07/01/2021
1761
Tình liên đới trong đại dịch 
Trong năm đại dịch Covid người ta thấy rất nhiều câu, nhiều cách đề xướng tình liên đới để chung tay đẩy lùi dịch bệnh và liên đới chia sẻ cứu giúp nhau trong cơn đại họa này.
Tại một nhà tù bên Ý, các tù nhân đã thực hiện một biểu ngữ: "Chúng tôi ở bên trong, xin các bạn hãy ở nhà”. Những tù nhân đã đau khổ vì phải sống cách ly xã hội, nay do đại dịch các buổi thăm trực tiếp của gia đình và người thân bị đình chỉ. Họ đã nêu cao biểu ngữ này để nhắc nhở người thân hãy ở nhà để chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện vào tháng 12/2019 nhiều người nghĩ rằng chỉ những ai bị nhiễm bệnh mới phải cách ly. Thế rồi, dịch bệnh mỗi ngày một lan rộng trong cộng đồng, thì người ta mới biết đến một sự liên đới của toàn thể xã hội. Người bệnh được cách ly tại bệnh viện. Người không bệnh thì cách ly tại nhà. Đây là sự liên đới trách nhiệm để cùng nhau ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Với biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa của Gioan tại sông Giordan là một khởi đầu cho một chuỗi những liên đới với tội nhân. Ngài đã chấp nhận đứng chung với tội nhân để gánh lấy hậu quả của tội lỗi nhân gian. Hậu quả của tội lỗi là đau khổ, là sự chết. Chúa Giê-su đã gánh lấy tội nhân loại khi phải sống kiếp người đầy thăng trầm và khổ đau. Ngài gánh lấy tội nhân loại khi bị kết án, tẩy chay loại trừ. Ngài còn gánh lấy tội nhân gian khi bị chết treo trên thập giá để đền thay tội lỗi  nhân gian. Ngài hiến dâng mạng sống mình thành của lễ giao hòa với Thiên Chúa Cha. Qua cuộc Tử Nạn và phục sinh của Ngài mà nhân loại chúng ta được giao hòa với Chúa Cha, được gọi Thiên Chúa là Cha, và được thừa tự phần phúc thiên đàng do công phúc của Chúa Giê-su.
Vâng, Đức Giê-su thành Nagiaret là Thiên Chúa, là Đấng thánh thiện vô cùng đã mặc lấy thân xác con người. Ngài đã trở nên giống con người mọi sự ngoại trừ tội lỗi. Ngài tự nhận mình là tội nhân khi hòa mình vào dòng người tới nhận phép rửa của Gioan. Hành vi này như muốn dạy con người chúng ta hãy biết liên đới trách nhiệm với tha nhân. Liên đới để giúp nhau thăng tiến. Liên đới để sống cảm thông chia sẻ với nhau. Tình liên đới sẽ giúp con người chung sống hòa bình với nhau và cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Nếu cuộc đời con người biết sống có tình liên đới thì cuộc đời đẹp biết bao! Người ta sẽ “lá lành đùm lá rách”, “chị ngã em nâng”. . . 
Nếu cuộc đời ai cũng có trách nhiệm liên đới với người nghèo, người bệnh tật, người bất hạnh thì cuộc đời hạnh phúc biết bao! Người ta sẽ không có thái độ dửng dưng với nhau nhưng biết chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau, và chắc chắn sẽ không có những phận người cô đơn buồn tủi.
Nếu cuộc đời ai cũng cảm thấy có trách nhiệm với cả những lỗi lầm của người khác thì xã hội sẽ thăng tiến biết bao. Vì ai cũng nỗ lực sống chu toàn bổn phận của mình, sống gương mẫu và chắc chắn sẽ không làm gì để gây gương mù gương xấu cho tha nhân.
Ước gì tình liên đới của con người luôn là mối dây hiệp nhất yêu thương để tình người mãi gắn kết và cùng nhau xây dựng một xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
 
https://www.youtube.com/watch?v=1cRjcQ0Qzis
 
 SUY NIỆM CHÚA NHẬT CHÚA CHỊU PHÉP RỬA
 Lm. Matthêu Nguyễn Đại Tài

Việc đầu tiên mà các Phi hành gia làm, khi họ đổ bộ lên Mặt Trăng, đó là việc họ đi lấy mẫu đất, đem về phân tích xem nó có những nguyên liệu gì. Nhất là mẫu đất ấy có chứa nước hay không, để chuẩn bị cho hành trình định cư trong tương lai. Người ta bảo: ‘Con người có thể nhịn đói trên 10 ngày nửa tháng, nhưng khát thì không thể quá 1 tuần’. Nước là một trong những thành phần quan trọng nhất trên trái đất. Tất cả sinh vật đều cần có nước để có thể tồn tại. Nếu không có nước, thì sẽ không có sự sống trên trái đất.

Nước, chữ Nho gọi là ‘Thuỷ.’ Trên mặt Địa cầu, nước chiếm 2/3 diện tích chung, phần còn lại chỉ 1/3 là đất liền. Người Việt ta lại gọi một cách nôm na Quốc Gia mình bằng một từ đơn âm thân thương, đó là “Nước”. Nước vừa có nghĩa là Đất nước, là Quê Hương, là Tổ Quốc, vừa còn có nghĩa là nước để uống, để dùng.

Về với Nhà Đạo, ‘nước’ diễn tả sự sống một cách đặc biệt trong Nghi thức Thanh Tẩy, là Bí tích nền tảng và qua trọng nhất trong bảy bí tích. Nhờ quyền năng của Thiên Chúa, dòng nước của Bí tích Rửa Tội có khả năng tái sinh, làm cho người lãnh nhận được “sinh ra một lần nữa” trong ân sủng. Qua dòng nước này, người Kitô hữu được trở nên Nghĩa tử của Thiên Chúa, là anh chị em với nhau. Nếu nước của trận Hồng thuỷ thời Cựu ước đã huỷ diệt một nhân loại bị nhuốm màu tội lỗi để thiết lập một tạo thành mới tốt lành hơn, thì nước của Bí Tích Thanh Tẩy cũng nhấn chìm và huỷ diệt con người cũ, tái tạo con người mới trong Đức Ki-tô.

Tin Mừng Chúa nhật thứ I Thường Niên hôm nay nhắc đến một dòng nước ở sông Giođan, nơi CGS đã đến sau 30 năm sống âm thầm ở Nazareth. Bên dòng nước này, Chúa Giêsu đã chịu Phép Rửa từ tay Gioan, để bắt đầu sứ vụ Rao giảng Nước Thiên Chúa.

Dòng nước Giođan dù có trong xanh đến mấy, cũng đâu đủ sức rửa Thiên Chúa làm người. Thực ra chính Người tự rửa mình bằng sự khiêm nhường. Dìm mình vào dòng sông là chấp nhận đau khổ và chết đi. Cái chết chính là phép rửa như Ðức Giêsu đã nói với các Môn Đệ: “Thầy còn phải chịu một phép rửa và Thầy những bồn chồn chờ đến lúc hoàn tất” (Lc 12, 50).

Trong đêm Giáng Sinh, ta được chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống làm người. Làm một người bé nhỏ nghèo hèn như chưa đủ đối với tình yêu vô biên của Thiên Chúa, nên hôm nay Người lại hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống tận cùng xã hội nhân loại, khi đến xin Gioan làm phép rửa cho mình như một người dân tầm thường. Biết nói gì về Người bây giờ, nếu không phải là cúi đầu cảm phụctôn thờ sự khiêm hạ thẳm sâu của con Thiên Chúa làm người!

Nước sông Giodan có trong xanh đến mấy, cũng đâu đủ sức rửa Thiên Chúa làm người. Thực ra, chính Người tự rửa mình bằng sự khiêm nhường thẳm sâu. Một câu châm ngôn nói: “Không ai thấy được tình yêu. Người ta chỉ thấy được những bằng chứng của tình yêu”. Bằng chứng tình yêu của Chúa Giêsu đối với ta, đó là sự hạ sinh làm một em bé nghèo hèn yếu ớt. Đó là sự khiêm nhường hoà mình vào đoàn lũ tội nhân tới dìm mình trong dòng sông Giodan. Tình yêu đã thúc đẩy Người đi bước táo bạo, bất ngờ. Mượn dòng nước sám hối, xoá đi mọi khoảng cách còn lại giữa Thiên Chúa và con người.

Cử chỉ khiêm nhường của Người là một lời mời gọi ta. Nếu ta cảm thấy mình còn xa cách Chúa, hãy mạnh dạn tiến đến lãnh nhận phép rửa sám hối, để trở nên gần gũi với Người. Hãy rửa mình trong dòng lệ sám hối. Hãy tắm mình trong dòng nước khiêm cung:“Lễ dâng Chúa là tâm hồn sám hối. Một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50).

Khiêm nhường sám hối là quay trở về nhà Cha, sống trọn tâm tình của người con thảo hiếu. Khi khiêm nhường trở về, ta sẽ gặp được người Cha nhân hậu đang đứng chờ ta. Người sẽ nói về ta như nói về Chúa Giêsu hôm nay: Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. (Mc 1, 11).
 

SỰ KHIÊM HẠ CỦA CON THIÊN CHÚA

Lm Giuse Đinh Mạnh Cường

 

Hôm nay cùng với Hội Thánh, chúng ta bước vào mùa thường niên với lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, và với Lời Chúa được trích đọc trong phụng vụ, Giáo Hội muốn gởi đến chúng ta sứ điệp: “Sự Khiêm Hạ Của Con Thiên Chúa”, hầu giúp mỗi người sống ơn gọi của mình cách tốt đẹp hơn.

 

Khi bước vào cuộc trần chia sẻ phận người với nhân loại, Con Thiên Chúa hạ mình xuống, làm một con người như chúng ta : nhỏ bé, yếu ớt, nghèo hèn. Rồi ba mươi năm sống ẩn dật với nghề thợ mộc nơi làng quê Nazareth hẻo lánh. Như thế vẫn chưa đủ với tình yêu vô biên của Thiên Chúa nên hôm nay trong dòng sông Jordan (Sông Jordan, tiếng Do thái có nghĩa là đi xuống) Ngài lại tự hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống tận với những tội nhân, xuống tận đáy xã hội nhân loại khi mang lấy phận người tội lỗi. Khi dìm mình dưới dòng sông Jordan, Con Thiên Chúa Làm Người dường như muốn mượn làn nước để tẩy xóa đi tất cả những gì là dáng vẻ của một vì Thiên Chúa quyền uy cao trọng, Ngài như muốn dùng dòng nước để loại bỏ đi nhưng gì là ngăn cách để từ nay chỉ còn là Đấng Emmanuel Thiên Chúa ở với loài người, từ nay Thiên Chúa đã chọn trần gian làm chỗ cư ngụ, gắn chặt đời mình với nhân loại; dòng sông đã trở nên nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Trong Chúa Giêsu, trời nối liền với đất, cửa trời trước đây bị đóng lại bởi sự bất tuân của Adam thì nay đã được mở ra để Lời Hằng Hữu của Chúa Cha trên trời ngỏ với nhân loại qua một con người bằng xương bằng thịt và cũng để từ đó mỗi người chúng ta từng bước được nâng lên địa vị làm con Thiên Chúa.

Khi cúi mình trước vị Tiền Hô Gioan,      Chúa Giêsu đã chấp nhận dấn mình vào đáy thẳm tội lỗi, vì Ngài đứng về phe các tội nhân, vì Ngài muốn biến đổi nhân loại tận căn bằng lòng bao dung tha thứ, bằng sự chia sẻ cảm thông hơn là dùng uy quyền bên trên mà xét xử. Ngôi Lời Nhập Thể đã chấp nhận dấn mình vào đáy thẳm tội lỗi để gặp gỡ và phục hồi con người chúng ta nên những người con chí ái của Thiên Chúa.

Một điều nữa làm chúng ta ngỡ ngàng và cảm phục trước sự khiêm nhường tự hạ của Chúa Giêsu. Ngày khai mạc sứ vụ Cứu Thế, Đấng Messia mà muôn dân trông đợi đã không xuất hiện uy nghi hiển hách như một vị quân vương trước toàn dân, trái lại Ngài lặng lẽ như hòa mình vào hàng ngũ những tội nhân; Ngài không hiển hiện trước mọi người như một vì Thiên Chúa quyền uy, mà đến với trần gian trong tư cách của một Người Con. Sự tự hạ âm thầm ấy không chỉ nêu gương khiêm nhường hay khuyến khích lòng sám hối, mà còn là một nỗ lực của Thiên Chúa để được ở lại, được liên đới với phận người, để cùng với mỗi người chúng ta thực hiện cuộc hành trình đổi đời, bỏ đi những gì là xấu xa tội lỗi đang ràng buộc, níu kéo chúng ta, ngăn cản chúng ta sống yêu thương, công bằng và tha thứ.

Qua Bí tích Rửa tội, mỗi người chúng ta đã được thánh hóa để trở nên con Thiên Chúa. Xin cho mỗi người chúng ta biết tháp nhập cuộc đời vào Chúa Giêsu mỗi ngày để hành trình hoán cải và đổi đời của chúng ta tràn ngập niềm vui của tình liên đới, yêu thương, của cảm thông tha thứ, của phục vụ và sẻ chia, của những con người biết sống vì người khác, dám chấp nhận những thiệt thòi về phần mình để góp phần xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, hầu cho lời của Chúa Cha nói với Chúa Giêsu thuở nào bên dòng sông Jordan cũng đang nói với mỗi chúng ta “Con là Con yêu quý của Cha, Cha hài lòng về Con” như vậy.
 

CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA

(Mc 1, 6b-11)

Lm. Tôma A. Trần Bá Huy

 

            Kính thưa qobace, theo Năm Phụng vụ, lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa kết thúc Mùa Giáng sinh. Về lịch sử, sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa là bắt đầu cuộc sống công khai rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu sau 30 năm sống ẩn dật ở Nagiaret.

            Sự kiện mở đầu bao giờ cũng quan trọng. Chúng ta thường thấy những nhà lãnh tụ chính trị hay những người đứng đầu một tôn giáo; họ sẽ có một diễn văn long trọng trong ngày nhận một nhiệm vụ, một sứ vụ mới. Trong diễn văn đó họ trình bày tất cả những đường hướng sẽ thực hiện trong tương lai. Với Chúa Giêsu của chúng ta, không thấy một diễn văn rình rang nào cả. Thế nhưng, chính sự kiện Ngài chịu Phép Rửa là một hành động tiên báo sự khiêm hạ, sự yêu thương trong đường lối Ngài sẽ đi. Không biết qobace có thấy sự nghịch lý ở đây không?

Khi Thiên Chúa làm người, Ngài nên giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi, bởi tội đi ngược lại với bản tính Thiên Chúa. Thế nhưng ở đây Chúa Giêsu lại xếp hàng với đám tội nhân để xin thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa. Chính Gioan Tẩy Giả phải ngỡ ngàng kêu lên: “Chính tôi mới là người phải xin Ngài làm phép rửa cho tôi, làm sao Ngài lại đến đây xin tôi làm phép rửa được”.điều gì đấy khiến chúng ta thấy nghịch lý. Nhưng chính trong cái nghịch lý đó chúng ta khám phá ra được lối sống của Chúa Giêsu. Ngài không có tội, nhưng lại muốn chịu phép rửa như các tội nhân.

            Hình ảnh Chúa Giêsu chịu phép rửa giới thiệu một  Thầy Giêsu luôn gần gũi, luôn thông cảm, luôn yêu thương những người tội lỗi, kể cả những người thu thuế, gái điếm... Hình ảnh ấy còn báo trước việc Ngài sẽ chịu đóng đinh trên thập giá giữa hai tên trộm cướp, đồng hàng với với những tội nhân. Chúa Giêsu muốn liên kết với thân phận của chúng ta ngay trong cái bi đát nhất của con người, đó là tội lỗi. Khi Ngài thông cảm và yêu thương những tội nhân thì Ngài cũng thương cảm với những hệ lụy liên can đến tội. Bằng chứng, Ngài đã đi đến cùng, chết trên đồi Canvê. Cho nên các thánh giáo phụ ngày xưa nói phép rửa bằng nước trong Tin Mừng hôm nay là hình ảnh báo trước phép rửa bằng máu mà sau đó Chúa Giêsu cũng sẽ chịu trên đồi Canvê. Chính nhờ sự liên đới của Chúa Giêsu như vậy mà chúng ta được giải thoát khỏi tội, được đưa lên Trời với Ngài. “Khi nào Tôi bị treo lên khỏi đất, Tôi sẽ kéo mọi sự lên cùng tôi”.

Chúng ta thấy thánh Matthêu mô tả sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Ngài đi lên khỏi dòng sông, tầng trời mở ra, tiếng Chúa Cha tuyên phán và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài. Chúng ta nhớ lại câu chuyện trong sách Sáng thế; sau khi Adam, Eva phạm tội, hai ông bà bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, cửa trời khép lại và có thiên thần canh giữ không cho phép hai ông bà quay trở lại. Đối lập lại, khi Chúa Giêsu chịu phép rửa thì tầng trời mở ra, tiếng Chúa Cha tuyên phán và Thánh Thần ngự xuống. Nhờ Chúa Giêsu mà tất cả chúng ta khi lãnh nhận phép rửa, Thiên Chúa cũng nói với chúng ta như thế: “Đây là con ta yêu dấu. Chúng ta trở nên con của Thiên Chúa và con Hội Thánh.  

Như vậy con xin phép hỏi qobace: Trong thâm tâm chúng ta có thực sự cảm nhận hạnh phúc và niềm tự hào tôi được làm con Thiên Chúa, tôi thuộc về Hội Thánh không? Hay làm con của một doanh nhân, một người quyền lực nào đó thì mới hạnh phúc? Nếu chân thành với lòng mình chúng ta sẽ cảm thấy rằng: làm con của một nhà lãnh đạo cao cấp mình sung sướng hơn, làm con Bill Gates mình tự hào hơn. Bởi chắc chắn rằng chúng ta sẽ hưởng nhờ uy thế danh vọng và biết đâu  lại có địa vị cao trong xã hội? Làm con của một nhà tỷ phú chúng ta sẽ được sống trong xa hoa nhung lụa và được thừa kế tài sản kếch xù. Trong khi đó làm con Chúa được những gì? Có được những thứ con vừa kể không ạ? Quý obace hãy trả lời thật với lòng mình, đó cũng là cách nhìn nhận và đánh giá của chúng ta về cuộc sống của một Kitô hữu. Thường người ta đánh giá cuộc sống dựa trên hưởng thụ vật chất ít hay nhiều, cao hay thấp; người ta gọi là sống thực tế. Bối cảnh thời đại hôm nay hình thành nơi chúng ta một não trạng quan niệm rằng: thực tế là cái có thực, là cái hữu hình, cái tôi thấy và chạm đến được; còn những thứ tôi không đụng chạm được là những cái không có thực. Nghĩ như thế thì tình yêu là gì? Có ai nhìn thấy tình yêu hình thù thế nào và màu sắc ra sao không? Có ai nhìn thấy được hình dáng của hạnh phúc ra sao trong khi người ta từng giây từng phút cảm nhận niềm hạnh phúc! Sách Sáng thế kể về tổ phụ Apraham được Thiên Chúa mời gọi: Ông lên đường ra đi, ông ra đi như thể thấy Đấng vô hình. Đấng vô hình mà như thể Apraham thấy. Chính Đấng vô hình đấy là Đấng Hằng hữu. Hơn nữa, chính cái vô hình đấy làm nền tảng của cái hữu hình.

            Có câu chuyện thế này: Một người cha gọi đứa con đến và bảo: con đem trái đào ra, lấy dao gọt vỏ. Thằng bé gọt vỏ xong. Người cha hỏi: ở trong là gì? Dạ thưa cha: một lớp xốp ngọt và thơm lắm. Con bổ đôi trái đào, con thấy gì? Dạ thưa có hạt đào. Con bổ đôi cái hạt, con thấy gì?  Dạ thưa cha, không thấy gì hết. Người cha kết luận: Chính cái con không thấy nó làm nên cái con thấy là trái đào.

            Thưa qobace, một nhà tư tưởng khi phê phán chủ nghĩa vô thần đã nói thế này: Tôi không nhân danh Thiên Chúa nhưng tôi nhân danh con người. Tôi không phê phán anh vì anh không tin vào Thiên Chúa của tôi, chuyện đó là chuyện tự do của mỗi người. Nhưng tôi không chấp nhận được tư tưởng của anh, bởi cái tư tưởng ấy nó tước đoạt của con người giá trị thiêng liêng cao cả nhất. Nó tước đoạt cái chiều kích siêu việt của con người, cái chiều kích làm cho con người có một giá trị linh thiêng trong vũ trụ. Người ta không còn nhìn thấy cõi vô hình, không còn nhìn thấy những giá trị mà mình không thấy bằng mắt, không nghe bằng tai, không sờ bằng tay mà cảm nhận bằng lý trí và trái tim. Và như vậy làm sao cảm nhận hạnh phúc làm con Chúa, bởi nó trừu tượng. Hơn thế nữa, không những nó trừu tượng mà nhiều lúc chúng ta cảm nhận rằng làm con Chúa, đôi lúc bị mất đi niềm vui, tự do và hạnh phúc của mình. Giống như đứa con hoang đàng, nó không cảm thấy tự do và hạnh phúc khi ở nhà cha nó.

            Thưa qobace, lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa hôm nay, là dịp cho chúng ta ý thức lại Bí tích Rửa tội chúng ta đã lãnh nhận. Như lời thánh Phaolô tông đồ nói: “Phép rửa không phải đổ nước một lần là xong, mà chịu dìm mình vào trong sự chết của Chúa Giêsu, để như Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, thì tôi, tôi cũng đứng dậy trong đời sống mới mỗi ngày và suốt cuộc đời”.

            Trong niềm tin tưởng và phó thác chúng ta hãy sống lại Bí tích Thánh tẩy qua việc tuyên xưng đức tin vào Chúa và Giáo Hội. Kinh mời cộng đoàn đứng.

             

ĐỨC GIÊ-SU LÀ ĐẤNG CỨU ĐỘ

Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông

 

Is 55,1- 11 I-sai-a loan báo cho người Do thái tin vui là kiếp lưu đày sắp chấm dứt.

Tv 26,1 Lạy Thiên Chúa, xin hãy chúc lành và ban bình an cho dân Chúa

1Ga 5,1-9 Đức Giê-su đến trần gian nhờ nước và máu

Mc 1,7-11 Phép Rửa của Đức Giê-su

 

1. HỎI: Các bài đọc liên kết với nhau như thế nào?

THƯA: ĐỨC GIÊ-SU LÀ ĐẤNG CỨU ĐỘ. Như Tiên tri I-sai-a đã loan báo (BĐ1), phép Rửa của Đức Giê-su khai mạc sứ vụ công khai được Thiên Chúa Cha xác nhận: nơi Ngài giao ước với vua Đa-vít đã hoàn thành (BTM), và thực hiện ơn cứu chuộc bằng Nước và Máu (BĐ2).

2. HỎI: Bối cảnh bài đọc một (Is 55, 1-11) như thế nào?

THƯA: Bài đọc một trích từ phần cuối sách Đệ nhị I-sai-a (40-55), nội dung hoàn toàn hướng về lúc cuối thời Lưu đày và cuộc trở về đất hứa. Các chương 40-55 sách I-sai-a thường được gọi là Sách An ủi (hay Đệ nhị I-sai-a). Đó là những lời sấm được gửi đến những người lưu đày trở về từ Ba-by-lon nhằm mục đích củng cố lòng tin của họ trước thực tế đầy thử thách.

3. HỎI: Trong bài đọc một Tiên tri I-sai-a nói với ai?

THƯA: Tiên tri I-sai-a nói với những người Do thái đang tuyệt vọng. Bị lưu đày sang Ba-by-lon trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt, dân Ít-ra-ên bị cám dỗ tin rằng Thiên Chúa đã dứt khoát từ bỏ họ. Nhiều người còn tự hỏi rằng mình còn có thể hi vọng Thiên Chúa tha thứ và tái lập họ làm Dân của Ngài không.

4. HỎI: Tiên tri đã nói với họ như thế nào?

THƯA: Trước tình thế ấy tiên tri mời gọi mọi người hãy mau trở về với Thiên Chúa, vì Người là Đấng giàu lòng xót thương và hay tha thứ. Đồng thời tiên tri cố gắng vực lên niềm hi vọng và để giúp họ đừng đánh mất lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, tiên tri nhắc lại rằng Thiên Chúa yêu thương bằng một Tình yêu không biên giới. Sự tha thứ của Người cũng vô hạn.

5. HỎI: Qua đó, tiên tri dạy cho dân điều gì?

THƯA: Tiên tri dạy cho dân bốn điều quan trọng sau đây: một là Ơn ban nhưng không của Thiên Chúa, hai là chiến đấu chống lại thờ ngẫu tượng, ba là tin tưởng vào Thiên Chúa, và bốn là Thiên Chúa tín trung với Giao ước của Người.

6. HỎI: ‘Ơn ban nhưng không’ của Thiên Chúa như thế nào?

THƯA: Với những người dân Ít-ra-ên bị lưu đày đói khát khốn khổ bên đất khách, Tiên tri I-sai-a dùng hình ảnh những bữa ăn thịnh soạn để nói về ơn ban nhưng không của Thiên Chúa: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây.. đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào”. Ngài ban cho họ theo lượng từ bi bao la của Ngài.

7. HỎI: Bài đọc nói về việc chống lại việc thờ ngẫu tượng như thế nào?

THƯA: Cám dỗ thờ ngẫu tượng nơi những người bị lưu đày không phải đã chấm dứt. Trái lại dường như thần linh của bên chiến thắng lại có vẻ mạnh hơn! Vì thế tiên tri khuyến dụ dân đừng tìm kiếm hạnh phúc nào khác ngoài Thiên Chúa: “Tại sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng?” Chỉ có Thiên Chúa mới nắm giữ chìa khóa hạnh phúc và tự do của chúng ta.

8. HỎI: Thiên Chúa muốn nói gì khi phán dạy: “Hãy lắng nghe ta thì các người sẽ được sống”?

THƯA: Thiên Chúa muốn dân phải tin tưởng vào Thiên Chúa, phải lắng nghe và thực hành lời Người dạy, luôn gắn bó với Người thì họ sẽ được sống.

9. HỎI: Thiên Chúa nhắc đến điều gì khi nói: “Ta sẽ thiết lập với các người một giao ước vĩnh cửu?

THƯA: Thiên Chúa nhắc lại những lời Người hứa với Vua Đa-vít qua tiên tri Na-than (2S 7). Ngay từ những ngày đầu tiên của vương quốc, Người hứa từ dòng dõi Đa-vít sẽ xuất hiện một đấng Mê-si-a sẽ vĩnh viễn mang lại tự do và hòa bình cho dân Người.

10. HỎI: Các tiên tri Cựu ước nói gì về Thiên Chúa hay thương xót?

THƯA: Khám phá Thiên Chúa dịu hiền và hay thương xót là điều thường thấy nơi các Tiên tri. Như tiên tri Hô-sê cho thấy tâm tình của Thiên Chúa: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Ép-ra-im nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ” (11, 8-9). Còn tiên tri Giê-rê-mi-a loan báo chương trình yêu thương của Người: “Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA -, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng” (29, 11).

11. HỎI: Qua sự hướng dẫn các Tiên tri, dân Ít-ra-ên khám phá điều gì nơi Thiên Chúa?

THƯA: Dân được biết rằng Thiên Chúa là Đấng Cao cả, là Đấng Hoàn toàn Khác: “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng cao hơn tư tưởng các người chừng ấy” (Is 55, 9). Nhưng đồng thời cũng là Đấng rất gần với con người: “Người sẽ rộng lòng tha thứ” (Is 55, 7).

12. HỎI: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi” có nghĩa gì?

THƯA: Cho thấy khoảng cách vô cùng lớn giữa Thiên Chúa và con người. Lời ấy mời gọi chúng ta phải khiêm nhường khi nói về Thiên Chúa, và khoan dung đối với cách mà người khác nói về Người, vì không ai trong chúng ta có thể tự hào mình dò biết được tư tưởng của Người.

13. HỎI: Các câu 10-11 nói gì?

THƯA: Các câu 10-11 muốn nhấn mạnh đến tính hiệu nghiệm của Lời Chúa.Tiên tri bảo đảm như thế làđể cho dân vững tin vào lời hứa được giải thoát khỏi ách lưu đày, được trở về quê hương, xây dựng lại Đền thờ và Thành thánh.

14. HỎI: Tiên tri I-sai-a dùng hình ảnh gì để nói về sự hiệu nghiệm của Lời Chúa?

THƯA: Tiên tri I-sai-a dùng hình ảnh cơn mưa: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55,10-11).

15. HỎI: ‘Sứ mạng ta giao phó’ là sứ mạng gì?

THƯA: Sứ mạng của Lời Chúa là sứ mạng loan báo ơn tha thứ cho không của Thiên Chúa. Người là Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.giao hòa nhân loại với Người. Sau nầy thánh Phao-lô cũng cho viết điều tương tự: “(Thiên Chúa) muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2, 4).

16. HỎI: Sau Đức Giê-su, ai là người được giao cho sứ mạng ấy?

THƯA: Sau Đức Giê-su, các tông đồ được sai đi làm sứ giả hòa giải: “Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Ki-tô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải” (2Cr 5, 18).

17. HỎI: Bài đọc một (Is 55, 1-11) có liên hệ gì đến việc Đức Giê-su chịu phép rửa không?

THƯA: Bài đọc một có nhắc đến nước phép Rửa là cửa dẫn vào trong dân giao ước mới: hình ảnh bữa tiệc cũng thường thấy trong Kinh Thánh để gợi lại Giao ước mới mà Thiên Chúa muốn kí kết với Dân Người. Chính trong Đức Giê-su giao ước mới ấy được thực hiện.

18. HỎI: Ngữ cảnh đoạn tin mừng (Mc 1,7-11) như thế nào?

THƯA: Đoạn Tin mừng nầy mở đầu sách Tin mừng Mác-cô (1-15) nhằm giới thiệu Đức Giê-su và cung cấp mọi thông tin cần thiết để hiểu cuộc đời dương thế của Ngài. Tám câu đầu tiên cho biết mối tương quan của Đức Giê-su với Gio-an Tẩy giả đồng thời đề cao sự trổi vượt của Ngài (1-8).

19. HỎI: Gio-an Tẩy giả là ai?

THƯA: Gio-an Tẩy giả là con của ông Da-ca-ri-a bà Ê-li-sa-bết, chị em họ với Đức Maria. Đứa bé nầy được cha mẹ trông đợi từ lâu. Khi vừa mới sinh ra, Gio-an đã nhận ra Đức Giê-su như là đấng Cứu độ và nhảy mừng trong lòng mẹ khi Đức Maria đang mang thai Đức Giê-su đến viếng thăm. Lúc bấy giờ ông Da-ca-ri-a được đầy Chúa Thánh Thần, dâng lên một khúc ca chúc tụng ngài (Lc 1, 68-79). Ông là tiên tri cuối cùng và lớn nhất trong các tiên tri, có nhiều đồ đệ đi theo học hỏi với mình.

20. HỎI: Phép Rửa trong Do thái giáo có nghĩa gì?

THƯA:  Phép rửa thanh tẩy Do thái không phải là nghi thức mang lại sự thanh tẩy hay sự công chính hoá mà chỉ là một biểu hiện bên ngoài và có tính xã hội của một sự trở về nội tâm, được hiểu như là chết cho bản thân và cho tội lỗi mình đã phạm.

21. HỎI: Mác-cô cho thấy sự trổi vượt của Đức Giê-su đối với Gio-an Tẩy giả như thế nào?

THƯA: Sự trổi vượt của Đấng Thiên sai được tập trung và biểu lộ trong sự trổi vượt của phép rửa do Ngài thực hiện: trong khi Gio-an thanh tẩy bằng nước nhằm giúp cho hối nhân ý thức về sự cần thiết phải được Thiên Chúa cứu độ, thì Đức Giê-su sẽ làm phép rửa bằng Thánh Thần, Thần khí của Thiên Chúa, Thần khí thánh thiện và sự sống, và chính vì điểm nầy mà Ngài sẽ tỏ ra là người mạnh nhất.

22. HỎI: Phép Rửa của Gio-an Tẩy giả có ý nghĩa gì?

THƯA: Có ý nghĩa như là một thanh tẩy để chuẩn bị đón nhận ơn cứu độ mà Đức Giê-su sẽ mang đến (Ngài sẽ rửa anh em trong Thánh Thần). Chúng ta sẽ nhận được ơn cứu rỗi ấy khi tin vào Đức Ki-tô và lãnh nhận các bí tích mà Ngài thiết lập.

23. HỎI: Thanh sạch có nghĩa gì?

THƯA: Thanh sạch có nghĩa là tinh tuyền, không pha trộn, không vương vấn. Tâm hồn thanh sạch là hoàn toàn hướng về Thiên Chúa, và quay lưng với ngẫu tượng.

24. HỎI: Như vậy con người có thể thực hiện việc tinh luyện không?

THƯA: Không, con người tự sức mình không thể thanh luyện được vì không nằm trong khả năng của chúng ta. Đó là việc của Thiên Chúa. Để thanh luyện mình, thánh Gio-an loan báo Thiên Chúa ban Thánh Thần cho chúng ta. Chúng ta chỉ có việc để cho Người hành động và nhận lãnh ơn Thiên Chúa.

25. HỎI: Bởi đâu mà Đức Giê-su trổi vượt hơn ông Gio-an Tẩy giả?

THƯA: Sự trổi vượt của Đấng Thiên sai được tập trung và biểu lộ trong phép rửa do Ngài thực hiện: trong khi Gio-an thanh tẩy bằng nước nhằm giúp cho hối nhân ý thức về sự cần thiết phải được Thiên Chúa cứu độ, thì Đức Giê-su sẽ làm phép rửa bằng Thánh Thần, Thần khí của Thiên Chúa, Thần khí thánh thiện và sự sống, và chính vì điểm nầy mà Ngài sẽ cho thấy là kẻ mạnh nhất.

26. HỎI: Tại sao Đức Giê-su xin Gio-an làm phép Rửa cho mình?

THƯA: Đức Giê-su muốn đứng về phía đám đông dân chúng và xin chịu phép rửa. Được Thiên Chúa sai đến giữa trần gian trong thân phận con người tội lỗi (x.Rm 8, 3), Ngài chấp nhận chịu phép Rửa của Gio-an Tẩy giả, vốn là nghi thức nói lên sự chết và sám hối để được tha tội. Nhưng khác với các cư dân thành Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su không thú nhận tội lỗi lúc chịu phép rửa. Ngài chỉ đón nhận sự chết khống chế toàn bộ sứ vụ của Ngài. Phép Rửa của Đức Giê-su loan báo sự chết của Ngài trên cây Thập giá (10, 38).

27. HỎI: Thánh Mác-cô muốn diễn tả điều gì khi cẩn thận ghi chú: “Vừa lên khỏi nước”?

THƯA: Ngang qua cách nói ấy, thánh sử Mác-cô muốn nói rằng Đức Giê-su từ dòng sông Gio-đan đi lên như đi ra khỏi dòng nước sự chết, đó là một ám chỉ đến sự phục sinh của Ngài.

28. HỎI: Cụm từ “trời mở ra” có ý nghĩa gì?

THƯA:Trời mở ra” là hình ảnh cho thấy một cuộc hiệp thông đang diễn ra giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người. Tiên tri I-sai-a cho thấy niềm khao khát của con người được thông hiệp với Thiên Chúa sau thời gian dài xa vắng qua lời cầu khẩn nầy: “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống” (Is 63, 19). Từ nay khai mào một sự hiệp thông mới giữa trời và đất.

29. HỎI: Chúa Thánh Thần ngự xuống “như chim bồ câu” muốn nói điều gì?

THƯA: Qua kiểu diễn tả đó, Thánh Mác-cô muốn cho thấy cách mà theo đó Thánh Thần được ban xuống giúp ta hiểu được ý nghĩa của sứ mạng giao phó cho đấng được Thiên Chúa sai đến. Ở đây có thể Mác-cô muốn qui chiếu đến thần khí bay là là trên mặt nước nguyên thủy lúc tạo dựng (St 1, 2), nhưng có lẽ đúng hơn, ám chỉ đến hình ảnh chim bồ câumà ông No-ê thả ra sau Hồng thủy. Chim câu biểu hiện sự dịu dàng, tình yêu và lòng nhân hậu nhưng đồng thời cũng gợi lên sự than khóc vì đau khổ. Ý tưởng nầy còn được củng cố bởi việc chim câu là loài chim duy nhất được dùng trong hy tế. Do đó, hình ảnh chim câu hướng tới một sứ vụ tình yêu được thể hiện trong đau khổ và hy tế.

30. HỎI: Tiếng Chúa Cha “Nầy là Con yêu dấu của Cha” có nghĩa gì?

THƯA: Tiếng từ trời áp dụng cho Đức Giê-su lời thánh vịnh 2, 7 thường được dùng trong nghi lễ nhà Vua lên ngôi: ‘Con là Con Ta’. Tính từ “yêu dấu” có thể ám chỉ đến I-xa-ác được hiến tế (x. St 22, 2.12.16 và Hr 11, 17-19). Điều ấy đặc biệt chỉ ra rằng Đức Giê-su là Con Một duy nhất và tương quan với Cha là tương quan tình yêu.

31. HỎI: “Con đẹp lòng Cha” có ý nghĩa gì?

THƯA: Cụm từ: “Con đẹp lòng Cha” là một ám chỉ đến Người Tôi tớ của Thiên Chúa được loan báo trong Is 42, 1 (x. bài đọc một giải thích ở trên) sẽ hoàn thành sứ vụ trong đau khổ. Đức Giê-su vừa chịu phép Rửa như bao nhiêu người Do thái khác, không phải để thanh tẩy, vì Ngài không bao giờ phạm tội, nhưng để mở ra con đường phép Rửa tha tội trong Thánh Thần. Được Rửa trong Thánh Thần tức là được trở nên con Thiên Chúa được Thiên Chúa Cha yêu dấu. Qua Đức Giê-su, Thiên Chúa đề ra cho mọi người biết con đường trở thành Con yêu dấu của Người.

32. HỎI: Như thế trình thuật Đức Giê-su chịu phép Rửa cho biết thế nào về sứ vụ của Đức Giê-su?

THƯA: Như thế ngang qua các hình ảnh, lời nói và ám chỉ, ý nghĩa sứ vụ của Đức Giê-su được sáng tỏ: một sứ mạng dịu hiền và yêu thương, thực hiện ngang qua sự hạ mình trong đau khổ và sự chết, nhưng mang lại vinh quang trên Ngai vàng.

33. HỎI: Nội dung bài đọc hai (1Ga 5,1-9) như thế nào?

THƯA: Đức tin đổi mới hoàn toàn cái nhìn của chúng ta về thế gian. Nó giúp chúng ta nhìn mọi sự trong ánh sáng của Tình yêu nơi Chúa Giê su. Nếu chúng ta nhìn nhận nơi Ngài là Đấng diễn tả tình yêu Thiên Chúa Cha, thì chúng ta được bước vào một thế giới mới, chúng ta sẽ sống bằng tình yêu và chúng ta sẽ chế ngự được các mãnh lực của sự Dữ.

34. HỎI: Sống Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Bất cứ ai được Thiên Chúa sinh ra đều là kẻ chiến thắng thế gian, và điều giúp chúng ta chiến thắng thế gian chính là đức tin. Thánh Thần ban cho chúng ta trong phép Rửa sẽ giúp chúng ta chiến thắng các khuynh hướng xấu làm chúng ta xa rời tình yêu Thiên Chúa. Xin Chúa củng cố nièm tin ấy cho chúng ta. 2. Qua phép Rửa chúng ta lãnh nhận, chúng ta được mời gọi sống tình yêu Thiên Chúa đã ban cho chúng ta bằng đời sống chứng nhân phục vụ anh em mình. Đó cũng là cách loan truyền tin mừng cách hùng hồn nhất.

GLCG 535719-720 701 438.  Đức Giê-su khởi đầu (x. Lc 3,23) cuộc đời công khai bằng phép rửa do thánh Gio-an trên sông Gio-đan (x. Cv.1,22). Thánh Gio-an rao giảng "phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội" (Lc 3,3). Rất nhiều người tội lỗi, thu thuế, lính tráng (x.Lc 3,l0-l4), Pha-ri-sêu và Xa-đốc (x.Mt 3,7), cùng gái điếm (x.Mt 2l,32) đến xin người rửa cho. "Bấy giờ Đức Giê-su xuất hiện". Vị Tẩy Giả ngần ngại, nhưng Đức Giê-su tha thiết yêu cầu, và thế là thánh Gio-an rửa cho Người. Lúc ấy, Thánh Thần dưới hình chim bồ câu ngự xuống trên Người và có tiếng từ trời phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta" (Mt 3, 13-17). Qua biến cố này Đức Giê-su tỏ mình (Hiển Linh) là Đấng Mê-si-a của Ít-ra-en và là Con Thiên Chúa.

536606 1224 444 727 739. Đối với Đức Giê-su, phép rửa chính là việc Người chấp nhận và khởi đầu sứ mạng làm người Tôi Tớ Đau Khổ. Người đặt mình vào hàng ngũ tội nhân (x.Is 53,12); Người là "Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian"(Ga 1,29); như thế Người đã tiền dự "phép rửa bằng máu" (x. Mc 10,38; Lc.12,50). Người đến để "chu toàn mọi lẽ công chính"(Mt.3,15), nghĩa là hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha: vì tình yêu, Người bằng lòng chịu phép rửa bằng máu để tha thứ tội lỗi chúng ta (x.Mt 26,39). Đáp lại sự vâng phục này, Chúa Cha bày tỏ sự hài lòng đối với Chúa Con (x.Lc 3,22; Is 42,l). Thánh Thần mà Đức Giê-su đã được đầy tràn lúc tượng thai "ngự xuống trên Người" (Ga 1,32-33) (x.Is, 11,2). Người sẽ là nguồn mạch Thánh Thần cho toàn thể nhân loại. Lúc Người chịu Phép Rửa, các tầng trời mà tội A-đam đã đóng lại, nay "được mở ra" (Mt 3,16), và dòng nước được thánh hóa do việc Đức Giê-su và Thánh Thần ngự xuống báo hiệu cuộc sáng tạo mới.


 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...