11/07/2019
985

Nhớ mang theo trái tim

Trường sinh bất tử, muốn được hạnh phúc vĩnh viễn, muốn được sống đời đời, đó là mơ ước muôn đời của mọi người. Hôm nay, một thày thông luật nói lên mơ ước đó khi ông hỏi Chúa “làm cách nào để được hưởng sự sống đời đời”.
Để trả lời ông, Chúa Giêsu kể câu chuyện, một câu chuyện bình thường xảy ra hằng ngày: Một người đi đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị cướp trấn lột, đánh nhừ tử, dở sống dở chết nằm rên rỉ bên vệ đường. Thày tư tế đi ngang thấy thế tránh qua bên kia đường mà đi. Thày Lêvi cũng thế. Nhưng một người xứ Samaria, một người ngoại đạo, đã chạnh lòng thương, dừng lại băng bó cho nạn nhân. Chưa hết, ông còn chở nạn nhân đến quán trọ. Hơn thế nữa, ông gửi tiền để nhờ chủ quán chăm sóc nạn nhân cho đến khi bình phục.
Qua câu chuyện người xứ Samaria nhân hậu, Chúa Giêsu chỉ cho ta con đường dẫn đến sự sống đời đời. 
Đường Giêrikhô tượng trưng cho con đường về Nước Trời. Đó là con đường gập ghềnh khó đi. Đó là con đường nguy hiểm vì có trộm cướp rình rập. Đó là con đường thử thách. Để vượt qua thử thách, vũ khí duy nhất hữu ích là trái tim. Trái tim chiến thắng có những phẩm chất như sau: 
 
Đó phải là một trái tim nhạy bén.
Người xứ Samaria nhân hậu có một trái tim nhạy bén. Dù đang bận việc riêng, dù vó ngựa phi nhanh, ông vẫn nhìn thấy người bị nạn nằm bên vệ đường. Dù tiếng gió vù vù xen lẫn tiếng vó ngựa lộp cộp, ông vẫn nghe được tiếng rên rỉ rất yếu ớt của người bị nạn. Trong khi đó, thầy Tư Tế và Thầy Lêvi chỉ đi bộ lại không thấy, không nghe. Hay nói đúng hơn, các thầy có nghe, có thấy nhưng trái tim các thầy đóng kín, nên các thầy chẳng động lòng. Trái tim các thầy bị đóng kín vì những cánh cửa lề luật: Sợ đụng chạm vào máu, vào người bị thương, sẽ trở thành ô uế không được tới đền thờ dâng lễ vật. Người xứ Samaria không nghe bằng đôi tai, không nhìn bằng đôi mắt, nhưng nghe và nhìn bằng trái tim. Trái tim nhạy bén có đôi tai thính lạ lùng. Có thể nghe rõ tiếng rên rỉ thì thầm tận đáy lòng. Trái tim nhạy bén có đôi mắt sáng lạ lùng. Có thể nhìn thấy cả những nỗi đau âm thầm trong tâm khảm. 
 
Đó phải là một trái tim quan tâm.
Trái tim quan tâm đưa ta đến gần gũi anh em. Trái tim quan tâm biết làm tất cả để phục vụ anh em. Các thầy Tư Tế và Lêvi không có trái tim quan tâm nên khi thấy người bị nạn đã tránh sang bên kia đường mà đi. Người xứ Samaria có một trái tim quan tâm nên ông lập tức đến gần nạn nhân. Vì có trái tim quan tâm nên ông có thể làm tất cả để giúp nạn nhân. Vì quan tâm nên ông đã mang sẵn bên mình nào là dầu, nào là băng vải. Chẳng học nghề thuốc mà ông săn sóc vết thương một cách thành thạo. Chẳng luyện tập mà ông đã lấy dầu xoa bóp rất nhanh, băng bó rất khéo. Chẳng có kỹ thuật mà ông biết cách đưa được bệnh nhân lên lưng ngựa. Ông đã làm tất cả theo sự hướng dẫn của trái tim. Với trái tim, ông đã làm tất cả với sự chuẩn xác và nhất là với nhiệt tình để cứu nạn nhân.
 
Đó phải là một trái tim chung thuỷ.
Trái tim chung thuỷ không làm việc nửa vời, nhưng làm đến nơi đến chốn. Trái tim chung thuỷ không mỏi mệt buông xuôi, nhưng theo dõi giúp đỡ cho đến tận cùng. Người xứ Samaria bận rộn công việc, nhưng vẫn lo lắng cho nạn nhân đầy đủ, gửi gắm chủ quán tiếp tục thuốc thang. Và khi xong việc ông sẽ trở lại thăm hỏi để tiếp tục săn sóc cho đến khi khỏi hẳn. Ông làm tất cả với một trái tim chung thuỷ vẹn toàn. 
Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu dạy ta hiểu rằng: đường đến sự sống đời đời là con đường mọi người vẫn đang đi. Nhưng chỉ người đi với trái tim mới mong đến đích. Thầy Tư Tế và Thầy Lêvi đã rẽ sang hướng khác vì các thầy không mang theo trái tim. Người xứ Samaria đã đi đến nơi vì ông đi đường với trái tim nhân hậu, trái tim rất nhạy bén, rất quan tâm và rất chung thuỷ. Với trái tim ấy, ông đã yêu người thân cận như chính mình ông. Với trái tim ấy, ông đã mở đường đi đến sự sống đời đời. 
Chúa Giêsu dạy tôi bắt chước người xứ Samaria nhân hậu. Hãy lên đường với trái tim. Hãy lắng nghe với trái tim. Hãy hành động với trái tim. Hãy đi trên đường của trái tim. Hãy để trái tim tham dự vào mọi lời nói, mọi cử chỉ, mọi suy nghĩ. Hãy mang theo trái tim theo trên khắp mọi nẻo đường. Con đường đi với trái tim chính là con đường dẫn đến sự sống đời đời.
Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen. 
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
  1. Theo ý bạn đâu là những dấu hiệu cho thấy một tình yêu đích thực và đáng tin?
  2. Mỗi khi gặp một người cần giúp đỡ, bạn có hăng hái ra tay giúp ngay hay còn chần chờ, viện lý do để thoái thác?
  3. Sau khi nghe dụ ngôn “Người xứ Samaria nhân hậu”, bạn có quyết tâm gì?
  4. Mang theo trái tim nghĩa là gì?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 
Dụ ngôn hạt lúa
 
Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy.
Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm: “ Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ.” Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.
Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.
Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì- nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới...
 
Định lý chung vẫn là “cho để nhận lại”. “chết đi để được sống lại”. Mọi vật được sinh ra không phải để chôn chặt trong vỏ ích kỷ của mình mà để cống hiến cho mọi loài xung quanh. Càng cống hiến thì bản thân mới càng giá trị và cuộc sống mới tròn đầy ý nghĩa. Không cống hiến mà chỉ sống trong vỏ bọc của ích kỷ, thụ động thì sẽ dần héo khô và mất tác dụng với đời.
Ở đời ai cũng có những lúc tối lửa tắt đèn. Ai cũng có lúc lá rách cần lá lành, và có lúc chị ngã em nâng. Sống ở đời, ai ai mà không cần tới tình yêu, cần tới sự cảm thông, nâng đỡ của anh em. Nhưng đáng tiếc lại ít người thực hiện tình yêu. Có chăng chỉ vỏn vẹn trong một khung cảnh gia đình hay trong một lũy tre xanh chật hẹp. Cho nên cũng vì vậy mà trần gian mất đi nhiều nguồn vui đích thực.
Đời người kytô hữu cũng chỉ có ý nghĩa khi biết sống yêu thương. Tình yêu thương không dừng lại ở sự xót thương những mảnh đời bất hạnh mà còn phải làm điều gì đó để xoa dịu nỗi đau cho anh em. Người kytô hữu không được lẩn tránh trước những khổ đau của anh em nhưng luôn dấn thân xây dựng làm vơi đi những khổ đau cho nhân thế. Cuộc đời người kytô hữu không có yêu thương thì cũng như cây khô héo mà Chúa bảo sẽ mang chất thành củi khô mà đốt. Như muối đã lạt quăng ra đường cho đời dẫm nát.
Tình yêu thương, sự chia sẻ còn làm cho tình người thêm khăng khít với nhau hơn. Tình yêu sẽ làm cho nhau trở nên lân cận với nhau. Tình yêu sẽ phá vỡ mọi ngăn cách, kỳ thị bởi chính trị, tôn giáo, màu da sắc tộc. Tình yêu sẽ làm cho con người thêm gần gũi nhau và hợp nhất với nhau. Tình yêu mời gọi chúng ta dấn thân phục vụ nhau. Không phân biệt giai cấp. Không phân biệt tôn giáo như người Samaria năm xưa đã làm. Tình yêu giúp người ta dễ dàng cúi xuống phục vụ mà không so đo tính toán thiệt hơn.
 
Kytô giáo là đạo của yêu thương. Xin cho chúng ta luôn biết thể hiện niềm tin của mình bằng hành vi yêu thương người lân cận. Người lân cận được hiểu là người ta đang sống, đang gặp gỡ, đang mời gọi chúng ta cảm thông, nâng đỡ, yêu thương. Xin cho chúng ta đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ nặng trĩu bông lúa vàng. Amen
 
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Bài học trực quan về lòng yêu thương
 
Tại một khúc đường vắng trên con đường từ Giê-ru-sa-lem đến Giê-ri-cô có một khách bộ hành bị trọng thương đang quằn quại rên siết. Khúc đường nầy xưa nay vẫn thường xảy ra những vụ cướp của giết người nghiêm trọng. Hẳn đây lại là một nạn nhân khác do bọn cướp gây ra. 
Một hy vọng loé lên trong đầu óc nạn nhân khi anh ta thoáng thấy có một khách bộ hành đang tiến lại gần. Khi người bộ hành gần đến, niềm hy vọng càng dâng cao vì đây là một vị Tư Tế. Ngài vốn thông làu lề luật yêu thương, chắc chắn ngài sẽ đoái thương cứu chữa anh ta. Nhưng rồi vị Tư Tế cố tình rảo bước cho nhanh, lánh qua một bên mà đi thẳng, để mặc anh nằm đó.
Một lát sau, có một thầy Lê-vi đi qua, vị nầy đảo mắt nhìn nạn nhân rên siết, nhưng rồi cũng vội vàng rảo bước cho nhanh, có lẽ ông ta sợ rằng bọn cướp còn lảng vảng đâu đây, sẽ trấn lột hết những gì ông ta mang trên mình và sẽ đánh đập ông nhừ tử như người khốn khổ kia. Thôi, khôn hồn thì rảo bước cho nhanh, mau qua khỏi nơi nguy hiểm nầy.
Cuối cùng, có tiếng lừa lộp cộp đâu đây vọng lại, rồi vị khách đi đường thứ ba xuất hiện. Đây là người dân Sa-ma-ri. Chẳng hy vọng gì nơi hạng người như thế, hạng người xưa nay vẫn mang tiếng là quân lạc đạo chẳng ra gì. 
 
Thế nhưng, người Sa-ma-ri nầy lại cho lừa dừng lại, bước xuống cúi mình trên nạn nhân, cảm thương thân phận người xấu số. Ông mở hành trang lấy rượu rửa sạch vết thương, lấy dầu xoa bóp những nơi bầm tím, rồi vực nạn nhân lên lừa của mình, quay trở về quán trọ. Đến nơi, ông lo liệu cơm cháo thuốc men, săn sóc nạn nhân như lo cho người thân yêu của mình. Sáng hôm sau, vì công việc gấp rút đòi buộc, ông phải vội lên đường; nhưng trước khi ra đi, ông trao tiền cho chủ quán và dặn dò: "Xin ông lo chăm sóc người nầy giùm tôi cho chu đáo, còn tốn phí thêm bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ hoàn lại cho ông".
Điều tuyệt vời nơi con người nhân ái nầy là đức tính sẵn sàng phục vụ. Phục vụ tức thời không so đo tính toán. Phục vụ bất cứ lúc nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào. 
 
Đang lúc phải đi về Giê-ri-cô cho nhanh trước khi trời tối, mà phải dừng lại tại một nơi không ngờ trước, bày tỏ tình thương mến một nạn nhân xa lạ bằng những chăm sóc hết sức ân cần chu đáo, bất chấp hiểm nguy cho tính mạng mình, chấp nhận mất mát thời giờ, tiền của, đành để cho vợ con chờ đợi sốt ruột ở nhà, gác bỏ qua bên bao nhiêu công việc cấp bách… thì đây quả là một con người hy sinh cao thượng hiếm có. 
 
Bài dụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân lành nầy đáng được xem là tinh hoa của lề luật, là cốt tuỷ của nền luân lý ki-tô giáo, là minh hoạ hay nhất cho lề luật yêu thương, là tấm gương soi cho tất cả những người con cái Chúa.
 
Giữ luật yêu thương không chỉ là tâm niệm luật ấy trong lòng đêm ngày như những kinh sư và biệt phái. Giữ luật yêu thương không phải là lặp lại luật ấy trên môi, đeo câu luật yêu thương trên tay, trên trán hay dán lên khung cửa ra vào như những người Do-thái xưa kia thường làm. 
Nhưng giữ luật yêu thương chủ yếu là cúi xuống trên những mảnh đời bất hạnh để ủi an chăm sóc, là chia cơm sẻ áo, là trở thành người tôi tớ phục vụ tha nhân bất cứ khi nào họ cần.
 
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa là bậc Thầy khôn ngoan lỗi lạc. Qua bài Tin Mừng nầy, Chúa dạy chúng con  một bài học trực quan rất sinh động về yêu thương: yêu thương là cúi xuống chăm sóc người bất hạnh bất cứ lúc nào, bất kể nơi nào, như người Sa-ma-ri đã thực hiện. 
Xin ban thêm cho chúng con đức tin và lòng yêu mến. Tin Chúa hiện diện nơi mọi người, đặc biệt là nơi những người cùng khổ và đem hết khả năng để phục vụ và yêu mến họ, vì khi thực hành như thế là chúng con đang làm cho chính Chúa.
 
Lm. Inhaxiô Trần Ngà 
 
 Thực thi lòng thương xót
 
Trên một con đường vắng, một chiếc xe đang phóng nhanh, chợt đột ngột thắng gấp lại và tấp vào lề đường. Ai đó vừa ném một viên đá vào cánh cửa chiếc xe. Bước ra khỏi xe, liếc nhìn chỗ xe bị ném, người lái xe bực tức chạy nhanh đến tóm ngay thằng bé đứng gần đó – chắc chắn nó là tác giả của vết trầy trên chiếc xe. Trước đó, anh đã thấy nó vẫy xe, chắc là để đi nhờ. “Không cho đi nhờ mà mày làm như vậy hả?”Anh ta nói. 
Anh vừa gằn giọng vừa nắm chặt cổ áo đẩy cậu bé sát vào chiếc xe… Cậu bé lắp bắp sợ hãi: “Em xin lỗi! Nhưng em… em… không biết làm cách nào khác. Nếu em không ném vào xe của anh thì anh đã không dừng xe… Nãy giờ em đã vẫy biết bao nhiêu xe mà không có ai chịu dừng”.Nói đến đó, nước mắt cậu bé lăn dài trên má. Cậu chỉ tay về vệ cỏ phía bên kia đường. “Có một người… anh ấy bị ngã và chiếc xe lăn của anh ấy cũng ngã. Em tình cờ đi ngang qua thấy vậy nhưng không thể đỡ nổi anh ấy vì anh ấy nặng quá”. 
Giọng ngắt quãng vì những tiếng nấc liên tục, cậu bé nài nỉ: “Anh có thể giúp em đưa anh ấy trở lại chiếc xe lăn được không ạ? Anh ấy ngã chắc là đau và đang bị chảy máu”. Lời nói của cậu bé khiến anh thanh niên không thể thốt lên được lời nào. Anh thấy cổ mình như nghẹn lại vì bất ngờ và xúc động. Anh đến đỡ người bị ngã trở lại ngồi ngay ngắn trên chiếc xe lăn, băng vết thương và cùng cậu bé kéo xe lên đường. Người bị ngã cảm ơn anh rồi chiếc xe bắt đầu lăn đi về phía đường ngược lại, cậu bé phụ đẩy phía sau.       Anh dõi mắt nhìn theo cho đến khi hình ảnh cậu bé và chiếc xe lăn khuất hẳn. Anh bước thật chậm về phía chiếc xe của mình, cảm giác giận dữ trong anh không còn nữa và những bước chân ngập ngừng cũng không thể diễn tả hết tâm trạng của anh lúc này. Anh quyết định không sửa lại vết trầy trên xe. Anh muốn nó sẽ nhắc anh về câu chuyện xúc động hôm nay, về một điều mà trước nay anh không để ý đến và cũng không có thời gian để ý đến. Anh đã không nhận ra, không có được lòng trắc ẩn như cậu bé kia, anh đã tiếc thời gian và đi quá nhanh đến nỗi phải có một ai đó ném một viên đá mới làm anh dừng lại. (Câu chuyện ven đường- Khuyết danh). 
 
Với cuộc sống bon chen, tất bật và lo toan hôm nay, con người trở nên dửng dưng vô cảm trước nỗi đau của người khác. Như lời Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ trên đảo Lampedusa, ngài nói: "Đừng chiều theo làn sóng toàn cầu hóa sự thờ ơ”.Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ tố giác sự dửng dưng đối với số phận những người tị nạn, những thuyền nhân chết trên biển cả và những kẻ lợi dụng sự nghèo đói của người khác để làm giàu. Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong thánh lễ tưởng niệm những thuyền nhân bỏ mình trên biển cả trên đường đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn. Đức Thánh Cha nói, ngài muốn thức tỉnh lương tâm của nhiều người trên thế giới, tất cả mọi người, đặc biệt là các giới hữu trách, về thảm trạng người di dân và tị nạn, và về nguy cơ “toàn cầu hóa sự thờ ơ”. (VietCatholic news)
 
Liên hệ với Lời Chúa hôm nay, chúng ta được nghe qua cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu với người thông luật. Ông ta hỏi Chúa Giêsu làm thế nào để được sống đời đời. Sau đó, Chúa Giêsu diễn tả bằng dụ ngôn người Samari tốt lành. Nét nổi bậc trong dụ ngôn này, chính là hình ảnh người Samari, ông là người ngoại bang đáng ghét, vì người Do thái coi người Samari như con lai căng. Hai dân tộc này căm thù lẫn nhau. Nhưng Chúa Giêsu khẳng định tình yêu thì không có sự khác giữa các dân tộc hay quốc gia. Tình yêu phải được thể hiện bằng chính cuộc sống đối với những người chung quanh với những khốn khó, đau thương của tha nhân và không giới hạn chỉ nơi dòng tộc, người thân gia đình hay xóm làng mà là tất cả những người đang cần chúng ta giúp đỡ chính họ là những người thân cận của chúng ta. 
 
Nét tương phản với ý nghĩ của nhà thông luật, đó là khi Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh thầy Tư tế và Lêvi, họ là những người hiểu luật rất rõ, là những người phục vụ bàn thờ Chúa mỗi ngày, nhưng lại mang trong mình một trái tim khô cứng và chai lỳ khi nhìn thấy người anh em bị nạn nhưng họ lại bỏ đi. Trong khi đó, họ lại kêu người khác yêu thương, phải có lòng từ bi, bác ái, nhưng họ lại không có trái tim biết xót thương. Trái lại, người Samari tới chỗ người bị nạn, băng bó vết thương, đặt người ấy lên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Những cử chỉ và hành động nói lên tính cách con người của anh ta, mặc dù, người Samari vẫn biết người bị nạn này không phải là dân tộc của anh ta. Ấy thế mà anh ta lo lắng và chăm sóc người bị cướp trong lúc nguy hiểm. Anh liều mạng, không so đo, tính toán hơn thiệt, anh dùng tiền của mình để thanh toán tất cả chi phí cho một người xa lạ.
 
Rút ra từ trong dụ ngôn này, chúng ta cần suy ngẫm lại cách hành xử của chúng ta. Một lần nữa, Chúa Giê-su kêu gọi tất cả chúng ta là những người lãnh đạo trong Giáo hội, những người Kitô hữu mang danh Chúa Giêsu, nhất là những ai tự cho mình là người thông luật, giữ đạo rất chặt chẽ, đọc kinh rất giỏi, nhưng hãy coi chừng và cảnh giác. Nếu ta không có trái tim biết yêu thương và lòng xót thương tha nhân, thì việc làm của chúng ta chẳng có ích gì trước mặt Chúa. Như lời của mục sư Martin Luther King nói rằng, tình thương không giới hạn trong việc trợ giúp những người đau khổ: "Ban đầu chúng ta phải là người Samari tốt lành đối với những người gục gã trên đường, nhưng sau đó con đường Giêrikhô phải được chỉnh đốn lại để những ai đi trên đường đời không còn bị đánh đập và cướp bóc nữa"Thật vậy, bổn phận của mỗi người chúng ta là đáp lại tình yêu Thiên Chúa. Lề luật của Thiên Chúa đặt trên nền tảng là tình yêu, chia sẻ và cảm thông và được thể hiện qua cách đối xử với những người nghèo khó, nô lệ, góa bụa và khốn cùng.
 
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết xót thương và biết đón nhận anh chị em với thái độ ân cần và sẵn lòng thực thi lòng bác ái và yêu thương như Chúa yêu chúng con. Amen. 
 
Lm. John Nguyễn, Utica, New York.
 
 Luật của Nước Thiên Chúa
 
Bộ luật của Nước Thiên Chúa do chính Thiên Chúa Toàn Năng, Chí Thánh, Chí Thiện lập ra là bộ luật chân thật, nghiêm minh và bền vững. Bộ luật ấy được gọi là Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, được tóm gọn chỉ một câu “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”.
 
Tin Mừng hôm nay đề cập đến Luật của Nước Thiên Chúa: Một thầy thông luật đã hỏi Chúa Giê-su “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”.Chúa Giê-su hỏi lại ông ta “Luật đã dạy gì?”và ông ta đã trả lời đúng như câu tóm gọn bản luật
 
Ngài đã trả lời rất chân thành: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”. Biết mình đã không làm như vậy, nên thầy thông luật lại vặn hỏi: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?”.
 
Nhân cơ hội này, Chúa Giê-su dùng câu chuyện dụ ngôn người “Samaria có lòng thương người” mở ra cho nhân loại một định nghĩa chính xác về người thân cận trong bộ luật Nước Trời: là tất cả mọi người. Đồng thời, Ngài cũng chỉ cho thấy việc thi hành luật: yêu thương là hy sinh chính mình để cho người khác được sống.
 
Đối tượng của tình yêu và lòng thương xót chính là “con người”. Con người là thân cận của con người. Không phân biệt dân tộc, màu da, tiếng nói, tôn giáo, xã hội, chính trị… vì tất cả đều là con cái của Thiên Chúa, đều được sống trong tình huynh đệ của các con cái cùng một Cha trên trời. Dụ ngôn cho thấy: công việc đầu tiên của người Samari khi xuống ngựa không phải là xem người bị nạn này là ai, Do Thái hay Samari, người quen hay người lạ, người đẹp hay xấu…nhưng là cấp cứu ngay, và cấp cứu tận tình. 
Một thứ tự rất chu đáo và hợp lý:
- chạnh lòng thương-lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó- đặt người ấy trên lưng lừa của mình- đưa về quán trọ mà săn sóc- lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”.
Như vậy, việc đầu tiên trong việc giữ luật yêu thương người là “chạnh lòng thương”. Nếu không có trái tim biết “chạnh lòng thương”, thì người Samaria này cũng chẳng khác gì thầy Tư tế, thầy Lê-vi kia, sẽ bỏ đi, “sống chết mặc ai”.
 
Khi được hỏi “Theo ông thì ai là người thân cận của người bị nạn?”,hẳn thầy thông luật phải trả lời là chính người Samaria kia. Chúa Giê-su đã kết luận dụ ngôn: “Vậy, ông cũng hãy đi và làm như vậy”.
 
Chúa cũng đang gửi đến mọi người chúng ta thông điệp về việc chu toàn Luật của Nước Thiên Chúa: “hãy đi và làm như vậy”,để được sự sống đời đời làm gia nghiệp cho chúng ta.
 
Tình yêu thương, lòng thương xót trong mỗi con người như quà tặng quí giá Chúa đã ban cho mỗi con người nơi trái tim biết yêu và cảm nhận được yêu. Chúng ta đang sống được, sống vui, sống khỏe là nhờ chúng ta nhận được nhiều tình yêu thương của người khác. Tình thương yêu luôn là nguồn sinh lực quí giá mà con người trao cho nhau để xây dựng một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp. Trong Hội Thánh Chúa, tình yêu thương của những người có đạo dành cho tất cả mọi người, không phận biệt lương giáo, thân sơ, giàu nghèo… còn là một bằng chứng hùng hồn về Thiên Chúa, về Nước Thiên Chúa đang ngự trị giữa trần gian này. 
 
Thực vậy, chúng ta có thể chia nhau tin vui này: thời nay, vẫn còn đang có nhiều người Samaria nhân hậu giữa chúng ta. Tình yêu thương của họ đã biến thành những viên thuốc đắt tiền, những lượt xạ trị, hóa trị tốn kém cho người bệnh ung thư trầm kha được phép kéo dài những ngày đời chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ Thiên Chúa. Tình yêu thương của họ như trái tim mở ra cho những ca mổ tim để cứu sống biết bao người tưởng phải sớm vĩnh biệt cõi đời. Tình yêu thương của họ đã biến thành cơm, thành bánh, thành chăn, mền, quần, áo cho biết người nghèo nàn giá lạnh. Tình yêu thương ấy biến thành nếp nhăn tàn tạ của cha mẹ, của người bán cả sức lực mình cho gia đình, của cả người chăm sóc bệnh nhân trắng đêm thao thức. Tin vui này còn đang mãi nhân lên trong Hội Thánh Chúa để mỗi người ngộ ra điều kỳ diệu này là chính khi ta “thực hành đức yêu thương như Chúa dạy”là lúc chúng ta đền đáp bao yêu thương đã nhận lãnh và lại được Chúa yêu thương giữ cho ta phần gia nghiệp trên Nước Trời.
 
 Nhưng để sống được đức yêu thương ấy, không đơn giản một ngày một bữa mà chúng ta có thể đạt được, và cũng không tự mình đạt được nếu không có ơn Chúa. 
Lời cầu nguyện hằng ngày của chúng ta phải là khẩn thiết xin Chúa loại trừ trong chúng con lòng kiêu căng, ích kỷ. Bởi vì, lòng kiêu căng ích kỷ sẽ làm tắt ngúm lửa tình yêu thương trong chúng ta. Lòng kiêu căng không cho phép mình phục vụ cho ai, nhưng yêu cầu ai cũng phải phục vụ mình. Lòng ích kỷ khiến mình không quan tâm đến ai, cũng không cho phép mình xuống ngựa, cúi mình trên những thân phận người đau khổ, yếu hèn, thấp kém, nhơ uế, để hiểu nỗi đau tận cùng của kiếp người… nhưng nó bắt mình đòi ai cũng phải quan tâm đến mình.
 
Thiết tưởng, không chỉ lời cầu nguyện, mà còn phải luyện tập đức yêu thương bắt đầu bằng sự từ bỏ chính mình, để nghĩ đến người khác. Từ bỏ việc được phục vụ để biết phục vụ người khác. Từ bỏ tính phân biệt, vụ lợi để lòng ta quảng đại hơn với tất cả mọi người. Chu toàn luật yêu thương, Luật của Nước Thiên Chúa với lòng chân thành, chúng ta Tin chắc về giá trị bền vững của luật yêu thương đó là phần sự sống đời đời làm gia nghiệp mai sau.
 
Nguyện xin Chúa giúp chúng con chu toàn Luật của Nước Thiên Chúa là yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân vì chúng con là công dân của Nước Chúa. A men
 
PM. Cao Huy Hoàng, 12-7-2013
 
 
 
Khi con tim lên tiếng
 
Chiều 13.5. 2012, một cô gái chạy xe gắn máy theo hướng từ quận Thủ Đức vào Bình Thạnh (TP.HCM). Đến giữa cầu Bình Triệu, cô dừng xe, cởi áo khoác, bỏ lại đôi dép, leo lên thành cầu nhảy xuống sông Sài Gòn.
 
Nhiều người đi đường tò mò dừng xe lại khiến cầu nhanh chóng bị ùn ứ, nhưng không ai có phản ứng gì để cứu cô gái. Lúc đó, anh Danh Nghĩa chở một người bạn đi ngang qua, thấy sự việc lập tức dừng xe. Lúc này nước sông Sài Gòn đang chảy rất mạnh và trong tích tắc, cô gái đã bị cuốn trôi về giữa khu vực cầu Bình Triệu 2 và 1.
 
Thấy cô gái chới với dưới dòng nước, anh Nghĩa vội cởi chiếc áo khoác, nhảy bổ xuống sông cứu người. Trong tích tắc, anh Nghĩa tiếp cận, kéo giữ được cô gái nhưng cả hai bị dòng nước cuốn đi qua khỏi cầu Bình Triệu 1. Dòng nước chảy rất mạnh, nhưng anh Nghĩa nhanh trí bám vào trụ chống va của cây cầu. Nhiều người đi đường kêu gọi những chiếc canô, chiếc tàu đi ngang qua vớt hai người lên. Khoảng 10 phút sau, một chiếc ca nô dừng lại, đưa hai người lên bờ. Lúc này cô gái đã ngất nên nhanh chóng được đưa đi cấp cứu.
 
Anh Danh Nghĩa sinh năm 1989, quê ở xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Nghĩa cho biết lâu nay phụ gia đình làm việc ở quê, vừa rồi theo lời vài người bạn cùng đi lên Tân Uyên, Bình Dương xin việc làm. Nghĩa nói. “Tụi em mới lên Bình Dương hôm trước (ngày 12.5), hôm 13.5 đi vào quận 7, TP.HCM để lấy đồ, đi ngang cầu Bình Triệu 2 chứng kiến sự việc liền nhảy xuống sông cứu người. Quả thật, giờ nghĩ lại cũng có chút sợ vì không biết được dưới dòng nước có vật gì nguy hiểm. Nhưng lúc đó em thấy cứu người là quan trọng nên không nghĩ đến chuyện này.”(Minh Anh, Dũng cảm nhảy cầu Bình Triệu cứu người, Thanh Niên, 14/05/2012)
 
Tấm gương can đảm cứu người của chàng Danh Nghĩa mời gọi Kitô hữu chúng ta hướng về bài trích thuật Tin Mừng thánh Luca hôm nay, với chủ đề “Ai là người thân cận của tôi?"
 
Người thân cận không chỉ là thân bằng quyến thuộc, những người chúng ta quen biết, thân tình, hay họ hàng ruột thịt. Nhưng có thể bất kỳ ai đó, gần gũi hay xa lạ, thân thiết hay thù nghịch, mà chúng ta gặp trên đường lữ hành về Quê Trời. Vậy để có thể yêu mến, thương xót tha nhân, những người xa lạ, hoạn nạn, đau khổ, cần có một trái tim xả kỷ vị tha, nhạy cảm và dâng hiến.
 
Tâm hồn xả kỷ vị tha
Chàng Danh Nghĩa đã quên mình cứu người. Anh không hề bận tâm lo lắng đến sự an toàn cho mình, đến những hiểm nguy trước mặt, dưới nước có thể chờ đợi. Anh đã xả kỷ vị tha, trong khi biết bao người đến trước, chỉ lạnh lùng, dửng dưng, tò mò, đứng nhìn cô gái tự vẫn.
 
Xả kỷ vị tha là từ bỏ chính mình, không lo cho bản thân, từ bỏ quyền lợi, dẹp tự ái mà hy sinh, chăm lo người khác. Khi thoát khỏi cái vỏ ốc ích kỷ, vị kỷ, chỉ biết đến mình, thì mới có thể nhìn đến thiên hạ. Đó là cuộc chiến vô tận giữa lòng thương xót và bản thân. Thông thường, bản thân luôn được coi là trung tâm điểm của sinh hoạt gia đình, xã hội. Tiên chủ hậu khách. Ưu tiên số một dành cho mình, rồi mới đến thân bằng quyến thuộc. Vậy nếu không xả kỷ vị tha, không từ bỏ mình, làm sao có thể quan tâm đến tha nhân, đến những người anh chị em xa lạ?
 
Hơn nữa, xả kỷ vị tha chính là điều kiện tiên quyết đi theo Chúa. “Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình” (Lc 16,24).
 
Trong thư gửi tín hữu Philipphê, Thánh Phaolô đã mạnh dạn xác quyết chính Chúa Giêsu đã làm gương cho loài người: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, trên cây thập tự”.(Pl 2, 6-8)
 
Dụ ngôn của Chúa Giêsu cho biết thầy tư tế và thầy Lêvi còn lấn cấn vị kỷ, lo bi trấn lột, lo sợ ô uế, lo lỗi luật, lo bảo vệ cái bản ngã khỏi ố danh, khỏi trách nhiệm với tha nhân. Làm sao các đấng nghe được tiếng rên rỉ đau đớn, nài van của nạn nhân, đang thừa sống thiếu chết? Bởi lòng dạ họ đã chai đá, vô cảm, vô tâm, vô tình. 
 
Thói vị kỷ, tính vụ lợi đã giết chết lòng nhân từ, lòng thương xót. Chứng Mackeno cũng đang phát triển như vũ bão trong xã hội ngày nay. Làm ơn mắc oán, hay dễ bị lừa đảo khiến chúng ta cũng thường hay ngoảnh mặt làm ngơ tha nhân lâm nạn. Chúng ta đang bưng tai bịt mắt trước nỗi thống khổ của đồng loại. Vẫn đang tiếp tục nhập vai các đấng bất nhân kể trên. “Tất nhiên chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nổi khổ đau của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ lông của mình.”(Đạo diễn Trần Văn Thủy, Chuyện Tử Tế)
 
Tâm hồn nhạy cảm
Một khi thoát ra khỏi chứng vị kỷ, người ta mới nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy tha nhân như thế nào. Con tim, khối óc mới có thể nhạy cảm với tiếng kêu cứu, mới xót xa người bị nạn, mới biết thương người, biết lăn xả giúp đỡ cứu người. 
 
Xả kỷ vị tha, chàng Danh Nghĩa mới thấy mạng người thật quý hóa, không mảy may chần chừ, cân nhắc, tính toán, lập tức nhảy xuống sông cứu người, bất chấp những nguy hiểm ẩn giấu dưới lòng sông sâu: “Nhưng lúc đó em thấy cứu người là quan trọng, nên không nghĩ đến chuyện này”. 
 
Nhạy cảm, người Samaria mới chạnh lòng xót thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.
 
Người Samaria không sợ thiệt thòi, không e ngại bị cướp bóc hành hạ, không lo lắng an toàn, không tính toán hơn thiệt, không bị cái bản ngã che khuất tầm nhìn ra bên ngoài, mới động lòng với tha nhân. “Phúc cho ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”(Mt 5,7). 
 
Tâm hồn hiến dâng
Dòng Cát Minh luôn nhấn mạnh đến Vacare Deo, nghĩa là dốc cạn khỏi mình tất cả mọi sự, mọi ham muốn, mọi đam mê, mọi nhân khí, lẫn tà khí, để đón rước tràn đầy Thần Khí Thiên Chúa. Một khi có Chúa ở cùng, có tràn đầy Thiên Chúa, chúng ta mới có thể nhìn thấy Thiên Chúa nơi tha nhân.
 
Không còn lấy mình làm trọng tâm, không coi mình quan trọng, chúng ta mới đặt trọng tâm vào tha nhân. Mới có thể quan tâm lắng nghe, thấu hiểu những người thân cận muốn gì, cần gì, để chúng ta có thể lập tức đáp ứng, yêu thương phục vụ.
 
Đức Giêsu đã toàn tâm toàn ý đến cứu rỗi con người khi nhập thể thi hành Thánh Ý Chúa Cha: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mc 10, 45)
 
Mẹ Têrêsa Calcutta đã định nghĩa những kẻ đi theo chân Đức Giêsu: “Kitô hữu là người trao ban chính bản thân mình”.Trao ban không có nghĩa là mất đi, nhưng đó là phương thức tốt nhất để giữ lại những gì mình đã cho đi, để trở nên chính mình hơn. Những gì mình thực sự sở hữu chính là những cái mình đã cho đi, mà sở hữu lớn lao nhất là chính sự sống mình. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”(Mt 10,39).
 
- Biến thế giới của thú vật nên thế giới của con người, biến thế giới của con người nên thế giới của con Chúa.(Đường Hy Vọng, số 801)
 
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có tâm hồn xả kỷ vị tha, nhạy cảm và hiến dâng như người Samaria trong Tin Mừng, biết chạnh lòng thương, cúi xuống, ôm lấy chăm sóc tha nhân đang hoạn nạn về cả thể xác lẫn tinh thần.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã tự hạ, khiêm nhường, đón rước Thiên Chúa ngự vào lòng. Mẹ đã nhìn thấy Thiên Chúa trong từng con người bé nhỏ. Mẹ đã thương xót giúp đỡ đôi tân hôn nghèo khó ở Canna. Xin Mẹ đoái thương giúp chúng con mở rộng cõi lòng, xoa dịu những đau thương của tha nhân. Amen.  
 
AM Trần Bình An
 
 
Yêu rồi làm
(Trích dẫn từ ‘Như Thầy Đã Yêu’)
 
Một vị ẩn sĩ sống trong một khu rừng luôn bị một cô gái chơi đến cám dỗ. Ngạc nhiên trước sự thanh thản của vị tu hành, nhưng đồng thời cũng nghi ngờ sự bất bình thường của người đàn ông, cô liền hỏi một câu chế nhạo:
  • Thầy không biết yêu sao?
Vị ẩn sĩ trả lời:
  • Chưa đến giờ đó thôi?
Câu chuyện bỏ lửng tại đó. Một lần kia, trong lúc đi khất thực, vị tu hành phát hiện người con gái hay đến phá phách mình đó bị bọn cướp trấn lột và đánh cho thừa sống thiếu chết bên lề đường. Ông bèn dừng chân lại săn sóc cô ta, chữa các vết thương và đưa cô về thành phố điều trị
Cô gái sững sờ nhìn vị ân nhân mà chưa biết mở lời ra sao, thì vị ẩn sĩ mỉm cười nói:
  • Đã đến giờ rồi đấy, giờ của lòng thương xót!
 
Người thông luật trong bài Tin mừng hôm nay hỏi Chúa Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi?”Thay vì trả lời, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn người Samaria tốt lành: Một khách bộ hành đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, bị bọn cướp đánh nhừ tử, trấn lột, rồi bỏ nằm nửa sống nửa chết bên lề đường. Trong khi hai thầy tư tế và Lêvi “tránh qua bên kia mà đi”,thì người Samaria ngoại đạo lại dừng chân, băng bó vết thương, đem nạn nhân về nhà trọ săn sóc.
 
Chúa Giêsu hỏi lại người thông luật: “Vậy ai là người thân cận của kẻ bị cướp?”Hỏi tức là trả lời. Và người thông luật đáp: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót”. Chúa Giêsu bảo: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.
 
Vị ẩn sĩ trong câu chuyện trên đây và người Samaria nhân hậu đã sống luật yêu thương một cách tuyệt vời, đó là “yêu bằng việc làm”. Yêu không chỉ trên đầu môi chót lưỡi, rồi phủi tay không làm gì cả, mà yêu chính là “miệng nói tay làm”,làm thực sự với hết khả năng của mình. Những việc làm cụ thể thường hùng hồn hơn những lời nói suông. Con đường dài nhất là con đường từ trái tim đến đôi tay. Chúa Giêsu muốn chúng ta đi hết con đường đó: “Hãy đi và làm như vậy”.Pascal đã nói: “Khuyết tật lớn nhất của một người là phục vụ quá ít cho những kẻ họ yêu thương”.
  • Sở dĩ người ta không dám làm một cái gì đó cho những người anh em, là vì họ không có can đảm vượt qua nỗi sợ.
  • Sở dĩ thầy tư tế và thầy Lêvi “tránh qua bên kia mà đi” là vì các thầy sợ ô uế khi đụng vào xác chết, sợ bọn cướp còn ẩn nấp đâu đây, sợ rắc rối phiền hà đến bản thân.
  • Sở dĩ chúng ta không dám làm một cái gì đó cho người anh em khi họ cần giúp đỡ, là vì chúng ta sợ phải thiệt thòi, sợ tốn công sức, sợ mất thời gian, sợ phải trả giá, sợ đụng đến sự an toàn, tiện nghi của mình. Chúng ta muốn được yên thân! Thầy tư tế và thầy Lêvi đã tự hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra cho tôi, nếu tôi dừng lại và săn sóc người anh em bị đánh nhừ tử?”Trái lại, người Samaria đã đảo ngược câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra cho người anh em bị đánh nhừ tử, nếu tôi không dừng lại và chăm sóc người ấy?”Người Samaria tốt lành đã xả thân vào một hành động vị tha đầy nguy hiểm.
 
Yêu thương không phải là cho đi một cái gì, nhưng là cho đi chính bản thân. Yêu thương là hy sinh, là quên mình, là hiến thân phục vụ tha nhân: Kahil Gibram có một câu nói chí tình: “Bạn cho đi quá ít khi chỉ cho đi của cải. Chỉ khi nào cho đi chính mình, bạn mới thực sự cho đi”.Càng đi tìm bản thân, con người càng đánh mất chính mình. Càng co cụm trong vỏ ốc ích kỷ của mình, con người càng chết dần mòn trong nỗi cô đơn. Càng muốn được yên thân, con người càng vong thân.
 
Nỗi khát khao hạnh phúc của con người chỉ có thể được lấp đầy khi họ biết đến gần, cúi xuống phục vụ tha nhân. Con người chỉ thành đạt thực sự, con người chỉ thực sự là người khi họ dám sống chết cho anh em.
 
Người tín hữu Kitô chỉ thực sự là con Chúa khi họ dám tiêu hao vì người khác. Mẹ Têrêxa Calcutta nói: “Kitô hữu là người trao ban chính bản thân mình”.
 
Yêu rồi làm. Khi đã yêu rồi chúng ta sẽ biết phải làm gì cho người anh em. Khi đã yêu rồi chúng ta sẽ có sáng kiến để xả thân vì mọi người, nhất là những người nghèo hèn đau khổ. Khi đã yêu rồi, chúng ta sẽ biết cách làm cho kẻ xa lạ nên người thân cận, kẻ thù địch nên người bạn tốt, chỉ cần chúng ta dám dừng lại, đến gần và cúi xuống trước anh em.
 
Lạy Chúa, cuộc sống đạo của chúng con sẽ trở nên phù phiếm nếu cái cốt lõi của đạo là yêu thương chỉ là điều phụ thuộc. Xin đừng để chúng con loay hoay với những tính toán ích kỷ; chai đá, dửng dưng trước những khổ đau của anh em. Nhưng xin dạy chúng con biết chạnh lòng xót thương và giúp đỡ những ai đang cần đến chúng con. Amen.
 

Thiên Phúc


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...