02/01/2021
1717
Hãy Để Chúa Hướng Dẫn Bạn
Thành công của con người sự thường là bởi họ có quân sư giỏi. Vì thế người xưa mới có câu: “Làm đầy tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại”. Chính người thầy khôn ngoan, tài giỏi mới có thể đào tạo những nhân tài.
  lẽ chúng ta đều biết những người này:
Michael Jordan – một cầu thủ bóng rổ nhà nghề nổi tiếng thế giới của Mỹ, đồng thời cũng là một trong số hiếm hoi những người đàn ông thành công nhất lịch sử bóng rổ .
Lionel Messi – cầu thủ bóng đá người Argentina hiện đang chơi ở vị trí tiền đạo cho câu lạc bộ Barcelona và đội tuyển bóng đá quốc gia Argentina. Được đánh giá là một trong những cầu thủ xuất sắc và là cầu thủ hay nhất thế giới trong thời đại của anh.
David  Beckham –  cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Anh từng thi đấu cho các câu lạc bộ Manchester United…  một trong những chân sút phạt xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá.
Vẫn còn nhiều nhân tài vô cùng nổi tiếng khác, nhưng một câu hỏi đặt ra… CÓ AI BIẾT COACH –  Huấn luyện viên của họ là ai? Những người này chỉ chơi giỏi trong đội banh có người thầy giỏi mới làm cho họ tỏa sáng. Chính họ đôi khi đứng ở những đội tuyển khác thì thực sự không thể tỏa sáng giữa sân cỏ.
Từ cái nhìn đó cho ta thấy: “May mắn lớn nhất của cuộc đời, không phải nhặt được tiền, cũng không phải trúng số, mà là có một người thầy khôn ngoan dẫn bạn đi đến 1 nền tảng cao mới”. Một người thầy tốt sẽ đưa cho bạn những lời khuyên đúng đắn khi bạn cần. Họ sẽ thúc đẩy bạn bước đến vùng an toàn và khuyến khích bạn làm những việc thực sự cần thiết với bạn. Họ cũng sẽ khích lệ bạn cố gắng đạt được thành công như thể đó là thành công của chính họ.
 Hôm nay lễ Ba Vua cho chúng ta nhìn lại hành trình đến với Chúa của Ba Vua. Đó là hành trình vượt ngàn gian khổ. Gian khổ về địa lý đồi núi, hiểm trở xa cách ngàn trùng. Gian khổ vì bế tắc đôi khi không biết mình đi đâu? Hỏi đường thì gặp các Vua Chúa quan quyền thâm độc nguy hiểm. Giữa những bơ vơ cuộc đời họ lại được ánh sao dẫn dắt đưa đường. Dù là ánh sao lẻ loi nhưng cũng cho họ niềm tin và nghị lực.
Ánh sao đó định hướng cho Ba Vua tìm gặp vị quân vương mới sinh. Ánh sao đó cho Ba Vua niềm tin để bước đi. Ánh sao chính là con đường Chúa dẫn chúng ta đến với Chúa. Cuộc đời có nhiều ngã rẽ, có nhiều con đường có thể dẫn chúng ta tới bờ vực thẳm. Nhưng với ánh sao của Chúa sẽ dẫn chúng ta tìm đến chân thiện mỹ, gặp được vị Thầy sẽ mang lại cho ta ý nghĩa cuộc sống để biết sống hướng về trời cao và can đảm vượt mọi khó khăn để được sống thân thiết với Ngài.
Ở giữa chợ đời đầy tiếng mời gọi, chúng ta hãy như ba nhà đạo sỹ luôn nhìn lên trời cao để tìm ra ý Chúa đang dạy ta qua tiếng lương tâm biết làm lành tránh dữ, quá tiếng nói của trái tim biết sống yêu thương mọi người. Hãy học nơi ba nhà đạo sỹ cùng tìm hiểu Kinh Thánh để nhận ra Chúa đang hiện diện giữa chúng ta hầu mau mắn đến triều bái Người.
Kính thưa anh chị em,
Hành trình cuộc đời nào cũng có khó khăn. Con đường nào cũng có gian khổ. Hãy tin rằng cuối chân trời ta luôn có Chúa. Hãy tin tưởng vào sự dắt dắt của Chúa mà mạnh dạn bước đi. Đức tin cho biết chúng ta có một vị quân sư thật tài ba và cũng thật quyền năng là chính Thiên Chúa. Ngài sẽ nâng đỡ, dẫn dắt ta trên mọi nẻo đường. Hãy phó thác đường đời trong tay Chúa. Chính Ngài sẽ nâng đỡ và phù giúp đời ta.
Xin cho chúng ta luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa mà bước đi theo thánh ý Thiên Chúa. Ước gì cuộc đời ta luôn có ánh sao dẫn dắt để ta đi theo con đường của Chúa, con đường của tin yêu và hy vọng. Amen.
Lm.Jos Tạ duy Tuyền  
https://www.youtube.com/watch?v=F-zpIDAI8pc
 
 

LỄ CHÚA HIỂN LINH

THEO ÁNH SAO

Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông

 

Is 60,1-6 Các dân ngoại tiến về ánh sáng của Giê-ru-sa-lem

Tv 72,1-2, 7-8, 10-11, 12-13 Lạy Chúa, các dân tộc sẽ nhận ra ơn cứu độ của Chúa

Ep 3,2-3a, 5-6 Thiên Chúa kêu gọi hết mọi người đến ơn cứu độ

Mt 2,1-12 Các Vua dân ngoại đến phủ phục thờ lạy Đức Giê-su

 

1. HỎI: Ba bài đọc liên kết với nhau theo chủ đề nào?

THƯA: THEO ÁNH SAO. Hiển linh là mầu nhiệm Thiên Chúa tỏ bản tính thần linh của Người ra cho mắt phàm của loài người chúng ta được nhìn thấy. Từ rất xa xưa, I-sai-a đã tiên báo (Bđ 1). Thánh Mát-thêu đã đề cao dân ngoại nhờ đường lối tự nhiên đã nhận ra Đức Giê-su chính là Đấng Cứu thế (BTM). Thánh Phao-lô tóm tắt: mầu nhiệm chưa hề được tỏ lộ, thì nay đã được mạc khải ra cho dân ngoại cũng là kẻ thừa tự, là thân mình, và đồng hưởng lời hứa trong Ðức Giê-su Ki-tô nhờ Tin mừng (Bđ 2).

2. HỎI: Tiên tri I-sai-a là ai?

THƯA: I-sai-a là tiên tri lớn, nổi tiếng và quan trọng trong thời Cựu Ước. Tên gọi ông có nghĩa là: “Thiên Chúa cứu độ”. Sinh ra vào khoảng năm 760 trước công nguyên và sống tại Giê-ru-sa-lem, được giáo dục trong môi trường tư tế, và thuộc gia đình quý tộc trong vương quốc Giu-đa. Năm 742 ông nhận được lời Thiên Chúa kêu gọi làm tiên tri. Sứ mạng của ông là rao giảng và báo trước sự sụp đổ của Ít-ra-ên và Giu-đa như hình phạt cho sự bất trung của họ đối với Giao Ước.

3. HỎI: Bối cảnh lịch sử của lời sấm tiên tri I-sai-a như thế nào?

THƯA: Bài đọc một trích từ những chương cuối cùng sách tiên tri I-sai-a. Chúng ta đang ở vào những năm 525-520 trước Công Nguyên, nghĩa là khoảng 15 hay 20 năm sau cuộc trở về từ chốn lưu đày Ba-by-lon. Những ngày đầu mới trở về cố hương, người Ít-ra-ên đầy phấn khởi bắt tay thực hiện cuộc tái thiết Thành Thánh. Nhưng thực tế phũ phàng dần dần khiến họ chán nản và thất vọng. Cuộc lưu đày kéo dài 50 năm đã thay đổi tất cả. Đất đai bị chiếm đoạt, tài sản của cha ông bị tiêu tán. Cư dân Giê-ru-sa-lem lúc bấy giờ là những người ngoại quốc với cách sống, văn hóa và tôn giáo hoàn toàn khác biệt, khiến cho việc định cư rất khó khăn và việc tái thiết đền thờ phải đình trệ.

4. HỎI: Trước tình thế khó khăn, tại sao bản văn lại có giọng điệu vui mừng như thế?

THƯA: Bản văn tràn ngập ánh sáng có thể khiến chúng ta ngạc nhiên nhưng đó là thứ ngôn ngữ bình thường nơi các tiên tri. Chính trong đêm tối mà người ta trông chờ ánh sáng ngày mới, và bổn phận các tiên tri chính là đem lại lòng can đảm, nhắc lại cho mọi người đang sống trong đêm tối đừng quên rằng ngày sắp đến.

5. HỎI: Đâu là sứ điệp I-sai-a muốn gửi đến cho dân?

THƯA: I-sai-a mời gọi họ hãy hi vọng nhìn về tương lai và nhớ lại lời Chúa hứa: sẽ đến ngày mà toàn thể thế giới sẽ nhận ra Giê-ru-sa-lem là Thành Thánh. Vậy, đừng chán nản thất vọng, nhưng hãy nỗ lực tái thiết Đền thờ như đã dự định.

6. HỎI: Vào thời Đức Giê-su người ta chờ đợi đấng Mê-si-a như thế nào?

THƯA: Vào thời Đức Giê-su, sống dưới ách nô lệ của người La mã, người Do thái khắc khoải chờ mong Đấng Cứu thế và cầu xin Thiên Chúa mau sai đến để giải thoát họ. Đa số dân Do thái tin rằng đó sẽ là một vị Vua, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Ngài sẽ cai trị trên ngai báu Giê-ru-sa-lem, và sẽ đánh đuổi người La mã ra khỏi bờ cõi và vĩnh viễn tái lập hoà bình, công chính và huynh đệ trên Ít-ra-ên. Những người lạc quan còn thậm chí nói rằng vương quốc hạnh phúc ấy sẽ ngự trị trên toàn thế giới.

7. HỎI: Lời sấm tiên tri nào làm nền tảng cho niềm tin ấy?

THƯA: Lời tiên tri Ba-la-am. Thay vì nguyền rủa dân Ít-ra-ên như lệnh vua Mô-áp, ông lại tiên báo hạnh phúc và vinh quang cho họ, đặc biệt ông tuyên sấm: ‘Từ Gia-cóp một vì sao xuất hiện, một vương trượng trỗi dậy từ Ít-ra-ên’ (Ds 24,17). Từ đó về sau, người ta tin rằng một vì sao sẽ xuất hiện báo hiệu cho Vương quốc của Đấng Mê-si-a. Vào thời Đức Giê su và các tác giả Tin mừng, ngôi sao là hình ảnh được liên kết với niềm mong chờ Đấng Thiên sai.

8. HỎI: Bài đọc 2 (Ep 3, 2-3a.5-6) có nội dung như thế nào?

THƯA Thánh Phao-lô Tông đồ nói về kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa là mạc khải từng bước chương trình Cứu Độ của Người, trong đó dân ngoại được cùng thừa kế Mầu nhiệm Nước Trời với người Do thái.

9. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (Mt 2, 1-12) như thế nào?

THƯA: Bài Tin mừng 2, 1-12 nằm trong phần Tin mừng thời thơ ấu của Đức Giê-su (1-2), sau câu chuyện giáng sinh (1, 18-25). Có 3 ý sau đây: 1. Bối cảnh và câu hỏi nhập đề của các nhà chiêm tinh (2, 1- 2); 2. Gặp gỡ Hê-rô-đê tại Giê-ru-sa-lem (2,3-9a); 3. Gặp gỡ Hài Nhi ở Bết-lê-hem (2, 9b-12).

10. HỎI: Thánh Mát-thêu muốn nói điều gì khi mô tả câu chuyện ba nhà đạo sĩ đi tìm Chúa Cứu thế?

THƯA: Qua câu chuyện ba nhà đạo sĩ đi tìm Đấng Cứu Thế, thánh Mát-thêu muốn dạy rằng ơn cứu rỗi Ngài mang lại bị người Do thái từ chối nhưng được lương dân đón nhận. Vua Hê-rô-đê và dân thành Giê-ru-sa-lem đại diện cho dân Ít-ra-ên, còn ba nhà đạo sĩ đại diện cho dân ngoại.

11. HỎI: Thánh Mát thêu viết như thế nhằm mục đích gì?

THƯA: Thánh Mát-thêu viết như thế để trả lời cho thắc mắc mà người Ki-tô hữu gốc Do thái vào thế kỉ thứ 1 đã đặt ra: tại sao trong khi Ít-ra-ên không trở lại với Tin mừng, thì dân ngoại lại tấp nập trở về. Thánh Mát thêu trả lời vì lương dân như ba nhà đạo sĩ mau mắn đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.

12. HỎI: Các nhà đạo sĩ là ai?

THƯA: Đạo sĩ là tên gọi được dùng để chỉ các tư tế Ba tư. Vào thời kì Hi lạp đô hộ (khoảng thế kỉ thứ 2-1 trước Công nguyên) từ ấy chỉ những người đông phương có kiến thức rộng rãi về khoa chiêm tinh. Trong bài Tin mừng, đạo sĩ có lẽ chỉ những nhà chiêm tinh Ba-by-lon đã biết đến tư tưởng thiên sai Do thái và thường xuyên liên lạc với thế giới Do thái. Đến thế kỉ thứ 8, người ta gán cho họ ba tên Gaspar, Balthasar và Melchior.

13. HỎI: Có phải cả thành Giê-ru-sa-lem cũng hoảng hốt cùng với Hê-rô-đê?

THƯA: Thật ra đó là cách viết phóng đại của Mát thêu muốn nhấn mạnh rằng Giê-ru-sa-lem tượng trưng cho dân Ít-ra-ên phản ứng tiêu cực vì thái độ từ chối của họ. Trong khi đó, dân ngoại đã rộng lòng đón tiếp Đấng Thiên sai.

14. HỎI: Thánh Mát thêu muốn nói gì khi mô tả: “Thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng”?

THƯA: Trong khi Vua Hê-rô-đê cùng với Ít-ra-ên hoảng sợ trước tin Đấng Cứu thế ra đời, thì ba nhà đạo sĩ cũng như dân ngoại vui mừng khám phá nơi Đức Giê-su sự cứu rỗi mà họ ước mong nhưng chưa biết rõ.

15. HỎI: “Họ vào nhà”, nhà ai?

THƯA: Theo ngữ cảnh, thì nhà đó là nhà của Thánh Gia. Nhưng dưới ngòi bút của Thánh Mát-thêu, thì ‘nhà’ ở đây là hình bóng chỉ Giáo Hội trong đó người đương thời với Mát thêu vui mừng tìm thấy và kính bái Đức Giê-su Ki-tô.

16. HỎI: Lễ vật ba nhà đạo sĩ có ý nghĩa gì?

THƯA: Vàng, nhũ hương và mộc dược vốn là những tặng phẩm gắn liền với ba vua. Truyền thống giáo phụ và Giáo hội coi vàng là biểu tượng cho vương quyền, nhủ hương cho thần tính và một dược cho việc mai táng Đức Giê-su.

17. HỎI: Việc ba nhà đạo sĩ đến yết bái Chúa Cứu thế thực hiện lời sấm nào?

THƯA: Thực hiện lời sấm I-sai-a: ‘Từng làn sóng lạc đà sẽ bao phủ lấy ngươi (= Giêrusalem), các lạc đà một bướu từ Ma-di-an, Ê-pha và Sơ-va sẽ đến, chở đầy trầm hương, vàng bạc…’ (Is 60,5-6; x. Tv 72,10). Đó là lí do tại sao các nhà họa sĩ thời Trung cổ thường diễn tả ba nhà đạo sĩ cỡi lạc đà đến.

18. HỎI: “Hiển linh” là gì?

THƯA:Hiển linh” dịch từ epiphania, bởi động từ Hy lạp epiphaino có nghĩa là ‘tỏ cho thấy’. Trong Hy Lạp cổ điển, thuật ngữ này được sử dụng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau, đặc biệt trong lãnh vực quân sự. Nó chỉ sự xuất hiện bất ngờ của lực lượng tham chiến có thể quyết định số phận của trận đánh. Cùng với ý nghĩa quân sự, Epiphania cũng chỉ sự xuất hiện trợ giúp của thần linh.

19. HỎI: Chỉ trong Kitô giáo mới có lễ Hiển Linh?

THƯA: Không phải, từ nhiều thế kỷ trước Ki-tô giáo, chúng ta tìm thấy trong nhiều thành phố Hy Lạp có lễ Hiển Linh, hay còn gọi là: “ngày Thần Apollo đến” tổ chức vào mùa xuân hoặc đầu mùa hè. Dionysiô được coi là vị Thần Hiển linh số một vì ban vô số kinh nghiệm xuất thần để khen thưởng những kẻ hết lòng thờ phượng mình.

20. HỎI: Trong Cựu Ước, chúng ta có tìm thấy từ ‘Hiển linh’ không?

THƯA: Có, trong bản dịch Hy Lạp của Cựu Ước, từ được dùng theo nghĩa quân sự chỉ lực lượng cứu viện xuất hiện.

21. HỎI: Còn trong Tân ước, từ ấy được dùng trong những ngữ cảnh nào?

THƯA: Nó chỉ được dùng với ý nghĩa tôn giáo, và hầu như luôn chỉ sự quang lâm (= xuất hiện vào lúc cuối thời gian) của Đức Ki-tô, như: “Chúa Giêsu sẽ tên diệt gian ác khi Ngài quang lâm” (2 Tx 2,8).

22. HỎI: Phải sống sứ điệp hôm nay như thế nào?

THƯA: 1. Phải luôn trung thành với đức tin ngày chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội. 2. Trung thành với ơn Chúa như ngôi sao lạ luôn xuất hiện trên đường chúng con đi để dẫn đường chỉ lối cho chúng ta đến gặp Chúa. 3. Biết thắp lên những ngọn lửa sáng để chiếu sáng mọi người, và để ngọn lửa đức tin chúng ta luôn bừng sáng để nhiều người nhận ra Chúa nơi chúng ta.

GLCG528 Hiển Linh là sự tỏ mình ra của Chúa Giêsu, như Đấng Messia của Israel, là Con Thiên Chúa, và là Đấng Cứu Độ trần gian. Cùng với việc Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Jorđanô và với tiệc cưới Cana, lễ này mừng kính việc ‘các đạo sĩ’ từ phương Đông đến thờ lạy Chúa Giêsu. Nơi các ‘đạo sĩ’ này, là đại diện cho các tôn giáo lương dân lân cận, Tin mừng nhận ra những hoa quả đầu mùa của các dân tộc sẽ đón nhận Tin mừng cứu độ nhờ mầu nhiệm Nhập Thể. Việc các đạo sĩ đến Giêrusalem để bái lạy Vua dân Do Thái cho thấy các vị ấy đến Israel, dưới ánh sáng tiên báo Đấng Messia của ngôi sao Đavid, để tìm kiếm Đấng sẽ là vua của các dân tộc. Việc họ đến có nghĩa là các dân ngoại chỉ có thể gặp được Chúa Giêsu và thờ lạy Người là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu độ trần gian, bằng cách hướng về dân Do Thái và nhờ dân ấy mà lãnh nhận lời hứa về Đấng Messia như đã được ghi chép trong Cựu Ước. Cuộc Hiển Linh cho thấy đông đảo dân ngoại được gia nhập vào gia đình của các Tổ Phụ, và được hưởng ‘phẩm giá của Israel’

 

LỄ HIỂN LINH (Mt 2, 1 – 12)

Ngôi sao. (Star )

Lm. Giuse Phan Duy Sơn

 

Kính thưa cộng đoàn

Ngôi sao là biểu tượng và có nhiều ý nghĩa khác nhau.

Ngôi sao David: đó chính là ấn triện của vua Solomon, con trai vua David, cháu trai vua Saul. Ông là người xây dựng đền thánh đầu tiên ở kinh thành Jerusalem. Ông cũng là người được Chúa ban tặng cho cả "sự khôn ngoan và trí tuệ". Nó còn là biểu tượng sức mạnh cua dân Do Thái.

Ngôi sao: còn là biểu tượng và ý nghĩa của nhiều quốc gia trên thế giới: Isarael ngôi sao 6 cánh. Nước Mỹ 52 sao 5 cánh. Trung Quốc 5 sao 5 cánh...

Từ “ngôi sao” còn có ý nghĩa sáng tỏ, soi sáng, nổi tiếng....và giới nghệ sĩ mượn hình ảnh dùng ám chỉ ngôi sao ca sĩ, ngôi sao điện ảnh, ngôi sao người mẫu...

Nhìn chung từ “ngôi sao” để diễn tả ý nghĩa tốt và soi sáng, hầu qua đó giúp cho nhân loại hướng đến một vận mệnh may mắn và thuận lợi. Từ “ngôi sao” còn hướng con người ta đến một đam mê, bắt chước và noi theo thần tượng “ngôi sao”.

Đối với Kito giáo, Ngôi Sao được diễn tả mang hình ảnh thiêng liêng và cao quý. Lễ hiển linh tiên báo Thiên Chúa tỏ mình qua ngôi sao lạ dẫn đường. Qua hình ảnh ngôi sao này, nhân loại được chiếu sáng hay đi trong u tối?

Ngôi sao lạ dẫn đường: Khi Chúa Cứu Thế giáng sinh, trên bầu trời xuất hiện một ngôi sao lạ. Có lẽ nhiều người Do thái đã nhìn thấy ngôi sao lạ kia. Nhưng họ vẫn không nhận ra được ánh sáng soi dẫn đưa họ đến với NGÔI SAO VĨNH CỬU là Đấng cứu thế.

Cũng là ngôi sao lạ dẫn đường, nhưng chỉ mấy nhà đạo sĩ mới nhận ra đó là dấu chỉ của vị Vua Thiên Sai, của NGÔI SAO VỊNH CỬU. Nhận thấy ánh sáng từ ngôi sao, các ngài mau mắn đem lễ vật lên đường tìm kiếm Hài Nhi mới sinh. Các nhà đạo sĩ không nề quản gian nan vất vả, một lòng hướng về ánh sáng ngôi sao và tìm về với ÁNH SÁNG VĨNH CỬU. Nhờ thiện chí, các đạo sĩ đã gặp được Hài Nhi Giesu, Đấng Cứu Thế. Với tấm lòng thành và chút của lễ, các nhà Đạo sĩ được ơn soi sáng và nhận ra được Đấng Cứu Thế.

Kính thưa cộng đoàn

Ngày nay, không biết bao nhiều ngôi sao đang chiếu tỏa giữa lòng nhân loại. Tin mừng hôm nay muốn dẫn chúng ta nhận ra ngôi sao lạ để hướng đến Ngôi Sao Vĩnh Cửu, Ngôi Sao hằng sống.

Mỗi Ki-tô hữu phải là một ánh sao lạ: Chúng ta phải dùng lời nói, việc làm và cách ứng xử nhân ái làm ngôi sao dẩn lối cho tha nhân, cho bạn bè và nhất là cho anh em chị  lương dân nhận biết Ngôi Sao Vĩnh Cửu. Ngôi sao sáng chói nhất, thực dụng nhất là nụ cười, là ánh mắt, là lời khen đúng lúc.  Ngôi sao khả dụng nhất là một việc làm khiêm hạ của chúng ta cũng có thể phát quang giống như ánh sao lạ trên trời. Chúng ta chỉ có thể là những vì sao sáng thực sự khi chúng ta biết làm cho mình lu mờ đi để Chúa Giê-su lớn lên.

Nhưng tiếc thay, thế giới hôm nay, con người hôm nay, nhiều người vẫn mãi mê, đam mê theo những ngôi sao ca sĩ, ngôi sao điện ảnh, ngôi sao tiền bạc...những ngôi sao ấy sẽ dẫn họ đi về đâu? Vì các ngôi sao trền thế mà thế giới, xã hội ngày nay dường như dư thừa sự ác và bạo lực, nhưng lại thiếu thốn nghèo nàn ánh sáng lòng xót thương.

Vì thế, mỗi người, mỗi gia đình Công giáo cần phải trở thành những ngôi sao chuyển tình thương của Chúa cho anh chị em cách cụ thể, qua lời nói, việc làm yêu thương của chúng ta dành cho nhau. Chúng ta phải sống và cư xử với mọi người làm sao được cảm thấy an tâm, an toàn, được yêu thương, đón nhận và được cảm thông khi gặp gỡ, tiếp xúc và khi sống cùng với chúng ta. Vì Hài Nhi Giesu là Ngôi Vĩnh Cửu đang chiếu rọi, dẫn đường và cứu độ chúng ta. Amen.

 

CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH  B

(Mt 2, 1-12)

Lm. Tôma A. Trần Bá Huy

 

Kính thưa qobace, Tạp chí Focus có đăng tải bài báo giới thiệu cách giải thích của nhà thiên văn học người Anh, ông Nigel Henbest, về ngôi sao dẫn đường cho ba nhà chiêm tinh đến Bêlem năm xưa. Theo ông, ánh sao ấy chính là sự hội tụ ánh sáng rực rỡ của hai hành tinh trong Thái dương hệ. Thực ra từ xưa đến nay, đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra về ánh sao thơ mộng của Mùa Giáng Sinh.

Tuy nhiên, với người Kitô hữu, cốt lõi của vấn đkhông phải ở chỗ xác định xem ngôi sao đó là ngôi sao nào, mà là ở nội dung tôn giáo. Và nội dung ấy hàm chứa trong chính tên gọi của ngày lễ hôm nay: Lễ HIỂN LINH. Thiên Chúa tỏ mình không chỉ cho dân tộc Do Thái, mà cho mọi dân mọi nước. Cũng chính nội dung ấy mời gọi chúng ta nhìn lại danh hiêu Kitô hữu mà mình đã lãnh nhận.

Đối chiếu nội dung ngày lễ với đời sống cụ thể của người Kitô hữu, chúng ta không khỏi băn khoăn về sự tương phản mà bài Tin Mừng vén mở. 

Thiên Chúa tỏ mình ở đây qua hình hài một trẻ thơ bé bỏng, nằm trong hang đá giữa mùa đông rét mướt. Và những người mong mỏi kiếm tìm để khám phá và gặp gỡ được Hài Nhi lại là những người ngoại bang, tượng trưng qua ba nhà chiêm tinh từ Phương Đông xa xôi tìm đến. Còn những người được gọi là Dân riêng của Chúa, từ Hêrôđê cho đến các kinh sư, luật sĩ thì lại chối từ sự hiện diện của Đấng Cứu Thế. Liệu sự tương phản ấy còn tiếp diễn trong cuộc sống hôm nay không ?

Hang đá hôm nay có thể là những túp lều nghèo nàn, trong đó những đứa trẻ sinh ra hoàn toàn thiếu thốn, nơi đó nức nở tiếng khóc. Có những tấm lòng nhân hậu đã tìm đến những túp lều đó để nâng đỡ ủi an... Và họ lại là những người ngoại giáo. Còn những người mang danh Ki-tô  hữu đôi khi lại vắng bóng nơi đây.

Hang đá hôm nay cũng có thể là một cái am bé nhỏ, ẩn khuất trong rừng vắng. Có những tâm hồn yêu mến sự tĩnh lặng đã tìm đến, và trong sự tĩnh lặng ấy, họ đã gặp được Đấng Vô Biên, cũng là Đấng ở trong họ sâu hơn chính họ. Mà họ lại là những người bị coi là ngoại giáo.  Còn nhiều kẻ có đạo lại xa lánh sự tĩnh lặng, yêu thích nơi chốn ồn ào náo nhiệt, nên chẳng bao giờ nghe được tiếng Chúa.

Hang đá hôm nay cũng có thể là một mái ấm gia đình, tuy nghèo tiền nghèo của, nhưng chan chứa tình thương, gia đình hạnh phúc yêu thương tôn trọng nhau và quý mến cả những người hàng xóm láng giềng. Mà những gia đình ấy lại là gia đình ngoại giáo, đang khi nhiều gia đình Công giáo đã chẳng còn là mái ấm yêu thương.

Còn nhiều và còn nhiều những hình ảnh khắc họa sự tương phản. Sự tương phản ấy còn cay đắng và trớ trêu hơn nữa khi những người ngoại giáo tìm đến với chúng ta để hỏi han đường về sự sống vĩnh cửu. Chúng ta tự hào mình biết rõ đường đi nên chỉ đường hướng dẫn, trong khi đó mình lại nhởn nhơ vui đùa mà chẳng buồn cất bước đi tìm. Sự tương phản đó lại chẳng được minh họa ngay trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay hay sao?

Khi đến Giêrusalem, ánh sao dẫn đường biến mất, ba nhà chiêm tinh đã phải vào yết kiến vua Hêrôđê để xin chỉ đường dẫn lối. Người Do Thái đã đem Kinh Thánh ra dẫn giải, vì Kinh Thánh là nguồn sáng lớn hơn mọi ánh sáng soi đường. Ánh sao dẫn đường ba nhà chiêm tinh biểu tượng cho lương tri, lương tri thúc đẩy con người kiếm tìm chân lý. Nhưng còn có nguồn sáng lớn hơn lương tri nhân loại rất nhiều, đó là Mc Khải. Chúng ta được hồng phúc đón nhận Mc Khải, vì thế, có thể chỉ đường cho người khác, nhưng chính mình  lại không lên đường. Trớ trêu là ở đó.

Nếu chúng ta băn khoăn thực sự về những tương phản nói trên, hãy để cho những băn khoăn ấy biến thành tiếng gọi tự vấn mỗi người chúng ta. Tiếng gọi trước hết mang tính tự vấn. Hai khuôn mặt trong câu chuyện Tin Mừng giúp ta soi bóng chính mình.

Trước hết là khuôn mặt các luật sĩ. Ho đem Kinh Thánh ra dẫn giải, nhưng chính họ không lên đường trong thực tế. Nghĩa là họ biết nhưng không hành động. Ai trong chúng ta cũng dễ rơi vào thái độ đó. Chúng ta không thiếu lý thuyết, nhưng thiếu hành động, hay nói đúng hơn là hành động còn giới hạn so với những gì mình biết. Chỉ khi nào ta dám chuyển biết thành hành động, mới thực sự là biết Chúa.

Tiếp đó là khuôn mặt Hêrôđê. Ông hành động nhưng là hành động ngược lại với lời nói: Tìm kiếm Hài Nhi không để tôn thờ, mà để thủ tiêu. Và động lực sâu xa thúc đẩy bạo tàn là tham vọng quyền bính, gắn liền với nỗi lo mất mát quyền lợi. Không phải không có những lần chúng ta cũng đang tâm hủy diệt mầm sống và tiếng gọi của chân lý trong tâm hồn, vì muốn thỏa hiệp với tội lỗi hay sao? Nếu dám đối diện với sự thật này, sẽ là bước đầu cho hành trình hoán cải.

Nỗi băn khoăn còn phải biến thành tiếng gọi "Lên đường". Lên đường trước tiên là phải dám đối diện với chính mình, nhận ra sự giới hạn của mình và phát huy thế mạnh vốn có như một ơn ban, từ đó mình mới dám dâng tặng: không chỉ là vàng, nhũ hương và mộc dược, mà là trao tặng chính con người mang tình yêu Giê-su của mình.

Con đường ba nhà chiêm tinh từ Phương Đông đến Giêrusalem là con đường kiếm tìm Chân lý, kiếm tìm Đấng Cứu Thế, Đấng giải thoát nhân loại. Chớ gì con đường cuộc đời mà mỗi người chúng ta đang đi cũng là con đường của Chân, Thiện, Mỹ để dẫn đưa mỗi chúng ta đến chân lý toàn vẹn là chính Chúa Giêsu. 

Như thế, mừng Lễ Hiển Linh sẽ không chỉ là tưởng nhớ một biến cố, một sự kiện, nhưng là một lời mời gọi lên đường đáp lại tiếng gọi từ Thiên Chúa để trở thành ánh sao Giêsu cho con người, cho nhân loại hôm nay. Amen.

 

 

 
 
 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...