho thế gian được sống và sống dồi dào. Ngài đã tìm niềm vui qua việc trao ban. Thế nên, Ngài đã tìm được hạnh phúc khi trở thành chiên gánh tội trần gian. Nhờ Ngài mà muôn người được nên một trong gia đình của Chúa, là con cái, là anh em con một Cha Trên Trời.
Tiếc thay, người thanh niên đã không dám trao ban. Anh tiếp tục lặng lẽ đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc trong tầm tay. Nhưng bàn tay anh chỉ nắm lại mà không bao giờ mở ra. Thế nên, tấm lòng của anh cũng đóng lại trong cô đơn và hoang vắng.
Ước gì cuộc đời chúng ta hãy biết trao ban. Hãy tìm niềm vui trong đời sống phục vụ. Mỗi người chúng ta đều lớn lên trong sự chăm sóc phục vụ của cha mẹ, thầy cô, bè bạn thì cũng hãy cúi mình phục vụ cho nhau. Xin cho bàn tay chúng ta luôn mở ra để nắm lấy đồng loại và cùng dìu nhau qua những thăm trầm cuộc đời. Xin Chúa là Đấng đã phục vụ xin giúp chúng ta cũng biết phục vụ như Ngài. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
 
LẤY CỦA CẢI TẠM THỜI
ĐỔI LẤY KHO TÀNG BỀN VỮNG
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Chàng thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay là người nhìn xa thấy rộng. Tuy có đầy đủ tiền bạc của cải nhưng tâm hồn anh luôn khắc khoải vì có một khao khát chưa được lấp đầy: khao khát được sống đời đời. Vì thế anh tìm đến với Chúa Giê-su mà anh xem như một bậc Tôn Sư lỗi lạc, “quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: "Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”        
Chúa Giê-su dạy anh phải giữ các giới răn. Anh đáp: "Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã giữ từ thuở nhỏ."
Bấy giờ Đức Giê-su nhìn anh và đem lòng yêu mến, Người bảo: "Anh chỉ còn thiếu có một điều: là hãy về bán những gì anh có mà bố thí cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Sau  đó, hãy đến theo tôi."
Qua lời dạy nầy, Chúa Giê-su đề nghị anh đánh đổi của cải phù du đời nầy để chiếm hữu kho tàng vô giá đời sau, nhưng khi "nghe lời đó, anh sa sầm nét mặt, và buồn rầu bỏ đi, vì anh có nhiều của cải."
Lời đề nghị với người thanh niên giàu có năm xưa lại được Chúa Giê-su gửi đến mỗi người chúng ta hôm nay. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta phải khôn ngoan dùng những của cải tạm bợ đời nầy để đổi lấy kho tàng vững bền trên thiên quốc; hay nói một cách bình dân là hãy "bỏ con tép bắt con cá",  mà cá đây lại là cá voi, vì phần bỏ ra rất nhỏ nhưng phần thu lại thật lớn lao.
Phần thu lớn lao nầy đã được Chúa Giê-su xác nhận với thánh Phê-rô và các tông đồ: "Thầy bảo thật anh em: Chẳng ai từ bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất vì Thầy và vì Tin Mừng mà không được gấp trăm và được sống đời đời."
 
***
Vào khoảng năm 1975-80, kinh tế Việt Nam gặp khủng hoảng trầm trọng, vật giá leo thang từng ngày, giá vàng nhích lên liên tục, đồng tiền mỗi ngày một mất giá.
Rồi lâu lâu lại có vụ đổi tiền, tiền cũ phải được đổi sang tiền mới nội trong một ngày với một số lượng hạn chế. Số tiền cũ không đổi kịp sẽ hoàn toàn mất giá trị và chỉ còn việc đem đốt đi. Sau mỗi lần đổi tiền, giá trị đồng tiền lại giảm sút thêm, đang khi vàng ngày càng tăng giá. Vì thế, không ai dại dột giữ tiền trong tủ. Khi có chút ít tiền dư, người ta đua nhau sắm vàng. Kẻ có nhiều tiền thì sắm cả cây vàng, người ít tiền thì sắm nửa chỉ hoặc một hai phân. Thế mới an lòng chắc dạ.
Những người khôn lúc đó đều có một chọn lựa sáng suốt là đổi tiền giấy lấy vàng. Thế nhưng vàng cũng không còn giá trị đối với người đã nhắm mắt xuôi tay, chẳng còn ích chi cho người đã lìa cõi thế. Do đó, một chọn lựa cũng rất sáng suốt cho chúng ta hôm nay là phải đổi tiền, đổi vàng, đổi tất cả của cải ta có đời nầy để lấy thứ “quý kim” muôn đời có giá, đó là công phúc. Ai có nhiều công phúc là có cả một kho báu trên trời không bao giờ mai một, hư hao.
Mai đây, cái chết sẽ thình lình chụp xuống. Nếu hôm nay không kịp chuyển đổi những gì ta có thành công phúc, thì lúc đó ta sẽ trở thành người tay trắng, chẳng còn gì tồn tại với mình khi bước qua thế giới bên kia. Đến lúc ấy, có hối tiếc thì cũng đã quá muộn màng!
Xét về một vài khía cạnh nào đó, mỗi người chúng ta đều là những người giàu có, không giàu của cải thì cũng giàu thời giờ, giàu sức lực, hay giàu khả năng, trí tuệ...  Thời giờ ta đang có sẽ trôi qua nhanh chóng như nước chảy qua cầu, hết phút nầy đến phút khác; sức khỏe ta đang có hôm nay cũng sẽ hao mòn theo năm tháng; của cải tiền bạc rồi cũng không cánh mà bay; khả năng làm việc cũng sẽ không còn bao lâu nữa... Vậy sao ta không nhanh chóng đem những thứ “của cải tạm bợ” nầy đổi lấy thứ tài sản không bao giờ hao vơi trước khi chúng kịp bốc hơi.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con biết dùng thời giờ Chúa ban để tôn vinh Chúa và phục vụ con người. Đó là cách chuyển của cải phù du thành công đức bền vững cho mai sau.
Xin cho chúng con biết cống hiến sức lực, tài năng, trí tuệ... để gánh vác việc đời, để góp phần xây dựng xã hội và phụng sự Hội Thánh. Đó là những cách biến gia sản chóng qua đời nầy thành công phúc, thành của cải không bao giờ hư nát dành cho mai sau.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
KHO TÀNG TRÊN TRỜI
Lm. John Nguyễn
Theo tạp chí uy tín Forbes vừa công bố liên tục trong suốt 25 năm qua. Danh sách 1226 tỷ phú đến từ 58 quốc gia và vùng lãnh thổ là những người giàu có nhất hành tinh năm 2012. Từ con số 140 ban đầu, danh sách năm nay đã ghi nhận mức kỷ lục với con số 1.226 tỷ phú được thống kê với tổng tài sản lên tới 4.600 tỷ USD. Người giàu nhất thế giới là ông trùm viễn thông Mexico Carlos Slim tiếp tục dẫn đầu với giá trị tổng tài sản 69 tỷ USD. Hai vị trí tiếp theo thuộc về Bill Gates và Warren Buffett. Qua thống kê cho thấy, người giàu có ngày càng tăng lên với con số là 1.226 tỷ phú.
 Sự khát khao và mong muốn được giàu có nơi mỗi con người chẳng bao giờ ngừng. Điều này đúng với tự nhiên bản chất con người. Nhưng, đối với chàng thanh niên giàu có ngày xưa trong Tin mừng thì khác với những người giàu có ngày hôm nay, là anh ta lại muốn đi gặp Chúa Giêsu và hỏi Ngài: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Chúa Giêsu chỉ cho anh ta một cách là: “Anh hãy đi bán hết của cải tài sản đem cho người nghèo, anh sẽ được kho tàng trên trời, rồi đi theo Ta”. Thật, Ngài đưa ra một quy luật quá khó cho anh chàng giàu có này. Thế là anh ta buồn rầu và bỏ đi, vì anh có nhiều của cải. Làm sao anh ta có thể bỏ được khi anh ta đang có tiền bạc tỷ, nhà cao cửa rộng, và được nhiều người cung phụng! Anh ta chẳng dại gì chịu thua lỗ, vì là nhà kinh tế thì đầu óc phải tính sao cho có lợi chứ! Cho nên, anh ta bỏ đi và quay trở về với thế giới tiền bạc của anh ta. Với mục đích và ước muốn của người giàu có này, anh ta không chỉ mong muốn được sự sống đời này mà là cả sự sống đời sau nữa, nhưng anh ta đã thất bại vì không thể vượt qua được sức mạnh và quyến rũ của đồng tiền và của cải.
 Mặc dù, anh ta là người giữ luật và sống đạo rất chặt chẽ, anh ta không làm hại ai, không tham lam của ai, không phê bình chỉ trích ai, không ngoại tình lăng nhăng, nhưng thờ cha kính rất mẫu mực. Tất cả mọi việc anh ta giữ rất tốt. Và chúng ta cho đó là tiêu chí và đáng noi theo. Nhưng, với những hình thức giữ đạo của anh ta chỉ là những hình thức bên ngoài, chưa thực sự là sống đạo với yêu thương và chia sẻ. Chính câu hỏi của anh ta và câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy rõ con người thật của anh ta. Sau đó, Chúa Giêsu cũng dùng hình ảnh đó để nói với các môn đệ: “Những người giàu có thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!”. Khi nghe Chúa Giêsu nói điều này, thì không chỉ các môn đệ sững sờ, ngạc nhiên mà ngay cả chúng ta và các nhà tỷ phú hôm nay sẽ nghĩ gì?. Điều này có vẻ trái ngược với ước muốn và tham vọng của con người trong thời đại này. Khi người ta đang từng ngày từng giờ để chạy theo và tìm kiếm cho thật nhiều tiền, để được vinh thăng cuộc đời.
Ngay cả thánh Phê-rô cũng phải lên tiếng rằng: “Thầy coi, chúng con đã bỏ mọi sự để đi theo Thầy!”. Phêrô phản ứng vì sợ mình không được cứu độ, không được sự sống đời đời. Thế thì, con người ngày nay có còn khát khao muốn được Thiên Chúa cứu độ như thánh Phê-rô nói: “Chúng con bỏ hết mọi sự để đi theo Thầy” hay “Bỏ Thầy con biết theo ai?”. Có lẽ, chúng ta cần có những giây phút thinh lặng để hỏi lại chính mình. Chúng ta đã bỏ gì và đang mang gì để đi theo Chúa. Sau khi lìa khỏi đời này, mỗi người chúng ta có được mang gì theo không?. Người đời thường bảo nhau: Có nhiều thứ để chúng ta chọn lựa, nhiều nơi để chúng ta đi, nhưng chỉ có một nơi dành chung cho tất cả mọi người là đi vào nghĩa trang và nằm dưới mấm mộ.
Ngày hôm nay, người ta có hàng tỷ trong tay, nhưng ngày mai trong tay chẳng nắm được gì, chẳng mang theo được gì, khi nhắm mắt xuôi tay và lìa đời. Chỉ còn lại một chút tình, một chút nghĩa, một chút cử chỉ bác ái yêu thương đọng lại trong những người thân, những người chúng ta yêu thương, quý trọng và chăm sóc khi còn sống. Tất cả là của Chúa, là của Đấng sáng tạo. Ngày nay, chúng ta có thể chọn lựa rất nhiều thứ, nhưng khi nhắm mắt lìa đời chúng ta không có quyền để chọn lựa cho số phận của mình.
 Nếu Lời Chúa hôm nay đối nghịch với ý tưởng và suy nghĩ của con người, nhưng chính là chân lý mà Thiên Chúa đã mạc khải cho nhân loại, đó là quy luật sống cho những ai tin vào Ngài, tin vào sự sống vĩnh cữu. Nơi đó của cải sẽ không bị mục nát hay bị hư mất. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần chú ý thêm về ý nghĩa của sự giàu và nghèo của Tin mừng. Chúa Giêsu không bảo các con cứ sống nghèo túng và đau khổ cho đến chết thì sẽ được cứu độ, là lên thiên đàng, nhưng cái nghèo ở đây chính là sống tinh thần nghèo khó. Tinh thần nghèo khó nơi Mẹ Maria là khiêm nhường, bác ái, đơn sơ và khó nghèo. Và khi chúng ta với sống tinh thần nghèo khó là lúc chúng ta biết yêu thương, chia sẻ và cảm thông với anh em của mình. Sự quan tâm yêu thương giúp đỡ, chính là giới răn của Chúa “kính Chúa yêu người”. Chúa Giê-su không bảo anh thanh niên giàu có bán hết của cải để kinh doanh đầu tư tích lũy, mà là đem cho người nghèo. Trong khi đó, anh chàng thanh niên kia chỉ muốn giàu có và tích lũy nhiều thêm của cái cho bản thân. Phải chăng hình ảnh chàng thanh niên giàu có trong Tin mừng hôm nay chính là biểu tượng và hình ảnh của nhiều người trong chúng ta!.
Để kết thúc bài suy niệm hôm nay, chúng ta cần đến trở lại với những lời chỉ dẫn của sách Khôn ngoan đã viết:
“ Tôi coi của cải chẳng là gì so với Đức khôn ngoan.
Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức khôn ngoan,
vì vàng trên cả thế giới, so với Đức khôn ngoan cũng chỉ là cát bụi,
và bạc so với Đức khôn ngoan cũng kể như bùn đất...”
Lạy Chúa, xin cho chúng con đức khôn ngoan của Chúa, để chúng con biết chọn lựa những giá trị đích thực trong sống tại thế này, là tìm kiếm Nước Trời.
Lm. John Nguyễn, Utica, New York.
HÃY CAN ĐẢM ĐẾN CÙNG
Lm. Paul Nguyễn Nguyên
Sống ở đời, có lẽ ai trong chúng ta cũng ấp ủ trong lòng những ước mơ đẹp. Tuy nhiên, để đạt được ước mơ thì đòi con người phải biết nuôi dưỡng những mơ ước của mình và quan trọng hơn là có đủ nghị lực để biến ước mơ thành hiện thực. Bởi, giữa ước mơ và hiện thực luôn có những khoảng cách, những khoảng vượt quyết liệt. Nếu ta nuôi trong lòng lắm ước mơ, mà không chịu dấn thân cho điều mình mơ ước. Nếu ta nuôi trong lòng những ảo tưởng, nhưng không hề có một lý tưởng cao đẹp để vươn tới thì chẳng bao giờ đạt được ước mơ.
Câu chuyện về người thanh niên trong tin mừng hôm nay là một minh chứng cụ thể cho điều đó. Anh đã ôm ấp một ước mơ thật đúng, thật đẹp. Chính ước mơ ấy đã thúc đẩy anh cố gắng tuân giữ thật nghiêm túc các giới răn ngay từ tấm bé, như lời anh khẳng định với Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”. Và cũng chính ước mơ ấy đã khiến anh “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” làm việc vất vả để kiếm cho được nhiều tiền, vì có lẽ cũng như bao người khác, anh đã nghĩ rằng đồng tiền có một sức mạnh vạn năng, có khả năng “cải lão hoàn đồng”, hay nói theo cách nói của các bạn trẻ ngày nay: “đồng tiền là Tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ của tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý…”. Thế nhưng, anh vẫn nhận thấy tất cả những cái đó vẫn chưa đủ bảo đảm cho anh một cuộc sống đời đời. Cho nên, khi nghe lời Chúa Giêsu giảng và thấy việc Ngài làm, anh nhận ra Ngài chính là Đấng có thể giúp anh đạt được điều mà anh vẫn hằng mơ ước. Và anh đã chạy đến, quỳ gối cầu xin: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?”
Tuy nhiên, câu trả lời của Chúa lại làm anh choáng váng, ngỡ ngàng vì nó mở ra một chân trời mới mẻ: để thành nhân, và thành thánh, con người không chỉ sống cho riêng mình, mà còn cần biết sống cho người khác. Câu trả lời của Chúa như một lời tra vấn, đặt anh trước một lựa chọn gay go. Ngài muốn cho anh hiểu rằng, những cố gắng và nỗ lực để trung thành với một số các giới điều, luật lệ, mới chỉ là khúc dạo đầu của một bản nhạc, là phần mở của bài văn, và là giai đoạn đầu của hành trình Kitô hữu. Cần phải can đảm hơn, quyết liệt hơn. Ngài muốn anh vượt qua những ảo tưởng vị kỷ để đạt tới một cuộc sống chân thật, trọn vẹn, cao quý hơn. Ngài muốn anh nâng cao tầm nhìn ra khỏi bản thân mình, trên khỏi mái nhà mình để mở lòng ra với thế giới, với con người khi dấn thân sống hết mình cho tha nhân, cho những điều mình xác tín. Ngài mời gọi anh sống một lối sống trưởng thành, tích cực, một lối sống không chỉ biết nhìn lên, mà còn biết nhìn xuống những con người thấp bé, khốn cùng. Một lối sống không chỉ biết vun quén cho lợi ích bản thân, mà còn biết mở ra, và hữu ích cho anh em đồng loại. Bởi niềm tin không chỉ đóng khung trong nhà thờ, kinh kệ hay một số việc đạo đức; và Kytô giáo không chỉ quanh quẩn với việc tuân giữ những điều cấm, thi hành những điều buộc, mà còn là những hạt mầm được mời gọi lớn lên, triển nở, trĩu nặng bông hạt của tình yêu Thiên Chúa, và cũng chất đầy hoa trái của tình nhân loại.
Thế nên, câu chuyện của người thanh niên trong Tin Mừng có thể cũng là câu chuyện của mỗi chúng ta, bởi cuộc sống hôm nay vẫn có đó những thách đố đòi chọn lựa. Và đòi hỏi của Chúa với người thanh niên cũng là điều Chúa đòi hỏi chúng ta. Có thể chúng ta không có nhiều của cải như chàng thanh niên, nhưng chúng ta vẫn còn có rất nhiều cái để sở hữu, để “cậy dựa”: đó là cái tôi, ý riêng, tính tự ái, lòng ganh tỵ và kiêu ngạo, và cả sự khôn ngoan của chúng ta nữa … Có thể chúng ta không có của cải để Chúa đòi buộc chúng ta phải từ bỏ như chàng thanh niên kia, nhưng có thể Chúa đòi buộc chúng ta phải bỏ cách làm ăn bất chính, thiếu công bằng, bác ái, bỏ đi sự tự ái, bỏ đi tâm thức hẹp hòi ích kỷ, ý riêng, bỏ đi một mối hận thù đang làm mất đi hoà khí trong gia đình, trong cộng đoàn, bỏ đi một mối liên lạc tình cảm không ngay lành, bỏ đi một tật xấu gây thiệt hại cho chính mình hay cho người khác, nhất là bỏ đi kiểu cách sống trái với Tin Mừng yêu thương. Nếu chúng ta không dám bỏ đi tất cả những cái đó để hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa và bước đi theo Ngài thì thật uổng phí cho công lao giữ đạo của chúng ta.
 
Vậy, lắng nghe lời Chúa hôm nay, xin Chúa cho mỗi người chúng ta có được can đảm của người thanh niên, trong đoạn đường tuân thủ luật Chúa và can đảm hơn anh, trong đoạn đường sau, là từ bỏ mọi sự, đặc biệt là của cải để sau khi nhắm mắt xuôi tay giã từ trần thế, chúng ta mới có được một kho tàng vô giá trên nước trời. Amen.
Lm. Paul Nguyễn Nguyên
CÁI KÉT SẮT
PM. Cao Huy Hoàng
Tác giả Ba Chuông, có truyện rất ngắn mang tên: “Cái két sắt” như sau:
“Ông H. mới giàu lên vài năm nay, nhờ vợ ông có cả trăm mối lái Hàn, Trung, Việt buôn bán thịnh đạt. Ông xây nhà lớn vào bậc nhất ở một thị trấn kể là nhỏ nhất. Thiết kế trong nhà mới xây có một chỗ để két sắt. Ông nghe nói có cả ngàn mặt hàng két sắt đựng tiền trên thị trường. Có những két sắt hiện đại đề phòng kẻ trộm từ xa; két sắt có con mắt phân biệt người thân, người lạ; có két sắt sử dụng bằng dấu vân tay...
Cuối cùng, ông chọn mua một két sắt sử dụng bằng dấu vân tay đắt tiền và cho xây âm trong tường luôn. Ông nói với mọi người rằng: “Như thế mới bảo đảm. Chẳng có thằng nào dám rớ tới ông”.
Sau đó chỉ một tuần, trong khi uống rượu, lên giọng giàu có dạy đời, ông H. bị mấy tay anh chị đập cho giập nát hai bàn tay. Đi bệnh viện hai tuần. Mất dấu vân tay. Vợ ở nhà đập két sắt lấy hết tiền đi rồi.
Hình như bà H. đứng tên nhà, đất. Và nghe nói tất cả đã sang tên cho thằng tình nhân Trung Quốc rồi.
Cái két sắt thật là an toàn ! Thật là bảo đảm muôn năm !”
Ở đời, có quá nhiều người cho mình là khôn ngoan, đến nỗi có thể nói: ai cũng cho mình là khôn ngoan, nhưng thử hỏi: được mấy người tìm cho ra Đức Khôn Ngoan đích thực ? Hay chỉ là loại khôn ranh ma mãnh kiếm chác vơ vét về cho mình tất cả uy tín, danh dự, quyền lực, công sản, tư sản, bất chấp công lý, công bằng, bất chấp nhân quyền, nhân đạo, nhân ái, rồi khư khư ôm chặt lấy những thứ phù du ấy mà ước, mà tưởng sống muôn năm để tận hưởng cho thỏa lòng tham lam vô tận.
Vâng, người trần gian là thế: quí chuộng những gì thuộc về trần gian như là mình sẽ mãi mãi ở lại trong trần gian này. Sự giàu có, uy tín, danh dự, quyền lực, sắc đẹp, tiền của… đều là những thứ phù du và được cất giữ trong cái tôi phù du mỏng mảnh, cái tôi tội lỗi, tối tăm, tồi tàn, tồi tệ, mà người ta cứ tưởng là cái két sắt bền vững muôn năm. Như thế là khôn ngoan sao ?
Lời Chúa trong sách Khôn Ngoan hôm nay dạy: “Đem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không”.
Sự giàu sang mà gọi là hư không thì thật là uổng công cho bao người cắm cúi cất công cả đời đi tìm cái hư không ấy.
Người thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay một đàng là muốn sống đời đời, nhưng không muốn buông bỏ, chia sẻ những gì không thuộc về cõi sống đời đời.
Chúa Giêsu nhìn anh ta mà thương. Thương vì anh ta lành, nhưng chưa khôn. Bởi anh có khát vọng sống đời đời nhưng không dám buông bỏ cái phù vân. Hóa ra, anh đi xin thuốc trường sinh bất tử để trường sinh bất tử ở đời này mà tận hưởng của đời này, chứ không xin trường sinh bất tử ở đời sau ! Thế thì nếu Chúa Giêsu bảo: "Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta", thì trường sinh bất tử còn ý nghĩa gì đối với anh ta nữa ?
Thật đáng tiếc ! Cả bạn, và tôi, cả chúng ta cũng không khác gì anh ấy bao nhiêu đâu. Muốn sống đời đời để mà tận hưởng của cải trần gian này, vì ta đang có cái để tận hưởng đấy sao ? Chúa Giêsu cũng đang to nhỏ với chúng ta bao lần về cách nhìn nhận chân giá trị của những sự đời này, và dặn dò hãy dùng tiền của đời này mà mua lấy Nước Thiên Đàng mai sau.
Thế mà, có những chuyện đời thường gặp:
“Không có tiền góp cho các em vui Trung Thu đâu nhé. Ông không thấy sao. Mới đó mà em xuống sắc lắm rồi. Cần phải đi thẩm mỹ viện gấp gấp”.
“Mình còn phải xây tường rào mất cả trăm triệu, ông bày đặt hứa với Cha Sở cúng kiếng, đóng góp làm chi. Ông kiếm tiền mà cúng đi. Tôi không biết”.
“Em mới mất cái xe… Để cái xe máy trong nhà. 2g sáng thì còn, 3g thì mất. Xe không đáng là bao, nhưng lại là phương tiện để chở cha mẹ già đi Lễ. Em rất tiếc. Cha em thì bảo: mấy đứa xì ke không có xì ke chích hút tiế,p lỡ nó bất đắc kỳ tử không kịp ăn năn tội thì sao. Thôi, cho nó có cái qua ngày và may ra, có thời gian mà sám hối, trở về với Chúa con ạ. Cha mẹ đi xe ôm được mà”.
Và còn bao nhiêu lần ta từ chối cho đi những gì ta đang có. Không vì mình giàu hay mình nghèo, mà chỉ vì mình quá khắng khít với của cải phù vân ấy.
Lời Chúa hôm nay muốn mời gọi chúng ta trước tiên hãy tìm kiếm Đức Khôn Ngoan và sống theo Đức Khôn Ngoan ấy. Chúa Giêsu bảo “đến theo ta” là theo Giáo Lý của Chúa, theo cách sống của Chúa, theo Con Đường, theo Sự Thật, theo Sự Sống của Chúa Giêsu. Ấy chính là tìm được sự khôn ngoan đích thực.
Thánh Phaolô xác quyết: “Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” ( 1Cr, 24 – 25 ).
Và một khi đã theo Chúa Giêsu Kitô rồi, hẳn là chúng ta phải học hiểu Giáo Lý của Ngài, để nên giống Ngài và mặc lấy cái nhìn của Ngài mà nhìn nhận mọi sự ở đời này chẳng có gì là muôn năm cả, không có gì tồn tại cả, và chỉ có duy nhất một Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, cùng với Chúa Cha và Thánh Thần sẽ là Vĩnh Cửu, là tồn tại muôn đời. Và chỉ những ai tin vào Chúa Giêsu và sống theo Lời Ngài dạy, mới được trường tồn với Ngài mà thôi.
Nơi Đức Giêsu, đựng cả kho tàng trường sinh bất tử và vĩnh cửu cho chúng ta. Cái két sắt nào có thể đựng cả và thế gian này đi nữa, cũng sẽ phải han gỉ hư nát đi, nhưng Đức Kitô gìn giữ chúng ta tồn tại muôn đời, vì chính Ngài cứu chúng ta ra khỏi sự hư nát ấy.
Lạy Chúa, “xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan. Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan” ( Tv 89 ) là sống kết hiệp khắng khít với Lời, Thánh Thể và Thánh Giá Chúa Giêsu từng giây phút. Amen.
PM. Cao Huy Hoàng, 12-10-2012
THEO TỚI BẾN
AM Trần Bình An
                                                    Chàng Phanxicô vốn hào hoa phong nhã, bảnh trai, phóng khoáng nghệ sĩ, tài đức song toàn, nghiễm nhiên là thần tượng của các giai nhân trâm anh thế phiệt, cũng như đại ca của các công tử trong thành Átxidi. Vừa tròn tuổi đôi mươi, Phanxicô tòng quân đi chiến đấu, theo giấc mộng anh hùng. Nhưng bại trận, chàng bị bắt làm tù binh, rồi ngã bệnh nặng. Năm sau chàng được tự do, trở về nhà. Vừa phục hồi sức khỏe, chàng lại hăm hở tiếp tục lên đường chinh chiến. Nhưng nghe tiếng Chúa nói, chàng trở vể quê, sẽ được Người cho biết phải làm gì.
Một ngày kia khi đang đi ngựa qua vùng quê thì Phanxicô gặp một người phong cùi. Chàng liền xuống ngựa cho người cùi chiếc áo choàng và do một cảm xúc thiêng liêng thúc đẩy, ngài liền ôm hôn người cùi. Từ lúc đó trở đi Phanxicô đổi hẳn cuộc sống, từ bỏ hoàn toàn những giá trị gia đình và thế tục là tiền bạc và danh vọng.
Khi cầu nguyện trước thánh giá trong nhà thờ Thánh Damiano đổ nát, Phanxicô nghe tiếng vọng nói: “Phanxicô hãy tu sửa lại nhà thờ của Ta, như ngươi thấy đó, nhà thờ đã đổ nát và hoang tàn.” Phanxicô hiểu là phải sửa sang lại nơi thờ tự, nhưng sau này Phanxicô còn thấu hiểu là sứ mệnh của mình còn thuộc về lãnh vực tinh thần theo ơn gọi là sống đúng như tinh thần Phúc Âm, sống nghèo khó theo như hình ảnh Chúa đã sống.
Để có tiền sửa nhà thờ, Phanxicô đã dùng tiền bạc của người cha giàu có. Ông này nổi giận xin Đức Giám mục sở tại xét xử. Phanxicô nhìn nhận lỗi và trả lại tiền bạc, cùng lập tức cởi bỏ tất cả áo quần đẹp đẽ đắt tiền, cả ngoài lẫn trong, trả lại cho cha mình. Đức Giám mục phải lấy áo che thân chàng, rồi cho một bộ áo người nghèo. Từ đó Phanxicô thay đổi hoàn toàn từ tinh thần đến vật chất.
Tường thuật Tin Mừng hôm nay, cũng nói về một anh chàng giàu có ngoan đạo, muốn theo Chúa. Nhưng chàng khựng lại vì điều kiện tiên quyết của Chúa Giêsu: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo. Anh sẽ có môt kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mc 10, 21). Người muốn kẻ theo Người thì từ bỏ tất cả những gì ngăn cản trên Đường Hy Vọng, của cải, danh phận và bản thân.
Từ bỏ của cải phù vân.
Của cải, tiền bạc, nhà cửa, tiện nghi là những thứ phù vân. Chúng chỉ là phương tiện để sống, chứ không thể xứng đáng làm mục đích sống. Nay còn mai mất. Hơn nữa, một tai ương, hoạn nạn, hay cái chết đều biến chúng thành vô nghĩa với người sở hữu.
Vì thế, Chúa Giê su mới căn dặn chúng ta, như đã dạy chàng kia: “Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó". (Lc 12, 33)
Từ bỏ danh phận phù du
Từ  địa vị, chức tước, quyền bính, đến tình cảm gia đình, bạn bè, tất cả cũng đều chỉ như “Giấc Nam Kha khéo bất bình, bừng con mắt dậy thấy mình tay không.” (Nguyễn Gia Thiều, Cung Oán Ngâm Khúc).  Một cuộc bể dâu thì nguwoif ta có thẻ mất hết, trắng tay, kể cả quyền lực và thậm chí cả tình cảm thân bằng quyến thuộc, một khi xa mặt cách lòng. Sự kiện 1975 tại Việt Nam là một ths dụ điển hình cho sự phù du này.  
Một tấm gương rạng ngời về từ bỏ danh phận là Thánh Matthêu, còn gọi là Lêvi. Khi Chúa Giêsu đi ngang qua bàn thuế, Người gọi Lêvi. không chần chừ, không do dự, Lêvi đứng dậy khỏi bàn thu thuế mà đi theo Chúa Giêsu. Ơn gọi của Lêvi thật là huyền diệu! Chúa Giêsu không nói nhiều, Người chỉ nói một câu vỏn vẹn, ngắn ngủi : "Hãy theo Ta ".
Người còn khuyến khích: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ,con cái hya ruộng đất vì Thầy và vì Tin Mừng, mà bây giờ, ngay ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, ruộng đất gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời đời ở đời sau.” (Mc 10, 30)
Từ bỏ cái tôi phù phiếm
Chúa Giê su còn quyết liệt hơn nữa: Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo  Thầy (Mt 16,24). Có nghĩa muốn theo Chúa tới bến, thì từ bỏ mọi sự, kể cả bản thân với bao hệ lụy.
- Nếu không, cái tôi sẽ luôn mù lòa, vì bất hảo với tha nhân, như khoa trương, ghen tương, khinh chê, thù hằn, nghi kỵ, ác tâm, độc địa, gian manh, so đo, đố kỵ,…
- Nếu không, cái tôi sẽ mãi câm điếc, vì kiêu căng, tự ái, tự phụ, sĩ diện, giận dỗi, bực tức, háo danh, háo lợi, háo sắc,… Bỏ tất cả, mà chưa bỏ mình, thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước. (ĐHV, 3).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết can đảm rũ bỏ sự khôn ngoan trần tục, nhận lấy sự ngu đần, điên dại dưới mắt thế gian, để con mặc lấy sự khôn ngoan của con cái Chúa.
Lạy Mẹ Maria, xin chỉ dạy con luôn sống tinh thần nghèo khó, đơn sơ, biết từ bỏ mình, cùng những thói hư tật xấu, để xứng đáng theo chân Chúa trọn đời. Amen.
AM Trần Bình An
CHA TÔI LÀ TỶ PHÚ
Pio X Lê Hồng Bảo
Bài Tin Mừng hôm nay không có dụ ngôn, không có phép lạ, không có tranh luận gay gắt… nhưng lại thể hiện toàn bộ tín lý mà Chúa Giêsu rao giảng suốt 3 năm trời. Tín lý ấy bao gồm cả mười giới răn từ thời Mô-sê và bộ luật yêu thương mà Chúa Giêsu đã khổ công kiện toàn cho nhân loại:
“Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (Ga 1. 4, 20-21).
Giới răn & lề luật tưởng chừng khô cứng lại được minh họa bằng 2 hình ảnh rất biểu cảm giữa con người với Thiên Chúa: Một đàng là chàng thanh niên thuần túy con người, thành tâm thiện ý, không vương vấn chút hình ảnh của ma quỷ (tội lỗi); một đàng là Thiên Chúa từ ái “chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương”. Những tưởng Trời và Đất sẽ gặp nhau, những tưởng Chân – Thiện – Mỹ sẽ hòa điệu, những tưởng Tâm Thành và Thánh Đức sẽ se duyên… Nhưng không, “người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”. Tôi hụt hẫng, và chắc chắn có nhiều người cũng hụt hẫng giống tôi. Tựa hồ một đường bóng được chuyền như “để vào chân” một ngôi sao bóng đá, góc xuống khung thành khá rộng, không một hậu vệ cản lối, thủ môn chưa kịp rút về, vậy mà… “Vào!”, quả bóng tung thẳng lên khán đài!
Tôi hụt hẫng vì chàng thanh niên kia đang là thần tượng của tôi chứ không phải chỉ là một kẻ tập tễnh mới vào sân.
  • Không thần tượng sao được khi bao nhiêu kinh sư, luật sĩ và biệt phái còn đang tìm cách hãm hại Chúa Giêsu; các môn đệ theo Chúa Giêsu lâu nay đang tìm cách ngồi bên phải, trái của Người khi Người giải phóng dân tộc; thì chàng, chính chàng nhận ra Người: “Lạy Thầy nhân lành!”
  • Không thần tượng sao được khi bao nhiêu người trẻ như chàng đang tìm cách thăng quan tiến chức, vinh thân phì gia, hoặc ăn chơi thỏa thích; thì chàng, chính chàng đi tìm một thứ khác cao siêu hơn, lý tưởng hơn: “Tôi phải làm gì để được sống đời đời?”
  • Không thần tượng sao được khi một người trẻ tuổi như thế dám mạnh dạn khẳng định trước mặt một Đấng minh triết: “Lạy Thầy, những điều đó (các giới răn) tôi đã giữ từ thuở nhỏ”.
Vậy mà chàng vẫn “còn thiếu một điều”. Thế thì tôi còn thiếu bao nhiêu điều? Tôi không ngờ cái điều còn thiếu ấy nghiệt ngã đến vậy. Chàng bất ngờ và tôi cũng sững sờ. Tôi cứ tưởng cái điều còn thiếu ấy chỉ nhỏ nhặt thôi, vậy mà nó lại mang tính chất quyết định. Không có nó, những điều trước kể như những con số không tròn trĩnh. Nó là con số một (1) được đặt đứng trước những điều khác để nâng giá trị cuộc đời tôi lên hàng ức, hàng vạn, hàng triệu, hàng tỷ…
Đoạn Tin Mừng đang đẹp bỗng trở nên… buồn! Buồn vì một dấu chấm than tràn đầy tiếc nuối của Đấng giàu lòng từ bi và thương xót: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!”
Nói đến những người giàu có, tôi thường liên tưởng đến công tử Bạc Liêu “một thời chơi ngông, lưu danh muôn thuở”. Những cô cậu công tử thời nay cũng không chịu kém cạnh đàn anh. Có người chỉ xài toàn Mỹ kim hoặc Euro mặc dù sống trong đất nước Việt nam xã hội chủ nghĩa. Có người thách đố nhau ném vàng cùng điện thoại Vertu lia thia xuống sông Thanh Đa chỉ để làm vui lòng người đẹp. Có người chỉ xuất hiện trước công chúng với hàng đoàn siêu xe như Lamborghini hoặc Ferrari… Đoàn xe của các cậu ấm cô chiêu đã từng diễu hành qua nhiều nẻo đường đất nước có những bà mẹ già ngồi dầm mưa bán từng lọn rau, có những em thiếu nhi đầu trần chân đất kiếm sống trên từng bãi rác, có những cụ già nằm ngủ co ro dưới tấm bạt che tạm trong khu nghĩa địa…
Tuy nhiên, những cậu ấm cô chiêu trên đây chỉ là con của những người giàu có. Chỉ vì cách xài tiền của họ khiến tôi lầm tưởng họ chính là người giàu có!
Người giàu có thực sự tạo nhiều ấn tượng cho tôi nhất là người suốt mười mấy năm liền nằm trong Top của tạp chí Forbes: Bill Gates, người mà hiện nay đang được đề cử giải Nobel Hòa bình 2012 vì những chương trình từ thiện mà vợ chồng ông đã dốc sức bấy lâu nay nhằm giảm thiểu nghèo đói và bệnh tật ở các nước kém phát triển bằng quỹ Bill & Melinda Gates Fund. 
Có phải ai giàu có cũng khó vào nước Thiên Đàng?
Tôi nhớ có câu chuyện thế này:
Nhà tỷ phú nọ một hôm đi taxi, khi xuống xe, ông nhìn đồng hồ báo trên xe và đếm đúng số tiền trả cho người tài xế. Anh tài xế tỏ vẻ thất vọng: “Hôm qua, tôi chở con trai ông. Anh ta đã ‘tip’ cho tôi 100 đô!” Nhà tỷ phú cười lặng lẽ: “Tôi làm sao sánh được với nó. Ba của nó là tỷ phú mà!”
Đơn giản vậy mà tôi không nghĩ ra. Chỉ cần tôi tin rằng tôi có một người cha tỷ phú thì tôi sẵn sàng “vứt bỏ” cho đến đồng bạc cuối cùng trong túi mình. “Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Cha tôi mời gọi tôi đầu tư vào một nơi mà không một thế lực trần gian nào chạm tới được. Cha tôi rủ tôi đi theo Người để cất đi gánh nặng lo toan nơi tôi. Vậy mà tôi không dám tin! Các cậu ấm cô chiêu trên kia dám tin vào một người cha trần thế nay còn mai mất, còn tôi không dám tin vào người Cha trên trời uy lực và vĩnh hằng. Kinh Tin Kính mà tôi đọc vào Chúa Nhật hàng tuần hóa nên rỗng tuếch trong chính bản thân tôi. Tôi tự xưng là Kitô hữu mà vẫn sống như một kẻ vô thần. Tôi cũng lựa chọn những điều y như bất cứ một người vô thần nào lựa chọn. Tôi đã từng chứng kiến những nhà tài phiệt bỏ tiền vào ngân hàng này, vào bảo hiểm kia bỗng chốc trắng tay chỉ sau một biến cố thay đổi thể chế chính trị. Vậy mà tôi hiện nay cũng vẫn tin rằng đời sống của vợ, chồng, con cái tôi sẽ được bảo đảm ở trương mục này, ở cổ phiếu kia, ở bảo hiểm nọ… Tôi không cần đến người cha tỷ phú nữa. Cha tôi chắc sẽ buồn lắm!
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn nhớ đến Cha trên Trời hằng yêu thương, bao bọc, che chở chúng con. Nhờ đó, chúng con dám mạnh dạn vứt bỏ mọi thứ phù phiếm trần gian để một mực đi theo con đường yêu thương mà Chúa muốn chúng con đồng hành cùng Người, để xây dựng Nước Chúa giữa trần gian, để thiết lập kho báu Nước Trời, để mọi người cùng nhìn nhận Chúa là Cha chung. Amen.
 
Pio X Lê Hồng Bảo
ĐIỀU KIỆN THEO THẦY
(Mc 10, 17-27)
Hãy đi bán những gì anh có rồi lại đầy theo tôi
 
Giêsu vừa bước lên đường,
Anh kia chạy đến khiêm nhường hỏi han
xin Thầy, chỉ bảo, dạy ban
kiếm tìm sự sống yên hàn trường sinh ?
động lòng trắc ẩn thương tình
nhìn anh thương cảm, giải trình thiện căn
Hẳn anh biết các điều răn
Tránh xa trộm cắp, chứng gian, giết người.
Thờ cha kính mẹ, yêu đời
Tin thờ một Chúa Ba Ngôi hết mình.
Anh ta nói rất chân tình,
Từ khi còn bé thực thi hàng ngày.
Giêsu yêu quý bảo ngay
Anh còn thiếu một điều này nữa thôi
Gia tài bán hết, tức thời
Được kho tàng quý trên trời cao quang.
Lắc đầu rầu rĩ, miên man,
Vì rằng của cải ngập tràn thân anh.
Giêsu rảo mắt nhìn quanh,
Ân cần Ngài nói: các anh nhớ rằng
Loài người không có khả năng,
Duy mình Thiên Chúa vạn năng đúng thi.
Những ai sống chết cậy tin,
Sẽ vào Nước Chúa Thiên Đình vinh quang.
 
Ngày 8/10/2012
 
Thứ hai
Thánh. Têrêsa Giêsu Tiến Sĩ – Hội Thánh
(Lc 11, 29-32)
Thế hệ gian ác này sẽ không được thấy dấu lạ nào,
ngoài dấu lạ ông Giona.
 
Dân này gian ác hiếu kỳ,
Lòng chai dạ đá so bì lao xao
Gio-na dấu lạ thế nào,
Con Người phải chết mới vào vinh quang.
Chắp tay lạy Chúa Thiên Đàng,
Cho con sống chết bình an trong Ngài.
***
Thứ ba:
(Lc 11, 37-41)
Hãy bố thí thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ngươi.
 
Pha-sêu bỡ ngỡ than rằng
Ngài ham ăn uống chẳng màng rửa tay
Giêsu lên tiếng bảo ngay,
Bên ngoài rửa sạch, lòng đầy gian tham.
Hỡi dân giả nghĩa dối gian,
Làm phúc bố thí  nồng nàn thiện tâm..
***
Thứ tư
Thánh Ignatiô Antiôkia.Giám mục Tử đạo

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...