22/01/2021
2100
 Các Bài Suy niệm 
Chúa nhật III Thường Niên B.
Cho Mình Xin Lỗi Sao Khó Nói Vậy?

 Đôi khi chúng ta thèm được nghe một lời xin lỗi từ bề trên, từ lãnh đạo nhưng ở cuộc đời này thật hiếm hoi. Có mấy khi cha mẹ sai mà lại đi xin lỗi con của mình? Có mấy khi cha xứ sai khi chửi mắng ai đó mà lại can đảm xin lỗi một cách công khai? Có mấy khi lãnh đạo từ tôn giáo đến chính quyền sai mà dám xin lỗi vì sai lầm của mình mà gây nên tổn thất cho cộng đồng chung?
Ở đời chúng ta rất dễ dàng đấm ngực và đọc chung với nhau câu “lỗi tại tôi,lỗi tại tôi mọi đàng”, nhưng khi phải thốt ra với một ai đó, ta thường cảm thấy "nghẹn nghẹn" trong cổ họng, như ai đó đã từng nói: "Xin lỗi ai đó thật lòng, dường như là từ khó nói nhất".
Xin lỗi là sự công nhận chúng ta đã làm một điều sai trái - dù đấy là một lời bình phẩm vô tình, một hành động nông nổi hay một cử chỉ không đẹp. Bằng lời xin lỗi, chúng ta muốn đưa ra thông điệp như sau: "Mình cảm thấy vô cùng ân hận và giày vò vì việc mình đã làm. Mong bạn hãy tha thứ cho mình!". 
Xin lỗi đòi hỏi bản thân phải nhìn nhận sự nhỏ bé, bất toàn nên mới có sai lỗi. Xin lỗi là mong tha nhân tha thứ và bản thân sẽ quyết tâm không tái phạm và sống hoàn thiện hơn.
Như vậy, xin lỗi còn là cách để hoàn thiện mình và cải thiện các mối quan hệ theo chiều hướng tốt đẹp và bền vững hơn.
Năm cũ sắp qua đi và năm mới sắp đến luôn là khoảng thời gian để mọi người thay đổi bản thân, làm mới con người của mình. Nếu bạn mong muốn có được một sự tốt đẹp cho những ngày tháng tới, nhưng lúc nào cũng giữ toàn những điều xấu, thói quen không tốt trong người thì khó có thể thăng tiến và đạt được hiệu quả cao hơn. Hãy thay đổi bản thân trong năm mới theo những hướng tích cực nhất mới mong tương lai được tươi sáng và nhiều thành công sẽ chờ đón chúng ta.
Chúa Giê-su khi khởi đầu sứ vụ rao giảng Nước Trời, Ngài đã bắt đầu bằng lời kêu gọi “hãy sám hối”. Sám hối là nhìn nhận cái sai của mình và can đảm nói lời xin lỗi với người, với việc mà ta đã làm, đồng thời còn phải hướng tới sự thay đổi cách sống phù hợp với giáo huấn của Chúa. 
Nhưng xem ra chúng ta cũng chỉ đọc những lời sám hối chung chung trong các kinh đọc hằng ngày theo thói quen. Và tệ hơn, khi con người quá đề cao tự do cá nhân sẽ không còn thấy có lỗi với tha nhân để thực tâm xin lỗi. Điểu đáng buồn là người càng làm lớn thì thói gia trưởng càng cao nên càng khó khiêm tốn nhận sai và sửa sai.
Chính Chúa Giê-su khi rao giảng sám hối, Ngài cũng gặp rắc rối với người tội lỗi thì ít nhưng với người chức cao trọng vọng thì nhiều hơn. Tại sao vậy ? Thưa vì kêu gọi người tội lỗi sám hối thì dễ, vì họ biết mình tội lỗi ; còn kêu người chức cao trọng vọng thì cái tôi càng lớn, khiến họ càng khó nhìn lại bản thân để thấy sai mà sửa
  Bởi thế, để đáp lại lời kêu gọi sám hối thì trước hết ta phải thật khiêm tốn để thấy sự yếu đuối mỏng dòn của kiếp người. Vì “nhân vô thập toàn” , thế nên, “ai nên khôn mà không dại một lần” để rồi luôn biết lắng nghe sự góp ý hay những lời trái chiều mà thay đổi cách sống cho phù hợp.
  Tiếp đến, sám hối còn đòi phải có can đảm : can đảm không tự lừa dối mình nữa, và can đảm đối diện với thực tại phũ phàng của bản thân mình. Can đảm chấp nhận tội lỗi của mình và can đảm thay đổi. Sự can đảm này rất cần thiết, bởi vì con người thường thích đi trên những đường xưa lối cũ, con người thường lún sâu trong những thói quen đã ăn sâu, cho nên thay đổi rất là khó. Dẫu vậy, con người vẫn phải thay đổi để trở về với hình ảnh ban đầu của tạo dựng là giống hình ảnh Thiên Chúa. Một hình ảnh tốt lành, thánh thiện, tinh tuyền.
  Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết khiêm tốn để nhận ra sự yếu hèn của mình mà ăn năn sám hối và cậy dựa vào ơn Chúa để hòan thiện con người của mình mỗi ngày được tốt hơn. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
https://www.youtube.com/watch?v=idCEqJg-eh4
 Chúa nhật III Thường Niên B.
Lm. Giuse Phạm Hữu Đạo.
  • Gn 3, 1-5.10: Dân thành Ni-ni-vê lập tức thực hiện việc sám hối theo lời Giona.
  • Tv 24, 4b: Lạy Chúa, xin chỉ bảo cho con biết đường lối Chúa.
  • 1Cr 7, 29-31: Lời khuyên khẩn cấp: vì thế gian này đang qua đi.
  • Mc 1, 14-20: Các môn đệ đầu tiên lập tức đi theo Chúa Giêsu.
 
SÁM HỐI - ĐI THEO CHÚA GIÊSU.
 
I. Ý thức sự khẩn cấp qua các dấu chỉ nhắc nhở:
  • Dịch bệnh ngày càng diễn tiến phức tạp, khó kiểm soát;
  • Thiên tai do nhân tai ngày càng gia tăng nguy hiểm bất ngờ: mưa lũ, động đất, sạt lở;
  • Môi trường sống ngày càng ô nhiễm: khói - bụi công nghiệp, phân bón, các hóa chất độc hại từ nông nghiệp đến công nghiệp và mọi ngành nghề phục vụ cho cuộc sống hằng ngày.
  • Đạo đức xã hội suy đồi; nền tảng gia đình không được tôn trọng; mất dần ý thức về phẩm giá con người;
  • Quá đề cao cái tôi, coi thường tình liên đới - hiệp thông …
 
II. Lắng nghe Lời Thiên Chúa mời gọi:
  • Qua Lời Rao Giảng và mời gọi của Chúa Giêsu - Đấng Cứu Độ:
@. Với mọi người: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.
@. Với từng người: “Hãy theo Ta. Ta sẽ làm …”
  • Tính khẩn cấp qua lời thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Cô-rin-tô: “Thời giờ vắn vỏi … bộ mặt thế gian đang qua đi”.
  • Và còn khẩn thiết hơn qua sách Gio-na: “còn 40 ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá hủy”.
 
III. Nhìn người rồi nghĩ đến ta.
  • Dân thành Ni-ni-vê đã lập tức sám hối theo lời Gio-na giảng vì tin vào Lời Thiên Chúa. Còn tôi và gia đình tôi?
  • Các môn đệ đầu tiên đã lập tức từ bỏ nếp sống cũ để đi theo (sống với) Chúa Giêsu, sau lời mời gọi của Ngài. Tôi và gia đình lắng nghe Lời Chúa hôm nay thế nào và sẽ thực hiện ra sao?
  • Lời nhắc nhở của thánh Phaolô vẫn mang tính thời sự: => Cầu nguyện xin ơn can đảm đưa Lời Chúa vào thực hiện trong cuộc sống hiện tại nơi gia đình, để xây dựng gia đình trở nên “Mái Ấm của Lòng Chúa Thương Xót”.
 
IV. Hiệp thông với Hiến tế của Chúa Giêsu - thực hành sám hối canh tân.
  • Hiến tế trong Thánh lễ: Lời mời gọi ta cùng hiệp thông sám hối.
  • Ân sủng của Hiến tế: sức mạnh giúp ta hiệp thông sám hối.
  • Cộng tác với ân sủng Chúa ban: sinh hoa trái của Lòng Xót Thương trong gia đình.
  • Đặc biệt chú ý: “Tôn Vinh Lời” (Chúa nhật Tôn Vinh Lời Chúa).
 
V. Gợi ý thực hành: Tận dụng tốt thời gian “Năm Thánh Tôn Vinh Thánh Giuse” để:
  • Sửa một thói quen không tốt trong ý hướng thực hiện Lòng Thương Xót.
  • Cùng gia đình cầu nguyện và dâng đời sống gia đình dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ và thánh Giuse.
  • Gia đình cùng nhau thực hiện “Thống Hối và tin vào Tin Mừng” với việc làm cụ thể.
 
Vui nhớ Lời.
  • Sám hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1, 15).
Đón nhận Tin Mừng: lòng thống hối.
Khiêm nhường nhận lỗi: quyết sửa sai.
Sửa mình trước đã! Không sai!
Gương sáng sẽ giúp sửa sai bạn mình.
  • Lập tức đi theo Chúa Giê-su (Mc 1, 17).
Theo Thầy Giê-su: phút hiện tại.
Thời gian ngựa chạy: chẳng đợi ta.
Vâng ngay tiếng Chúa gọi ta,
An bình, vui sống “con Cha trên trời”.

 Lm. Gioan B. Vũ Minh Tân
Tại sông Adams ở British Columbia, cứ 4 năm một lần lại xuất hiện cuộc hành hương của hàng triệu con cá hồi đỏ trở về nơi chúng được sinh ra.
Cá hồi đỏ được xem là một trong số các loài có tập tính sống kỳ lạ và bí ẩn nhất trong thế giới động vật. Chúng sống được ở các môi trường nước khác nhau như ngọt, lợ và mặn. 
Cá con mới ra đời sẽ sống trong môi trường nước ngọt đến lúc đủ khả năng để di cư và sinh sống ở đại dương rộng lớn, nơi cách xa vị trí sinh sản tới 1.600km. Chúng di cư trong khoảng 1-4 năm và sống ở môi trường nước mặn.
Sau đó, đàn cá lại quay về đẻ trứng ở nơi đã được sinh ra. Các nhà khoa học cho rằng cá hồi đỏ có thể định hướng vị trí cũ bằng cách sử dụng mùi đặc trưng của dòng sông, cũng có thể nhờ vào mặt trời.
Đến hẹn lại lên, sau 4 năm, hàng triệu con cá hồi đỏ trở về sông Adams để sinh sản và bắt đầu một vòng tuần hoàn mới. sau khi sinh sản, do không có thức ăn và kiệt sức vì bơi ngược dòng nên nhiều cá bố mẹ đã chết.
Sự kiện những con cá hồi hành hương, trở về nơi mình sinh ra, giúp chúng ta liên tưởng đến cuộc đời của chúng ta. Cuộc đời của chúng ta là gì nếu không phải là một hành trình ra biển đời rồi trở về với Thiên Chúa, nơi mình đã phát xuất ra.
Con người được sinh ra để đi vào cuộc đời, rồi từ đó con người bắt đầu trở về với Thiên Chúa, hành trình đó chúng ta đều biết thế nhưng nhiều khi biển đời lôi cuốn, vùi lấp, con người lạc lối không biết đường về. Chính vì thế Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ, các tiên tri để loan báo, để mời gọi con người sám hối trở về nẻo chính đường ngay. Các bài đọc hôm nay đều mời gọi con người sám hối trở về.
Bài đọc một, Thiên Chúa sai tiên tri Giôna đi đến thành Ninivê kêu gọi họ sám hối trở về để được thứ tha. Giôna không muốn đi bởi Ninivê là thủ đô của Đế quốc Assyria, kẻ thù đã nhiều lần tấn công dân Do Thái. Vì vậy, trong đầu óc người Do Thái, Ninivê luôn là một thành phố xấu xa, tội lỗi và đáng bị trừng phạt. Chính vì thế, khi Thiên Chúa gọi ngôn sứ Giona đi Ninivê rao giảng sự sám hối để được thứ tha, Giona rất khó chịu. Ông cũng đi nhưng cố tình đi lạc đến một nơi khác. Nhưng làm sao mà con người có thể đánh lừa được Thiên Chúa. Thiên Chúa cho tàu chở Giona bị bão, thuỷ thủ quăng ông xuống biển. Một con cá lớn nuốt ông vào bụng rồi nhả ông lên bờ biển Ninivê. Trong bụng cá ông đã sám hối ăn năn và đã làm theo lệnh Chúa vào thành rao giảng. Kết quả là dân thành đã ăn năn sám hối và được Chúa thứ tha.
Bài Tin Mừng thì chính Chúa Giêsu, khi bắt đầu công khai rao giảng, ngài đến Galilê là vùng đất đa số là lương dân. Ngài rao giảng : "Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến. Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". hơn ai hết, tất cả chúng ta, kể cả người đang nói và tất cả mọi người đang nghe đều phải sám hối. Ngày nào chúng ta còn là người, chưa phải là thánh, chúng ta còn phải sám hối.
Không những rao giảng, kêu gọi sám hối, Chúa Giêsu còn chọn gọi 4 tông đồ đầu tiên đi theo ngài, để cộng tác, tiếp nối công việc của ngài, tiếp tục mời gọi con người sám hối.
Hôm nay, Chúa vẫn mời gọi chúng ta “hãy ăn năn sám hối” đồng thời trở nên những chứng nhân sám hối để kêu gọi mọi người cùng sám hối.
Có khi Chúa mời gọi chúng ta trong một lần sốt sắng cầu nguyện.
Có khi Chúa mời gọi trong lúc ta đọc một đoạn Tin Mừng, nghe một bài giảng. Có khi Chúa mời gọi đang khi chúng ta làm việc hằng ngày.
Và rất nhiều khi Chúa nói với ta qua những biến cố cuộc đời, nhất là những biến cố đau buồn, như bệnh tật, thất bại, khổ sở, không được vừa ý.
Chúa vẫn còn nói, còn gọi. Nhưng có người nghe, có người không nghe; có người làm theo, có người bỏ qua.
Thánh Augustinô đã suy gẫm và rút ra kết luận : "Khi tạo dựng con, Chúa không cần hỏi ý con. Khi muốn thánh hóa con, Chúa cần con góp sức con". Chúa muốn thánh hóa chúng ta và thánh hóa tất cả mọi người. Chính vì thế Chúa cần chúng ta sám hối để được thánh hóa, và Chúa cũng cần chúng ta cộng tác với Chúa trong việc mời gọi mọi người cùng sám hối để tất cả mọi người cùng được thánh hóa, được cứu độ.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta sám hối như Giôna trong bụng cá, như dân thành Ninive. Sám hối là cách tốt nhất để rao giảng, để kêu gọi mọi người cùng sám hối. Amen.

HOÁN CẢI VÀ TRỞ VỀ

Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông

Gn 3,1-5.10 Nghe lời tiên tri Giô-na mời gọi, người ngoại đã hoán cải

Tv 25,4 Lạy Chúa, xin tỏ cho con biết đường lối của Chúa!

1Cr 7,29-31 Thế gian đang qua đi, chúng ta hãy dành thời gian nầy phụng sự Chúa

Mc 1,14-20 Đức Giê-su mời gọi mọi người hoán cải

 

1. HỎI: Các bài đọc liên kết với nhau như thế nào?

THƯA: HOÁN CẢI VÀ TRỞ VỀ VỚI THIÊN CHÚA. Nghe lời rao giảng của Giô-na, dân thành Ni-ni-vê đã hoán cải và trở về với Thiên Chúa (BĐ1). Lời rao giảng đầu tiên của Đức Giê-su là mời gọi mọi người hãy sám hối và tin vào Tin Mừng (BTM). Đó là điều cần thiết phải làm để phụng thờ Thiên Chúa vì thế gian nầy đang qua đi (BĐ2).

2. HỎI: Sách Giô-na là sách gì?

THƯA:Sách Giô-na là quyển sách thứ năm trong 12 sách các Tiên Tri nhỏ, được biên soạn ở Pa-lết-tin khoảng thế kỷ V trước Công nguyên. Đây là một sách ngắn gọn chỉ gồm 4 chương không ghi lại lời sấm nào mà chỉ kể lại cuộc rao giảng của tiên tri Giô-na chứa đựng nhiều bài học hữu ích cho các tín hữu. Trong lúc một bộ phận cộng đoàn Do thái muốn sống đóng kín để bảo vệ cá tính riêng của mình, thì tác giả chống lại lối sống đó. Ông chủ trương mở cửa và rao giảng rằng lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người và Lời của Ngài có thể vang xa đến mọi dân tộc. Đối lại với óc cục bộ của Ít-ra-ên sau thời lưu đày, sách nầy rao truyền tính cách phổ quátcủa ơn cứu độ.

3. HỎI: Sách Giô-na ra đời trong bối cảnh lịch sử như thế nào?

THƯA: Vào khoảng thế kỉ thứV trước Công nguyên, người Do Thái vẫn đang ở trong thời kỳ hồi phục sau cuộc hồi hương từ Ba-by-lon. Năm 722, đế quốc Át-si-ri đã chiếm vương quốc Ít-ra-ên phía Bắc, bắt các thành phần ưu tú của dân đi lưu đày, và đưa những nhóm dân khác đến đây định cư. Sau đó, vào năm 587 tại vương quốc Giu-đa phía nam, vua Nabuco- donosor và quân đội của ông phá hủy thành Giê-ru-sa-lem và lưu đày dân cư sang Ba-by-lon. 50 năm sau tức là vào năm 538, vua Ky-rô của Ba Tư đánh bại Ba-by-lon, ra sắc chỉ cho người Do Thái hồi hương và xây lại Đền thờ. Nào là sự đấu tranh giữa những người hồi hương và những người vẫn ở lại từ trước, nào là sự nghèo khổ và lao động vất vả để tái thiết Thành Thánh và Đền thờ. Tất cả những điều đó làm nên bối cảnh lịch sử trong đó sách Giô-na được biên soạn.

4. HỎI: Cuộc rao giảng của tiên tri diễn ra như thế nào?

THƯA: Trước tiên, tiên tri Giô-na được Thiên Chúa sai đến thành Ni-ni-vê để loan báo hình phạt mà Chúa sắp đổ xuống dân thành nầy (Gn 1, 2). Tuy nhiên, mệnh lệnh của Ngài khiến ông sửng sờ và thất vọng. Vì sao? Trước tiên vì dân Ni-ni-ve là kẻ thù của dân Ít-ra-ên, sự độc ác của dân thành nầy đã nhiều lần làm người Ít-ra-ên phải khốn đốn. Thứ hai vì Ni-ni-vê là một thủ đô ngoại giáo hùng mạnh nên vô cùng nguy hiểm cho một nhà giảng thuyết Ít-ra-ên nhỏ bé như ông. Thứ ba vì thành Ni nivê vô cùng to lớn, phải đi ba ngày mới hết, thế thì công việc chừng nào mới xong nếu cứ dừng lại ở các góc đường để rao giảng. Thứ vì Giô-na không muốn cứu dân thành nầy khỏi cơn giận của Thiên Chúa. nhất là vì biết rằng Chúa là Đấng nhân từ, nên ông sợ rằng nhờ rao giảng mà dân Ni-ni-vê ăn năn sám hối rồi Chúa sẽ tha thứ cho họ. Thật là một sứ mạng bất khả thi. Ông chống lại Ni-ni-vê như thành nầy đã chống lại dân tộc ông. Vì thế, ông chỗi dậy trốn đi Tác sít.

5. HỎI: Thế rồi câu chuyện tiếp diễn ra sao?

THƯA: Chúa sai ông đi về phía đông đến Ni-ni-vê, ông lại lên tàu trốn về phía tây đến Tác sít. Trốn xa đến vậy nhưng cũng không thoát vì không bao lâu sau khi ông lên thuyền, biển nổi cơn sóng dữ. Giô-na bấy giờ thú nhận rằng vì có ông nên mới xảy ra như thế, nên những người trên tàu bắt ông quăng xuống biển. Nhưng Thiên Chúa gìn giữ ông bình an trong bụng một con cá. Sau ba ngày, cá thả ông lên bờ. Một lần nữa ông được lệnh đi đến Ni-ni-vê. Vì đã thấy cánh tay quyền năng Thiên Chúa nên lần nầy, ông không dám chần chừ tranh luận nữa mà vội vàng khăn gói lên đường ngay.

6. HỎI: Ni-ni-vê là thành phố nào?

THƯA: Ni-ni-vê là thủ đô của đế quốc Át-si-ri, ở tả ngạn sông Ti-gra, đối diện với Mô-sun, cách bờ sông hiện thời khoảng 1500 m hơi chếch về phía Tây. Đó là một thành phố lớn (hơn 650 héc ta) được bao bọc bởi một tường thành có 15 cửa. Theo sách Sáng thế thì Ni-ni-vê được Nimrốt xây dựng có lẽ từ ngàn năm thứ 3 trước Công nguyên (St 10,8-11). Quân Mê-đi và Ba-by-lon chiếm và phá hủy Ni-ni-vê vào năm 612 trước Công nguyên.

7. HỎI: Cuộc rao giảng kết thức như thế nào?

THƯA: Giô-na đi khắp nơi loan báo hình phạt của Thiên Chúa sẽ giáng xuống trên dân thành trong 40 ngày nữa. Nghe vậy toàn thể dân thành Ni-ni-vê từ vua đến dân đã sám hối và được Thiên Chúa tha thứ. Lòng nhân từ của Thiên Chúa lại khiến Giô-na nổi giận và lên tiếng phàn nàn với Ngài. Và câu truyện kết thúc với lời Thiên Chúa khẳng định lòng thương xót đối với dân thành Ni-ni-vê, những người con do Ngài tạo dựng.

8. HỎI: Câu chuyện chứa đựng những bài học nào?

THƯA: Câu chuyện chứa đựng những bài học sau đây: thứ nhất, Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, luôn dành cho họ cơ hội sám hốitrở về để được Ngài tha thứ.

9. HỎI: Bài học thứ hai là gì?

THƯA: Thiên Chúa là Chúa của cả vũ trụ. Người ta có thể kêu cầu Ngài ở khắp nơi, thậm chí trong bụng cá, cũng được Ngài nhậm lời.

10. HỎI: Bài học thứ ba là gì?

THƯA: Những người mà thường chúng ta coi là những kẻ ngoại đạo, những người tội lỗi lại nhạy bén với lời Chúa hơn chúng ta.

11. HỎI: Bài học thứ tư là gì?

THƯA: Câu truyện nầy được sáng tác sau lưu đày ở Ba-by-lon, vào đúng lúc mà các tiên tri muốn nhắc lại rằng Thiên Chúa muốn cứu độ toàn thể nhân loại chứ không riêng gì dân ưu tuyển. Cũng giống như trong gia đình, cần phải hiểu rằng đứa con trưởng không phải là đứa con duy nhất.

12. HỎI: Bài học thứ năm là gì?

THƯA: Câu truyện cây thầu dầu để lại bài học lớn, qua đó Thiên Chúa dạy cho ông Giô-na hiểu rằng: “Nếu anh không yêu mọi người như Ta thì anh không phải là một tiên tri tốt”. Rõ ràng, Thiên Chúa lớn hơn tâm hồn con người.

13. HỎI: Tại sao thánh Mác-cô viết: “Sau khi Gio-an bị nộp (= bắt)”?

THƯA: Thánh Mác-cô thích dùng kiểu nói ‘bị nộp’ để áp dụng cho Gio-an Tẩy giả, cho Đức Giê-su (như ở 9, 31), cho các tông đồ (x. 13,9) để nhấn mạnh rằng số phận của Gio-an Tẩy giả tiên báo trước số phận của Đức Giê-su và các tông đồ: đó cũng là kết cục chung cho các tiên tri và những người rao giảng lời Chúa (x. Is 50 và 52-53; Kn 2, 12: kẻ gian ác nói: “Ta hãy gài bẫy hại người công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm”).

14. HỎI: Tại sao Gio-an bị bắt (= nộp)?

THƯA:Gio-an bị vua Hê-rô-đê bắt vì Hê-rô-đi-a vợ vua Phi-líp anh ông mà ông đã cưới làm vợ. Gio-an đã can ngăn vua Hê-rô-đê: “Ông không được phép lấy vợ anh ông” (Mc 6,17-18). Từ đó, nhà vua căm thù Gio-an và tìm cách để hãm hại.

15. HỎI: “Thời giờ đã mãn” có nghĩa gì?

THƯA:Thời giờ đã mãn’ có nghĩa là thời gian có một ý nghĩa và một hướng đến, và hiện giờ đã đạt mục tiêu, đã tới mức hoàn tất, đó chính là ngày mà tiên tri Gio-ên đã loan báo: “Thánh Thần sẽ được đổ xuống trên mọi người” (Ge 3, 1), và được Gio-an Tẩy giả xác nhận: “Tôi rửa bằng nước, nhưng Ngài sẽ rửa anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,8).

16. HỎI: Tin mừng mà Đức Giê-su loan báo là tin mừng gì?

THƯA: Đó là tin mừng: Ngày Thiên Chúa đã đến, Vương triều của Thiên Chúa đã khai mạc rồi. Tin vui ấy có hai ý nghĩa: một là Vương triều Thiên Chúa đang đến gần, chỉ còn có việc đón nhận mà thôi; hai là một thực tại đang xảy ra trong Đức Giê-su, nơi Ngài trời và đất giao hòa, vì Thiên Chúa yêu thương tha thứ lỗi lầm cho loài người.

17. HỎI:  Như thế “sám hối” có nghĩa là gì?

THƯA:Sám hối” có nghĩa bỏ con đường tội lỗi đang đi và quay ngược lại trở về cùng Thiên Chúa Chí Thánh. Và để trở về với Ngài cần phải tin rằng Tin mừng Đức Giê-su loan báo đem lại niềm vui cho mọi người vì được Thiên Chúa yêu thương và tha thứ.

18. HỎI: “Sám hối và tin vào tin mừng” có nghĩa là gì?

THƯA: Do đó, có thể nói: “Sám hối là tin vào tin mừng”. Sự sám hối mà Đức Giê-su mời gọi chính là tin rằng ơn của Thiên Chúa đang ban xuống cho mọi người và được ban một cách nhưng không. Như tiên tri I-sai-a đã báo trước: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào” (Is 55, 1).

19. HỎI: Như thế sứ điệp tin mừng giống với sứ điệp bài đọc một?

THƯA: Đúng thế, sứ điệp gồm hai điều: một là Thiên Chúa muốn mọi người chứ không phải một vài người ưu tiên được cứu độ. Hai là Thiên Chúa chờ đợi con người sám hối để Ngài tha thứ.

20. HỎI: Lời mời gọi của Đức Giê-su gồm những gì?

THƯA: Lời mời gọi của Đức Giê-su gồm hai phần: một là “hãy theo Thầy”, và hai là “Ta sẽ làm cho anh em trở nên kẻ chài lưới người”. Trong khi phần thứ nhất không kèm theo lời chỉ dẫn nào cụ thể thì phần thứ hai dùng một hình ảnh quen thuộc trong nghề nghiệp của họ để minh giải lời mời gọi.

21. HỎI: Các môn đệ trả lời như thế nào?

THƯA: Khi được Đức Giê-su mời gọi đi theo Ngài, họ đã tức khắc đáptrả bằng những hành động dứt khoát: “Họ bỏ lại lưới cá và cha mình” để đi theo Ngài. Họ đã mau mắn đáp lại tiếng gọi của Ngài giống như Áp-ra-ham mà sách Sáng thế đã mô tả: “Áp-ra-ham đã ra đi như Đức Chúa đã phán với ông” (St 12). 

22. HỎI: “Lưới người như lưới cá” có nghĩa là gì?

THƯA: Đức Giê-su dùng hình ảnh lưới cá rất quen thuộc với các môn đệ để nối kết họ vào sứ vụ của Ngài, đó là: “Ta đến để cho con người được sống và được sống dồi dào”(Ga 10,10). Như thế, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ chỉa sẻ sứ mạng qui tụ loài người (= lưới người) để cứu độ họ.

23. HỎI: Câu chuyện về việc Đức Giê-su kêu gọi các môn đệ trong Mác-cô có ý nghĩa như thế nào?

THƯA: Qua câu chuyện Đức Giê-su kêu gọi các môn đệ đầu tiên, Mác-cô có ý nhấn mạnh những điểm sau đây: (1) Sáng kiến từ Đức Giê-su. Môn đệ của Thầy Giê su không tầm sư học đạo, mà chính Thầy tìm và kêu gọi môn đệ theo mình. Đức Giê-su chọn và kêu gọi những kẻ Ngài muốn (3,14). (2) Môn đệ vâng phục tuyệt đối. (3) Đoạn tuyệt hoàn toàn với đời sống cũ để trọn vẹn theo Đức Giê-su.

24. HỎI: Theo Mác-cô, ngày nay: “Đi theo Đức Giê-su” có nghĩa gì?

THƯA: Theo Mác-cô, “Đi theo Đức Giê-su” có nghĩa là cùng với Ngài đến với dân ngoại và hiến mạng sống vì Đức Giê-su và vì Tin mừng.

25. HỎI: Tại sao Mác-cô đặt việc Đức Giê-su chọn các môn đệ vào đầu đời sống công khai của Ngài?

THƯA: Bởi vì ông không muốn trình bày Đức Giê-su hành động một mình, ngoại trừ lúc chịu khổ nạn. Trong tin mừng Mác-cô, tất cả hoạt động đầu tiên của Đức Giê-su là qui tụ môn đệ, và từ lúc ấy, ông cho thấy họ tham dự vào tất cả mọi biến cố trong đời sống công khai của Ngài. Qua đó, Đức Giê-su muốn tạo lập một cộng đoàn, một gia đình gồm những môn đệ sẽ “ở với Ngài để được Ngài sai đi”. Họ sẽ là những người kế tục sự nghiệp của Ngài là làm chứng cho các hoạt động của Ngài.

26. HỎI: Bài tường thuật thánh Mác-cô có đặc tính gì nổi bật?

THƯA: Như trong toàn bộ sách tin mừng, bài tường thuật Mác-cô được dệt bằng những hoạt động dồn dậpkhẩn trương (euthus=ngay tức khắc (1,18) được) dùng 40 lần trong Mc). Đức Giê-su được mô tả như một con người luôn hoạt động và các biến cố nối tiếp nhau không ngừng. Rõ ràng cốt yếu của bài tin mừng hôm nay tính cách khẩn trương của thời gian. Các ngư phủ đã bỏ công ăn việc làm của mình ngay tức khắc để theo Đức Giê-su. Không thể chần chừ được nữa vì Nước Trời đang ở ngay bên. Thời giờ đã đến phải sám hối và tin vào tin mừng. Cuộc sống của chúng ta có thể thay đổi không nếu quan tâm đến tính cấp bách của Nước Chúa?

27. HỎI: Nội dung bài đọc hai (1 Cr 7,29-31) như thế nào?

THƯA: Thánh Phao-lô dạy các tín hữu rằng thời gian không còn bao lâu vả thế gian nầy đang qua đi nên phải sám hối và sống gương mẫu như Chúa đòi hỏi.

28. HỎI: Sống Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Thứ nhất là xác tín mình được Thiên Chúa giao phó sứ mạng chinh phục lòng người trong thời đại hôm nay. 2. Thứ hai là tha thiết cầu xin và để cho Chúa Thánh Thần huấn luyện và nhào nặn mình thành “những kẻ lưới người như lưới cá” mà Chúa Giê-su mong đợi. 3. Thứ ba là biết tận dụng mọi cơ hội và hoàn cảnh để trau dồi những gì cần thiết cho sứ mạng chinh phục lòng người, nhất là vun đắp cho mình có một đời sống chứng tá hiệu quả.

GLCG 541 2816 763 669,768 865. "Sau khi ông Gio-an bị bắt giam, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê, rao giảng Tin mừng của Thiên Chúa. Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em phải sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,15). "Để chu toàn Thánh ý Chúa Cha, Đức Ki-tô đã khai nguyên nước Trời nơi trần gian" (LG 3). Và đây là thánh ý Chúa Cha: "Nâng loài người lên tham dự đời sống Thiên Chúa"(LG 2) bằng cách quy tụ mọi người quanh Con của Người, Đức Giê-su Ki-tô. Sự quy tụ này, chính là Hội Thánh, là "mầm mống và là khai nguyên của Nước Thiên Chúa" trên trần gian (LG 5).

787755. Ngay từ đầu, Chúa Giê-su đã cho các môn đệ dự phần vào đời sống của mình (x. Mc 1,16-20; 3,13-19). Người mặc khải cho họ mầu nhiệm Nước Trời (x. Mt 13,10-17) và cho họ tham gia vào sứ mạng, chia sẻ niềm vui (x. Lc 10,17-20) và khổ đau của Người (x. Lc 22,28-30). Đức Giê-su nói đến một sự hiệp thông mật thiết hơn giữa Người với những ai sau này sẽ theo Người: "Hãy lưu lại trong Thầy... như Thầy trong anh em... Thầy là cây nho, anh em là ngành" (Ga 15,4-5). Người loan báo một sự hiệp thông thật sự và mầu nhiệm giữa thân thể Người và thân thể chúng ta: "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì kết hợp với Ta và Ta với người ấy" (Ga 6,56).

 1427541. Đức Giê-su mời gọi chúng ta hoán cải. Lời mời gọi này là một phần cốt yếu của việc loan báo Nước Trời: "Thời kỳ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã đến gần rồi. Anh em phải sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc1,15). Khi rao giảng, Hội Thánh chuyển lời mời gọi ấy, trước hết, đến những người chưa biết Đức Ki-tô và Tin Mừng. Vì thế, việc hoán cải đầu tiên và cơ bản là bí tích Thánh Tẩy. Chính nhờ tin vào Tin Mừng và nhờ bí tích Thánh Tẩy (x. Cv 2,38), chúng ta từ bỏ sự dữ và được ơn cứu độ, nghĩa là được tha thứ mọi tội lỗi và lãnh nhận hồng ân sự sống mới.
 

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN B

(Mc 1,14-20)

Lm. Tôma A. Trần Bá Huy

Kính thưa qobace, ơn gọi làm người và làm Kitô hữu là ơn gọi căn bản trong đời sống chúng ta. Hơn nữa chúng ta còn có những ơn gọi theo bậc sống, nghề nghiệp và sứ vụ. Đời sống hôn nhân cũng là một ơn gọi.

Người ta kể rằng ngày xưa có một anh học trò đi ngang qua một người hành khất trên đường. Ông này gọi với anh ta và bảo: sau này không khéo anh lại nên duyên với con bé cháu của tôi, nó đang xin ăn trong chợ này. Người thanh niên vốn không tin vào lời nói xàm của ông hành khất, nhưng cũng thấy lo lo trong bụng bèn thuê người đánh và dọa cho cô bé sợ mà đi đâu cho thật xa. Dò hỏi thì biết cô bé và ông hành khất không còn ở cái chợ quê gần nhà mình, anh học trò nghĩ đã xa cái mối họa rồi. Anh ta chăm chỉ dùi mài kinh sử để lên kinh ứng thí và được làm chức quan khá lớn. Anh được ông Quan huyện thương và gả con gái cho. Anh ta liền gật đầu, mừng thầm và nghĩ thế là mình cũng có vợ đẹp và giàu có chứ chả như lời nói năm nào của ông hành khất. Một hôm anh chải tóc cho vợ và thấy vết sẹo nhỏ trên đầu vợ, anh thắc mắc vì sao có vết sẹo. Người vợ kể ngày xưa em nghèo khổ lắm, phải ăn xin ở ngoài chợ, không biết tại sao có người đến đánh và đuổi em không cho ăn xin ở đó. Vết sẹo là do lần đó em bị đánh. Em lưu lạc đi xin ăn và được Quan huyện nhận làm con. Nhờ vậy em mới được gả cho anh.

Kính thưa qobace, nghe câu chuyện này như thể có một bàn tay sắp đặt vậy. Qua câu chuyện cho ta thấy vẫn có cái gì đó là huyền nhiệm trong cuộc sống lứa đôi. Nhưng ngày hôm nay, hình như do ảnh hưởng của nền văn hóa thời đại, nên chúng ta nhìn cuộc sống hôn nhân không thấy có gì là huyền nhiệm cả. Có chăng là do tôi bị hớp dẫn bởi vẻ đẹp của một người con gái, một sự thu hút của anh chàng có việc làm hái ra tiền; thậm chí còn do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, quen một lúc vài người rồi tính toán xem nên lấy ai để có nhà, có xe. Bởi thế chẳng còn thấy cái gì là huyền nhiệm.

Thế nhưng con xin hỏi qobace: câu Kinh Thánh trong sách Sáng Thế, Chúa Giêsu lập lại: “Điều gì Thiên Chúa đã liên kết con người không được phân ly”. Chúng ta có tin điều đó không? Nếu chúng ta thực sự tin chính Chúa đã phối hợp và liên kết vợ chồng thì rõ ràng hôn nhân là một ơn gọi. Chính Chúa gọi một ai đó vào bậc sống này, khi họ bước vào cuộc sống hôn nhân là họ đáp trả tiếng gọi của Chúa ngang qua những gì có vẻ rất đỗi bình thường. Khi chúng ta cảm nhận cuộc sống hôn nhân Công giáo của mình là một ơn gọi, chúng ta sẽ thấy câu chuyện thánh Maccô kể về việc Chúa Giêsu gọi các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay cũng là chuyện của mỗi chúng ta. Chúng ta thấy có ba bước: Thứ nhật là gặp gỡ, thứ hai là tiếng gọi và thứ ba là lên đường. Các môn đệ Chúa Giêsu lúc đó là những người trẻ, họ mang trong lòng một thao thức đi tìm cho cuộc đời một lý tưởng, một ý nghĩa. Nhưng họ không được tự do khi dân tộc bị đế quốc Roma thống trị. Cho nên họ mơ ước đi tìm một lý tưởng để giải thoát cho quê hương. Khi gặp thánh Gioan Tẩy Giả, họ nghĩ rằng đây chính là Đấng Mesia, Đấng Cứu Thế mà Kinh Thánh đã loan báo. Bởi lúc bấy giờ ông Gioan Tẩy giả rất hấp dẫn dân chúng, thế nên họ đi theo Gioan rất đông. Một ngày đẹp trời, Gioan chỉ vào một anh thanh niên đi ngang qua có tên gọi Giêsu và bảo: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng Xóa tội trần gian”. Thế là họ rời bỏ ông Gioan đi theo Chúa Giêsu và ở lại với Chúa Giêsu ngày hôm đấy. Sau đó họ lại trở về nhà, trở về với vợ con, với nghề chài lưới. Trở về, nhưng trong lòng cái ấn tượng của buổi đầu tiên gặp gỡ Thầy Giêsu vẫn còn đấy, và mỗi lúc càng sâu hơn; trở về mà hình ảnh của Giêsu mỗi ngày một lớn hơn trong trái tim của họ, cho đến một mức độ chín mùi, chính giây phút đó Chúa Giêsu đi ngang qua bờ biển và Ngài cất tiếng gọi: “Hãy theo Thầy”. Thế là các ông bỏ mọi sự đi theo Chúa Giêsu.

Bây giờ con mời qobace thử nhìn lại hành trình đi đến hôn nhân của mỗi người có giống như vậy không?

Đầu tiên cũng là gặp gỡ. Trong rất nhiều người mình tiếp xúc, sẽ có một người đúng nghĩa là gặp. Bởi gặp mặt xong về vẫn nhớ, vẫn nghĩ đến người ta, thậm chí còn lo lắng cho người ta. Rồi mỗi ngày hình ảnh đó lớn lên trong trái tim, ăn sâu trong tâm trí; cho đến lúc không muốn chia xa và trở thành một tiếng gọi, tiếng gọi trong lời tỏ tình, tiếng gọi trong lời cầu hôn.

Thưa qobace, với những người không có niềm tin vào Thượng đế thường bảo nhau hãy tự tạo nên số phận của mình. Nhưng thực ra, cuộc đời của mỗi người đều nằm trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa. Trong âm thầm, trong sâu lắng chính Chúa đã chọn gọi, ngang qua những điều rất đỗi bình thường. Rõ ràng là qua tiếng gọi đó, chúng ta bỏ hết mọi sự để đi theo, kể cả những mối quan hệ thân thiết nhất. Cho nên Kinh Thánh nói: “Người đàn ông bỏ cha mẹ mà đến với người bạn đời của mình và cả hai nên một”. Vậy điều quan trọng là cách thế mỗi người đáp lại ơn gọi Chúa dành cho mình và dẫn chúng ta đến cách sống thế nào? Con xin gợi lên hai ý tưởng:

Thứ nhất: Hôn nhân Công giáo là một Bí tích, và hiển nhiên luôn được Thiên Chúa chúc phúc. Con nói lên điều đó là bởi ngày nay có vẻ người ta sống đời hôn nhân cách khá thực dụng; cùng kiếm tiền cùng tiêu tiền; hợp thì sống chung không hợp thì chia tay. Như vậy, nền móng nào để xây dựng một đời sống hôn nhân bền vững? Đôi khi người ta xem hôn nhân là một chuyến làm ăn; tìm người yêu như kiếm tìm đối tác có tiềm năng; chọn đúng đối tác sẽ phát sinh lợi nhuận, vậy là thành công. Đây là trường hợp “Vì tôi cần em, nên tôi yêu em”. Thật là mạo hiểm với tình yêu “vì cần nên yêu”. Giả như người bạn đời gặp thất bại trong công việc thì người còn lại đâu cần nữa, không yêu nữa. Hôn nhân thất bại. Thiên Chúa là tình yêu. Ngài đi bước trước, Ngài yêu chúng ta trước. Hãy yêu trước đã. Thế nên, điều giúp cho hôn nhân thêm bền vững là “Vì tôi yêu nên tôi cần”.

Ý tưởng thứ hai: Lời Chúa hôm nay mời gọi hãy đáp lại tiếng gọi của Chúa ngang qua người bạn đời của mình; mỗi ngày cần phải hâm nóng, cần phải làm mới lại lời đáp trả đấy. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I đã nói với những người sống đời sống gia đình: cần phải làm mới lại tình yêu gia đình mỗi một ngày bằng cách chấp nhận nhau. Ngài khuyên các bà các chị phải biết làm đẹp, cái đẹp thể lý và cái đẹp trong tâm hồn; đẹp không phải vì bản thân mình, mà làm đẹp cho chồng cho con. Làm mới lại ơn gọi cũng có nghĩa là làm mới lại tình yêu trong hôn nhân gia đình. Từ đó chúng ta khám phá ra lời mời gọi của Chúa Giêsu hôm nay: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng ”. Vẫn là một lời mời gọi cho chính chúng ta. Sám hối có nghĩa là hãy thay đối cách nhìn, thay đổi cách nghĩ, từ đó thay đối cách sống cho phù hợp với Tin Mừng, để mỗi người nên thánh theo con đường riêng của mình: Con đường hôn nhân, con đường tu trì, con đường độc thân. Xin cho tình yêu Đức Kitô luôn luôn tồn tại nơi mỗi chúng ta, và xin cho tình yêu của mỗi chúng ta tỏa lan hương thơm tình yêu Đức Kitô.


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...