08/11/2019
953
CHÚA NHẬT XXXII: SỰ SỐNG ĐỜI SAU SẼ NHƯ THẾ NÀO?
Thi hào Nguyễn Du có câu: “Thác là thể phách, còn là tinh anh” muốn nói lên rằng, con người có một phần phải chết gọi là thể phách, phần còn lại là tinh anh, là linh hồn bất tử. Người Việt Nam tin rằng bên kia cái chết là cõi vĩnh hằng, là cõi sống đời đời nơi ông bà tổ tiên của mình vẫn đang sống. Niềm tin này được thể hiện cách khác nhau tuỳ thuộc vào văn hóa và tập tục của các dân tộc. Niềm tin này xác tín rằng tổ tiên, ông bà và những người đã chết, tuy không thể nhìn thấy các Ngài bằng xương thịt, nhưng thực sự các Ngài vẫn đang sống. Tại Philippines vào ngày mồng Một lễ Các Thánh, cả gia đình cùng nhau ra nghĩa trang và ở đó cho đến hết ngày mồng hai lễ cầu Hồn. Họ ăn uống, ca hát vui chơi, ngủ nghỉ chung quanh phần mộ của người thân. Tại Việt Nam, niềm tin vào sự sống đời sau được thể hiện qua nhiều hình thức cúng bái, giỗ chạp. Người Việt tin rằng khi dâng cho ông bà tổ tiên hoa quả bánh trái thể hiện lòng thảo hiếu, ông bà tổ tiên sẽ đón nhận và phù hộ độ trì cho con cháu. Vào ngày cưới, đôi tân hôn đến trước bàn thờ tổ tiên để trình diện với các Ngài và xin các Ngài chứng giám cho cuộc hôn lễ. Ngày ba mươi tết, người Việt còn có thói quen làm mâm cơm mời ông bà về ăn tết với con cháu và ở với con cháu hết những ngày tết. Tất cả những thực hành đó, đều thể hiện niềm tin vào sự sống đời sau. 
Người Cộng Sản theo lý thuyết Duy vật, Vô thần, họ phủ nhận tất cả những gì là thần linh, là thiêng liêng, không tin có Thiên Chúa cũng không tin có sự thưởng phạt mai sau. Vì vậy, họ sống chỉ để tìm kiếm tiền bạc vật chất của cải đời này, bất chấp sự nhắc nhở, áy náy của lương tâm. Họ tìm cách đạt được mục tiêu vật chất, quyền lực bằng mọi giá kể cả việc sử dụng những phương thế xảo quyệt, giết chóc loại trừ nhau. Chính vì không tin vào sự thưởng phạt và cuộc sống đời sau nên họ đã tạo ra biết bao bất công và đau khổ cho người khác mà không thấy áy náy.
Thưa quý OBACE, các bài đọc Lời Chúa hôm nay một lần nữa tái củng cố cho chúng ta niềm tin vào sự sống đời sau. Vì sự sống đời sau là cuộc sống vĩnh cửu, nên con người cố gắng sống tốt ngay từ đời này và chấp nhận sự hy sinh thua thiệt kể cả đánh đổi mạng sống nơi trần thế để đạt được hạnh phúc đời đời mai sau.
Bài đọc một sách Macabe kể lại câu chuyện của một bà mẹ và bảy người con, vì cuộc sống vĩnh cửu mai sau mà chấp nhận đánh đổi mạng sống đời này. Câu chuyện không chỉ đề cao sự can đảm sống trung thành với niềm tin tôn giáo của những chàng trai và bà mẹ, nhưng còn diễn tả niềm tin mà bà mẹ và bảy người con tuyên xưng trước mặt vua quan. Tám mẹ con này trung thành với truyền thống tôn giáo của cha ông qua việc từ chối cúng bái các thần minh, từ chối những tập tục, lối sống của dân ngoại đang du nhập vào đất Israel. Vì niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất quyền năng khiến cho họ chấp nhận gian khổ, bắt bớ, tù đày và bị hành hạ cho đến chết. Họ đã nói lên niềm tin của mình khi tuyên bố rằng: “Chúng tôi chết là vì trung thành với lề luật của Vua vũ trụ. Đấng sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời.” Người em kế tuyên xưng niềm tin khi bị người ta cắt lưỡi, cậu đã cố gắng để nói với mọi người rằng: “Tôi có được lưỡi này, tay này là do Chúa Trời ban cho, nhưng vì lề luật của Thiên Chúa tôi coi thường những thứ đó và tôi hy vọng Thiên Chúa sẽ trả lại tôi những thứ đó ở đời sau.” Cậu con trai thứ tư tuyên xưng cách rõ ràng: “Thà chết vì tay người đời trong khi dựa vào lời hứa của Thiên Chúa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại.” Qua đoạn sách cho thấy: Những chàng trai trẻ này đã dám đánh đổi tuổi trẻ và cả mạng sống chỉ vì niềm tin vững chắc vào cuộc sống hạnh phúc mai sau mà Thiên Chúa ban cho những ai trung thành với giới răn lề luật của Người.
Niềm tin vào cuộc sống mai sau không dễ dàng để trình bày và để mọi người đón nhận. Vì thế, nhiều người vẫn luôn thắc mắc và muốn biết cuộc sống mai sau sẽ như thế nào?  Có phải kiếp này thế nào, kiếp sau cũng vậy, cõi dương thế nào cõi âm thế nấy chăng? Chắc chắn không phải như thế. Vì nếu cuộc sống mai sau cũng giống như cuộc sống hôm nay thì không đáng để chúng ta hy vọng và mong đợi, càng không đáng để chúng ta hy sinh cuộc đời này. Cuộc sống mai sau chắc chắn phải khác hơn, tốt đẹp hơn và hạnh phúc hơn cuộc sống hôm nay. Vì cuộc sống mai sau là cuộc sống hạnh phúc với Thiên Chúa, được trở nên như thần linh, không còn bị ràng buộc hoặc chi phối của vật chất nữa. Đó cũng là điều Chúa Giêsu muốn khai mở cho những người Do Thái trong câu chuyện hôm nay. 
Vào thời Chúa Giêsu có những nhóm người không tin vào sự sống lại và cuộc sống đời sau. Vì thế, khi nghe Chúa Giêsu rao giảng về Nước Trời và hạnh phúc Thiên Đàng mai sau, họ không chấp nhận. Họ muốn đưa ra một cái bẫy dựa vào luật và nghĩ rằng Chúa Giêsu sẽ không thể giải thích được: Theo luật Môsê quy định: “Một người anh cưới vợ mà chết khi chưa có con thì người anh hoặc em của người đã chết phải cưới người chị dâu đó để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.” Những người Sa đốc đặt vấn đề: “Có một phụ nữ lấy chồng, nhưng chưa có con thì chồng đã chết. Lần lượt bảy anh em trong gia đình phải cưới chị dâu cách hợp pháp theo luật, sau đó tất cả đều chết mà không có con. Cuối cùng người đàn bà đó cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ của ai vì cả bảy người đều cưới hỏi hợp pháp?”. Không phải chỉ nhóm Sa đốc ngày xưa nghĩ như vậy, mà ngày nay nhiều người cũng băn khoăn như thế: Không biết ông A cưới vợ hai lần, sau này khi sống lại ông ấy ở với bà thứ nhất hay thứ hai hay ở với cả hai bà? 
Chúa Giêsu đã chỉ cho những người Sa đốc và nhiều người khác thấy sự giới hạn trong suy luận của họ. Những người này bị giới hạn trong cái khung của trần gian: Kiếp này thế nào, kiếp sau thế nấy. Vì cái khung này khiến cho nhiều người không thể thoát ra để đón nhận giáo lý về sự phục sinh và cuộc sống đời sau. Chúa Giêsu trả lời cách rõ ràng: “Việc cưới vợ lấy chồng là việc của đời này.” Ở trần gian người ta kết hôn là để mưu tìm hạnh phúc, sinh sản con cái và duy trì nòi giống. Sau khi chết, bước vào đời sau họ sống một cuộc sống siêu thoát như các thần linh, không còn bị giới hạn bởi không gian thời gian, cũng không bị ràng buộc bởi các mối tương quan tình cảm. Họ không còn tìm hưởng thụ thú vui thể xác, nhưng có Thiên Chúa là nguồn vui và hạnh phúc cho tất cả mọi người. Họ không chết nữa và được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.
Qua câu trả lời của Chúa Giêsu, Ngài không chỉ mạc khải về cuộc sống mai sau, Ngài còn khẳng định niềm tin về sự sống lại của thân xác. Chúa Giêsu đã trích lại lời khẳng định của Thiên Chúa với ông Môsê trong Cựu Ước khi ông hỏi Ngài là ai? Thiên Chúa đã trả lời: “Ta là Thiên Chúa của Abraham, Isaac, Giacóp.” Mà Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống, là Đấng ban sự sống. Khi trả lời với Môsê như thế, chứng tỏ rằng các tổ phụ Abraham, Isaac, Giacóp vẫn đang sống trước mặt Thiên Chúa. Do đó, những ai sau cái chết được bước vào nhà của Chúa thì được sống một đời sống mới như các tổ phụ đang được hưởng.
Thưa quý OBACE, tin vào sự công bằng ngay thẳng của Thiên Chúa, tin vào sự thưởng phạt và sự sống đời sau sẽ là động lực giúp chúng ta điều chỉnh cuộc sống đời này. Ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được sự mong manh vắn vỏi của kiếp người trên trần gian này. Vì thế, chúng ta được mời gọi sống và làm nhiều điều tốt đẹp ở trần gian, tránh những điều gian ác bất công, để đời sau được sống hạnh phúc với Thiên Chúa. Người Kitô hữu không chỉ làm lành lánh dữ, ăn ở ngay lành theo luật tự nhiên, nhưng chúng ta được mời gọi sống theo niềm tin vào Thiên Chúa và thực hành luật của Tin Mừng. Vì mục tiêu cuộc đời của mỗi người là hạnh phúc Nước Trời, chúng ta dám chấp nhận hy sinh, thiệt thòi và kể cả mạng sống ở trần gian vì niềm hy vọng sự sống bất tử và nước Thiên Đàng đời sau.
Thực tế có nhiều người, nhiều bạn trẻ đã đánh mất mục tiêu sống cao đẹp này. Họ lao mình vào cuộc đời, tìm kiếm của cải vật chất, sống cuộc sống hưởng thụ như một con thiêu thân và bất chấp tất cả. Nhiều người lao vào kiếm tiền đến độ quên gia đình, con cái và quên cả Thiên Chúa là Đấng trao cho họ sự sống và có quyền lấy lại bất cứ lúc nào. Nhiều bạn trẻ đang vẽ ra cho mình một tương lai và họ tìm mọi cách để đạt được mục tiêu đó mà quên rằng chính Thiên Chúa mới là tương lai của mỗi chúng ta. Chính Thiên Chúa đã cho ta bước vào trần gian và Ngài là Đấng sẽ gọi tất cả phải trở về.
Xin Chúa củng cố niềm tin, niềm hy vọng vào cuộc sống và sự sống lại mai sau và để cho niềm tin này trở thành động lực thúc đẩy, điều chỉnh đời sống mỗi người sống sao cho tốt đẹp trước mặt Thiên Chúa để sau cái chết chúng ta lại được gặp lại Ngài trong niềm vui và hạnh phúc. Amen
 Lm.Giuse Đỗ Đức Trí
 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...