19/03/2021
2264
LÀM SAO LƯU DANH ?

Con người ai cũng muốn bất tử. Sự bất tử không hẳn là không phải chết mà là ngay cả sau khi chết tiếng thơm vẫn còn lưu danh. Lưu danh qua sử sách. Lưu danh qua con cháu. Nhưng điều quan yếu là mình phải sống làm sao để được lưu danh?
Người ta cho rắng trong số những người lãnh đạo hiện nay trên thế giới thì bà Angela Merkel thủ tướng Đức được cho là có “đắc nhân tâm’ nhất. Vì thế, khi bà tuyên bố rời vị trí lãnh đạo đảng và giao nó cho những người kế nhiệm. Người Đức có phản ứng chưa từng có trong lịch sử – cả dân tộc bước ra ban công ngôi nhà của mình và tự động vỗ tay tiễn bà liên tục trong 6 phút.
Người Đức đã bầu bà làm lãnh đạo của mình, và bà đã dẫn dắt hơn 80 triệu người Đức suốt 18 năm trời bằng tài năng, sự tận tụy và lòng chân thành.  trong suốt 18 năm bà lãnh đạo đất nước, không ghi nhận một hoạt động nào chống lại bà. Bà không bổ nhiệm bất kỳ người thân nào của mình làm thư ký. Bà không khẳng định rằng mình là người làm nên vinh quang. Bà không xuất hiện ở những con phố nhỏ của Berlin để được chụp hình. Bà luôn giản dị đi mua sắm như bao người phụ nữ nội trợ khác.
Con người luôn khao khát được lưu danh, nhưng tiếng thơm không phải do mình nói hoặc tô vẽ mà là công đức chúng ta đã làm gì cho cho gia đình và xã hội? Sự hiện diện của chúng ta có giá trị gì với tha nhân? Tài trí và sức lực của ta đã giúp ích gì cho xã hội? Và có thể là quyền lực của chúng ta đã mạng lại điều phúc lợi gì cho đất nước ?
Thật vậy, con người chỉ được lưu danh khi họ biết quên đi bản thân mà dấn thân cho xã hội. Con người chỉ được lưu danh khi họ sống cống hiến công sức và tài trí của mình vì lợi ích cộng đồng chứ không phải vì lợi ích bản thân hay phe nhóm.
Sự lưu danh không cần làm những chuyện phi thường mà chỉ cần làm những việc tầm thường nhưng qua đó ta gửi gắm tình yêu, sự hy sinh, tận tụy cho công việc thì việc đó trở thành tiếng thơm để lại cho đời.
Lời Chúa hôm nay cũng khai mở cho chúng ta con đường lưu danh ngàn thu. Đó là con đường của hy sinh, của tận hiến quên mình đến nỗi dám mục nát đời mình như hạt lúa phải chết đi thì mới sinh được nhiều hạt khác. Và người môn đệ của Chúa Giê-su phải vượt cao hơn nữa là quên đi chính bản thân mình như lời Chúa nói: “kẻ nào giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai chịu chịu từ bỏ cuối cùng sẽ được lại”. Đó là chân lý, là định luật tất yếu  cho những ai muốn lưu danh mãi đời sau.
Chính Chúa Giê-su đã sống điều đó. Ngài đã đi qua đau khổ để tiến tới vinh quang. Ngài đã trở nên bất diệt khi Ngài trở thành hạt lúa chịu nghiền nát để trổ sinh muôn vàn bông lúa. Ngài đã trở nên vĩ đại khi Ngài dám chết vì bạn hữu. Vâng, người vĩ đại trong cuộc đời chúng ta không phải là những người nổi tiếng, không phải là những người đang nắm giữ chức vụ to lớn trong xã hội mà là chính những người đang hy sinh vì chúng ta. Họ là những người cha “chân lấm tay bùn” đang đổ mồ hôi nơi nương đồng, đang miệt mài nơi công trường. Họ là những người mẹ đang lặn lội ngược xuôi nơi bến chợ, đang hao gầy vì đàn con. Họ là những người anh, người chị đang bôn ba đó đây để bòn nhặt từng đồng tiền để phụ giúp gia đình. Đó là những con người cao cả, là những hạt lúa miến đang chịu nghiền nát vì tha nhân để trở thành tấm bánh cho anh em.  Đó là những con người dám quên đi niềm vui riêng của bản thân để lo cái lo của đồng loại, để sống có ích cho tha nhân. 
Nhưng thật đáng tiếc! Ý niệm phục vụ tha nhân. Ý niệm sống vì người khác đang mất dần trong thế giới hôm nay. Người ta đang lo cho bản thân. Người ta đang chạy theo danh lợi thú để thoả mãn nhu cầu của chính mình. Có mấy ai dám quên mình để sống cho thân nhân? Có mấy ai chịu nghiền nát đời mình để đem lại niềm vui cho tha nhân?
Thiết tưởng, mùa chay là mùa mời gọi chúng ta hãy sống cao đẹp hơn. Hãy hy sinh niềm vui của mình, những đam mê sở thích của mình để đem lại niềm vui cho những người chúng ta yêu mến. Thiết tưởng mùa chay là mùa mời gọi chúng ta hãy sống đúng với phẩm giá làm người của mình là biết sống vì hạnh phúc tha nhân. Chúa đã tạo dựng Eva vì niềm vui của Adam. Chúa cũng tạo dựng chúng ta vì niềm vui của thân nhân. Xin Chúa là Đấng đã chết cho người mình yêu, giúp chúng ta biết quảng đại hy sinh để kiến tạo niềm vui và hạnh phúc cho nhau. Amen
Lm.Jos Tạ duy Tuyền
https://www.youtube.com/watch?v=znp5kTzov0Q

Thống Hối (Ga12,20-33)
Lm. Đaminh Trần Công Huynh
 
Con người sống giữa trời và đất. Khi ta đứng, đầu ta hướng lên bầu trời và chân ta đạp đất. Cấu trúc thân xác thể lý đó chứng tỏ cho ta một sự thật: những gì trên cao mới là điều ta khao khát và hướng tới, trái đất và những gì ở dưới đất thấp không phải là cùng đích ta hướng tới nên ta phải làm chủ nó như thể chân đạp đất. Linh hồn có thể gọi là thuộc trời và thân xác có thể gọi là thuộc đất. Con người phải làm chủ những gì thuộc về đất cũng giống như linh hồn phải làm chủ những ước muốn của thân xác, phải sử dụng mọi thứ dưới đất theo ý muốn Thiên Chúa trên cao. Đi ngược với chân lý này, con người tự chôn vùi chính mình, sẽ bị đất thấp nuốt chửng.
Vì lý do này mà ta có thể được điều Chúa Giêsu nói: “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, ai ghét sự sống mình ở đời này thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời”. Yêu sự sống mình nghĩa là để cho mình trôi dạt hoàn toàn theo những đòi hỏi của tính xác thịt. Đó là tính hưởng thụ vô độ, tích tụ của danh lợi thú như thể làm nơi nương ẩn cho mình ở đời này mà quên đi nơi ở đích thực trên trời. Ngược lại, ghét sự sống mình ở đời này là chấp nhận quy trình tự mục nát của hạt lúa, biết khiêm tốn trong hy sinh để yêu mến và tôn vinh Thiên Chúa hầu đón nhận sự sống đời đời trên cao.
Thế nhưng sẽ không ai đưa ta lên trên cao nơi Thiên Chúa ngự trị ngoài chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu làm Người đã đưa nhân loại vào một quỹ đạo của lòng thương xót vô bờ, đó là Chúa đã chết và sống lại cho ta, cho ta sự sống phục sinh trong Nước hằng sống. Ngài chấp nhận phận của hạt lúa gieo mình trong sự tự hiến trên thập giá, để: “Khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”.
Vì vậy, kính thưa ACE, chấp nhận khuôn mình vào Chúa Giêsu chịu đóng đinh là ta đang đặt mình vào Thiên Chúa cứu độ. Thông điệp của mùa chay vẫn đang không ngừng réo gọi ta: “Hãy thống hối”. Thống hối là con đường đưa ta vào thông hiệp với mặt trời công chính và tình yêu của Thiên Chúa trên trời nhờ Chúa Giêsu chịu đóng đinh.
Hành trình thống hối sẽ bắt đầu từ việc làm sạch tâm hồn bằng nước mắt ăn năn qua Bí tích Hòa Giải, dám chết đi cho tội lụy và tật xấu. Tội sản sinh ra bóng tối bao quanh hồn ta như áng mây đen phủ kín bầu trời. Thế nhưng, một tâm hồn không mang tội là một tâm hồn trong sáng như thể bầu trong xanh và dịu mát.
Thống hối cũng đồng thời với việc ta nâng cao khát vọng, hơi thở ta hướng về Chúa trong cầu nguyện, miệng lưỡi ta mở ra ca tụng tôn vinh danh Chúa. Tôn vinh Thiên Chúa bằng đôi tay biết lao nhọc cẫn mẫn tạo ra việc lành, bằng hy sinh khiêm hạ để yêu Chúa thương người. Hành vi thống hối như vậy nói cho cùng là sống như hạt lúa chấp nhận sinh để mang ra nhiều hoa trái tỏa hương nhân đức, tâm hồn ta trở nên như thể bầu trời ôm ấp các vì sao, như lời thánh Phaolo bảo: “Người công chính sẽ chiếu sáng như các vì sao trên vòm trời”.
Xin Chúa giúp cho ta biết thực tình thống hối, để dù phận người chúng dẫu có phải trở về cát bụi, nhưng ta không bị trói buộc mãi trong lòng đất, mà sẽ đến ngày Thiên Chúa sẽ giải thoát ta. Lúc đó Thiên Chúa sẽ nâng ta dậy về với Ngài, giống như lời Thánh Kinh thật đẹp: ““Tiết đông giá lạnh đã qua, mùa mưa đã dứt, đã xa lắm rồi. Vả kia đã kết trái non, vườn hoa nở hương thơm ngạt ngào. Dậy đi, người lòng Ta yêu dấu, người đẹp của Ta, hãy ra đây nào!” (Dc 2,11;13).

ĐỨC GIÊ-SU THIẾT LẬP GIAO ƯỚC MỚI
Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
 
Gr 31,31-34 Giao Ước mới
Tv 51,3 Lạy Chúa, xin ban cho con quả tim trong sạch !
Hr 5,7-9 Đức Ki-tô hạ mình mang lại ơn cứu độ đời đời
Ga 12,20-33 Đức Giê-su thấy “giờ” của Ngài đã đến
 
1. HỎI: Các bài đọc liên kết với nhau như thế nào?
THƯA: ĐỨC GIÊ-SU THIẾT LẬP GIAO ƯỚC MỚI. “Giờ” khổ nạn của Đức Giê-su đã gần đến (BTM) qua đó, Ngài lập Giao Ước mới mà tiên tri Giê-rê-mi-a đã loan báo (BĐ1), để mang lại ơn cứu độ đời đời cho nhân loại (BĐ2).
2. HỎI: Tiên tri Giê-rê-mi-a là ai?
THƯA: Giê-rê-mi-a được gọi làm tiên tri thời vua Giô-si-gia (640-409), và hoạt động tại Giê-ru-sa-lem từ năm 626 trước Công nguyên đến ngày Giê-ru-sa-lem bị tàn phá 587. Bấy giờ tình hình chính trị và tôn giáo có nhiều xáo trộn và bất ổn. Giê-rê-mi-a đã sống trải qua 40 năm khủng khiếp nầy, là lúc nền quân chủ kết liễu, quốc gia lụi tàn và chấm dứt. Ông là một nhân vật sầu thảm, cô đơn, báo trước Giê-ru-sa-lem bị tàn phá và hướng dẫn mọi người đặt niềm tin tưởng và hi vọng vào sự giải cứu trong tương lai.
3. HỎI: Bài đọc thứ nhất (Gr 31, 31-34) nói đến điều gì?
THƯA: Sau nhiều lần giao ước mà thất bại với loài người, cuối cùng Thiên Chúa đã nhờ tiên tri Giê-rê-mi-a loan báo một giao ước mới mà Ngài sẽ thực hiện với dân Ngài. Giao ước nầy nội tâm, hiệu nghiệm và vĩnh cửu. Ngài sẽ ghi Lề luật của Ngài trong tâm hồn và ban Thánh Thần để con người có thể nhận biết Thiên Chúa. Ngài sẽ tha hết mọi tội lỗi của dân.
4. HỎI: Tại sao bài đọc một là bản văn độc đáo của Cựu Ước?
THƯA: Thưa vì nội dung của nó. Dân Do thái thường mơ đến một đền thờ mới, một vị vua mới, một đền thờ Giê-ru-sa-lem mới, nhưng chưa bao giờ dám mơ đến một Giao Ước mới vì chỉ có Thiên Chúa mới đưa ra sáng kiến như thế.
5. HỎI: Bối cảnh lịch sử bài đọc một như thế nào?
THƯA: Chúng ta đang ở vào thế kỉ thứ 6, thời kì thử thách lớn cho niềm Hi vọng Ít-ra-ên. Hai lần quân Can-đê đánh bại họ và chiếm thành Giê-ru-sa-lem: vào năm 597 và năm 587. Chính trong hoàn cảnh bi đát đó mà Thiên Chúa có sáng kiến mạc khải Ngài là một Thiên Chúa “Cha” ngỏ lời yêu thương trong một Giao Ước mới.
6. HỎI: Giao ước là gì?
THƯA: Giao là có mối tương quan với nhau. Ước những qui định về quyền lợi và trách nhiệm mà cả hai bên kí kết phải tuân giữ. Giao Ước trong Kinh Thánh là sáng kiến của Thiên Chúa thiết lập và đi vào mối tương quan với con người, phát sinh những nghĩa vụ và quyền lợi đối với nhau và được kí kết qua một nghi thức.
7. HỎI:Trong Cựu Ước thường nói đến mấy giao ước?
THƯA: Ba giao ước chính: một là Giao Ước với ông Nô-ê (St 9,1-17), là lời Thiên Chúa hứa không tiêu diệt nhưng bảo tồn sinh mạng cho loài người. Hai là Giao ước với ông Áp-ra-ham (St 17,1-27), là lời hứa ban tình bạn và ơn cứu độ. Ba là Giao Ước Si-nai (Xh 19,24), qui tụ đám dân vừa thoát ách nô lệ Ai cập thành một Dân riêng.
8. HỎI: Giao Ước cũ (Giao Ước Si-nai) được thực hiện ở đâu, giữa ai, nội dung như thế nào?
THƯA: Giao Ước cũ được kí kết ở núi Si-nai, giữa Thiên Chúa và dân Híp-pri vừa được Mô-sê dẫn ra khỏi Ai cập vào khoảng cuối thế kỉ 13 tr CN. Qua Giao ước nầy, dân Ít-ra-ên tôn thờ Thiên Chúa là Thiên Chúa độc nhất và đổi lại, Thiên Chúa nhận họ là dân riêng của Ngài. Ngài sẽ bảo vệ họ, còn họ sẽ giữ Lề Luật của Ngài. Mười điều răn là những khoản luật qui định đời sống luân lí mà dân Ít-ra-ên phải tuân giữ theo tinh thần Giao ước trên
9. HỎI: Giao Ước mới được thực hiện ở đâu, giữa ai, nội dung như thế nào?
THƯA: Giao Ước mới là sự hoàn thành việc kết ước giữa Thiên Chúa và toàn thể nhân loại, được thực hiện ở nhà tiệc li Giê-ru-sa-lem, được kí kết trong máu Đức Giê-su trên thánh giá, mang lại ơn tha tội cho loài người để trở thành dân Mới của Thiên Chúa.
10. HỎI: Cụm từ “sẽ đến ngày” có nghĩa gì?
THƯA: Toàn bộ Kinh thánh đều hướng về tương lai ấy với niềm xác tín không lay chuyển là những ngày Thiên Chúa hứa sẽ đến.
11. HỎI: Cụm từ “sau những ngày đó” là những ngày nào?
THƯA: Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó”, sau những ngày đó là thời gian bất trung của dân. Nói khác đi, một giai đọan mới bắt đầu.
12. HỎI: Lời Chúa nói: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta” có nghĩa gì (31, 33)?
THƯA: Trên núi Si-nai, Thiên Chúa đã ghi Lề luật của Ngài trên những bia đá, nhưng từ nay, Luật ấy sẽ được khắc vào trong chính tâm hồn con người. Bao lâu mà Luật chỉ được khắc ghi trên tảng đá hay trong sách, thì luật chỉ là chữ viết chết. Có đưa ra những lời hứa quay trở lại thành thật nhất, con người vẫn luôn đi sa ngã lại. Vì thế, để luật Thiên Chúa đi vào nội tâm con người như một bản tính thứ hai, thì chính tâm hồn con người phải thay đổi.
13. HỎI: Lời Chúa: “Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta” (34) có nghĩa gì?
THƯA: Câu ấy chỉ sự “thuộc về nhau”. Đó chính là chương trình, hay bản chất của Giao Ước. “Thuộc về nhau” thực sự chính là “biết nhau”. Đây không phải là sự biết nhau theo trí thức, mà là tương quan thân mật như vợ chồng trong hôn nhân. Cựu Ước vẫn thường dùng những từ thuộc về đời sống thân mật ấy để mô tả tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Ngài.
14. HỎI: Các tiên tri khác có loan báo về một giao ước mới không?
THƯA: Kiểu nói “Giao Ước mới” chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong tiên tri Giê-rê-mi-a Cựu Ước. Tuy nhiên các tiên tri khác cũng loan báo về một niềm hi vọng tương tự như thế. Như tiên tri Ê-dê-ki-ên chẳng hạn: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành” (Ed 36,26-27).
15. HỎI: Giao Ước cũ và mới có gì khác biệt không?
THƯA: Có nhiều khác biệt như trong đoạn văn tiên tri Giê-rê-mi-a đã nêu lên. Giao Ước mới trước hết là Giao ước vĩnh cửu, không gì có thể tiêu hủy được, ngay cả tội lỗi. Hai là Giao Ước nội tâm, Thiên Chúa ghi Lề luật của Ngài trên trái tim, và ban Thánh Thần trong tâm hồn con người để họ nhận biết Ngài. Ba là Giao ước hiệu nghiệm, thực hiện lời Thiên Chúa hứa với nguyên tổ đem lại chiến thắng cho con người và tái lập tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa với họ trong máu của Chúa Giê su. Trên đây là những điều mà Giao Ước cũ không thể thực hiện được.
16. HỎI: Bản văn kết thúc như thế nào?
THƯA: Bản văn kết thúc bằng một câu lạ lùng: “Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa”. Việc tha thứ tội lỗi phải là bước đầu, là nền tảng cho một Giao Ước vững chắc. Ở câu 30,12 Giê-rê-mi-a cho biết tội lỗi của dân nặng nề vô cùng, không thể tha thứ được vì thế họ không có cách nào khác ngoài việc chờ Thiên Chúa đi bước trước bằng cách tha thứ tội lỗi cho họ.
17. HỎI: Lời hứa ấy đã được thực hiện chưa?
THƯA: Đã thực hiện rồi, trong “giờ” của Đức Giê-su Ki-tô. Thật vậy, nội dung của Giao ước mới hệ tại ở việc Thiên Chúa khắc ghi Lề luật của Ngài trong tâm hồn, và ban Thánh Thần cho loài người để họ có thể nhận biết Thiên Chúa. Điều đó đã được thực hiện trong cuộc Vượt qua của Đức Ki-tô.
18. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (Ga 12, 20-33) như thế nào?
THƯA: ĐoạnTin mừng nằm trong đoạn dẫn vào phần thứ hai Tin mừng Gio-an ghi lại cuộc Khổ nạn và Phục sinh (13-21). Việc xức dầu ở Bê-ta-ni-a (12,1-11) và cuộc khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem (12,12-19) thường được các sách Tin mừng đặt ở phần dẫn vào cuộc Khổ nạn. Riêng Ga thì lại thêm đoạn nói về “giờ” của Ngài đã đến nhân dịp một nhóm người Hi lạp bày tỏ ước mong được thấy Ngài (12,20-36). Đức Giê-su gặp gỡ nhóm người Hi lạp và tiếp nhận ước muốn của họ (12,20-22). Kế đến, Ngài trả lời (23-26) cho biết “giờ” của Ngài đã đến. Đoạn Tin mừng kết thúc bằng lời đề cập đến tâm tư của Đức Giê-su (27-33): Ngài xao xuyến trước cuộc khổ nạn mà cũng là “giờ” vinh quang, lúc Ngài được giương cao khỏi đất.
19. HỎI: “Chúng tôi muốn được thấy (gặp) ông Giê su”, “thấy” có nghĩa gì?
THƯA: Những người Hi lạp muốn “thấy” Đức Giê-su. “Thấy” ở đây không có nghĩa là muốn thấy mặt Ngài, vì họ có thể thấy Ngài mà không cần đến ông Phi-líp. Thực ra, họ muốn nói chuyện với Ngài, như khởi đầu tiến trình đức tin. Tin mừng Gio-an dùng động từ ‘thấy’ để chỉ thực tại đức tin. Kiểu mẫu cho đức tin nầy chính là ông Gio-an khi đứng trước ngôi mộ trống của Đức Giê-su trong ngày Phục sinh: “Ông đã thấy và tin”.
20. HỎI: “Ai ghét sự sống mình..”, “ghét” có nghĩa gì?
THƯA: Theo cách hiểu sê mít, thì “ghét” ở đây có nghĩa là yêu mến ít hơn. Do đó ai ghét sự sống mình có nghĩa là không bám chặt sự sống mình đời nầy, không coi nó như một giá trị tuyệt đối.
21. HỎI: “Tôn vinh” có nghĩa gì?
THƯA: Trong Kinh Thánh, vinh quang của Thiên Chúa là chính sự hiện diện của Ngài, sự hiện diện tỏa sáng như ngọn lửa bừng cháy giữa bụi gai, nơi mà Thiên Chúa đã mạc khải hiện diện của Ngài cho ông Mô-sê (Xh 3). Vì thế tôn vinh có nghĩa là mạc khải sự hiện diện của Thiên Chúa.
22. HỎI: Lời: “Lạy Cha, xin hãy tôn vinh Danh Cha” có nghĩa gì?
THƯA: Có nghĩa là: Xin hãy tỏ cho mọi người biết Cha như là Cha rất yêu thương con cái, đã ký kết với nhân loại một Giao Ước tình yêu. Đó chính là sự cứu độ, là hạnh phúc của con người, và là mục tiêu sứ vụ của Chúa Giê su: “Ta sinh ra và đến trong thế gian để làm chứng cho chân lí” (Ga 18,37).
23. HỎI: “Ta đã tôn vinh Danh Ta và sẽ còn tôn vinh nữa”, “tôn vinh” ở đây có nghĩa gì?
THƯA: Động từ ‘tôn vinh’ thứ nhất là tác động của các dấu chỉ mà Đức Giê-su đã làm để làm chứng cho Chúa Cha. Còn động từ ‘tôn vinh’ sau ám chỉ đến cái chết và việc Đức Giê-su bị treo cao trên thánh giá.
24. HỎI: Làm sao cuộc tử nạn lại là một sự “tôn vinh”?
THƯA: Vinh quang là ánh quang tỏa rạng sự hiện diện của Thiên Chúa, là ánh huy hoàng vừa kinh khủng vừa mê hoặc của thần linh. Vinh quang của Ngôi Lời nhập thể phần nào bị che khuất, nay trong cuộc khổ nạn sẽ được bộc lộ cách sung mãn: vì khi thân xác bị tan nát, thì sự hiện diện thần linh sẽ tràn ngập nhân tính của Đức Giê-su trong sự sống lại và thăng thiên.
25. HỎI: Đức Giê-su có thái độ nào trước giờ quyết định của Ngài?
THƯA: Tin mừng Gio-an cho chúng ta thấy thái độ của Ngài: “Bây giờ hồn ta xao xuyến” (27 a). Giống như một người đứng trước sự chết, Đức Giê-su thực sự xao xuyến, rúng động, sợ hãi trước cuộc tử nạn. Thái độ nầy được các Tin mừng nhất lãm diễn tả qua cuộc chiến đấu gay go trong vườn cây dầu trước giờ Thương khó. Nhưng cuối cùng, Ngài đã hoàn toàn làm chủ được hoàn cảnh khó khăn với ý muốn tôn vinh Thiên Chúa Cha.
26. HỎI: Sứ điệp Lời Chúa hôm nay thế nào?
THƯA: Đức Giê-su Ki-tô đã nhận lấy những khổ đau và sự chết để hoàn thành sứ mạng yêu thương và cứu vớt loài người. Vậy các môn đệ Đức Giê-su, là các Ki-tô hữu chúng ta, được mời gọi thể hiện kiếp sống “hạt lúa chịu chết đi” trong lòng đất để sinh ra nhiều hạt lúa khác, “dám coi thường mạng sống mình” vì Chúa và vì anh em như chính Chúa Giê-su đã thực hiện và làm gương cho chúng ta.
27. HỎI: Nội dung bài đọc hai (Hr 5,7-9) như thế nào?
THƯA: Tác giả thư Híp-pri dạy cho chúng ta biết cái giá mà Chúa Giê su phải trả để thiết lập Giáo Ước với Ít-ra-ên mới là Giáo Hội. “Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”. Trên thánh giá, Ngài đã cho thấy sự vâng phục tuyệt đối trước Thánh ý Thiên Chúa Cha và tình yêu tột cùng của Ngài dành cho nhân lọai.
28. HỎI: Sống Lời Chúa như thế nào?
1. Người Hi lạp nghe nói đến Đức Giê-su, vị tiên tri trẻ được mọi người yêu mến, nên đã nhờ ông Phi líp, một người quen biết thế giới hi lạp làm trung gian nói lên yêu cầu của mình. Cần phải có trung gian Giáo Hội để có thể đến với Chúa Giê su. Điều ấy có nghĩa gì đối với tôi? 2. Đức Giê-su tuyên bố giờ của Ngài đã đến. Giờ của Đức Giê-su, đó là giờ Thập giá. Chúng ta có thể đón nhận mạc khải nầy không? 3. Đức Giê-su sánh ví cái chết của Ngài như một Hạt giống. Có mục nát thì mới sinh nhiều bông hạt. Chúng ta có nghĩ rằng sự chết không chừa một ai đang hoành hành trong chúng ta là hạt giống đem lại những gì cần thiết để xây dựng cuộc sống của chúng ta không? Chúng ta có nghĩ rằng con cái chúng ta sẽ gặt hái một mùa bội thu đầy chất lượng của sự Sống từ chính những cái chết của chúng ta không?
GLCG 434 2812. Sự sống lại của Đức Giê-su tôn vinh danh Thiên Chúa cứu độ (x. Ga 12,28), vì từ nay chính danh Giê-su bày tỏ trọn vẹn quyền năng tối thượng của "Danh hiệu trổi vượt trên mọi danh hiệu" (Pl 2,9-l0). Các thần dữ khiếp sợ Danh Người (x. Cv 16,16-18). Nhờ Danh đó các môn đệ của Đức Giê-su thực hiện các phép lạ (x. Mc 16,17), bơ<150)i vì tất cả những gì họ xin Chúa Cha nhân danh Người, Chúa Cha sẽ nhận lời (x. Ga l5,l6).
607457. Ước muốn sống chết với ý định yêu thương cứu chuộc của Chúa Cha là động lực cho cả cuộc đời Đức Giê-su (x.Lc 12,50; 22,15; Mt 16,21-23), vì cuộc khổ nạn cứu thế là lý do khiến Người nhập thể: "Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này ! Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến" (Ga 12,27). "Chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống ?" (Ga 18,11). Và trên Thập Giá, trước khi "mọi sự đã hoàn tất" (Ga19,30), Người còn nói: "Tôi khát!" (Ga 19,28).

 
 
 
 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...