03/04/2020
974
CHÚA NHẬT LỄ LÁ A: 
LẤY TÌNH YÊU ĐÁP LẠI HẬN THÙ – LẤY NHÂN TỪ ĐÁP LẠI BẠO LỰC
Kính thưa quý OBACE, tham dự ngày Lễ Lá khai mạc Tuần Thánh hôm nay cho chúng ta nhiều cung bậc cảm xúc. Nghi thức kiệu lá trước lễ mang màu sắc hân hoan của đoàn rước khải hoàn, chào đón Đức Giêsu Con Vua Đavít tiến vào thành thánh của Người. Liền sau đó các bài đọc trong thánh lễ gợi cho chúng ta một cảm xúc trầm buồn nhưng hùng tráng với hình ảnh Đức Giêsu- Người Tôi Tớ của Thiên Chúa bị hắt hủi khinh chê và bước vào cuộc khổ nạn đau thương. Bài thương khó vừa nghe gợi lên cho chúng ta rất nhiều điều để suy gẫm, hôm nay chúng ta chiêm ngắm Đức Giêsu và thái độ của Ngài khi đối diện với thập giá và sự ác mà con người đã gây ra.
 Khác với cách phản ứng thông thường của người đời, là ăn miếng trả miếng, Đức Giêsu đã lấy tình yêu đáp lại hận thù, lấy nhân từ đáp lại bạo lực. Các tông đồ khi đón Chúa vào thành Giêrusalem, các ông vẫn nghĩ rằng thời cơ khởi nghĩa của Thầy đã đến. Các ông không mang cùng một tâm tình của Đức Giêsu vị Hoàng tử Bình an, ngồi trên lưng con lừa, là một con vật hiền lành chở đồ, chứ không phải là chiến mã. Hình ảnh này gợi lại hình ảnh vua Salomon ngày xưa tiến vào thành trên lưng một con lừa mẹ, trong tiếng hò reo chào đón của toàn dân. Salomon là một vị vua không hề biết đến chiến tranh, ông được coi là vị vua hòa bình. Thế nhưng các tông đồ dường như cố tình muốn biến Thầy của các ông thành một vị vua chính trị và mong đợi một cuộc khởi nghĩa bằng bạo lực do Đức Giêsu khởi xướng. Chúa Giêsu đã không để mình bị lôi kéo vào khuynh hướng bạo lực của các môn đệ. Trong vườn Câu Dầu, Chúa Giêsu đã phải chiến đấu với bản thân để bắt mình vâng phục theo thánh ý Chúa Cha lấy tình yêu để thắng sự ác, lấy tha thứ để đáp lại hận thù. Ngài cầu xin cùng Chúa Cha: “lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha mà thôi.”
Giuđa dẫn theo đám đông mang theo gậy gộc gươm giáo, họ được các thượng tế và các kỳ mục sai đến để bắt Chúa Giêsu. Anh ta đã dùng cái hôn để làm ám hiệu cho đám lính tra tay bắt Chúa Giêsu. Việc làm này thể hiện sự dối trá, tráo trở của một người học trò đối với Thầy mình, của sự ác được khoác một cái áo thân thiện. Nụ hôn là cách con người thể hiện tình thương mến dành cho nhau, thì giờ đây, cái hôn của Giuđa lại trở thành dấu chỉ của sự phản bội. Chúa Giêsu đã không phản ứng theo kiểu gay gắt, nhưng Ngài lấy lòng nhân từ để chỉ cho Giuđa thấy việc làm sai trái của anh. Ngài nói với anh: “Giuđa, ngươi dùng cái hôn để nộp Con Người sao?” Ngài đặt cho hắn một lời chất vấn và cũng là lời cảnh báo đừng bao giờ sống hai mặt như thế, đừng bao giờ dùng hình thức tốt đẹp để che đậy điều gian ác. 
Phêrô và các môn đệ lúc đó đã muốn dùng bạo lực để đáp trả bạo lực. Ông đã rút gươm và chém đứt tai tên đầy tớ thầy thượng tế như để dằn mặt các thượng tế và đám đông. Một lần nữa Đức Giêsu đã muốn Phêrô dừng tay: “Hay đút gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm.” Chúa Giêsu không muốn các ông dùng bạo lực vì bạo lực chỉ đem đến đổ máu, gia tăng hận thù, chứ không thể đem đến hoà bình. Chúa Giêsu còn nói cho các ông biết, đối với Ngài, việc dùng sức mạnh là không khó, vì Thiên Chúa có thể dùng quyền năng để ra tay bất cứ lúc nào: “Anh tưởng Thầy không thể kêu cứu với cha Thầy sao? Ngài sẽ cấp ngay cho Thầy cả mười hai đạo binh thiên thần!”  Nhưng Chúa Giêsu cho thấy, chỉ có tình yêu và tha thứ mới có thể hóa giải được bạo lực và đem lại hoà bình mà thôi. Để thể hiện lòng bao dung và sự tha thứ Chúa Giêsu đã chữa lành vết thương nơi tai của tên đầy tớ.
Bị điệu đến trước dinh thượng tế, một mình Đức Giêsu bị bao vây bởi những con người đang chất chứa trong lòng sự thù hận, ghen tị. Các thượng tế và Thượng Hội Đồng tìm chứng gian để buộc tội Chúa Giêsu để lên án tử cho Ngài. Họ cho những tên gian dối đứng ra cáo tội Chúa Giêsu: “Tên này nói: tôi có thể phá đền thờ Thiên Chúa và nội trong ba ngày sẽ xây dựng lại.” Chúa Giêsu không biện minh, cũng không giải thích bất cứ điều gì về việc chúng bịa đặt và xuyên tạc lời của Ngài. Vì trong thâm tâm, chúng đã có sẵn ý xấu là muốn loại trừ Ngài bằng cái chết. Tuy nhiên, khi các thượng tế lên tiếng: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết, ông có phải là Đức Kitô Con Thiên Chúa không?” Lúc này Chúa Giêsu đã lên tiếng xác nhận: “Như chính Ngài vừa nói. Hơn nữa…Các ông sẽ thấy con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến.” Các thượng tế và đám đông đã quen với sự gian dối, để cái ác làm chủ, họ không thể đón nhận được sự thật Chúa Giêsu vừa nói. Vì vậy, các thượng tế đã quyết định loại trừ Ngài khi tuyên bố: “Hắn phải chết.” Các thượng tế đã để cái ác dẫn đường và tìm mọi cách để thực hiện ý đồ xấu xa là loại trừ Chúa Giêsu.
Những người Do Thái điệu Đức Giêsu đến dinh Philatô. Hành động này của họ là hành động ném đá giấu tay, mượn gươm giết người, họ muốn dùng tay Philatô để loại trừ Chúa Giêsu. Nếu như tại dinh thượng tế, họ bắt bẻ Đức Giêsu về các vấn đề liên quan đến tôn giáo, thì khi đến dinh Philatô, những người này lại cáo gian Chúa Giêsu vào những vấn đề chính trị. Philatô là một quan chức dân ngoại, trong ông còn một chút tiếng nói của lương tâm chân chính. Ông biết rằng các thượng tế và những người Do Thái chỉ vì ghen tị nên đã tố cáo Chúa Giêsu, ông đã tìm cách để tha cho Người. Ông đưa Baraba và Chúa Giêsu để cho dân chọn lựa, vì ông nghĩ rằng một tên cướp giết người nguy hiểm như Baraba sẽ không phải là sự chọn lựa của đám đông. Tuy nhiên, các thượng tế và đám đông đã đến lúc mù quáng, họ chọn đứng hẳn về phía sự ác, qua việc xin tha Baraba và đòi đóng đinh Chúa Giêsu.
Lần thứ hai Philatô tìm cách tha Chúa Giêsu bằng việc nhắm vào lòng trắc ẩn của họ. Philatô cho đánh đòn Đức Giêsu để thoả mãn sự hung tợn của đám đông, sau đó dắt Chúa Giêsu ra trước mặt mọi người và tuyên bố: “Đây là Giêsu còn gọi là Kitô ta sẽ làm gì đây?”  Đám đông không một chút xót thương, đã đồng loạt hô to: “Đóng đinh nó vào thập giá!”  Philatô đã đành chịu thua trước sự ác. Ông đã không mạnh dạn để nói lên sự thật và bênh vực cho sự thật, dù ông có thể làm điều đó. Philatô đã trở thành người đồng lõa với sự ác, chính bản án của Philatô đã kết án tử cho Chúa Giêsu bằng việc đóng đinh Người vào thập giá.
Thưa quý OBACE, những sự kiện diễn ra trên chặng đường thương khó, cho thấy tình trạng đáng thương của nhân loại mà đại diện là những người Do Thái. Những người này đã để mình bị lệ thuộc và bị điều khiển bởi ma quỷ và sự ác. Họ để cho sự gian dối thù hận lấn át lý trí, họ đã từ chối ánh sáng để sống trong bóng tối. Các thượng tế và người Do Thái đã từ chối Đức Giêsu vua bình an, để tôn vinh ma quỷ làm vua làm chúa của họ. Chúa Giêsu đã không đáp lại sự gian dối bằng lý lẽ, không dùng bạo lực đáp lại bạo lực. Chúa đã đón nhận cây thập giá, là dụng cụ của kẻ gian ác đặt lên vai Ngài và biến nó thành dấu chỉ của tình yêu thương và sự tha thứ. 
Chúa Giêsu đã vác cây thập giá bất công ấy đi đến cùng đường, lên đến núi sọ. Cây thập giá chết chóc, giờ đây mang trên nó Đấng là nguồn sự sống; Cây thập giá của sự hận thù được Đức Giêsu đón nhận và biến nó trở thành biểu tượng của tình yêu và sự tha thứ. Chúa Giêsu đã vâng lời Thiên Chúa Cha hoàn toàn, để bước lên cây thập giá. Ngài giang tay để đón nhận tất cả nhân loại vào trong vòng tay của Ngài; Ngài để cho mũi đòng mở rộng cạnh sườn, mở cả trái tim để cho nhân loại được thanh tẩy, thứ tha và được tận hưởng dòng máu và nước của lòng thương xót. Trên cây thập giá, Ngài đã tuyên bố lời tha thứ và nài xin Thiên Chúa Cha tha tội lỗi cho toàn nhân loại: “Lạy Cha xin tha cho chúng, vì chúng lầm không biết.”
 Chứng kiến những bất công, sự dữ, sự xấu và bạo lực đang diễn ra chung quanh, chúng ta thường bị cám dỗ mất kiên nhẫn, muốn dùng bạo lực để trấn át bạo lực. Là Kitô hữu, chúng ta không làm ngơ dung túng cho bạo lực và sự ác, chúng ta được mời gọi phải góp phần giảm bớt sự ác và bạo lực trong thế giới này, bằng việc xây dựng hoà bình, nhân ái, gieo trồng nhiều hành vi yêu thương và tha thứ. Chúng ta bắt đầu ngăn chặn bạo lực từ trong gia đình, bằng việc mỗi thành viên cố gắng làm nhiều điều tốt đẹp cho nhau, kiên nhẫn để lắng nghe, cảm thông và tha thứ cho nhau. Trong mọi hoàn cảnh hãy lấy tình yêu để hóa giải mọi bất đồng, bất hoà.
Năm nay chúng ta không được đến nhà thờ để tham dự các nghi lễ, xin Chúa cho chúng ta và gia đình bước vào tuần thương khó cùng với Chúa Giêsu, học nơi Chúa Giêsu gương yêu mến và vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha, nhờ đó chúng ta cũng được tham dự vào niềm vui phục sinh và ơn biến đổi nên con người mới. Amen.
Lm.Giuse Đỗ Đức Trí

 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...