10/03/2015
431

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (Mt 5, 13-16)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại?  Muối đó không còn sử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó. "Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời".

Muối cho đời

Trong những dịp cuối năm, các bản tổng kết tình hình đều đánh giá cao những đóng góp của Giáo hội đặc biệt trong lãnh vực giữ gìn đạo đức xã hội. Nơi nào có đồng bào Công giáo sinh sống, tệ nạn xã hội không có hoặc có rất ít. Nghe những nhận định trên, tôi rất vui vì thấy anh chị em tín hữu đang sống đúng tinh thần trở thành muối cho đời như lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay.

Khi nói đến muối Chúa Giêsu có ý dạy các môn đệ về cách thế hiện diện trong xã hội.

Đó là một hiện diện khiêm nhường

Hạt muối thật bé nhỏ. Chẳng ai chú ý tới sự hiện diện của nó. Bên cạnh thịt, cá, rau cỏ, muối chỉ đóng vai phụ. Người ta trưng bày những món ăn đắt tiền. Người ta giới thiệu những món ăn cầu kỳ. Không thấy ai trưng bày muối. Chẳng có ai giới thiệu muối trong bữa tiệc lớn. Xét về giá trị kinh tế, muối chẳng đáng giá bao nhiêu. Đó là một hiện diện quên mình.

Muối có đó nhưng không ai thấy muối. Không chỉ vì muối bé nhỏ khiêm nhường mà vì muối phải tan biến đi. Phải tan biến đi muối mới có tác dụng. Muối ướp vào thịt cá mà không tan đi thì không thấm được vào thớ thịt, thớ cá, không giữ cho thịt tươi cá tốt được. Muối gia giảm vào cá kho, thịt rim, nước canh mà không tan đi thì khi ăn phải, người ta sẽ nhăn mặt bỏ đi. Chỉ khi tan biến đi, hoà tan vào thịt, cá, rau cỏ, muối mới có ích lợi. Muối phải hiện diện nhưng lại phải tiêu huỷ đi thì mới có ích.

Đó là một hiện diện tích cực.

Tuy bé nhỏ khiêm nhường và vắng mặt, nhưng hiện diện của muối là một hiện diện tích cực. Tích cực vì góp phần bảo trì thực phẩm khỏi hư thối, vì nâng phẩm chất món ăn. Tích cực vì là một thành phần hầu như không thể thiếu trong các món ăn. Tuy không thấy và không nói ra, nhưng ai cũng ngầm hiểu trong mỗi món ăn đều có muối.

Khi dùng muối làm hình ảnh minh hoạ, chắc chắn Chúa Giêsu cũng muốn cho các môn đệ của Người có những đặc tính của muối.

Người muốn các môn đệ của Người sống giữa nhân loại như muối ở trong thức ăn. Người muốn các môn đệ của Người hiện diện thật kiêm nhường như những hạt muối bé nhỏ. Người muốn các môn đệ của Người hiến thân mình cho nhân loại như những hạt muối hòa tan trong thực phẩm.

        Nhưng để sự hiện diện bé nhỏ khiêm nhường mang yếu tố tích cực, các môn đệ phải giữ được vị mặn của muối.

Vị mặn, đó là lòng yêu mến Chúa mặn nồng, là tình yêu tha nhân mặn mà, là sống tinh thần Tám Mối Phúc như Chúa dạy trong bài Tin Mừng tuần trước.

Giữ được vị mặn của Phúc Âm và hiện diện âm thầm trong phục vụ quên mình, người môn đệ Chúa sẽ thực sự góp phần bảo vệ nền đạo đức của xã hội. Dù không muốn, họ vẫn trở thành ánh sáng soi trần gian.

        Lạy Chúa, Chúa tin tưởng con, nên đã gọi con là muối trần gian. Xin cho lòng con yêu mến Chúa tha thiết, để đem cho đời hương vị tình yêu. Amen.

          KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Bạn nghĩ gì về hình ảnh hạt muối?

2- Làm muối, dễ hay khó?

3- Bạn đã bao giờ cảm thấy niềm vui được chìm đi để anh em được nổi nang chưa?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Muối cho đời

Kể từ Hiến Chế Lumen Gentium lừng danh của Công Đồng Va-ti-can II người ta dần trở nên quen thuộc với khái niệm Hội Thánh phải là ánh sáng, ánh sáng soi chiếu muôn dân. Phụng vụ cũng liên tục dùng biểu tượng ánh sáng để chỉ Đức Ki-tô, sứ điệp Tin Mừng của Người, đồng thời cũng chỉ toàn bộ đời sống Ki-tô hữu. Vì thế câu định nghĩa Đức Giê-su dùng để nói về các kẻ tin theo Người “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” quả có một tầm quan trọng rất đặc biệt.

Kiểu nói ‘nêu gương sáng’ của người Việt dễ làm chúng ta hiểu câu nói “chính anh em là ánh sáng cho trần gian” theo ý nghĩa thông thường: các Ki-tô hữu phải trở nên gương mẫu về đời sống đạo hạnh, có nền luân lý lành mạnh đáng cho mọi người khâm phục… Cũng vậy, cách nói ‘con cái ánh sáng’ được thư Ê-phê-sô (5,8-14), 1 Thê-xa-lô-ni-ca (5,5-6), 1 Phê-rô (2,11-12) sử dụng cũng dễ làm chúng ta liên tưởng đến nội dung luân lý tương tự: “Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật. Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa” (Ep 5,8-10).

Đức Giê-su dùng hai hình ảnh bổ sung: “Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”. Hình ảnh ‘muối’ được đặt trước, vì nó gây ấn tượng mạnh hơn với các thính giả Do Thái.

Đối với người Do Thái, công dụng trước hết của muối là ướp thực phẩm để bảo quản, chứ không đơn thuần là gia vị làm cho thức ăn thêm đậm đà, như cách hiểu phổ thông của chúng ta ngày nay. Sách Dân Số nói: các tư tế được trao cho ‘một giao ước muối muôn đời tồn tại, cho ngươi và dòng dõi ngươi’ (18,19). Qua việc cử hành cặn kẽ các bổn phận tế tự, họ sẽ làm cho giao ước đã được ký kết với Gia-vê tồn tại mãi mãi trong Ít-ra-en. Người Do Thái sau này hiểu rộng ra rằng, nhờ việc trung thành nắm giữ luật Mô-sê, họ sẽ làm cho Giao Ước Si-nai tồn tại mãi mãi qua các thế hệ. Trong ý nghĩa này thì chính họ sẽ là ‘muối ướp Giao Ước’, là ‘ánh sáng cho đời’ giữa các chư dân.

Khi dùng cùng một kiểu nói rất Do Thái này, Đức Giê-su đã muốn các môn đệ Người hãy là ‘muối cho đời’, vì nhờ họ mà Tin Mừng - Giao Ước Mới sẽ được bảo quản cho trần gian. Giá trị nòng cốt nhất của Tin Mừng, điều độc đáo nhất mà Đức Giê-su mang đến cho trần gian, chắc chắn không phải là nếp sống đạo hạnh của một nền luân lý lành mạnh. Trước Người, các đức Phật Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử v.v… đã từng phổ biến những nền đạo đức luân lý cao đẹp không kém. Và từ nhiều niên kỷ qua, các môn sinh Phật, Khổng, Lão cũng đã tìm đủ mọi cách bảo tồn và phát huy Phật Pháp, triết lý Khổng Mạnh cho khỏi bị mai một. Về phần Hội Thánh, tôi thiết nghĩ, cho dầu luôn nỗ lực hoàn chỉnh giáo lý để tiến tới một nền luân lý ngày càng hoàn hảo hơn, Hội Thánh không thể coi đó là trách nhiệm chính mà mình phải chu toàn. Hội Thánh có sứ mạng duy trì một điều độc đáo hơn nhiều, điều mà không ai khác ngoài Đức Giê-su có thể mang đến cho trần gian, đó là tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Đây mời là điều thực sự cần được bảo quản; và đây mới thực là trách nhiệm của Hội Thánh nói chung, và của từng Ki-tô hữu nói riêng.

Những ai đã có ‘phúc’ được đón nhận lòng từ ái của Thiên Chúa nhờ tin vào Đức Ki-tô Giê-su, cũng có bổn phận làm cho ‘cái phúc’ này hiển thị trong cuộc sống mình, để rồi nó cũng tiếp tục hiển thị giữa lòng nhân loại. Họ có trách nhiệm ‘ướp’ đời bằng chính cuộc sống đầy yêu thương nhân ái của mình, để giao ước tình yêu cứu độ của thập giá Đức Ki-tô được tiếp tục tỏ hiện. Đây chính là công tác mà không ai khác ngoài Ki-tô hữu có thể cống hiến cho nhân loại. Xây dựng một nếp sống đạo hạnh, một nền luân lý lành mạnh, thì họ luôn có thể và có bổn phận phát huy, chung vai sát cánh với các Phật Tử, Nho sĩ Khổng Lão, các người thiện tâm ở mọi nơi vào mọi thời. Yêu thương tha thứ để bộc lộ tình yêu nhân ái của Thiên Chúa thì duy chỉ có họ, các Ki-tô hữu, mới làm được. Chính vì thế mà Đức Giê-su tuyên bố: “Cứ dấu này mà người ta nhận biết chúng con là môn đệ của Thầy, là chúng con yêu thương nhau” (xem Ga 15, 9-17)

Nếu Ki-tô hữu quả là ‘muối cho đời’, là ‘ánh sáng cho trần gian’ trong nội dung này: nếu qua cuộc sống mình họ phải làm cho mọi người nhận biết rằng loài người đã được Thiên Chúa yêu thương biết là dường nào, thì ngay cả tôi, một linh mục, có thể coi mình đang thực sự là muối và ánh sáng của Đức Ki-tô hay không?

Lạy Chúa, xin cho mỗi lần đọc lời truyền phép: “Này là chén máu Thầy, máu giao ước mởi và vĩnh cửu sẽ đổ ra…” con đều ý thức rằng, cùng với Thánh Thể, con có bổn phận làm cho tình yêu cứu độ của Chúa được thể hiện mọi nơi và mọi lúc. Xin cho con, trong tư cách linh mục của Đức Ki-tô, luôn trở thành muối để ướp mặn các tín hữu và mọi người về giao ước tình yêu cứu độ của Thập giá. Và để làm được điều đó, xin cho con luôn duy trì được nơi mình xác tín, chính con là người trước hết đã hưởng nhờ tình Chúa yêu thương tha thứ, để rồi con sẽ ban phát cho các người anh em. A-men

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

Dụ ngôn Hạt Muối

Hạt muối Bé nói với hạt muối To: “Em đến chia tay chị, em sắp được hòa trong đại dương”. Muối To trố mắt: “Em dại quá, sao lại để đánh mất mình như thế. Em muốn thì em cứ làm, chị không điên!”

Muối To thu mình co quắp lại, nhất định không để biển hòa tan. Muối To lên bờ, sống trong vuông muối. Nó vẫn ngạo nghễ, to cứng và nhìn chúng bạn bé tí ti đầy khinh khỉnh. Thu hoạch, nông dân gạt nó ra ngoài, xếp vào loại phế phẩm, còn những hạt muối tinh trắng kia được đội lên đầu, hay bê bên lưng rồi đóng vào bao sạch đẹp… Lần đầu tiên nó thấy mình bị xúc phạm!

Sau một thời gian lăn lóc hết xó chợ này đến xó chợ khác, cuối cùng người ta cho nó vào nồi cám heo. Phải hóa thân phục vụ cho lũ heo dơ bẩn này ư? Nó tủi nhục ê chề! Lòng kiêu hãnh không cho phép nó “tế thân” cho lũ heo hạ tiện. Nó thu mình co cứng hơn mặc cho nước sôi trăm độ cũng không lấy được, dù là cái vảy da của nó.

Khi rửa máng heo, người ta phát hiện nó, và chẳng cần nghĩ suy, ném nó ra đường lộ. Người người qua lại đạp lên nó!

        Hạt muối là để hòa tan. Hạt Muối phải chịu tan biến chính mình mới thể hiện giá trị đích thực của hạt muối. Muối đã lạt và không còn khả năng hòa tan thì cũng bị quên lãng hay vứt bỏ ta đường cho người qua lại dẫm đạp mà thôi!

        Con người không được sống cho chính mình. Con người phải biết dấn thân, hòa nhập với xã hội mới thể hiện vai trò giá trị của mình trong cộng đồng. Nhân loại cũng bỏ rơi những con người lười biếng, vô dụng, thiếu trách nhiệm với gia đình và xã hội. Muối đã lạt thì vứt đi. Con người lạt tình người, lạt trách nhiệm sẽ trở nên vô dụng và bị lãng quên.

        Chúa Giê-su mời gọi người tín hữu phải biết hòa tan trong cuộc đời. Như hạt muối hòa tan trong môi trường để ướp mặn cuộc đời. Như ánh sáng hòa tan trong không gian để xua tan bóng tối. Muối và ánh sáng đều phải chịu tan biến mới sinh ích cho con người. Là người Ky-tô hữu cũng phải hòa tan cuộc đời mình trong dòng chảy tình yêu để mang lại sức sống cho con người.

        Chính Chúa Giêsu đã chấp nhận hòa tan chính mình trong dòng chảy của cuộc đời. Ngài đã trở nên mọi sự cho mọi người. Ngài đã sống để dâng hiến và phục vụ con người trong yêu thương hết mình như thánh Gioan đã nói: “Ngài đã yêu thì yêu cho đến cùng”. Đỉnh cao của hòa tan là chấp nhận tiêu hao chính mình “như hạt lúa chịu mục nát để sinh nhiều bông trái”.

        Năm nay Giáo hội mời gọi chúng ta “Phúc âm hóa” là dịp nhắc lại vai trò của người tín hữu giữa dòng đời. Là người tín  hữu phải đem muối Phúc âm thẩm thấu vào trong thế gian. Là người tín hữu phải đem ánh sáng của Phúc âm dẫn dắt con người hôm nay đi trong chân lý. Thế nhưng, ở đâu dó vẫn có những tín hữu thiếu gia vị của tình yêu, thiếu cả gương sáng gây ô uế môi trường và gây gương xấu cho tha nhân. Ở đâu đó vẫn có những nhóm giáo dân thường co cụm chính mình mà ít cởi mở, thân thiện với tha nhân. Đó là lý do mà Giáo hội không thực sự có giá trị trong cộng đồng nhân loại. Làm sao Giáo hội có thể phúc âm hóa môi trường khi mà người tín hữu để muối đã lạt qua cách sống đạo hời hợt, đôi khi còn thiếu gia vị của tình yêu? Làm sao mà Giáo hội có thể Phúc âm hóa khi mà chính người Ky-tô hữu vẫn còn làm gương xấu của gian dâm, của cờ bạc, rượu chè. .  .

        Ước gì đời sống của chúng ta luôn là lời ngợi ca và tôn vinh Chúa. Một đời sống thấm nhuần lời Chúa để đem Tin Mừng thẩm thấu vào trong thế gian. Một đời sống công bình bác ái như những ngọn đèn hải đăng thắp sáng trong bóng đêm của xã hội đầy bất công và hận thù. Một cuộc sống đi vào lòng nhân thế để phủ đầy ánh sáng của Phúc âm và hơi ấm của Tin mừng.

        Xin Chúa giúp chúng ta luôn hoàn thành đời mình như muối mặn, như ánh sáng hòa tan cho thế gian sức nóng và tràn ngập ánh sáng của Tin mừng. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Muối và Ánh Sáng cho đời

Cá dễ ươn, thây ma dễ thối, con người dễ hư.

Cá tươi mới mua ở chợ về, chỉ để đến hôm sau là ươn thối.

Một thanh niên đang tuổi xuân phơi phới, không may bị nạn lăn ra chết. Qua mấy ngày sau, thi thể ấy bắt đầu sình thối.

Một người đang sống tốt lành gương mẫu được mọi người mến phục, nếu không khéo giữ mình cũng có thể vấp ngã và hư hỏng, đánh mất hết uy tín, mất hết phẩm chất cao đẹp của mình và trở thành người bị khinh dể chê cười.

Muốn giữ cho cá khỏi ươn, người ta cần dùng muối để ướp mặn nó. Vậy muốn cho con người khỏi hỏng, cũng cần một thứ muối khác để bảo toàn. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta trở nên thứ muối nầy.

Qua Tin Mừng Mat-thêu chương 5, câu 13, Chúa Giê-su mời gọi: "Chính anh em là muối cho đời”. Vậy chúng ta phải thực hiện sứ mạng làm muối ướp mặn đời như thế nào đây?

Bắt đầu với một người

Một ít muối không thể ướp mặn cả thùng cá. Một cá nhân khó có thể cảm hoá được nhiều người. Tuy nhiên, mỗi người rất có thể giữ cho một người khác khỏi hư.

Để thực hành sứ mạng làm “muối cho đời” như Lời Chúa truyền dạy, trước tiên, mỗi người chúng ta hãy bắt đầu thực hiện với một người, bằng cách kết thân với một cá nhân trên đà hư hỏng, dành nhiều tình yêu và lòng quý trọng cho người bạn đó - chỉ có tình yêu và lòng quý trọng mới có thể cảm hoá tâm hồn - rồi dần dà giúp cho người đó bỏ đi những thói hư tật xấu.

Rồi sau khi đã thành công với người thứ nhất, ta sẽ “làm muối ướp mặn” thêm một người khác nữa. Cứ thế, giúp cho từng người một, hết người nầy đến người khác, dần hồi, chúng ta sẽ giúp cho khá nhiều người khỏi hư hỏng. Đó là một sự nghiệp cao đẹp tuyệt vời.

“Ướp mặn” người khác cách nào?

Trước hết là bằng đời sống gương mẫu, nói khác đi, là hãy trở nên đèn sáng. Người ta thường nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Hãy nêu cao gương sáng cho người chung quanh như Chúa Giê-su kêu mời qua Tin Mừng hôm nay: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian… Chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5, 15-16)

Tiếp theo là bằng những lời khuyên đượm tình yêu thương.

Chỉ làm gương sáng mà thôi không đủ, cần có những lời khuyên nhủ, động viên, nhắc nhở đượm tình yêu thương kèm theo.

Nhắc nhở khuyên can mà không có tình yêu thương kèm theo sẽ làm người khác xa lánh ta nên không đem lại hiệu quả. Khuyên lơn, động viên trong tình yêu thương và lòng tôn trọng sẽ cảm hóa được lòng người và giúp người khác khỏi đi vào đường hư vong.

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa yêu thương trân trọng từng người và Chúa không muốn bất cứ một ai phải hư mất. “Chúa không bẻ gãy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói…” (Mt 12, 20)

Xin cho chúng con biết trân trọng yêu quý những anh chị em đang vướng mắc những thói hư tật xấu và cố gắng giúp cho những người nầy đứng vững trước những thử thách, cám dỗ trong cuộc đời.

Có như thế, chúng con mới có thể chu toàn trách nhiệm làm muối và ánh sáng mà Chúa đã trao phó cho chúng con. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Muối và Ánh Sáng

“Các con là muối đất” (Mt 5, 13)

Đời sống tín hữu phải là một cuộc đời có sự sống, sự sống thật, trong cái thân xác dễ hư, dễ thối, dễ ươn ỉnh nầy. Sự sống thật là sự sống của Thiên Chúa mà mỗi tín hữu đã lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy. Và đế giữ được sự sống ấy cho đến ngày sau cùng, các tín hữu phải được ướp bằng chính Chúa Kitô. Chính nhờ Đức Tin vào Chúa Kitô, niềm Cậy Trông và lòng Yêu Mến Chúa Giêsu Kitô mà mỗi tín hữu được sống trong sự sống của Thiên Chúa. Như vậy, trong khi yêu cầu các môn đệ “các con là muối đất’ thì chính Chúa Giêsu đã là muối ướp chúng ta cho chúng ta khỏi hư thối, giữ cho chúng ta sự sống thật, sự sống đời đời.

Chúa Giêsu ướp chúng ta bằng những hạt muối là Lời dạy của Chúa, là chính cuộc sống hiến tế của Ngài trong Thánh Thể.

Ngày đầu năm mới, mỗi gia đình nhận được Lộc Xuân là những câu Lời Chúa, không phải là nhận thêm những hạt muối mới để ướp cuộc đời chúng ta luôn tươi, luôn mới, luôn tràn đầy sức sống trong năm mới đó sao?

Ngôi Lời đã hóa thân thành nhục thể, và có thể nói, đã hóa thân thành muối cho đời. Hạt muối Giêsu mặn nồng tình yêu với Chúa Cha, với nhân loại, mặn nồng một niềm tin tưởng phó thác vào tay Cha, mặn nghĩa mặn tình với những con người cùng khổ, tội lỗi…nhờ “Vâng ý Cha” mà trao hiến chính Thánh Thể của mình cho con người, trở nên tấm bánh bẻ ra nuôi sống con người.

Đến lượt chúng ta, khi đã được hạt muối Chúa Giêsu Thánh Thể ướp mặn, ướp cho tươi mới, chúng ta lại trở nên những hạt muối mới, những hạt muối mặn nồng tình yêu Chúa Giê-su để ướp bao tâm hồn khác sống trong sự sống của Thiên Chúa. Sứ mệnh của Chúa Giêsu được chuyển giao cho chúng ta, để chúng ta duy trì sự sống của Thiên Chúa trong chúng ta và trên trần gian này cho đến ngày tận thế.

Như vậy, nếu không để cho Lời Chúa và Thánh Thể Chúa ướp chúng ta, nói cách khác, không kết hiệp và sống mật thiết với Lời và Thánh Thể của người, hẳn chúng ta là những hạt muối nhạt nhẽo, bị vứt đi cho người ta chà đạp.

“Các con là ánh sáng trần gian” (Mt 5,14)

 Cũng thế, một ý tưởng chuyển giao thứ hai của Chúa Giêsu trong Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay, khi ta nhận được ánh sáng của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu, cũng là lúc chúng ta phải chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian: “Sự sáng của các con phải chiếu dọi để thiên hạ nhìn thấy việc lành các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mt 5,16).

Nếu bài dạy của Chúa Giêsu trên núi, là hiệp nhất trọn vẹn, là kết hiệp trọn vẹn với Chúa Giêsu chí thánh chí thiện, là kết hợp với Con Thiên Chúa, để được Nước Thiên Chúa, thì chính việc thực hiện các mối phúc thật ấy sẽ như ánh sáng muôn đời, sẽ là ánh sáng chiếu soi, ánh sáng làm chứng cho thiên hạ biết rằng  có một Nước Thiên Chúa đang ngự trị ở trần gian.

Điều Chúa Giêsu cẩn trọng dặn dò chúng ta là “để thiên hạ nhìn thấy việc lành các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời”.Việc lành tỏa sáng để danh Chúa được cả sáng, chứ không phải để danh mình được cả sáng.

Không thể gọi là Kitô hữu Công giáo, nếu không đem niềm vui cứu độ đến cho mọi người. Việc “đem niềm vui cứu độ đến cho mọi người”, thiết tưởng, đến nay đã có nhiều người thi hành, nhưng, đem niềm vui đến cho nhiều người để danh Cha được cả sáng, thì có lẽ, phải cần xem lại.

Sứ mạng đặc biệt

Thánh Phaolô khẳng định về sứ mạng hạt muối, ánh sáng nhờ Chúa Giêsu Kitô: “Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Ðức Ki-tô Giê-su, Ðấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan xuất phát từ Thiên Chúa, Ðấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hóa và cứu chuộc anh em”. (x Cor 1, 30)

Sứ mạng ấy, là ơn gọi đặc biệt trước mắt Thiên Chúa, trong thân phận nhỏ bé tầm thường “Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá. Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa” (1Cor 2, 1-5).

Lời thư thánh Phaolô gửi Corinto, cách nào đó, đã nói lên cho mỗi người niềm vinh dự được là muối đất, là ánh sáng của Nước Thiên Chúa.

Chu toàn sứ mạng

Sứ mạng rất đặc biệt của thân phận hạt muối, thân phận ngọn đèn sáng giữa bão tố phong ba, được Lời Chúa CN 5 TN A định hướng cho mỗi chúng ta qua Lời Tiên Tri Isaia rằng: “chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục”(Is 58,7)

Giáo hội là Mẹ chúng ta, đã khôn ngoan hướng dẫn Tám Mối Phúc Thật thành việc cụ thể của chứng nhân Nước Thiên Chúa, của hạt muối, của ánh sáng qua “mười bốn mối thương người”

Cho kẻ đói ăn. Cho kẻ khát uống. Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Cho khách đỗ nhà. Chuộc kẻ làm tôi. Chôn xác kẻ chết.

Lấy lời lành mà khuyên người. Mở dạy kẻ mê muội. An ủi kẻ âu lo. Răn bảo kẻ có tội. Tha kẻ dễ ta. Nhịn kẻ mất lòng ta. Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Lạy Chúa, muối của con đã nhạt vì lòng mến Chúa Chúa Giêsu đã bị các thực tại trần thế hấp dẫn cuốn hút. Ánh sáng của chúng con mờ dần đi, vì chúng con không chịu kết hiệp với Chúa, chúng con lìa xa ánh sáng Chúa

Xin cho chúng con biết mến yêu Chúa nồng nàn hơn và nồng nàn yêu Chúa hơn yêu  việc của Chúa. A men.

PM. Cao Huy Hoàng

Hạt Muối trắng tinh đậm đà

Vào đầu năm 1970, khi ảnh hưởng phong trào thanh thiếu niên nổi loạn 1968 lan tới miền núi tiểu bang Bayern, Peter Seewald bị lôi cuốn và gia nhập phong trào Hippie «Love anh Peace», để tóc dài và chống đối tất cả các thứ quyền lực. Cả Giáo Hội cũng bị coi là một thành phần của «hệ thống xã hội », của «cơ sở quyền lực» đầy «quan liêu» và «giả dối ». Seewald tuyên bố ra khỏi Giáo Hội Công Giáo, rời bỏ gia đình và tự thành lập một tờ báo « Lá Cải » tuyên truyền khuynh hướng thiên tả quá khích.

Ngay trong lúc đó và dù Seewald vốn nổi danh là một kẻ vô thần quá khích, Đức Cha Antonius Hofmann, GM Passau lúc bấy giờ, đã công khai vui vẻ bắt tay chào anh ta trước sự hiện diện của các quan khách vị vọng trong một cuộc họp. Hành động đầy nhân ái đó của Đức Cha Hofmann đã đánh động tâm hồn Seewald rất mạnh, khiến anh ta không bao giờ quên được.

Năm 1981, Seewald rời bỏ quê hương Passau, đến cư trú tại thành phố Hamburg, thuộc bắc Đức. Ở đây, Seewald được bầu làm chủ bút tờ tuần báo nổi danh «Spiegel», và sau đó 6 năm lại làm chủ bút tờ tuần báo «Stern»; cả hai tờ tuần báo này đều có khuynh hướng thiên tả. Vào năm 1990, Seewald chuyển sang viết cho tờ nhật báo lớn «Süddeutschen». Đến năm 1996, khi Seewald đuợc đề cử đi phỏng vấn Đức Hồng Y Josef Ratzinger, ông ta đã ghi nhận trong khi soạn sửa cuộc phỏng vấn là những ý kiến và quan điểm của các đồng nghiệp ông ta đều tỏ ra thiếu thiết tha và tất cả chỉ coi Đức Hồng Y là một kẻ đáng ghét, một kẻ chỉ gây khó chịu cho người khác. Thế nhưng cuộc nói chuyện kéo dài giữa Seewald và vị Giáo Hoàng tương lai Josef Ratzinger này, được cô đọng trong hai tác phẩm nổi danh «Salz der Erde» (Muối Thế Gian) và «Gott und die Welt » (Thiên Chúa và Thế Giới), đã thu hút tâm hồn ông ta và biến đổi hoàn toàn các tư duy cũng như các quan điểm của ông ta. Vì từ những cuộc gặp gỡ và đối thoại với Đức Hồng Y Josef Ratzinger, Seewald luôn luôn phải trải qua những ngày tháng đầy khắc khoải với những câu hỏi : «Xã hội nhân loại sẽ trôi dạt về đâu, nếu nó tự tách ra khỏi Thiên Chúa ? Con cái tôi sẽ ra sao khi chúng lớn lên như những kẻ ngoại đạo ? Để đánh dấu cuộc đổi đời của mình, từ một Saulus thành một Paulus, Seewald đã trình bày đầy đủ trong một tác phẩm tựa đề là «Grüss Gott. Als ich begann, wieder an Gott zu denken » (Kính chào quý vị. Tôi lại bắt đầu tưởng nhớ đến Chúa).

Sau nhiều thập niên rời bỏ Giáo Hội và trở thành một người cộng sản vô thần cuồng tín, ông Peter Seewald, một ký giả và nhà văn rất được biết đến ở Đức, đã tìm về với Giáo Hội và trở thành người bạn của Đức Hồng Y Josef Ratzinger/Bênêđíctô XVI, và ngày nay ông sống đức tin Công Giáo một cách đầy xác tín hơn bao giờ hết. (Lm Nguyễn Hữu Thy, VietCatholic, 12/6/2007)

Trình thuật Tin Mừng Thánh Mathêu hôm nay, Đức Giêsu mời gọi tín hữu trở nên muối cho đời, Đức Hồng Y Josef Ratzinger đã vâng phục, trở nên hạt muối cảm hóa nhà báo vô thân Peter Seewald, trở về đoàn tụ với Giáo Hội.

 Muối bình dị

Đức Giêsu không ân cần mời gọi tín hữu trở nên những cao lương mỹ vị quý hiếm và đắt giá, như sâm, nhung, yến. Chẳng kêu gọi trở nên những ngôi sao trong lãnh vực văn hóa, thể thao, nghệ thuật, kinh doanh hay chính trị. Cũng chẳng mong đợi mọi người trở nên VIP, thần tượng, vĩ nhân, được đông đảo quần chúng hâm mộ quý mến. Người chỉ mong muốn tín hữu trở nên hạt muối bình dị, khiêm tốn, phổ thông, hay đúng hơn là một gia vị dân dã, giản dị, bình thường, hữu dụng, thiết yếu, gần gũi với mọi người, mọi nơi và mọi thời.

Hạt muối không phải cầu kỳ chế biến, trắng tinh, không hương, không sắc, đơn sơ, hiền lành, chung thủy. Mỗi khi đau yếu, bệnh nhân yếu sức thường chỉ có thể húp cháo trắng nêm chút muối trắng, vừa an toàn, vừa dễ hấp thụ. Hạt muối còn công dụng tẩy trùng, sát khuẩn, làm sạch, bảo quản thực phẩm khỏi hư hoại, giữ thức ăn lâu bền.

“Những gì cần thiết cho cuộc sống con người là nước, lửa, sắt và muối, tinh bột lúa miến, sữa và mật, nước nho, dầu và áo quần.” (HC 39, 26)

Muối dễ tan

Hạt muối chân chất, khiêm cung, khả ái, lại dễ dàng hòa nhập vào thực phẩm, thức ăn. Muốn cởi mở, dấn thân, sẵn sàng hy sinh tan biến đi, sẵn sàng phục vụ tha nhân. Muối không quyến luyến, vấn vương, lưu giữ chút gì cho mình, hoàn toàn xả kỷ vị tha. Sống và chết cho tình yêu.

“Đây là bằng chứng để ta biết được lòng mến, là Đấng ấy đã thí mạng vì ta; và ta , ta cũng phải thí mạng vì anh em.” (1Ga, 3, 16)

Con hỏi cha:”Đâu là mức độ dấn thân?”Hãy làm như Chúa Giêsu:”Thí mạng.” Nếu con tuyên bố rùm beng, hoạt động khơi khơi, sống đạo lè phè, con sợ cơ cực, sợ nghèo, sợ tù, sợ chết,…Nếu con dấn thân lối ”cứu viện cho người thắng trận,” thì thôi, nên dẹp tiệp, “dấn thân trá hình,” “dấn thân thương mãi.” (Đường Hy Vọng, số 612)

Muối đậm đà

Trong dân gian, dân Việt thường nói: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi.” Nên vào ngày Mồng Một Têt, người ta hào phóng mua chén muối đầy có ngọn, là mua cái sự mặn mà về nhà cho cả năm. Trong đời sống hàng ngày của đồng bào miền Bắc, muối có một vị trí rất quan trọng và chỉ đứng sau gạo. Người xưa quan niệm muối là thứ mặn, chống xú uế, xua đuổi tà ma, và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Mua muối đầu năm cũng có ý nghĩa trong văn hóa dân gian, mang lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái. Cuối năm mua vôi là mua cái sự bạc bẽo cho xong, đem bỏ đi, để đầu năm lại mặn mà, may mắn.

Trong Kinh Thánh, với quan niệm mặn mà, thủy chung, muối đươc dùng để chỉ giá trị lâu bền của khế ước: Muối Giao Ước hay Giao Ước trong muối. Giao ước muối là giao ước trường cửu, như giao ước giữa Thiên Chúa với Đavít (2Sk 13, 5)

 “Các ngươi phải bỏ muối vào mọi lễ phẩm các ngươi dâng tiến; các ngươi không được để lễ phẩm các ngươi thiếu muối giao ước của Thiên Chúa các ngươi; các ngươi  phải dâng muối cùng với mọi lễ tiến của các ngươi.” (Lv 2, 13)

Đức Giêsu đòi hỏi người Kitô hữu trở nên “Muối thế gian,” để gìn giữ và làm cho thế gian mặn nồng trong giao ước với Thiên Chúa. Nếu muối biến chất, lạt lẽo, vô vị, thì chẳng đáng gì nữa, môn đệ coi như đáng bị loại ra ngoài, chẳng tiếc thương. “Muối quả là một cái gì tốt. Nhưng chính muối mà nhạt đi, thì lấy gì ướp nó cho mặn lại? Nó chẳng còn thích hợp để bón đất hay trộn phân nữa, nên người ta quăng nó ra ngoài. “ (Lc 14, 34-35)

“Sống bổn phận hiện tại không phải là thụ động, nhưng là liên lỉ canh tân, là quyết định chọn hay chối Chúa, là tìm nước Chúa, là tin ở tình yêu vô bờ của Chúa, là hành động với tất cả hăng say, là thể hiện mến Chúa yêu người, “ngay trong giây phút này.”(Đường Hy Vọng, số 26)

Lạy Chúa Giêsu, chúng con phận hèn, yếu đuối, chẳng thể đáp ứng được sự mong đợi của Chúa, trở nên muối thế gian, thánh hóa thế gian, vì chúng con còn đang mải mê làm tôi mọi cho thế gian, với những dục vọng, đam mê xác thịt đê hèn. Xin Chúa thương xót cứu giúp, ban thêm chúng con lòng tin, đức cậy, lửa mến dồi dào, để chống lại ba thù, luôn hăng say bước theo Chúa trên đường hy vọng.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là muối tinh tuyền, là ánh sáng soi vào đêm tối thế gian, khấn xin Mẹ luôn ướp chúng con vào Giao Ước thánh thiện với Thiên Chúa, hầu chúng con được ơn cứu rỗi. Amen.

AM Trần Bình An


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...