01/09/2015
946
CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN B
Is 35:4-7; Gc 2:1-5; Mc 7:31-37
Câm điếc thiêng liêng
Những công việc và phép lạ Chúa Giêsu làm khi ở trần gian, thường có nhiều ý nghĩa. Chúa đã làm một công đôi ba việc, hay nhất cữ lưỡng tiện. Chẳng hạn như phép lạ chữa người câm điếc kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúa đã làm một cách trịnh trọng khác thường. Những lần khác Chúa chỉ nói một tiếng hay làm một cử chỉ đơn sơ như đụng chạm tới, đặt tay trên đầu bệnh nhân hoặc cầm tay người chết…thế là phép lạ đã được thực hiện. Vậy mà đối với người câm điếc này, cách Chúa làm có vẻ phiền phức hơn. Những cử chỉ phiền phức ấy đều có ý nghĩa tượng trưng của chúng.
Trước hết, Chúa đưa người câm điếc ra khỏi đám đông. Vì Chúa không muốn cho dân chúng phấn khởi quá đáng, có thể gây nên bạo động; đồng thời Chúa cũng không muốn cho họ hiểu lầm những cử chỉ tượng trưng của Ngài. Phép lạ này xảy ra ở miền Thập Tỉnh, là nơi có nhiều người ngoại giáo ở lẫn lộn với người Do thái, nên chắc chắn họ không hiểu được ý nghĩa tượng trưng của việc Chúa làm và như thế họ sẽ cho Ngài là một thầy phù thủy cao tay, dùng phù phép và thần chú để chữa bệnh. Hơn nữa, việc Chúa đưa người câm điếc ra khỏi đám đông, còn dạy chúng ta sự khôn ngoan, kín đáo và khiêm tốn.
Thứ hai, Chúa xỏ ngón tay vào tai người câm điếc. Đối với những người nghe được thì bao giờ Chúa cũng dùng lời nói để đòi điều kiện đức tin. Còn đối với người điếc thì cần phải có cử chỉ. Cử chỉ sẽ gây nên công hiệu làm nảy nở lòng tin để tin vào quyền phép Đấng làm phép lạ. Việc Chúa xỏ ngón tay vào tai người câm điếc tượng trưng cho sức mạnh Thiên Chúa. Chúa đặt tay vào tai để chuyển thông một sức linh diệu, một sự nhạy bén, để họ có thể nghe thấy tiếng Chúa cách dễ dàng.
Thứ ba, Chúa bôi nước bọt vào lưỡi người câm điếc. Có vẻ mất vệ sinh không? Cứ sự thường nước bọt có chứa nhiều vi trùng, nhất là nước bọt của người bệnh. Nhưng đối với Chúa là Đấng tạo dựng con người và kể cả những vi trùng kia thì không có gì là mất vệ sinh. Chúa dùng một chút nước bọt như vậy để cho bệnh nhân ngoại giáo này nhận ra một cử chỉ uy quyền của Chúa sắp làm. Bệnh nhân này bị câm điếc nên cách liên lạc với anh ta chỉ còn bằng cử điệu mà thôi, nên dễ hiểu Chúa Giêsu đã làm cử chỉ này để lôi kéo anh ta chú ý vào Chúa.
Sau cùng, Chúa ngước mắt lên trời, thở dài và nói “Ép-pha-tha:  hãy mở ra”. Không mấy khi đứng trước những bệnh tật đau khổ của thân xác con người mà Chúa không nghĩ tới những khốn khổ của linh hồn họ. Có lẽ sự liên tưởng đó đã khiến Chúa phát ra tiếng thở dài ấy chăng? Nhưng dù khốn khổ thế nào chăng nữa, cũng không phải là vô phương cứu chữa. Đôi mắt Chúa ngước lên trời bày tỏ một niềm hy vọng sâu xa vào quyền phép của Chúa. Một tiếng: “Phi-át: xin vâng” đã lôi cả vũ trụ vạn vật từ chỗ không đến có, thì tiếng “Ép-pha-tha” này cũng chữa lại vài sự lệch lạc nơi tạo vật ấy một cách dễ dàng như vậy.
Thường thường những người mới sinh ra mà đã bị câm thì cũng bị điếc luôn. Người câm và điếc bị thiệt thòi rất nhiều và mất đi nhiều hạnh phúc của cuộc đời. Ngoài trường hợp câm điếc bẩm sinh, người ta có thể bị câm điếc vì một bệnh tật hay một tai nạn nào đó. Dù câm điếc vì lý do gì vẫn là những người đáng thương và cần sự giúp đỡ của chúng ta.
Tuy nhiên, ngoài những người câm điếc thực sự về thể xác này, còn có những hình thức câm điếc khác nữa, hiểu theo nghĩa bóng hoặc về phương diện tinh thần, thiêng liêng. Chẳng hạn có những người câm điếc vì không muốn nói; không muốn nghe, do một lý tưởng nào đó tác động: hạng người này rất hiếm và có thể có những trường hợp rất đáng khen tụng, đó là những anh hùng tuẫn giáo hay những chiến sĩ, cán bộ can trường, nhất định không chịu tiết lộ bí mật, không chịu phản bội lý tưởng. Ngược lại, có những người câm điếc cố tình, vì ỷ lại, ươn hèn, sợ hãi. Hạng người này lại đáng chê trách.
Lại có những người câm điếc khi bảo gì cũng không chịu nghe, hay chỉ nghe trước quên sau. Người ta gọi họ là những người cứng đầu cứng cổ, cố chấp, lì lợm: tai trâu, tau cối, lơ dễnh. Lại có những người ù lì, hèn nhát, sợ sệt, hỏi không nói, gọi không thưa, hay có nói thì ấp úng, không thưa được nửa lời, hay không chịu lên tiếng khi cần, khi có nhiệm vụ, khi có trách nhiệm bênh vực sự thật. Những người đó cũng được xếp vào loại những người câm.
Sau hết, có những người câm điếc thiêng liêng. Câm thiêng liêng là những người không biết dùng miệng lưỡi để ca tụng Chúa, không dám nói sự thật hay bẻ cong sự thật. Là cha mẹ mà không biết dùng lời nói khôn ngoan, đứng đắn để dạy dỗ con cái. Trong nhà thờ, không mở miệng đọc kinh, ca hát. Ở ngoài xã hội không dám nói về đạo hay bênh vực sự thật khi cần phải lên tiếng vv…Còn điếc thiêng liêng là những người không muốn nghe Lời Chúa, không muốn nghe tiếng Chúa nhắc nhở qua lương tâm hay những người đại diện Chúa, không thích nghe những chuyện đạo đức, trong khi đó lại thích nghe những chuyện tào lao, những chuyện gây thương tổn cho linh hồn mình vv…Đàng khác, câm điếc thiêng liêng có thể là những người khép kín trong chính mình, không chịu đối thoại, trao đổi…như thế dễ rơi vào tình trạng tự tôn, tự cao hoặc cố chấp, yếm thế, bi quan, chán nản. Tóm lại, bệnh câm điếc thiêng liêng nào cũng nguy hiểm, chúng ta cần đề cao cảnh giác và sửa chữa.
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.
***
Chữa lành người câm điếc
Đọc Tin Mừng, chúng ta cảm nghiệm sâu xa lòng nhân từ, thương xót của Chúa Giêsu. Ngài đã làm nhiều phép lạ chữa lành các người bệnh hoạn tật nguyền. Phép lạ được ghi lại trong đoạn Tin Mừng của thánh Marcô 7, 31-37 nói về việc Chúa Giêsu chữa lành một người vừa câm vừa điếc. Việc chữa lành này của Chúa Giêsu không chỉ nói lên lòng thương xót của Ngài mà còn là dấu chỉ của thời cứu rỗi đã đến. Tất cả các ngôn sứ trong Cựu ước đều loan báo về thời Chúa đến, cứu vớt dân người. Ngôn sứ Isaia trong bài đọc I hôm nay đã cho thấy vào thời Chúa đến:” mắt người mù được thấy, tai người điếc được nghe, người què quặt sẽ nhảy nhót như nai và người câm sẽ nói được”.
Phép lạ Chúa Giêsu làm cho người câm và điếc được lành:
Lưỡi và tai là hai cơ quan quan trọng của con người. Câm là bị trói buộc không nói được gì. Điếc không thể nghe được bất cứ điều gì. Người câm và điếc hầu như không hiểu ai mà cũng không ai có thể hiểu họ. Hai cơ quan lưỡi và tai quả thực là hai cơ năng rất cần thiết cho con người. Người câm không thể nói, nên cũng không thể diễn tả được những gì tốt đẹp. Còn người điếc không nghe được gì nên cũng chẳng hiểu người khác. Do đó, người vừa câm và vừa điếc mất đi sự hưng phấn và sinh động của cuộc đời. Người bị câm điếc như bị tách ra khỏi xã hội loài người. Đây là sự đau khổ lớn lao của người câm điếc. Chúa Giêsu hiểu thấu nỗi lòng của người câm điếc, Ngài chạnh lòng thương người câm điếc, nên hôm nay, Chúa Giêsu chữa lành người câm điếc. Tin Mừng ghi rõ:” Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người nguớc mắt lên trời, rên một tiếng mà nói: “ Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại “ ( Mac 7,33-35 ). Phép lạ Chúa Giêsu chữa cho anh câm điếc hôm nay không chỉ là việc chữa lành thân xác, mà còn là dấu chỉ của một thực tại cao sâu hơn: sự sống đích thực mà Chúa muốn mang lại cho con người. Khi đem lại khả năng nói và nghe cho người câm điếc, chúa Giêsu còn muốn gửi cho chúng ta một thông điệp sâu xa hơn: con người không chỉ sống nhờ cơm bánh mà còn do lời Thiên Chúa. Con người chỉ có thể sống đích thực là con cái Chúa khi họ biết mở tâm hồn đón nhận và sống lời của Chúa.
Sứ điệp phép lạ muốn nhắm tới:
Đối với người Do Thái thời Chúa Giêsu, những người mắc bệnh hoạn, tật nguyền đều bị người Do Thái gán cho cái nhãn hiệu tội lỗi, đáng khinh, đáng ghét. Chúa Giêsu là Đấng cứu độ. Ngài yêu thương mọi người không loại trừ bất cứ người nào cả. Chúa cứu độ và giải phóng những người tội lỗi không phải bằng những phép lạ xem ra thần kỳ, ngoạn mục, mà bằng mối quan tâm chữa lành và đem lại hạnh phúc cho họ. Khi chữa lành cho những con người bệnh hoạn, tật nguyền, Chúa Giêsu muốn khẳng định Ngài yêu thương mọi người, không loại trừ bất cứ ai và rằng những người bị loại bỏ, bị khinh bỉ, bị ruồng rẫy lại là những người được ưu tuyển, những người được quan tâm. Chúa đã đi tới cùng sự chọn lựa này ngang qua cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Ngài. Chính nơi thập giá của Chúa, tình yêu của Chúa được diễn tả một cách trọn hảo nhất. Chết mới nói lên tất cả, chết mới diễn tả hết tình yêu cao sâu của Người:” Khi Ta bị treo lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta” hoặc” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu”( Ga 15, 13 ). Chúa muốn mọi người nhận ra Người là Đấng cứu độ mà muôn dân mong đợi trong chính cuộc thống khổ và cái chết mà Ngài sẽ trải qua. Thời cứu chuộc mà các ngôn sứ loan báo đã đến mang lại sự công bằng cho mọi người, sự an lành cho những con người nhỏ bé, thấp cổ bé họng, những người bị áp bức. Người ta phải sống trong tình yêu thương của Chúa và cộng đoàn yêu thương, cộng đoàn cứu chuộc phải là cộng đoàn hoạ lại hình ảnh của cộng đoàn tiên khởi; bẻ bánh chung, tiền bạc để chung, của cải để chung vv…Tất cả đều xem nhau như anh em. Cộng đoàn này chắc chắn khác với cộng đoàn mà thánh Giacôbê trong bài đọc thứ 2 đã đề cập: sự chênh lệch giữa kẻ giầu, người nghèo. Thay vì coi nhau như anh em người ta coi người giầu có hơn người nghèo khó. Sự chênh lệch ấy sẽ còn mãi trong thế giới con người, liệu chúng ta có đi ngược dòng để có thể sống giáo huấn của Chúa hay ta cũng rơi vào vết xe cũ của muôn thời: “người giầu được kính nể, người nghèo bị khinh chê vv…”.
Khi chữa lành những người bị bệnh hoạn, Tin Mừng Marcô thường ghi lại Chúa Giêsu ngăn cấm những người đã được Ngài chữa lành không được nói với ai. Đây là bí mật Mêsia. Tuy nhiên, Chúa luôn chứng tỏ với mọi người Ngài là Đấng cứu độ, Đấng Mêsia mà mọi người mong đợi. Dấu chỉ lớn lao nhất là Ngài đã chịu thương khó, đã chết trên thập giá để cứu độ con người và đã sống lại vinh quang.
Lạy Chúa Giêsu, xin đừng để chúng con câm điếc trước lời mời gọi của tha nhân. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT
***
Hồi còn là con nít, trong bọn bạn chơi chúng tôi, có một đứa bị tật điếc bẩm sinh. Nó chẳng bao giờ nghe thấy những âm thanh chung quanh mình, thành thử ngôn ngữ của nó rất hạn chế. Cố gắng lắm nó mới phát ra được những lời ú ớ khó hiểu. Chúng tôi phải “sáng chế” một ngôn ngữ đặc biệt, dù là ngôn ngữ trẻ con, để dễ giao lưu với nó. Chúng tôi vừa nói vừa dùng chân tay làm hiệu. Dầu vậy, vẫn gặp nhiều khó khăn. Thí dụ nó không biết lên xuống giọng, thành thử câu nào cũng giống câu nào cả, dù là câu hỏi hay câu xác định, tán thán hay hô hoán. Trong tiếng Anh, câu hỏi phải lên giọng ở chữ cuối cùng, nhưng nó không biết, cứ nói như bình thường, thành thử chúng tôi phải thêm dấu hỏi để làm rõ ý nó. Những chi tiết tế nhị hơn nữa thì đành chịu. Ngôn ngữ của nó rất cụ thể, sống động, đi thẳng vào sự việc. Ngoài ra nó chẳng hiểu nổi. Thí dụ những tư tưởng trừu tượng. Nếu như chúng tôi muốn hỏi: hôm nay trời mưa không, thì phải thêm dấu nghi vấn vào nữa. Còn như nói: “Ông tao sắp chết, Tao buồn lắm!” thì chẳng làm sao cho nó hiểu mình buồn thế nào.
Do đó, Kinh Thánh dùng những khả năng nghe, nhìn, nói, trong các biểu hiện khác nhau để diễn tả đức tin. Khi tiên tri Isaia hứa Chúa sẽ đến mở mắt cho kẻ mù loà, mở tai cho kẻ điếc lác, kẻ câm nói được, kẻ què đi được… thì chúng ta phải hiểu sâu rộng hơn những mô tả thể lý về sự kiện Thiên Chúa ngự đến. Hiểu đơn giản như mặt chữ thì không đủ. Dĩ nhiên những kẻ đang ở trong nhu cầu được cứu giúp một cách cụ thể, thì Thiên Chúa ra tay tháo gỡ. Ý muốn của Ngài là mọi người đều được tự do khỏi mọi ràng buộc, kìm kẹp, tù tội. Bài đọc một hôm nay còn mở rộng thêm việc Thiên Chúa viếng thăm. Không những nhân loại được hưởng nhờ ân huệ của Ngài mà cả đến mọi tạo vật, vũ trụ nói chung nữa: “Nước vọt lên trong sa mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu, miền nóng bỏng biến thành hồ ao, đất khô cằn có mạch nước trào ra.” Cho nên hiểu trong nghĩa đen, thì còn thiếu sót rất nhiều. Thực thế, người mù thấy được, kẻ điếc nghe được, người què đi được là những biến cố lôi kéo thiên hạ chú ý và đưa đến kết luận: “Có điều chi đặc biệt đã xảy ra, ngoài khả năng bình thường của con người. Rõ ràng qua nhân vật Giêsu Thiên Chúa đã hành động vì lợi ích của nhân loại.” Hơn nữa phép lạ được thực hiện trong vùng đất “dân ngoại” giữa những hạng người bẩn thỉu, hèn hạ mà cư dân Do Thái không ngượng miệng gọi là đồ “chó má”. Cho nên sứ mệnh của Chúa Giêsu không giới hạn trong tuyển dân Israel mà thôi. Nó còn vươn ra hết mọi quốc gia, xã hội. Những nơi nào cần đến Ngài. Cần đến Thiên Chúa hướng dẫn và trợ giúp. Tiên tri Isaia đã linh cảm trước điều đó khi viết: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được… kẻ què nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.” Hết thảy đều được hưởng nhờ ân huệ của Thiên Chúa ngự đến.
Phép lạ hôm nay là của riêng thánh Marcô, hai tác giả phúc âm nhất lãm khác (Mt và Lc) không có và giọng văn cũng mang tính chất đặc thù Marcô: trực tiếp, cụ thể, sống động (xin để ý đến cách trình bày câu truyện của từng tác giả sách phúc âm, thêm hoặc bớt các tình tiết câu truyện khi ông viết). Thánh Marcô có lối viết riêng khi mô tả các phép lạ của Chúa Giêsu. Ông chú ý đến các chi tiết vật lý, cụ thể. Trong phép lạ này Ông viết: “Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, nhổ nước miếng và bôi vào lưỡi anh. Rồi người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói Ep-pha-ta, nghĩa là hãy mở ra.” Quang cảnh thật sống động, có thể chiếu ngay trên màn ảnh Tv và kích thích phản ứng của khán gia tức khắc:" Cái chi đó? Người đàn ông này là ai? Việc ông làm nghĩa làm sao?" Có lẽ đó là điều thánh Marcô hy vọng chúng ta cũng hỏi. Áp dụng vào cuộc sống, phép lạ hôm nay chắc chắn có nhiều ý nghĩa. Trước hết người điếc vô cùng vui mừng hân hoan khi được Chúa Giêsu chữa lành. Theo như não trạng thời ấy, bệnh tật được gắn liền với tội lỗi đã phạm, bệnh tật được Chúa chữa khỏi, ắt hẳn tội lỗi đã được tha. Thiên Chúa viếng thăm và xót thương anh ta. Đây chẳng phải là hy vọng của chúng ta hay sao? Cuộc đời của chúng ta luôn luôn cần sự trợ giúp của Thiên Chúa tỏ hiện qua những biến cố vui buồn hằng ngày. Chúng ta có nhận ra lòng thương xót của Ngài?
Tiên tri Isaia, trong bài đọc một, hứa hẹn với dân tộc Israel: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi. Sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính người sẽ đến cứu thoát anh em.” Những biểu hiện vật chất: người mù được thấy, kẻ câm nói được, kẻ què nhảy nhót như nai, chắc chắn nói lên rằng Thiên Chúa thực sự đã đến viếng thăm, giải cứu khỏi vòng khổ cực, nối lại mối giao hảo đã bị tội lỗi cắt đứt. Ngay cả vũ trụ cũng được tự do, vạn vật sống trong hoà hợp và hoà giải giữa muôn loài. Cho nên chẳng lạ gì giọng điệu của vị tiên tri hoàn toàn lạc quan và dân Israel hoan hỷ trông đợi triều đại của Đấng Thiên Sai!
Cũng trong tâm trạng đó, Giáo hội tiên khởi nhìn vào những phép lạ của Chúa Giêsu như các dấu hiệu cụ thể lời Thiên Chúa hứa đã ứng nghiệm. Chúa Giêsu chữa lành bệnh tật, xua tan khổ đau là những dấu chỉ mối dây ràng buộc giữa tội lỗi và bất hạnh thể xác đã bị bẻ gãy. Thiên hạ không còn não trạng người đau yếu là do hình phạt Thiên Chúa giáng xuống. Ngược lại, bệnh tật có thể là địa chỉ Ngài viếng thăm và cứu giúp. Đức Chúa Trời hành động ủng hộ nhân loại, chứ không phải chống lại loài người. Sa tan, kẻ dữ mới là những nhân tố tác hại chúng ta. Do kinh nghiệm được chữa lành, chúng ta cảm nghiệm Thiên Chúa gần gũi những kẻ đang lâm vòng thiếu thốn. Các câu truyện trong Phúc âm đều nhất trí rằng, những người nghèo khổ, bần cùng, yếu đau, bị loại trừ là những nơi được Thượng Đế viếng thăm và thực hiện những kỳ công. Trước đây bị coi là nhơ bẩn, tội lỗi, bụi đời thì nay họ đang trở thành những cung điện Thiên Chúa ngự đến trên mặt địa cầu.
Cho nên trong bài đọc hai, thánh Giacôbê mạnh mẽ tố cáo những thành kiến chống lại kẻ nghèo hèn. Thái độ thiên vị như vậy không có cơ sở luân lý, hoàn toàn vì vật chất, dáng vẻ bên ngoài. Chúa Giêsu mở mắt cho người mù để có thể xem thấy ánh sáng, mở tai cho kẻ điếc để có thể nghe thấy âm thanh trong trời đất. Có nghĩa là Ngài cũng mở trí khôn, tâm hồn chúng ta để xem thấy bằng ánh sáng đức tin những thực tại thiêng liêng, nghe thấy những sứ điệp của Phúc âm. Do đó, thánh Giacôbê tuyên bố cho dù bề ngoài thấp hèn, đói khổ, theo tiêu chuẩn xã hội loài người, thì thực chất kẻ nghèo hèn vẫn là nơi Thiên Chúa cư ngụ và xót thương một cách đặc biệt. Chúng ta phải học cho biết nghe, nhìn theo phong cách mới, phong cách của Chúa Giêsu. Những tín hữu đích thật của Chúa phải xem, nghe bằng đức tin, hướng dẫn bằng đức tin để có thể hành động chính xác trong một thế giới đầy giả dối và nhiễu nhương. Nếu như chúng ta đối xử thiên vị với những người giàu có và khinh khi kẻ nghèo đói thì chẳng khác nào lại trở về tình trạng vô đạo. Có mắt có tai chưa được mở ra, không xem không nghe thấy Tin mừng. Đúng ra phong cách thiên hạ ăn vận, tài sản họ sở hữu, địa vị trong xã hội, nghề nghiệp, đóng góp, màu da, nguồn gốc không phải là tiêu chuẩn để người theo Chúa lượng định giá trị, tức đường lối chúng ta “xem và nghe” thiên hạ. Khi chịu phép thanh tẩy, linh mục sờ vào tai và miệng đứa trẻ tuyên bố: “Hãy mở ra” (Ep-pha-tha). Từ đấy khởi sự tiến trình “nghe và xem” theo đường lối Tin mừng. Liệu chúng ta đã thật sự thực hiện? Liệu chúng ta đã “nghe nhìn” bằng con mắt đức tin?
Tương tự như ngôn sứ Isaia tiên báo sẽ đến thời kỳ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, thánh Giacôbê cũng nhắc nhở các tín hữu rằng Đức Chúa Trời đã mở tai mắt họ, đừng còn như người què, ngồi đợi chờ thế gian đến với mình. Trái lại, phải nhanh nhẹn đến với nhu cầu của người khác. Môi miệng chúng ta đã được tháo cởi, vậy hãy lên tiếng nói thay cho những kẻ thấp hèn trong xã hội, tố cáo những bất công mà họ phải gánh chịu đời này sang kiếp khác.
Tất cả chúng ta cần là nghe lời Chúa Giêsu: “Hãy mở ra” (Ep-pha-tha). Mở lòng, mở trí, mở linh hồn đón nhận những người thường xuyên chúng ta tẩy chay, đóng lại, vì hiềm tỵ, thù hằn, ghen ghét. Bác ái nửa vời chỉ là một cái bẫy dễ khiến thiên hạ lầm đường lạc lối. Chúng ta phải có một trái tim yêu thương hoàn toàn, không loại trừ, không so đo hơn thiệt. “Hãy mở ra” không phải là lời khuyên mà là mệnh lệnh trong buổi phụng vụ này. Chúng ta phải đón nhận và cùng nhau thực hành. Nó nhắc lại biến cố tai mắt chúng ta đã được mở ra khi chịu phép rửa tội. Hơn nữa, khi nghe Chúa Giêsu phán trong Tin mừng: “Hãy mở ra” chúng ta được thêm nghị lực mới để thắp sáng hiệu quả của bí tích thanh tẩy trong cuộc sống mỗi người.
Hãy mở ra còn là lời chỉ đường, hướng dẫn. Giống như đài khí tượng thuỷ văn loan báo thời tiết tốt xấu hoặc gió bão mưa to, nó cảnh báo linh hồn về thói hư nết xấu, tính ươn lười đang rình rập triệt tiêu những gì bí tích rửa tội khai mở. Những thoái hoá của cuộc sống luân lý, đức tin. Những thành kiến màu da, tiếng nói, nghề nghiệp, dòng họ, bạn thù, giá trị xã hội. Những tham vọng bành trướng quyền lực, đất đai, tổ quốc. Những ganh đua, cạnh tranh, hiềm tỵ, âm mưu, ghen ghét. Những tư tưởng tàn nhẫn, thành công bằng mọi giá và còn nhiều khát vọng khác tương tự đang bóp nghẹt tiếng nói của Thánh Thần trong nội tâm các tín hữu lúc chịu phép rửa tội.
Nói gọn lại, hôm nay trong phụng vụ, chúng ta đang nghe lời nói đầy quyền phép của Chúa Giêsu: “Hãy mở ra”. Chúng ta cầu xin Ngài ban cho đôi tai sáng tỏ, đôi mắt tinh tường, đôi chân lanh lẹ, sẵn sàng nhảy nhót như nai, khi lương tâm người tín hữu cần đến, để xông vào các mặt trận luân lý xã hội, sống chết với cái dữ, tà thần, hoả ngục, bênh vực các giá trị lành thánh. Đúng như tiên tri Isaia khuyên nhủ: “Can đảm lên, đừng sợ”. Thánh Giacôbê nhắc nhớ: “Hãy tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa vinh quang” và Chúa Giêsu ra lệnh: “Hãy mở ra.” Xin cho chúng ta luôn biết nói lời: “Amen” (xin vâng) cho thánh ý Thiên Chúa, Đấng muốn tai mắt chúng ta luôn rộng mở với thực tại thiêng liêng trong cuộc đời mình. Amen.
Lm. Jude Siciliano, OP.
***
Chúa Nhật 23 Thường Niên
Khi ở nước ngoài, có dịp gặp những người Việt sinh sống xa quê hương xứ sở, tôi hỏi họ: “Sống ở nước ngoài, điều gì khiến ông bà buồn khổ nhất”. Họ trả lời: “Khổ nhất là chúng con sống như những người điếc và ngọng. Không biết tiếng nên ngọng nghiụ, nói chẳng nên lời, thành ra không làm cho người ta hiểu được mình. Người ta nói gì mình cũng chẳng hiểu, thật y như người điếc”.
Nghe và nói là hai cánh cửa. Nói là cánh cửa mở tâm hồn mình ra thông giao với thế giới bên ngoài. Có gì tích chứa trong lòng, phải nói ra thì người khác mới hiểu. Nghe là cánh cửa mở ra đón nhận thông tin từ thế giới bên ngoài. Phải nghe mới hiểu được người khác. Không nghe không nói cũng giống như đóng kín cánh cửa cảm thông. Mình không hiểu người mà người cũng không hiểu mình. Sống bên nhau mà không hiểu nhau thì thật đáng buồn và đáng sợ.
Nếu điếc và ngọng thể lý đã đáng buồn và đáng sợ, thì điếc và ngọng tâm lý còn đáng buồn và đáng sợ gấp bội.
Có nhiều thứ điếc.
Có thứ điếc vì khác biệt ngôn ngữ và văn hoá. Nghe mà không hiểu. Hoặc nghe tưởng là hiểu hoá ra lại hiểu sai. Trường hợp này còn tệ hại hơn là không nghe thấy gì.
Có thứ điếc vì định kiến. Ðã có sẵn định kiến với ai, ta không muốn nghe người ấy nói nữa. Người ấy có nói hay đến đâu, ta cũng cho là dở. Người ấy có nói tốt đến đâu, ta cũng cho là xấu. Những ý kiến của người ấy không thể lọt vào tai ta. Nếu có vào thì chỉ vào những phần xấu.
Có thứ điếc vì bịt tai không muốn nghe. Ðây là trường hợp của người tự làm cho mình trở thành điếc. Mất tin tưởng vào anh em. Tuyệt vọng vì cuộc sống. Tự đóng kín trong vỏ ốc của bản thân. Ðoạn tuyệt với mọi người.
Sau cùng, có thứ điếc thiêng liêng không nghe được Lời Chúa. Không nghe được Lời Chúa vì thiếu học hỏi. Nhưng nhất là không nghe được Lời Chúa vì cứng lòng. Vì để nghe Lời Chúa, mở tai chưa đủ, cần phải mở lòng nữa. Bao lâu tâm hồn đóng kín, không nhậy cảm trước những lời mời gọi ăn năn sám hối, không tỉnh thức tiếp thu những lời hướng dẫn về đường lành, thì tai người ta sẽ chẳng nghe được Lời hằng sống. Bao lâu tâm hồn còn đuổi theo dục vọng, còn toan tính những điều gian dối, bấy lâu người ta vẫn còn điếc đặc trước những Lời của Thiên Chúa.
Tương tự như thế, có nhiều thứ ngọng.
Có thứ ngọng do khác biệt ngôn ngữ và văn hoá. Ta không hiểu người mà cũng chẳng thể làm cho người hiểu ta.
Có thứ ngọng do ích kỷ. Ta chỉ nói về những quan tâm, những nhu cầu, những ước vọng của ta, mà chẳng xét đến những quan tâm, những nhu cầu, những ước vọng của anh em. Nên lời ta nói chẳng lọt vào tai anh em. Lời ta nói trở nên ngọng nghịu, anh em nghe mà không hiểu.
Có thứ ngọng do sợ sệt. Vì sợ sệt, ta không dám nói lên sự thật. Những nỗi sợ mất quyền lợi, sợ mất danh dự, sợ mất lòng người khiến ta trở thành câm nín, ngọng nghịu.
Có thứ ngọng do lười biếng. Vì lười biếng, ta không nói được những lời tốt đẹp khích lệ anh em. Vì lười biếng, ta không nói được những lời an ủi người đang buồn sầu. Vì lười biếng, ta không nói được những lời chia vui với người anh em gặp may mắn. Nhất là vì lười biếng, ta không nói lên được những lời ca tụng Thiên chúa.
Những đam mê, những dục vọng, những toan tính, những ích kỷ, những lười biếng trở thành những sợi dây trói buộc lưỡi ta, làm ta trở thành câm nín, ngọng nghịu.
Có nhiều bức tường ngăn chặn làm tai ta điếc. Có nhiều sợi dây trói buộc làm cho lưỡi ta ngọng.
Hôm nay, Đức Giê-su cũng đến nói với ta: “Ephata”. Hãy mở ra.
Hãy mở tai ra để lắng nghe lời anh em. Hãy mở tai ra để lắng nghe lời Chúa. Hãy phá đi bức tường định kiến. Hãy phá đi bức tường ích kỷ. Hãy phá đi bức tường tâm hồn cứng cỏi để mở rộng tâm hồn đón nhận anh em và đón nhận Lời Chúa.
Hãy mở miệng lưỡi ra để đi đến với anh em và đi đến với Chúa.. Hãy cắt đứt sợi dây ích kỷ để ta quan tâm tới nhu cầu của anh em. Hãy cắt đứt sợi dây sợ sệt để ta mạnh dạn nói những lời sự thật. Hãy cắt đứt sợi dây lười biếng để ta nói lên những lời tốt đẹp, những lời ca ngợi tình thương của Chúa.
Lạy Chúa, xin hãy chữa bệnh điếc và bệnh ngọng trong tâm hồn con. Amen.
Kiểm điểm đời sống
1- Lắng nghe Thiên chúa và lắng nghe tha nhân, bạn thấy điều nào khó hơn?
2- Bạn có sẵn sàng lắng nghe những người buồn phiền đến tâm sự với bạn không?
3- Bạn có dễ bắt chuyện không? Bạn có bị bệnh điếc ngọng thiêng liêng không?
Gm. Giuse Ngô Quang Kiệt
***
Chúa Nhật 23 Thường Niên B
"Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và Người câm nói được "
Có nhiều khi tôi tự hỏi: Nếu một ngày nào đó tự nhiên mình bị câm và điếc lúc ấy cuộc đời mình sẽ ra sao? Tôi lại nghĩ: Lúc ấy chắc sẽ buồn, sẽ thất vọng lắm.
Kinh Thánh Kitô Giáo của mình trình bày con người của mình là một sinh vật được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Chúa Giêsu không phải là một Thiên Chúa đơn độc, cô đơn. Nhưng mà là một Thiên Chúa Ba Ngôi, là một cộng đồng hiệp thông trong yêu thương. Chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa. Mình phải làm thế nào để cuộc sống của mình sẽ vươn tới chỗ hiệp thông, hiệp thông với nhau, hiệp thông với cả vũ trụ. Ðến lúc ấy cuộc sống chúng ta sẽ phong phú lắm.
Ðể tiến tới sự hiệp thông chúng ta phải dùng ngôn ngữ để chia sẻ với nhau. Nhờ lời nói chúng ta có thể diễn tả được suy tư, cảm xúc tâm tư trong lòng. Ðồng thời chúng ta có thể nghe được tâm sự của người khác. Từ đó nó sẽ hình thành một cuộc đối thoại, kiến tạo một sự hiệp thông giữa hai người và làm cuộc sống của chúng ta phong phú hơn.
Như vậy, nếu chúng ta không thấy, không nghe, rõ ràng chúng ta sẽ bị cắt đứt khỏi thế giới bình thường của con người. Vì thế trong các trường khuyết tật bây giờ người ta cố gắng giúp cho các em tập nghe và tập nói, để các em có thể hội nhập vào thế giới bình thường của con người. Biết được nỗi đau của những người câm điếc ta sẽ thấy quý cái tai và cái miệng của mình. Lúc ấy chúng ta sẽ nhận được đấy chính là ân huệ và là một quà tặng lớn lao Thiên Chúa ban cho ta mà ta không biết tạ ơn.
Chúng ta có miệng và tai tốt lắm. Nhưng có khi nào chúng ta nghĩ mình bị câm điếc theo nghĩa toàn diện không? Chúa Giêsu đã có lần mắng các tông đồ: "Các anh có mắt mà như mù, có tai mà như điếc". Thực sự vậy, nếu chúng ta quay lại định nghĩa của Kitô Giáo về mục đích của con người là sự hiệp thông. Và ngôn là phương thế để dẫn chúng ta đến sự hiệp thông. Lúc ấy chúng ta sẽ khám phá ra rằng: Rất nhiều khi tai và miệng thay vì dẫn đến sự hiệp thông thì nó lại ngăn cản và có thể sẽ huỷ diệt sự hiệp thông. Chúng ta trở thành câm điếc theo nghĩa đó.
Một hôm, đọc sách báo tình cờ tôi có đọc được một câu chuyện kể về một người Phụ Nữ đã có chồng 5 con. Chị được đưa vào bệnh viện để giải phẩu mắt. Suốt ngày đêm chị than thân trách phận. Chị sợ hãi, lo âu đủ chuyện. Chị chả hề quan tâm đến ai, kể cả những bệnh nhân nằm chung phòng. Tuần sau có một Phụ Nữ khác nhập viện nằm gần Chị. Người Phụ Nữ mới vào ngày nào cũng thăm hỏi an ủi khuyến khích nâng đỡ Chị suốt mấy tuần lễ như vậy. Một hôm, sau khi chồng và các con đến thăm chị, người Phụ Nữ mới vào sau nói với Chị "Này Chị ơi, chị phải biết là chị may mắn và hạnh phúc nhiều lắm, vì có biết bao nhiêu người quan tâm và chăm sóc Chị". Câu ấy làm cho Chị suy nghĩ và phải nhận đúng như vậy. Biết bao nhiêu người quan tâm đến Chị mà chị chả biết quan tâm đến ai, ngay cả những người trong gia đình. Chị nhận ra người bạn nằm cùng với mình chả có ai thăm nuôi. Vậy mà Chị ta không hề than vãn một lời lại còn động viên an ủi mình. Chị cảm thấy hối hận định sáng hôm sau sẽ an ủi xin lỗi Chị ấy. Nhưng đã muộn. Chị ấy đã được Chúa gọi. Vài hôm, sau khi tháo băng Chị đọc được lá thư người bạn gởi cho mình. Nội dung bức thư:
"Bạn thân mến, cảm ơn bạn về những ngày rất đặc biệt này. Tôi cảm nhận niềm hạnh phúc trong tình bạn của chúng ta. Tôi biết rằng bạn cũng chăm sóc cho tôi dù bạn không nhìn thấy tôi. Ðôi khi để lôi kéo sự chú ý của chúng ta Thiên Chúa đã đánh gục chúng ta, hay ít ra Chúa làm cho ta mù loà, với hơi thở cuối cùng này tôi cầu xin Chúa cho Chị đựơc nhìn thấy trở lại. Nhưng không phải thấy như Chị thường thấy. Nếu biết tập nhìn bằng con tim, cuộc đời của Chị sẽ phong phú hơn."
Chúng ta có đôi tai rất thính, đôi mắt rất sáng, miệng rất đẹp. Vấn đề ở đây là chúng ta không nhìn bằng cặp mắt bình thường, nghe và nói bình thường. Nhưng phải nói và nghe bằng con tim.
Chúng ta câm điếc khi chúng ta không nghe được những nỗi niềm ray rứt của người khác. Câm điếc khi chúng ta dửng dưng trước những đau khổ của những người bệnh hoạn, tật nguyền, trẻ thơ bơ vơ.
Chúng ta câm điếc khi chúng ta không nghe Chúa Giêsu nói lời sự thật, nói lời yêu thương, nói lời hoà giải. Có khi trong một ngày chúng ta nói biết bao là lời hằn học, hận thù, độc ác, gây đau khổ, gây oán thù, gây chia rẽ. Muốn tránh đựơc những câm điếc này chúng ta phải cầu nguyện: "Lạy Chúa xin cho con được nói, xin cho con được nghe. Xin Chúa hãy phán một lời hãy mở ra ".
Không phải chúng ta chỉ nghe nói một mình. Chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ và bước xa hơn nữa. Chúa Giêsu đã chữa lành cho người câm điếc và Ngài mời gọi chúng ta thi hành tác vụ chữa lành cho những người câm điếc. Chúng ta không thể chữa được như Chúa. Nhưng chúng ta có thể trở nên đôi tai cho người điếc, trở nên cái miệng cho người câm.
Ở bên Mỹ, muốn đoạt được giải thưởng nổi tiếng thì tác phẩm của mình phải làm tác động đến trái tim người đọc và có thể vượt qua mọi biên giới của các quốc gia. Có một nhà văn cũng là một nhà báo mơ ước như vậy. Nhưng một ngày kia, tình cờ ông ta đến một nhà dưỡng lão, gặp một cụ già ngồi ghế đá. Ông cụ kể về gia đình, con cái của cụ. Ông có nhiều con nhưng chúng đi xa hết, đứa con gái út ở tận bên Ðức, ít khi liên lạc được bằng điện thoại. Tay ông bị liệt nên không viết thư được cho con, nghe vậy ông nhà báo liền lấy giấy viết ra viết dùm ông cụ một lá thư. Viết xong anh cầm tay cho ông cụ ký tên. Và hai hàng nước mắt của cụ lăn trên má. Ông cụ cảm thấy hạnh phúc vô cùng, anh nhà báo trở về nhà và hai hàng nứơc mắt cũng tuôn chảy. Anh cảm thấy ngày hôm ấy anh đã đoạt được giải thưởng rồi. Anh chỉ viết một lá thư thôi. Nhưng những dòng chữ ấy đã chạm đến trái tim con người, anh đã cho cụ mượn đôi tay, mượn cái miệng để diễn tả nỗi lòng của ông Cụ đối với đứa con gái thân yêu và xa cách nghìn trùng.
Trong cuộc sống hàng ngày có biết bao nhiêu công việc, biết bao dịp để chúng ta có thể giúp đỡ người khác. Chúng ta phải biết làm tác vụ chữa lành câm điếc của Chúa Giêsu, chúng ta cho người không biết nói mượn miệng lưỡi của chúng ta, cho người khác nghe đựơc lời sự thật, lời an ủi, lời khuyến khích.
Hôm nay tôi chỉ mời anh chị em chiêm ngắm hình ảnh của người câm điếc để từ lòng chúng ta thốt lên một lời tạ ơn về quà tặng và ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Ðồng thời chúng ta ý thức được chính mình cũng ở trong tình trạng câm điếc theo nghĩa toàn diện để xin Chúa chữa lành. Xin Thiên Chúa đưa chúng ta vào trong tác vụ chữa lành mà Chúa đã sống suốt cuộc đời của Ngài.
Tôi xin anh chị em hãy nhớ lại một cử chỉ rất quen thuộc mà mỗi lần tham dự thánh lễ chúng ta đều thực hiện. Ðây là lúc nghe đọc Tin Mừng chúng ta đọc: "Lạy Chúa Vinh danh Chúa" và ta làm dấu thánh giá trên trán, trên môi, trên ngực. Ðấy chính là dấu chỉ bề ngoài để nói lên ý nghĩa bên trong. Hãy mở ra: ý muốn nói:  Lạy Chúa xin hãy mở trí khôn con, xin mở miệng con, xin mở trái tim con, để con được hiểu, để con cảm nhận, để con có thể nói lời của Chúa. Một cử chỉ rất quen thuộc và vì quá quen nên chúng ta xem thường. Ước gì mỗi lần làm dấu thánh giá chúng ta ý thức được: Phải mở trí, mở lòng, mở miệng ra để chúng ta thoát khỏi cảnh câm điếc.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con theo ý Chúa, làm chân tay cho những người què cụt, làm đôi mắt cho những ai phải đui mù, làm lỗ tai cho những người bị điếc, làm miệng lữơi cho những người không nói được, làm tiếng kêu cho những người bị bất công. Lạy Chúa xin cứ gởi con ra đồng lúa để đem cơm cho những người đói đang chờ, đem nước cho những người bị khát, đem thuốc thang cho những người đau ốm, đem áo quần cho những người trần trụi, đem mềm đắp cho người rét đang run. Lạy Chúa, xin cứ gửi con ra đường thắp đèn soi cho ai bước trong đêm, đốt lửa ấm cho những ai giá lạnh. Truyền cảm thông cho lữ khách đơn côi, nâng đỡ dậy cho những kẻ bị chà đạp, đem tự do cho những kiếp đoạ đày.Amen
Lm. Nguyễn Khảm
***
Chúa Nhật 23 Thường Niên B
Mới ngày nào người bạn trẻ ấy đã từng là một cậu giúp lễ, đến chào tôi và báo tin, em đã đậu đại học mỹ thuật… Thấm thoát em đã ra trường. Lần này đến thăm tôi, cùng với việc báo tin mình đã tốt nghiệp, em còn tặng tôi một bức tranh. “Thưa cha, con đã vẽ nhiều tranh. Nhưng đây là bức tranh con ưng ý nhất từ trước tới nay, con tặng cha”, em nói như thế trong khi chìa bức tranh cho tôi. Nhìn bức tranh của em, tôi chẳng hiểu gì hết. Thú thật, đối với em, bức tranh là kiệt tác của chính mình, là vẻ đẹp, là ngôn ngữ nội tâm của chính em, nhưng tôi chẳng thấy gì cả, chẳng mường tượng được chút nào. Tôi chỉ hiểu phần nào khi được em giải thích mà thôi. Dù cám ơn em vì em yêu quý tôi, vì tấm lòng em dành cho tôi, nhưng tôi thấy trước thế giới nghệ thuật mà em đang theo đuổi, tôi là một kẻ vừa câm, vừa điếc.
Nói đến câm và điếc, thói thường, người ta vẫn hiểu đó là tình trạng tật nguyền của lưỡi và tai: lưỡi không thể nói và tai không thể nghe. Tình trạng bất hạnh ấy dễ làm người ta mặc cảm. Không nói được và cũng chẳng nghe được, tự thân đã khiến người bị tật khó hiểu thế giới bên ngoài, và thế giới bên ngoài cũng khó hiểu anh chị em bị tật ấy. Bởi thế, điều mà anh chị em cần nơi những người lành mạnh là thái độ thông cảm, tôn trọng và yêu thương. Hôm nay, Tin Mừng thánh Marcô cho biết, Chúa Giêsu chữa lành một người câm và điếc. Dù hành động chữa lành này mang nhiều ý nghĩa, thì bên cạnh những ý nghĩa đó, người ta không thể không nói tới lòng thương yêu mà Chúa dành cho người bị tật.
Dù vậy, bạn có bao giờ nghĩ rằng, sự điếc câm thể lý của một ai đó chưa phải là vấn đề cần nhất để ta phải ưu tiên đề cập đến? Đúng là bất hạnh nào cũng đáng thương, nhưng nếu chỉ dừng lại để nói đến sự điếc câm thể lý thì thật là thiếu sót. Chúa Giêsu, một khi chữa lành người bị tật, Người đâu chỉ nhắm đến sự chữa lành để bày tỏ lòng yêu thương mà thôi. Điều quan trọng ẩn trong những phép lạ, đó là Chúa Giêsu chứng tỏ mình là Đấng thiên sai, quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ, hay trong chính bài tường thuật hôm nay, từ ngữ mà thánh Marcô sử dụng: “mở ra”, “hết buộc lại”, cho thấy Chúa Giêsu không chỉ chữa lành những gì thuộc thể lý, nhưng còn có quyền cầm buộc và tháo cởi vận mạng đời đời của nhân loại….
Nhìn bức tranh tôi không hiểu gì hết trong câu chuyện bên trên, làm cho tôi chợt nhận ra, dù mắt tôi vẫn xem thấy, tai tôi vẫn nghe, lưỡi tôi rất bình thường, thì câm điếc không dừng lại ở thể lý, mà còn là nỗi câm và điếc thuộc thế giới tinh thần. Chắc bạn đồng ý với tôi, sống giữa cuộc đời này, không chỉ là nghệ thuật hay mỹ thuật, bạn và tôi còn bị câm, bị điếc trước rất nhiều vấn đề, rất nhiều lãnh vực: là một linh mục, chưa bao giờ tham dự một lớp y khoa nào, làm sao tôi có thể chẩn đoán bệnh. Cũng thế, một bác sĩ dù giỏi đến đâu, vẫn không bao giờ làm được những việc hay sống những điều thuộc về thế giới của linh mục… Mỗi người có những chọn lựa cho riêng mình. Chọn lựa để phục vụ con người trong lãnh vực nào, người ta chỉ có thể từng trải trong lãnh vực của mình mà thôi. Chuyện câm và điếc ấy cũng bình thường đấy thôi.
Nhưng không phải mọi nỗi câm điếc thuộc thế giới tinh thần đều trở nên bình thường. Có những nỗi câm và điếc đáng tội. Càng tệ hại hơn khi chính ta bịt tai, ngậm miệng để tự mình trở nên kẻ câm và điếc. Đó là nỗi câm điếc của một người không bao giờ biết yêu mến, học hỏi và cố gắng sống Lời Chúa. Đối với họ, giáo lý là chuyện xa vời, thực hành nhân đức là điều vô ích, đời sống đạo đức là không cần thiết, Thiên Chúa là viễn vong, chỉ có những gì cảm nhận bằng giác quan, những gì thuộc thế giới thực nghiệm mới xác thực. Đó là nỗi câm điếc của một người không bao giờ biết đến anh em đồng loại, ngược lại chỉ sống ích kỷ cho riêng bản thân. Đó là nỗi câm điếc của một người làm mọi cách để tiến thân trong cuộc đời, miên mang trong sự ham hố tiền của, và danh vọng. Đó là những lời cay nghiệt phun ra để chửi bới, nguyền rủa anh chị em mình. Đó cũng là tình trạng của ai ham hố dục vọng thấp hèn và để mình chìm trong sự khát khao bất chính, nếu không muốn nói là tội lỗi. Vì thế, nỗi câm điếc chính là thái độ cố tâm ở lỳ trong tội, cố tâm ở lỳ trong nỗi chết của linh hồn. Do đó dù điếc câm thể xác, hay tinh thần đều có thể coi là bất hạnh. Nhưng nỗi câm điếc của linh hồn không chỉ bất hạnh, mà còn gây nguy hiểm. Cái câm, cái điếc ấy nguy hiểm vì nó cản lối ta hướng về linh thánh, hướng về Thiên Chúa, Đấng là cội là nguồn của ta, cản lối hướng về ơn cứu độ mà Người rộng ban cho ta. Nguy hiểm vì lòng ta thiếu ơn thánh, Thiên Chúa trở thành xa lạ, linh hồn ta nên chốn hoang tàn và là môi trường xấu làm phát sinh nhiều dịch bệnh: cứng cỏi, kiêu căng, gian tham, ganh tị, ngông cuồng…
Quả là nguy hiểm không cùng, nhưng sự điếc câm của linh hồn không phải là vô phương chữa trị. Chỉ cần bạn và tôi mềm lòng chứ đừng cứng cỏi, ta sẽ dễ nhận ra con người thật của mình: biết bao nhiêu gai gốc cần gọt giũa; biết bao nhiêu thói xấu cần chữa trị; biết bao nhiêu đam mê hạ cấp, tư tưởng không lành mạnh, hành động sai quấy cần loại bỏ. Biết khiêm nhu để nhận ra như thế là bước đầu tiên để từ đó, ta có thể phá bỏ dần tình trạng điếc câm của linh hồn mình. Và chính khi biết mình như thế, ta sẽ đến với Chúa để Chúa chạm đến bản thân ta, chạm đến cuộc đời ta. Người bị câm điếc trong bài Tin Mừng đã không làm gì khác hơn là để Chúa chạm đến mình, nhờ đó anh được thoát khỏi tình trạng câm điếc. Cũng vậy, ta hãy đến với Chúa, hãy thực tâm tôn thờ Chúa, hãy chăm lo cho đời sống cầu nguyện của mình, hãy vâng nghe Lời Chúa dạy và mau mau thực hành Lời của Người trong suốt cuộc đời mình… Chắc chắn khi ta đến với Chúa bằng một tấm lòng thành của người con yêu mến Cha như thế, Chúa sẽ chạm đến linh hồn ta, Người sẽ biến đổi ta, và ta sẽ sớm lành mạnh. Lịch sử Giáo Hội đã chẳng để lại biết bao nhiêu tấm gương của nhiều vị thánh thoát khỏi tình trạng câm điếc, đui mù và trở thành thánh nhân nhờ để Chúa chạm vào cuộc đời, chạm vào linh hồn mình đó sao. Đó là tấm gương cao đẹp của thánh Augustinô; của thánh Phanxicô Asisi; của cha Charles de Foucauld…
Bạn và tôi hãy nhớ một điều rất chắn chắn: Chỉ sợ mình bất trung với Chúa, chứ không bao giờ sợ Chúa bỏ ta.
Lm. Vũ Xuân Hạnh
***
Chúa Nhật 23 Thường Niên B
Is 35, 4-7; Gc 2, 1-5; Mc 7, 31-37
Kính thưa …
Tình cờ tôi đọc được một lời nguyện cho người câm điếc như sau: “Lạy Chúa, người ta thường có thiện cảm với kẻ mù, người què, nhưng nổi xung, bực bội với kẻ điếc, nên người điếc luôn phải ẩn tránh bạn hữu và ngày càng phải sống cô đơn…”. Lời kinh này phần nào cho chúng ta thấy được nỗi khổ tâm của những người câm điếc. Bình thường, chúng ta vẫn nghĩ người mù khổ hơn người điếc, nên chúng ta dễ thông cảm với họ hơn. Nhưng theo Helen Keller, một người vừa bị mù vừa bị điếc, thì bà cho rằng điếc khổ hơn mù nhiều, vì các cánh cửa cuộc đời đều bị khoá chặt lại đối với họ: mở radio vô ích, xem truyền hình chẳng thú vị gì, không thể nói chuyện với ai, không thể diễn tả tâm tư tình cảm của mình… và cảm thấy cô đơn chán nản (Minh hoạ lời Chúa, tập 3, trang 70-71). Hay nói một cách khác, những người bị khuyết tật nói chung và câm điếc nói riêng, thường bị mọi người coi thường, khinh rẻ. Họ hầu như bị tách ra khỏi đời sống của cộng đoàn.
Do đó, khi đọc lại câu chuyện Đức Giêsu chữa lành người câm điếc trong bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội, một lần nữa, cho chúng ta thấy Đức Giêsu đích thực là Đấng đến để đem lại tự do cho chúng ta, giúp chúng ta hội nhập với cộng đoàn. Hay nói như những người Do thái: “Người làm mọi sự thật tốt đẹp”.
1. Nỗi bất hạnh của người câm điếc:
Để có thể thấy rõ hơn tâm tình của Đức Giêsu khi Ngài chữa lành cho một người câm điếc trong bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ chúng ta cần nhìn lại hoàn cảnh của anh ta. Trong tình trạng bị câm điếc, anh ta thật bất hạnh vì tai anh không hề một lần được nghe lời ru ngọt ngào của mẹ, và miệng anh cũng không thể thốt ra lời yêu thương với những người mà anh yêu thương nhất. Lòng anh có tâm sự gì cho dù là vui hay buồn, chuyện lớn hay chuyện nhỏ cũng không thể chia sẻ thành lời với bất cứ ai. Anh cũng không thể lắng nghe để làm vợi đi nỗi buồn của những người thân yêu. Hơn nữa theo quan niệm của nhiều người, thì những tật bệnh chính là hậu quả của tội lỗi. Nhất là hiện nay, anh đang sống ở miền Thập Tỉnh, nghĩa là vùng đất của dân ngoại, một dân tội lỗi và ô uế theo cách nhìn của người Do thái.
Do đó, một cách nào đó, anh còn bị coi là những kẻ tội lỗi. Mọi người đều coi thường và không muốn tiếp xúc với anh. Anh quả thật là người bất hạnh trong những người bất hạnh. Cuộc đời của anh tưởng chừng như đi vào con đường cùng. Anh đã được sinh ra trong câm lặng, và có thể sẽ chết đi trong cay đắng âm thầm. Suy nghĩ một chút như thế, chúng ta mới có thể phần nào nhận ra được lòng khao khát được “nói”, được “nghe”, nghĩa là được hội nhập vào cộng đoàn của anh.
Do đó, lời Chúa nói qua miệng ngôn sứ Isaia: “Các ngươi hãy nói với những tâm hồn xao xuyến: Can đảm lên, đừng sợ!... Chính Người sẽ đến cứu thoát các ngươi. Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được” đích thực là một niềm vui và đem lại cho từng người chúng ta một niềm hy vọng tuyệt vời. Đây là lời của niềm vui, và hy vọng vì nó được loan báo ngay lúc dân đang bị lưu đày. Chính trong bối cảnh đau thương đó, vị ngôn sứ đã báo trước cho dân một cảnh thanh bình vào thời của Đấng Thiên Sai: “Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối nước sẽ chảy nơi đồng vắng. Đất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước”.
Tất cả những lời này giờ đây đã thực sự được thực hiện nơi Đức Giêsu. Ngài chính là Đấng đến để đem lại sự giải thoát, phục hồi sự tự do, xoá đi mọi hận thù, chia rẽ và giúp con người hiệp thông với nhau như lời tác giả Thánh vịnh: “Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục,… Thiên Chúa che chở khách kiều cư”.
2. Đức Giêsu, Đấng đem lại tự do cho con người:
Đọc tiếp Tin mừng, chúng ta thấy ngay khi thấy người ta dẫn đến cho Chúa người bị câm điếc, Đức Giêsu lập tức thấy được nỗi cô đơn của anh. Ngài đã không bỏ mặc anh, hay chờ anh năn nỉ, cầu xin. Trái lại, Ngài đã nắm lấy tay và dắt anh ra khỏi đám đông, Ngài còn động chạm đến con người của anh khi đặt ngón tay Ngài vào tai anh, và bôi nước miếng vào lưỡi anh. Và quả thực như nhận xét của những người Do thái lúc đó: “Người làm mọi sự thật tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe đựơc và người câm nói được”. Ngài đã cho anh một cơ hội để anh hội nhập với cộng đoàn, để anh có cơ hội sống như một con người bình thường.
Đức Giêsu đã đến và phục hồi lại phẩm giá của từng người chúng ta bằng cuộc Vượt Qua của Ngài. Trước mặt Thiên Chúa, mỗi người cho dù là nam hay nữ, giàu sang hay nghèo hèn, người trí thức hay thất học …, tất cả đều có một giá trị tuyệt đối vô song, một giá trị mà cả thế giới cũng không đổi được (x. Mt 16, 26). Do đó thánh Giacôbê trong bài đọc hai nhắn bảo chúng ta: “Anh em là những người tin vào Đức Giêsu Kitô vinh hiển, Chúa chúng ta, anh em đừng thiên vị”. Chúng ta không được thiên vị, đánh giá người khác qua vẻ bên ngoài theo cách của những người không tin mà thánh Giacôbê đề cập đến: “Giả sử trong lúc anh em hội họp, có người đi vào, tay đeo nhẫn vàng, mình mặc áo sang trọng; lại cũng có người nghèo khó đi vào, áo xống dơ bẩn, nếu anh em chăm chú nhìn người mặc áo rực rỡ mà nói: “xin mời ông ngồi chỗ danh dự nầy”. Còn với người anh em nghèo khó thì anh em lại nói rằng: “Còn anh đứng đó”, hoặc: “Anh hãy ngồi dưới bệ chân tôi”. Và thánh nhân kết luận: “Đó không phải là anh em xét xử thiên vị ở giữa anh em sao?”.
Qua một vài chia sẻ trên, chúng ta phần nào thấy được tình trạng khốn khổ của những người câm điếc. Họ không thể nói cũng không thể nghe. Hoàn cảnh của họ thật đáng thương. Tuy nhiên “Nhìn người lại nghĩ đến ta”, mỗi người chúng ta đây, có thể không ai bị câm điếc về thể xác, nhưng chúng ta có thể đang bị câm điếc về tâm linh, khi không thể nói lời chân thật, không thể nói lời yêu thương, và cũng không thể lắng nghe lời Chúa và sự chỉ dạy của người khác.
Chúng ta cũng có thể trở thành câm điếc, khi sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình mà quên mất việc chia sẻ, lắng nghe những thao thức của tha nhân. Chúng ta sẽ trở nên câm điếc khi tự mình tách ra khỏi cộng đoàn bởi những tự ái cá nhân vô lối của chúng ta. Để khỏi rơi vào tình trạng câm điếc tâm linh như thế, giờ đây với cả tấm lòng thành, chúng ta cùng hiệp ý với trẻ Samuel và tông đồ Phêrô để thưa với Chúa: “Lạy Chúa xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời”.
Đức Giêsu đã tỏ rõ lòng nhân hậu của Ngài khi chữa lành cho người bị câm điếc để anh được hội nhập với cộng đoàn. Giờ đây, mỗi người chúng ta cũng hãy thành tâm, mở rộng tâm hồn, sẵn sàng đón Chúa vào lòng nhờ việc hiệp lễ, để Ngài chữa lành bệnh câm điếc thiêng liêng trong tâm hồn chúng ta. Nhờ đó, chúng ta sẽ trở nên những con người mạnh khoẻ trong tình yêu của Thiên Chúa. Amen.
Câu chuyện minh hoạ
Tạo cơ hội để mọi người được nói, được chia sẻ: bổn phận sửa dạy con cái: câu chuyện một thiếu niên 14 tuổi giết mẹ và tự tử ở Trung Quốc (bồi dưỡng tinh thần 5).
- Đồng hành với mọi người
- Cho mọi người một cơ hội để nói
- Sẵn sàng lắng nghe chúng ta: Giakêu, người mù Bartimê trên đường đi Giêrikhô
- Giúp cho chúng ta được “nói rõ ràng
- Giúp chúng ta nghe Lời Chúa
- “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.
Đức Giêsu chữa lành người câm và điếc để đưa anh trở lại hội nhập với cộng đoàn.
- Chúng ta cần biết “lắng nghe”: Lời Chúa;Tha nhân: chồng, vợ, cha mẹ, con cái, những người đang sống quanh ta. Nghe để hiểu và thông cảm.
- Cộng đoàn hiệp thông, mỗi người hiểu rõ nhau hơn.
- Một lối sống ích kỷ chỉ nghĩ đến mình.
- Đánh giá người khác qua vẻ bên ngoài
- Một số người không có tiếng nói và không được lắng nghe trong cộng đoàn.
- Không dám lên tiếng bênh vực sự thật và loan báo Tin mừng
- Sự bất an trong tâm hồn
Người câm là người không nói được, hoặc là chỉ phát ra những âm thanh vô nghĩa. Như vậy, nếu những khi cần nói, chúng ta không nói, hoặc nói không đúng, lúc đó, chúng ta cũng là những người câm.
Người điếc là người không nghe được. Do đó, bất cứ ai không có khả năng lắng nghe, thì cho dù âm thanh có lọt vào tai cũng coi như bị điếc.
Không thể nói, không thể nghe là người không thể hiệp thông với cộng đoàn, tự tách mình ra khỏi cộng đoàn. Vậy, nếu ai chỉ nghĩ đến mình, không biết chia sẻ với anh chị em mình cũng là những người câm và điếc.
Chúng ta những người bình thường, có bao giờ chúng ta cảm thấy hạnh phúc vì chúng ta thấy được, nghe được, nói được không? Hay là chúng ta cứ mãi loanh quanh với biết bao những lo toan về tiền tài, danh vọng, cùng với những đam mê bất chính để rồi cứ mãi “than trời trách đất”.
Tự do là điều quý nhất của con người. Tự do cho thấy con người có giá trị và nhân phẩm. Tự do đòi trách nhiệm.
Sau khi nguyên tổ phạm tội, con người trở nên nô lệ của tội lỗi, mất tự do.
Chúa Giêsu đến phục hồi tự do cho con người khi Ngài cho con người có quyền nói và nghe được. Mỗi người đều có giá trị như nhau trước mặt Thiên Chúa (bđ2)
Ngài thực hiện điều này nhờ việc Nhập Thể của Ngài. Ngài dùng chính thân xác của Ngài để đem lại ơn cứu độ: đặt ngón tay vào tai, nhổ nước miếng vào lưỡi, thân xác chịu đóng đinh … Đức Kitô đã dùng những phương tiện hữu hình để thông ban ơn thánh. Đây là điều mà các bí tích thực hiện. Thông qua những dấu hữu hình: nước, dầu, bánh, rượu… bí tích đem lại cho ta chính ân sủng của Đức Kitô Phục Sinh. Đồng thời, điều này cho thấy ơn cứu độ mà Đức Kitô đem đến rất gần chúng ta. Đức Giêsu đang đồng hành với ta (Dt 4, 15).
Như thế, với Đức Giêsu, triều đại của Đấng Thiên Sai mà ngôn sứ Isaia loan báo đã trở thành hiện thực “Mọi sự, Người đã làm cách hoàn hảo”. Điều này gợi nhớ lại trình thuật Sáng tạo. Sau khi tạo dựng, Thiên Chúa thấy “mọi sự đều tốt đẹp”. Đức Giêsu là Đấng tái tạo.
Với Đức Giêsu, ơn cứu độ không còn giới hạn ở dân Do thái, mà mở rộng ra cho hết mọi người. Điều này được thánh Maccô chứng minh qua phép lạ được thực hiện ở vùng Thập tỉnh, bên Đông sông Giocđan, miền đất dân ngoại.
Theo dõi tin tức qua báo chí, và các phương tiện truyền thanh, truyền hình chúng ta thấy hình như thế giới không có lấy một ngày yên ổn. Đặc biệt là cuộc xung đột giữa Israel và Palestin và gần đây là cuộc nội chiến tại Libêria. Biết bao cuộc hội nghị, đàm phán đã diễn ra. Thế nhưng, tiếng súng, tiếng bom đạn vẫn tiếp tục nổ lúc chổ này, lúc chổ khác, khiến cho không biết bao nhiêu gia đình phải ly tán, vợ mất chồng, con mất cha, cha mẹ mất con cái.
Nhìn lại cuộc chiến giữa Israel và Palestin, chúng ta thấy đã có nhiều cuộc trao đổi, hoà giải để mong lập lại hoà bình ở vùng này, nhưng cho đến nay, kết quả cũng chưa có gì khả quan. Điều đó, cho thấy, tuy ngồi chung một bàn đàm phán, nhưng cả hai bên đều không thể nghe nhau nói, và cũng không thể hiểu nhau. Họ giống như hai người câm điếc nói với nhau.
Do đó, họ đã không thể tìm ra một giải pháp hoà bình cho cả hai bên. Không thể nghe và không thể nói đúng, như thế phải chăng những người này, một cách nào đó, cũng đang ở trong tình trạng câm và điếc? Chính vì con người đang trở nên câm và điếc đối với nhau, nên vẫn còn đó những xung đột, bất hoà.
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
***
Chúa Nhật 23 Thường Niên B
1. Các thứ bệnh điếc và ngọng: thể chất, tinh thần, tâm linh, nơi cá nhân, xã hội và giáo hội
Trong xã hội con người, có rất nhiều người bị bệnh: bệnh thể chất, bệnh tinh thần, và bệnh tâm linh. Đó là nói về bệnh cá nhân. Ngoài ra, một xã hội cũng có thể có nhiều chứng bệnh: bệnh thể lý như dịch tễ, bệnh tinh thần như sự bất công, áp bức, các tệ nạn xã hội (đĩ điếm, ma túy), bệnh tâm linh như vô tín, đạo đức xuống dốc, tình trạng tội lỗi… Một cộng đoàn tôn giáo có thể bị những bệnh như: cơ cấu làm tê liệt thần khí, hình thức bên ngoài làm mất đi tinh thần bên trong, quyền bính bị lạm dụng, chia rẽ không hiệp nhất, trên dưới không nghe nhau, khô khan nguội lạnh, thỏa hiệp với kẻ ác…
Đức Giêsu đến trần gian để chữa chủ yếu những bệnh tinh thần và tâm linh của con người, của xã hội và giáo hội, nhưng Ngài cũng chữa cả những bệnh thể lý như dấu chỉ khả năng chữa lành tinh thần và tâm linh. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Ngài chữa lành “một người vừa điếc vừa ngọng” thể lý, là dấu chỉ của loại bệnh “vừa điếc vừa ngọng” tinh thần hay tâm linh. Điếc là không nghe được, hoặc không nghe rõ. Ngọng là không nói được, hoặc nói không rõ, khó nghe. Số người điếc, ngọng, câm thể lý chiếm một tỉ lệ tương đối nhỏ trong xã hội. Nhưng số người điếc, ngọng, câm về tinh thần và tâm linh chiếm một tỉ lệ rất cao. Thậm chí có cả bệnh “câm điếc xã hội”, nghĩa là có những xã hội bị điếc, ngọng và câm nữa. Nếu Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay có thể chữa lành bệnh điếc và ngọng thể lý, thì Ngài còn có thể chữa lành một cách hữu hiệu hơn nữa bệnh điếc và ngọng về tinh thần, tâm linh, nơi cá nhân cũng như trong xã hội và giáo hội.
2. Điếc, ngọng về tinh thần và tâm linh
Điếc và ngọng về thể chất thì ai cũng biết, thiết tưởng chúng ta không cần đề cập tới trong khuôn khổ nhỏ hẹp của bài chia sẻ Tin Mừng này. Chúng ta cần bàn tới bệnh điếc và ngọng về tinh thần và tâm linh, mà ai trong chúng ta cũng bị không nhiều thì ít.
Nhiều người thính và tinh tai thể chất, nhưng lại điếc về tinh thần và tâm linh. Họ rất thính tai khi nghe những gì liên quan đến tiền tài, của cải, lạc thú, danh vọng, quyền lực, địa vị, nhưng lại trở nên giống như điếc khi nghe những điều hay lẽ phải, những chân lý đem lại sức mạnh tinh thần hay tâm linh, giúp họ sống yêu thương nhiều hơn. Nhiều người nói năng rất hùng biện về kiến thức, triết lý, khoa học, về đủ mọi đề tài… nhưng lại hành xử như người câm, hoặc cảm thấy rất ngượng nghịu, mắc cỡ khi phải nói lên điều hay lẽ thật, những lời chân thành yêu thương, những lời làm mát lòng người khác, những lời đem lại bình an, hòa thuận, những lời giúp mọi người hiểu ra đường ngay lẽ thật.
3. Điếc và ngọng trước chân lý
Nhiều người đã trở thành điếc trước những quan niệm mới, những cách nhìn mới hay những cách diễn tả mới về chân lý. Vì họ luôn luôn cho rằng những quan niệm, cách nhìn hay cách diễn tả chân lý mà họ lãnh hội được trước đây chính là chân lý. Mà đã là chân lý thì không bao giờ thay đổi. Thực ra, chân lý thì bất biến, muôn đời không thay đổi, nhưng cách hiểu, sự lãnh hội và cách diễn tả chân lý của con người thì luôn luôn thay đổi tùy theo khả năng nhận thức của họ. Cũng như cơ cấu của vật chất, từ ngàn xưa đến nay không hề thay đổi, nhưng quan niệm, cách nhìn, cách mô tả của con người về cơ cấu vật chất luôn luôn thay đổi: càng về sau, con người càng quan niệm và diễn tả đúng hơn.
Một khi đã coi một quan niệm, cách nhìn hay cách diễn tả nào đó là chân lý bất biến, con người sẽ không còn khả năng chấp nhận những cách diễn tả khác phù hợp với thời đại mới, với nhận thức mới của con người thời đại. Ta đã thấy gương về sự cố chấp này trong Kinh Thánh: Thiên Chúa thì bất biến, nhưng cách diễn tả Thiên Chúa trong Cựu Ước và Tân Ước rất khác nhau. Các kinh sư Do-thái chính vì cố chấp vào cách diễn tả cũ nên họ đã không chấp nhận được Đức Giêsu, với quan niệm mới, cách nhìn mới, cách diễn tả mới mẻ về Thiên Chúa của Ngài. Vì thế, họ đã nhắm mắt bịt tai trước lời của Ngài: lời Ngài có vẻ như không phù hợp với quan niệm rất hạn hẹp của họ. Tâm trí họ giống như một tách trà đã đầy nước, không thể tiếp nhận thêm một giọt nước nào nữa, nếu cứ rót vào, nước trà sẽ tràn ra ngoài.
Một khi đã điếc trước cách diễn tả mới về chân lý, họ cũng trở thành câm hay ngọng đối với cách diễn tả ấy.
4. Điếc và ngọng trong xã hội và tôn giáo
Trong những xã hội hay tôn giáo độc tài, chỉ có một bè đảng, một phe nhóm hay một giáo phái nào đó được ưu đãi và toàn quyền hành động, thì người dân luôn luôn phải chịu cảnh bất công áp bức. Lúc đó, người dân sẽ trở thành những kẻ điếc và ngọng. Điếc vì họ bị bọn cầm quyền bưng bít không cho nghe những thông tin nào bất lợi cho chúng, khiến cho người dân trở nên bức xúc và đấu tranh. Ngọng hay câm vì họ không thể nói lên được những uất ức, những bực bội, những tư tưởng, những ước muốn của họ. Đương nhiên bị điếc và ngọng thì hết sức bực bội, khổ não, và không hạnh phúc.
Trong những xã hội hay tôn giáo ấy, còn một loại điếc và ngọng khác, đó là bệnh điếc và ngọng của những người theo lý tưởng ngôn sứ. Đó là một lý tưởng cao đẹp tuyệt vời! Lý tưởng này rất cần thiết, đặc biệt trong những xã hội hay tôn giáo đang chịu đầy dẫy bất công áp bức. Lý tưởng đó là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, giải phóng những kẻ bị giam cầm, cho người mù được sáng mắt, trả lại công lý cho người bị áp bức” (Lc 4,18). Sách Châm ngôn diễn tả một công việc quan trọng của những người mang lý tưởng đó: “Con hãy mở miệng nói thay cho người câm, và biện hộ cho mọi người bất hạnh. Hãy mở miệng phán xử thật công minh, biện hộ cho những kẻ nghèo nàn khốn khổ” (Cn 31,8-9). Nhưng có rất nhiều người mang danh theo lý tưởng ngôn sứ này, đáng lẽ họ phải nói thay cho người câm hay ngọng, nhưng tiếc thay chính họ dường như cũng bị câm và ngọng luôn! Thay vì sáng mắt thính tai để nghe và thấy tình cảnh khốn cùng của những người chung quanh mình hầu lên tiếng thay cho họ, thì họ cố tình giả điếc làm ngơ, bưng tai bịt mắt để khỏi thấy, hầu có thể câm miệng làm thinh cho yên thân, để “cố đấm ăn xôi” hay “ngậm miệng ăn tiền”!
5. “Épphatha”, hãy mở ra!
Tuy không điếc và ngọng thể lý, nhưng rất có thể chúng ta đang bị điếc và ngọng về tinh thần hay tâm linh. Điếc và ngọng thể lý thì không phải chịu trách nhiệm về căn bệnh. Nhưng điếc hay ngọng về tinh thần hay tâm linh, thì chúng ta sẽ bị quy kết trách nhiệm trước Thiên Chúa và lương tâm của mình. Vì thế, xét về mặt tâm linh, điếc và ngọng tinh thần hay tâm linh nguy hiểm hơn nhiều. Bị căn bệnh tâm linh này, chúng ta cần chữa cho khỏi. Dù là điếc, ngọng hay câm loại nào, Đức Giêsu cũng có thể chữa lành được, miễn là chúng ta tin vào quyền năng của Ngài và quyết tâm cộng tác với Ngài. Chỉ cần Ngài rờ vào cái tai tâm linh và cái miệng tâm linh của ta và truyền cho chúng: “Épphatha, hãy mở ra!” là bệnh điếc, ngọng, câm tâm linh của ta sẽ được chữa lành. Điều quan trọng là chúng ta phải xác định được mình đang thật sự bị điếc và ngọng về tâm linh thì Ngài mới chữa lành ta được! Nếu bị bệnh mà mình lại cứ nói mình chẳng bệnh gì cả, thì Chúa có quyền năng đến đâu Ngài cũng đành bó tay. Hãy nghe Đức Giêsu nói với người Pharisêu: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy”, nên tội các ông vẫn còn!” (Ga 9,41).
Cầu nguyện
Lạy Cha, con cảm thấy con đang bị điếc và câm - hay ít ra là đang giả điếc và giả câm - trước lời mời gọi của Cha. Cha mời con mở to mắt ra để thấy những nỗi cùng khốn của những người chung quanh con, banh lỗ tai ra để nghe những tiếng rên xiết đau thương của họ, đồng thời mở miệng ra để an ủi họ, xoa dịu đau thương cho họ, và nhất là nói dùm họ, tranh đấu cho họ… Nhưng con đang giả mù giả điếc để có thể câm lặng… hầu được an thân, hầu khỏi bị mất mát những gì mà kẻ áp bức đang ban cho con! Xin Cha hãy chữa lành bệnh ấy cho con!
John Nguyễn
***
CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN B
Phép lạ Chúa Giêsu chữa cho người câm và điếc tại vùng Tyrô, vùng mà người Do Thái cho rằng nằm ở ngoài, nghĩa là không thuộc phe ta, không phải là Do Thái, đây là vùng ngoại đạo. Sở dĩ Chúa Giêsu làm phép lạ ở một vùng
ngoại giáo là để cho nhân loại hiểu thấu Ngài không phân biệt, không loại trừ, Ngài đến trần gian để qui tụ, thu nạp và cứu độ mọi người. Ở đây, thánh Máccô muốn trình bầy cuộc hành trình rao giảng của Chúa Giêsu, nên tác giả đã gợi lại các địa danh như Siđon, Tia, đến gần bờ biển Galile.Tất cả những nơi chốn Chúa đi ngang qua như muốn nói cho mọi người rằng Chúa loan báo nước trời cho mọi người, cho nhân loại.
Phép lạ húa làm là dấu chỉ của thời cứu độ đã đến:
Việc Chúa Giêsu chữa lành một người vừa câm vừa điếc không chỉ bầy tỏ lòng xót thương của Ngài đối với người bệnh, người tàn tật, nhưng nó là dấu chỉ của thời cứu chuộc, thời Thiên Sai đã tới như lời các ngôn sứ đã loan báo, đặc biệt là ngôn sứ Isaia đã viết:”Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò. Bấy giờ mắt người mù được thấy,tai người điếc được nghe” ( Is 35, 6-7a ). Trong đoạn Tin Mừng của thánh Mc 7, 31-37, cách chữa bệnh của Chúa Giêsu, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh
ngước mắt lên trời, thở dài và nói:”Ép-pha-ta “, nghĩa là hãy mở ra( Mc 7, 33-34 ). Cách chữa bệnh của Chúa Giêsu làm ta liên tưởng đến tính cách ma thuật, phù thủy, nhưng kỳ thực Ngài làm cách rất phổ thông như các ông lang, thầy thuốc Hy Lạp đang chữa bệnh ở vùng đó, lúc đó. Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ đó để minh chứng cho Gioan Tẩy Giả và mọi người biết những dấu chỉ, những điềm báo củacác ngôn sứ, đặc biệt của ngôn sứ Isaia về Đấng cứu chuộc đã thiết lập và Đấng Thiên Sai đang ở giữa nhân loại, đang ở giữa họ.
Chúa trả lại chỗ đứng cho những con người bị loại trừ
Quan niệm của người Do Thái cho rằng người mắc các chứng bệnh nan y như què quặt, mù, điếc, câm, cùi, hủi vv...là những người tội lỗi do chính họ gây nên hay cha mẹ của họ mắc phải. Hậu quả tật nguyền, bệnh hoạn của những người này là do tội gây ra. Như thế, họ đã mất chỗ đứng trong xã hội loài người.
Phép lạ của Chúa Giêsu làm cho người vừa câm vừa điếc được lành cũng có nghĩa Chúa Giêsu đưa họ lại đời sống bình thường, trả lại cho họ địa vị làm con Chúa, địa vị làm người như mọi người. Phép lạ này gợi lại cho ta về cuộc tạo dựng, sự tái tạo mới. Việc tạo dựng như sách khởi nguyên chương I và 2 đã mô tả rằng Chúa tạo dựng con người đầu tiên là Adam theo hình ảnh của Người.
Dân chúng chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu làm đã không ngớt tán dương, ca tụng Ngài:” Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả “( Mc 7, 37 ) và như thế làm ta liên tưởng tới Lời Kinh Thánh đoạn sách Sáng Thế Ký 1, 31” Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả rất tốt đẹp”. Chúa Giêsu đến trần gian để tái tạo lại bộ mặt của vũ trụ, trả lại địa vị của con người, Ngài muốn cứu độ mọi người, qui tụ mọi người: việc Chúa chữa lành, nuôi sống con người là dấu chỉ của thời cứu độ, của nước trời, nói lên sự có mặt của Ngài giữa nhân loại, giữa con người.
Người kitô hữu được mời gọi xây dựng nước trời:
Chúa mời gọi mọi người, đặc biệt những người Kitô hữu bắt tay xây dựng nước trời, làm đẹp bộ mặt trái đất. Những thái độ cởi mở, những việc làm tốt như chia sẻ cơm áo, quảng đại, xây dựng xã hội công bằng, bình đẳng trong đó mọi người đều được tôn trọng và yêu thương là dấu chỉ của nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa con người, giữa loài người. Người Kitô hữu luôn phải sẵn sàng đáp trả lại lời mời gọi của Chúa Giêsu. Lời mời gọi của Chúa cũng là lệnh truyền của Ngài cho các môn đệ và mọi người:” Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, nhân danh Chúa Cha, chúa con và Chúa Thánh Thần”( Mt 28, 19 ). Trở thành môn đệ của Chúa, tuân giữ lời Chúa và đem lời Chúa ra thực hành trong đời sống, làm cho nhiều người trở về với Chúa trong sự hiệp nhất, yêu thương là xây dựng nước trời ở giữa trần gian này.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được mau mắn, chóng vánh loan báo Tin Mừng và xây dựng nước trời cho muôn người.
GỢI Ý CHIA SẺ:
1. Bạn cảm nghiệm thế nào về phép lạ của Chúa Giêsu?
2. Có bao giờ bạn suy nghĩ về phép lạ Chúa đã thực hiện cho bạn ?
3. Bạn có mau mắn xây dựng nước trời không?
Lm.Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
***
Chúa Nhật 23 Thường Niên, B
Thường người ta không đánh giá được sự vật mà họ có cho tới khi người ta mất đi sự vật đó. Nếu ta đặt mình vào địa vị người câm và điếc trong phúc âm hôm nay, ta mới đánh giá được cơ quan tai và lưỡi. Mục đích của việc Thiên Chúa tạo dựng nên cái lưỡi và tai, là để ta có thể thông đạt cho người khác, nghĩa là nói cho người khác nghe, và nghe người khác nói. Người điếc trong Phúc âm hôm nay phải cảm thấy ước muốn được chữa lành nên người ta mới xin Chúa chữa anh ta. Phúc âm ghi lại ‘Chúa đặt ngón tay vào lỗ tai anh ta và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Đoạn ngước mắt lên trời, Người rên một tiếng và bảo: Ephrata, nghĩa là “hãy mở ra”. Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được dễ dàng (Mc 7: 33-34).
Có bao giờ ta cảm đội Thiên Chúa đã ban cho ta cái lưỡi để nói và tai để nghe không? Một cách tốt nhất để cảm đội ơn Chúa về hai cơ quan nói và nghe là biết dùng cho đúng mục đích của Đấng Tạo dựng. Miệng lưỡi ta được dựng nên để thông đạt in tức, thông đạt sự thật và sự thiện hảo. Tai ta phải được dùng một cách khôn ngoan chứ không phải để khuyến khích người khác nói hành, nói xấu, bỏ vạ, cáo gian. Nghe người khác nói hành, nói xấu, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống là lạm dụng mục đích của Đấng tạo dựng đôi tai. Có bao giờ khi xưng tội, ta xưng tội đã nghe người khác nói hành nói xấu, xuyên tạc, bịa đặt không?
Hơn nữa miệng lưỡi và lỗ tai còn được tạo dựng với mục đích cao hơn nữa là để thông đạt lời Chúa. Khi lãnh phép rửa tội, linh mục chạm vào tai ta, và đọc chính lời Chúa nói trong Phúc âm hôm nay: Hãy mở ra. Đây có nghĩa là tai ta phải được mở ra đón nhận lời Chúa, và lắng nghe lời Chúa bằng đức tin. Đức tin mở tai ta cách thiêng liêng. Ta có thể nghe lời Chúa trong Phúc âm. Tuy nhiên nếu không có đức tin, ta chỉ nghe như đọc chuyện thường, chứ không phải nghe lời Chúa. Lời Chúa phải có sức tác động tâm hồn và thay đổi đời sống con người. Lời Chúa mạc khải trong Thánh kinh là kho tàng chung của nhân loại, nhưng chỉ có những người mở rộng tâm hồn, những người khiêm tốn, mới lãnh hội được lời Chúa. Ta biết lắng nghe là một yếu tố quan trọng trong việc thông đạt hàng ngày. Người biết lắng nghe là người không những chỉ nghe bằng tai, mà còn lắng nghe với cả tâm hồn. Tai ta có thể nghe câu chuyện Thánh kinh, nhưng chỉ có tâm hồn mới có thể lắng nghe tiếng Chúa.
Tóm lại mục đích của việc tạo dựng giác quan là để dùng vào việc ca tụng và làm vinh danh Chúa. Chúa cho ta cái tai nghe để nghe những lời ca tụng Người. Chúa cho ta miệng lưỡi để tung hô ngợi khen Chúa. Đó chính là việc người câm điếc đã làm sau khi được Chúa chữa khỏi: Ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được (Mc 7: 37).
Hôm nay ta hãy cầu xin Chúa cho ta biết sống trong tâm tình biết ơn: biết ơn Chúa cho ta có thể nói được với nhau và nói được với Chúa trong lời cầu nguyện và thờ phượng, biết ơn Chúa vì ta có thể nghe được người khác, cũng như nghe được lời Chúa khi có người tuyên xưng. Trong thánh lễ ta lắng nghe lời Chúa trong Thánh kinh, trong bài giảng. Nghe lời Chúa rồi ta cần đáp trả bằng cách tuyên xưng lời Chúa, bằng việc thờ phượng và cầu nguyện, bằng đời sống đạo hạnh. Lời Chúa không phải là tiếng nói một chiều, nhưng bao hàm việc đáp trả. Trong một buổi học hỏi Thánh kinh, ông cha hỏi:
* Sao Chúa nhật rồi bài Phúc âm nói về gì vậy?
Mọi người thinh lặng: người thì bóp trán, người thì gãi tai, người khác gãi đầu. Cuối cùng có một ông giơ tay phát biểu.
- Dạ thưa cha con nhớ rồi.
- Ông nhớ sao?
- Dạ thưa cha, con nhớ cha đọc: Đó là lời Chúa.
Lm Trần Bình Trọng, USA
***
Thắp lên ngọn đuốc sáng
Bà Constanza Calderon là nhân vật quan trọng thứ hai trong hệ thống ngân hàng quốc gia Equađo. Đặc sắc nơi bà là mối quan tâm xã hội sâu sắc.
Bà nói: "Equađo có 11 triệu dân mà 15 phần trăm không có việc làm. Vì nông thôn bị bỏ rơi trong phong trào công nghiệp hoá, nên dân chúng tràn về đô thị để kiếm việc làm, tăng thêm những khu nhà ổ chuột với biết bao tệ nạn xã hội.
Bà Constanza Calderon quan tâm đặc biệt tới số phận của những người tàn tật bị loại khỏi sinh hoạt xã hội. Bà kiên nhẫn tìm cách giúp đỡ họ ngược lại với dư luận có khuynh hướng loại bỏ họ. Bà cho biết khi đảm trách lãnh vực tài chính của ngân hàng bà đã nghĩ ngay tới việc thuê người câm điếc để họ phân biệt giấy bạc thật, với giả. Đó là sở trường của họ. Ban đầu chỉ mới thử mà thấy đúng như vậy, nên bà đã nhận ngay năm mươi người câm và điếc vào làm việc trong ngân hàng. Bà nói: "Nguyên tắc được áp dụng trong việc thuê nhân viên là phải chú ý trước tiên tới lợi ích của họ."
Vì sáng kiến vừa nói thành công, Bà Constanza Calderon được giao thêm trách nhiệm. Bà nói: "Nhà nước phải nuôi quá nhiều nhân viên "ngồi chơi xơi nước" nên không có đủ khả năng về tài chánh dành cho những chương trình cần thiết như xây dựng đường sá và cống rãnh cho vùng nông thôn là nơi mà 40% dân số là thổ dân bị gạt ra rìa xã hội.
Bà Constanza Calderon nói: "Tôi được giao trách nhiệm điều khiển việc thải hồi số nhân viên dư thừa trong ngân hàng mà con số lên tới 1,500 người! Số người này ngồi đó chỉ vì áp lực chính trị chứ không vì nhu cầu thực sự của ngân hàng. Có tới ba người ngồi đó để làm công việc củamột người. Phản ứng tự nhiên của tôi là muốn thoái thác trước trách nhiệm khó khăn. Tôi cảm thấy bản thân tôi tự nguyện nghỉ việc còn hơn phải quyết định cho cả ngàn rưỡi người phải nghỉ việc, nhất là trong số đó có những người đã trở nên rất thân thiết với tôi."
Bà tham khảo ý kiến về phía Giáo Hội thì bà được khuyến khích nên tích cực dấn thân lo cho công ích thay vì lãnh đạm trước nhu cầu xã hội. Dù sao hơn mười năm là thành viên của Phong Trào Tổ Am đòi bà phải hy sinh vì tình yêu tha nhân.
Bà Constanza Calderon kể lại từng bước bà đã thực hiện: "Trước hết tôi kiểm tra bộ phận nhân sự trong ngành ngân hàng để thấy rõ hoàn cảnh gia đình của từng người, để biết mỗi cá nhân đã bắt đầu vào làm nhân viên từ bao giờ, được thuê mướn như thế nào, đạt được vị trí hiện nay do bản thân xứng đáng hay do ai giới thiệu… tôi nhận ra nhiều nhân viên đã từng làm cho ngân hàng từ năm năm đến chín năm, mà phần nhiều do mấy chính trị gia giới thiệu. Thêm nữa còn có một số khá lớn nhân viên lẽ ra đã về hưu mà vẫn còn ngồi đó!"
Khi cuộc kiểm tra nói trên diễn ra, ai cũng cảm thấy một bầu khí căng thẳng. Riêng bà Constanza Calderon thì phải làm việc thêm giờ, có khi ngoài giờ làm việc suốt từ 4pm tới nửa đêm, chỉ để nghe trường hợp bản thân mỗi người. Một số người tới khóc xin đừng để cho họ phải nghỉ việc. Một số khác xin đừng cho họ về hưu.
Bà phải tiếp đủ mọi hạng người, có những người mang theo áp lực đáng kể của những ông lớn. Bà luôn lịch sự trả lời bằng thư cả trường hợp đương sự không thể được trở lại làm việc nữa.
Bà Constanza Calderon nhờ một ngân hàng quốc tế chuyên lo vấn đề phát triển đứng ra tổ chức hai khoá học, một về quản trị xí nghiệp nhỏ. Cả hai khoá học này dành cho những nhân viên sắp nghỉ việc. Họ sẽ nhận được tiền nghỉ việc cũng như lương hưu thì phải giúp họ làm cho đồng tiền đó nảy nở thay vì để cho bị sụt giá.
Hai khoá học đã mang lại kết quả cụ thể. Một số công ty kinh doanh nhỏ phát sinh. Chẳng hạn, một công ty chỉ gồm 15 cổ đông, lo săn sóc sức khoẻ người già yếu, chuyên chở họ tới trung tâm vật lý trị liệu ban sáng, rồi ban chiều chở họ về nhà. Trong vòng một tháng, nhiều sáng kiến loại đó được đưa ra, để giúp 1,500 người nghỉ việc ngân hàng sử dụng đồng tiền và thì giờ của mình một cách có lời.
Thành quả của bà Constanza Calderon trong hệ thống ngân hàng quốc gia được cả nước biết đến. Chính quyền Equađo đang yêu cầu bà đảm trách chương trình canh tân các dịch vụ công cộng trong nước. Bà chưa dám nhận. Bà nói: "Trước tiên tôi có bổn phận chăm sóc bốn con tôi. Sự chăm sóc đó phải được dành ưu tiên."
Khi thuê năm mươi người câm và điếc vào làm việc cho ngân hàng, bà Constanza Calderon đã không chữa một người nào khỏi câm điếc, nhưng bà đã giúp họ có công ăn việc làm, đó là điều đáng kể đối với họ. Từ nay họ được hoà nhập trong xã hội, không còn bị gạt ra bên lề nữa.
Ánh Sáng đích thực từ cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu
Còn Đức Giêsu, Người không chỉ chữa lành người vừa điếc vừa ngọng như bài Tin Mừng hôm nay cho thấy mà còn chữa nhiều tật bệnh khác nữa của loài người như Tin Mừng Máccô gợi ý.
Trình thuật về cuộc chữa lành người vừa điếc vừa ngọng (Mc 7,31-37) giống như cánh cửa mở ra từ cuộc trừ quỉ khỏi đứa con gái một phụ nữ ở vùng Tia (24-30) đến cuộc chữa lành một người mù ở chương 8 (22-26). Cả hai trường hợp đều có người dẫn kẻ tàn tật đến với Đức Giêsu (Mc 7,32/ 8,22), đụng chạm tới người ấy, rồi lấy nước miếng mà chữa lành người ấy (Mc 7,33-35/  8,23-25).
Tin Mừng Máccô như muốn độc giả đọc cả hai trình thuật liên tiếp nhau để được nhắc nhở về lời ngôn sứ Isaia đã tiên báo, nay được Đức Giêsu đến thể hiện, chứng tỏ Người chính là Vị Cứu Tinh dân Chúa đang chờ đợi:
"Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò." (35,5-6)
Nhưng về cuối cả hai trình thuật Đức Giêsu đều yêu cầu giữ bí mật về phép lạ. Tin Mừng Máccô có ý nhắc nhở độc giả về căn tính đích thực của Đức Giêsu chỉ được tỏ hiện sau này trong cuộc Thương Khó của Người: "Điều chúng ta đã nghe, ai mà tin được? Cánh tay uy quyền của Đức Chúa đã được tỏ cho ai? Người tôi trung đã lớn lên, tựa chồi cây trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn. Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì đáng chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mắt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. Nhưng đó là vì Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta. Thế mà chúng ta lại tưởng Người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề. Thực ra Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm: Người đã chịu sửa phạt để chúng ta được bình an, đã mang thương tích cho chúng ta được chữa lành." (53,1-5).
Điều nhắc nhở vừa nói thực ra vẫn còn giá trị. Hãy bỏ qua những chuyện nhảm nhí như về ba ngày ba đêm. Cả những phép lạ đích thực được Giáo Hội xác minh như phép lạ Lộ Đức, giá trị không qui về sự lạ lùng ta nhận ra như trong trò xiếc, nhưng qui về chính Thiên Chúa. Chính Người biểu lộ quyền năng của Người để ta tín thác và thực thi ý Người.
Dưới cặp mắt đức tin
Tín hữu là người nhìn mọi sự dưới cặp mắt đức tin để nhận ra Thiên Chúa ở nơi mọi sự, vì nếu không có Thiên Chúa hiện diện với đầy uy quyền thì làm gì có bất cứ điều gì trong vũ trụ. Thật vậy, như lời thánh Phaolô tông đồ khẳng định trước hội đồng A-rê-ô-pa-gô rằng: "Chính ở nơi Thiên Chúa mà chúng ta sống, chúng ta cửa động và hiện hữu" (Cv 17,28).
Tín hữu Kitô còn phải bén nhạy với bệnh tật, khổ đau: "Phúc cho những ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương (Mt 5,7)
Phương chi khi mà rõ ràng những đau khổ ấy do tội gây nên, thì người Kitô hữu càng không thể dửng dưng. Bởi lẽ Đức Kitô "đã mang lấy bệnh tật chúng ta… Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm" (Is 53,5)
Hãy coi thế giới trước mắt chúng ta, hàng triệu người lâm cảnh nghèo đói chỉ vì của cải và tài nguyên không được chia đồng đều cho công bằng, chỉ vì tệ nạn phân biệt xã hội, màu da và chính trị. Khắp nơi, sự sống và nhân phẩm đích thực của con người bị chà đạp. Cho dầu thế kỷ ngày nay nắm trong tay những phương tiện kỹ thuật cao, nhưng càng ngày càng thấy rõ con người chưa sẵn sàng chịu hy sinh để kiến tạo một xã hội công bình và nhân đạo hơn.
Nhưng thà thắp lên một ngọn đèn còn hơn là nguyền rủa bóng tối. Quả thật bà Constanza Calderon đã thắp lên ngọn đuốc sáng khiến cả quốc gia Equađo đều thấy. Ước gì ai là người Kitô hữu cũng đều ý thức mình phải là ánh sáng do nguồn sáng phát sinh từ Đức Kitô, cả thế giới sẽ trở nên sáng sủa hơn.
Một số câu hỏi gợi ý
1. Bạn tâm đắc được gì nhờ gương bà Constanza Calderon: Bà Constanza Calderon đã nhận 50 người câm và điếc vào làm việc ngân hàng? Bà giải quyết êm đẹp cho 1.500 người nghỉ việc mà không quên giúp họ dự những khoá học bổ ích? Khi thuê người làm, phải chú ý trước tiên đến lợi ích của họ?
2. Bạn nghĩ lý do nào khiến Đức Giêsu yêu cầu người ta giữ bí mật về phép lạ Người làm? Lý do đó có thể được cắt nghĩa nhờ lời ngôn sứ trong Cựu Ước chăng?
3. Hãy so sánh dư luận đồn đại như về: "ba ngày ba đêm" và một phép lạ được xác minh nghiêm túc như tại Lộ Đức? Đức tin có thể soi sáng để bạn thấy được gì phía sau một bông hoa nở? Một con người sinh ra và chết đi? Lời nói đầu tiên của đứa bé? Lời cuối cùng của bà nội?
Lm Augustine S.J
***
Ơn Tạo Dựng
Cha Ðỗ Ðình Bộ (Dourisboure) thuộc hội Thừa Sai Ba Lê kể câu chuyện ông Hồ Mua (Hmur) là người dân tộc Bana đầu tiên trở lại đạo Công Giáo năm 1853.
Ông Mua được cha Cung (Combes) dậy đạo. Cha này nhìn nhận ông là người "rất trung thực, rất công bằng, rất thù ghét điều gian dối". Ðặc biệt về giới răn thứ sáu, ông tỏ ra là người bén nhạy cách lạ thường. Một hôm cha Cung dạy ông hơi nhiều về giới răn đó. Phản ứng của ông Mua là: "Ồ, thưa ông cố, về điều này, từ lâu tôi đã biết điều gì được phép làm hay không được phép, kể cả trong suy nghĩ. Xưa kia, khi còn là một thanh niên, và trên đường đi đâu đó, nếu tôi gặp một người con gái thì tôi quay mặt lại để khỏi nhìn cô ấy, và khỏi có những ước muốn xấu."
Ơn Cứu Chuộc
Nhưng không thể nói như vậy về vấn đề mê tín dị đoan. Tất cả những tập tục của dân Bana đều có mê tín dị đoan thấm nhuần. Và ông Hồ Mua mang nặng sư thấm nhuần đó. Khi ông Mua nghe cha Cung trình bày chi tiết đạo thánh Chúa, ông liền tỏ lòng khâm phục và muốn theo liền. Nhưng khi biết rằng tất cả những tập tục dân tộc Bana không thể đi đôi với việc ông gia nhập đạo công giáo, ông tỏ ra sợ hãi. Ông đã tin và vẫn còn tin vào tất cả đạo giáo của dân tộc ông. Ông xác quyết, ông không thể bỏ một số luật đạo ấy mà lại không tự chuốc lấy cái chết chắc chắn sẽ xảy đến cho ông. Cha Cung giúp ông cầu nguyện xin ơn lướt thắng những cám dỗ về mê tín dị đoan. Ông tỏ ra là người anh hùng khi phải nói lên niềm tin mà ông đặt nơi Thiên Chúa và về những sự sau hết của đời người. Nhưng nơi thâm tâm ông vẫn còn âm ỉ một sự sợ hãi, vẫn còn nửa tin nửa ngờ một tai ương lớn nào đó, hoặc có khi chính cái chết, có thể xảy đến nếu ông bỏ một số tập tục mê tín. Nhưng Chúa nhân lành vẫn cho ông cơ hội để thắng sự sợ hãi đó nhờ những thực tại khách quan.
Ðúng vào năm ông Mua trở lại đạo Công Giáo thì có nạn đói xảy ra cho làng ông và những làng lân cận. Bình thường phương pháp tốt nhất để cứu đói là gieo bắp vào lúc mùa mưa tới, để sớm có cái bỏ miệng trong khi chờ đợi mùa lúa đến. Nhưng theo tập tục xứ này, người ta không thể muốn trồng bắp lúc nào thì trồng, mà phải đợi hết điềm báo này đến điềm báo khác. Có khi vì thế mà phải chết đói trong khi thời tiết lại rất thuận lợi cho việc trồng tỉa ngay! Ông Mua, vào dịp đó, đã theo lời khuyên của cha Cung, đã coi thường những tập tục xưa. Ông cứ gieo bắp trước thời gian, chẳng chờ điềm báo. Nhiều bà con của ông từ làng lân cận đến khuyên ông: "Ô kìa, Hồ Mua, mày sắp làm gì vậy? Tại sao trồng bắp tháng này? Ồ, đừng đừng! Ai sẽ ăn bắp mày trồng? Chắc chắn là nó không mọc đâu! Mà như nếu nó có mọc, có sinh nhiều trái, thì mày cũng chẳng được ăn. Mày sẽ chết trước cho mà coi! Ðừng có nghe lời khuyên của mấy người ngoại quốc. Họ chẳng biết gì tập tục của chúng ta. Họ sẽ làm mày chết đấy. Chúng tao thương hại mày lắm! Cái chết luôn đến khá sớm, thì tại sao lại hối thúc nó!"
Nhưng ông Mua đã hứa với cha Cung là bằng mọi giá ông sẽ hành xử theo lời dạy của đức tin. Vậy ông đã tỉa bắp trong khi mọi người còn chờ điềm báo. Bề ngoài ông tỏ ra rất vững tin, nhưng bên trong ông thú thật là vẫn còn nơm nớp sợ.
Chúa thương cho ông Mua được mùa bắp trong khi mọi người chung quanh mới bắt đầu gieo hạt. Bà con lần này đến không phải để trách ông, nhưng để nhận phần bắp mà ông đã quảng đại chia sẻ cho họ như ân lộc Chúa ban.
Ông Mua cách nào đó tượng trưng cho chính Chúa Giêsu là Ðấng mở ra một con đường tự do cho mọi người. Còn những người bà con của ông tượng trưng nhóm Pharisêu và Kinh sư trong bài Tin Mừng hôm nay.
Ðức Giêsu trả giá để loài người được tự do
Nhưng ông Mua tượng trưng Ðức Giêsu theo nghĩa nào? Thực ra, chính nhờ Ðức Giêsu ta mới có thể nhận ra con người ông Mua hiện như thế nào và lẽ ra phải như thế nào, tức là nhận ra ông như được Thiên Chúa dựng nên và cứu chuộc như thế nào.
Ngay ở câu đầu của sách Tin Mừng Máccô đã cho ta thấy nhân vật chính của sách Tin Mừng là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa. Ý nghĩa của danh xưng Con Thiên Chúa được chất chứa rất phong phú nơi biến cố Ðức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Khi ấy các tầng trời xé ra và Ðức Giêsu thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng phán từ trời cao rằng: Con là Con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về Con. Thánh Thần xuống trên Ðức Giêsu là để tấn phong và xác nhận Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ Thiên Chúa đã hứa (x. Is 11,2; 42,1; 63,11). Ðức Giêsu còn được xác nhận là Con Một yêu dấu của Chúa Cha được dâng làm lễ vật trong hy lễ.
Ðó là mạc khải cơ bản về Ðức Giêsu Con Thiên Chúa. Tất cả lời nói và việc làm của Ðức Giêsu mà sách Tin Mừng mô tả cũng là để làm sáng tỏ mạc khải đó mà thôi.
Cho nên khi một người bị quỉ ám nhìn nhận Ðức Giêsu là "Ðấng Thánh của Thiên Chúa" (Mc 3,24) cũng là để nói rằng chỉ một mình Thiên Chúa là Ðấng chí thánh và Ðức Giêsu là Ðấng được thánh hiến cho Ngài.
Cũng vậy khi Ðức Giêsu khẳng định Ngài có quyền tha tội (x.Mc 2,10) thì đó là vì Ngài dựa vào thiên tính là Con Thiên Chúa để tha tội.
 Riêng trong bài Tin Mừng hôm nay Ðức Giêsu thực tỏ ra khéo léo để vượt lên trên những tập tục không mấy thiêng liêng (vì chỉ liên quan tới chuyện rửa bát, rửa tay v.v? trước khi ăn) để hướng người nghe về với Thiên Chúa. Người trích ngôn sứ Isaia nói rằng "Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là luật phàm nhân (Is 29,13)? Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm (Mc 7,8).
Mọi sự phải khởi đi từ Thiên Chúa. Ðó là ơn tạo dựng. Nếu ông Hồ Mua được nhìn nhận là con người có nhiều cái hết sức tích cực, như trung thực, công bằng, thù ghét điều gian dối, lại còn trong sạch trong cả suy nghĩ, từ thời còn thanh niên, thì đó là vì ông được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Nhưng nếu từ cơ sở đó của ơn tạo dựng mà đã có sự suy thoái, sự biến chất do mê tín dị đoan là công trình của quỷ dữ, thì ông Mua phải được giải phóng để được tự do. Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa xuống thế làm người là để thực hiện công trình giải phóng đó. Chính ông Mua phải tham dự vào công trình này, nhận lấy công trình đó của Chúa Giêsu làm của mình. Những người như cha Cung và thực ra, cả Giáo Hội, luôn giúp đỡ ông, nhưng không ai thay thế được ông để vượt trên sợ hãi, hầu sống sự sống mới làm Con Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu. Nhưng Ðức Giêsu đã trả giá cho công trình giải phóng loài người khỏi ách tội lỗi. Sự hy sinh đó có thực do tội lỗi loài người gây nên, chứ không phải là điều giả tạo được áp đặt vào cuộc đời của Ðức Giêsu. Máccô nói rõ điều đó khi mô tả năm cuộc tranh luận với người Pharisêu, mà vụ chữa người bại tay đã đưa đến việc bàn tính cách hữu hiệu nhất để giết Ðức Giêsu (x. 2,1-3,6). Thắc mắc mà người Pharisêu nêu trong Tin Mừng hôm nay liên quan tới chuyện rửa bát đĩa và tay trước khi ăn, cũng phát sinh do sự xung khắc có âm mưu nói trên.
Một số câu hỏi gợi ý
1. Bạn tâm đắc được gì về con người ông Hồ Mua: trung thực? công bằng? ghét điều gian dối? trong sạch cả trong suy nghĩ từ hồi thanh niên? thấm nhuần mê tín dị đoan của dân tộc Bana?  Ông lướt thắng được nỗi sợ phát sinh do mê tín dị đoan như thế nào?
 2. Bạn có kinh nghiệm gì về những điều tốt lành do ơn tạo dựng, như ước ao sống lý tưởng bác ái và công bằng?
 3. Bạn có kinh nghiệm gì về ơn cứu chuộc qua những lần xưng tội, chịu lễ?
Thiên Chúa vẫn ở bên tôi
Có một câu chuyện vui kể về một tín đồ rất ngoan đạo, bị kẹt trong một cơn lũ lụt mà nước mỗi lúc một dâng cao. Anh ta từ chối việc di tản. Anh nhất quyết phải chứng minh rằng Thiên Chúa sẽ giải cứu anh.
 Nước lụt mỗi lúc lại dâng cao hơn, và người ấy đến lúc đã bị kẹt trên mái nhà mình, đang cầu nguyện xin Chúa một phép lạ. Ba lần người ta dùng thuyền tới cứu, song anh không chịu lên thuyền, bảo họ hãy đi đi. Anh quyết bám vào mái nhà để chờ phép lạ của Chúa. Cuối cùng anh bị nước cuốn đi và bị chết chìm. Khi ra trình diện tại cửa thiên đàng, anh ta phẫn nộ thưa với Chúa:
-Lạy Chúa, vì sao Ngài không tôn trọng đức tin của con?
Chúa trả lời:
-Ta đã ba lần đưa thuyền đến cứu con, nhưng con đã không chịu bước vào!
Vâng, Thiên Chúa luôn cứu giúp chúng ta qua trung gian con người là hình ảnh của Chúa. Ngài vẫn luôn thể hiện tình thương của Ngài qua tha nhân, qua bạn bè. Đó là lý do mà Ngài tao dựng con người theo hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Ba Ngôi vị liên kết với nhau thành một cộng đoàn tình yêu. Con người cũng được mời gọi liên kết với nhau trong một cộng đoàn của yêu thương và hiệp nhất. Sự liên đới, chia sẻ với nhau đó chính là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa thế gian.
Bài tin mừng hôm nay nói về một người câm điếc từ thuở mới sinh. Sinh ra trong tật nguyền là một thiệt thòi mà chẳng ai mong muốn điều đó xảy đến với mình. Cuộc đời câm điếc đã giới hạn mọi giao tế của anh. Anh không thể nghe người khác tâm sự, và anh cũng không thể thổ lộ hết nỗi lòng của mình cho tha nhân. Một con người sinh ra mà không thể hiểu và thông cảm với tha nhân là một đau khổ triền miên. Có lẽ anh đã sống trong đau khổ thầm lặng và cả những người thân của anh cũng khổ đau như anh.
Nét đẹp của bài phúc âm hôm nay quan yếu là ở tấm lòng những người thân và tình thương của Chúa. Anh sinh ra trong tật nguyền nhưng anh lại được mọi người thương mến, cảm thông với nỗi bất hạnh của anh. Cha mẹ và hàng xóm láng giềng đều mong muốn cho anh có ngày nói được, có ngày nghe được như bao người khác. Họ đã nghe về một Giêsu quê làng Nagiaret đầy tình thương và đầy quyền năng. Một vị cứu tinh của nhân trần có thể sẽ giải thoát và cứu chữa anh khỏi tật nguyền. Họ đã đem anh đến với Chúa. Sự nỗ lực của mọi người đã được Chúa Giêsu bù đắp bằng sự đáp ứng nguyện vọng của họ và chữa lành cho anh.
Thế giới hôm nay vẫn còn đó những con người bị câm điếc do bẩm sinh, do môi trường tác động. Câm điếc về thể xác đã khổ, câm điếc tâm hồn lại còn khổ hơn. Câm điếc tâm hồn khiến họ mất tương quan nghĩa thiết với Thiên Chúa và với tha nhân. Họ không còn nghe được tiếng Chúa và tiếng của tha nhân. Họ không nghe được sự thật và không nói được sự thật. Họ không nghe được tiếng nói của lương tri và không nói được tiếng nói của con tim. Họ đang chôn vùi cuộc đời trong đam mê lầm lạc. Họ là những người cần được khôi phục khả năng để hiểu, để cảm thông và để sống tình liên đới với Chúa và mọi người.
Biết bao người vì những đam mê, những dục vọng, những toan tính, những ích kỷ, những lười biếng trói buộc cuộc đời của họ trở thành kẻ tật nguyền đáng tội. Biết bao người đã trở thành câm điếc lương tri, vì ngay từ nhỏ đã không được cha mẹ khai trí mở lòng bằng những lời dạy bảo, những lời hay lẽ phải. Họ không được huấn luyện để nói những lời yêu thương, để lắng nghe tiếng nói của sự thật. Dần dà với thời gian môi miệng của họ không còn khả năng nói lời yêu thương, chân thành đối với tha nhân. Dần dà với thời gian con tim của họ không còn có khả năng để nghe và cảm thông nỗi đau khổ, bất hạnh của anh em. Thay vào đó là những lời độc ác, hận thù, gian dối, và với một trái tim chai cứng, thờ ơ, lãnh đạm với nỗi khổ của anh em.  Sự câm điếc tâm hồn khiến họ không còn khả năng để yêu thương, để trao ban và chia sẻ với nỗi bất hạnh của người khác. Điều tệ hại nhất là họ không còn nghe được tiếng nói của lương tâm luôn nhắc nhở họ từ bỏ lối sống u mê, tội lỗi để sống theo lẽ phải, theo lề luật của Thiên Chúa. Họ thật đáng thương vì họ sống trong lầm lạc mà họ không biết. Họ thật bất hạnh vì họ thiếu đi những cảm giác vui tươi, an bình của tâm hồn.
Đôi khi trong cuộc đời chúng ta cũng trở nên kẻ câm điếc giữa tha nhân. Có thể vì thói ích kỷ mà chúng ta làm ngơ trước nỗi khổ của anh em. Có thể vì đam mê và lười biếng chúng ta làm ngơ trước tiếng nói của lương tri.
Nguyện xin Chúa là Đấng đã đến để phục hồi những gì đã bị hủy hoại bởi tội lỗi, xin Người giúp chúng ta biết lắng nghe tiếng nói của sự thật và biết sống yêu thương với mọi người. Xin Người ban cho chúng ta một tấm lòng quảng đại để chúng ta biết giúp đỡ anh chị em vượt qua những giới hạn và yếu đuối của bản thân để sống hoàn thiện con người mình mỗi ngày nên tốt hơn. Amen
Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...