24/02/2017
712
Trước Hết Hãy Tìm Kiếm…
 
Không ai có thể làm tôi hai chủ… làm tôi tiền của”.
Trong chúng ta, chẳng ai dám thẳng thừng tuyên bố rằng: mình ‘làm tôi’ hay ‘làm đầy tớ’ tiền bạc đâu; nhưng hầu hết chúng ta đều sẵn sàng nhìn nhận: mình dành phần lớn thời giờ và công sức để lo kiếm tiền, vì đó là thực tế cuộc sống. Điều này thật tự nhiên và chẳng có gì là sai trái hay xấu xa cả, vì đó là qui luật sống bất thành văn áp dụng chung cho hết thảy mọi người, nhất là trong cái xã hội đầy cạnh tranh được gọi là văn minh tiến bộ ngày nay. Chính vì thế mà thực tế ít có ai bị sốc vì câu nói ‘không được làm tôi tiền của’, vì ai nấy đều đinh ninh rằng: mình phải lo kiếm tiền để sống thì có, còn làm tôi hay tôn thờ tiền bạc thì không bao giờ! Tuy nhiên không ít người trong chúng ta lại thấy khó chịu vì lời Đức Giêsu khuyến cáo: “Tiên vàn hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người… đừng lo lắng vì ngày mai!
Đã sinh ra trên đời, ngoại trừ một thiểu số những người may mắn được thừa hưởng một gia tài kếch sù nào đó, ai ai cũng đều phải lo kiếm sống thôi. ‘Lo cho ngày mai’ là: điều không những cần phải làm mà còn phải dạy cho con cái biết, để chúng có thể sinh tồn. Thiên hạ đã chẳng hết lời ca tụng những ai biết phòng thân, biết lo xa… biết làm ăn để có của dư của để là gì? Thậm chí người ta còn coi: đó là dấu hiệu của sự trưởng thành, là mục tiêu mà bất cứ đứa trẻ nào cũng cần đạt tới. Khi còn nhỏ, đứa trẻ sống vô tư bao lâu còn có cha có mẹ chăm lo cho…, nó quả rất hạnh phúc vì không phải lo lắng gì cho ngày mai! Tuy nhiên cha mẹ nào cũng tìm mọi cách cho con cái ăn học, chỉ vẽ chúng kinh nghiệm kiến thức… vì biết chắc một điều: một ngày kia chúng sẽ phải tự lập. Một khi phải xa lìa hoặc mất cha mất mẹ, tức là khi chỉ còn một mình trên đời không nơi nương tựa, thì biết phòng thân lo xa sẽ là điều cần thiết nhất!
Khi Đức Giêsu yêu cầu các thính giả của Người: “đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc…” chắc hẳn Người không đề cao một lối sống vô tư buông thả thiếu trách nhiệm. Điều mà Người thực sự muốn nói tới, sẽ liên quan tới điểm cốt lõi của Tin Mừng đó là: chúng ta có một Thiên Chúa ở trên trời, Người là Cha chúng ta hết thảy; Người là Đấng không những toàn năng vô song, mà còn đầy yêu thương nhân ái. Đức Giêsu kêu gọi những ai tin vào Người, muốn làm môn đệ của Người, thì cũng phải chia sẻ với Người tình phụ tử thâm sâu nhất đó, điều mà Người xuống trần chính yếu là để mạc khải cho loài người được biết. Con người không chỉ có một Thiên Chúa để mà thờ phượng, nhưng còn có một Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương để yêu mến. Cùng với Người, và trong tác động của Thần Khí nghĩa tử, họ sẽ không ngừng kêu lên: “Abba - Cha ơi!” Đức Giêsu đã bộc trực tuyên bố: tâm tình phó thác trẻ thơ là điều quí giá nhất của Tin Mừng, điều mà bất cứ người môn đệ nào cũng cần lưu giữ và phát huy: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại và nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18:3). Nói như thế tức là Người tuyên bố: bất cứ ai nói rằng mình tin vào Giêsu Kitô, thì cũng phải tin tưởng phó thác nơi Chúa Cha, Người Cha đầy lòng từ ái yêu thương không bao giờ bỏ rơi đàn con, bất chấp tình trạng thể lý hay tinh thần của chúng có là thế nào đi nữa. Do đó lo lắng thái quá cho ngày mai và chạy đôn chạy đáo kiếm tiền lo của có thể là biểu hiệu của phản bội niềm tin, của chối bỏ phó thác tin tưởng mà Tin Mừng đòi hỏi. “Đừng lo…” không đơn thuần chỉ là một lời khuyên mang tính luân lý để ngăn chặn lòng tham, nhưng là một cảnh báo liên quan trực tiếp tới đức tin Kitô hữu. Đối với các tín hữu, càng lo lắng cho ngày mai bao nhiêu thì càng tố cáo niềm tin của họ đặt nơi Thiên Chúa là Cha nhân ái đã dần phai nhạt, cũng như càng xa con đường Tin Mừng mà Đức Kitô đã vạch ra bấy nhiêu.
Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho!” Nếu Nước Thiên Chúa chính là mạc khải của Đức Giêsu về một Thiên Chúa – Abba đầy nhân ái, thì tìm kiếm Nước đó đương nhiên phải được hiểu là: tiên quyết hãy đón nhận và củng cố niềm tin tuyệt đối nơi Chúa Cha từ nhân. Còn nếu đức công chính của Thiên Chúa lại là tình yêu thứ tha của ơn cứu độ mà Chúa Cha thực hiện nơi Thập Giá Đức Kitô Giêsu, thì tìm kiếm đức công chính đó đương nhiên phải là nỗ lực sống bác ái yêu thương, và tha thứ cho cả thù địch (Mt 5:38-48 của CN VII thường niên năm A); trong nhận thức của các Kitô hữu, mối quan tâm này phải được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Kinh nguyện ‘Lạy Cha’, mà Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ Người, đúng là diễn tả một tâm tình sâu lắng nhất mà mọi Kitô hữu, trong tư thế con thảo đối với Cha trên trời, phải tha thiết biểu lộ. Trong kinh nguyện này ở phần một, họ ‘nguyện xin’ cầu mong cho Nước Thiên Chúa - vương quốc tình yêu được hiển trị; trong phần hai họ cam kết sống sự ‘công chính Tin Mừng’ qua tin tưởng phó thác và tha thứ yêu thương hàng ngày. Thản hoặc nếu còn vương chút lo lắng ‘sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây…’ thì cũng phải gói trọn trong tình con thảo với người Cha nhân ái trên trời, “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày”.
Phải chăng ‘đừng lo lắng vì ngày mai!’ là linh đạo nền tảng của Tin Mừng mà mọi Kitô hữu đều phải biểu hiện được điền này trong chính cái thế giới bon chen được gọi là văn minh hiện đại hôm nay? Phải chăng đây là sứ điệp chính mạnh mẽ nhất của Tin Mừng mà thế giới hôm nay mong được các ngôn sứ Kitô hữu lên tiếng loan truyền, để chỉ dẫn nhân loại tìm ra giải pháp tận căn cho các tranh chấp triền miên trong các lãnh vực xã hội, chính trị và kinh tế tài chánh v.v.? Để được như vậy, trước hết chính chúng tôi - các mục tử của Đức Kitô, phải là những người tiến sâu và xa hơn ai hết vào nền linh đạo tín thác này, đồng thời nêu gương cho giáo dân trong việc sống nền linh đạo rất Tin Mừng này trong đời sống bon chen và tất bật hôm nay.
Lạy Chúa Cha từ nhân, xin ban cho con hồng ân biết trọn vẹn tin tưởng phó thác trong vòng tay nhân ái của Cha. Như thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, con thà mất tất cả mọi ân huệ khác chứ không muốn mất niềm tin yêu phó thác phụ tử rất Tin Mừng này, là kho tàng quí báu nhất mà Thánh Tử Giêsu đã cất công xuống thế mạc khải cho biết. Xin Cha hãy dạy con trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, dù có đen tối và phũ phàng tới mấy, vẫn luôn biết thốt lên như Đức Giêsu trên thập giá với tất cả niềm tin yêu phó thác: “Con xin trao phó trọn mình con trong vòng tay nhân ái của Cha”. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Biết Vui Với Phận Mình
 
Cuộc sống luôn mang đến cho ta những chọn lựa. Có chọn lựa nên cũng có thể đúng hoặc sai. Nó có thể mang lại cho ta hạnh phúc hay nuối tiếc. Vui hay buồn. Tiếp tục hay từ bỏ. . .
 
Dẫu biết chọn lựa sẽ có rủi ro nhưng cuộc sống đòi buộc ta phải can đảm chọn lựa. Phải nắm cái này và bỏ cái kia. Vì dòng chảy cuộc đời luôn tiến tới khiến chúng ta không ngừng phải chọn lựa bỏ cái cũ để nắm bắt cái mới. Bỏ cái không phù hợp để nắm bắt cái phù hợp với hiện tại. Giống như chân phải bước tới. Dù chân trái hay chân phải bước trước. Điều đặc biệt là không thể cùng một lúc bước hai chân. Phải chọn một để bước tới. Nếu cứ phân vân, ta sẽ dặm chân tại chỗ.  . .
 
Lời Chúa hôm nay mới gọi chúng ta phải chọn lựa giữa Nước Trời và trần thế. Nước Trời thì vĩnh cửu. Trần thế thì mau qua. Chọn Nước Trời thì phải can đảm từ bỏ những bon chen của danh lợi thú. Chọn Nước Trời thì phải biết sống vui với phận mình để phó thác cho Thiên Chúa. Chọn Nước Trời là đứng về bên Chúa để bỏ đường tội lỗi. Chúa cũng hứa rằng: theo Chúa sẽ không bao giờ thiệt thòi vì hãy xem chim trời, hoa cỏ chúng không gieo không gặt thế mà chúng vẫn no đủ, sang trọng rực rỡ muôn màu. Chính Thiên Chúa đã làm nên mọi sự. Chính Ngài sẽ quan phòng mọi sự nếu chúng ta biết bước đi theo đường lối của Ngài.
 
Nói như thế không phải là chúng ta không làm vẫn có cái ăn. Chúa mời gọi chúng ta phải ra công làm việc nhưng làm trong sự quang minh chính đại, làm trong đường lối huấn thị của Chúa thì sẽ được Chúa chúc phúc cho cả đời này và đời sau. Chúa mời gọi đặt ưu tiên cho công việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài. Nếu phải chọn lựa thì cần phải dứt khoát thoát khỏi những tham lam vô độ về: của cải, danh vọng, thú vui trần thế mau qua mà chọn lựa giá trị Nước Trời vĩnh cửu.
Cuộc sống sẽ bình an nếu chúng ta biết vui với phận mình. Nghĩa là đón nhận cuộc sống hiện tại trong niềm tín thác vào Chúa. Không bon chen. Không tranh dành. Không cầu danh lợi. Biết khôn ngoan chọn lựa điều hằng sống mà can đảm bỏ qua những  phù phiếm trần gian.
 
Nhưng xem ra con người đâu mấy ai bình yên. Nhân gian vẫn cầu danh lợi, vẫn bon chen giành giựt nhau đã biến thế gian thành chiến trường tranh chấp. Con người không đủ niềm tín thác vào Chúa nên vẫn tự giải quyết mọi sự theo ý mình và có lợi cho mình, bất chấp lỗi công bình bác ái với tha nhân. Thế nên, ở đâu đó vẫn còn tiếng than trách vì Trời đã không thương nên làm ăn thua lỗ, vì trời đã bỏ rơi nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Ở đâu đó vẫn còn tiếng khóc của oan khiên, trái ngang vì bị người lường gạt, phản bội . . .
 
Lạy Chúa. Xin Chúa ban cho chúng con đủ niềm tin để tín thác vào Chúa. Cho dẫu cuộc đời vẫn còn đó khó khăn, vẫn còn đó thử thách nhưng cuối chân trời là ánh bình minh mà Chúa sẽ luôn mang lại niềm vui hạnh phúc cho chúng con. Xin Chúa củng cố đức tin của chúng con để luôn kiên vững giữa cuộc đời đầy tranh chấp, bon chen, nhờ đó mà giữ lòng luôn thanh thoát bình an. Amen
 
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Ai Đang Thống Trị Tâm Hồn Tôi?
 
Lòng tham lên ngôi thống trị
Ai đang điều khiển bản thân ta? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời.
Khi vừa mới nghe qua câu hỏi nầy, nhiều người sẽ vội đáp: Tất nhiên là lương tri tôi, lý trí tôi đang điều khiển tôi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy là không hẳn như thế.
 
Có nhiều thứ quyền lực đang thống trị và điều khiển bản thân ta mà chính ta cũng không hay biết.
 
Nơi người nầy, có thể là những ham muốn nhục dục đang thống trị; nơi người kia, có thể là sự khao khát danh vọng đang nắm quyền chỉ huy…
 
Nhưng có lẽ quyền lực lớn lao và mạnh mẽ hơn hết đang thống trị nhiều người là lòng tham lam.
 
Khi lòng tham đã lên ngôi, đã nắm quyền thống trị ai, thì lý trí, lương tri của người đó mất hết quyền chỉ huy bản thân mình.
 
Một số bác sĩ thừa biết thế nào là “lương y như từ mẫu”, nhưng lòng tham đang ngự trị trong tâm hồn đã thôi thúc các vị từ chối cấp cứu những nạn nhân nghèo không có tiền bạc, khiến họ phải chết cách oan ức.
 
Không ít thầy cô thừa biết thế nào là đạo đức nhà giáo, nhưng lòng tham đang thống trị trong lòng đã chỉ đạo cho họ bắt học sinh phải học thêm liên tục, để tăng thêm thu nhập cho mình, bất chấp các em phải học ngày học đêm, vừa cạn kiệt túi tiền, vừa khiến cho đầu óc tê liệt, thân xác rã rời!
 
Một số vị lãnh đạo thừa biết rằng tham ô là quốc nạn, là tội ác đối với dân tộc, nhưng lòng tham đang ngự trị trong tâm hồn sai khiến họ vơ vét không ngừng tài sản quốc gia.
 
Nói chung, lòng tham đang thống trị trong tâm hồn con người đã xui khiến, xô đẩy người ta thực hành đủ mọi hình thức tham ô, chiếm đoạt, sản xuất thực phẩm độc hại, lường gạt, giết người cướp của, mại dâm, buôn người… để thu lợi về cho mình, bất chấp thiệt thòi, mất mát, đau thương, khốn cùng… của bao nhiêu người khác.
 
Điều đáng sợ là trong xã hội ngày nay, lòng tham ngày càng thắng thế. Lòng tham từng bước truất phế lương tri, lý trí, lòng đạo đức nơi rất nhiều người để chiếm lấy vị trí thống trị trong tâm hồn và đời sống của họ; và điều đáng sợ hơn nữa là hầu như không có một quyền lực nào - ngoại trừ quyền lực của Tin mừng, của điều thiện - có thể lật đổ, truất phế lòng tham để cho lòng đạo đức và lương tri được lên ngôi.
 
Qua trích đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cảnh báo rằng nếu chúng ta để cho lòng tham thống trị là chúng ta truất phế Chúa ra khỏi tâm hồn và khỏi cuộc đời mình. Ngài nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.” (Mt 6, 24)
 
Một khi đã truất phế Thiên Chúa, lật đổ chân thiện mỹ, để cho lòng tham lên ngôi, thì cuộc sống con người sẽ sa đoạ và đau thương.
 
Chúa Giêsu kêu gọi truất phế lòng tham
Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng mê tham của cải vật chất khi Ngài tuyên bố: “Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó” (Mt 5,3) và đừng tích trữ “kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm cho hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách lấy đi, nhưng hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời…” (Mt 6, 19).
 
Chúa Giêsu hô hào chúng ta lật đổ, truất phế sự thống trị của lòng tham khi Ngài răn dạy: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam…” (Lc 12, 15); khi Ngài cảnh báo những người giàu có chỉ biết lo tích luỹ của cải đời nầy mà không biết chia sẻ cho tha nhân rằng: “Đồ ngốc! Nội đêm nay ta đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi tích trữ sẽ về tay ai?” (Lc 12,20).
 
Chúa Giêsu hô hào mọi người lật đổ, truất phế sự thống trị của lòng tham khi Ngài kết án những người sống xa hoa như ông nhà giàu chỉ biết vui hưởng của cải dư dật của mình mà không chia sớt cho Lazarô nghèo khổ thì sẽ phải chịu cực hình đời đời trong hoả ngục (Lc 16, 19-26).
 
Và đặc biệt, Chúa Giêsu kêu mời mọi người hãy đánh đổi của cải tạm thời để chiếm lấy kho tàng vĩnh cửu bằng cách chia sớt tài sản đời nầy cho người nghèo khổ để mai sau được vui hưởng hạnh phúc thiên đàng, Ngài nói: “Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm cho mình những những túi tiền, những kho tàng bất hoại trên trời…” (Lc 12,33).
 
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con kiên quyết lật đổ lòng tham, không để nó thống trị tâm hồn và cuộc sống chúng con và dứt khoát tôn Chúa lên làm vua thống trị đời mình, biết vâng lời Chúa dạy để tích luỹ kho tàng trên trời bằng cách rộng tay chia sẻ những gì mình có với anh chị em chung quanh.
 
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Bảo Hiểm Vĩnh Viễn
 
Ngày 9-6-2004, bà Võ Thị Khuyên có ký hợp đồng bảo hiểm mang tên “An sinh thịnh vượng 15 năm” với Công ty AIA. Theo đó, trong vòng 15 năm, bà Khuyên có trách nhiệm đóng cho Công ty AIA số tiền 100 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, khách hàng chẳng may tử vong sẽ được Công ty AIA thanh toán quyền lợi bảo hiểm tử vong là 100 triệu đồng.
        Hợp đồng bảo hiểm sẽ có hiệu lực sau khi bên mua hoàn tất hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và đóng đủ phí bảo hiểm lần đầu tiên. Mẹ ông Nghĩa đã chọn hình thức đóng phí bảo hiểm là 6 tháng/lần, số tiền mỗi lần đóng là 5.361.000 đồng. Bà Khuyên đóng phí bảo hiểm từ ngày 9-6-2004 đến ngày 30-9-2009 thì đột ngột qua đời. Tính đến thời điểm bà Khuyên chết, bà đã đóng phí bảo hiểm cho Công ty AIA với số tiền hơn 50 triệu đồng.
        Ông Nghĩa cho biết: “Sau khi mẹ tôi chết, phía Công ty AIA có đến chia buồn và yêu cầu gia đình đưa bản hợp đồng bảo hiểm bản gốc, giấy báo tử, hộ khẩu để công ty thanh toán số tiền là 106 triệu đồng. Nhưng sau đó, Công ty AIA có văn bản cho biết chỉ trả cho gia đình tôi số tiền là 28.881.000 đồng. Công ty cũng không trả lại hồ sơ bảo hiểm bản gốc mà chỉ trả lại bản photocopy cho gia đình tôi”.
        Không đồng ý nhận số tiền trên, ông Nghĩa gửi đơn khiếu nại và được Công ty AIA trả lời là do bà Khuyên đã bị bệnh trước khi ký kết hợp đồng bảo hiểm và đã không khai báo bệnh trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, nên không thanh toán tiền đúng như thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm đã ký.
        Ông Nghĩa bức xúc: “Trước khi ký kết hợp đồng, đại diện Công ty AIA có đưa mẹ tôi đi khám bệnh tổng quát. Bốn ngày sau lần khám đầu tiên, công ty tiếp tục đưa mẹ tôi đi khám một lần nữa. Cả hai lần khám, các bác sĩ đều tiến hành đo tim mạch, huyết áp, thử máu, phân, đường nước tiểu, điện tâm đồ. Kết quả là mẹ tôi không hề mắc bệnh. Tất cả quá trình từ việc chỉ định bác sĩ khám, nơi khám bệnh và chi phí khám bệnh đều do Công ty AIA chỉ định và thanh toán chi phí.
        Ông Nguyễn Xuân Việt Bình, cố vấn pháp lý Công ty AIA, cho biết: “Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi ký kết hợp đồng bảo hiểm, bà Khuyên đã có 3 lần điều trị bệnh tim và sau khi đã ký kết hợp đồng bảo hiểm, bà Khuyên cũng đã nhiều lần nhập viện nên chúng tôi từ chối thanh toán quyền lợi bảo hiểm theo hợp đồng đã ký. Mặt khác, bà Khuyên đã không khai là đã bị mắc bệnh vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm trước khi ký kết hợp đồng.” Ông Bình nói: “Chúng tôi căn cứ trên hồ sơ khai của bà Khuyên là không mắc bệnh nên không cho khách hàng khám chuyên sâu và không phát hiện được bệnh. Nếu khách hàng khai trong hồ sơ có bệnh thì chúng tôi sẽ khám kỹ và chắc chắn sẽ phát hiện bệnh.” Hiện ông Nghĩa đã khởi kiện Công ty AIA ra TAND TP Mỹ Tho, Tiền Giang. (Trường Hoàng, Rắc rối việc chi trả bảo hiểm, Người Lao Động)
        Công ty bảo hiểm đã vịn vào lý do khai báo tình trạng bệnh tật thiếu thành thật, để từ chối bồi thường thoả đáng. Tuy nhiên, đây không hẳn là lỗi hoàn toàn của khách hàng, mà còn là do đại lý không hướng dẫn tường tận, cùng các điều khoản trong hợp đồng thường cố tình in size chữ rất nhỏ, khiến khách hàng bỏ qua, dễ dàng sập bẫy, nên khiếu nại chỉ là con kiến kiện củ khoai. Tin Mừng thánh Matthêu hôm nay, Đức Giêsu quảng bá cho mọi người chương trình bảo hiểm vĩnh cửu, từ đời này sang đời sau.
        Chọn Chúa hay thế gian?
"Không ai có thể làm tôi hai chủ…” Đức Giêsu lập lại thêm, nhấn mạnh hơn nữa: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được.” Tiền bạc, của cải, danh lợi vốn mãnh liệt, có thể tiêu biểu cho quyền lực thế gian phù phiếm, dối gian, đen tối, chết chóc.
        Người không thể chấp nhận bất cứ ai đóng vai gián điệp nhị trùng, phục vụ cho cả hai thế lực đối nghịch. “Vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ,” vốn khôn khéo vụ lợi theo thế gian. Do vậy, Người buộc con người phải dứt khoát chọn lựa, theo Chúa hay theo thế gian. Dĩ nhiên chọn Chúa thì chịu nhiều thử thách, gian nan, đau khổ. Chọn thế gian thì vinh thân phì gia, sung sướng kiếp phù du.
 
Phó thác vào Chúa
Không cần ký kết hợp đồng, cũng chẳng buộc công chứng, Đức Giêsu luôn tôn trọng sự tự do của con người, chẳng bao giờ o ép bất cứ ai phải theo Người, mà luôn mở rộng vòng tay, mời gọi tất cả những ai vất vả, khốn đốn, đói khát, cơ cực đến nương tựa. “Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả cực nhọc."(Mt 11, 28 - 30). 
        Người ngạc nhiên thấy thiên hạ quá sức bận tâm, lo lắng, ráo riết tìm kiếm của ăn, áo mặc, mà quên mất tĩnh dưỡng thân xác và sống cao đẹp, hữu ích, nhân ái hơn. Thiên hạ chẳng lo chăm sóc tâm hồn an bình, linh hồn vững mạnh. Cũng chẳng tha thiết đời sau vĩnh cửu, vì thiên hạ đã từ chối Chúa hiện diện trong đời.
        Chim trời, hoa đồng chẳng gieo cấy, chẳng thu hoạch, cũng chẳng dệt sợi, may thêu, thế mà Chúa vẫn nuôi chim no nê, vẫn cho hoa xiêm y rực rỡ, “huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin.”
        Lo lắng cách mấy cũng chẳng có thể thay đổi được vóc dáng, thân phận, hay hoàn cảnh. Cớ sao không vui vẻ cảm tạ, chấp nhận quà tặng Chúa ban cho nhưng không? Khi lâm vào nguy nan, khốn khó, đau khổ, sao không tín thác, chạy đến Chúa an ủi, chở che, cứu thoát, giúp đỡ, vì Người phán: “Ơn Ta đủ cho con.” (2Cr 12, 9)
 
Tìm Nước Chúa
Mê muội với ma lực của cải, tiền bạc, phủ phê thân xác hưởng thụ, phó mặc lòng tham chi phối, chiều chuộng ham muốn nhục dục, vun đắp tánh kiêu ngạo ngông cuồng, làm sao nghĩ đến linh hồn, nhớ đến đời sau, ý thức rằng, Chúa vẫn hiện hữu, tồn tại trên cõi trần?  “Vì tham tiền là cội rễ mọi sự dữ. Cầu thỏa lòng tham, thì có kẻ đã lạc xa đức tin và bị bao nỗi đớn đau xâu xé.” (1Tm 6, 9-10)
        Tóm lại, “Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con.” Vậy muốn được sống đời, chỉ có độc đạo duy nhất là kiên quyết, trung thành đi theo Chúa, phó thác cho Chúa hết mọi sự lo toan ở đời.
“Cứ nghe theo Chúa dạy, rồi Chúa lo liệu. Mình tưởng mình lo liệu khôn hơn Chúa sao? Cứ chân thành phó thác, thì Chúa sẽ lo liệu tốt đẹp còn hơn mình tưởng.” (ĐHY Fx. Nguyễn Văn Thuận, Bài giảng 10 Điều Răn)
 
Lạy Chúa Giêsu, xin luôn thức tỉnh chúng con, đừng để chúng con sa chước cám dỗ thế gian, đắm đuối mê say của cải, hư danh, lạc thú, để chúng con luôn biết chọn Chúa làm lẽ sống cuộc đời.
        Kính xin Mẹ yêu thương, cầu bầu, che chở, nhắc nhủ chúng con đừng quá lo lắng sự đời, mà quên đi đời sau vĩnh cửu. Xin Mẹ luôn chỉ đường, dẫn chúng con về với Chúa nhân từ. Amen.
 
AM. Trần Bình An

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...