10/03/2015
439

 Đường Giêsu

Băn khoăn về nguồn cội con người, thắc mắc về ý nghĩa cuộc đời, thao thức truy tìm cứu cánh của đời người đã tiếp nối bằng bao thế kỷ mà không có được câu trả lời thoả đáng. Con người bơ vơ giữa ngã ba không biết phải đi về đâu. Khi xuống trần, Chúa Giêsu đã cho ta biết nguồn cội của Người là Đức Chúa Cha, ý nghĩa đời Người là thi hành thánh ý Chúa Cha, và cùng đích đời Người là trở về với Chúa Cha. Muốn về với Đức Chúa Cha, ta phải theo một con đường. Đường ấy có tên là GIÊSU. Đường này chắc chắn an toàn đi đến nơi về đến chốn vì Chúa Giêsu là người mở đường. Người chính là con đường và Người là tâm điểm của đích tới.

Chúa Giêsu là người mở đường.

Đi đâu cũng cần có đường. Không con đường nào tự nhiên có. Phải có người mở đường.

Có người mở ra những con đường vật chất, nhờ có óc phiêu lưu mạo hiểm, có tầm nhìn bao quát, có óc tính toán thực tế.

Có người mở ra những con đường suy tư triết học, sáng tác nghệ thuật, nhờ trí tuệ thông minh xuất chúng, có tư duy sáng tạo, có trực giác bén nhạy, có trí tưởng tượng phong phú.

Nhưng không ai có thể mở con đường lên trời. Đường lên trời hoàn toàn vượt khả năng con người. Phải có Đấng, ấy là Chúa Giêsu, Người đã đến từ Đức Chúa Cha, nay Người trở về cùng Đức Chúa Cha. Người lại hứa dọn chỗ cho ta trong Nhà Cha. Với những thông tin như thế, Người đã cho ta biết Trời chính là Nhà Cha. Quê Trời trở thành Quê Cha. Nước Trời trở thành một cõi đi về thân thương của con người. Con đường đi về ấy, chính Chúa Giêsu đã mở.

Chúa Giêsu là đường.

Không chỉ là người mở đường. Chúa Giêsu chính là con đường. Để về Nhà Cha, ta không chỉ đi theo, đi với mà còn phải đi trong Người. Không chỉ đi trong đường lối, trong tinh thần, nhưng trong chính bản thân Người. Như cành nho gắn liền với thân nho và sống bằng sự sống của thân nho. Như bánh rượu tan hoà vào trong máu thịt trở nên thành phần của bản thân ta. Như bản tính Thiên Chúa kết hợp với bản tính loài người trong bản thân Người. Đi trong Người để ta ở trong Người như Người ở trong Chúa Cha. Đi trong Người để ta mang hình ảnh của Người, để ai thấy ta cũng như thấy Người, như “Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy”.

Chúa Giêsu là đích tới của con đường.

Đi trong Chúa Giêsu là một hành trình dài. Đi suốt cả đời chưa chắc đã tới.

Để đi trong Chúa Giêsu ta phải từ bỏ hết những gì của bản thân mình, kết hiệp trọn vẹn với Người, cũng như Người đã từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, để trở nên một với Chúa Cha.

Khi đã hoàn toàn từ bỏ hết ý riêng và trở nên một với Người cũng là lúc ta đạt tới đích điểm, là lúc ta gặp được Chúa Cha, là lúc ta ở trong Nhà Cha, là lúc ta đạt tới Quê Hương yêu dấu trên trời.

Lạy Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, xin cho con biết đi trong con đường của Người.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Bạn hãy thử tìm ra những đặc điểm của con đường Giêsu (Vd: hiền lành, khiêm nhường…)

2) Bạn còn xa hay đã gần con đường Giêsu?

3) Bạn có mong đi trọn vẹn trong con đường Giêsu không? Nếu muốn, bạn cần những điều kiện nào nữa?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Ai biết Tôi là biết Chúa Cha

Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”, thiết tưởng lời thỉnh cầu của ông Philipphê cũng đồng thời diễn tả ước nguyện sâu xa của chính tôi, cũng như của nhiều tín hữu khác qua mọi thời đại. Như biết bao người ‘có đạo’ khác, tôi vẫn đinh ninh rằng mình thật sự tin có Thiên Chúa, và mình có trách nhiệm phải nói, phải chứng minh, phải thuyết phục để mọi người cùng tin rằng thật sự có Thiên Chúa, rằng Thiên Chúa thực sự hiện hữu. Thế nhưng thú thật, khi làm công việc đó tôi thấy mình cần phải là một triết gia, một nhà lý luận hơn là một tín hữu; đồng thời cũng nhận ra rằng, cho dầu có học hành thông minh tới mấy tôi cũng chẳng thuyết phục được mấy người. Nhiều người trong chúng ta đã từng có lần tự vấn: có thật tôi biết, tôi tin cách xác thực Thiên Chúa, như thể tôi đã tận mắt thấy Ngài? Trong thâm tâm biết bao người trong chúng ta vẫn thầm ấp ủ mộng ước một ngày nào đó mình sẽ được ‘thấy’ Thiên Chúa, qua một phép lạ nhãn tiền chẳng hạn, khi Ngài tỏ lộ cách công khai quyền năng và thượng trí khôn ngoan của Ngài.

Cũng thế đối với các môn đệ, cụ thể hai ông Tôma và Philipphê. Biết sâu hơn về Thiên Chúa là ước vọng chính đáng, đồng thời cũng là mục đích của việc các ông đi theo Thầy Giê-su. Chắc chắn các ông đã từng được nghe Thầy nói nhiều về Chúa Cha; tuy nhiên giữa những gì Đức Giêsu trình bày và ý niệm các ông có về Đức Chúa Cựu Ước xem ra chẳng mấy ăn khớp với nhau. Trong thâm tâm các ông vẫn mơ ước một ngày nào đó Đức Giêsu tỏ cho các ông được thấy Chúa Cha trong uy quyền sáng láng, như hình ảnh các ông vẫn có về Ngài. Chỉ như thế các ông mới cảm thấy toại nguyện: “xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha!

Đức Giêsu tỏ thái độ vô cùng  kinh ngạc trước lời thỉnh nguyện này của các ông: “Tại sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’?” Quả thật Người ngạc nhiên vì vẫn yên trí rằng sự hiện diện trần thế của Người hiển nhiên là để mạc khải Chúa Cha, rằng Người chính là Lời của Cha. Người coi như minh nhiên việc các môn đệ phải hiểu được điều căn bản đó. Vậy mà các ông vẫn hoàn toàn mù tịt! “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà… anh chưa biết thầy ư? Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người… Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.

Giai thoại trên cho thấy: có nhiều cách để một người tin hoặc biết về Thiên Chúa. Sơ đẳng nhất là người ta mơ hồ biết rằng có Thiên Chúa; sau đó người ta có thể biết thêm một vài yếu tính của Ngài như Ngài tự hữu, Ngài tạo dựng trời đất, Ngài quyền năng, thông minh, thánh thiện vô cùng… Đầu óc suy luận của con người có thể tiến tới một niềm tin, hay hiểu biết về Thiên Chúa đại loại như thế. Thế nhưng có một thứ ‘biết’ khác, thứ biết mà Kinh Thánh quen sử dụng, biết trong tương quan sống động và mật thiết mà chỉ có tiếp xúc trực tiếp mới có được. Thứ biết này cần một tiếp súc, hay ít ra một cầu nối, và như thế thì chỉ duy nhất một mình Đức Giêsu, Đấng từ cung lòng Thiên Chúa mà đến, mới có thể cho biết được. “Không ai đã lên trời (để mà thật sự hiểu biết được Thiên Chúa), ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3, 13). Thiên Chúa mà người Kitô hữu tin khác xa một trời một vực với Thiên Chúa của triết học, hay của các tôn giáo khác. Vì thế cho nên, dầu không phủ nhận những khái niệm về Thiên Chúa của người Do Thái đương thời, Đức Giêsu, bằng lời giảng dạy, nhưng nhất là bằng chính cuộc sống và cái chết thập giá của Người, đã tỏ lộ cho các môn đệ thấy một Thiên Chúa vô cùng độc đáo: “Ngài yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một… Ngài không lên án thế gian… nhưng muốn thế gian được cứu độ” (Ga 3, 16-17).

Trong cụ thể, một linh mục như tôi đã bao giờ được ‘thấy’ Thiên Chúa chưa? Hay ít ra tôi đã ‘hiểu biết’ về Ngài như thế nào, cái biết chi phối cuộc sống tôi và làm nền tảng cho những gì tôi trình bày cho giáo dân trong hướng dẫn mục vụ? Rất có thể hình ảnh và hiểu biết tôi có về Thiên Chúa, sau bao năm tu học, vẫn quá nặng tính triết học hay Cựu Ước, chứ chưa phải thực sự là diện mạo mà Đức Giêsu cố tâm trình bày? Tôi vẫn thấy một Đức Chúa hùng mạnh, thưởng phạt công minh vừa dễ hiểu lại vừa thiết thực hơn, nhất là trong việc giữ cho các giáo dân làm lành lánh dữ...; thậm chí đôi lúc tôi còn dám đối kháng chính Đức Giêsu với Cha Ngài khi khảng định cái chết của Người trên thập giá là để làm nguôi cơn thịnh nộ công thẳng của Chúa Cha?!  Cái lôgic hạ đẳng rất nhân cách hóa đó đã bị Đức Giêsu thẳng thắn gạt bỏ, vì nó phá vỡ nội dung Tin Mừng của sứ điệp cứu chuộc của Người: Người và Chúa Cha chỉ là một, không thể bị chia cắt. “Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hay tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy”. Khi khảng định Thiên Chúa là Đấng từ bi và giầu lòng thương xót, chúng ta không ngụ ý chỉ nói riêng về Đức Giêsu, Đấng đã chết trên thập giá để cứu độ chúng ta. Cái chết đó là một khảng định hùng hồn: chính Thiên Chúa, toàn bộ Thiên Chúa (Cha, Con và Thánh Thần), là giầu lòng thương xót. Ta nghe biết điều đó qua những lời giảng dạy của Đức Giêsu, tôi đã thấy điều đó trong cái chết thập giá tự hiến của Người, và ta gọi điều đó là Tin Mừng, là niềm tin cất khỏi chúng ta mọi mối sợ hãi, kể cả trong trường hợp ta có lỗi phạm và sa ngã vào những tội tày trời nhất. Thấy và biết một Thiên Chúa như thế sẽ làm cho toàn bộ đời sống ta trở thành một niềm vui bất tận, cho dầu vẫn tồn tại nơi bản thân ta những yếu đuối và thất bại nặng nề. Tông đồ Phaolô, trong chương 5 thư gửi các tín hữu Rôma, khảng định với chúng ta rằng: niềm tin Kitô hữu chính yếu hệ tại ở điều này.

Như thế, là Kitô hữu, tôi không cần cầu xin được thấy Chúa Cha, vì Đức Giêsu đã cho tôi được thấy rồi đó. Người cho tôi được thấy tỏ tường bộ mặt thật của Thiên Chúa qua chính Thập Giá của Người!

Lạy Chúa từ nhân, kể từ lần được thoáng gặp Chúa qua biến cố chết lâm sàng tại Mongolia cuối năm 2007, con mới thực sự được‘thấy’ Chúa, trước hết như một Thiên Chúa giầu lòng từ nhân và hay thương xót. Lẽ ra con đã phải nhận biết điều này từ lâu trước, khi con từng học giáo lý và thần học. Tạ ơn Chúa đã cho con được‘thấy’ Chúa Cha là như thế. Con cầu xin để tất cả các Kitô hữu đều cùng con cảm nghiệm được Thiên Chúa là như thế, để niềm vui của chúng con được nên trọn vẹn, và để chúng con vui mừng lên đường loan báo Tin Mừng về một Thiên Chúa yêu thương cứu độ cho mọi người. A-men

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

Cuộc đời là một chuyến đi

Người ta nói cuộc đời là một chuyến đi. Có chuyến đi dài. Có chuyến đi ngắn. Có chuyến đi đến vô tận. Chuyến đi nào cũng có thể gặp người ta yêu nhưng cũng có thể phải chia tay và bỏ họ lại phía sau. Chuyến đi nào cũng có niềm vui nhưng cũng có những chuyến đi mang lại nỗi buồn. Vui buồn lẫn lộn trong kiếp người cũng tùy thuộc vào chuyến đi mang theo mục đích gì? Mục đích chuyến đi sẽ quyết định về sự vui buồn trong hành trình của chúng ta.

 Càng đi, ta lại càng thêm dẻo dai. Như một lực sĩ, càng chạy, ta càng mềm dẻo để có thể dấn thân vào một chuyến đi mới, vào những cuộc chiến đấu mới. Đi càng nhiều thì đời càng cho ta thêm kinh nghiệm. Thế nhưng, có khi càng đi, con người lại càng thêm buồn đau hơn! Vì thất bại nên thất vọng. Vì không như ý muốn nên chán nản . . .

Tựu trung trong cuộc đời chúng ta có ba chuyến đi:

1/ Những chuyến đi thể lý:

Đó là những chuyến đi theo nhu cầu tự nhiên của một người bình thường. Nhu cầu công việc. Nhu cầu về thăm quê hương. Nhu cầu thăm nom  cha mẹ và anh chị em trong gia đình. . . Đây là những chuyến đi của bổn phận nhưng đòi hỏi chúng ta vượt lên sự ngại ngùng, lười biếng để dấn thân về phía trước.

2/ Những chuyến đi nhân ái

Có những chuyến đi không phải của bổn phận mà là của tình người chia sẻ, hiệp thông với tha nhân. Có chuyến đi đến với người nghèo để cho họ bữa ăn, hay đến với người bất hạnh để ủi an nâng đỡ họ. Mỗi năm giáo xứ chúng tôi vẫn có chuyến đi thăm người nghèo ở những vùng xa xôi hẻo lánh như Cao Nguyên hay Miền Trung khô cằn. Nhìn nét mặt hân hoan của họ khi nhận quà mà lòng mình cũng hân hoan. Lúc đó mới thấy chuyến đi mình thật ý nghĩa.

3/ Những chuyến đi tâm linh

Sự sống con người không dừng lại ở những chuyến đi thể lý hay nhân ái mà còn có chuyến đi về với cội nguồn là Thiên Chúa, Đấng tạo thành con người. Chuyến đi này xuyên suốt trong những chuyến đi thể lý hay nhân ái. Chính chuyến đi này làm cho những gánh nặng, những khó khăn trở nên nhẹ nhàng hơn. Ai đã từng đau khổ hay mang gánh nặng nề nếu biết hướng lòng về chuyến đi cùng đích sẽ cảm thấy nhẹ vơi, bình an. Vì sau đêm dài là ánh bình minh. Sau thập giá là vinh quang.

Chúa Giêsu đã từng thực hiện chuyến đi ấy trong suốt cuộc đời Ngài luôn hướng về Chúa Cha, luôn sống trong chờ đợi “Giờ” mà Chúa Cha đã định cho Ngài. Ngài đã sống trọn vẹn một hành trình vâng phục thánh ý Chúa Cha. Cho dầu đó là thập giá đau thương, Ngài vẫn đón nhận trong niềm tín thác nơi Cha.

Sau cuộc hành trình đầy thương khó, Ngài đã về Trời để lãnh triều thiên vinh quang. Ngài đã bước qua thập giá để tiến tới vinh quang Phục sinh.

Hôm nay Ngài bảo: “Ngài về cùng Chúa Cha”. “Ngài đi trước để dọn chỗ cho chúng ta”. Ngài mong rằng Ngài ở đâu thì chúng ta cũng ở đó với Ngài. Nhưng để có thể ở bên Ngài trong Nước Cha Ngài, chúng ta cũng phải đi trên con đường Ngài đã đi. Con đường của thập giá tiến tới vinh quang. Thập giá trong bổn phận. Thập giá trong sự chia sẻ trách nhiệm với tha nhân. Thập giá trong những hy sinh phục vụ đồng loại. Nhất là thập giá trong hy sinh từ bỏ những quyến luyến tội lỗi, những đam mê lầm lạc để sống theo thánh ý Chúa.

Là người ky tô hữu, chúng ta được mời gọi bước theo con đường Chúa Giê-su đã đi. Đó là con đường đi tìm thánh ý Chúa và thực thi đến hơi thở cuối cùng. Đó không phải là con đường trải thảm rộng thênh thang mà là con đường hẹp, đầy chông gai giăng kín hành trình. Đó là con đường từ bỏ, đường thập giá, đường hiến tế đẫm máu trên đỉnh đồi Calve. Đó là con đường của tình yêu, tận hiến và hy sinh như Thầy Chí Thánh Giêsu. Và như thế, đó chính là con đường duy nhất để chúng ta tiến vào nhà Cha, nơi đó, Chúa Giêsu đã đi trước để dọn chỗ cho chúng ta.

Cuộc đời là một chuyến đi trở về nguồn. Trở về với Thiên Chúa là Cha. Trở về thiên đàng là nơi dành sẵn cho con người. Xin cho chúng ta biết đi theo Con Đường Chúa Giêsu đã đi để tiến về nhà Cha. Xin đừng vì những đam mê bất chính, những thói hư tật xấu, những lười biếng mà lạc mất hướng đi về trời. Xin Chúa Giêsu luôn đồng hành và nâng đỡ chúng ta trên hành trình tiến về nhà Cha. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Trở nên tấm ảnh đẹp của Chúa Giêsu

Nhiều lần Chúa Giêsu nói về Chúa Cha khiến các môn đệ đâm ra tò mò. Chúa Cha là Ai? Ngài ở đâu? Ngài là Đấng thế nào?

Thế nên Philípphê mới đề nghị với Chúa Giêu: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.”

Chúa Giêsu là hình ảnh của Chúa Cha

Bởi vì trăm nghe không bằng một thấy và vì không thể dùng ngôn ngữ hạn hẹp của con người để diễn tả mầu nhiệm cao vời về Chúa Cha, nên Chúa Giêsu chỉ cho Philípphê cũng như các môn đệ xem chân dung, xem hình ảnh sống động của Thiên Chúa Cha. Chân dung đó, hình ảnh đó chính là Ngài: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9. 12,45)

Tiếp theo, Chúa Giêsu cũng tỏ cho các môn đệ biết giữa Ngài và Chúa Cha có một mối hiệp thông hết sức mật thiết. Những lời Chúa Giêsu nói chính là những lời của Chúa Cha được phát ra qua môi miệng Chúa Giêsu; những gì Chúa Giêsu thực hiện trong cuộc đời cũng là những hành động của Chúa Cha…: “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Ngài làm những việc của mình. (Gioan 14, 10).

        Thế là Chúa Cha tự tỏ mình qua Chúa Giêsu. Nhìn vào Chúa Giêsu, nhân loại sẽ nhận biết Thiên Chúa Cha.

Giáo Hội là hình ảnh của Chúa Giêsu

Tương tự như Philípphê hôm xưa thỉnh cầu Chúa Giêsu bày tỏ cho các môn đệ biết Chúa Cha, thì nay, nhiều người cũng muốn nhờ chúng ta bày tỏ cho họ nhận biết chân dung của Chúa Giêsu.

Trước vấn nạn nầy, thánh Athanasiô đưa ra một chỉ dẫn cụ thể như sau: "Chúa Cha được bày tỏ qua Chúa Con và Chúa Con được bày tỏ qua Giáo Hội." Nói khác đi, Chúa Con là hình ảnh trung thực của Chúa Cha, còn Giáo Hội là hình ảnh trung thực của Chúa Con, và mỗi người chúng ta, vì là thành phần của Giáo Hội, nên cũng phải là hình ảnh trung thực của Chúa Giêsu.

Trở nên tấm ảnh đẹp của Chúa Giêsu

Thiên Chúa tạo dựng nên con người theo hình ảnh Chúa. Hơn nữa, Kitô hữu còn là chi thể của Chúa Giêsu (I Cor 6,15), là hiện thân của Thiên Chúa, được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu (Rm 8, 29. Pl 3,10)). Vì thế, Kitô hữu thực sự là hình ảnh sống động của Thiên Chúa, bày tỏ chân dung Thiên Chúa cho mọi người.

Giờ đây, nhìn lại mình, chúng ta có xứng đáng là hình ảnh, là tấm chân dung của Chúa chưa?

Có một số người rất sợ chụp hình, hoặc khi cần phải chụp hình thì cố tạo dáng, phải nở nụ cười thật duyên, phải làm sao cho ăn ảnh… vì sợ rằng tấm ảnh của mình, khi in ra, không đẹp; Mà tâm lý của người đời là hễ “tốt thì khoe nhưng xấu thì che.” Ai cũng sợ phô bày hình ảnh không đẹp của mình cho thiên hạ trông thấy.

Một khi tấm ảnh được in ra, nếu thấy chân dung của mình tươi đẹp, người ta muốn phóng ra khổ lớn để trưng bày giữa phòng khách; ngược lại, nếu chân dung mình xấu xí, người ta giấu kín hoặc huỷ nó đi.

Mỗi một Kitô hữu cũng là một tấm ảnh của Chúa Giêsu. Chắc chắn Chúa Giêsu không muốn chân dung của Ngài xấu xí. Chắn chắn Chúa Giêsu cũng muốn dùng “nghệ thuật sửa ảnh” để chỉnh sửa tấm ảnh của mình cho xinh đẹp. Chắc chắn Chúa Giêsu cũng muốn trưng bày chân dung tươi đẹp của Ngài ra cho người ta trông thấy[1] và điều đáng buồn, là có lẽ Chúa Giêsu cũng muốn che giấu những tấm chân dung xấu xí của Ngài đi.

Là Kitô hữu, là chân dung của Chúa Giêsu, chúng ta cần phải được “chỉnh sửa” hằng ngày, không phải bằng kỹ thuật photoshop hiện đại, nhưng bằng cách chừa bỏ thói hư tật xấu và trau dồi nhân đức, để những vết đen của tội lỗi được xoá bỏ đi, để cho nét đẹp của tâm hồn đạo đức được toả sáng, nhờ đó, Chúa Giêsu sẽ hãnh diện về ta là tấm chân dung tươi đẹp của Ngài.

Lạy Chúa Giêsu,

Đã bao lần chúng con làm cho chân dung Chúa trở méo mó, biến dạng và có thể là rất khó thương vì đời sống không đẹp của chúng con.

Xin cho chúng con biết nhìn lên Chúa như một khuôn mẫu tuyệt vời để đào tạo bản thân mình thành con người mới, có phẩm chất cao đẹp, có đạo đức và văn hoá để nhờ đó, chúng con trở thành hình ảnh trung thực về Chúa cho thế giới hôm nay.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà 

Con đường hạnh phúc

 Con đường tơ lụa được biết tới là con đường giao thoa của các nền văn hoá giữa Châu Á và Châu Âu. Bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh (Trung Quốc) qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp  xung quanh vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu. Con đường kéo dài tới Hàn Quốc và Nhật Bản với chiều dài khoảng 6.437 km.

        Con đường tơ lụa trên đất liền tồn tại khá lâu, rồi suy tàn dần theo năm tháng. Người ta thiết kế con đường khác an toàn, dễ dàng và thuận tiện hơn trên biền. Nhưng cũng không thoát khỏi nguy nan như phong ba bão táp, hay chiến tranh bùng nổ cắt đứt con đường thông thương này. Trong khi đó, hơn 2000 năm nay, Đức Giêsu đã tuyên xưng: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14, 6) Một con đường duy nhất dẫn con người đến hạnh phúc vĩnh cửu, với nhiều đặc tính vượt trội, mà không con đường nào sánh được.

        Tuy vậy, Đức Giêsu cảnh báo con đường của Người chật hẹp, quanh co, khúc khuỷu, gập gềnh, lên thác xuống đèo, cheo leo, gai góc, phải chiến đấu liên lỷ, khi dám can đảm chọn lựa: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó.  Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt 7,13-14)

 

 Con đường cải lão hoàn đồng

         Nhân chi sơ tính bản thiện, Đức Giêsu luôn mời gọi mọi người lên đường, trở nên trẻ trung, đơn sơ, tốt lành, như trẻ em ngây thơ, trong sáng, khiêm tốn, đơn sơ, vô tư, phó thác, không chút mưu mô, gian dối, xảo quyệt, hay kiêu căng, ngạo mạn:  "Thầy bảo thật anh em: Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18, 3)

        Người còn nhủ với mọi người qua ông Nicôđêmô con đường tái sinh: "Thật Tôi bảo thật cho ông hay: “Nếu ai không tái sinh bởi Nước và Thánh Linh, sẽ không được vào Nước Thiên Chúa." (Ga 3, 5) Nhiệm Tích Thánh Tẩy do Đức Giêsu thiết lập và truyền cho Giáo Hội thực hiện, để thông ban cho mọi người được ơn tái sinh trở nên con cái Chúa và Giáo Hội, nhờ Nước và Thánh Thần.

        Thánh Phaolô giải thích cặn kẽ về con đường canh tân đổi mới: “Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta, nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới.” (Tt3, 5)

 Con đường Tình Yêu

         Con đường Đức Giêsu hướng dẫn và đồng hành luôn bừng sáng, choáng ngập Tình Yêu: “Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu.” (Hs 6, 6)..

Với Tình Yêu nồng nàn, Đức Giêsu luôn làm đẹp lòng Đức Chúa Cha, (Mt 3, 17) cũng như luôn vâng phục ý Cha cho đến hiến mạng sống, phản ảnh một tình yêu tuyệt đối. (Pl 2, 8) Ngài cũng yêu con người bằng một tình yêu tột đỉnh, tình yêu chí nhân, chí ái: "Người đã yêu thương họ cho đến cùng." (Ga 13,1)

Tình yêu liên kết mật thiết giữa Đức Chúa Cha và Đức Chúa Giêsu với con người: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy  và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14, 23)  Cũng như  Tình Yêu biến đổi tất cả mọi người đều trở thành huynh đệ thắm thiết: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu anh em.” (Ga 14, 34)

Tình yêu dấn thân, xả kỷ vị tha: Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta.” (Mc 8, 34)

Tình yêu hóa giải, xóa tan chia rẽ, oán cừu, thù hận: “Các con hãy yêu thương thù địch và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con”(Mt 5,43-44). 

Tình yêu phục vụ: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13, 14-15)

 Con đường hồi hương

Trước cuộc chia ly tử biệt, Đức Giêsu mặc khải con đường quan trọng duy nhất Người dẫn đoàn chiên về: “Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không Thầy đã nói với anh  em rồi, vì Thầy dọn chỗ cho anh  em.” (Ga 14, 2) 

 Hồi hương về với quê nhà đích thật, nguồn cội và cứu cánh của con người: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.” (Ga 20:17)

        Về với Nước Trời còn là cùng đích con người: “Trước hết hãy tìm kiếm  Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6, 33)

Con có một lý tưởng: hướng về Chúa Cha, một người Cha đầy yêu thương.  Cả cuộc đời Chúa Giêsu, mọi tư tưởng , hành động, đều nhắm một hướng: “Để thế gian biết Thầy yêu mến Đức Chúa Cha và Đức Chúa Cha yêu mến Thầy…” “Những gì đẹp lòng Đức Chúa Cha thì Thầy thực hiện luôn.” (Đường Hy Vọng, số 990)

 Lạy Chúa Giêsu, Người là con đường dẫn về quê hương yêu dấu, xin giúp chúng con can đảm chọn và theo Người, tái sinh, trẻ hóa, tình yêu chân thật, cùng luôn hướng về quê Cha Nhân Lành.

Lạy Mẹ Maria, chúng con kính xin Mẹ luôn khích lệ, an ủi và đồng hành cùng chúng con trên con đường hồi hương hạnh phúc viên mãn. Amen.

 AM Trần Bình An



[1] “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mát-thêu 5,16)

 


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...