16/01/2021
1273
ĐẾN VÀ Ở LẠI
          Các bài đọc nói với chúng ta về những người, khi nghe thấy tiếng Thiên Chúa hay Đức Kitô mời gọi, đã trở thành môn đệ và bắt đầu phục vụ ngài. Khi nhìn thấy điều đó đã xảy ra thế nào và những con người được chất vấn đã trả lời ra sao với lời mời gọi, chúng ta được soi sáng về những cách thức mà Thiên Chúa và Con của ngài ngày nay vẫn còn đến gặp gỡ chúng ta, mời gọi chúng ta trở thành môn đệ của ngài.
          Trước hết, chính trong thinh lặng mà Samuel nghe thấy một tiếng nói mời gọi ông. Ông không biết rằng, tiếng nói này là tiếng nói của Thiên Chúa. Ông nghĩ rằng, chính thầy tư tế Heli gọi ông. Ông phải có thời gian và sự giúp đỡ của chính Heli để hiểu rằng, chính Thiên Chúa ngỏ lời với ông.
          Trang Tin Mừng thánh Gioan tiếp nối những gì vừa nói trên đây. Lần này, thì chúng ta đang ở giữa ban ngày và chúng ta phải làm việc với những người đang đi tìm kiếm Thiên Chúa và Đấng Cứu Thế của ngài. Những người này có đầu óc và con tim hướng về cái vô cùng. Hai người trong số đó là môn đệ của Gioan Tẩy Giả, vị tiên tri khắc khổ đã không ngần ngại nói về sự ăn năn thống hối để đón nhận Nước Thiên Chúa, đang rất gần.
          Chính một lời nói của Gioan “Đây là Con Chiên Thiên Chúa” đã khởi xướng tất cả nơi hai môn đệ. Các ông đi theo Chúa Giêsu, nhìn xem nơi ngài ở và ở lại với ngài trọn ngày hôm đó. Đó là thời gian của một cuộc gặp gỡ thực sự, của một cảm nghiệm mãnh liệt và quyết định.
          Để gặp được Chúa Giêsu, cần có người giới thiệu. Gioan đã giới thiệu Chúa Giêsu cho hai môn đệ của mình. Ông Anrê cũng đã giới thiệu Chúa Giêsu cho em là Simon, và dẫn ông này đến gặp Ngài. Chẳng ai thực sự gặp được Chúa Giêsu mà lại không mong giới thiệu Ngài cho người khác.
          Chúa Giêsu là kho tàng cứ mãi lớn lên khi được san sẻ. Hạnh phúc của Gioan Tẩy giả và Anrê là thấy Chúa Giêsu và người mình giới thiệu gặp nhau. Họ chấp nhận tự xóa mình. Gioan chấp nhận chia tay với hai môn đệ yêu dấu. Anrê sau này chẳng được nổi tiếng bằng Simon.
          Theo lời giới thiệu của Gioan, hai ông đi theo Chúa Giêsu. Chẳng rõ họ đã đi theo bao lâu và bao xa. Họ rụt rè không biết bắt đầu câu chuyện thế nào. Chúa Giêsu thấy sự lúng túng dễ thương của họ. Chính Ngài đi bước trước, mở đầu cuộc đối thoại.
 
          Sáng hôm sau, chính Anrê đã nói với Simon Phêrô, anh mình: “ Chúng tôi đã gặp thấy Đấng Cứu Thế”. Phêrô theo Anrê, và đến lượt ông, ông khám phá ra Chúa Giêsu.
          Khi đã kinh nghiệm tình yêu của Chúa, Anrê tự nhiên cảm thấy được thúc bách phải chia sẻ niềm tin cho em mình là Simon Phêrô: “Chúng tôi đã gặp Đức Kitô”. Rồi ông dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu. Anrê chắc chắn biểu lộ một sự thích thú rõ rệt. Ông đã sung sướng được gặp Chúa, ông đã khám phá ra Chúa là Đấng Mêsia, Đấng được Thánh Thần xức dầu tấn phong sai đi loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Dĩ nhiên, ông còn phải ở lại với Chúa Giêsu lâu hơn nữa, còn phải tìm hiểu, phải khám phá nhiều hơn. Nhưng giờ đây, ông cùng chia sẻ với em mình, cùng tìm hiểu, cùng khám phá với em và các bạn khác của ông. Niềm tin của ông càng được củng cố, càng lớn lên trong mức độ ông biết chia sẻ cho người khác.
          Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên đó, các ông trở lại với cuộc sống đời thường. Thế nhưng, từ nay không còn là cuộc sống như trước, vì cuộc gặp gỡ Đức Kitô đã làm thay đổi tận căn. Giờ đây các ông sống với niềm tin Chúa Giêsu là Đấng Mêsia –Đấng Thiên Sai Cứu Thế- Chính niềm tin đó điều khiển cuộc sống và làm cho cuộc sống người môn đệ mang một ý nghĩa mới.
          Chúng ta nhận thấy, cách thức tiến hành mỗi lần đều như nhau. Một nhân chứng chỉ cho môt ai đó sự hiện diện của Đức Kitô. Ngài mời gọi người đó quay hướng về ngài, và đến gần ngài để hiểu rõ ngài hơn. Điều đó không được thực hiện trong nháy mắt, mà phải có thời gian. Thời gian rất cần thiết. Cần phải ở lại bên cạnh Chúa Giêsu trong một thời gian thích hợp để biết rõ ngài là ai, và ngài mời gọi làm điều gì. Đồng thời cũng phải sẵn sàng để đi với ngài đến nơi mà ngài muốn chúng ta đi đến. Cảm nghiệm này có thể biến đổi cả một cuộc đời. Đó là trường hợp của Anrê đã trở thành một trong nhóm Mười Hai. Đó là trường hợp của Simon Phêrô, khi nhận lấy một tên mới “ Con là Phêrô”, được ủy thác cho một sứ mạng mới, sứ mạng là Đá, trên đó Giáo Hội đươc xây dựng.
          Rõ ràng là, qua trung gian của Chúa Thánh Thần, Đức Kitô tiếp tục kêu gọi những con người đi theo ngài. Ngài thực hiện điều đó theo cách thức ngày xưa, luôn luôn có giá trị. Ngài thực hiện điều đó bằng cách ngỏ lời nhẹ nhàng trong tận thẩm sâu tâm hồn. Sau đó, khắp nơi trong thế giới và rất gần gũi với chúng ta, ngài khơi gợi lên những chứng nhân; qua những gì họ sống, qua những gì họ làm và những gì họ nói, những chứng nhân nói với chúng ta về ngài và mời gọi chúng ta quay nhìn về ngài.
          Những kinh nghiệm này có liên quan đến chúng ta. Biết bao nhiêu lần, khi ngừng lại không chạy đôn chạy đáo, khi chúng ta trở về với lòng minh, khi thinh lặng trong cõi thâm sâu tâm hồn, chúng ta đã nghe một tiếng nói kín đáo mời gọi chúng ta sống một cuộc sống tốt đẹp hơn, phục vụ anh em nhiều hơn, dành riêng một cách triệt để hơn cho những lý do quan trọng đối với nhân loại và với Thiên Chúa.
          Trước những lời mời gọi mà Thiên Chúa trao gởi cho chúng ta, trong thinh lặng tâm hồn, thử hỏi đâu là thái độ của chúng ta ?- Có phải là không chịu lắng nghe ?- Hay làm bộ như không nghe ?- Hoặc cố tình bóp nghẹt cái tiếng nói đang cố gắng vạch ra một con đường đi đến với chúng ta ?- Tất cả những thái độ này đều có thể. Samuel đã chứng tỏ một sự sẵn sàng hoàn toàn, và đã để cho thầy tư tế Heli hướng dẫn. Điều đó đã cho phép ông nhận ra Thiên Chúa và đón tiếp Thiên Chúa đang đến với ông.
          Cũng chính một cuộc phiêu lưu như thế có thể đã hơn một lần xảy đến với chúng ta, nếu chúng ta chọn thái độ giống như thái độ của Samuel: sẵn sàng đáp lại và đi theo.
          Đức Kitô kêu gọi. Ngài kêu gọi chúng ta. Ngài chất vấn chúng ta. Có thể là mọi sự vẫn như nguyên. Lời kêu gọi biến mất trong gíó. Lời kêu gọi không gây nên một âm vang nào cả, không một lời đáp nào cả. Đó là điều xảy ra khi chúng ta từ chối lắng tai nghe tiếng nói đang nhẹ nhàng và kín đáo đến với chúng ta, hay khi chúng ta không chấp nhận sống một kinh nghiệm mãnh liệt với Đức Kitô.
          Sự gắn bó với Chúa cũng như với lời Ngài, sự lắng nghe để nhận ra ý nghĩa chương trình cứu độ của Chúa trong từng sự kiện, trong gừng biến cố của cuộc sống thường ngay phải là thái độ người môn đệ trung tín của Chúa Giêsu cần phải có.

 

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN B

1Sm 3,3b-10.19; 1Cr 6,13c-15a.17-20; Ga 1,35-42

Lm. Giuse Nguyễn Như Tân, SDD

CHÚA GỌI VÀ ĐÁP TRẢ

Thiên Chúa luôn mời gọi con người cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa. Trước khi chia sẻ vấn đề này, xin mạn phép kể câu chuyện được đăng trên Epoch Times như sau:

Có một phụ nữ tên là Mensi đã đăng quảng cáo trên một tờ báo địa phương như sau: "Nếu bạn cô đơn, xin hãy gọi điện thoại cho tôi. Tôi bị liệt phải ngồi xe lăn, nên rất ít khi ra ngoài. Chúng ta có thể trao đổi với nhau. Mời bạn cứ gọi. Tôi rất thích nói chuyện với bạn". Quảng cáo này rất kỳ lạ. Mỗi tuần bà Mensi nhận được khoảng từ 30 cú phôn, và bà rất mừng. Ðiều gì thúc đẩy một người tàn tật ngồi trên xe lăn, muốn tiếp xúc nói chuyện với những người khác?

Bà Mensi kể rằng: trước khi bị tê liệt, bà có sức khỏe hoàn toàn, nhưng rất tuyệt vọng. Bà đã tự tử bằng cách nhảy từ trên gác cao xuống đất. Nhưng thay vì chết, bà bị tê liệt từ thắt lưng trở xuống. Nằm trong nhà thương bà hoàn toàn tuyệt vọng. Nhưng một hôm, bà nghe như Chúa Giêsu nói với bà: "Mensi ơi! Trước đây, con đã có một thân xác hoàn hảo, nhưng linh hồn con lại què quặt. Kể từ nay, con sẽ có thân xác què quặt, nhưng linh hồn con khang kiện".

Sau khi ra khỏi nhà thương, bà Mensi quyết tâm dâng đời mình cho Chúa. Bà cầu xin Chúa cho bà được chia sẻ niềm tin của mình với người khác. Công việc của bà Mensi xem ra như không có gì đối với người khác. Nhưng với bà, đó là công việc lớn lao nhất mà một người tàn tật có thể làm để phục vụ Chúa.

Câu chuyện trên, giúp chúng ta nhận ra: Thiên Chúa không ngừng theo đuổi, tìm kiếm và mời gọi con người cộng tác với Ngài trong chương trình cứu độ. Lời Chúa hôm nay, mời gọi mọi người khám phá ra tiếng Chúa gọi, sự đáp trả và biến đổi cuộc đời.

1. Tiếng Chúa gọi:

Thiên Chúa không ngừng tìm kiếm, là chân lý rất thực, mà chỉ cần một chút nhạy bén của niềm tin, là ta có thể cảm nhận được. Ngài luôn gởi đến cho từng người lời mời gọi của Ngài qua mọi thời đại và bằng nhiều cách khác nhau:

Thiên Chúa có thể gọi con người một cách trực tiếp, như Ngài đã kêu gọi Samuel trong bài đọc I, như Ngài kêu gọi các tông đồ. Ngày hôm nay, Ngài kêu gọi mọi người qua Lời  Chúa, như thánh Phanxicô Xavie “Được lời lãi cả thế gian mất linh hồn được ích gì”. Hay như Antôn tu rừng: “Muốn nên trọn lành hãy về bán tất cả của cải, chia cho người nghèo rồi đến theo Ta”. Ngài đã kêu gọi rất nhiều người như thế.

Thiên Chúa có thể gọi con người qua trung gian. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy, vai trò quan trọng của lời giới thiệu qua người trung gian, là Gioan Tẩy Giả. Hai môn đệ của  Gioan nghe giới thiệu về Đức Giêsu “Đây Chiên Thiên Chúa”, hai ông lập tức đi theo Ngài.

Ông Samuel cũng khó có thể nhận ra được tiếng gọi của Chúa, nếu không có thầy Hêli mách bảo. Sẽ không có thánh Phanxicô Xavie, nếu không có thánh Ignatiaô hướng dẫn. Sẽ không có thánh Auguxtinô, nếu không có thánh Ambrôsiô và bà Mônica khuyên nhủ. Đó cũng là điều mà hôm nay Chúa thường kêu gọi chúng ta. Một lời khuyên của thầy cô cảm hóa được học trò, một bài giảng của vị Linh mục đánh động trái tim các bạn trẻ, một lời khuyên của bố mẹ trong bữa cơm gia đình làm thay đổi ơn gọi nơi con cái.

Thiên Chúa có thể gọi con người qua biến cố. Một lần bị thương làm biến đổi con người Ignatiô, một lần dẹp trật tự trong nhà thờ Nilan biến Amrôsiô từ một người chưa biết Chúa thành Giám mục của Chúa. Các biến cố có thể là thành công, cũng có thể là thất bại, bệnh tật, khổ đau,... lại là cách Chúa dùng đánh động lòng người, thức tỉnh con người, thanh tẩy con người và mời gọi con người từ bỏ mọi sự để theo Chúa.

Tiếng Chúa mời gọi thật là huyền nhiệm không ai có thể thấu hiểu. Sự ân hận sau một lần vấp ngã, sự khao khát hiền lương sau một chuỗi ngày chìm ngập trong lạc thú, sự trống vắng cô đơn trong đống vàng kiếm được, đó là tiếng Chúa gọi rất sâu, rất nhiệm mầu và cũng là rất mạnh mẽ của Chúa. Dù trong tâm hồn của một kẻ sát nhân, một người chai lì trong tội đến mấy, cũng một lúc nào đó chịu sự tra tấn của lương tâm, tự trong tâm hồn họ trổi dậy một nỗi khát khao sống tốt, sống hoàn lương và sống lương thiện. Đó là tiếng gọi của Thiên Chúa. Thiên Chúa mời gọi kẻ tội lỗi tìm về sự lương thiện, tìm lại chân, thiện, mỹ là tìm về với chính Thiên Chúa.

2. Sự đáp trả:

Thiên Chúa luôn mời gọi mỗi người, nhưng lời mời gọi chỉ có ý nghĩa sau khi được đáp trả. Mỗi lời đáp trả, là mỗi bước chân đưa chúng ta đến với Thiên Chúa. Mỗi hành vi hành hoàn thiện cuộc đời, là mỗi việc làm dệt nên phẩm giá con người. Mỗi hành động yêu thương, là tạo nên mùa xuân Kitô. Ơn gọi đầu tiên của con người là ơn gọi Kitô, ơn gọi của Bí tích Rửa tội, đó là, “cùng chết với Chúa Kitô và cùng sống lại với Người”.

Sự đáp trả đầu tiên của con người, là vượt qua bóng tối của tội lỗi và sự đam mê dục vọng, như lời thánh Phaolô khuyên tín hữu Côrintô trong bài đọc II: “Anh em hãy tránh xa tội gian dâm” để xứng đáng là chi thể, là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Ở đây, tránh xa tội gian dâm không chỉ hiểu là tránh xa lỗi phạm nơi thân xác, mà còn là tôn thờ tiền bạc, tôn thờ ngẫu tượng và tội lỗi khác cũng chính là xúc phạm đến Thiên Chúa. Vượt qua bóng tối vào nơi đầy ánh sáng, có nghĩa là, cởi bỏ tấm áo rách rưới tội lỗi để mặc lấy tấm áo tinh sạch là Đức Kitô.

Sự đáp trả tiếp đến là, “Hãy đến mà xem”. Môn đệ Gioan và Anrê đến và đã ở lại với Chúa Giêsu để rồi trở về giới thiệu cho em là ông Simon, ông Anrê nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia. Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu”.

Ở lại với Ngài là chia sẻ của Ngài. Hôm nay, mỗi người cũng được mời gọi để chia sẻ lối suy nghĩ và hành xử của Chúa. Con người được mời gọi mặc lấy lòng từ bi, tình thương đầy tình nhân ái của Chúa. Chúng ta được thôi thúc để nên giống hành vi tha thứ, yêu thương, phục vụ của Ngài, đó là cách ta đang ở lại với Ngài, và trở nên một với Ngài.

3. Sự gặp gỡ biến đổi cuộc đời:

Sau cuộc gặp gỡ, các môn đệ trở về với đời thường, nhưng trở về với một xác tín mãnh liệt. Cuộc gặp gỡ “vào khoảng giờ thứ mười”. Cuộc gặp gỡ làm thay đổi cuộc đời của các ông. Các ông biến cuộc gặp ấy thành nhân chứng và giới thệu cho người khác. “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia”. Ông Anrê nói với Simon em mình điều đó, rồi dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu.

Cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu mang lại cho các ông niềm xác tín. Niềm xác tín giúp cho các ông có một cái nhìn mới, một lối sống mới. Niềm xác tín làm thay đổi cuộc đời sống của họ. Họ đã bỏ mọi sự mà theo Đức Giêsu.

Chúng ta cũng được gặp Chúa mỗi ngày, gặp Chúa qua Bí Tích Thánh Thể, gặp Chúa qua lời Chúa, gặp Chúa qua tha nhân, nhưng chúng ta chưa biến đổi. Tại sao? Bởi vì, cuộc gặp gỡ của ta với Chúa chưa đi vào chiều sâu, chưa cảm nếm được sự ngọt ngào lòng thương xót của Chúa. Ta không cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa, thì ta không thể xót thương tha nhân.

Lạy Chúa, xin dẫn chúng con đến với Chúa và ở lại với Ngài. Những giây phút gỡ với Chúa nơi Thánh Thể, xin biến đổi lòng con và mang lại cho chúng con một niềm xác tín để con trở nên nhân chứng cho Ngài giữa xã hội hôm nay.
 

Suy niệm Tin mừng chúa nhật II Thường niên – năm B

Tin Mừng CN II TN: Ga 1, 35-42

Lm. Giuse Trần Lê Vương Đại

 

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ !

Trải qua cuộc sống đạt đến đỉnh cao của thành công, danh vọng thời trẻ, Philippe Murlryne – một trung vệ nổi tiếng của các đội bóng Manchester United, đã vắng mặt một thời gian dài. Sau đó, anh trở thành linh mục dòng Đaminh.

Cha chia sẻ: Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp cầu thủ, thay vì thỏa mãn với mọi sự đang có thì trong tôi lại luôn bị dằn vặt suy nghĩ: Tại sao tôi không thấy hạnh phúc? Tại sao tôi không thấy mãn nguyện? Trái lại, tôi cảm thấy buồn chán vì có cái gì đó luôn không đủ, mặc dù lúc đó tôi không thiếu sự gì, tiền bạc, ăn chơi, sắm xe đắt tiền… nhưng chẳng vật chất nào có thể mang lại cảm giác thỏa mãn hoàn toàn cho tôi. Thế là tôi chuyển sang tìm kiếm câu trả lời ở tôn giáo. Cuối cùng, nhờ nền tảng đức tin, tôi biết được lý do cho những thắc mắc không lời giải. Chúng ta được Thiên Chúa tạo ra trên cõi đời vì những điều sâu xa hơn là những thứ tôi đang có. Tôi đã quyết định tìm hiểu ơn gọi nơi dòng Đaminh và nay tôi đã là một linh mục.

Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay giới thiệu cho chúng ta lời mời gọi trở nên môn đệ của Đức Giêsu. Khi thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, Gioan đã giới thiệu Chúa Giêsu cho hai học trò của mình là Anrê và Gioan: Đây là Chiên Thiên Chúa. Hai môn đệ này đã bỏ thầy Gioan ở lại để đi theo Chúa Giêsu.

Thấy được lòng khao khát tìm kiếm chân lý và thiện chí của hai ông, Chúa Giêsu đã chủ động quay lại và mở lời với họ: Các anh tìm gì? Hỏi như thế, Chúa Giêu muốn hai ông nói lên khao khát từ trong thâm tâm của mình. Hai môn đệ đã nói lên ước mong của mình. Họ không đi tìm kiếm một triết lý hoặc những lý thuyết, nhưng sâu xa hơn, họ muốn tìm kiếm một tương quan với Chúa Giêsu. Vì thế, họ trả lời: Thưa Thầy, Thầy ở đâu? Tức là, họ tìm kiếm một chỗ, nơi có Chúa cư ngụ. Hiểu được khát khao sâu xa của họ, Chúa Giêsu đã mở lời và mở lòng ra với họ, Ngài mời hai ông: Hãy đến mà xem. Hai chàng trai đã đến, đã xem chỗ Người ở và đã ở lại với Người ngày hôm ấy.

Đến mà xem – tình yêu Thiên Chúa dành cho con người tuyệt hảo như thế nào. Một tình yêu nhập thể chung chia với con người tất cả buồn vui trong cuộc sống này.

Đến mà xem – lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại rộng lớn dường bao. Lòng thương xót không có giới hạn bởi vì loài thụ tạo chúng ta luôn bất xứng và tội lỗi trước mặt Thiên Chúa.

Sau cuộc gặp gỡ, ở lại với Chúa hôm đó, hai ông đã được biến đổi hoàn toàn, họ không thể giấu được niềm vui, hạnh phúc về những gì đã nhận được và những ấn tượng về Thầy Giêsu.

Như vậy, khi chọn, gọi các môn đệ bước theo Chúa để trở thành những cộng tác viên của mình, Chúa Giêsu không đòi một điều kiện nào đặc biệt. Chúa chỉ cần nơi họ sự thiện chí và lòng quảng đại. Những người được Chúa gọi, không phải vì khả năng, cũng không phải vì những kế hoạch nào riêng của họ, nhưng điều Chúa muốn trước tiên khi gọi những người trẻ này, là muốn họ đến với Chúa, xem và suy gẫm những lời Chúa nói, những việc Chúa làm và điều quan trọng hơn là ở lại với Chúa.

Có nhiều bạn trẻ đặt vấn đề: Làm thế nào để biết rằng Chúa gọi tôi sống đời làm bạn với Chúa? Câu chuyện cậu bé Samuel trong bài đọc một cho thấy cách Chúa gọi một người theo Chúa. Samuel là đứa con cầu tự, được sinh ra khi cha mẹ đã già. Ngay từ nhỏ, cậu được cha mẹ dâng hiến cho Thiên Chúa, cha mẹ cậu khát khao đem con lên đền thờ để nó được phục vụ trong đền thờ của Chúa. Điều đó cho thấy, cha mẹ và gia đình là vườn ươm trồng ơn gọi tu trì, tận hiến. Cha mẹ phải là những người quảng đại và mong muốn cho con mình được dâng hiến cho Chúa, gieo vào tâm hồn con mình khao khát phục vụ Chúa.

Như vậy, yếu tố sau cùng và rất quan trọng, đó là sự sẵn sàng lắng nghe và đáp trả tiếng Chúa như Samuel: Lậy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Khi có thái độ sẵn sàng quảng đại, ta sẽ nghe được tiếng Chúa nói với chúng ta.

Hành trình của người môn đệ phải được khởi đi từ sự khát vọng tìm kiếm Chân Lý.  Trở nên người môn đệ chính là tự mình dấn thân vào con đường tìm kiếm, gặp gỡ và ở lại với Đấng là Chân Lý, là tình yêu.

Lời rao giảng không phải là những lý thuyết về sự hiện hữu và quyền năng Thiên Chúa nhưng chính là lời chứng: Tôi đã gặp Ngài. Chính tôi, chúng tôi đã gặp gỡ Đấng là Vị Cứu Tinh nhân loại. Ngài là Đấng mà tất cả chúng ta đang tìm kiếm. Đấng duy nhất giải đáp và thỏa mãn mọi khát vọng Chân Lý của mọi người.

Giữa những ồn ào của cuộc sống, của các loại âm thanh, Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta, cách riêng các bạn trẻ hãy đến, hãy xem và hãy ở lại với Chúa để có thể cảm nhận được tình thương và sự thao thức của Chúa. Chúa muốn mời chúng ta chia sẻ với Ngài trong sứ mạng cứu độ thế giới. Xin cho chúng ta và các bạn trẻ có được tâm hồn quảng đại để đáp lại lời mời gọi của Chúa, đến và ở lại với Chúa mỗi ngày nơi Bí tích Thánh Thể để được Chúa huấn luyện, biến đổi và sai chúng ta đi vào cuộc sống này, làm cho Tin Mừng và tình thương của Chúa lan tỏa đến mọi người. Amen.
 

ĐÁP TRẢ ƠN GỌI

Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông

1S 3,3b-10.19  Sa-mu-ên được Thiên Chúa kêu gọi.

Tv 40,2 Lạy Chúa, này con đây, con đến để thi hành thánh ý Chúa

1Cr 6,13-15.17-20 Thân thể chúng ta thuộc về Chúa

Ga 1,35-42 Ba môn đệ đầu tiên được Đức Giê-su kêu gọi

 

1. HỎI: Các bài đọc liên kết với nhau như thế nào?

THƯA: ĐÁP TRẢ ƠN GỌI. Được Thiên Chúa gọi làm tiên tri trong một thị kiến, Sa-mu-ên đã mau mắn vâng theo (BĐ1) và ông đã trờ thành mẫu mực cho các môn đệ bắt chước khi được Đức Giê-su mời gọi (BTM).

2. HỎI: Sách Sa-mu-ênlà sách gì?

THƯA: Sách Sa-mu-ên thuộc về loại sách sử, ghi chép các biến cố xảy ra trong khoảng từ năm 1070 đến năm 970, từ thời thủ lãnh Sa-mu-ên đến sau Vua Đa-vít.

3. HỎI: Câu chuyện về Sa-mu-ênbắt đầu như thế nào?

THƯA: Sa-mu-ên là một đứa bé của phép lạ. An-na mẹ ngài dù đã cao niên vẫn chưa có con. Quá buồn tủi về thân phận hẩm hiu của mình, một hôm bà đi đến Si-lô khấn với Chúa: nếu Chúa ban cho bà một đứa con trai, nó sẽ được hiến thánh phụng sự Thiên Chúa suốt đời. Thế rồi sau đó Chúa đoái thương ban cho bà một đứa con như lòng bà ước nguyện, và được đặt tên là Sa-mu-ên. An-na đã giữ lời hứa nên dâng con trẻ cho thầy Ê-li (khôngphải tiên tri Ê-li-a) giữ đền thờ ở Si-lô.

4. HỎI: Si-lô ở đâu?

THƯA: Hiện nay, Si-lô chỉ là một thôn xóm nhỏ cách Bắc Giê-ru-sa-lem chừng 30 cây số. Nhưng thời đó là một nơi quan trọng qui tụ các chi tộc Ít-ra-ên trong một thời gian. Và dĩ nhiên nơi nào dân qui tụ thì nơi đó có đền thờ.

5. HỎI: Tại Si-lô, Sa-mu-ên lãnh nhận ơn gì?

THƯA: Chính tại Si-lô mà vào năm 1050, Sa-mu-ên đã lãnh nhận ơn gọi làm tiên tri. Về sau ông trở thành Thủ lãnh, một trong những nhân vật tiếng tăm trong lịch sử Ít-ra-ên đến nỗi về sau được tiên tri Giê-rê-mi-a sánh với Mô-sê (Gr 15,1; x. Tv 98).

6. HỎI: Tại sao thế?

THƯA: Vì cũng như ông Mô-sê, Sa-mu-ên đã trở thành lãnh tụ về mặt tinh thần và chính trị của Ít-ra-ên. Ông còn đảm nhận vai trò của một Tư tế vừa dâng hi tế cho Thiên Chúa vừa đem lại công lí cho dân nữa. Rồi cũng chính ông được Thiên Chúa sai đi tấn phong hai vua đầu tiên của Ít-ra-ên là Sa-un và Đa-vít, tao nên khúc quanh lịch sử cho dân Ít-ra-ên. Ông đóng vai trò quan trọng trong triều đình vì được Thiên Chúa chọn để chuyển lại cho Vua các quyết định của Người như một Tiên tri đích thực.

7. HỎI: Tác giả muốn nhấn mạnh điều gì khi viết lại câu truyện Sa-mu-ên?

THƯA:Giữa thời khó khăn cho đức tin, tác giả muốn cảnh giác dân Ít-ra-ên chống lại các tiên tri giả, những người tự mình quyết định thay vì đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Tiên tri đích thực là người như Sa-mu-ên, biết truyền lại cho dân mọi lời Chúa phán và chỉ những lời của Chúa mà thôi.

8. HỎI: Câu chuyện về ơn gọi Sa-mu-ên chuyển đến sứ điệp gì?

THƯA: Câu chuyện trên đề ra một gương mẫu về việc đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa về ba điểm sau đây: Một là Sa-mu-ên hãy còn nhỏ khi được kêu gọi. Điều đó xác minh chân lí: quyền năng Thiên Chúa bày tỏ trong yếu đuối của con người (x.Gr 1, 7). Hai là vai trò của Thầy Ê-li. Thầy giúp cho Sa-mu-ên nhận ra và đáp trả tiếng Chúa gọi chứ không xen vào việc riêng của ông. Và ba là lời đáp trả của Sa-mu-ên, đơn giản nhưng nói lên lòng sẵn sàng đáp lại lời Chúa, điều duy nhất mà Người tìm kiếm để thực hiện chương trình của Người.

9. HỎI: Tác giả muốn nhấn mạnh điều gì khi kết thúc: Phần Sa-mu-ên ngày càng lớn lên. Chúa hằng ở cùng cậu, và cậu không để rơi mất lời nào của Chúa. Đó là lời Chúa” (1 Sm 3, 19)?

THƯA: Tác giả muốn dạy chúng ta nhớ rằng trong ơn gọi của mỗi người, chúng ta luôn bảo đảm có sự hiện diện và sức mạnh của Thiên Chúa phù trợ.

10. HỎI: Khung cảnh nào giúp Sa-mu-ên trả lời Thiên Chúa?

THƯA: Sở dĩ Sa-mu-êncó thể trả lời cho Thiên Chúa vì đã có thể nghe được lời Chúa phán trong đền thánh.

11. HỎI: Bài đọc một có liên hệ gì đến bài tin mừng không?

THƯA:Có. Cách Sa-mu-ên khiêm tốn và mau mắn đáp trả lời Thiên Chúa mời gọi là mẫu mực để các thánh sử chép lại lời mời gọi của Thiên Chúa và cách đáp trả của các tông đồ.

12. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (Ga 1,35-42) như thế nào?

THƯA: Thánh Gio-an Tông đồ dùng khuôn khổ một tuần lễ để giới thiệu bước đầu sứ vụ của Đức Giê-su. Trước hết, tác giả đã dành hai ngày đầu để ghi lại chứng từ của Gio-an Tẩy giả (1, 19-34). Ngày thứ ba, Gio-an Tẩy giả giới thiệu Đức Giê-su cho hai môn đệ của mình (35-36). Đoạn tin mừng của chúng ta (35-42) nói về việc Đức Giê-su kêu gọi các môn đồ đầu tiên, bắt đầu từ đây và kéo dài sang ngày thứ 4 (c.43), trước khi Đức Giê-su “biểu lộ vinh quang của Ngài” (2, 11) tại Ca-na xứ Ga-li-lê “ba ngày sau”, tức là vào ngày thứ 7.

13. HỎI: “Chiên Thiên Chúa” có nghĩa gì?

THƯA: Đối với những ai quen Cựu Ước thì “Chiên Thiên Chúa” có 4 ý nghĩa sau đây: Một là ‘Con Chiên Vượt Qua’ trong nghi thức mừng lễ Vượt qua hằng năm nhắc lại việc Thiên Chúa giải thoát dân khỏi ách nô lệ Ai cập. Hai là ‘Con Chiên’ khiến người ta nhớ đến ‘Đấng Mê-si-a’ mà tiên tri I-sai-a đã nói đến. Ông đã gọi Đấng Mê-si-a là ‘Người Tôi tớ của Thiên Chúa’ và so sánh với một con chiên (Is 53, 7). Ba là gợi nhớ đến I-sa-ac, con của A-bra-ham, mà ông định tế sát dâng cho Thiên Chúa. Bốn là, khi nghe Gio-an Tẩy giả nói đến ‘chiên Thiên Chúa’ các môn đệ nghĩ ngay đến ông Mô-sê, vì văn chương Do thái thường so sánh Mô-sê với con chiên.

14. HỎI: Tại sao gọi đấng Mê-si-a là “Chiên Thiên Chúa”?

THƯA:Bởi vì Ngài giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ tàn khốc nhất là tội lỗi. Ngài xóa bỏ tội lỗi ra khỏi trần gian, nghĩa là ‘Ngài gieo rắc tình yêu trên khắp thế gian’, giải hòa nhân loại với Thiên Chúa. “Đức Giê-su đã xuất hiệnđể xoá bỏ tội lỗi, và nơi Người không có tội lỗi” (2Ga 3,5).

15. HỎI: Tại sao đấng Mê-si-a được gọi là “Tôi tớ Thiên Chúa”?

THƯA: Gọi đấng Mê-si-a là “Tôi tớ Thiên Chúa” vì ngài hoàn thành sứ mạng giao phó cho đấng Mê-si-a là mang ơn cứu độ đến cho nhân loại; và như “Người Tôi tớ đau khổ” được I-sai-amô tả, Ngài phải trải qua cuộc khổ nạn và bách hại (Thập giá) để được vinh quang (Phục sinh).

16. HỎI: Tại sao thánh Gio-an nhìn thấy Đức Giê-su là một I-sa-ac mới?

THƯA: Vì chính Ngài cũng là một người Con được yêu dấu hoàn toàn và sẵn sàng vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha (x. Hr 10,6-7).

17. HỎI: Tại sao so sánh Đấng Mê-si-a với ông Mô-sê?

THƯA: Trong biến cố xuất hành, ông Mô-sê được ví như con chiên bé nhỏ trước mặt bạo quyền Pha-ra-ô. Cũng vậy, Đức Giê-su trong cuộc sống, nhất là trong khổ nạn, cái chết và sống lại đã hoàn thành mầu nhiệm con chiên bé nhỏ bị sát tế nhưng đã chiến thắng (1Pr 1,18-19).

18. HỎI: Câu hỏi: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” có nghĩa gì?

THƯA: Khi hỏi Đức Giê-su như thế, các môn đệ chỉ muốn biết nơi Ngài ở để có thể đến gặp Ngài. Nhưng Thánh Gio-an lại đưa vào nghĩa thứ hai: “Cách thiêng liêng, Ngài ở đâu?”, có vị trí nào trong tương quan với Thiên Chúa Cha. Giống như Phi-líp hỏi Đức Giê-su: “Ngài hãy chỉ cho chúng tôi Chúa Cha (mà Ngài đang ở bên trong) và như vậy là đủ cho chúng tôi”.

19. HỎI: Câu: “Hãy đến mà xem” có nghĩa gì?

THƯA: Câu trả lời của Đức Giê-su cũng có hai ý: (1) việc khám phá chỗ ở của Ngài nơi trần gian tượng trưng và chuẩn bị cho việc khám phá (2) nơi ở thiêng liêng của Ngài. Bước đi theo Đức Giê-su, các môn đệ thấy nơi Ngài ở, và khi đi theo Đức Giê-su một cách thiêng liêng bằng đức tin, họ cũng bắt đầu thấy nơi ở thiêng liêng của Ngài, tức là Cha của Ngài: “Ai thấy Ta là thấy Cha” (14,9).

20. HỎI: Điều gì đã quyết định cuộc đời của Gio-an Tẩy giả cũng như các môn đệ của ông?

THƯA: Đó là Đức tin vào Đức Giê-su là Đấng Cứu độ. Thật vậy, Gio-an Tẩy giả giới thiệu Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, và khiêm nhường xoá mình trước Đấng mà Ngài loan báo. Ông cho phép các đồ đệ của mình đi theo vị Thầy mới nầy. Đối với họ, Đức Giê-su vẫn còn là một người lạ. Theo lời Gio-an họ sắp làm một chuyến phiêu lưu vì chính trong đức tin mà họ bước vào con đường mới nầy.

21. HỎI: Ơn gọi theo Đức Ki-tô trong tin mừng thánh Gio-an có đặc điểm gì?

THƯA: Ơn gọi các môn đệ theo tin mừng thánh Gio-an diễn ra trong bối cảnh cuộc sống bình thường với những biến cố hằng ngày và ở những nơi chốn họ đang sống. Sáng kiến luôn đến từ Đức Giê-su, tức là Thiên Chúa, và từ mối ưu tư cũng như tìm kiếm mà con người ai cũng đặt ra cho mình: “Anh em tìm gì?” (c.38). Không phải một sớm một chiều mà người ta có thể tìm thấy điều mình tìm kiếm, nhưng là một cuộc khám phá từng bước đòi phải có thời gian: “Hãy đến mà xem”(c.39).

22. HỎI: Các sách Tin mừng trình bày Đức Giê-su như một người thích sống gần gủi với mọi người. Tại sao thế?

THƯA: Đức Giê-su đã sống như một người bình thường trong mọi khía cạnh trừ những gì liên quan đến tội lỗi. Ngài đã cảm nghiệm cần thiết phải có bạn đồng hành, bởi vì con người được dựng nên là để sống hiệp thông với người lân cận chứ không như một hòn đảo và Ngài cũng không thoát khỏi sự đòi hỏi đó. Đàng khác, Ngài cũng muốn nhân loại, được biểu hiện nơi nhóm Mười Hai, chia sẻ sứ mạng của Ngài và tiếp tục sau khi Ngài về trời.

23. HỎI: Thế nhưng tại sao các Thánh sử cũng cho thấy Đức Giê-su là một người luôn đi tìm sự tĩnh lặng để gần gủi với Thiên Chúa Cha?

THƯA: Bởi vì Đức Giê-su luôn cảm nhận nhu cầu gặp gỡ Cha của Ngài, được ở trước mặt Đấng Toàn năng, nhất là trước các giai đoạn quan trọng trong sứ mạng của Ngài. Đàng khác, kẻ thù là ma quỉ liên tục cám dỗ Ngài nghi ngờ về căn tính và quyền năng của mình và sao lãng sứ mạng mà Cha đã giao phó. Thế nên Đức Giê-su đã luôn tìm cách tiếp xúc với Thiên Chúa Cha trong tĩnh lặng và cầu nguyện lâu giờ.

24. HỎI: Do vậy, Chúa thích ở một mình hơn?

THƯA: Không phải thế, dù những gì đã nói là sự thật, chúng ta không thể coi nhẹ các lời nới và cử chỉ thân thiện của Ngài đối với nhóm Mười Hai. Tâm hồn của Ngài thoải mái khi ở với họ và tỏ ra rất tha thiết với họ trong giờ Ly biệt. Đức Giê-su thật sự sống rất thân tình với những người chung quanh. Ngài cảm thấy yêu thích trẻ em và những người đơn sơ. Ngài khóc trước mộ của La-gia-rô và khóc thương thành thánh Giê-ru-sa-lem. Trong bữa Tiệc li, Ngài gọi các môn đệ là “những đứa con nhỏ bé thân yêu”. Ngài thật sự lo lắng cho tương lai của họ, không biết điều gì sẽ xảy đến khi Ngài ra đi, và quan tâm xin Cha dành cho họ một chỗ trên Nước Trời.

25. HỎI: Các tông đồ và cả các đám đông có biết rằng Đức Giê-su không phải là một thầy Ráp-bi như các thầy Ráp-bi khác không?

THƯA: Có biết, vì lời của Ngài độc lập chứ không lệ thuộc vào một quyền uy nào cả. Đàng khác, sứ điệp tôn giáo và luân lí của Ngài đưa mọi người đến gần Thiên Chúa chứ không xa cách họ. Các lãnh đạo dân và các tiến sĩ luật thì hành động ngược lại. Khi qui định sứ điệp kinh thánh thành lề luật một cách quá đáng, họ đã đánh mất tinh thần lề luật: đó là tình yêu Thiên Chúa.

26. HỎI: Có người nói:Tôi tin Đức Giê-su chứ không tin Giáo Hội”, câu nói đó đúng không?

THƯA: Chắc chắn là không rồi, trước tiên bởi vì linh hồn Giáo hội là Ba Ngôi Thiên Chúa, nên không tin vào Giáo hội đồng nghĩa với không tin Thiên Chúa. Ngoài ra, Giáo hội được hình thành bởi những viên đá sống động: các tín hữu giáo dân, các linh mục, phó tế hằng ngày phục vụ những người nghèo khổ, bệnh nhân vì tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.

27. HỎI: Nội dung bài đọc hai (1 Cr 6, 13c-15a.17-20) như thế nào?

THƯA: Thánh Phao-lô nhắc cho các tín hữu Cô-rin-tô nhớ rằng họ ở trong Đức Ki-tô vì thân xác của họ là chi thể của Người. Vì thế họ đã thuộc trọn về Thiên Chúa, đã là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Họ chỉ có thể dùng thân xác mình mà phụng sự Thiên Chúa chứ không được dùng thân xác mà gian dâm vì gian dâm là tội nặng vừa xúc phạm đến chính mình vừa xúc phạm đến Thiên Chúa.

28. HỎI: Sống Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Chúng ta cần phải tỉnh thức để lắng nghe, nhận ra và mau mắn đáp lại tiếng Chúa gọi như Sa-mu-en: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” 2. Đặc biệt, khả năng phân biệt và chọn lựa lời mời gọi của Thiên Chúa và từ khước lời mời gọi của tạo vật hay của bản thân mình tức lời mời gọi của dục vọng, của cải, quyền lực và vinh hoa trần thế. 3. Lời cầu nguyện giúp chúng ta sống thân mật với Đức Giê-su trong bí tích Thánh Thể. Nhưng như thế chưa đủ, trong cuộc sống của chúng ta phải kết hiệp mật thiết với Ngài.

GLCG 608 523 517. Sau khi chấp nhận ban phép rửa cho Đức Giê-su giữa những kẻ tội lỗi (x. Lc 3,21; Mt 3,14-15), Gio-an Tẩy Giả đã thấy và giới thiệu Người: "Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian" (Ga 1,29) (x. Ga 1,36). Như vậy ông cho thấy rằng Đức Giê-su vừa là Người Tôi Tớ đau khổ, im lặng chịu dẫn đến lò sát sinh (Is 53,7) (x. Gr 11,19) và gánh tội lỗi muôn dân (x. Is 53,12), vừa là Chiên Vượt Qua biểu tượng cho việc Ít-ra-en được cứu chuộc trong cuộc Vượt Qua lần đầu (Xh 12,3-14) (x. Ga 19,36; 1Cr 5,7). Toàn bộ cuộc đời của Đức Ki-tô diễn tả sứ mạng của Người là "hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mc 10,45).
 

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN B

(Ga 1, 35-42)

Lm. Tôma A. Trần Bá Huy

 

Gặp gỡ Đức Kitô, biến đổi cuộc đời mình,

Gặp gỡ Đức Kitô, đón nhận ơn tái sinh.

Gặp gỡ Đức Kitô, chân thành mình gặp mình,

Gặp gỡ Đức Kitô, nảy sinh tình đệ huynh”.

Kính thưa qobace, nhạc phẩm Gặp Gỡ Đức Kitô của cha Tiến Lộc phần nào diễn tả cuộc gặp gỡ Đức Kitô của hai môn đệ Anrê và Gioan, cũng là những cuộc gặp gỡ Đức Kitô trên hành trình tiến về Nhà Cha của mỗi người chúng ta hôm nay. Chính Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chọn đoạn Tin Mừng hôm nay làm đề tài cho cuộc gặp gỡ Giới trẻ thế giới lần thứ 12 vào tháng 8 năm 1997 tại Paris, nước Pháp. Theo Thánh Giáo Hoàng, cuộc gặp gỡ Đức Kitô rất quan trọng vì là “khởi điểm của mọi hành trình Đức Tin”. Nhưng thế nào là gặp gỡ Đức Kitô? Có lẽ chúng ta đều lúng túng khi người khác đặt câu hỏi cơ bản này. Chúng ta chưa có kinh nghiệm hoặc một kinh nghiệm không rõ ràng. Cuộc gặp gỡ Đức Kitô của hai môn đệ đầu tiên trong Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy diễn tiến gồm ba bước:

Trước hết là được Gioan Tẩy Giả giới thiệu: “Đây là Chiên Thiên Chúa. Đây Đấng xóa tội trần gian”. Hai môn đệ vừa nghe nói thế, liền đi theo Chúa Giêsu. Nếu không tức khắc đi theo Chúa Giêsu khi nghe Gioan Tẩy Giả giới thiệu thì hai ông đã bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ Đức Kitô và đã không trở thành những môn đệ đầu tiên của Ngài.  

Bước thứ hai là đối thoại với Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã ngỏ lời trước: “Các anh tìm gì thế?”. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Khi ta hỏi Chúa điều gì, thì Ngài luôn hỏi lại ta. Người hỏi trở thành kẻ bị hỏi; người tìm kiếm Chúa trở thành kẻ được Ngài kiếm tìm: “Các anh tìm gì thế?” Câu hỏi có vẻ bình thường, nhưng đây là một câu hỏi đặt vấn đề cho những ai theo Chúa: Chúng ta tìm ai? Theo Chúa để làm gì? Chúng ta chờ đợi nơi Chúa điều gì?

Chúa không chờ đợi một câu trả lời của trí tuệ, nhưng chờ đợi một câu trả lời của trái tim, của tâm hồn. Các môn đệ đáp trả bằng một câu vắn gọn: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Câu trả lời tuy gọn nhưng biểu lộ lòng trìu mến gắn bó muốn dấn bước theo Thầy, muốn chia sẻ nếp sống của Thầy. Chúa cũng không nói địa chỉ, tên đường, số nhà, vì Ngài “không có nơi gối đầu”. Ngài chỉ bảo: “Hãy đến mà xem”. “Hãy đến” là lời mời gọi của trái tim rộng mở. Hãy đến mà xem tình yêu của Thiên Chúa biểu lộ nơi con người Đức Giêsu. Đến với Chúa chắc chắn dẫn đến một kinh nghiệm: kinh nghiệm về một tình yêu. Các môn đệ đã đến, đã nhìn thấy nơi Chúa ở. Đây không phải là một ngôi nhà vật chất, mà đây là chính Thiên Chúa. Đến với Chúa Giêsu là đến với Thiên Chúa, gặp gỡ Thiên Chúa. Ngài ở với Thiên Chúa, ở trong Thiên Chúa. “Ai thấy Thầy là thấy Đấng đã sai Thầy”. Các môn đệ đã kinh nghiệm được điều ấy, nên đã ở lại với Chúa, ở lại trong tình yêu của Ngài: là gắn bó với Ngài, kết hợp với Ngài; Ở lại với Chúa là trở nên người thân yêu của Chúa. Tình yêu làm cho môn đệ gần gũi với Thầy và sự gần gũi làm tăng thêm tình yêu. Yêu để biết nhiều hơn, biết nhiều hơn để yêu nhiều hơn (August).

Khi đã kinh nghiệm tình yêu của Chúa, Anrê tự nhiên cảm thấy được thúc bách phải chia sẻ niềm tin cho em mình là Simon Phêrô: “Chúng tôi đã gặp Đức Kitô”. Ông dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu. Anrê biểu lộ một sự thích thú rõ rệt. Ông đã vui sướng được gặp Chúa, ông đã khám phá ra Chúa là Đấng Mêsia, Đấng được Thánh Thần xức dầu tấn phong sai đi loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Dĩ nhiên, ông còn phải ở lại với Chúa Giêsu lâu hơn nữa: để tìm hiểu, để khám phá nhiều hơn. Nhưng giờ đây, ông chia sẻ với em mình, cùng tìm hiểu, cùng khám phá với em và các bạn khác của Anrê. Niềm tin của ông càng được củng cố, càng lớn lên trong mức độ khi ông biết sẻ chia cho người khác. Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên đó, các ông trở lại với cuộc sống đời thường. Thế nhưng, từ nay không còn là cuộc sống như trước, vì cuộc gặp gỡ Đức Kitô đã làm thay đổi tận căn. Giờ đây, các ông sống với niềm tin Đức Giêsu là Đấng Mêsia - Đấng Thiên Sai Cứu Thế. Chính niềm tin đó điều khiển cuộc sống và làm cho cuộc đời người môn đệ mang một ý nghĩa mới.

Thưa qobace, là Kitô hữu thường xuyên đi lễ, đọc kinh; nhưng thử hỏi, chúng ta có thật đã gặp gỡ Chúa chưa? Đã có lần nào chúng ta choáng ngợp vì lần đầu tiên được gặp gỡ đích thực với Chúa? Chúa đã hiện diện trong cuộc sống của chúng ta chưa? Sao cuộc đời ta vẫn không có gì thay đổi, vẫn thấy buồn chán, thất vọng, tội lỗi?  

Gặp gỡ Đức Kitô, biến đổi cuộc đời mình”. Nhưng vì sao cuộc đời tôi chưa được biến đổi? Tôi vẫn sống với con người cũ tội lỗi, ích kỷ, lười biếng. Tôi như chưa được “tái sinh”, chưa “gặp lại mình”, chưa “nối lại những mối dây huynh đệ” với người khác? Ấy là dấu Đức Kitô chưa có mặt trong đời tôi, hay đời tôi không có chỗ cho Người. Đã gặp được Chúa là phải có một sự đổi mới. Bởi sống đạo không phải là sống theo một điều gì, đi theo một ai khác mà là sống theo Đức Giêsu Kitô. Nhưng ngày nay, tôi gặp gỡ Đức Kitô ở đâu?

Trước hết, Chúa Giêsu đang sống trong Lời của Ngài, trong các câu chuyện Kinh Thánh được khởi hứng và trong truyền thống của Giáo Hội. Thứ đến, chúng ta gặp gỡ Đức Giêsu trong các Bí tích, nhất là khi chúng ta đều đặn tham dự bàn tiệc Thánh Thể và  đến tòa cáo giải. Và thứ ba, chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu khi yêu mến và phục vụ anh chị em mình, nhất là những người túng thiếu, những người bị xã hội gạt bỏ. Đây là ba cách thức diễn tả phương cách để gặp Chúa, đặc biệt được gợi hứng từ giáo huấn của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Trong thông điệp “Chúa là Tình yêu”, Ngài đã viết: “Bản chất sâu xa của Hội Thánh được diễn tả qua sứ vụ với ba chiều kích “Công bố Lời Chúa (Kerygma- matyria), cử hành Bí tích (Leitourgia), và thực hành đức ái (Diakonia)”. Cả ba bổn phận này hàm ngậm lẫn nhau và không thể tách rời nhau. Đây là ba cách thức giúp chúng ta có thể gặp gỡ Chúa trong cuộc sống hôm nay. Gặp Chúa để được biến đổi là chính niềm hy vọng và niềm vui cho tất cả những ai đang khao khát kiếm tìm Ngài.

Thưa qobce, nếu đã gặp được Đức Kitô trong cuộc đời, tâm hồn chúng ta sẽ được đổi mới như được tái sinh, sẽ từ bỏ con người ích kỷ của mình và thúc đẩy chia sẻ niềm tin và cuộc sống với mọi người anh em, nhất là những con người nghèo khổ. Mẹ Têrêsa Calcutta đã gặp Đức Kitô nơi những người nghèo khổ bị bỏ rơi và Mẹ đã đem cả cuộc đời để phục vụ hết lòng. Thánh Phanxico Xavie đã gặp gỡ Đức Kitô, nên ngài đã chia sẻ Tin Mừng của Đức Kitô đến với nhiều người trên nhiều miền đất nước.

Nếu thực sự đã gặp được Đức Kitô, chúng ta đã trở thành một Kitô hữu năng động và tích cực trong cuộc sống, sẵn sàng dấn thân phục vụ Tin Mừng tình thương cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người. Như Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nói: “Cuộc gặp gỡ Đức Kitô rất quan trọng, vì là khởi điểm của mọi hành trình đức tin”. Đức tin quả là một cuộc hành trình khởi đi từ cuộc gặp gỡ Đức Kitô, đến nhận biết Ngài, yêu mến và gắn bó mật thiết với Ngài. Gắn bó mật thiết đến nỗi sẵn sàng tận hiến cả tâm hồn và thể xác, con người và cuộc sống cho Chúa và cho tha nhân. 


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...