29/04/2016
1071

TRONG VÀ NGOÀI TÌNH YÊU

Trong những năm qua, nước ta phải trải qua hai thiên tai khốc liệt. Thiên tai gây nên những thiệt hại trầm trọng về vật chất và tinh thần. Nhưng cũng chính trong thiên tai đã xuất hiện những nét đẹp của tình người.
Qua báo đài, tôi đã thấy nhiều Đức Giám mục, Linh mục mặc quần soọc áo may-ô chèo thuyền đi thăm viếng, khích lệ các nạn nhân. Nhiều cao tăng hoà thượng vận động tín đồ Phật tử tham gia công tác cứu trợ. Nhiều nữ tu đứng ra tổ chức công việc cứu trợ có khoa học và hiệu quả. Nhiều nhà thờ, nhà chùa, tu viện trở thành nơi tiếp đón các gia đình lâm nạn. Biết bao bộ đội, công an xả thân, liều lĩnh vượt qua sóng to gió lớn để cứu hộ các nạn nhân. Cả nước hướng về những nơi hoạn nạn đã đành. Cả những anh chị em ở nước ngoài cũng đau đớn khi khúc ruột trong nước đau đớn. Nên Việt kiều ở nước ngoài cũng đã vận động quyên góp, tổ chức những đoàn cứu trợ về thăm viếng và uỷ lạo các nạn nhân bão lụt. Nhiều cơ quan thiện nguyện nước ngoài cũng nhập cuộc. Tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, màu da, ngôn ngữ, khuynh hướng chính trị, giai cấp đang quy tụ lại để khắc phục thảm hoạ. Toàn cầu hoá với sự bùng nổ thông tin đang làm cho các nước xích lại gần nhau. Gần gũi không chỉ về không gian, nhưng nhất là về tấm lòng. Mọi người liên đới với nhau trong việc chống lại cái ác và cùng nhau đề cao sự thiện, lòng nhân ái. Đó là dấu chỉ cho thấy Lời Chúa đang được thực hiện.
Tuần trước khi Chúa Giêsu nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con thương yêu nhau”, Người đã cấp thẻ quốc tịch cho những kẻ thuộc về Người. Căn tính của những kẻ thuộc về Người không phải là mầu da, ngôn ngữ hay phong tục tập quán, nhưng là trái tim. Người ta nhận ra thần dân của Người không phải bằng chiều cao, sức nặng, nhưng bằng tình yêu.
Hôm nay, khi nói: “Ai yêu mến Thầy thì giữ Lời Thầy. Và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy”, Chúa Giêsu đang vẽ nên biên cương Nước Chúa. Biên cương này không xác định bằng rừng núi, sông biển, nhưng bằng tấm lòng. Chúa Giêsu không giới hạn Nước Chúa trong 4 bức tường nhà thờ vì Nước Chúa là Tình Yêu. Vì thế, điều quan trọng không phải là ở trong hay ngoài nhà thờ, nhưng là ở trong hay ở ngoài tình yêu. Ai ở ngoài nhà thờ mà ở trong Tình Yêu thì người ấy đã ở trong Nước Chúa. Trái lại, những ai ở trong nhà thờ mà không có Tình Yêu, thì người ấy vẫn còn ở ngoài Nước Chúa.
Rồi xã hội sẽ chẳng còn phân biệt hữu thần với vô thần. Nhưng sẽ chỉ có một phân biệt duy nhất: hữu tâm và vô tâm. Người hữu tâm là người có trái tim rộng mở, biết chạnh lòng thương xót, biết chia sẻ, phục vụ. Người vô tâm là người lòng chai dạ đá, trái tim khép chặt, chỉ biết trau chuốt bản thân. Người vô thần mà có trái tim nhân ái thì đã thuộc về Chúa. Hữu thần mà tâm hồn tàn nhẫn độc ác thì đã bị loại trừ ra khỏi Nước Chúa rồi.
Nhìn như thế, Nước Chúa thực là rộng lắm. Những người thuộc về Nước Chúa thực là đông đảo. Những người có trái tim yêu thương tạo nên thành Giêrusalem mới như ta nghe trong bài đọc thứ I hôm nay. Thành Giêrusalem mới có cửa mở ra 4 phương tám hướng để đón nhận mọi người từ khắp nơi tuốn về. Thành không có Đền Thờ vì thành được xây bằng yêu thương. Mà ở đâu có yêu thương thì ở đó có Thiên Chúa ngự trị. Thành không cần đèn đuốc vì Thiên Chúa tình yêu là ánh sáng cho thành. Gạch xây thành là những trái tim chan chứa yêu thương nên thành trở nên một khối pha lê trong suốt, như một viên ngọc quý toả ánh sáng tới khắp muôn dân.
Trong số những người có trái tim, xây dựng nên thành Giêrusalem mới ấy, tôi thấy có nhiều người trong anh chị em. Trong những năm qua số người tham gia công tác từ thiện bác ái ngày càng đông. Người âm thầm, kẻ công khai. Người góp của, kẻ dâng công. Tôi thấy rõ là anh chị em đang phấn đấu để ở trong tình yêu. Tôi thấy rõ là anh chị em đang rèn luyện để trở nên người hữu tâm.
Xin tình yêu Chúa thanh luyện trái tim ta không ngừng, để mỗi trái tim chúng ta trở thành một viên gạch trong suốt như pha lê, góp phần xây dựng thành Giêrusalem mới cho tình yêu Thiên Chúa ngự trị. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
  1. Chỉ đi lễ, đi đọc kinh thôi, đã đủ làm công dân trong Nước Trời chưa? Bạn có quan tâm giúp đỡ những người kém may mắn chung quanh bạn không?
  2. Bạn có phấn đấu để hãm dẹp tính ích kỷ, chia rẽ và phát triển tình yêu thương tha thứ trong tâm hồn bạn không?
  3. Bạn nghĩ gì về những người ngoại đạo tốt? Họ có phải là con Chúa không?
  4. Trong và ngoài Giáo Hội. Trong và ngoài tinh thần. Bạn quan tâm tới điều nào hơn?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 
TẠI SAO LẠI TỎ MÌNH RA CHO CON?
Trong bài diễn từ tiễn biệt rất dài (từ cuối chương 13 cho tới hết chương 17 của Phúc âm Gio-an) Đức Giê-su đã mất nhiều công sức để trấn an các môn đệ Người. Chắc hẳn lúc đó các ông đang trong rơi vào tình trạng rất bồn chồn lo lắng, tương tự như một nhóm học sinh ôn thi gần tới ngày ra trường. Các ông muốn ghi nhớ hết mọi lời Thầy nói, từng chi tiết một, nhưng lại có nguy cơ quên mất điểm chính yếu. Và điều chính yếu đó không phải là những bài học từ chương về các điều Thầy dạy dỗ, nhưng là bộc lộ bản chất đích thực của Thầy Giê-su – Lời tối hậu của Thiên Chúa. Việc tỏ lộ này rõ ràng chỉ dành cho các môn đệ là những người thâm tín nhất đã theo Thầy suốt bằng ấy năm: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Nếu nắm bắt được nội dung lời trăn trối này, chúng ta sẽ có cơ may hiểu thấu được cái cỗi lõi của niềm tin Ki-tô hữu của mình.
Nắm giữ Lời là điều tối quan trọng trong việc duy trì tương quan với Thầy Giê-su, kể cả khi Người đã ra đi. “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy…Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Lời đó chắc chắn không chỉ đơn thuần là các bài thuyết giảng mà Người đã từng tuyên giáo trên khắp các nẻo đường xứ Ga-li-lê và Giu-đê trong ròng rã 03 năm trời; trong số đó có những bài thật ý nhị và độc đáo, chẳng hạn bài bàn về các mối phúc hay các câu chuyện dụ ngôn. Nhưng cho dầu có tuân giữ được mọi lời Ráp-bi Giê-su giảng dạy đi nữa thì điều đó cũng đâu có thể làm cho “Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. Lời đây hẳn là một điều gì rất đặc biệt mà Người đã từng khảng định: “không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy”. Lời mà Người nhân danh Chúa Cha đến trần gian để nói lên cho bằng được, và chỉ có thể nói cho các môn đệ thâm tín nhất là những kẻ đã tin Người mà thôi.
Lời này sẽ không hề dễ hiểu ngay cả đối với người môn đệ. Hồi đó, cho tới lúc Thầy sắp ra đi, các môn đệ vẫn còn cảm thấy dội. Mỗi lần Thầy Giê-su đề cập tới sự tự hiến thập giá và đau khổ Người sẽ phải chịu tại Giê-ru-sa-lem, không một ai trong số họ không lớn tiếng phản đối, can ngăn. Nhất là khi Người khảng định ai nhìn thấy Thầy tự hiến là nhìn thấy Chúa Cha, nhìn thấy vinh quang đích thực của Cha… thì không một môn đệ nào có thể hiểu nổi (xem Ga 14,8-11). Đức Giê-su biết rất rõ điều đó. Cần phải có một can thiệp đặc biệt, can thiệp của Thần Khí. Các môn đệ cần đấng Bảo Trợ “sẽ được sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”. Phải, để hiểu được Lời của Giê-su Thập giá, hiểu được Tình Yêu tự hiến và cứu độ của Thiên Chúa, dứt khoát cần tới sự can thiệp của Thánh Thần. Người thường thì chỉ có thể hiểu được các lời khuyên dạy, các câu chuyện dụ ngôn, các lời dạy dỗ đầy khôn ngoan từ miệng Ráp-bi Giê-su phán ra, nhưng để hiểu chính con người và hành động của Giê-su Ki-tô là Lời của Thiên Chúa, nhất là khi Lời đó được vang lên, không phải trên bục giảng mà là trên thập giá, thì trí khôn con người, cho dầu xuất chúng tới mấy đi nữa (kể cả bộ óc kỳ tài như Albert Einstein chẳng hạn), cũng không thể nào nắm bắt được.
 
Ồ, thật vậy sao? Ngay cả một Linh mục lới tuổi như tôi mà vẫn cứ đinh ninh rằng: hiểu và giữ lời Chúa thì chỉ cần một chút thông minh và thiện chí; và thông minh - thiện chí cũng là điều tôi vẫn thường lớn tiếng đòi kêu gọi anh chị em tín hữu phải có. Nhưng có lẽ chính tại vì thế mà cho tới giờ này tôi có thấu hiểu được gì về Lời Tình Yêu - Thập Giá đâu… và các giáo hữu nghe tôi giảng có lẽ cũng chẳng hiểu được gì nốt. Tôi chăm chú suy tư, lo dọn bài giảng hơn là dành thời giờ cầu nguyện, lo trình bày cho khôn khéo hơn là tin tưởng vào tác động của Đấng Bảo Trợ đang ngự trong tâm hồn các tín hữu. Trên tòa giảng, tôi lo tạo ấn tượng trên các thính giả mình hơn là tìm cách đóng trên họ dấu ấn của Thần Khí.
 
Và dấu ấn của Lời đó trong Thần Khí thật rõ ràng: “Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi… Thầy để lại bình an cho anh em… Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”. Lời Thầy Giê-su – Thiên Chúa xót thương không bao giờ là lời đe dọa. Lời đó không tạo áp lực ép buộc, cũng chẳng tạo căng thẳng bao giờ. Lời Thầy Giê-su sẽ luôn lan tỏa an bình, thư thái cho cả những tâm hồn đã phạm phải những tội tầy trời nhất: “Ta không kết án, hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa!”. Tôi, một linh mục của Đức Ki-tô, có thật sự mang Lời bình an này tới tâm hồn mọi tín hữu, nhất là những tâm hồn chìm đắm trong tội lỗi đang rất cần tới Lời đó hơn bất cứ ai khác không? Và để làm được điều đó, không một ai khác có thể giúp tôi hơn là Thánh Thần, Đấng ủi an.
 
Lạy Chúa Giê-su là Lời đích thực của Thiên Chúa Cha giầu lòng thương xót, xin đổ Thần Khí xuống trên con, để con hiểu được Lời Tình Yêu, nhất là mỗi khi con cử hành Thánh Lễ. Nếu chính con chưa một lần hiểu và giữ được Lời Tình Yêu đích thực, nhất là qua biểu lộ của Thánh Thể - Thập Giá, thì làm sao con có thể mở miệng loan truyền Lời Chúa cho các anh chị em tín hữu. Có thể con đã giảng lời Giê-su quá nhiều, nhưng đã giảng Lời-Chúa quá ít. Xin chỉnh đốn tình trạng thiếu xót trầm trọng này nơi con. Xin đổ tràn ngập tâm hồn con thứ bình an độc đáo của Chúa, xuất phát từ cảm nghiệm bản thân về lòng Chúa Xót Thương, để con - linh mục của Chúa - cũng có thể loan báo và thông truyền Tin Mừng đầy an ủi này cho mọi người, nhất là cho các tội nhân bất hạnh và bị đầy đọa nhất. Amen
 
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB
 
 
  
SỐNG ĐẠO CHÂN TÌNH
 

Có một huyền thoại kể rằng: ngày kia một vị thiên thần rảo khắp đường phố, một tay cầm một ngọn đuốc còn tay kia xách một thùng nước. Người đi đường lấy làm lạ hỏi thì thiên thần giải thích : “Với ngọn đuốc này, ta sẽ thiêu rụi hết những toà nhà trên thiên đàng ; còn với thùng nước này, ta sẽ dập tắt hết mọi đám lửa dưới hoả ngục”. Người ta càng ngạc nhiên hơn nữa và hỏi tại sao. Thiên thần giải thích : nhờ đó mà Thiên Chúa sẽ biết những ai yêu mến Ngài thật lòng. Bởi vì, có những người sống tốt chỉ vì phần thưởng thiên đàng và cũng có những người giữ luật chỉ vì sợ hình phạt hoả ngục.

 
Ở thời đại nào cũng có những con người giả dối. Ở môi trường nào cũng có những con người sống thiếu chân thành, sống hai mặt. Họ sống tốt, sống đẹp không phải bởi tình yêu chân tình mà chỉ là đóng kịch để khoe mình hay để kiếm bổng lộc. Có những người vì lợi nhuận, vì danh vọng họ sẵn sàng luồn cúi, sống thiếu chân thật để đạt được ý định của mình. Cũng có những người vì sợ mất việc, sợ bị đuổi việc nên sống giả hình. Cách sống và làm việc của họ không vì tình yêu mà chỉ vì bổng lộc. Họ bất chấp lối sống giả dối, hai mặt miễn sao đạt được mục đích của mình.
 
Cách đây một thời gian, báo tuổi trẻ đã phát động phong trào “nói không với giả dối”. Nhiều người tham gia ý kiến, nhiều người đều có chung nhận xét : Ở Việt Nam bây giờ, có quá nhiều gian dối trong lời nói và việc làm. Nói dối nhiều nên mất niềm tin nơi nhau. Ra ngoài thương trường không nói dối thì thiệt thòi, và quá tin người cũng thiệt thân. Thế nên, người người nói dối. Nhà nhà nói dối . . . . Một xã hội không thật sẽ làm nghiêng cán cân công lý . Một xã hội không còn sống thật thì con người sống bên nhau chỉ toan tính hại nhau và tìm vụ lợi cho bản thân của mình.
 
Ai cũng biết sống gian dối là tội lỗi. Ai cũng biết gian dối sẽ mang lại rất nhiều bi kịch cho xã hội.  Nhưng dường như, ai cũng để cho gian dối lên ngôi. Gian dối trong gia đình khi vợ chồng thiếu chung thủy với nhau. Gian dối trong học đường khi người người chỉ biết chạy theo thành tích. Gian dối trong thương trường khi người ta chỉ cần có lợi nhuận mà không cần biết hậu quả thiệt hại tới tha nhân.
 
Trong đời sống tôn giáo, sự gian dối là sống đạo mà thiếu tình yêu. Họ sống đạo không phải vì yêu Chúa mà vì muốn khoe mình hay chỉ muốn an phận đời sau. Cũng có khi họ sống đạo chỉ vì sợ đau khổ hỏa ngục đời sau. Một đời sống đạo thiếu tình yêu sẽ làm cho con người cảm thấy tôn giáo là một gánh nặng. Họ sống đạo, giữ đạo theo kiểu chiếu lệ, làm cho xong, làm cho đủ lễ nghi. Một đời sống đạo thiếu tình yêu sẽ chỉ chú trọng tới hình thức bên ngoài như tổ chức lễ thật lớn, quần áo thật đẹp, đi hành hương thật nhiều . . ., nhưng trong lòng vẫn ngổn ngang những tham sân si, những thói hư tật xấu. Một đời sống đạo không có tình yêu như là những mồ mả đẹp bên ngoài nhưng trong lòng thì đầy sâu bọ . . .
 
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: “Giữ lời Chúa thì phải yêu mến Ngài”. Tình yêu là lý do để chúng ta tuân giữ lời Chúa. Chính nhờ tình yêu mà việc chúng ta tuân giữ lời Chúa thật êm ái, nhẹ nhàng. Chính tình yêu khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi luôn được sống trung tín với Chúa. Giống như một đứa trẻ, giữ lời cha mẹ không phải vì phân thưởng, hay sợ đòn roi mà vì tình yêu dành cho cha mẹ. Nó sẽ cảm thấy việc giữ lời cha mẹ không là một gánh nặng mà là một niềm vui. Ngược lại, nó sẽ cảm thấy nặng nề khi phải giữ lời cha mẹ chỉ vì sợ mà thiếu tình yêu.
 
Ước gì đời sống đạo của chúng ta luôn là dấu chỉ cho tình yêu chân thành với Chúa. Xin cho chúng ta luôn xác tín rằng Chúa là Đấng tạo dựng nên ta, là Đấng yêu thương ta vô cùng, thế nên, ta phải đền đáp ơn Ngài bằng việc tuân giữ lời Ngài trong tình yêu. Amen
 
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
 
  
XÂY THÁNH ĐIỆN CHO THIÊN CHÚA BA NGÔI
 
        Xưa kia, vua Đa-vít ước ao xây một ngôi thánh điện thật nguy nga tráng lệ cho Thiên Chúa. Vua nói với Ngôn Sứ Na-than: “Ông xem, tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải!”
Nhưng khi được biết Chúa không muốn Đa-vít xây đền thờ cho Chúa vì tay ông đã vấy nhiều máu quân thù, thì vua Đa-vít ủy thác cho người kế vị là vua Sa-lô-mon thực hiện cho bằng được ước vọng của mình.
Thế rồi vua Đa-vít thiết lập bản thiết kế của Đền Thờ với đầy đủ mọi chi tiết và căn dặn Sa-lô-mon phải kiên quyết thực hiện cho bằng được. (Sử biên niên I, 28)
Vua Đa-vít cũng chuẩn bị sẵn và để lại cho Sa-lô-môn rất nhiều vàng, bạc, đồng, sắt, gỗ quý, ngọc báu, đủ loại đá quý có nhiều hoa văn tuyệt đẹp và rất nhiều cẩm thạch. Bao nhiêu vàng bạc của mình, vua hiến hết vào việc xây dựng thánh điện. Ngoài ra, vua còn huy động toàn dân tham gia đóng góp cho công cuộc xây dựng nhà Chúa. Hưởng ứng lời kêu gọi của nhà vua, cộng đồng dân chúng rộng tay đóng góp rất nhiều vàng, bạc, đá quý để xây dựng công trình vĩ đại nầy. (Sử biên niên I, 29)
 
Hôm nay, vì thiếu thốn tiền bạc và vì khả năng rất hạn chế nên không ai trong chúng ta dám ước mơ đích thân xây dựng đền đài hay thánh điện cho Thiên Chúa. Xây một căn nhà bé nhỏ cho ít người ở, ta còn chưa làm được, huống gì những công trình to tát, lớn lao.
 
Vậy mà qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su bảo đảm với chúng ta rằng mỗi người trong chúng ta vẫn có thể xây dựng được đền thờ cao đẹp cho ba Ngôi Thiên Chúa  ngự trị; loại đền thờ nầy không những rất cao đẹp mà còn được Thiên Chúa vui thích ngự trị đêm ngày nữa.
Làm sao chúng ta có thể làm được việc thần kỳ như thế? Lấy vàng bạc, đá quý, châu ngọc… đâu mà làm?
Rất đơn giản và ít tốn kém. Chỉ cần mỗi chúng ta biết yêu mến và tuân giữ Lời Chúa là công trình sẽ được hoàn thành, như lời Chúa Giê-su quả quyết: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy." (Ga 14,23)
 
Thế thì chính khi chúng ta yêu mến và tuân giữ Lời Chúa Giê-su dạy thì Chúa Cha, Chúa Con (mà bất cứ ở đâu có Chúa Cha và Chúa Con thì cũng có Chúa Thánh Thần) đem lòng yêu mến chúng ta, cùng hiện diện với chúng ta và ở lại trong chúng ta. Thế là ngay lúc đó, thân xác chúng ta trở nên thánh điện của ba Ngôi Thiên Chúa, một thánh điện được Thiên Chúa vui thích chọn làm nơi cư ngụ của mình.
 
Thế là Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay soi sáng cho chúng ta hai điều:
Thứ nhất, nếu chúng ta chấp nhận lắng nghe và thực hành Lời Chúa phán dạy, thì chúng ta không còn là tạo vật thấp hèn nữa mà đã được nâng lên thành cung điện của Vua Trời, được trở nên thánh điện của Thiên Chúa tối cao. Về điểm nầy, thánh Phao-lô trong thư Cô-rinh-tô (IC 6,19) nhắc lại: “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao.”
 
Thứ hai, cũng theo lời thánh Phao-lô trong thư nói trên, chúng ta đừng quên thờ phượng và kết hiệp với Thiên Chúa ngay nơi bản thân mình: “Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.” (IC 6,20)
 
Thánh Ô-gút-ti-nô đã có một trải nghiệm quý báu về điều nầy. Trong thời thanh xuân, Ngài đã khắc khoải tìm kiếm Chúa suốt cả chục năm trời ở nhiều nơi mà chẳng gặp. Mãi đến tuổi ba mươi, ngài mới khám phá ra Chúa ở ngay trong tâm hồn mình. Bấy giờ với tâm hồn tràn đầy hoan lạc, Ô-gút-ti-nô thưa với Chúa: "Lạy Chúa, con yêu Chúa quá muộn màng. Chúa vẫn ở trong con, đang khi con mải lo tìm Chúa bên ngoài."
 
Ước gì chúng ta không phải hối tiếc vì đã vòng vo tìm Chúa cách vô vọng như thánh Ô-gút-ti-nô trong buổi đầu, trái lại sớm được hạnh phúc hoan lạc vì tìm gặp Chúa ngay trong bản thân mình.
 
Lạy Chúa Giê-su,
- Xin cho chúng con biết quý trọng thân xác chúng con là ngôi đền thờ uy linh cao cả có Ba Ngôi Thiên Chúa hằng ngự trị.
- Xin cho chúng con quyết tâm thanh tẩy đền thờ đáng quý trọng nầy nếu nó bị ra nhơ uế vì tội lỗi và thói hư.
- Xin cho chúng con biết tôn tạo, nâng cấp đền thờ nầy bằng các nhân đức và phẩm chất cao đẹp.
Và nhất là xin cho chúng con hằng biết gặp gỡ và kết hợp với Chúa đang hiện diện trong ngôi đền thờ cao cả là chính bản thân con.
 
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
                     

BÌNH AN
 
Nếu trong nếp nghĩ của người Việt nam chúng ta, tiếng chào được đặt ở vị trí cao hơn mâm cỗ, thì trong nếp sống của người Do thái, tiếng chào bình an xem ra lại được đặt ở vị trí cao hơn. Đó không phải là lời chào thuần tuý đầu môi chót lưỡi nghi thức xã giao vốn đã ăn sâu trong tập tục nhiều dân tộc. Mà còn là lời chúc nồng ấm tinh thần đạo giáo. Chào chúc bình an cho ai không chỉ là chúc cho người đó được bình an mạnh khoẻ tươi vui thành công trên đường đời, mà còn ước mong sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng là nguồn cội bình an ở với người ấy.
 
Hôm nay, trong những lời cuối cùng của bữa tiệc Ly, Chúa Giêsu cũng nói với các môn đệ về ơn bình an Ngài sẽ ban tặng cho các ông như một di sản. “Thầy để lại bình an cho anh em. Bình an Thầy ban cho anh em không như bình an thế gian ban tặng”. Bình an Chúa Giêsu mang đến cho trần gian là bình an các thiên thần đã loan báo trong đêm Chúa giáng trần. Là bình an Chúa dặn các môn đệ mang đến cho dân trên mỗi chặng đường loan báo Tin mừng của các ông. Nhưng ơn Bình an ấy chỉ được ban tặng thật sự khi Con Thiên Chúa vượt qua cái chết thập giá, và phục sinh vinh quang. Như thế, bình an, đối với Chúa Giêsu chính là niềm vui được ươm gieo trên mỗi chặng đường khổ giá, là sự sáng bừng lên trên đồi cao thập tự, và là sức sống mới đâm chồi từ ngôi mộ trống vào rạng đông của ngày thứ nhất. Đó là sự bình an của những tâm hồn thiện chí thao thức với nỗi khổ của người đồng loại, trăn trở về một cuộc sống tốt đẹp hơn, về một thế giới hòa bình, chứa chan tình huynh đệ. Bình an của Chúa Giêsu không phải là lối sống dễ dãi, an phận không bị ai quấy rầy, cũng không phải kiểu sống thác loạn, phóng túng, nhưng là sự bình an đâm rễ trong tâm hồn. Bình an đó đòi con người phấn đấu không ngừng để vượt thoát vỏ ốc của cái tôi, vượt thoát pháo đài kiên cố của hưởng thụ. Bình an đó chỉ có được khi con người khuất phục được kẻ thù ghê gớm nhất của sự sống là tính ích kỷ của chính mình, là phá bỏ mọi cách ngăn để có thể làm hòa với Thiên Chúa, với bản thân và với người khác.
 
Nói một cách khác, ơn bình an Chúa Giêsu để lại cho các môn sinh của mình không đặt trên uy quyền, thế lực, hay sức mạnh của đồng tiền. Nhưng là hoa trái của tình yêu, là phải được dựng xây bằng những viên đá của chính trực, công bằng và lòng nhân ái. Tắt một lời là bình an của Chúa chỉ có được khi “ anh em yêu mến Thầy và giữ lời Thầy”. Vì sao vậy? thưa, vì “nếu anh em yêu mến Thầy và giữ lời Thầy thì Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. Mà nơi nào có Chúa Cha, Chúa Con thì cũng có Chúa Thánh Thần, như thế làm sao tâm hồn con người có thể hiềm thù, nổi loạn, chiến tranh khi lòng mình có Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn Bình an tuyệt đối ngự trị. Hơn nữa khi yêu mến Thiên Chúa thì sẽ thúc đẩy con người yêu thương nhau, tha thứ cho nhau, mà khi có tình yêu, có lòng tha thứ chắc chắn con người sẽ không bao giờ thiếu vắng bình an.
 
Vì thế, để xứng đáng lãnh nhận bình an của Chúa, mỗi người chúng ta hãy mau mắn tuân giữ các lời dạy của Ngài bằng cả tấm lòng thành của mình. Chúng ta hãy can đảm sống theo lời dạy của Chúa và tuân theo các giáo huấn của Hội Thánh với cả niềm tín thác, cậy trông. Nhất là xin Chúa ban cho chính lòng mình tràn ngập bình an, để sống với anh chị em xung quanh. Sau nữa là xin Chúa tiếp tục tuôn đổ bình an cho thế giới, để nhân loại biết yêu thương và tha thứ cho nhau. Xin Chúa hãy làm cho mọi người hiểu rằng, giết chết bình an thì dễ, nhưng để có bình an, khó lắm. Nếu đã không nỗ lực để kiến tạo bình an, thì cũng đừng tìm cách chà đạp bình an của thế giới, của lòng người, nhất là đối với những người vô tội. Còn nếu mỗi người chúng ta đều hết lòng khiêm tốn đón nhận và vâng giữ lời Chúa với cả tấm lòng thành như thế, mỗi người chúng ta sẽ có được bình an sâu thẳm trong tâm hồn. Amen.
 
Lm Paul Nguyễn Nguyên
 
 
 
QUÀ TẶNG CỦA CHÚA
 
Sau khi chiến tranh lạnh vừa kết thúc (1991), thế giới chưa kịp hưởng thái bình được bao lâu, thì sự kiện ngày 9/11/2001 trên đất Mỹ, đánh dấu thảm họa khủng bố bắt đầu lan tràn trên toàn cầu. Phập phồng mối lo sợ sự dữ không hề thuyên giảm, mà càng ngày càng dồn dập lan nhanh khắp nơi.
 
Mới đây, ngày 15/4/2013  xảy ra vụ khủng bố tại đích đến của cuộc thi marathon Boston, khiến dân chúng Hoa Kỳ càng thêm kinh hoàng. Trong khi đó, cả thế giới còn đang lo lắng chiến tranh hạt nhân, đe dọa châm ngòi bất cứ lúc nào từ Bắc Triều Tiên.
 
Như thế nền hòa bình, sự bình an của thế gian chỉ tạm bợ, bấp bênh và rất phù du. Còn sự bình an trong tâm hồn mỗi người cũng phù phiếm và bất định không kém.
 
Hôm nay qua Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu lại trao ban sự bình an. “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ. hãi.” (Ga 14, 27)
 
Bất an
Ngay từ khi Adam và Eva phạm tội, con người bắt đầu nếm mùi sợ hãi, bất an. Cả hai hoảng sợ, trốn tránh, xấu hổ, khi Thiên Chúa tìm đến họ nâng đỡ, an ủi. Sự bất an kéo đến xâm chiếm con người, khi mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người bị phá vỡ bởi tội lỗi. Thành ra con người mới cảm thấy bơ vơ, lạc lõng giữa môi trường dù quen hay lạ.
 
Hệ lụy tiếp theo, con người cảm thấy bất an với chính đồng loại, khi Thiên Chúa không còn hiện diện trong cuộc sống, không còn là nơi nương tựa. Sự tham lam, giận ghét, ghen tuông, thù hận, theo cái ác phát triển như như cỏ dại, như gai góc, như thú dữ xuất hiện ngay trong Vườn Địa Đàng, sau khi xảy ra tội nguyên tổ. Cain đã lạnh lùng giết chết Abel, em ruột. Các cuộc xung đột giết chóc phát sinh vô tận giữa các bộ lạc, sắc tộc và dân tộc, liên miên suốt chiều dài lịch sử nhân loại.
 
Trong thâm tâm mỗi người, sự lo lắng bất an luôn đi cùng suốt cuộc đời, từ khi chào đời đến khi xuôi tay, nhắm mắt. Con người luôn cảm thấy yếu đuối, bất lực trước phong ba, bão táp, nghịch cảnh.
Khi Chúa Cứu Thế Giáng Sinh, món quà đầu tiên Người gửi đến nhân loại chính là hai chữ bình an: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm!” (Lc 2, 14)
 
Bình an
Chỉ con người thiện tâm, trở về với Nguồn Cội là Thiên Chúa, mới có thể đón nhận sự bình an, tặng phẩm Giáng Sinh cao quý. Sám hối trở lại, hàn gắn mối giao hòa với Thiên Chúa, từ bỏ tội lỗi, những đam mê xác thịt, những quyến rũ trần thế, những tham, sân, si, nghi, mạn, ác, con người mới xứng đáng đón nhận hồng ân bình an.
 
Điều tiên quyết khi đã trở về theo Chúa, chính là bỏ mình, bỏ tất cả con người cũ tội lỗi, chấp nhận đau thương, thánh giá Chúa gửi đến, sống theo Lời Hằng Sống, chấp nhận lội ngược dòng, chịu sỉ nhục và bắt bớ, nhục hình.
 
Ông Phêrô đã toan trốn khỏi thành Roma để khỏi chịu khổ nạn, thấy Chúa Giêsu đi ngược trở vào thành. Ông kinh ngạc liền hỏi: “Quo Vadis?” (Thầy đi đâu vậy?) Chúa đáp: Romam Vado iterum crucifigi." (Thầy đến Roma để chịu đóng đinh lần nữa). Nghe vậy, ông Phêrô bèn hối lỗi, giác ngộ, trở vào thành an tâm tiếp tục sứ vụ, để cuối cùng được phúc tử vì đạo, bằng cách chịu đóng đinh ngược. Nhờ đồng hành cùng Chúa, ông Phêrô mới cảm thấy bình an, dù đứng trước ngay thách đố sinh tử. (Henryk SienkiewiczQuo Vadis)
 
Khi đã thành tín giao hòa cùng Chúa, con người mới có thể giao hòa với tha nhân, với anh em mọi người, quen biết cũng như xa lạ, thân thiết cũng như thù địch, mà tâm hồn vẫn bình an, thanh thản, vô ưu. Do vậy, các thánh nhân mới can đảm và bình thản chịu nhục hình cho đến hơi thở cuối cùng.
 
Tái củng cố mối liên kết với Chúa, con người mới có thể thân thiện với tạo vật, với môi trường. Mới tôn trọng, gìn giữ môi trường xanh, sạch và đẹp. Mới thân thiết, yêu quý các loại động vật hoang dã. Đáp lại, môi trường không bị hủy diệt, tận diệt, không bị biến đổi khí hậu, không bị ô nhiễm, hay sa mạc hóa, mà trở nên Vườn Địa Đàng, hành tinh xanh đáng sống và đáng yêu.
 
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa,
Để con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Đem thứ tha vào nơi lăng nhục,
Đem an hòa vào nơi tranh chấp,
Đem chân lý vào chốn lỗi lầm;
Đề con đem tin kính vào nơi nghi nan,
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng;
Đề con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm,
Đem niềm vui đến chốn u sầu. (Lm Kim Long, Kinh Hòa Bình)
 
Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết noi gương Thánh Gia, để con nhận được quà tặng bình an viên mãn của Chúa trao ban.
 
AM Trần Bình An
 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...