09/06/2020
2022
 
Thứ Tư Tuần 10 TN
Lời Chúa: Mt 5,17-19
17 "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. 18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.  19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.
Suy niệm
Chưa bao giờ chúng ta nghĩ rằng mức độ dã man của người dân Việt lại lên cao như vậy. Va quẹt giao thông cũng dẫn đến án mạng. Giết nhau đôi khi chỉ vì một điếu thuốc, một ly rượu. Giết nhau vì tình, vì tiền, vì quyền . .  . mỗi ngày thêm độc ác và lan rộng hơn. Tại sao một số lớn thanh niên nam nữ lại có thể hành động thiếu nhân tính như vậy? Nguồn cội của vấn đề có phải phát xuất từ gia đình, xã hội, trường học hay đạo đức của cộng đồng? 
Nếu Chúa Giê-su sinh ra trong cuộc đời hôm nay Ngài sẽ kiện toàn điều gì? Thưa, Ngài vẫn kiện toàn tình yêu. Tình yêu sẽ giúp người ta có bình an và trao ban bình an. Tình yêu sẽ giúp con người sống liên đới với nhau. Khi gia đình thiếu vắng tình yêu sẽ đầy đọa nhau và khi xã hội không còn tình yêu sẽ để cho bạo lực lên ngôi. Cuộc sống con người sẽ là một sa mạc khô cằn. Chúa Giê-su Ngài đến để kiện toàn lề luật khi Ngài đưa tình yêu làm linh hồn của lề luật. Và hôm nay Ngài vẫn mời gọi chúng ta hãy sống yêu thương và hãy tiếp tục kiện toàn tình yêu cho nhân thế. Tình yêu không dừng lại ở việc bác ái, cảm thông. Tình yêu còn đòi hỏi ta phải dấn thân đẩy lùi sự dữ và bảo vệ lẫn nhau. Xin cho Chúa chúng ta biết lắng nghe lời Chúa và thực thi trong cuộc sống.  
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giê-su  ,
Một ngôi nhà đẹp đến đâu mà thiếu vắng tình người thì cũng hoang tàn, lạnh lẽo. Một xã hội tiến bộ đến đâu mà thiếu vắng tình người cũng trở thành hoang địa khô cằn. Xin cho các gia đình đang thiếu vắng tình yêu tìm được sự trợ giúp từ tình yêu của Chúa để họ tha thứ cho nhau, để họ dâng hiến cho nhau, và mang lại hạnh phúc cho nhau. 
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết làm vui lòng nhau hơn là đòi người khác quan tâm đến mình. Xin dạy chúng con sống yêu thương phục vụ cho nhau như Chúa đã yêu thương chúng con.Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Ý HƯỚNG CỦA LUẬT
            Trên bước đường rao giảng Tin Mừng, đã nhiều lần, nhóm Pharisêu và Kinh sư phê phán Chúa Giêsu, họ cho rằng Ngài xem thường lề luật. Thế nhưng, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại khẳng định, Ngài đến không phải để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn lề luật. Ngài kiện toàn lề luật bằng hai cách: Thứ nhất, Đức Giêsu cho thấy lề luật được lập ra nhằm phục vụ con người, chứ con người được tạo nên không phải để tuân giữ luật. Thứ hai, Chúa Giêsu kiện toàn bằng cách nội tâm hóa lề luật. Nghĩa là lề luật được tuân giữ không dựa vào mặt chữ bên ngoài, nhưng hệ tại cõi lòng con người. Từ hai nguyên tắc kiện toàn trên, Đức Giêsu lần lượt trưng dẫn một loạt các khoản luật Môsê, trưng dẫn không phải để hủy bỏ nhưng để cho thấy Ngài kiện toàn như thế nào.
            Thoạt đầu, ki nghe những giáo huấn của Chúa Giêsu, nhiều người lầm tưởng là Ngài đến để hủy bỏ luật Môsê. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa đã khẳng định một cách rõ ràng rằng Ngài đến không phải để hủy bỏ nhưng để kiện toàn lề luật. Chúa Giêsu đến dạy cho con người biết tình yêu là giá trị và quy luật cao cả nhất của cuộc sống. Chỉ khi có tình yêu thì lề luật mới làm cho con người cảm thấy tự do đích thực. Ngài dạy chúng ta biết giữ luật không phải vì bổn phận nhưng là vì lòng mến. Chúng ta phải giữ luật theo ý hướng của Chúa Giêsu thì mới trở thành công dân Nước Trời.
             Lề luật là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. “Ngày Sabbát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabbát” (Mc 2,27). Đã là phương tiện thì phải nhằm phục vụ mục đích. Để đạt một mục đích thì không chỉ có một phương tiện duy nhất. Hơn nữa, khi không thể đạt mục đích hay đang đi lệch mục đích thì phương tiện không còn cần thiết và nhiều khi phải từ bỏ nó. Luật giao thông có ra là nhằm giúp những người tham gia giao thông được đi lại dễ dàng, thuận lợi và nhất là được an toàn. 
            Ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới quy định “đi phía bên phải”. Giả dụ một người đang lái xe máy đang đi bên phải mà bỗng có một em bé từ lề phải chạy, người lái xe khi ấy vì không thắng kịp nên đã lái xe qua phía bên trái. Chắc chắn không một ai quy kết người kia lỗi luật giao thông. Cái phương tiện là luật đi bên phải lúc bấy giờ cần phải bỏ qua vì không thể đạt mục đích mà thậm chí còn trái với mục đích là bảo đảm an toàn giao thông.
            Trên núi Sinai, Đức Chúa trao cho ông Môsê hai bia đá có khắc Mười điều luật để ông trao cho dân Ítraen như một giao ước thánh. Lề Luật Thiên Chúa ban ra là để phục vụ con người đồng thời giúp con người tìm về thánh ý Thiên Chúa. Tuy nhiên, luật đã bị méo mó do cách giải thích và thực hành quá tỉ mỉ và nặng hình thức của Pharisiêu và kinh sư. Lề Luật, thay vì diễn tả giao ước tình thương lại trở thành gánh nặng, thay vì phục vụ lại đè bẹp con người. Và khi chứng kiến những lời nói, hành động của Chúa Giêsu, những người này cho rằng Chúa Giêsu muốn phá bỏ lề luật của người Do Thái.
            Chúa Giêsu đã khẳng định: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”. Đức Giêsu không gạt bỏ Luật của Thiên Chúa được trao cho Môsê. Ngài sẽ giải thích lại Luật ấy cho đúng với ý Thiên Chúa, vì chẳng ai biết rõ ý Cha bằng Con. Do vậy, Chúa Giêsu không đến để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện trong Sách Thánh. Người thực hiện và đưa đến mức độ viên mãn tất cả những gì Thiên Chúa đã hứa. “Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” 
            Chúa đến không phải hủy bỏ lề luật, nhưng để kiện toàn. Chúa kiện toàn khi cho thấy không chỉ việc xâm phạm sự sống, mới là tội, nhưng cả khi làm hại tâm hồn cũng là một điều dữ. Xin cho chúng con đừng bao giờ làm hại phẩm giá tha nhân bằng những lời nói hành, nói xấu, vu khống, hoặc gây thiệt hại tâm hồn tha nhân, nhất là gương xấu cho giới trẻ. Chúa kiện toàn lề luật khi dạy chúng con: tội không chỉ là những hành động bên ngoài, mà tội còn đến từ lòng người, vì từ lòng người là nguồn tuôn đổ hành động. Nguồn có sạch thì hành động bên ngoài mới thiện hảo. Xin cho chúng con luôn nhớ tâm địa quanh co sao gặp được hạnh phúc, để chúng con tập sống công chính đẹp lòng Thiên Chúa để Chúa ngự trị và từ đó sẽ phát sinh những lời nói và hành động tốt lành.
            Xã hội chúng ta đang sống cũng có biết bao nhiêu thứ luật lệ. Luật lệ được đặt ra nhằm đảm bảo cũng như phục vụ cho nhu cầu và lợi ích của con người. Nhưng ngày nay cũng có những điều luật phá vỡ tình người, làm băng hoại đạo đức và đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa như: cho phép ly dị, phá thai, hay chấp nhận hôn nhân đồng tính… Giáo hội không đồng tình với những đạo luật này. Là những người Kitô hữu, chúng ta có chọn đứng về phía Giáo Hội? Chúng ta có thấy những luật lệ của Giáo hội làm mất sự tự do của chúng ta chăng? Luật giữ ngày Chúa nhật hay luật hôn nhân Công giáo có làm mất đi sự thoải mái của chúng ta trong cuộc sống không? Thái độ của chúng ta trong việc thực thi những điều luật này như thế nào?
            Luật yêu thương là luật tối thượng. Chúa Giêsu đã nhiều lần minh định về giới răn: Kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn, đồng thời yêu thương tha nhân như chính mình (Mt 22,34-40; Mc 12,28-34; Lc 10,25-28). Dù xác đinh là giới răn trọng nhất, nhưng chúa Giêsu đã phân thành hai điều trên dưới khác nhau là mến Chúa và yêu người. Chính nhờ biết kính mến Thiên Chúa nên chúng ta mới có thể yêu thương tha nhân vượt quá cảm tính thường tình để rồi có thể yêu thương cả kẻ thù, yêu thương người bắt bớ, làm hại mình (Mt 5,43-48). 
            Tuy nhiên, tương tự như các bậc mẹ cha thường đón nhận việc con cái yêu thương, đùm bọc lẫn nhau là cách thế báo hiếu mẹ cha tuyệt vời nhất thì Thiên Chúa đã đoái nhận việc con người yêu thương nhau thật tình là cách thể tỏ bày lòng mến Chúa tuyệt hảo. Sau khi giảng dạy dân chúng nhiều điều thì Chúa Giêsu đã tóm gọn: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7, 12; Lc 6, 31).
            Nhìn thực tế cuộc sống hôm nay, hầu như mọi người chúng ta đều vẫn giữ luật « Chớ giết người ». Nhưng chúng ta còn chưa biết tôn trọng tha nhân. Nhiều người tín hữu viết chửi bới nhau trên các phương tiện truyền thông như internet, facebook… Những lời bình luận của chúng ta nhiều khi gay gắt phê phán, đánh giá hồ đồ chủ quan đã gây hậu quả khó lường... Tuy chúng ta không ra tay giết người, nhưng do sự không tôn trọng phẩm giá của con người là tạo vật cao quý của Thiên Chúa, … là chúng ta cũng có thể đã giết người rồi đấy.

            Ý nghĩa của lề luật và tinh thần giữ luật mà Chúa Giêsu đòi hỏi phải là con đường dẫn người ta đến tình yêu, đến hiệp thông và đỡ nâng nhau. Chúa Giêsu mặc cho tinh thần giữ luật chiếc áo của tình yêu, để những ai biết giữ luật, người đó phải biết yêu thương. Yêu thương là cốt lõi của mọi lề luật. Xin Chúa giúp chúng tan biết cảm thông, chia sẻ và yêu thương tha nhân như chính mình.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...