10/02/2017
1236
CHÚA NHẬT VI TN A:
TÌM CHÚA VÌ YÊU MẾN HAY TÌM SỰ DỄ DÃI?
Ngay sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành Tông huấn: Niềm vui Tình yêu, nói về các vấn đề của gia đình ngày nay, nhiều người nghĩ rằng, Đức Thánh Cha đã làm một cuộc cải cách trong Giáo Hội. Có một vài vị giám mục cho rằng, Đức Thánh Cha hủy bỏ những giáo huấn trước đây của Giáo Hội về vấn đề Hôn Nhân, chấp thuận cho các cặp vợ chồng đổ vỡ, ly dị tái hôn hoặc được xưng tội rước lễ bình thường. Văn phòng báo chí tòa thánh liền sau đó đã có lời giải thích chính thức cho rằng: Những ai mong đợi Đức Thánh Cha loại bỏ những định chế hôn nhân Công Giáo quả là một sai lầm; những ai vội vàng cho rằng các cặp ly dị được tái hôn hoặc xưng tội rước lễ bình thường là hiểu sai ý của tông huấn.
Qua tông huấn Niềm vui Tình yêu, Đức Thánh Cha không hủy bỏ quy định truyền thống của Giáo hội, nhưng Ngài mời gọi mọi người cần có một cái nhìn thông cảm, không loại trừ những người đang gặp cảnh đổ vỡ trong hôn nhân, vì họ cũng là thành viên của Giáo hội, cần được yêu thương và nâng đỡ. Tông Huấn của Giáo hội mời gọi mọi người khám phá ra ý định của Thiên Chúa nơi đời sống hôn nhân gia đình, giá trị và nét đẹp của hôn nhân, chứ không nhằm đem lời Chúa để hợp thức hóa cho tình trạng cá nhân của con người.
Ngày xưa, khi Chúa Giêsu xuất hiện, Ngài rao giảng lòng xót thương của Thiên Chúa, mời gọi mọi người sống Tin Mừng với một niềm vui và hạnh phúc. Những người Do Thái, kể cả các môn đệ, cảm thấy như bị gò bó bởi luật của Cựu ước, vì thế, họ nghĩ rằng, Chúa Giêsu sẽ đem đến một luật mới, hoàn toàn hủy bỏ luật cũ. Họ chờ đợi một lối sống dễ dãi tự do, không gò bó, không quy định, nói đúng hơn, họ không muốn chấp nhận một thứ luật nào cả. Chúa Giêsu đã không hứa hẹn như thế. Chúa không bãi bỏ luật Mose, nhưng còn tuyên bố, Ngài là Đấng Kiện toàn và làm cho luật của Thiên Chúa đi vào tâm hồn và cuộc sống của con người: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm một phẩy trong lề luật sẽ không bị bỏ qua, cho đến khi được hoàn tất.
Nhiều người có thói quen giữ luật vì sợ phạm tội, sợ bị phạt, nhưng Chúa Giêsu muốn chúng ta giữ luật của Ngài với một tầm mức cao hơn, hoàn thiện hơn và đó là giữ luật vì tình yêu đối với Thiên Chúa. Các Luật sĩ và Biệt phái bị Chúa Giêsu chê trách bởi vì họ chú tâm giữ luật để khỏi vi phạm, nhưng lai không biết mình giữ luật để làm gì, giữ luật vì ai, hoặc tại sao phải giữ luật. Những người này giữ luật không phải vì Chúa, nhưng vì bản thân. Họ muốn tỏ ra là người công chính thánh thiện, nhưng trong lòng không có lòng mến và không có sự bao dung. Vì vậy, họ dễ dàng lên án những người bị coi là không chu toàn lề luật.
Chúa Giêsu muốn chúng ta không chỉ giữ luật theo mặt chữ như: chớ giết người, chớ làm nhục anh em, chớ thù hận…, nhưng Ngài muốn chúng ta đi vào trung tâm của lề luật, đó là loại trừ nguyên nhân có thể khiến người ta vi phạm luật. Anh em nghe luật xưa dạy: Chớ giết người, ai giết người thì bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Bất cứ ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Ai rủa anh em mình là quân phản đạo, thì đánh bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. Như thế có nghĩa là không chỉ khi giết người mới là tội ác, mà ngay cả khi gây tổn thương hạ nhục anh chị em thì cũng đáng bị kết án rồi.
Đàng khác, khi nguyền rủa anh chị em, giận hờn anh chị em, là chúng ta đã loại trừ họ ra khỏi tâm hồn và sự quan tâm của mình. Khi để lòng thù ghét giận dỗi với anh em, thì chính trái tim và tâm hồn của ta bị khô héo và bị chết. Một người đã đóng cửa lòng với anh chị em, thì cũng không thể mở tâm hồn ra với Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu còn đòi hỏi rất mạnh: Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại trước bàn thờ, trở về làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Chúa muốn chúng ta đến với Chúa phải có một tâm hồn thanh thản, bình an, một đôi tay trong sạch, một tương quan không bận vướng. Ở đây Chúa Giêsu nói: Khi sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh. Điều này có nghĩa là, cho dù ta không phải là người gây ra chuyện bất bình, mà là người kia; cho dù sự việc xảy ra đã lâu ta không còn nhớ, mà lúc đó chỉ chợt nhớ lại, thì cũng phải chủ động tìm đến để làm hòa với người anh em đó trước khi dâng của lễ. Chỉ khi làm hòa với anh em, có được tương quan tốt đẹp với người khác, thì của lễ và lời cầu nguyện của ta dâng lên Chúa mới có thể được Chúa chấp nhận.
Như thế, việc thực hành lề luật của Chúa và các đòi hỏi trong đời sống đạo không phải là một gánh nặng, cũng không phải chỉ để khỏi vi phạm, nhưng là để chúng ta vươn tới sự hoàn thiện. Tin Mừng của Chúa Giêsu và lề luật của Ngài giúp nâng chúng ta lên khỏi mọi hình thức nô lệ, giúp ta sống trong sự tự do của con Thiên Chúa. Chúa Giêsu không hứa hẹn một cuộc sống tự do buông thả, nhưng Ngài mời gọi chúng ta, một khi theo Ngài phải bước vào con đường hẹp của Tin Mừng. Đó là con đường tự nguyện từ bỏ và hy sinh, tự nguyện đón nhận và tuân giữ những giới răn của Chúa. Chúa không muốn chúng ta theo Chúa trong sợ hãi, nhưng trong tin tưởng yêu thương và phó thác. Chúa không muốn chúng ta theo Chúa cách hời hợt a dua theo đám đông hoặc theo cha truyền con nối, nhưng theo với một sự ý thức và với quyết tâm thể hiện lòng mến cá nhân của mình. Như thế, mọi sự ù lì lười biếng, hoặc thái độ nệ luật sợ hãi, đều không thích hợp với người môn đệ của Chúa.
Có nhiều người dân ngoại vẫn cho rằng, theo đạo sao khó thế? Đạo Công Giáo sao có nhiều luật lệ thế? Thánh Phaolô cho biết, khi chúng ta tự nguyện chon sống theo giới răn lề luật của Chúa Kitô là chúng ta chọn lựa cách khôn ngoan. Sự chọn lựa này khiến cho người đời, dân ngoại khó hiểu, khó chấp nhận, nhưng Thiên Chúa đã soi sáng, mạc khải cho ta và Thánh Thần ban sức mạnh giúp chúng ta đón nhận Tin Mừng và giáo huấn của Chúa với niềm vui hân hoan giúp ta chu toàn giới răn lề luật của Thiên Chúa.
Suy nghĩ của nhiều người ngày nay cũng giống như những người Do Thái ngày xưa. Nhiều người theo đạo nhưng không có lòng mến Chúa, họ giữa đạo chỉ theo thói quen hoặc do sợ vi phạm lề luật. Cụ thể, nhiều người đến nhà thờ dâng lễ chỉ vì luật bắt buộc, vì thế ngày Chúa Nhật họ đi lễ cho qua lần, đứng ở một góc nào đó, hoặc tìm một chổ ngồi bên ngoài, mà không quan tâm đến việc chính mình phải dâng lên Chúa của lễ tạ ơn sau một tuần lễ làm việc. Có những người chỉ lo khỏi vi phạm luật Chúa mà không quan tâm đến các mối tương quan với anh chị em. Vì thế, bên ngoài hoặc ở nhà thờ, họ tỏ ra rất tốt, nhưng về với cuộc sống gia đình hoặc với lối xóm họ cư xử rất tệ.
Trong đời sống hôn nhân gia đình và xã hội, nhiều người có đạo nhưng vẫn bỏ ngoài tai giáo huấn của Chúa và Giáo hội. Họ tìm cách tránh né hoặc tìm cách biện minh cho hành động sai trái của mình. Thay vì phải đối chiếu cuộc sống bản thân cho phù hợp với giáo huấn của Chúa, thì ngược lại, họ bóp méo Lời Chúa để biện minh cho sự sai trái cố chấp của mình.
Xin Chúa cho chúng ta luôn biết tìm Chúa và giáo huấn của Ngài và thực thi với lòng yêu mến cách tự do. Xin cho chúng ta đi vào cốt lõi những đòi hỏi của Tin Mừng, giúp ta trưởng thành hơn trong đời sống đức tin,yêu mến Chúa và anh em mốt cách chân thành hơn. Xin cho chúng ta mỗi lần đên đây dâng của lễ, thì cũng biết can đảm đi bước trước hàn gắn lại các tương quan của chúng ta với anh chị em để của lễ và lời cầu xin của chúng ta dâng được chúa thương tình đón nhận. Amen.
 Lm.Giuse Đỗ Đức Trí

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...