06/12/2019
818
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG A: THAY ĐỔI CUỘC SỐNG CÁCH QUYẾT LIỆT
Có một bà mẹ tâm sự: “Thưa cha con buồn lắm vì cả hai đứa con nhà con đều bị nghiện. Nó chẳng chịu làm ăn gì. Con đã đưa nó đi cai mấy lần mà khi về nó vẫn chứng nào tật nấy. Ở nhà hở ra cái gì là mất. Con không biết làm sao bây giờ. Hôm rồi con chịu không nổi nữa, con nhờ công an đưa nó đi cai, nhưng công an cũng chán không muốn bắt nó đi nữa, vì cai nhiều lần rồi không ăn thua gì.”
Việc cai nghiện ma tuý là rất khó, nhưng có nhiều người vẫn có thể làm được nếu họ quyết tâm. Sự quyết tâm này đòi một ý chí rất mạnh cùng với sự trợ giúp của gia đình và những người chung quanh. Để một người có thể từ bỏ được ma tuý, và không tái nghiện còn đòi hỏi chính cha mẹ cũng phải thay đổi bầu khí, thói quen sống của gia đình, thay đổi môi trường và công việc thì đương sự mới có cơ hội thành công. Trái lại, nếu tự bản thân đương sự không hợp tác, không quyết tâm thay đổi, hoặc cha mẹ và gia đình cũng không thay đổi gì, thì sau khi ra tù hoặc đi cai về, thói quen cũ và nếp sống cũ sẽ dễ dẫn tới việc tái nghiện.
Thưa quý OBACE, việc sám hối cũng giống như vậy. Lời mời gọi sám hối của Tin Mừng là lời mời gọi được lặp đi lặp lại rất nhiều lần nhưng dường như chúng ta vẫn không thay đổi được gì. Hàng năm Giáo Hội có nhiều dịp để kêu gọi con cái mình sám hối, thay đổi lại cuộc sống, nhưng giống như những bạn trẻ bị đưa đi cai nghiện bắt buộc, nhiều người đã không hợp tác, không thực sự quyết tâm, nên không thể thay đổi. Đàng khác việc sám hối không chỉ là quyết tâm thay đổi của cá nhân mà còn cần cả gia đình, cộng đoàn cùng thay đổi, tạo nên một môi trường mới, nếp sống đạo mới tốt hơn, đẹp hơn. Có như thế việc sám hối mới có thể đưa đến kết quả tốt như Chúa mong đợi được. Đó cũng là điều mà mỗi năm bước vào Mùa Vọng Lời Chúa luôn kêu mời tất cả chúng ta: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến.”
Không chỉ kêu gọi con người sám hối, đổi mới lại cuộc sống, chính Thiên Chúa đã đi bước trước khi Ngài hứa sẽ làm nên một thời đại mới, môi trường mới cho con người, đó là thời của Đấng Messia. Tiên tri Isaia trong bài đọc một đã tiên báo về thời đại mới mà Đấng Messia sẽ đem lại cho thế gian bằng những lời tràn đầy hy vọng. Đấng ấy không ở xa con người, nhưng xuất hiện từ giữa nhân loại, mang dòng dõi con người, nhưng Ngài lại là Đấng mang nguồn gốc thần linh. Isaia đã nói: “Từ gốc tổ Giêsê sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ đó sẽ mọc lên một mầm non. Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần trí khôn ngoan và minh mẫn, mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa.”  Isaia đã mô tả thời đại mới của Đấng Cứu Thế là thời đại của bình an và niềm vui. Sự bình an này do chính Đấng Cứu Thế sẽ đem lại, Ngài sẽ bênh vực kẻ yếu thế cô thân, Ngài lãnh đạo muôn dân theo lẽ công bình và sẽ đem lại cảnh hòa bình cho toàn vũ trụ từ loài người đến loài vật. Sự bình an này được diễn tả qua hình ảnh an vui thuận hòa giống như cảnh vườn địa đàng trước khi Adam Eva phạm tội: “Sói sẽ ở chung với chiên, beo nằm chung với dê, sư tử và bê non được nuôi chung với nhau.” Sự hoà bình còn thể hiện giữa con người và muôn vật: “Trẻ thơ có thể đùa giỡn bên hang rắn lục, trẻ thơ có thể thọc tay vào hang rắn hổ mang mà không bị hại.” Cuộc sống chung của con người sẽ trở nên hoà thuận an vui: “Người ta sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Các dân không còn chinh chiến đánh nhau nữa.”
Với sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa đã thay đổi hoàn toàn vũ trụ, đã tao ra một môi trường mới cho con người, giúp con người có cuộc sống mới. Thiên Chúa đã làm hết mình, vấn đề còn lại là tuỳ thuộc  vào sự tự nguyện và ý muốn sám hối thay đổi của mỗi người. Gioan Tiền Hô là người được sai đến trước để giúp cho con người sám hối. Trước khi thi hành sứ mạng này, ông đã chấp nhận sống một cuộc sống mới, dám sống khác với dòng chảy của xã hội lúc đó. Thay vì chạy theo lối sống giàu sang hưởng thụ, ông chọn lối sống đơn giản nghèo khó; thay vì tìm kiếm lợi lộc vật chất như mọi người, ông không để cho của cải vật chất làm chủ mình. Ông miệt mài với sứ vụ dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên lời kêu gọi: “Anh em hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã gần đến” của ông giống như tiếng kêu lạc lõng trong hoang địa, không được nhiều người quan tâm chú ý.
Tuy nhiên, lời kêu gọi sám hối của Gioan đã được nhiều người vùng Giêrusalem và Giuda tin theo và đón nhận. Họ thể hiện quyết tâm sám hối thay đổi lại đời sống bằng việc đến với Gioan nơi dòng sông Giođan để được lãnh phép rửa. Đa số trong họ là những người thành tâm thiện chí muốn thay đổi, muốn chấp nhận một đời sống mới mà Gioan đã giới thiệu. Tuy nhiên trong số đó có những người không thực lòng sám hối. Đó là những người thuộc nhóm Pharisêu và nhóm Tư tế. Họ đến với Gioan vì một lý do nào đó từ bên ngoài mà không có sự thành tâm thiện chí trong tâm hồn. Họ cũng bước đến xin Gioan thanh tẩy, nhưng là để cho mọi người khác nhìn thấy hơn là thật lòng sám hối.
Gioan đã nhận ra sự giả dối thiếu thành tâm thiện chí của những người này, ông đã mạnh mẽ cảnh cáo họ bằng nhữ lời rất nặng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống.” Vì Thiên Chúa muốn việc sám hối trước hết phải xuất phát từ lòng muốn của mỗi người đi đến một quyết tâm dứt khoát, chứ không thể là hình thức hoặc nửa vời. Thiên Chúa cũng không chấp nhận thái độ sám hối thụ động, nhưng phải là hành động cụ thể, tích cực đó là: “hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.” Như vậy, việc sám hối không dừng lại ở việc than khóc về quá khứ, mà còn phải thay đổi đời sống và làm nhiều việc lành phúc đức, việc yêu thương bác ái. Đó chính là hoa quả của việc sám hối mà Thiên Chúa muốn thấy nơi mỗi chúng ta.
Gioan cũng đã cảnh cáo một lối sống đạo thụ động, ỷ nại của những người Biệt phái và Tư tế: “Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: Chúng ta đã có tổ phụ Abraham.” Đời sống đạo đức trước hết phải là đời sống của mỗi cá nhân xác tín vào Thiên Chúa và thể hiện ra bằng các việc làm cụ thể. Đời sống đạo không thể ỷ nại vào quyền lực, gốc gác, công trạng theo kiểu thế gian vẫn làm. Người đời thường cậy dựa vào con ông cháu cha để thăng quan tiến chức, nhiều người dựa vào công trạng của cha mẹ để kiếm được nhiều bổng lộc. Đối với Thiên Chúa thì không thể như thế, không thể kể lể rằng: tôi đạo gốc, đạo dòng, bố mẹ tôi làm trùm, làm chánh, bố mẹ tôi dâng cúng cái này cái nọ cho nhà Chúa... Nhưng mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về đời sống và hành vi của mình trước mặt Chúa và tự mình sinh hoa trái. Gioan cũng cho thấy thời kỳ chờ đợi của Thiên Chúa như đã hết, ngày Thiên Chúa phân xử công minh đã đến gần. Mỗi người nếu không biết tận dụng tốt cơ hội, thời gian còn lại Chúa ban để sinh hoa trái tốt, thì sẽ bị tiêu diệt: “Cái rìu đã kề sẵn gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.” 
Thưa quuý OBACE, Lời Chúa hôm nay là một lời thúc bách và là lời mời gọi chúng ta quyết tâm thay đổi lại đời sống, tương quan của mình với Chúa và với anh em. Vì sám hối, thay đổi là việc của mỗi người, không ai làm thay chúng ta được. Mùa Vọng và Giáng Sinh này là mùa bình an thánh thiện, mùa yêu thương Chúa ban tặng cho chúng ta. Nói theo ngôn ngữ của Facebook: “Thiên Chúa đã đến để ở với, để làm bạn với con người. Ngài cũng muốn mỗi người chủ động chấp nhận lời mời kết bạn của Ngài, cho Ngài tham gia vào trang cá nhân, trong nhóm của mình và cho Ngài quyền bình luận, góp ý trên trang cuộc đời của mình.”
Con người ngày nay muốn chọn sống dễ dãi buông thả, không muốn ràng buộc bởi giới răn lề luật và tôn giáo. Xu hướng này cũng đang là cám dỗ nơi nhiều người có đạo, nhiều bạn trẻ và nhiều gia đình. Sống ngược với dòng chảy của xã hội hôm nay là một điều khó, sống theo giới răn lề luật và lời mời gọi của Tin Mừng là điều khó, nhưng nếu mỗi người quyết tâm, chúng ta sẽ thực hiện được cùng với sự trợ giúp của Ơn Chúa. Chúa đã tạo cho chúng ta một môi trường mới, Chúa muốn ta sống một con người mới - con người thuộc về Thiên Chúa có Chúa là trung tâm đời sống. Chúng ta có thể bắt đầu cuộc sám hối bằng việc thay đổi lại những thói quen không tốt, loại bỏ sự lười biếng để tập và làm những việc tốt mỗi ngày.
Để cho công cuộc sám hối của mỗi thành viên trong gia đình có thể thành công, cha mẹ cần phải chủ động thay đổi lại môi trường, bầu khí sống của gia đình: Quan tâm đến nhau nhiều hơn qua việc thăm hỏi, khuyến khích nhau bằng những lời nói cử chỉ tích cực; tạo nên một nếp sống mới cho gia đình ấm cúng hơn, nhiều tiếng cười hơn. Đồng thời tạo nên một bầu khí môi trường đạo đức cho gia đình qua các giờ kinh sớm tối, qua việc đọc kinh cầu nguyện và nhắc nhau tham dự thánh lễ và các công tác tông đồ.
Nếu mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đoàn cùng nhau thay đổi và làm cho cá nhân, gia đình và cộng đoàn tốt đẹp hơn, thì Nước của Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta rồi. Amen
Lm.Giuse Đỗ Đức Trí

 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...