28/08/2019
653
Thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta chịu trảm quyết, lễ nhớ.   
ĐỪNG NHAM HIỂM NHƯ HÊRÔĐÊ
          Để dọn đường cho Chúa Giêsu đến cứu chuộc loài người, Thiên Chúa đã cho bà Isave son sẻ được sinh con. Người con đó là Gioan Tẩy giả. Lớn lên, ngài vào sống khổ hạnh trong sa mạc : Mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. (Mt 3,4).
          Năm 29 tuổi, thánh nhân đến sông Giođăng, rao giảng kêu gọi mọi người ăn năn sám hối và lãnh phép rửa sám hối của Ngài, để dọn lòng xứng đáng đón rước Chúa Cứu thế. Nhiều người đã đến lãnh nhận phép rửa thống hối, và xin ngài chỉ dạy cách thế để hoán cải đời sống. Chính Chúa Giêsu khi bắt đầu đi rao giảng Nước Trời, cũng đến nhờ Ngài làm phép rửa, để được Chúa Thánh Thần tấn phong làm Đấng Cứu Thế, và Chúa Cha công khai nhìn nhận là Con Yêu Dấu.
          Thời điểm Gioan Tẩy Giả làm phép rửa sám hối bên bờ sông Giorđan trùng hợp với lúc Hêrôđê Antipa làm quận vương cai trị xứ Galilê. Cuộc sống của ông có nhiều lầm lỗi nhưng lầm lỗi lớn nhất mà ai cũng biết đó là ông ngang nhiên lấy vợ của anh làm vợ của mình. Người đàn bà xấu nết đó là bà Hêrôđia. Thấy vậy, Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng công khai cảnh cáo và ngăn cản. Việc đó đã đến tai Hêrôđia làm cho bà hết sức tức giận. Bà đã yêu cầu Hêrôđê bắt giam Gioan Tẩy Giả. Gioan Tẩy Giả đã bị bắt giam nhưng bà ta vẫn chưa vừa lòng. Biết Gioan Tẩy Giả là một con người không thể mua chuộc cho nên bà luôn tìm dịp để giết ngài.
          Bà Hêrôđia quá căm thù Gioan và muốn giết Gioan. Mụ ta có thâm ý, thay vì không chịu thì lại cũng muốn lấy em chồng. Vô cùng xấu xa và nham hiểm. Vua Hêrôđê biết ông Gioan là người công chính thánh thiện nên sợ ông, và còn che chở ông, nhưng ông lại hèn nhát, cuối cùng ông cũng hóa nham hiểm khi nghe lời hai người phụ nữ lăng loàn trắc nết kia.
          Điều gì đến cũng đến. Và dịp thuận lợi đến! Đó là dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hêrôđê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê. Con gái bà Hêrôđia vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con”. Không chỉ có vậy, ông còn thề “độc” thế này: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được”.
          Sau đó, cô gái đi ra hỏi mẹ xem nên xin gì. Vốn thói trăng hoa và tính nham hiểm, con mẹ độc ác này đã “phán” ngay: “Đầu Gioan Tẩy Giả”. Lập tức cô vội trở vào, đến bên nhà vua và xin ban ngay cho cái đầu của ông Gioan Tẩy Giả. Thật là khốn nạn quá!
          Vua Hêrôđê buồn lắm, nhưng vì đã lỡ thề mà lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Chính vì sự sĩ diện hão đầy mình, ông lập tức hành động theo ý của hai mẹ con ác phụ kia mà làm ngơ tiếng nói chân chính của lương tâm. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông Gioan ở trong ngục, sau đó bưng ra cái mâm có thủ cấp của ông Gioan và trao cho ác nữ, rồi ác nữ trao cho ác mẫu. Một đoạn phim bi hùng!
          Ba con người nham hiểm cấu kết với nhau để hại người lành, chỉ vì “cái tội” dám nói thẳng nói thật. Hêrôđê vì hèn nhát mà hóa nham hiểm, vì xác thịt mà mù quáng; còn hai mẹ con kia vốn dĩ nham hiểm chỉ vì ích kỷ. Con mẹ nham hiểm đã đành, đứa con gái đã không can ngăn mẹ làm điều loạn luân, mà lại vào hùa với nhau. Ba góc nham hiểm và ba cạnh mưu mô tạo nên một tam giác độc ác.
          Sự nham hiểm làm cho cả ba người mù quáng: ác vương Hêrôđê mất khả năng phân định đúng – sai, ác phụ Hêrôđia và đứa con gái cùng đắm đuối trong tội lỗi: người mẹ muốn bỏ chồng để tư tình với em chồng, đứa con đồng lõa cũng muốn bỏ người cha để nhận người chú làm cha dượng. Một vòng loạn luân rối bù, và họ đã không thoát ra được!
          Với lệnh truyền của một bạo chúa, một chiếc gươm gieo, một chiếc đầu rơi trong ngục tối. Ðó là những diễn tiến đã kết thúc cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả, một biến cố mà Giáo Hội mời gọi chúng ta tưởng niệm hôm nay.
          Và rồi ta đã thấy một lời thề thiếu khôn ngoan, một quan niệm thiển cận về danh dự của một bạo chúa cũng như lòng hận thù của một hoàng hậu lăng loàn đã đưa Gioan Tẩy Giả vào cái chết. Nhưng đây là cái chết đã nâng ngài lên cao trên đài danh vọng, danh vọng của các vị tiên tri đích thực, vì Gioan cũng bị đau khổ, giam cầm và chết vì lời mình rao giảng.
          Gioan Tẩy Giả cũng đã tự ví mình là “tiếng kêu trong sa mạc: Hãy dọn đường lối cho ngay thẳng” và ngài đã đóng trọn vai trò này qua việc tích cực rao giảng và làm Phép Rửa thống hối. Tích cực vì ngài đã dám vạch mặt chỉ tên những vấp phạm của tất cả mọi người, không nể nang, không khiếp sợ, kể cả những tội lỗi của các vua chúa là những người nắm toàn quyền sanh sát thời bấy giờ, cụ thể là tội loạn luân của vua Hêrôđê và hoàng hậu Hêrôđiađê.
          Với tất cả những điều đó, Gioan Tẩy Giả đã sống để nói lên sự thật và đã chết để bảo vệ sự thật: sự thật về hiện tình của xã hội, sự thật về thực trạng của từng cá nhân và sự thật về chính mình. Gioan tuyên bố rõ ràng ngài không phải là Ðấng Cứu Thế, nhưng chỉ là người được kêu gọi để đóng vai trò Tiền Hô chuẩn bị cho ngày Ðấng Cứu Tinh sẽ đến.
          Thánh Gioan Tẩy Giả đã sống hoàn toàn đúng nghĩa của một vị ngôn sứ chân chính, đích thực, Ngài đã hoàn toàn đáp trả lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa: "Ngài đã không sợ hãi, lớn tiếng trước mặt các Vua Chúa. Ngài đã hiến mạng sống cho công bình và chân lý". Thánh Gioan Tẩy Giả đã vạch mặt chỉ tên mọi người sống bê tha, tội lỗi. Lời rao giảng sám hối và phép rửa cải tà qui chánh, cải hoá nội tâm của Ngài đã nói lên một sự thực muôn đời : “Tất cả đều phải sám hối và ăn năn".
          Thánh Gioan đã không chùn bước trước những thế lực mạnh nhất lúc đó là Hêrôđê. Ngài đã can đảm nói lên việc Hêrôđê cướp vợ của anh mình là Philíp, nàng Hêrôđia…Sự can đảm và cương quyết của Ngài đã bị cường bạo đè bẹp bằng lời hứa thật đê hèn và thô bạo. Nhưng cái chết của thánh Gioan Tẩy Giả đã minh chứng cho chân lý ngàn đời : "Sự thật sẽ giải thoát anh em". Gương sống của Thánh Gioan Tẩy Giả vẫn là lời mời gọi của mỗi Kitô hữu chúng ta trong đời sống thường ngày.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...